Chiến trường Phi luật tân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trước khi đi vào chiến trường này , người viết xin mời các bạn tìm hiểu đôi chút về vị Tướng tư lệnh mặt trận cũng như một giai đoạn lịch sử hình thành quân đội ở Phi Luật Tân trong một thời gian gần đây . Ngay trong thời bình , Hoa Kỳ cũng có một ý tưởng kỳ quặc là khó có thể bảo vệ một quốc gia quần đảo gồm gần 2 ngàn đảo lớn và 8 ngàn đảo nhỏ , tổng diện tích chỉ có khoảng 300 ngàn cây số vuông lại trải dài trên hơn mười vĩ độ (đúng một ngàn 400 cây số) . Quân đội quốc gia của họ được thành lập năm 1934 dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ . Họ là những thanh niên tuyển mộ tại địa phương và do Tướng Mac Arthur huấn luyện . Mac Arthur là một ông Tướng nổi bật trong số các tướng lãnh nổi tiếng của Hoa Kỳ lúc bấy giờ . Ông là người từng chủ tọa cuộc nổi dậy giành độc lập thời chiến tranh với Tây Ban Nha . Ông cũng từng tham dự các trận đánh đầu tiên tại quần đảo và có dây liên lạc thân hữu với Tổng thống Quezon . Sau năm 1930 , ông được giữ chức Tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ và vẫn không quên xứ này , một xứ sở mà ông quá gắn bó như gia đình và quê hương của ông vậy . Arthur luôn có ý muốn thành lập một đạo binh quân Phi Luật Tân được huấn luyện bỡi huấn luyện viên Hoa Kỳ và biến đảo quốc này thành tiền đồn của Hoa Kỳ ở vùng Thái bình dương .

  Ý tưởng này không được quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận , năm 1935 khi Tướng Malin Craig lên thay thế ông tại ngũ giác đài thì không còn ai ngó ngàng gì đến cái xứ nghèo nàn xa xôi ấy nữa . Riêng các đạo quân bản xứ mà ngày trước Arthur đã ra công huấn luyện , nay phải giải tán gần hết . Chỉ còn lưu lại vài ngàn cùng vài sư đoàn mới tuyển mộ nhưng đấy chỉ có trên mặt giấy tờ mà thôi , vì phần đông họ vẫn ở lại nguyên quán cầm cày thay súng . Nhìn ý nguyện của mình sắp tan tành theo mây khói , Mac Arthur buồn quá nên đâm ra chán đời và chán luôn cả sự nghiệp nhà binh , mặc dù đang đóng lon Trung Tướng . Ông nãy ra ý định xin từ chức và yêu cầu Tổng thống Roosevelt phái mình sang Phi Luật Tân dưới danh nghĩa trưởng phái bộ . Với danh nghĩa này thì Arthur vẫn giữ lon Trung Tướng , ông sẽ hoạt động vừa quân sự vừa chính trị . Có nghĩa là vừa làm một chỉ huy trưởng đạo quân trơ xương ốm yếu Phi Luật Tân vừa ngồi ăn nhậu chung mâm và bàn bac chính sự với Tổng Thống Quenzon .

  Hai năm sau , mặc dù nhiệm vụ của ông chưa hoàn tất , Mac Arthur lại bị triệu hồi về Hoa Thịnh Đốn với một lời giải thích ngắn gọn “để phục vụ trong quân đội chính quốc”. Cũng tại tòa bạch ốc , Roosevelt bị Arthur thuyết phục lần nữa . Và lần này ông lại khăn gói quả mướp sang Phi Luật Tân với vai trò cố vấn quân sự .

   Trong vai trò mới, ông được lòng của hầu hết dân chúng bổn xứ , với một danh hiệu mà người ta đã không ngần ngại để suy tôn ông là “Vị thủ lãnh của quân đội thuộc xứ liên hiệp Phi Luật Tân”. Dưới sự thúc đẩy gắt gao của ông, trong vòng hai năm, đạo quân này lên đến 100.000 người. Nhờ ảnh hưởng cá nhân, ông được sự hậu thuẫn vô điều kiện của Tướng Sutherland, trưởng phái bộ quân sự Hoa Kỳ để huấn luyện đạo quân của ông và để chỉ huy cả họ nữa.

  Cho đến khi Nhật chuẩn bị tấn công vào vùng Nam Á , Hoa Kỳ mới cuốn cuồn lo việc tăng viện cho Phi Luật Tân . Tướng Marshall đề nghị nên gửi ngay cho Tướng Sutherland quân đội và chiến cụ cũng như thiết lập một căn cứ không quân cho các pháo đài bay .

  Nhưng với một không đoàn chiến đấu có tầm mức quan trọng đó phải được một vị tướng lãnh không quân chỉ huy . Nhưng vấn đề hơi khó giải quyết là chẳng lẽ đặt Sutherland dưới quyền một vị Tướng khác cùng cấp bậc . Phải tìm ra một vị tướng nào có hơn một sao mới ổn . Có một người nào đó nhắc khéo “Tại sao không ai nhắc tới Mac Arthur ?

  Marshall không ưa ông quan chuyên chế địa phương có dáng điệu như một đại minh tinh màn bạc ấy, do đó đã nhăn mày. Trái lại, Roosevelt thì lại thấy ý kiến ấy là tuyệt diệu. Gia đình Mac Arthur luôn luôn theo đảng Cộng hoà. Chính Douglas cũng có ảnh hưởng không chối cãi được trong đảng. Nếu không làm cho con người quái quỉ ấy bận rộn việc gì, ông ta có thể trở thành một ứng cử viên gây khó chịu trong các cuộc bầu cử Tổng thống. Gọi ông trở lại quân đội là sắp xếp được hết mọi chuyện                                                    …

  Chính vì vậy mà ngày 27 tháng 7 năm 1941, trong khi đang ăn trưa trên chiếc sân thượng tràn ngập hương hoa ngoại quốc của đại khách sạn Palace tại Manille, Douglas Mac Arthur được biết rằng ông bị mất tước vị chỉ huy của quân đội Phi Luật Tân để được gắn lon Trung tướng khiêm nhường (Qui tắc xưa cũ của quân đội Mỹ bó buộc việc phục hồi cấp bậc này chỉ có tính chất tạm thời). Quả thật là người ta đã ban thưởng cho ông một trong những chức vụ chỉ huy cao cấp nhất của quân đội Hoa Kỳ: đó là chức vụ chỉ huy chiến trường Thái Bình Dương mới vừa được thiết lập                         .

Nhà quân sự lão thành đã nhận sự đãi ngộ ve vuốt này sau khi hạ bệ mà không chau mày. Thái độ đầu tiên của ông là từ chối. Nhưng, trong lúc ấy, nhờ một thông tin viên bí mật báo cho biết nội vụ , Tổng thống Quezon vội vã chạy đến . Gặp Arthur , vị tổng thống Phi vừa thở hào hễn vừa nói “Tất cả những gì chúng tôi có là của ông . Tất cả những gì mà chúng tôi được như bây giờ là cũng nhờ có ông!”

Niềm hăng say cao cả, giọng nói chân thành của Tổng thống Quenzon , Mac Arthur đành nhượng bộ. Ông chấp nhận nhiệm vụ bạc bẽo là phòng thủ với gần như bàn tay trắng , xứ sở này, một xứ sở có một dân tộc được ông yêu thương và nơi đó ông được yêu họ yêu thương lại                                             .

  Ngọn lao đã phóng đi. Ông bắt đầu làm việc với nhiệt tâm mãnh liệt vẫn luôn luôn thúc đẩy ông trong hành động. Trong vài tháng trời ông đã sẵn sàng đưa ra chiến trường một đạo quân thuần nhất, đã cho xây doanh trại đồn trú dành cho đoàn quân mà rốt cuộc người ta đã chấp thuận gửi cho ông, ông phái các xe ủi đất nới rộng phi đạo các phi trường Clark Field và Nichols Field tại Lujon, và phi trường Del Monte tại Mindanao. Ông cho thiết trí đại bác phòng không chung quanh các cứ điểm quan trọng và thiết trí hai đài rada vừa được cung cấp trên núi cao phía bắc và phía nam Lujon                  .                                                  

  Ba tháng sau, ông có trong tay 60.000 binh sĩ Phi Luật Tân, 12.000 hướng đạo kinh nghiệm chiến đấu trong rừng rậm và 20.000 quân Mỹ do tướng Sutherland nhường lại để trở thành Tham mưu trưởng của ông. Vũ khí của họ còn bất ổn định, chiến xa cũ kỹ nhưng kỷ luật thì hoàn toàn và tinh thần thì rất cao                            .

  Công cuộc phòng thủ đảo Lujon được phân chia cho hai đạo quân. Khu vực phía bắc đặt dưới quyền của một trong các môn đệ được ông yêu mến nhất của trường West Point, tướng Wainwright, người được ông đặt hoàn toàn tin tưởng. Chính ông sở cậy đạo quân này để chịu đựng vố đầu tiên trong trường hợp bị xâm lăng.

  Ngày 4 tháng 11 1941, tướng Brereton, một phi công kỳ cựu thuộc thế hệ đầu tiên, đáp xuống phi trường Clark để nắm quyền chỉ huy không lực. Tháng 12, Brereton có trong tay 72 khu trục cơ, trong đó có 18 P-40 kiểu mới nhất và 35 pháo đài bay B-17. Kế hoạch phòng thủ của Mac Arthur tiêu liệu rằng các pháo đài bay này sẽ đến oanh tạc các phi trường của Nhật tại Đài Loan ngay khi chiến tranh bùng nổ. Chúng phải đặt căn cứ tại Del Monte trên hòn đảo lớn Mindanao, nằm ngoài tầm oanh tạc cơ Nhật                             .

  Tại đại bản doanh đóng ở thủ đô Manila , Tướng MacAthur nôn nóng chờ đợi tin tức gửi về từ vịnh Lingayen . Ông gọi điện cho Marshall và đề nghị xin những mẫu hạm quanh vùng cho phi cơ tuần thám trong phạm vi bờ biển Phi Luật Tân . Đô Đốc Marshall trả lời thẳng rằng trách nhiệm của ông ta không thể nào vươn dài đến những khu vực ấy , đó là mệnh lệnh từ Bộ Hải quân Hoa Kỳ . Và ông khuyên MacArthur đừng tin cậy chờ đợi gì ở những phi cơ mà tầm hoạt động của chúng xa lắm cũng chỉ vươn tới Brisbane Úc Đại Lợi .

  Chiều tối cùng ngày , một phi đội tuần thám của Tướng Brereton trên đường trở về căn cứ đã phát giác một hải đội Nhật còn lãng vãng quanh khu vực vịnh Lingayen , họ trút xuống những quả bom 100 cân Anh rồi bay thẳng về căn cứ . Sự thật thì họ cũng chẳng ngờ rằng đấy toàn là những dương vận hạm trống rỗng vì toàn thể binh sĩ đã đổ bộ thành công và đang tiến về phía thủ đô Manila .

   Toán tiền sát của Tướng homma đã tiến sâu vào lãnh thổ Phi Luật Tân , đến chiều thì họ chạm súng với toán quân phòng thủ đầu tiên . Những tân quân bản xứ mới trãi qua 10 tuần huấn luyện , đa số chỉ mới biết sử dụng súng trường chứ chưa bao giờ lâm trận vì thế chỉ nghe tiếng súng nổ và tiếng reo hò của địch quân họ đã hồn phi phách tán quăng mủ vứt súng , bỏ của chạy lấy người để lại những đơn vị pháo đơn độc nằm ôm cối chiến đấu lẻ loi . Mặt trận này coi như vở tan nhanh chóng , Tướng Jonathan M.Wainwright , tư lệnh lực lượng trú phòng mặt Bắc Luzon bất đắc dĩ phải gọi MacArthur để xin được phép triệt thoái về phía bên kia sông Agno .

  Không có sự can thiệp của hải và không quân , MacArthur đành phải hủy bỏ ước mơ cầm chân địch ngoài bãi biển và bắt buộc phải trở lại kế hoạch đã vạch ra sẳn của vị chỉ huy tiền nhiệm , một kế hoạch mà MacArthur cho xếp xó từ lâu vì ông cho rằng nó quả chủ bại mà kẻ làm tướng như ông không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ dùng đến nó . Kế hoạch này được mệnh danh là Kế hoạch 3 , phòng khi triệt thoái đội quân hỗn hợp Mỹ-Phi về Bataan trong trường hợp địch quân đã đổ bộ thành công . Tại Manila , đội quân phòng thủ cố gắng giữ vững thủ đô trong vòng 6 tháng cho đến khi Hải quân gửi được tăng viện đến thời sẽ phản công . Tình hình hiện tại đã quá túng cùng nên MacArthur đành phải thúc thủ và những gì ông có thể làm trong hiện tại là truyền lệnh “Triệt để thi hành ngay kế hoạch 3” .

  Tình trạng quả thật quá tồi tệ , nó tồi tệ hơn những gì MacAthur đã từng lắc đầu khi nghĩ đến . Rạng sáng ngày hôm sau ông sững sờ biết được lực lượng của mình đã bị nhốt trong một cái gọng kềm to tướng . Hai mươi bốn hải vận hạm Nhật đã đổ bộ vào vịnh Lamon đêm qua , một vị trí chỉ cách Manila 60 dặm đường chim bay về phía đông nam và gần 10 nghìn binh sĩ thuộc sư đoàn 16 đang dàn thành 3 đội hình tiến về Manila . Lúc 10 giờ sáng , MacArtur ra lệnh cho lực lượng phòng thủ Nam Luzon , hai sư đoàn đang có mặt tại đó phải rút lui về Bataan . Mặt trận phía Nam đã bỏ trống bắt buộc ông Tướng chỉ huy phải ra lệnh dời tổng hành dinh của mình đến đảo Corregidor vào lúc trời tối .

  Ngay lúc ấy cũng ở gần đó , trong cao ốc Marsman , Đô Đốc Hart vừa báo cho Phó Đô Đốc Francis W.Rockwell , vị chỉ huy trưởng căn cứ 16 Hải quân Hoa Kỳ rằng ông sẽ dời tổng hành dinh đến Borneo , nơi đặt bộ chỉ huy chiến dịch hành quân của liên hạm đội , vì thế quyền điều động những hạm đội còn lại sẽ được giao lại cho Rockwell chỉ huy . Hai người bàn bạc để bàn giao trách nhiệm , thỉnh thoảng câu nói của họ bị những tiếng phi cơ rầm rú và tiếng bom nổ rềnh trời rung chuyển cả tòa nhà mà họ đang ngồi . Từ phía cửa sổ , họ còn nhìn thấy những cụm lửa bốc cháy phía khu vực bến cảng , bụi và khói lẫn trong ánh lửa đỏ ngời tạo thành một màu kinh khiếp trãi cả một vùng trên sông Pasig .

  Tại cung điện Malacafian , Tổng Thống Manuel Quezon khuyên dụ hai viên thư ký văn phòng phủ tổng thống là Jorge Vargas và Jose Laurel , bảo họ hãy vì quốc gia dân tộc chịu hy sinh ở lại “để thay ông thương thuyết với Nhật Bản” còn ông và phó tổng thống Sergio Osmefia sẽ tháp tùng cùng Tướng MacArthur đi Corregidor lánh nạn. Người xưa có câu “Nhà có nghèo mới biết đứa con nào hiếu thảo , nước nhà nguy vong mới thấy ai là kẻ trung thần” quả thật không sai . Dù Tổng thống Quenzon có xuống nước năn nỉ ỉ ôi đến đâu đi nữa một trong hai thư ký vẫn không nghe ông , Vargas quì gối lạy lục van xin được tháp tùng cùng tổng thống . Chỉ có Laurel thì dửng dưng như không , ông tuyên bố “Vận nước đã như thế này rồi thì cái mạng già này còn gì là luyến tiếc nữa chứ !” Vì cớ gì mà Laurel tỏ ra can trường đầy khí phách như thế , lý do đơn giản là vì ông đang chết dần mòn vì chứng lao phổi bất trị của mình !

  Ở bên ngoài , đường phố nhộn nhịp và náo loạn lên . Xe nhà binh và xe buýt chất đầy quân trang và binh sĩ cùng di chuyển về phía Bắc hướng về Bataan . Khi bóng hoàng hôn buông xuống , trên chiến thuyền chạy bằng hơi nước mang tên Don Esteban , Tướng MacArthur cùng bộ tham mưu của ông đang trên hướng tiến về đảo Corregidor cách đó gần 30 dặm . Không gian yên lặng mờ ảo dưới ánh trăng thượng tuần yếu ớt soi mặt đại dương lăng tăng sóng gợn . Xa xa ngoài kia , ánh lửa chập chờn lúc tỏ lúc lu của một giàn khoan dầu ngoài khơi . Trên boong thuyền Don Esteban , tất cả thủy thủ đoàn và tướng lãnh đều vận quần sọt và áo ngắn tay , đó là một đêm Giáng Sinh buồn bả và kỳ lạ nhất của những đứa con dân Hiệp chủng quốc xa nhà .

  Cách đấy bảy trăm dặm về phía Bắc , một hòn đảo khác , đúng hơn là một thành lủy khác cũng sắp bị xóa tên . Quân đội Thiên Hoàng đã làm chủ 32 dặm vuông vùng núi đồi Hương Cảng . Quân đội Anh bị xé ra làm nhiều nhóm và bị bao vây tứ bề . Họ chỉ còn được một ít đạn dược và lương thực cùng nước uống thì đủ dùng cho một ngày . Quân phòng thủ ở lục địa thì sự kháng cự quá yếu ớt nhưng ngược lại ở Hương Cảng thì họ quyết liệt chiến đấu đến kỳ cùng . Nguyên nhân chính cũng vì sự can trường dũng cảm của 1,759 chiến binh trong đơn vị tình nguyện phòng vệ . Họ là những “người lính chịu chơi” gồm đủ mọi quốc tịch như Anh , Âu lai Á , Trung Hoa , Bồ Đào Nha  v.v . và gồm đủ mọi thành phần trong xã hội như những tay anh chị giang hồ chọc trời khuấy nước , những kẻ đầu trộm đuôi cướp từng vào tù ra khám . Nói chung là những tay tứ chiến giang hồ coi cái chết như trò đùa và bây giờ họ tình nguyện gia nhập vào đội quân phòng thủ và nhờ có máu giang hồ hành hiệp , chuyện bắn giết là sở trường của họ và lại là những kẻ gan lỳ số một nên cố nhiên đã trở thành những chiến sĩ chiến đấu rất giỏi , giỏi hơn tất cả những đơn vị đang có mặt khắp cùng lãnh thổ đang chiến đấu khiến cho quân đội Thiên Hoàng phải lúng túng và nhìn nhận Hương Cảng quả là khúc xương khó nuốt ! 

  Nhưng cuối cùng đến rạng sáng hôm Giáng Sinh , doanh trại của đội phòng vệ chịu chơi này bị tràn ngập . Họ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để mở đường máu nhưng lại bị vây vào tuyệt lộ tức là nơi cuối mũi phía Nam của bán đảo . Quân Nhật như vào chỗ không người , họ giở thói tàn nhẫn thô bạo , bắn giết thẳng tay và túa ra đi tìm những cô y tá trẻ đẹp người Anh và Trung Hoa để cưỡng hiếp cho thỏa thích .

  Ở thủ phủ Victoria cũng bị tràn ngập và cảnh tượng cũng xảy ra tương tự . Họ giết , họ hiếp để trả thù , để hã hê thú tính của một đoàn quân viễn chinh man rợ . Lúc 9 giờ sáng , họ cho thả hai tù nhân , một thường dân và một là viên Thiếu Tá người Anh đã giải ngũ với một bức thư ngắn trao lại cho Đại Tướng C.M.Maltby , chỉ huy trưởng lực lượng thuộc địa . Bức thư nhắc nhở rằng đừng nên chiến đấu chỉ vô vọng mà thôi . Nhật hứa sẽ ngưng tiếng súng trong vòng ba tiếng đồng hồ để viên Tướng đại diện cho Anh quốc suy nghĩ lại .

  Tướng Maltby giữ im lặng cho đến 3 giờ 15 mới miễn cưởng ra lệnh cho thuộc cấp buông súng đầu hàng . Đó là một sự nhục nhã to lớn cho Anh Quốc khi bị kẻ địch dùng vũ lực bắt buộc phải chấm dứt thực quyền trên đất Trung Hoa . Mặc dầu sự đầu hàng của Anh đã được chấp nhận nhưng quân đội Thiên Hoàng vẫn tiếp tục làm mưa làm gió . Vì đây là một khúc xương khó nuốt nên họ phải đổ máu nhiều và một khi chiếm được tất nhiên là họ sẽ thẳng tay trả đủa , cứ bắn giết và hãm hiếp bừa bãi suốt cả đêm Giáng Sinh ấy .  

  Và cũng cùng một ngày Giáng Sinh đen tối với Hương Cảng , Phi Luật Tân cũng chẳng sáng sủa gì hơn . Sáng hôm ấy MacArthur ngồi tổng kết lại tình hình u ám tại tổng hành dinh mới ở đảo Corregidor , một hòn đảo nhỏ có hình thù giống như con nòng nọc cách bán đảo Bataan 3 dặm về hướng Nam ngay cửa vịnh Manila . Tại cửa vịnh này , ai sở hữu nó sẽ kiểm soát được cả một vùng vịnh bao la , nó giống như một cái chốt kềm chặc mọi hoạt động trong vùng . Đó là một pháo đài kiên cố mà hầm hố chiến đấu và các ụ súng đại bác , cối phòng không được bố trí dầy đặc . Hệ thống giao thông hào và hầm hố chằn chịt như mê cung được thiết lập sâu trong lớp đá cứng dưới ngọn đồi Malinta là một bệnh viện an toàn , là một kho chứa vũ khí lý tưởng và một bộ chỉ huy kiên cố dưới bất cứ loại phi pháo hoặc bom đạn nào trút xuống .

  Để bạn đọc có thể mường tượng ra được vị trí chiến lược này người viết trình bày sơ lược địa hình của bán đảo Bataan và đảo Corregidor . Thủ đô Manila nằm gọn trong một vịnh lớn cùng tên gọi vịnh Manila , phía Bắc bên ngoài cửa vịnh này là bán đảo Bataan . Bán đảo Bataan thọc sâu xuống gần một nửa cửa vịnh , nó che chở và bảo vệ mọi sinh hoạt phía bên trong vịnh mỗi khi cuồng phong nỗi dậy sóng biển ngập tràn . Phần điểm cuối bán đảo , nằm cheo leo giữa  cửa vịnh là đảo Corregidor , nó trông như một chướng ngại vật nằm vắt ngang cửa vịnh , đấy là điểm chiến lược quan trọng duy nhất mà ai làm chủ nó sẽ kiểm soát toàn bộ khu vực kể cả thủ đô Manila .  Toàn bộ bộ máy quân sự Hoa Kỳ hiện đang có mặt ở Phi Luật Tân đều nhận được lệnh rút khẩn cấp về Bataan . Nhóm thứ 3 vừa ra khỏi thủ đô Manila thì trục lộ bị tắc nghẽn giao thông , một đoàn quân xa dài vô tận bò chậm như rùa , thỉnh thoảng dừng hẳn lại một chốc rồi mới nhút nhích bò tiếp ,  chen lẫn trong dòng giao thông tắc nghẽn ấy còn có cả xe chở đại bác 155 ly , xe buýt , xe hơi , thậm chí còn có xe trâu xe bò nữa .

  Người ta cố vượt qua 2 chiếc cầu cách thủ đô Manila 30 dặm , đó là 2 chiếc cầu một ở Calumpit và một bắt ngang con sông rất cạn có tên là Pampanga . Hai điểm này rất quan trọng , người ta chờ dòng người và xe cộ vừa rút qua khỏi là cho đánh sập để cản bước tiến của địch quân từ phía Nam .

  Cách hai cây cầu 10 dặm từ phía Bắc , một dòng quân xa khác từ San Fernado đổ về Bataan và gặp phải bộ phận triệt thoái từ thủ đô lên nhập vào nhau trên một con lộ quá hẹp , thế là tình trạng tắc nghẽn càng lúc càng xấu đi khiến cho những làng quê im lìm nằm bên cạnh quốc lộ trở nên nhộn nhịp gần như náo loạn cả lên .

  Tình hình ở tại vùng bán đảo Bataan này vốn đã hỗn loạn từ trước chứ không phải đợi đến lúc những đoàn quân xa triệt thoái xuất hiện . Hàng ngàn thường dân chạy nạn đã đổ dồn về đây từ khi đoàn quân của Tướng Homma xuất hiện ở phía Bắc . Quang cảnh hỗn độn với những chiếc xe buýt cũ kỷ , những ụ xe bò quá tải nằm vắt vẽo mọi nơi và người ta chạy tới chạy lui khóc la kêu réo ầm ỉ . Một số bộ phận quân sự được đưa tới để làm nhiệm vụ an ninh cũng đành bó tay đứng nhìn . Từ lúc ban hành lệnh triệt thoái đã có lệnh di tản dân chúng trong vùng nhưng mai mĩa thay người thi hành lệnh lại quên khấy đi đến khi nhớ lại thì đã quá trễ để bây giờ dân và lính lẫn lộn , thật là một quang cảnh hỗn độn chưa từng thấy .

  Căn cứ theo lệnh đã ban xuống thì số lương thực dự trử phải đủ dùng trong 6 tháng nhưng hiện tại thì một tháng cũng chẳng có đủ , nguồn tiếp liệu khác thì đang trên đường đến bằng đường thủy , đường xe lửa và quốc lộ , nhưng tình trạng tắc nghẽn giao thông như thế này thì còn cần đến bao nhiêu tiếng đồng hồ nữa mới khai thông được quốc lộ đây ?  Một hy vọng nhỏ là lực lượng mặt Bắc có thể cầm cự được với địch quân trong vòng 2 tuần lễ để Bataan có đủ thời giờ lo đào hầm hố củng cố hệ thống phòng thủ , trong khi cánh quân từ mặt Nam cũng rút hết về được Bataan .

  Rồi tin báo cáo gửi về quân Nhật đã phá thủng phòng tuyến ở sông Agno , một phòng tuyến thiên nhiên khá vững chải để cầm chân địch trên đường tiến vào Bataan . Tình hình quá bi đát khó có thể cầm cự lâu hơn , nó bi quan đến độ người ta nghi ngại rằng Nhật sẽ có mặt ở Bataan trước ngày Tết đến .

                                …………………………………..

    Vào ngày 25 tháng 12 , một ngày Noel buồn thảm và yên lặng , chiếc thủy phi cơ mang một vị Đô Đốc từ Hạ Uy Di trở về đất liền . Đó là Chester Nimitz , một vị Đô Đốc mới được chọn để lên thay cựu Đô Đốc Kimmel và chỉ huy toàn bộ Hải quân ở khu vực Thái Bình Dương . Mặc dù Nimitz tóc đã bạc nhưng trên khuôn mặt rắn rỏi , đôi mắt  vẫn đầy nét tinh anh , vóc dáng lại trẻ trung khỏe mạnh và nhanh nhẹn . Thuở thiếu thời ông đã từng ôm ấp mộng hải hồ nên đăng tên vào trường Hải quân . Trong tập hồ sơ của ông người ta còn đọc được những câu phê bình của nhà trường “một sinh viên sĩ quan ưu tú đầy hứa hẹn ở tương lai” và trong suốt cả thời gian dài phục vụ ông luôn mơ giấc mơ được làm người chỉ huy biển cả .

  Sau khi nhậm chức được vài tiếng đồng hồ Nimitz đã nhìn ra được một tình trạng nan giải , đó là một nỗi bi quan cực điểm của binh sĩ , tinh thần chiến đấu của họ suy sụp đến trầm trọng . Cơn sốc Trân Châu Cảng đã làm cho vài vị chỉ huy Hải quân bạc tóc .

  Nimitz cho triệu tập ban tham mưu và mở đầu bằng một câu trấn an  “Sẽ không có gì thay đổi cả” Đoạn ông tiếp “Chúng ta sẽ trả đòn và đó là những đòn trả miếng chỉ tử ! Các ông cứ chờ đợi mà xem

                          ..............................................................    

  Ngày Tết dương lịch vốn là một ngày lễ được tất cả mọi người ưa thích nhất tại Nhật Bản . Ở Đông Kinh người ta vẫn nô nức tổ chức mừng Xuân như hằng năm . Từng dòng thác người vui xuân với áo quần sặc sở từ mọi ngã thủ đô cùng đổ về ngôi đền Minh Trị Thiên Hoàng . Họ cầu nguyện cùng đấng linh thiêng rồi quay sang chúc tụng nhau những gì may mắn nhất cho một năm mới sang và sau đó vô tư tham dự những trò chơi cỗ truyền ngày Tết với nhau như chẳng hề biết chung quanh họ , những ngọn lửa chiến tranh đã bắt đầu nhen nhúm và có thể cháy bừng lên bất cứ lúc nào .

  Tướng Muto , chỉ huy trưởng Tổng Nha Quân Đội đến gặp Bộ Trưởng Ngoại giao Togo tại văn phòng bộ ngoại giao . Sau vài ly rượu chúc mừng năm mới , ông vào đề “Mọi người ai nấy đều rất hân hoan để say sưa với men chiến thắng . Nhưng tôi thì ngược lại không thấy vui nỗi ông ạ” . Ngưng một chốc rồi Muto nhìn thẳng vào mặt ông bộ trưởng nói chầm chậm như than thở với chính mình “Đây là một cuộc chiến đầy cam go vất vả” . Togo gật gù đưa tay nâng ly rượu nốc cạn , ông nhìn Muto một cái nhìn tỏ vẻ thông cảm rồi nói với một giọng cương quyết “Quả nhiên thực tế trước mắt là như vậy nhưng theo sự sáng suốt của phe nhà binh các ông , vấn đề này phải nên dàn xếp làm sao càng sớm càng tốt !” Tướng Muto nhìn Togo ra chiều ngạc nhiên vì ông chưa hiểu hàm ý của vị bộ trưởng trong câu nói khá mơ hồ ấy . Togo xuống giọng chậm rãi bảo “Việc trước tiên phải làm là thay thế chiếc ghế thủ tướng của Tojo” . Rồi sau đó  Togo cũng mang việc này bàn với một vị Đô Đốc đã từ lâu không ủng hộ tham vọng xâm lược của phe quân đội , đó là Đô Đốc Okada . 

                              ...................................................

  Quân đội viễn chinh Nhật ở Phi Luật Tân đang hăng hái tiến vào thủ đô Manila bằng hai trục Bắc và Nam . Tướng Homma chỉ còn cách thủ đô khoảng 17 dặm và chỉ gặp một vài ổ kháng cự lẻ tẻ không đủ sức làm đoàn quân của ông chùn bước . Cánh quân phía Nam thì tiến rất chậm nên còn cách mục tiêu cuối cùng khoảng 40 dặm vì trên đường tiến quân đã bị gặp phải vô số mìn bẫy , tuy nhiên cũng chẳng đụng độ với bất cứ một ổ kháng cự nào .

  Tướng Homma ra lệnh cho những mũi tiến công tạm thời dừng lại lo chỉnh trang quân phục quân phong và chỉnh đốn lại hàng ngũ . Vì ông biết nếu để một đoàn quân áo quần lôi thôi lếch thếch râu tóc bồm xồm xuất hiện giữa công chúng thủ đô Manila thì người ta sẽ đánh giá quân đội của ông không khác gì một lũ cướp rừng chuyên cướp bóc và hãm hiếp .

  Tại trung tâm thủ đô tất cả hàng quán đều đóng cửa im lặng . Gần khu vực bến cảng , anh phóng viên của tờ báo Life Carl Mydans đang lơ đểnh đưa mắt trông theo những du thủ du thực đang tranh nhau hôi của . Nào súng đạn , quân trang quân dụng đến xe nhà binh thậm chí những cuốn phim còn nguyên trong hộp cũng bị mang đi , nhà kho quân đội bây giờ chỉ còn trơ lại 4 bức vách và cái nóc vô tri nằm lại vì sau khi toàn bộ quân trú phòng trong thủ đô rút hết về Bataan nó đã trở thành vô chủ và là một mục tiêu hết sức béo bở của những bọn lưu manh côn đồ trong thành phố .

  Carl lắc đầu chán ngán rồi quay lại khách sạn Bayview với Shelly , cô vợ đang chờ của anh . Shelly trao cho Carl một bức điện tín mới gửi đến của ban biên tập báo Life . Trong bức điện họ yêu cầu anh săn lùng những bản tin mới nóng hổi “Nhân chứng đầu tiên chứng kiến cuộc phòng thủ của Hoa Kỳ nơi thủ đô Manila” . Đọc xong Carl cười một nụ cười mai mĩa trong khi cô vợ cũng ranh mãnh không kém , cô chìa một mảnh giấy đã ghi sẳn câu trả lời “Không có gì ở đây để phải săn lùng cả”

  Cả thủ đô dường như đã chìm ngập dưới những lớp khói mù buông tỏa khắp nơi . Từ cánh đồng dầu Pandacan , từ những doanh trại bỏ lại của Hải Lục quân bị bốc cháy .

  Vào lúc 5 giờ 45 chiều , Trung Tướng Koichi Abe dẫn 3 trung đoàn thuộc sư đoàn 48 của mình thẳng đường tiến vào thủ đô Manila qua cửa phía Bắc và được dân chúng sắp hàng sẳn hai bên vệ đường đón chào một cách miễng cưởng bởi những người dân địa phương mặt mù ủ rủ , tuy nhiên trong bọn họ cũng có một số kiều dân Nhật  đã bị chính quyền thân Hoa Kỳ giam cầm và bây giờ thoát nạn , gặp quân bổn xứ của mình tới thì mừng rở nói cười huyên thuyên như không dứt .    

  Từ cửa sổ trong căn phòng của khách sạn , phóng viên Carl có thể nhìn thấy thật rõ có 3 nhóm binh sĩ Nhật cùng thủy thủ với quân phục nhầu nát bệ rạt đang tụ tập trên sân cỏ phía trước ngôi biệt thự riêng của Cao Ủy Francis B.Savre nằm bên kia đại lộ . Lá quốc kỳ của Hiệp Chủng Quốc bị hạ xuống và sau 3 phát đại bác rung chuyển để chào mừng chiến thắng , lá cờ mặt trời được từ từ kéo lên trong khi bản quốc ca “Kimigayo” cũng được bắt đầu , giọng ca hùng tráng trỗi lên từ nhóm binh sĩ hiện diện của quân đội Thiên Hoàng .

  Phía bên ngoài cửa vịnh Manila , quân của Tướng MacArthur đã dồn hết vào cứ điểm phòng thủ Bataan để chuẩn bị bày binh bố trận cho một trận cuối thư hùng . Phía Nhật Bản , Tướng Homma và bộ tham mưu của ông đều nhận định rằng sự tập trung lực lượng ở bán đảo của quân đội Hoa Kỳ đơn thuần chỉ là một sự tháo chạy thiếu tổ chức mà thôi . Ông ta rất lấy làm hài lòng , và thượng cấp của ông ở Đông Kinh và Sài Gòn đều rất hân hoan , họ đồng có một ý nghĩ là chìa khóa chiến thắng ở Phi Luật Tân đã nắm sẳn trong tay , chiến dịch bình Phi coi như thắng lợi hoàn toàn mặc dù Tướng MacArthur vẫn còn hiện diện trên đảo Corregidor và quân đội của ông vẫn còn làm chủ một mõm cuối cùng trên bán đảo Bataan .

    Từ bộ tham mưu đóng ở Sài Gòn , Tướng Hisaichi Terauchi tức tốc đánh điện ra lệnh cho sư đoàn 48 phải lập tức chuyển hướng tiến chiếm Java . Sau hai chiến dịch đã thành công ở Phi Luật Tân và Mã Lai đúng như dự liệu , say men chiến thắng nên Terauchi thừa thắng xông lên dự định sẽ xua quân tràn qua chiếm nốt Java một tháng trước kế hoạch .

  Mặc dù chiến thắng dễ dàng ở Phi Luật Tân nhưng khi nhận lệnh chuyển quân Tướng Homma cũng bối rối không ít . Chiến dịch càn quét này không phải quá đơn giản như thượng cấp của ông đã nghĩ , nó có thể phải trả giá bằng một sư đoàn thiện chiến số 48 của ông . Vì thế ông đề nghị nên thay thế bằng một sư đoàn khác nhận lãnh trọng trách này nhưng người ta đã từ chối lời yêu cầu . Thế là sư đoàn đang trấn đóng ở tuyến đầu nơi bán đảo Bataan được thay thế bằng một sư đoàn khác mang số 65 vừa mới đến từ Đài Loan để họ được nhận nhiệm vụ mới khá nguy hiểm .

   Sư đoàn 65 với một biệt danh đượm vẻ nhạo báng là “sư đoàn nghỉ hè” vì nó là một sư đoàn chiếm đóng , nghĩa là cầm súng không phải chiến đấu mà để dùng vào việc bảo vệ và an dân . Một sư đoàn gồm 7.500 quân nhân mà đa số đều cao tuổi và kém năng động , họ là những người lính già sắp về vườn với những loại vũ khí thô sơ không thích hợp cho những trận chiến cam go đầy thử thách như ở tuyến đầu khói lửa trên vùng bán đảo Bataan này . Và một vấn đề quan trọng không kém nữa là Trung Tướng Akira Nara được cử đến để làm chỉ huy tư lệnh sư đoàn này . Một sự đề cử gây nhiều tranh luận trong giới quân nhân vì Trung Tướng Nara từng là người du học trong một thời gian dài ở Hoa Kỳ và ông cũng là một ông Tướng từng tốt nghiệp trường bộ binh Fort Benning Hoa Kỳ .

  Vào đêm 5 tháng 01 , Nara , ông Tướng trung niên Tư Lệnh sư đoàn 65 , nai nịt gọn gàng đích thân dẫn đoàn tiền sát âm thầm tiến về phía trước , trong khi toán hậu quân còn lục đục phía sau dãn ra kéo dài tận hàng mấy dặm . Những quân nhân già cả mệt mõi ấy đang đi hành quân với một đội hình lộn xộn mất trật tự bởi phải tự túc vượt sông băng rừng vì quân đội Hoa Kỳ đã phá hủy toàn bộ 184 cây cầu trên đoạn đường mà họ phải vượt qua , vì thế cuộc chuyển quân của toàn bộ sư đoàn 65 đã bị trễ đi mất mấy ngày .

  Cuối cùng rồi những khinh binh thuộc toán tiền sát của Tướng Nara cũng vừa đặt chân đến vùng ngoại vi Bataan . Họ tập trung lại và phóng tầm nhìn trong màng đêm tịch mịch cố im lặng để nghe ngóng xem có động tỉnh gì từ phía bên kia rừng cây bên bờ một con suối , một biên giới thiên nhiên ngăn chia hai chiến tuyến . Và chính những người lính tiền sát này cũng không ngờ một mõm đất nhô ra tận nửa cửa vịnh tên gọi Bataan , với một chu vi hạn hẹp chừng ấy lại là nơi trú ẩn cho nhóm phòng thủ Phi Luật Tân gồm  15 ngàn quân nhân Hoa Kỳ và 65 ngàn thuộc đội quân bản xứ . Trong số 65 ngàn quân bản xứ này thật sự chỉ có khoảng 10 ngàn binh sĩ thuộc một sư đoàn thiện chiến của Phi là có khả năng chiến đấu thực thụ , phần còn lại thì chỉ là những nhóm hỗn hợp do cóp nhặt lại từ đủ thành phần du thủ du thực vô kỷ luật và được cấp phát vũ khí thô sơ bắt buộc họ phải tình nguyện chiến đấu và dĩ nhiên là họ chẳng được huấn luyện gì cả .

  Với một lực lượng khổng lồ như thế nhưng số lượng lương thực dự trữ lại quá ít , nó chỉ đủ dùng cho 100 ngàn quân trong vòng 30 ngày trong khi MacArthur dự định cầm cự ít nhất cũng phải 6 tháng . Tuy nhiên nhờ dựa vào một địa thế thiên nhiên khá vững này khiến ưu thế của lực lượng phòng thủ càng tăng và nhuệ khí chiến đấu của họ không hề suy giảm .

  Bán đảo Bataan với 16 dặm chiều ngang và 30 dặm chiều dài , có lẽ nó được hình thành bởi lượng nham thạch của núi lửa , một từ phía Bắc và một ở phía Nam . Khoảng giữa chỉ đơn thuần là rừng cây rậm rạp . Ở đây người ta còn tìm gặp con đường mòn chạy ngoằn ngoèo dọc theo triền dốc núi dựa theo bờ biển đến tận cuối mõm của bán đảo và một con đường khác được trãi đá xuyên qua thung lũng nơi cánh rừng già giữa hai ngọn núi lửa đã tắt từ lâu đời . MacAthur đã xếp đặt cho tuyến đầu phòng thủ nằm vắt ngang bán đảo tựa theo những địạ thế hiểm trở thiên nhiên từ 4 đỉnh núi phía Bắc , trong đó có ngọn cao nhất tên gọi Natib .

  Đến sáng ngày 9 tháng 01 thì tất cả đã có mặt sẳn sàng ở các phòng tiến chiến đấu , tinh thần chiến đấu của họ rất cao mặc dù khẩu phần được phân chia quá khiêm tốn ở mức độ cầm hơi nhưng vẫn muốn ra sức chiến đấu đến cùng . Đơn vị tiền phương này cũng được Tướng Arthur chia ra làm hai phần . Đơn vị phụ trách mặt Tây được rút ra từ những toán quân từng tham dự những trận đánh lẻ tẻ may mắn còn sống sót trở về từ vịnh Lingayen . Trái lại về mặt phía Đông , một mặt trận chính yếu mà Tướng Arthur đã quả quyết là quân Nhật sẽ tiến vào ngã này theo con đường mòn chạy dọc theo bờ biển . Để thiết lập một hàng rào phòng thủ vững chắc , Trung Tướng George Parker sẽ chỉ huy một lực lượng 25 ngàn quân vừa rút về từ các căn cứ phía Nam Phi Luật Tân . Địa hình ở cánh Đông này rất phức tạp vừa núi non hiểm trở vừa đồng bằng và cũng không ít đầm lầy nguy hiểm . Ở đây còn có nhiều ao hồ đầy tôm cá và một cánh đồng lúa chạy sâu vào vùng đất liền khoảng chừng 2 dặm đến những rẫy mía rừng tre bạt ngàn . Sừng sững một đỉnh núi tên gọi Natib , một điểm tựa vững chắc cho cánh quân phòng thủ dưới sự chỉ huy của Tướng Parker . Với những vách đá cao vòi vọi như một tấm lá chắn thiên nhiên , những hố sâu vạn trượng và cạm bẫy đã giăng kín , Parker nghĩ từ kim chí cổ , trong những trang chiến sử hào hùng trên thế giới chắc chắn là không có được một đội quân nào có thể vượt qua được những chướng ngại này để ghi lên thành tích chiến thắng .

  Một điểm yếu đáng quan tâm trong lực lượng liên minh phòng thủ của Tướng Mac Arthur là có những mối bất hòa nãy sinh từ những đơn vị bổn xứ vì có sự phân bố công tác không đồng đều giữa những người lính Phi và Hoa Kỳ . Đây là một bất lợi trong việc hợp tác phòng thủ giữa hai đơn vị trong một giai đoạn hết sức hiểm nghèo như ở đây .

  Cách đó vài dặm từ phía Bắc , Tướng Nara cho sắp đặt đội ngũ chỉnh tề và tiến về mục tiêu . Trong những năm chinh chiến ở Trung Hoa , Nara thường cảnh cáo thuộc cấp rằng đừng bao giờ liều mạng tấn công một vị trí nào mà trong tay không có được một tấm bản đồ chính xác của nó . Hiện tại thì trong tay ông chỉ có một bản địa đồ giao thông và vài tấm ảnh phóng đại mà thôi chứ chẳng có một bản đồ hành quân nào khả dĩ cho cuộc tấn công này . Chỉ thị từ Quân đoàn 14 Lục quân chỉ đơn thuần ra lệnh cho ông “Truy kích địch quân dọc theo con đường mòn từ Bắc xuống Nam bán đảo dưới sự yễm trợ hỏa lực của hai trung đoàn pháo binh và một trung đoàn 9 bộ binh thuộc sư đoàn 16 sẽ hiệp sức càn quét” . Và thượng cấp của ông cũng cam quyết rằng chỉ có khoảng 25 ngàn quân ô hợp đang có mặt ở Bataan , khi nghe tiếng súng đầu tiên của quân ta chắc chắn lũ tàn quân này sẽ chạy dồn về một ngôi làng nhỏ tên gọi Mariveles ở điểm tận cùng bán đảo . Và ở đây họ sẽ chống cự cầm chừng để chờ dịp dông trốn ra đảo Corregidor .

  Lệnh trên xuống sao nghe có vẻ dễ dàng quá , lạc quan quá . Nhưng vì cẩn thận nên Nara vẫn còn dè dặt xin cấp trên cho ông thêm chút ít thì giờ để rộng đường tìm hiểu thêm địa hình địa vật trước khi tấn công dứt điểm . Lời yêu cầu của ông bị bác bỏ và lệnh là phải thanh toán khúc xương Bataan này ngay lập tức . Không còn chọn lựa nào nữa nên túng cùng Nara đành phải hấp tấp soạn thảo một kế hoạch hành quân . Đây chỉ là một sự đơn giản cần thiết chỉ cần một ngày ngắn ngủi để chuẩn bị , ông giao cho Đại Tá Takeo Imai chỉ huy trung đoàn con cưng số 141 của mình đánh thẳng xuống theo chiều dọc của con đường mòn , trong khi trung đoàn 9 do một người bạn già rất tín cẩn và đầy kinh nghiệm là Đại Tá Susumu Takechi chỉ huy tiến xuống vùng bán đảo đến sườn núi Natib , vượt qua đỉnh núi chớn chở này và cắt ngang xuyên qua lối mòn Tây Nam và như thế sẽ tạo thành một phòng tuyến mới thọc sâu vào sườn địch chia đôi lực lượng họ ra làm hai mảnh nội bất xuất ngoại bất nhập .

  Đến chiều , sau nhiều tiếng đồng hồ nôn nóng chờ đợi khi nghe tiếng pháo yểm trợ vừa dứt thì Đại Tá Imai hăng hái tung quân vào tảo thanh dọc theo trục lộ Bắc Nam trong khi Takechi thì chỉ huy một toán xuyên qua khu rừng chằn chịt . Sau khi tiến quân được hơn vài trăm mét Đại Tá Imai bỗng nghe mặt đất rung rinh , phía trước từng loạt pháo nỗ long trời . Đó là đòn trả miếng của trung đoàn pháo binh Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của Tướng Parker . Quân Mỹ họ không hề run sợ và bỏ chạy sau loạt pháo vừa rồi như những lời tiên đoán bộ chỉ huy quân đoàn 14 Lục quân Nhật , thượng cấp của Tướng Nara .

  Quân đội Phi Luật Tân cũng không hề nao núng trước những tiếng nổ mở màn ấy , họ vẫn sát vai với quân đội Hoa Kỳ giữ vững tay súng chiến đấu . Và đợi đến khi Đại Tá Imai cùng trung đoàn lọt vào vòng phục kích thì họ phản công ngay , hy vọng với hỏa lực tối đa của những khẩu trọng pháo này trong vài tiếng sau trung đoàn tiền sát của Imai sẽ bị thiệt hại nặng . Để trám vào chỗ trống này , bắt buộc Nara phải tung vào lực lượng trừ bị , như thế Nhật sẽ lọt vào cái bẫy giương sẳn của Parker nhằm tiêu hao lực lượng địch và bảo toàn tối đa quân số của mình .

  Tiếng đại bác vang rền làm cho Tướng Nara lo lắng bồn chồn ngồi đứng chẳng yên . Cánh quân của Takechi không biết hiện giờ đang ở đâu mà chẳng nghe báo cáo chi cả . Nghìn đồng hồ rồi lại đăm chiêu nghĩ ngợi , Nara cố trấn an mình bằng ý nghĩa có lẽ họ đã vượt qua khỏi ngọn Natib và đang trãi quân án ngữ phía sau phòng tuyến của địch quân rồi cũng nên . Nhưng thời gian cứ lặng lẻ trôi , tiếng đại bác vẫn vang rền không dứt , tiếng cây gẫy đổ , tiếng đất đá bay ào ào dưới cơn bão lửa và bóng tối đang từ từ bao trùm vũ trụ , Nara càng sốt ruột , ông tự hỏi “Chẳng lẽ nào rừng già đã nuốt chững Takechi rồi hay sao chớ ?” Câu hỏi làm ông ta nghi ngại không ít , linh tính như báo cho có chuyện chẳng lành đã xảy ra cho trung đoàn của Takechi . Ông vội quyết định thay đổi ngay chiến thuật : Trung đoàn đang hứng pháo của Imai phải tức tốc chuyển lộ trình hành quân sang phía Tây trám vào vị trí tiến quân của trung đoàn Takechi đã bị mất liên lạc và ra lệnh cho họ phải tìm kiếm để bắt tay với cánh quân này bằng mọi giá .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế