Phần 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phần thứ 3

      Một giờ sau khi hạm đội Kido Butai ra khỏi vùng băng giá của vịnh Hitokappu , Thiếu tá Hải quân Wilfred J.Homes , người phụ trách công tác theo dõi mọi di chuyển của chiến hạm Nhật Bản , báo cáo lên thượng cấp , tổng hành dinh ở Trân Châu Cảng rằng 6 hàng không mẫu hạm của địch vẫn còn quanh quẩn “trong vùng biển của họ”. Nhưng sau đó , một báo cáo khác , Homes lại thú nhận rằng họ đã mất dấu của những mẫu hạm này . Và sau đó , ngày lại ngày qua họ chẳng còn dò tìm được tung tích của những mẫu hạm ấy nữa .

  Thiếu Tá Edward T.Layton lập tức chuyển tin này lên Đô Đốc Kimmel . Đô Đốc hỏi như nửa đùa nửa thật “Thiếu Tá cho rằng họ đang bao vây Diamond Head và Thiếu Tá cũng chẳng biết được nữa ư ?”

  Vài dặm cách đấy , tại Honolulu , Tổng lãnh sự Kita vừa nhận được một điện văn gửi đến từ Đông Kinh . Bức điện văn như sau :

  “Lưu tâm đến những vấn đề sau : hiện trong cảng đang có những hàng không mẫu hạm nào và bao nhiêu chiến hạm bỏ neo ? Việc này rất hệ trọng . Quan sát trên không phận Trân Châu Cảng nếu có thả hàng rào bong bóng phòng không đồng thời dò xét những chiến hạm đang thả neo xem có phòng bị lưới chống thủy lôi . Cố gắng gửi báo cáo về từng ngày …”

  Bức điện văn này lời lẽ quá lộ liễu không khác nào một lời cảnh báo tấn công Trân Châu Cảng , nếu ai vô tình đọc được nó dù là một thường dân cũng có thể hiểu ngay được . Nó bị phát giác ở Hạ Uy Di và gửi thẳng về Hoa Thịnh Đốn để giải mã , nhưng từ khi Hạ Uy Di được xem không có dính dáng gì đến việc thương thuyết giữa Nhật và Hoa Kỳ thì những bức điện tín loại này không được liệt vào hàng tối quan trọng nên bị người ta quên lững nó đi . Chẳng riêng gì một bức điện bị bỏ quên , sở tình báo còn chận bắt được một bản đồ Trân Châu cảng và đầy đủ chi tiết dẫn giải . Thiếu Tướng Sherman Miles , chỉ huy trưởng tình báo quân đội lại hiểu lầm nên cho rằng Hải quân đã dặn dò bảo phe lục quân không cần thiết phải quan tâm đến , vì kèm theo bản báo cáo ấy , ông trưởng phòng tình báo Hải quân là Thiếu Tá Kramer chỉ đánh dấu “một hoa thị” để nói lên sự “quan tâm” thay vì “hai hoa thị” ám chỉ cho “tối khẩn” . Về phần Kramer thì ông chỉ coi đó đơn thuần là “một âm mưu đen tối nào đó trong lĩnh vực công tác ngoại giao của Nhật Bản được đơn giản hóa trong việc thông tin với nhau

  Bernard Baruch , một viên cố vấn không chính thức của Roosevelt và cũng là một người bạn chí thân của Churchill , ông đang ở trong căn phòng của một khách sạn sang trọng tại Hoa Thịnh Đốn bàn chuyện với Raoul Desvernine , luật sự đại diện cho nghiệp đoàn Mitsui . Vị luật sư này bảo rằng viên công sứ đặc biệt Saburo Kurusu rất muốn được thỉnh thị ý kiển trực tiếp từ Tổng Thống Roosevelt thay vì phải qua trung gian của Ngoại Trưởng Hull , và nhờ Baruch giúp đở nếu có thể . Baruch liền chuyển lời đến Trung Tướng Adwin Watson , một trong những vị thư ký riêng của Roosevelt . Không bao lâu sau đó , Watson điện thoại đến Baruch và báo rằng Tổng Thống từ chối không muốn gặp Kurusu trừ phi có sự hiện diện của Ngoại Trưởng Hull bên cạnh .

  Hôm sau , 03 tháng 12 , Baruch đến gặp luật sư Desvernine và Kurusu tại khách sạn Mayflower . Kurusu long trọng tuyên bố rằng chính ông và toàn thể nhân dân Nhật Bản cùng Thiên Hoàng kính yêu của họ , tất cả đều khao khát có được một cuộc sống hạnh phúc hòa bình , nhưng khổ một nỗi những vị chỉ huy quân sự lại “cầm sẳn hai tay hai cây súng , đạn đã lên nòng … và nhất định bóp cò cho bằng được” . Chiến tranh có thể ngăn chận lại được nếu Tổng Thống cho phép chúng tôi được tương kiến , nhưng chỉ tương kiến với Ngài thôi chứ không có sự hiện diện của “một con người không thân thiện và bất tín nhiệm” như Ngoại Trưởng Hull . Kurusu còn cho biết ông ta có thể dùng ba tấc lưỡi để thuyết phục phe quân đội hiếu chiến và tự mình cầu khẩn Thiên Hoàng , để xin ông mời Roosevelt làm trung gian giải quyết mọi rắc rối giữa Nhật Bản và Trung Hoa . Kurusu còn nhấn mạnh thêm , việc quan trọng là cuộc đàm phán vẫn tiến hành và cách tốt nhất để đạt hiệu quả là nếu Roosevelt gửi ngay một vị đại diện như Harry Hopkins đến Nhật Bản .

  Baruch hứa rằng sẽ chuyển tất cả những gì Kurusu đã bàn đến tòa Bạch Ốc .

  Một phái viên hòa bình khác , E.Stanley Jones , một nhà truyền giáo lỗi lạc thuộc Hội Giám Lý (một giáo phái xuất phát ở Anh Quốc) cũng đang cố gắng diện kiến Roosevelt để trình lên một đề nghị hòa bình tương tự . Ông điện thoại đến Tòa Bạch Ốc và khẩn cầu xin được lấy hẹn đến gặp Tổng Thống . Và ông được Roosevelt gọi vào tức thì .

  Ở đây Tổng Thống cho Jones biết là chính ông đã từng cân nhắc rất thận trọng khi muốn viết một lá thư riêng cho Nhật Hoàng Hirohito nhưng cho đến bây giờ ông vẫn còn lưỡng lự chưa quyết định , bởi lẽ ông không muốn mất lòng những vị đại diện ngoại giao Nhật đang có mặt tại Hoa Thịnh Đốn . “Làm như thế như thể mình coi họ không ra gì cả , vì thế tôi vẫn suy nghĩ mãi không biết nên hay không”

  Jones nói “Cũng vì lẽ đó mà tôi phải đích thân đến gặp Tổng Thống đây” . Rồi căn cứ theo một ý kiến bắt nguồn từ Kurusu và Nomura mà họ đã bàn bạc từ trước , Jones tiếp “Họ đã nhờ tôi đến để yêu cầu Tổng Thống gửi một bức điện tín cho Hirohito . Họ đã bảo đảm sẽ không có ai phát giác ra được để bảo rằng Tổng Thống và Hirohito “bước qua đầu của chính phủ họ mà đi” . Họ còn bảo đầu của họ dầu sao cũng chẳng “đáng giá gì cho lắm” .

  Roosevelt cũng cười tươi nói “Thế thì tốt . Tôi có thể làm việc này

  Jones còn cẩn thận nhắc nhở Roosevelt chớ nên gửi theo đường ngoại giao mà hãy gửi thẳng đến dinh Nhật Hoàng , chỉ có cách đó nếu không bức điện ấy sẽ chẳng bao giờ đến tay ông ta được . Jones ghé tai Tổng Thống nói “Tôi vốn chẳng biết tí ti gì về nội tình của quốc gia họ nhưng nghe họ dặn như thế thì tôi cho Tổng Thống biết thế mà thôi

  Tổng Thống suy nghĩ một chốc rồi nói “Tôi đã nghĩ ra rồi . Bây giờ tôi đi ngay xuống phòng điện tín và bảo : Tôi , Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ muốn đánh một bức điện tín đến Thiên Hoàng của Nhật Bản . Tôi sẽ gửi đến cho Đại Sứ Grew và ông ta sẽ đích thân trao lại cho Hirohito . Và đợi 24 tiếng đồng hồ sau nếu không nghe hồi âm đến từ Đông Kinh tôi sẽ có hành động bắt buộc họ phải trả lời cho bằng được

  Bức điện tín theo lẽ sẽ gửi trong nội nhật hôm ấy nếu nó không phải chờ đợi Hull ghé mắt trông vào . Vẫn một thái độ mập mờ khó hiểu , Hull cãi lý rằng điều đình thẳng với Hirohito chỉ là một phương sách cuối cùng vì người ngự chiếc Ngai vàng ấy chỉ là một con bù nhìn trước sự khống chế của Nội các Tojo . Hơn nữa , một khi bức điện này được công bố ra thì chỉ làm cho chính phủ họ thêm phẫn nộ vì bị người ta “bước qua đầu mà đi” và một điều sĩ nhục hơn nữa là Hoa Kỳ đã tỏ ra yếu kém trước một tiểu quốc da vàng .

   Bên kia nửa vòng trái đất , Tướng Tomoyuki Yamashita đang ngồi đọc những mật lệnh tấn công cho những sĩ quan tư lệnh sư đoàn và các vị chỉ huy những chi đội biệt lập . Họ ngồi chăm chú lắng nghe , khi đuợc nhận thức rõ vận mệnh của Nhật Bản đang bị đe dọa trầm trọng , nước mắt họ pha đầy trên mỗi khuôn mặt sạm đen vì sương gió sa trường .

  Ba cuộc đổ bộ được lên kế hoạch vào lúc rạng đông ngày 08 tháng 12  tại bờ biển phía đông bán đảo Mã Lai . Hai toán trên đất Thái : Pattani và Singora , một toán khác trên lãnh thổ Mã Lai : Kota Bharu . Như một giấc mơ đầy cảm hứng , Đại Tá Tsuji có ý định sử dụng lãnh thổ trung lập Thái Lan làm bàn đạp để tấn công Mã Lai . Ông vẽ một chiến thuật táo bạo mô phỏng theo “chiến thuật con ngựa thành Troa” . Một nghìn binh sĩ Nhật ngụy trang theo quân phục Thái sẽ đột nhập chung quanh khu vực Singora và la cà trong các quán cà phê hoặc quán bar . Sau đó họ lại khéo léo cho tập trung từ 2 đến 30 chiếc xe buýt trưng dụng cho quân đội , kéo nhau lên xe và không quên mang thêm mấy ả má phấn môi hồng rồi trực chỉ biên giới Mã Lai . Cứ tay vẫy quốc kỳ Thái Lan và Anh quốc và miệng không ngừng chữi rủa lính Nhật tàn bạo dã man lại hoan hô lính Anh không dứt . Có như thế mới có thể qua mặt được bọn an ninh nơi biên giới , và tất nhiên họ sẽ mở cửa biên giới cho đoàn xe buýt với nghìn lính Nhật lọt vào đất Mã Lai một cách êm thắm đàng hoàng .

  Bình minh hôm sau , 04 tháng 12 , một đoàn tàu 26 chiếc rời đảo Hải Nam di chuyển về hướng Nam đến bán đảo Mã Lai . Biển yên gió lặng , Đại Tá Tsuji ra đứng trên mũi thuyền chỉ huy đưa mắt nhìn xa xa về cuối trời , nơi ấy vầng dương mới vừa ló dạng . Một màu đỏ thẫm e ấp thẹn thùa sau lớp mây mỏng giăng giăng . Tsuji nhìn khối đỏ tận chân mây ấy mà hình dung ra nét mặt hiền hòa của bà mẹ kính yêu , người vợ trẻ ngày mong đêm nhớ và đàn con thơ dại đang dõi mắt chờ cha nơi quê nhà xa diệu vợi . Trời sáng tỏ dần , cảnh vật quang đãng , chung quanh Tsuji chẳng có gì ngoài trời và nước mênh mông một màu . Nếu không có tiếng của động cơ rì rầm bên tai , không có những bộ quân phục màu ô liu và những ụ súng nằm bất động lạnh lùng kia thì sự im ắng của đại dương trong buổi sớm tinh mơ phẳng lặng , những chiến binh trên đường xông trận này có thể quên đi nhiệm vụ trong một khoảnh khắc nào đó để liên tưởng rằng mình đang sống trong một thế giới yên tĩnh thanh bình .

  Cũng một buổi chiều cùng ngày , chính phủ Đông Kinh cho triệu tập một phiên họp đặc biệt , cùng quyết định ngày giờ gửi tối hậu thư cho Ngoại Trưởng Hull . Phó Đô Đốc Seiichi Ito thì đồng ý ở thời điểm 12 giờ 30 chiều ngày 07 tháng 12 , giờ Hoa Thịnh Đốn . Riêng Thủ Tướng Tojo và Ngoại Trưởng Togo thì nghĩ rằng nên chuyển giao tối hậu thư trước khi tấn công . Trao đổi một lúc , họ đồng ý với Phó Đô Đốc Ito , tức là 12 giờ 30 chiều ngày 07 tháng 12 .

  Theo ý kiến của Togo thì nó không hẳn là một tối hậu thư , chỉ đơn thuần một lá thư thông báo việc thương thuyết đã kết thúc ; bản dự kiến do chính ông soạn thảo đã mang lại niềm đắng cay chung cho dân tộc và càng có lý do chính đáng để phẫn nộ sau khi nhận được thư trả lời dứt khoát của Ngoại Trưởng Hull , nhưng Nhật Bản đã cố gắng im lặng để xoa dịu nỗi bất bình “Một mặt khác , chính phủ Hoa Kỳ vốn cứng ngắt luôn bám lấy cái thuyết cỗ hủ là bất chấp thực tế , không bao giờ chịu nhường một bước trong cái nguyên tắc thiếu thực tế của họ . Cũng vì một nguyên nhân không đáng này đã gây chậm trễ cho việc đàm phán” . Và kết thúc bằng cách Nhật Bản rất lấy làm tiếc nuối khi bắt buộc phải lên tiếng “Bởi quan điểm của Hoa Kỳ nên tất cả phải chấm dứt , không thể nào đạt được một thỏa hiệp chung nếu cứ tiếp tục thương thuyết”

  Có một vài người vẫn mang hy vọng là vẫn còn có cơ hội thương thuyết , nhưng đa số thì cho là tất cả đã quá trễ . Thời gian không còn cho phép lo việc đàm phán nữa , bây giờ đến lúc chuẩn bị tuyên chiến là vừa .

  Để đề phòng không bị địch phát giác , mọi mật mã liên lạc của Hải quân Nhật đã được thay đổi toàn bộ . Cho đến bây giờ cơ quan tình báo Hải quân Hoa Kỳ không thể nào do tìm ra tung tích của 6 chiếc mẫu hạm Nhật được , và quan trọng hơn phải cần thêm một thời gian dài nữa mới có thể đọc và giải được những mật mã mới thay đổi của họ . Bây giờ thì đoàn xung kích Kido Butai đã tiến xa hơn một phần ba đoạn đường , họ không để lại phía sau một dấu vết gì chứng tỏ có một hạm đội vừa đi qua . Rác rưởi và đồ phế thải thì được gói lại để vào một nơi , thùng dầu không thì chất thành đống trên sàn tàu . Đến giữa trưa hôm ấy thì đội xung kích gặp nhau trên giao điểm đã hẹn để được tiếp tế thêm nhiên liệu , dầu cặn để tiếp tục . Xong , đoàn tiếp tế quay về còn đội xung kích bắt đầu nhắm hướng Hạ Uy Di tấn phát . Họ thay đổi tốc độ , thay vì 9 hải lý một giờ thì cho tiến nhanh thêm ở vận tốc 12 hải lý .

  Chiều hôm ấy , một báo động đầu tiên đến với họ . Một bức điện tín với loại mật mã mới được gửi đi từ Yamamoto . Bức điện tín báo động đã chận bắt được một tín hiệu liên lạc có thể phát xuất từ tiềm thủy đỉnh của địch ở quanh quẩn trong vùng biển của đội hạm xung kích đi đến . Kurasa lấy làm lạ vì chính ông và các hạm trưởng trong đội xung kích chẳng ai phát giác bất cứ một sóng tín hiệu lạ nào cho là đáng nghi cả . Tuy nhiên , với một báo động không chắc chắn ấy thì dễ gì làm họ nao núng , họ cho đội xung kích di chuyển theo hướng đông nam với một vận tốc nhất định là 12 hải lý một giờ bất chấp sướng mù dày đặc . Phía dưới tầng hầm , những phi công chờ giờ xuất phát còn đang bận bịu , kẻ thì lo tranh nhau sơn vẽ những hình thù dữ tợn trên thân phi cơ , người thì lấy sổ tay viết nhật ký , viết thư v.v . Đời mây gió vẫy vùng bỗng chốc phải bó gối ngồi chờ , thời gian này đối với họ quả thật là nhàm chán vô cùng . Tuy nhiên mỗi ngày họ phải dành ra vài tiếng để thu mình ngồi vào phòng lái chiếc phi cơ của mình để ôn lại những thao tác khi lâm trận . Chuyên viên thả bom thì chăm chú ôn luyện tầm nhìn và mục tiêu trên bản đồ . Khác với những người lính xạ thủ , ngày ngày họ lên boong tàu tập bắn , tấm bia lay động là những cánh diều thả lên trong những lúc trời quang mây tạnh .

  Hôm sau , 05 tháng 12 , Phó Đô Đốc Ito ghé qua văn phòng của Togo ở Bộ Ngoại giao và cho biết nên trao tối hậu thư cho Ngoại trưởng Hull lúc 1 giờ chiều giờ Hoa Thịnh Đốn , thay vì 12:30 như cuộc họp đã ấn định . Togo thắc mắc lý do tại sao lại trễ thêm 30 phút nữa thì Ito chỉ trả lời vì ông đã tính nhầm thời gian (sự khác biệt theo múi giờ) . Togo lại hỏi từ lúc đưa ra tối hậu thư đến lúc tấn công khoảng thời gian được bao lâu , Ito từ chối trả lời với lý do “bí mật quân sự” , tuy nhiên ông cũng cho Ngoại trưởng biết “Ngoại trưởng chớ lo , chúng ta dù sao cũng là những người biết chuyện phải quấy mà . Họ (chỉ Hoa Kỳ) sẽ có đủ thì giờ !” Đoạn ông rời khỏi phòng không quên nhắc lại một lần nữa là đừng gửi thư đi quá sớm .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế