Chiến trường Phi luật tân tiếp theo

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cũng trong nội nhật ngày hôm nay , 13 tháng 01 , theo sự đồng ý của Tướng MacArthur , Tổng Thống Phi Quezon gửi một điện văn đến Roosevelt phàn nàn rằng Tổng Thống Hoa Kỳ đã không giữ đúng lời hứa là viện trợ quân sự cho chính phủ Phi . Quezon thỉnh cầu chính phủ Hoa Kỳ gửi ngay một lực lượng quân sự hùng hậu để chống lại những cơn sóng xâm lăng của quân đội Nhật Bản . Một bức điện trả lời từ Tòa Bạch Ốc đến MacArthur đã làm cho vị Tổng Thống trốn chạy càng  phẫn nộ cay cú hơn .

  … Hoa Thịnh Đốn đã đánh giá mặt trận Phi Luật Tân không phải là một mặt trận có tầm vóc quan trọng để quyết định kết quả cuối cùng của một cuộc chiến , bởi vậy chúng tôi sẽ không thể viện trợ thêm vào mặt trận này kể từ bây giờ và trong tương lai ….

   Đã như thế thì Tướng MacArthur nghĩ mình cũng không cần phải thuyết phục ai nữa nhưng ông lại hy vọng bức điện tín này sẽ khích động Marshall . Về phần những quân nhân đang còn bị dồn nén nơi mũi bán đảo Bataan của mình , Arthur nghĩ mình có thể trấn an và khuyến khích họ bằng những lời lẽ ấm áp trong tình huynh đệ chi binh với nhau thì tốt nhất :

   “Hàng ngàn binh sĩ Hoa Kỳ và hàng trăm máy bay tăng viện đang trên đường đến đây . Sẽ không có một cuộc triệt thoái nào cả . Lực lượng phòng thủ của chúng ta ở Bataan trội hơn quân số Nhật Bản đang hiện diện . Lương thực và vũ khí của chúng ta dồi dào , quân phòng thủ của chúng ta nhất định sẽ đẩy lùi bước tiến của kẻ thù . Tôi kêu gọi mỗi quân nhân đang chiến đấu ở Bataan hãy giữ vững tay súng quyết không nhường cho kẻ thù dù một tấc đất . Đây là một cơ hội để sống còn . Nếu chiến đấu chúng ta tất nhiên sẽ thắng , nếu rút lui chúng ta ắt sẽ bị tiêu diệt

  Hầu hết những quân nhân Hoa Kỳ ở Bataan đều không tin tưởng vào những lời tuyên bố quá lạc quan của MacAthur , họ đều cho rằng ấy chẳng qua là ông tướng chỉ muốn trấn an và khích lệ họ mà thôi . Nhưng đối với những người lính bản xứ thì những lời khích lệ này tác động họ một cách mãnh liệt , trong phút chốc họ nhận thấy mình là những quân nhân kiệt xuất và rất đáng tự hào khi được chiến đấu dưới lá cờ của Hiệp Chủng Quốc .

  Sáng ngày 16 tháng 01 , sư đoàn số 51 Phi Luật Tân quyết định tung quân phản công . Vì muốn chứng minh quân đội mình cũng xuất sắc như ai nên họ quá hăng hái đến độ khi tiến quân phản công , một trung đoàn đã vượt khá xa trung tâm khu vực hành quân . Đây chính là một cơ hội hiếm hoi mà Đại Tá Imai dù có nằm mơ cũng chưa chắc thấy . Sau khi quan sát kỹ đội hình rời rạc của địch quân , Imai cho đàn em đồng loạt khai hỏa tấn công thẳng vào cạnh sườn phía Tây của địch . Đồng thời ngay lúc ấy , cánh quân thất lạc của Đại Tá  Takechi xuất hiện ngoài bìa rừng và nỗ súng tấn công vào mặt bên kia của địch . Với hai mặt giáp công này khiến cho cánh quân Phi chạy toán loạn lên và chỉ một chốc sau toàn bộ bị quân Nhật tiêu diệt dễ dàng . Phòng tuyến đông-tây của quân phòng thủ Bataan đã bị thủng một khoảng trống khoảng 2 dặm .

  Đến chiều cùng ngày , hai cánh quân của Takechi và Imai đều mệt lã và đói , đạn dược đã cạn và quần áo tả tơi . Đến lúc này Takechi mới báo cáo với Tướng Nara về tình trạng thất lạc của Trung đoàn mình trên đỉnh Natib . Tướng Nara tỏ ra thông cảm và ra lệnh cho ông rút về tuyến sau lo bổ xung quân số và tái phối trí hàng ngũ chờ đợi . Nhưng ngược lại , Takechi chỉ tuân lệnh cho xong và không cần đòi hỏi bổ xung đạn dược hoặc nghỉ ngơi , ông ra lệnh tiến về phía trước thay vì lùi lại phía sau để làm quân dự bị như mệnh lệnh . Takechi nghĩ rằng Nara đã đẩy ông đến tổn thất như thế này rồi thì một cũng liều hai cũng liều , quyết chí dẫn con cái mình trở lại ngọn Natib dù phải chết trong vinh dự cũng cam .

  Phía bên kia bán đảo Bataan tính từ đỉnh Natib đến bờ biển Nam Hải là một vùng núi đá rất hiểm trở có thể nói là một nơi mà con người không thể nào đặt chân đến được . Có lẽ địa thế của nó quá ư là hiểm hóc nên Tướng Homma , người tiền nhiệm của Nara không thể nào thả đội thám sát để dọ thám và đánh giá đúng mức được lực lượng phòng thủ đang hiện diện ở đây . Chiều hôm ấy 5 ngàn quân Nhật di chuyển về vị trí đối diện với tuyến phòng thủ của Tướng Wainwright . Chỉ huy 5 ngàn quân nhân này là Trung Tướng Naoki Kimura , người đã phát giác ra tuyến phòng thủ của Hoa Kỳ chỉ có một nửa trên vùng đồi núi hiểm trở này . Ông ta mạnh dạn quả quyết theo những gì mình nhận xét thì hành động từ bên này sẽ có nhiều cơ hội thành công trái ngược hẳn với Đại Tá Takechi vì nghiên cứu chưa tường tận nên bị thất bại phía bên kia núi . Người dẫn đầu 700 quân tiền sát này là Trung Tá Hiroshi Makanishi , họ âm thầm tiến vòng theo cánh phải của toán quân phòng thủ Wainwright rồi bẻ quẹo về hướng Tây . Sáng ngày 21 họ đã có mặt tại bờ biển , nghĩa là đã lọt qua khỏi vòng đai phòng thủ của Tướng Wainwright .

  Đây là diễn biến của tuyến phòng thủ mặt Tây . Tình hình mặt Đông tuyến cũng lắng dịu lại sau trận đụng độ dữ dội giữa sư đoàn 51 Phi Luật Tân và hai trung đoàn của Takechi và Imai . Sự thiệt hại của đội phòng thủ đã để lại một lỗ thủng , mặc dù kịp thời tăng viện thêm quân số để bịt kín lỗ thủng ấy nhưng phía phòng thủ vẫn không thể tiến lên được trước hỏa lực địch và đa số đều bị sa lầy do sự cản trở của các chướng ngại vật như mìn bẫy do chính họ giăng ra trước đây , thế là cuối cùng họ đành phải bỏ mặt cho tuyến phòng thủ bị vỡ toang .

  Tình hình càng lúc càng xấu đi . Dọc theo chiều ngang của tuyến phòng thủ , những người lính tiền tuyến này đã mệt nhoài với nhiệm vụ : ban ngày thì chiến đấu không ngừng nghỉ , đến lúc đêm về thì cũng chẳng chợp mắt được vì bị bọn lính Nhật thường trà trộn lẻn vào gây rối , nếu không thì phải nghe những lời mắng nhiếc chữi rủa thậm tệ từ những chiếc loa phóng thanh giăng mắc đâu đó trên các cành cây quanh chiến hào .

  Nhận thấy tình hình quá nguy hiểm nên Tướng Sutherland yêu cầu bộ chỉ huy chấp thuận đề nghị dời tuyến phòng thủ thứ nhất lùi về tuyến thứ nhì ngay lập tức . Tuyến phòng thủ thứ nhì này nằm xa về phía Nam , phía bên kia con đường trãi đá xuyên tuyến Đông Tây của bán đảo . Nếu phải triệt thoái về vị trí này thì quân phòng thủ phải co cụm lại trong một chu vi phòng thủ nhỏ hẹp hơn và ít chướng ngại thiên nhiên hơn , đó là một bất lợi lớn cho quân phòng thủ .

  Tướng MacArthur đồng ý ra lệnh triệt thoái . Công tác lui quân này được thực hiện lúc đêm đến . Đúng 7 giờ tối ngày 24 tháng 01 lệnh được bắt đầu , từng đoàn xe nhà binh và binh lính lần lượt rời bỏ vị trí để lui về phía sau . Lúc nửa đêm thì tình hình trở nên xáo trộn , nhiều đoàn xe bị kẹt lại do công tác thực hiện không kế hoạch nên sự di chuyển giữa hai cánh quân Hoa Kỳ và Phi Luật Tân bị ùn tắt mất trật tự . Ở một nơi mà một tiểu đội quân cảnh cũng không có nốt thì sự mất trật tự trong việc giao thông không cần phải kể . Nhất là cánh quân bổn xứ , họ vốn là những quân nhân tồi không kinh nghiệm trận mạc nhưng rất giỏi gây náo loạn hàng ngũ , cứ mạnh ai nấy chạy , mạnh ai nấy lo , không hàng không ngũ cứ rùn rùn mà chạy . Càng về sáng tình hình càng rối loạn hơn , thượng cấp bó tay , họ lặng lẽ nhìn nhau và thầm cầu nguyện cho một phép lạ nào đó xuất hiện để có thể vãn hồi được tình thế .

  Gần tờ mờ sáng mới có được một nhóm binh sĩ rất thưa thớt đến được điểm . Họ trông phờ phạc và tơi tả như những xác chết biết đi . Và cả trọn ngày hôm ấy cuộc triệt thoái vẫn tiếp tục , tuy ban ngày nhưng nhịp độ di chuyển khá vất vả vì phi cơ oanh tạc của Nhật dường như đang làm chủ bầu trời . Lại một tai ách khác tiếp đến cho cánh quân phòng thủ đang trên đường triệt thoái , chẳng biết từ đâu những binh sĩ đói meo tơi tả nhưng quá bất khuất của Đại Tá Takechi thình lình xuất hiện làm cho sự chuyển quân của Hoa Kỳ đã rối càng thêm loạn . Cánh quân của Đại Tá Takechi đã làm được một việc phi thường là đã chinh phục được những chướng ngại và vượt qua đỉnh Natib trong khi lương thực đạn dược và sức lực coi như đã quá cạn kiệt .

  Đến ngày 26 tháng 01 tình hình ở phòng tuyến mới của liên quân Mỹ-Phi mới được coi là tạm ổn . Hệ thống liên lạc với bộ chỉ huy được thiết lập khéo léo và hoàn chỉnh hơn , con đường tiếp vận cũng được khai thông kịp thời hầu bảo đảm an toàn cho công tác vận chuyển lương thực và đạn dược .

  Hoàn cảnh thê thảm thật không riêng gì những quân nhân phòng thủ của liên quân Mỹ-Phi , chính trong hàng ngũ của phía tấn công tình trạng cũng không khá hơn chút nào . Họ cần phải nghỉ ngơi dưỡng sức , cần bổ sung lực lượng , di chuyển thương binh và cần nhiều thứ khác . Nói chung trong tình thế hiện tại họ đã quá mệt mỏi , mệt mỏi đến độ không còn đủ sức chiến đấu nữa . Tướng Nara đã nướng trên 2 ngàn binh sĩ chỉ trong vòng vài ngày , số may mắn còn sống sót đều bị ám ảnh kinh hoàng của trận chiến khiến tinh thần chiến đấu của họ xuống thật thấp , thấp hơn ngọn cỏ . Tuy vậy lệnh tiến công từ Đông Kinh vẫn ngày đêm đốc thúc và những kẻ duới quyền đang cầm súng chiến đấu dù có chán nản đến đâu nhưng bắt buộc phải chiến đấu để sinh tồn .

  Sau một thời gian ngắn tạm yên tiếng súng , dù sức lực chưa hồi phục nhưng cuộc chiến lại tiếp tục . Lần này quân Nhật tỏ ra quá cảm tử cứ tiến sát hàng rào phòng thủ mà công khiến cho cánh quân phòng thủ càng chiến đấu càng lúng túng và gượng gạo hơn , họ có cảm tưởng rằng chính kẻ xâm lăng đang ở thế thượng phong . Rừng ở đây quá rậm rạp đến đỗi hơn một ngàn binh sĩ Nhật đột nhập xuyên qua tuyến phòng thủ cả ba ngày của Tướng Wainwright mà không bị phát giác . Đến khi phát giác ra được thì họ phải vất vả lăn vào đánh cận chiến , thiệt mạng không biết bao nhiêu binh sĩ và mất hàng 3 tuần lễ mới đẩy lùi được . Tuy nhiên họ vẫn không hề ngờ rằng đã có một toán lính Nhật đã âm thầm xâm nhập sâu vào phần đất của mình từ mấy hôm trước bằng tàu . Nơi đổ quân của họ là phần đá núi gồ ghề tiếp giáp bờ biển phía Tây , cũng chính nơi này họ đã bắt tay với cánh quân 700 binh sĩ đã xâm nhập từ trước dưới sự chỉ huy của Trung Tá Hiroshi Makanishi . Nhiệm vụ chung của hai cánh quân xâm nhập này là tung lực lượng kiểm soát trong khu vực trách nhiệm làm đầu cầu bảo vệ cho những chuyến đổ bộ khác sẽ được tiếp tục trong những ngày kế tiếp và sau đó tiến thẳng xuống miền Nam , vùng cuối mõm bán đảo để ngăn chận đường tiếp tế lương thực đến từ đảo Corregidor . Và tính cho đến ngày 08 tháng 2 đã có thêm 4 lần đổ bộ khác được thực hiện .

  Cũng trong ngày này , Tướng Homma được triệu đến tham dự một buổi họp quan trọng ở San Fernando (một thành phố thuộc phía bắc thủ đô Manila) . Đó là một ngày oi bức lạ thường , nhìn đồng hồ nhiệt kế đang nằm ở vị trí 95 độ F . Trong lòng vị Tướng bồn chồn nóng nãy , ông ngồi trong phòng họp mà tâm trí như để đâu đâu . Chỉ riêng ở một mặt trận Bataan thôi ông đã bị thiệt hại gần 7 ngàn binh sĩ , hơn 10 ngàn quân khác đang vướng những chứng bệnh sốt rét , kiết lỵ v.v . Đã hai lần ông yêu cầu xin quân tăng viện nhưng đã hai lần bị từ chối . Bây giờ chỉ còn 3 tiểu đoàn bộ binh đang chiến đấu ở mặt trận Bataan . Trung Tướng Masami Maeda , sĩ quan tham mưu của ông đã lên tiếng một cảnh cáo rằng nếu MacArthur biết rõ điều ấy thì ông ta sẽ tung hết toàn bộ lực lượng phòng thủ để tiêu diệt ngay , trong khi một vị sĩ quan dạn dày kinh nghiệm chiến đấu là Đại Tá Moto Nakayama thì vẫn một mực nằng nằng quyết tấn công đến kỳ cùng . Ông lý luận “Mọi nỗ lực phải dồn hết về mặt trận phía Đông của bán đảo . Đơn thuần chỉ cần kéo dài thời giờ bao vây phong tỏa họ , với một khối lượng quân số hiện diện như thế nếu cứ bị bao vây lâu ngày tất nhiên sẽ nguồn lương thực sẽ cạn và khi ấy biến loạn sẽ nổi lên . Dịp tốt cho chúng ta ra tay thanh toán nốt một cứ điểm còn lại và hẳn nhiên MacArthur dù có cánh cũng không sao thoát nổi nếu hắn ta còn mãi cứng cổ chẳng chịu đầu hàng”  Lời của vị Đại Tá giàu kinh nghiệm này quả thật có lý nhưng Homma vẫn chưa thể hình dung ra được một chiến thắng gần kề . Đông kinh sẽ không bao giờ cho phép ông dùng một chiến thuật quá thấp hèn đáng khinh bỉ như thế . Ông bảo sẽ thay vào một đơn vị khác hùng hậu nhận lãnh trách nhiệm ở mặt trận này . Và nếu thực hiện được điều này Homma phải có đầy đủ nghị lực lẫn can đảm , dẹp bỏ tự ái về tính tự cao của con nhà tướng để một lần nữa yêu cầu thượng cấp xin bổ sung quân số . Và Homma đã thất bại , cầm bức điện tín từ Đông Kinh gửi đến mà nước mắt ông Tướng rưng rưng . Thủ Tướng Tojo hẳn là bực tức vô cùng nên trong bức điện văn ông nêu lên câu hỏi rằng tại sao ở các mặt trận khác đều chiến thắng duy chỉ có ở Phi Luật Tân thì ngược lại !

  Homma buông rơi bức điện tín , mặt chảy dài bước những bước nặng trĩu ra khỏi phòng họp .

                         .................................................................

   Trong hầm chỉ huy tại đảo Corregidor , Tổng Thống Phi Quizon ngồi trên xe lăn tay chống cằm lắng nghe radio , giọng Tổng Thống Hoa Kỳ Roosevelt tuyên bố hùng hồn trước nhóm phóng viên rằng sẽ có hàng ngàn phi cơ chiến đấu lên đường tới mặt trận Châu Âu . Bỗng chốc Quezon lại thở dài đưa tay chỉ về phía đất liền , nơi có những đám khói bốc lên ngùn ngụt và chậm rãi nói “Có gần 30 năm trời tôi đã làm việc cực lực cốt là tìm thấy hy vọng tốt sẽ tới với xứ sở và đồng bào của tôi . Nhưng bây giờ lại phải chứng kiến cảnh họ bị chết tức tưởi dưới ngọn cờ tổ quốc đã không bảo vệ được họ . Đau đớn thay và nhục nhã thay !” Nói xong ông đưa mắt nhìn thẳng vào MacArthur mĩm cười chua chát rồi tiếp “Bỏ rơi một đồng minh khốn khó để giúp đỡ một đồng minh khác giàu có ! Thật là khốn nạn , thật là thô bỉ ! Họ đành lòng vươn tay thật xa để cứu giúp một người anh em bà con trong khi đứa con ruột lại bị cưỡng hiếp ngay trong nhà !

  Đoạn ông đưa ra đề nghị “Sự hiện diện của tôi ở Corregidor cũng chẳng giúp ích gì cho các ông . Thế thì tại sao tôi không về Manila thà làm một tù nhân chiến tranh có còn hơn không ?” Arthur tỏ ý e ngại rằng nếu hành động như thế sẽ gây hoang mang cho những binh sĩ đang cầm súng phòng thủ . Quezon buông thỏng một câu xuội lơ “Ai nghĩ sao về tôi , tôi cũng mặc kệ” . Và ông tạm thời cũng đồng ý với Tướng Arthur là sẽ suy xét lại ý định của mình .

  Tối hôm ấy , một viên thiếu úy trẻ Phi tên Antonio Aquino ôm phao cố bơi từ Bataan ra đến đảo Corregidor với mục đích tìm gặp Tổng Thống Quezon để báo cáo với ông rằng đang có sự xung đột giữa hai quân đội Phi và Mỹ ở tuyến đầu phòng thủ . Như để thay mặt cho toàn thể binh sĩ đang cầm súng chiến đấu ở tuyến đầu , Aquino nhìn vẻ mặt đau khổ của vị tổng tư lệnh quốc gia đề nghị thẳng “Tôi nghĩ những quân nhân của chúng tôi cần phải được hưởng khẩu phần ăn đồng đều so với những binh sĩ của Hoa Kỳ . Có lẽ nào đâu cùng chiến đấu sống chết như nhau nhưng phần ăn của họ thì dồi dào thừa mứa trong khi chúng tôi thì chỉ được cấp phát cá hộp . Mỗi hộp một ngày cho 30 người ăn . Đó chẳng phải là một khẩu phần chết đói ư ?

  Quezon điên tiết lên , ông cho triệu tập nội các lưu vong và đi ngay vào vấn đề là ông muốn đề nghị thẳng với Roosevelt phải chấp nhận cho ông được tách ra khỏi quỷ đạo Hoa Kỳ để tuyên bố độc lập cho Phi Luật Tân . Sau đó ông sẽ giải tán quân đội và tuyên bố Phi Luật Tân đứng về phía trung lập . Đến lúc không còn dính líu gì với chính phủ Hoa Kỳ thì tất nhiên quân đội của họ và Nhật Bản phải lập tức rời khỏi Phi Luật Tân ngay . Phó Tổng Thống Sergio Osmena cố gắng thuyết phục , ông cho rằng đó là vấn đề hết sức hệ trọng không thể mang ra bàn bạc trong hoàn cảnh rối loạn như thế này . Dù can gián hết sức nhưng tổng thống Quezon vẫn giận dữ quát tháo liên hồi rồi ngồi im thở hồng hộc . Những cơn ho liên tục khiến cho người ông co quắp trông thảm nảo làm sao . Không hận người Mỹ sao được , với chích sách gọi là “Khối thịnh vượng chung Hoa Kỳ” người Mỹ đã chi phối hoàn toàn xã hội Phi Luật Tân . Với từ ngữ này vô hình chung đã biến đất nước của ông lọt vào quỹ đạo của họ , một chủ nhân ông chỉ biết hành động cho tư lợi của mình mà thôi . Để bây giờ trong tình hình nghiêng ngã của đất nước thì chính người chủ nhân kia đã ngoảnh mặt làm ngơ với lý do “đó là một tiền đồn không quan trọng” . Ông đau xót cho thân phận nhược tiểu vì quá cả tin vào một cường quốc , mà là một cường quốc thâm hiểm và tráo trở khôn lường . 

  Nhận thấy mình không thể giải thích thêm trong khi lòng căm phẫn của tổng thống đã dâng lên tột độ , bất đắc dĩ phó tổng thống Osmena mới tán đồng ý kiến của ông . Theo nguyên tắc thì mọi giao dịch với Hoa Thịnh Đốn đều phải qua trung gian của Tướng MacArthur

Vị Tướng tư lệnh mặt trận Đông Nam Á lên tiếng trấn an tổng thống Quezon “Ông hãy bình tỉnh , dù sao thì Hoa Thịnh Đốn cũng chưa dứt khoát bỏ rơi chúng ta và hiện tại hoàn cảnh cũng chưa đến tuyệt vọng kia mà” . Tuy vậy nhưng ông vẫn đồng ý chuyển ngay bức điện tín về Roosevelt , trong khi làm việc này trong lòng ông cũng bị giày vò không ít vì có sự nghi ngờ rằng Hoa Thịnh Đốn và đặc biệt là Tướng Marshall , đã chẳng có biện pháp gì giúp đỡ mặc dù họ đã dư biết với một lực lượng quá khiêm nhường trong tay thì ông phải xoay trở vào đâu khi hoàn cảnh cực kỳ gay go ập tới quá bất chợt (Ngay cả những thuộc cấp trung thành nhất của MacArthur cũng lên tiếng chỉ trích hành động im lặng khó hiểu của chính bổn quốc họ . Và họ cũng quá rõ những mâu thuẫn giữa MacArthur và George Marshall . Chính vì vậy , sự trốn chạy của họ ngày hôm nay chắc chắn rằng người chịu trách nhiệm không ai xa lạ hơn George Marshall . Nguyên nhân sâu xa vì ông ta vẫn còn hậm hực MacArthur ngày trước khi còn là tham mưu trưởng đã phản đối khi có lệnh vinh thăng Marshall lên hàng tướng lãnh) .

   Quyết định táo bạo của Quezon có thể mang lại một hậu quả khó lường như sụp đổ cả một chính thể chẳng hạn và sự liều lĩnh của MacArthur khi chấp nhận đem cả một cuộc đời binh nghiệp đặt trên một ván bài nguy hiểm mà chính ông không phủ nhận là rất đáng để chơi xả láng này .

  Nhưng có lẽ nhờ vậy mà Hoa Thịnh Đốn lại thay đổi thái độ đối với chiến trường Phi Luật Tân và Roosevelt đã bắt tay vào hành động thật sự . Trung tuần tháng 3 đã có khoảng 75 ngàn thủy quân lục chiến lên đường sang chiến trường Thái Bình Dương , một con số gấp 4 lần so với số quân vừa chuyển đến chiến trường Âu Châu . Và một số lượng lớn phi cơ chiến đấu đều sẳn sàng cung ứng cho chiến trường Thái Bình Dương .

  Để cho Quezon có thể hiểu rằng Hoa Kỳ cũng đang gặp khó khăn vì một lúc phải đối phó với hai mặt trận – Gần 200 ngàn tấn quân dụng vừa bị đánh chìm ở bờ biển Đại Tây Dương và Rommel khiến cho quân đội Anh bắt buộc phải rút về Alexandria , Roosevelt cần phải nói rõ hơn những sự kiện trên và như vậy thì Quezon sẽ không còn phẩn uất mà liều lĩnh nghĩ đến chuyện phản phúc ông ta nữa . Và thật không hổ danh là một nhà chính trị độc đáo , ông ta đã thành công trong việc thuyết phục Quezon trở lại quỹ đạo Hoa Kỳ và hứa danh dự rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ bỏ rơi người bạn đồng minh Phi Luật Tân .

  “Bao giờ còn lá cờ Hoa Kỳ xuất hiện trên vùng đất của Phi Luật Tân thì xứ sở này sẽ còn được bảo vệ bởi xương máu của binh sĩ Hoa Kỳ chúng tôi . Với những xáo trộn hiện tại , chúng tôi cố gắng không ngừng nghỉ để thành lập một lực lượng chiến đấu từ bên ngoài , lực lượng này sẽ tiến vào giải phóng Phi Luật Tân , sẽ đánh đuổi đến tên giặc cuối cùng trên đất nước của bạn

  Điểm này đã chứng tỏ rằng Roosevelt thật sự quyết tâm làm bất cứ điều gì có thể cho MacArthur . Đặc biệt đã đánh trúng vào yếu điểm của Quezon , nó đã mang đến cho ông một niềm tin mãnh liệt vào chính phủ Hoa Kỳ nói chung và Roosevelt nói riêng , ông tự thề với lòng rằng một ngày nào mình còn hơi thở thì ngày đó vẫn còn trung thành với người anh cả Hoa Kỳ bất chấp nhân dân đồng bào của ông có phản đối cũng mặc .

  Một bức điện tín khác Roosevelt gửi đến MacArthur chỉ thị cho ông phải giữ vững vị trí cố thủ , khuyến khích tinh thần chiến đấu binh sĩ và gây tình đoàn kết giữa hai quân đội Mỹ-Phi . Thế nghĩa là Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không bỏ rơi Phi Luật Tân . MacArthur tỏ ra lạc quan hơn , trong bức điện tín trả lời về Hoa Thịnh Đốn , ông cam quyết sẽ mang về cho Hoa Kỳ niềm tự hào bằng một chiến thắng vinh quang .  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế