Chiến trường Mã Lai và Tân gia ba

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trở lại chiến trường Mã Lai . Quân Nhật đã tiến sâu xuống tận mõm cuối của bán đảo Mã Lai , sát nách Vương quốc Anh ở Á Châu tức là Tân Gia Ba . Ngày 07 tháng 01 , Tướng Wavell , chỉ huy trưởng toàn vùng ngồi trên một chiếc phi cơ cất cánh từ bộ chỉ huy ở Bandung thuộc Java đến thị sát sơ lược tình hình Tân Gia Ba .

  Đêm qua , 15 xe tăng Nhật đã vượt qua khỏi phòng tuyến của Sư đoàn 11 Ấn Độ và xuyên qua chiếc cầu chiến lược trên sông Slim , cách Tân Gia Ba 250 dặm đường chim bay . Không có được một lực lượng đồng minh nào đối đầu ngăn cản bước tiến của họ . Một lý do đơn giản mà các nhà quân sự chuyên môn đưa ra để bào chửa cho sự im lặng đến nhu nhược này là vũ khí trang bị ở đây không thích hợp cho chiến trường rừng núi !

  Wavell tiếp tục về phía bắc để tìm quân đoàn III đang bị xáo trộn và sư đoàn 11 Ấn Độ gần như bị tan rã để ra lệnh cho họ gom góp tàn binh , củng cố lại lực lượng rút toàn bộ về tỉnh Johore cách đó khoảng 150 dặm , nơi mà Đại Tướng Gordon Bennett cùng những quân nhân Úc Đại Lợi đang cố gắng thiết lập căn cứ cố thủ để ngăn bước tiến của Nhật . 

  Sắp đặt công tác xong Wavell liền trở lại Tân Gia Ba , ông đến thị sát hướng Bắc hòn đảo . Nơi đây vốn là một khu rừng rậm mênh mông , và ông rất đỗi ngạc nhiên khi không nhìn thấy có một căn cứ hoặc dấu hiệu gì của sự bố phòng ngăn chận mũi tiến công đến từ đất liền . Sau khi quan sát tất cả chung quanh những căn cứ phòng thủ ở Tân Gia Ba , Wavell kinh hoàng khi nhận thấy tất cả những ụ súng cối được đặt ở vị trí cố định quay ra hướng biển , nghĩa là chỉ phòng thủ duy nhất có một mặt tấn công . Nhưng hiện tại thì quân Nhật tràn xuống bằng đường bộ , những ụ súng đại bác mà quân đội của ông đã tin tưởng dựa vào hỏa lực của nó bây giờ đương nhiên mất hết tác dụng .

  Thủ Tướng Churchill chết lặng người khi nghe Tướng Wavell báo cáo . Những gì mà ông hằng tin tưởng là thành trì kiên cố , lủy sâu hào rộng vũ khí tối tân chớ đâu có ngờ nó chỉ là một căn cứ để cho những binh sĩ xa nhà có dịp bù khú nhậu nhẹt và cấp chỉ huy của họ thì toàn là một lũ thô thiển nông cạn nói thì nghe hay mà làm thì quá tệ ! Ông trách ông quá tin tưởng vào pháo đài Tân Gia Ba và thảo ngay một công lệnh tối khẩn gửi đến ban tham mưu ra lệnh cho họ phải tức tốc thay đổi lại hệ thống phòng thủ . Churchill kết luận “Thành phố Tân Gia Ba phải đổi lại là một chiến địa cuối cùng , phải bảo vệ cho đến hơi thở cuối cùng . Đầu hàng là một giải pháp không thể chấp nhận được !”

  Từ khi bắt đầu cuộc tiến công , sự chênh lệch quân số giữa hai phe đã quá rõ rệt . Với quân số gấp đôi , Nhật chẳng bao giờ phải dừng lại để dưỡng quân hoặc chờ tiếp liệu . Họ tiến theo trục giao thông chính trên hàng ngàn chiếc xe đạp và hàng trăm xe vận tải tịch thu được của quân đội Anh . Thảng gặp những cây cầu bị phá hủy thì những quân nhân của họ cõng xe đạp mà vượt sông hoặc những cây cầu thô sơ mà công binh của họ bắt vội , thậm chí còn có những cây cầu được bắt vào những đôi vai gầy guộc của những người lính công binh tự nguyện đứng gồng mình chịu đựng để bước tiến công không bị chậm trễ . Nói chung , đoàn quân xăm lăng này là những quân nhân ngoại hạng , không một hoàn cảnh hoặc một khó khăn nào có thể làm họ chùn lòng thối chí . Ấy mới thấy lòng kiên trì và ý chí sắc đá của người Nhật , lòng tôn kính Thiên Hoàng và tình yêu dành cho tổ quốc của họ thật đáng cho chúng ta nghiêng mình kính nễ .

  Trên đường tiến quân bằng xe đạp , trong trường hợp lốp xe bị hư gây chậm trễ trong việc hành quân thì ở đây , họ cũng là những người tìm ra được phương pháp chạy xe đạp bằng niền trên xa lộ . Một sáng kiến khá độc đáo vì khi tiếng vang của hàng ngàn niền xe đạp lăn trên mặt lộ tạo thành một thanh âm hỗn độn giữa đêm khuya khiến cho những toán quân phòng thủ , đặc biệt là những quân nhân thuộc các sư đoàn viễn chinh của Ấn Độ đang trấn đóng trong khu vực , họ đồng thất thanh hô to “Xe tăng đến !” rồi ùn ùn bỏ tuyến phòng thủ tháo lui về phía sau . Một lợi điểm không ngờ khiến cho thế tiến công của Nhật chẳng gặp bất cứ một trở ngại nào là vì hai phe tiến và thủ chẳng ngờ được nhau . Một vị sĩ quan Anh bị bắt làm tù binh thố lộ với Đại Tá Tsuji rằng ông ta cứ nghĩ phòng tuyến phía Bắc Mã Lai cũng cầm cự được ít nhất là vài ba tháng . Ông nói “Một quân đội quá yếu kém như Trung Hoa thế mà trong 4 năm trời tiến công Nhật cũng chẳng đánh tan được họ . Vì thế chúng tôi đều đánh giá quá thấp quân đội của các ông” .

  Trong lúc hành quân , Đại Tá Tsuji thường xuất hiện như những khinh binh ở toán hàng đầu để khuyến khích và thúc giục bước tiến của họ . Ở một nút chận của địch quân nằm chắn ngang khiến cho đoàn quân bắt buộc phải dừng lại . Tsuji nôn nóng hạ lệnh cho cánh tiền phương tấn công ngay vào vị trí đồng thời ông cũng điện về bộ chỉ huy sư đoàn xin pháo binh yễm trợ . Câu trả lời là không và ra lệnh cho ông cứ tấn công bằng tất cả hỏa lực sẳn có của mình . Cuối cùng thì Tsuji cũng nhổ được cái nút chận ấy nhưng đến lúc nửa đêm ông quay về bộ chỉ huy , xông thẳng vào và chửi rủa om xòm “Các ông cứ lo ăn no ngủ ngon trong khi tụi tui còng lưng ra đánh giặc ! Hừm , khốn nạn thật !” Tsuji lao vào phòng ngủ của Trung Tướng Sosaku Suzuki , tham mưu trưởng của Yamashita . Vốn là con người rất bình thản và tính tình nhã nhặn , Trung Tướng Suzuki lịch sự mĩm cười khi bắt gặp ánh mắt long lên vì điên tiết của Đại Tá Tsuji . Thái độ này càng làm cho Tsuji tức thêm lên , ông gào to “Ngài có ý gì mà mặc áo ngủ khi nghe tôi báo cáo tình hình mặt trận ?” Tuy lời nói kia có vẻ ngạo mạn thách thức nhưng xét ra cũng đúng . Suzuki cáo lui một chốc rồi trở ra với bộ quân phục hẳn hòi với thanh gươm đeo lủng lẳng bên hông .

  Tsuji trợn trừng đôi mắt gắt gỏng nói “Tôi biết phải nói làm sao cho ngài hiểu . Vì nhu cầu đòi hỏi của mặt trận nên chúng tôi phải gọi điện về xin pháo binh yễm trợ lúc tấn công nhưng chẳng hiểu vì lý do nào ngài lại từ chối . Như thế có nghĩa là ngài đã chẳng tin cậy đến chúng tôi nữa phải không ?” Ông cứ lập đi lập lại chỉ một lời buộc tội Suzuki cho đến lúc trời sáng trắng trong khi Tướng Suzuki ngồi yên  lặng chẳng màng giải thích lấy một câu .

  Cuối cùng rồi Tsuji cũng bỏ về , sau đó ông viết một lá đơn từ chức và gửi ngay đến Yamashita . Lòng căm giận của ông lên đến cực điểm đến độ bỏ cả ăn uống và tự giam mình trong phòng suốt cả ngày . Xuyên suốt như thế đến trọn một tuần Tsuji mới vỡ lẽ là dù có tự hành hạ mình đến đâu Yamashita và Suzuki cũng chẳng màng tới . Ông đành chịu thua và lặng lẻ quay về nhiệm vụ , và nếu chẳng có gì xảy ra thì ông vẫn là một vị Đại Tá chỉ huy năng nỗ , đầy ngạo mạn và cứng ngắt như thuở nào . Trong khi ấy có ai hiểu cho hoàn cảnh của Tướng Yamashita , thần kinh của ông vốn đang bị căng thẳng đến cực độ . Là con của một vị lương y hành nghề ở một miền quê hẻo lánh nhưng ông lại chọn con đường binh nghiệp để thăng tiến . Ông thường tâm sự “Do ông già của tui ổng xúi đó chớ , ổng nói mầy to con lớn xác để ở nhà chỉ tổ tốn cơm . Còn bà già thì bả đâu có muốn tui đi lính đâu nà , bả cứ lo cầu nguyện cho tui trượt vỏ chuối trong kỳ thi tuyển vào trường sĩ quan” Vừa nói ông vừa cười , một nụ cười hiền hòa và đôn hậu làm sao . Yamashita vốn khổ người thô kệch , đầu to cổ lớn , đúng là tướng của một anh nông dân chất phát lúc nào cũng hề hà dễ tính , nhưng có ai hiểu được trong lòng ông đang nung nấu một sự phẩn uất tột cùng từ thượng cấp . Như theo ông nghĩ thì người ta đã dìm cấp bậc Trung Tướng của mình mất đi  mấy năm bởi vì đầu thập niên 30 , ông đã từng là người ủng hộ triệt để kế hoạch của Tướng Ugaki cắt giảm quân sự đến cả mấy sư đoàn , và ông cũng ngờ vực rằng những chính trị gia và các nhà quân sự cao cấp ở Đông Kinh cũng như đại bản doanh ở Sài Gòn đang có chiều hướng ngã dần vào chứng bệnh hoang tưởng . Tướng Terauchi cố tình trì hoãn không chịu cho phi cơ yễm trợ , Thủ Tướng Tojo tức giận soạn kế hoạch ám sát ông ta nếu mặt trận Tân Gia Ba thất bại . 

  Yamashita ghi vào nhật ký của mình rằng “Bất cứ kẻ cầm quyền tối cao nào của Nhật Bản mà không đáp ứng đúng nhu cầu đòi hỏi của chiến trường đều là một lũ sát nhân cả . Tướng Terauchi khốn nạn đang sống phè phởn ở bộ chỉ huy tại Sài Gòn , hắn nằm giường nệm , ăn cao lương và ngày tối chỉ bù khú tụm năm tụm ba cùng nhau đánh bài Shogi” . Ngày 23 tháng 01 , một sĩ quan tham mưu của Terauchi từ Sài Gòn bay sang và chuyển cho Yamashita một phong thư , bên trong là chỉ thị làm cách nào để tấn công Tân Gia Ba . Chỉ thoáng đọc sơ qua Yamashita nỗi giận xé nát lá thư quăng vào sọt rác . Rồi ông lại ghi vào quyển nhật ký “Nếu có hai con đường để chọn lựa chắc chắn cánh quân Nam tiến này sẽ đi theo con đường thứ hai” .

  Trở lại tình hình hiện tại , cánh quân Nam tiến của Yamashita đã chọc thủng phòng tuyến của quân Anh . Tình trạng quá tồi tệ khiến cho đoàn quân Úc Đại Lợi dưới quyền chỉ huy của Tướng Bennett phải cấp thời triệt thoái toàn bộ ra khỏi bán đảo Mã Lai . Lúc nửa đêm 31 tháng 01 , cánh quân triệt thoái đầu tiên của quân đội Anh đã vượt qua con lộ bề ngang chỉ hơn 2 mét nối liền từ đất liền đến đảo quốc Tân Gia Ba và đến tờ mờ sáng thì cuộc triệt thoái chấm dứt , không có một người lính của phe đồng minh nào hiện diện trên bán đảo Mã Lai nữa .

    Một tổ phá hoại còn nằm lại phía sau đoàn quân triệt thoái , họ đã cho gài chất nổ ở điểm cuối của con lộ nối liền vào bờ . Đúng 8 giờ sáng họ được lệnh cho đánh chất nổ . Một tiếng nổ dữ dội con lộ nối vào bờ bị cắt làm đôi , nước biển tràn vào lấp lại khoảng cách vừa bị chất nổ phá hoại . Nhìn mặt nước lung linh dao động , một khoảng cách khá xa để ngăn đôi giữa đất liền và đảo khiến cho những người đang có mặt cứ ngỡ như mình đã được an toàn , cách ly hẳn với quân Nhật . Thật sự thì họ đâu có ngờ đoạn con lộ vừa cho đánh phá ấy lúc thủy triều xuống thấp thì người ta có thể lội qua rất dễ dàng vì rất cạn .  

  Để quí vị có thể hình dung ra được mặt trận này dễ dàng hơn , người viết xin sơ lược toàn khu địa hình của đảo quốc Tân Gia Ba . Tân Gia Ba cũng là tên của một hòn đảo lớn nhất trong hơn một chục đảo thuộc quốc gia nhỏ bé này . Với một diện tích khiêm nhường thu gọn trong 26 dặm chiều Đông Tây và 14 dặm chiều Bắc Nam , đảo quốc này có hình của một chiếc đĩa bay , phần đầu tức hướng Bắc ăn lõm vào bán đảo Mã Lay chỉ cách đất liền bằng một eo biển nhỏ nhưng thật dài kéo từ Đông sang Tây và hướng Nam tức phần đuôi của đảo quốc giáp với biển khơi . Eo biển tiếp giáp với bán đảo Mã Lay có tên gọi là eo biển Johor , ở đây có hai đoạn đường hẹp xây bằng đá gọi là hai cây cầu vượt nối liền giữa đảo và đất liền . Hầu hết cư dân ở đây vào thời điểm này đều sống chen chúc nhau ở thành phố phía Nam , ngoại trừ một vài làng mạc rãi rác của người nơi xứ khác đến lập nghiệp . Toàn khu vực phía Bắc đảo là những đồn điền cao su và rừng nhiệt đới . Vị trí Tân Gia Ba nằm ở cuối mõm của bán đảo Mã Lai , vị  Chỉ huy trưởng Tân Gia Ba là Trung Tướng A.E.Percival , một vị Tướng mãnh khảnh với hai cây răng thỏ to tướng lúc nào cũng chực  thò ra . Ông cũng là một mẫu người năng động tháo vát nhưng không hiểu vì sao mà những sĩ quan cộng sự dưới quyền của ông lại đánh giá đó là một vị tướng rất ít được cảm tình .

  Kế hoạch phòng thủ Tân Gia Ba của ông có hai cách : cố bám vào những vị trí chung quanh bờ biển mà đánh hoặc bẽ gảy những cuộc tấn công của địch ngay từ sâu trong lòng đảo quốc . Với một bờ biển bao quanh dài khoảng 70 dặm , Percival quyết định bám vào bờ biển mà đối đầu với địch quân .

  Theo như tình hình hiện tại thì dường như cánh quân của ông đang được cấp trên đánh giá là ở thế thượng phong . Cứ như lời của những chuyên viên ban tình báo thì họ đoán rằng sẽ có mặt của 60 ngàn quân Nhật trong cuộc tấn công này . Trong khi trong tay của Percival đã có sẳn 85 ngàn binh sĩ . Dĩ nhiên là trong số này có tới 15 ngàn quân làm việc văn phòng không trực tiếp chiến đấu , một số lớn chưa qua trường lớp huấn luyện nào cả trong khi được trang bị rất thô sơ nhưng nếu địch quân muốn chiếm được trọn đảo quốc này tất nhiên phải trả một giá không phải là nhỏ .     

  Sự thật thì con số binh sĩ Nhật không có đến 60 ngàn như những chuyên viên tình báo đã phóng đại quá trớn . Theo kế hoạch thì họ chỉ cần khoảng 30 ngàn quân để tung vào mặt trận này . Đại Tá Tsuji là người chịu trách nhiệm trong chiến dịch tiến chiếm Tân Gia Ba . Ông được báo cáo rằng ở đây chỉ có khoảng 30 ngàn quân phòng thủ mà thôi . Tsuji ngồi suốt đêm vẽ kế hoạch quyết quét sách toán phòng thủ Anh này ra khỏi đảo quốc bằng mọi giá . Một mũi tấn công chính thọc sâu vào đất địch vào lúc nửa đêm qua ngã phía Nam của cây cầu vượt ăn thông từ đất liền đến đảo bằng hai sư đoàn 5 và 18 . Sư đoàn của Konoye sẽ tấn công vào mặt Bắc con lộ vào một ngày trước đó để đánh lạc hướng địch quân . Để giữ tuyệt mật cho kế hoạch , những cư dân sống rãi rác trong khu vực hành quân tiến chiếm khoảng 12 dặm đều được di tản và 3 sư đoàn có trách nhiệm tấn công được điều động tới nằm im lặng chờ đợi chung quanh tuyến xuất phát  , mọi hoạt động thường nhật như tắm rửa nấu nướng đều bị cấm ngặt .

   Sáng hôm sau , Yamashita cho triệu tập 40 vị chỉ huy từ các sư đoàn , trung đoàn , tiểu đoàn cùng các sĩ quan thâm niên vào một khu đồn điền cao su gần đó để ban một vài mật lệnh hành quân và cuối cùng thì nâng ly chúc mừng chiến thắng . Hào khí dâng lên ngất trời , có một vài vị sĩ quan sau một vài ly chếnh choáng đã hô to “Đây là một nơi thật lý tưởng để được … đền nợ nước !

  Yamashita cho thiết lập ngay một phòng chỉ huy hành quân trong khuôn viên của một lâu đài tọa lạc ngay trên đồi cao , có tầm nhìn rất rõ về hướng mũi tấn công tức là vị trí của cây cầu vượt . Đây là một tòa lâu đài cỗ được xây dựng hồi thế kỷ 19 , cao năm tầng và bộ chỉ huy dành tầng cao nhất để dễ bề quan sát mặt trận . Đây có lẽ là một vị trí lý tưởng nhất mà bộ chỉ huy hành quân đã chọn lựa . Lại một lý do nữa khiến cho Yamashita quyết định chọn lâu đài này vì ông biết người Anh nghĩ ông đâu có khùng điên gì mà chọn một điểm nỗi bật , một mục tiêu oan kích quá dễ dàng để làm tổng hành dinh , Yamashita cũng dư biết trong chiến tranh , quân đội Anh không hề bắn phá những tòa cao ốc hoặc những lâu đài cỗ kính như thế này . 

  Qua những ngày sau , xe lửa và hơn 3 ngàn xe vận tải đã chuyển đến những khẩu đại bác cùng đạn dược và tiếp liệu . Hàng trăm thuyền xếp và tàu nhỏ dùng vào việc hành quân đổ bộ được ngụy trang khéo léo và bí mật chuyển đến giấu ở những cánh rừng hoang vu dọc theo bờ biển gần điểm xuất quân .

  Đúng lúc hoàng hôn vừa đổ xuống ngày 07 tháng 02 , sư đoàn của Konoye được lệnh rời tuyến xuất phát . Với chủ định là gây sự ồn ào náo nhiệt trong chuyến hành quân đánh lạc hướng quân địch , cánh quân xuất phát rầm rộ với 20 tàu đổ bộ chở 400 binh sĩ và hai khẩu sơn pháo tiến chiếm một hòn đảo nhỏ nằm trong eo biển , nơi có thể quan sát rất rõ căn cứ Seletar và cứ điểm Changi . Rạng sáng hôm sau pháo binh bắt đầu khai hỏa vào cứ các cứ điểm của quân Anh . Theo như dự đoán thì quân Anh sẽ dồn tất cả lực lượng trú phòng ra mặt con lộ nối liền vào bờ để nghênh chiến . Đến chiều tối sư đoàn 5 và 18 được lệnh tiến phát . Họ khiêng những chiếc xuồng con và phải vượt qua một đoạn đường hơn một dặm để đến eo biển . Khi họ vừa đến bờ biển thì những hỏa lực của pháo binh đều tập trung và đồng loạt khai hỏa , mục tiêu đầu tiên mà họ chiếu cố là những kho dầu xăng khổng lồ của căn cứ hải quân Anh . Mục đích của Nhật là muốn phá hủy tất cả kho dự trữ xăng dầu của địch quân để cho họ không thể sử dụng để đánh hỏa công gây khó khăn cho quân tấn công (Quân Nhật đang tập trung để dùng xuồng ghe vượt biển tấn công Tân Gia Ba và phía tiến của họ lại ở phía dưới gió , nếu quân Anh đổ dầu xuống biển và đốt cháy sẽ gây tổn thất cho Nhật rất nhiều vì thế mục tiêu đầu tiên phải thanh toán là các kho chứa xăng dầu của Anh quốc) .

  Sau đợt pháo kích đầu kéo dài hàng tiếng đồng hồ thì họ lại ngưng và bắt đầu đợt pháo thứ hai . Tất cả hỏa lực đều rót vào những hầm hố , hàng rào nằm dọc theo con đường ăn thông của cây cầu vượt , nơi mà cánh quân tấn công chính sẽ vượt qua nó .

  Đúng 10 giờ 30 , đợt tấn công đầu tiên với gần 4 ngàn binh sĩ trên ba trăm thuyền xếp (loại thuyền nhỏ đặc biệt có thể gấp lại được) , thuyền phao và xuồng bắt đầu vượt eo biển xung phong về phía hải đảo Tân Gia Ba . Pha lẫn trong tiếng đại bác rầm rú vang trời ấy người ta còn nghe được tiếng động cơ từ xa vang lại , đó là một hạm đội nhỏ đang di chuyển nơi vùng biển phía Bắc Tân Gia Ba . Đó là cánh quân phòng thủ Úc Đại Lợi với quân số khoảng 2 ngàn 500 người .

  Từ trên tầng thứ 5 của lâu đài , nay là bộ chỉ huy mặt trận tạm , tướng Yamashita và ban tham mưu có thể nhìn thấy được những diễn biến của trận tiến công . Hình ảnh trước mắt , toàn cảnh Tân Gia Ba như đang chìm vào biển lửa khủng khiếp . Mười phút sau , một tín hiệu màu xanh được bắn lên không báo tin cánh quân của sư đoàn 5 đã an toàn đặt chân lên đảo đúng như dự định .

  Cánh quân đầu tiên vừa đặt chân đến bờ biển , ngay cuối con đường Lim Chu Kang thì bị khựng lại vì đụng phải sức phản kháng mạnh mẽ của tiểu đoàn số 24 Úc Đại Lợi . Một cánh đổ bộ khác tiến về phía rừng đước um tùm và nơi đây họ chỉ gặp những ổ kháng cự yếu ớt .

  Những binh sĩ Úc dù chiến đấu rất can trường nhưng vì địch quân quá đông lúc nào cũng áp đảo nên họ phải chiến đấu một cách khó khăn vất vả , phải lấy một chọi ba hoặc bốn như thế đến lúc nửa đêm thì đạn dược sắp hết mà số thương vong lại quá nhiều nên những binh sĩ còn sống sót đành phải mở đường máu chạy thoát thân .

  Lúc trời chưa sáng hẳn thì đã có đến 20 chiếc xe tăng cùng bộ binh tùng thiết đã được vận chuyển đến và kế đến thì có hơn 15 ngàn bộ binh cùng vài khẩu đội pháo cũng lần lượt cập bến .  

  Từ bộ chỉ huy trên tầng thứ năm của lâu đài , Tướng Yamashita quan sát những đứa con của ông băng ngang rừng cao su để hướng về phía sân bay Tengah . Nghĩa là cánh tiền quân của ông chỉ còn cách thành phố Tân Gia Ba không đầy 10 dặm đường chim bay . Chiều hôm ấy Yamashita rời bộ chỉ huy tạm nơi lâu đài để cùng bộ tham mưu xuống một chiếc bè được kết lại bằng ba chiếc thuyền để vượt eo biển Johore sang Tân Gia Ba .

                     ………………………………………………….

  Cũng trong ngày này tại bộ chỉ huy ở đảo Java , Tướng Wavell quyết định bay sang Tân Gia Ba thị sát tại mặt trận . Lúc này Nhật hoàn toàn làm chủ vùng trời Tân Gia Ba nên phi công không thể nào tiến sát vào mặt trận được nhưng đến hôm sau thì do sự dũng cảm và gan dạ của một viên phi công dày dạn kinh nghiệm họ đã vượt qua khỏi hàng rào phòng không dày đặc của địch và đáp an toàn nơi bộ chỉ huy của Tướng Percival nơi phía Nam của Tân Gia Ba .    

  Từ bên ngoài tiền sảnh của bộ chỉ huy Tướng Percival các sĩ quan tham mưu của ông còn nghe được những tiếng quát tháo thịnh nộ của Tướng Wavell , ông đang khiển trách vị tư lệnh mặt trận không làm tròn trách nhiệm phòng thủ , đã không có một kế hoạch cầm chân địch để cho họ tiến vào Tân Gia Ba như chỗ không người . Sẳn đang bực tức với Percival , Wavell quay sang Tướng Úc Đại Lợi là Bannett quát bảo “Cút ra khỏi nơi này và hãy mang những binh sĩ Úc Đại Lợi chết tiệt của ông đi ngay đi !

  Wavell ra lệnh cho Percival phải lập tức điều quân phản công ngay . Đây quả là một mệnh lệnh quá sai lầm mà Tướng Wavell chỉ là người thừa hành theo chỉ thị của Thủ Tướng Churchill qua một điện tín khẩn đánh đi từ Luân Đôn :

  “Chắc chắn một điều là quân phòng thủ ở Tân Gia Ba có quân số trội hơn địch quân hiện có mặt ở đảo rất nhiều . Chúng ta nhất quyết phải đẩy lui được họ . Vì danh dự của Đế quốc Anh , bổn phận của chúng ta là phải quyết chiến để bảo vệ nó . Hoa Kỳ vẫn bám bán đảo Bataan để chờ cơ hội phản công , Liên Xô đang lật ngược thế cờ ở Âu Châu và người Trung Hoa , dù với chiến cụ thô sơ họ cũng cầm chân địch được hơn 4 năm ròng . Chúng ta không thể nào chùn bước trước sức tiến vũ bão của địch , chúng ta không thể nào chịu nhường lại một pháo đài từng là niềm kiêu hãnh của quân đội Đế Quốc Anh ở Tân Gia Ba cho kẻ thù , đặc biệt là một kẻ thù thấp hèn vô danh tiểu tốt như bọn Nhật Bản . Bằng mọi giá phải giành lấy chiến thắng dù có hy sinh đến người lính cuối cùng cũng chịu và người chỉ huy phải nêu cao tấm gương hy sinh trước nhất . Không chấp nhận đầu hàng và phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng , chiến đấu vì danh dự và sự tồn vong của Đế quốc của chúng ta

  Sau khi ra lệnh cho Tướng Percival phản công xong Wavell lên phi cơ về lại tổng hành dinh ở Java . Trong chuyến di chuyển trong đêm tối này ông bị té . Và tai nạn ấy đã khiến cho ông bị gãy hai cái xương sườn . Nằm trong bệnh viện , Wavell đánh một bức điện tín về cho Thủ Tướng Churchill :

  “Trận chiến ở Tân Gia Ba sẽ gặp nhiều trở ngại …. Sức chiến đấu của một phần lớn binh sĩ ở đây thật quá tồi . Tuy nhiên mọi công tác phòng thủ và phản công đã được chuẩn bị hầu nâng cao tinh thần chiến đấu , hiện tại thì họ có vẻ lạc quan hơn nhưng tôi cũng khó mà lường trước những gì có thể xảy ra . Tôi đã ra lệnh cho họ là phải tử chiến để bảo vệ Tân Gia Ba và sẽ không chấp nhận đầu hàng với bất cứ hình thức nào

  Cho đến khi bình minh hôm sau thì Nhật đã làm chủ một nửa đảo và một căn cứ chiến lược quan trọng mang tên Bukit Timah , căn cứ này được thiết lập trên đỉnh núi Tin , một đỉnh núi có độ cao nhất trên toàn đảo . Cánh quân tiền sát của Nhật bấy giờ đang tiến dần về phía trường đua ngựa , tức là họ đã xâm nhập vào được sát nách thành phố Tân Gia Ba rồi . Tuy nhiên Đại Tá Tsuji cũng phải cẩn trọng cho quân tiến rất chậm vì bắt đầu đã có sự xuất hiện càng lúc càng nhiều những ổ kháng cự mạnh kèm theo hỏa lực pháo của địch cũng càng lúc càng tăng và mục tiêu pháo rất chính xác . Tsuji cảm thấy hỏa lực của địch càng lúc càng mạnh lên nhiều nếu không muốn nói là vô tận trong khi đạn dược của cánh quân ông chỉ huy thì sắp cạn . Bây giờ ông mới vỡ lẽ là tin tình báo chắc chắn là không được chính xác hoàn toàn vì con số 30 ngàn quân trú phòng mà họ tiên đoán có thể sự thật còn lên đến gấp đôi hoặc gấp ba hơn thế nữa .

  Trong khi ấy thì tại bộ chỉ huy hành quân ,Tướng Yamashita muốn giải quyết chiến trường cho mau nên quyết định gửi đến Percival một tối hậu thư kêu gọi đầu hàng . Trưa hôm ấy , một phi cơ trinh sát thả xuống vùng ngoại ô thành phố Tân Gia Ba một cái ống sơn màu đỏ có đuôi dài màu trắng . Bên trong là một lá thư được ký bởi Trung Tướng Yamashita nhưng do Đại Tá Tsuji soạn . Với những lời văn thiết tha nhưng không thiếu vẻ hùng hồn , trong đó có những đoạn như sau :

  “ …Trong tinh thần thượng võ và danh dự của những quân nhân chiến đấu dưới lá cờ Đại Nhật Bản , chúng tôi thành thật khuyên các anh nên buông súng đầu hàng . Quân đội của các anh là một quân đội truyền thống theo tinh thần chiến đấu anh dũng của Đế quốc Anh nhưng sao lại mang ra để bảo vệ cho Tân Gia Ba , ở một nơi trắc trở khôn lường , một nơi mà đã gây hoang mang tột cùng cho dân tộc các anh … Ngay từ bây giờ , mọi nỗ lực phòng vệ đều vô ích và nó chỉ làm thiệt hại đến nhiều sinh mạng vô tội khác mà thôi ….

  Và dĩ nhiên là Pervival không trả lời vì ông đã nhận lệnh từ chỉ huy là “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng” , quân lệnh “tử thủ” đã không cho phép ông làm gì khác hơn được dù ông biết quyết định này sẽ cướp đi thật nhiều sinh linh vô tội . Tuy nhiên ở đây dù bom đạn vang trời nhưng không hiểu vì sao người ta đa số vẫn không nao núng hoảng loạn . Thường dân vẫn xếp hàng trước rạp xi-nê để mua vé vào xem phim , khách sạn Raffles vẫn vẫn nườm nượp khách ra vào , vài sĩ quan tham mưu ung dung ngồi uống rượu khề khà . Có ai đó dùng phấn viết lên bức tường dòng chữ “Nước Anh của người Anh , nước Úc của người Úc nhưng nước Mã Lai thì cho bất cứ quân khốn nạn nào nếu họ muốn !

  Có nhiều nhóm quân nhân đổ dồn xuống những đại lộ tiến về phía thành phố . David James , một nhân viên tình báo chận một tốp lính Ấn Độ để hỏi vị chỉ huy của họ lý do di chuyển ngược trở vào thành phố thay vì phải quay ra vùng ngoại ô để ngăn giặc . Và anh được vị chỉ huy này trả lời rằng “Sĩ quan Úc Đại Lợi khuyên chúng tôi nên chạy trốn vì quân Nhật đã tràn ngập phía trên đồi rồi !” James nghe mà giật thót cả người , quân nhân mà đánh đấm cái kiểu này thì chết rồi . Anh trách nhẹ người chỉ huy cánh quân Ấn “Các anh là quân nhân thì phải tìm giặc mà đánh cớ sao lại chạy khi họ chưa tới chớ ?” Viên chỉ huy rùn vai và nói “Biết làm sao đây , có ai muốn nằm lì ở một nơi mà họ không thích chớ !” Nói xong hắn quay người chạy nhanh để bắt kịp đồng đội . 

  Hiện tại thì vẫn còn nhiều đơn vị Úc vẫn chiến đấu quyết liệt khiến những đơn vị tiến công của Nhật phải khó khăn lắm để diệt từng toán một trước khi xâm nhập vào thành phố . Nhiều đơn vị của Úc còn sống sót sau những cơn bão lửa kinh hồn họ đều mất hết tinh thần chiến đấu . Một vị chỉ huy lắc đầu than “Hải quân cũng bỏ chúng ta và Không quân cũng bỏ chúng ta nốt . Nếu những binh sĩ bản xứ không chiến đấu cho quê hương của họ thì tại sao chúng ta phải ra sức chiến đấu và chết thay cho họ chứ ?

  Rồi tiếp theo là sự tháo lui mất trật tự , thành phố Tân Gia Ba bị bỏ ngõ hoàn toàn . Tướng Percival ra lệnh thiết lập khẩn một hàng rào phòng thủ mới nằm ngay trong thành phố , nhưng sự cố gắng này đã mất hết tác dụng vì quân Nhật đã tràn vào như nước vỡ bờ . Ngày 13 thứ Sáu là một ngày đen tối nhất cho cấp chỉ huy phe phòng thủ ở Tân Gia Ba , họ đã bị địch bao vây chặc cứng . Trong tình hình tuyệt vọng như thế nhưng Wavell vẫn hạ lệnh cho họ phải tử thủ , chiến đấu đến cùng , càng gây nhiều thiệt hại cho địch càng tốt . Thật là một mệnh lệnh oái oăm . Percival trả lời rằng hiện Nhật đang chiếm cứ tất cả chỉ trừ bộ chỉ huy của ông thì đang bị bao vây rất ngặt , lương thực và nước uống chỉ còn chút ít mà thôi . Wavell ra lệnh  “Hãy dũng cảm chiến đấu để tỏ sự can trường của các bạn” .

  Nhưng trớ trêu thay , trong lúc Tân Gia Ba đang hấp hối như thế mà các vị lãnh đạo Nhật Bản lại đâm ra lo lắng hết sức . Họ đoán rằng Anh cố cầm chân quân đội Nhật , như đây là một cái bẫy giương sẳn để một tuần sau đó , khi quân Nhật tràn ngập Tân Gia Ba thì họ sẽ quay lại tổng phản công , và lúc ấy Nhật coi như con cá đã nằm trong rọ chờ chết mà thôi . Đô Đốc Matome Ugaki , tham mưu trưởng của Yamamoto đã ghi trong quyển nhật ký của ông “Hy vng rằng Tân Gia Ba sẽ không là một Bataan thứ hai” .

  Lệnh từ trung ương ban xuống bắt buộc Tướng Yamashita phải chấm dứt mọi nỗ lực tấn công và rút toàn bộ binh lực từ Tân Gia Ba trở về bán đảo Mã Lai , Yamashita bất tuân thượng lệnh cứ tiếp tục cho quân tiến chiếm Tân Gia Ba cho bằng được .

  Sáng ngày 15 tháng 02 , Percival cùng các sĩ quan chỉ huy ngồi xuống bàn bạc , ông cho biết là số lượng nhiên liệu và đạn dược đã cạn kiệt , trong vòng 24 tiếng đồng hồ nữa sẽ không còn lấy một giọt nước uống . Ông nói ông có thể yêu cầu Nhật ngưng chiến vào lúc 4 giờ chiều . Và lời yêu cầu ấy được Nhật chấp thuận .

  Trước lúc đêm xuống Percival đã được Tướng Wavell cho phép tự hành động , nghĩa là đầu hàng khi chứng minh được khả năng chiến đấu của quân phòng vệ không còn nữa . Một bức điện tín ngắn thay lời từ biệt từ Wavell ở bộ chỉ huy Java gửi đến Percival “Bất cứ tình huống có thay đổi ra sao chúng tôi xin chân thành tri ân các bạn đã chiến đấu rất dũng cảm trong những ngày vất vả vừa qua

  Từ trên đỉnh đồi cao nhất của đảo quốc , Yamashita vẫn còn trông thấy lá quốc kỳ của Anh quốc đang ngạo nghễ tung bay trước gió ngay vị trí bộ chỉ huy của Tướng Percival . Để chiếm được ngọn đồi này Nhật đã phải chiến đấu vật vã gần một tuần lễ và nhiều ngày gian nan sau đó mới đâm thủng được những phòng tuyến cuối cùng để bao vây bộ chỉ huy địch . Yamashita đứng lặng yên đưa dòng suy tưởng của mình vào tận đâu đâu . Ôi chiến tranh , sao mà khốc liệt quá , tàn nhẫn quá . Nhất tướng công thành vạn cốt khô , thật câu nói ấy quả không sai chút nào . Bao nhiêu sinh mạng của binh sĩ đã nằm xuống để đổi lấy một đảo quốc bé nhỏ , rồi còn bao nhiêu người nữa phải chịu hy sinh tiếp tục để thỏa lòng tham vô bờ bến của nhóm lãnh đạo ở Đông Kinh . Một người nằm xuống dĩ nhiên là bên cạnh họ vẫn còn vợ con , còn cha mẹ và người thân bạn bè khác . Và nỗi đau đớn mất mát này ai sẽ bù đấp cho họ ? Những chính trị gia , những nhà quân sự , những kẻ thở ra khói hét ra lửa ở Đông Kinh hoặc chính những thân nhân của các chiến sĩ vô danh này phải chịu đựng những mất mát đau khổ tột cùng này ?

  Có tiếng chuông điện thoại reo vang kéo ông về thực tại . Một báo cáo của vị chỉ huy tiền phương rằng quân đội đồn trú Anh đang treo cờ đình chiến . Đại Tá Sugita nhận lệnh đến thẳng bộ chỉ huy Anh quốc để gặp họ . Đến nơi , Sugita tuyên bố ngắn gọn “Chúng tôi chỉ đình chiến khi nào quân đội Anh của các người đồng ý đầu hàng !

 Đại Úy Cyril D.Wild gật đầu nói “Chúng tôi đồng ý đầu hàng !” Sugita bảo viên Đại Úy hãy trở vào trình với Tướng Percival và ban tham mưu của ông ta . Đến 4 giờ 45 họ lại gặp nhau tại một địa điểm khác ở làng Bukit Timah , trong một xưởng sản xuất xe Ford . Sugita ngồi bên cạnh bại Tướng Percival , nghiêng đầu vào sát mặt Percival và bằng một thứ tiếng Anh ngọng nghịu , Sugita nói “Chúng tôi phải mất hơn hai tháng chiến đấu ròng rã , bây giờ chiến cuộc mới được giải quyết . Tôi thành thật ngợi khen lòng chiến đấu thật dũng cảm của quân đội các ông” Percival lịch sự miệng lí nhí nói cám ơn . Khuôn mặt vốn nhỏ nhắn khắc khổ của ông bây giờ càng chảy dài ra trông thật thảm não .

  Thủ tục bàn giao thật đơn giản giữa kẻ thua người thắng được diễn ra ngay trước cửa xưởng sản xuất xe hơi . Tướng Percival tự tay cầm một lá cờ trắng , một biểu hiệu nhục nhã cho một đoàn quân thua cuộc trước hàng ngàn quân chiến thắng đang bồng súng đứng xung quanh dáng vẻ hiu hiu tự đắc . Lẫn trong đám lính đang reo hò tở mở ấy người ta còn thấy có sự hiện diện của các phóng viên , các nhiếp ảnh họ thi nhau phỏng vấn và săn những bản tin thời sự nóng bỏng nhất tại một chiến trường vừa ngưng tiếng súng .

  Năm phút sau , đúng 7 giờ thì Yamashita xuất hiện . Đại Tá Sugita đưa ông vào một căn phòng nhỏ và trao một văn bản đánh máy gồm những điều kiện trao đổi giữa kẻ thắng người bại . Tướng Yamashita khoát tay bảo “Quân đội Thiên Hoàng sẽ không cứu xét bất cứ đều gì ngoài đầu hàng” . Sở dĩ Yamashita không muốn kéo dài thời gian là vì ông biết rõ hiện quân số của Anh cao hơn quân số của mình rất nhiều , và đây là nỗi ưu tư nhất nếu để Percival biết được yếu điểm quan trọng của mình ngay lúc này thì chuyện gì sẽ xảy ra .

  Nhưng về phía Anh thì Tướng Percival lại muốn ký kết bàn giao hẳn hòi . Ông nói “Chỉ e chúng tôi không thể đệ trình quyết định dứt khoát của chúng tôi trước 10:00 tối” . Dù tuyên bố như vậy chứ thật sự thì Percival vốn không có ý định tiếp tục chiến đấu , ông chỉ muốn có đủ thời giờ để bàn thêm những chi tiết đặc biệt trước khi đặt bút ký tên xin đầu hàng .

  Tuy nhiên với Yamashita thì ông lại nghĩ khác , ông cho rằng những người Anh này đang cố tình kéo dài thời gian . Và nhất định mọi thủ tục phải hoàn tất trước khi họ biết được nhược điểm của mình . Và cứ thế hai phe cứ giằng co chẳng đi đến một kết quả chung nào . Yamashita nỗi dóa gạt phăng “Trừ phi các anh có ý đầu hàng thật sự , bằng ngược lại đêm nay chúng tôi sẽ tấn công” . Percival tức giận lớn tiếng hỏi “Đây có phải là lối xử sự đúng đắn của một đạo quân chiến thắng không chứ ?” . Đoạn ông yêu cầu “Ngày mai , lúc 5:30 sáng chúng ta sẽ trở lại bàn thảo luận tiếp” . Yamashita dù lòng ngập tràn phẫn nộ nhưng ngoài mặt vẫn giữ vẻ thản nhiên , ông gật đầu nói “Tôi sẽ ban hành lệnh ngưng bắn trong nội đêm nay và tôi muốn nhắc lại cho các ông biết là ngày mai , trong lần gặp gở kế tiếp sẽ không có những cuộc tranh cãi vô ích nữa” . Đây quả thật là một cuộc thương thuyết để đầu hàng chẳng có tinh thần thượng võ chút nào , nó đã nằm ngoài sự mong muốn của Tướng Percival . Đồng ý chấp nhận một sự đầu hàng vô điều kiện như thế này quả thật là một nỗi nhục quá lớn lao , là một vết nhơ muôn đời không gội rửa trong trang quân sử từ cỗ chí kim của quân đội Đế quốc Anh . Nhưng nếu kình chống lại thì hỡi ôi , binh sĩ đã ngã lòng không còn sức chiến đấu , hơn nữa đạn dược và lương thực cũng đã cạn kiệt hết .

  Tiếng của Tướng Yamashita nói với Sugita như thêm thúc giục “Không còn gì để thảo luận với họ . Tôi chỉ cần một câu trả lời rất đơn giản là đánh hay đầu hàng thôi !” Đoạn Yamashita quay sang nhìn thẳng vào đôi mắt của Percival quát lớn “Tôi chỉmuốn nghe ông nói đầu hàng hoặc không !” . Trong một phút im lặng , tất cả như chùn xuống . Trong phòng họp người ta còn nghe rất rõ tiếng thở dài mồn một của vị bại trướng .

  Bất giác Percival ngẫng lên nhìn vào Yamashita và nhẹ gật đầu tỏ vẻ đồng ý . Chỉ một cái gật đầu thật nhẹ đã là một dấu chấm hết cho cả một đời binh nghiệp của một vị tướng lãnh .

  Percival lại hỏi “Tôi có một thỉnh cầu muốn các ông thuận ý . Liệu quân đội Thiên Hoàng có bảo vệ cho tất cả đàn bà và trẻ em cùng những cư dân Anh hiện đang sống ở đây không ?

  Yamashita đáp gọn lỏn “Chúng tôi sẽ liệu lo việc này . Bây giờ xin mời ông hãy ký ngay vào văn bản” 

  Bấy giờ là 7 giờ 45 chiều . Bốn mươi lăm phút sau , chiếu theo những điều kiện đã ký kết lệnh ngưng bắn vĩnh viễn loan đi khắp nơi . Tân Gia Ba , thành phố sư tử , một pháo đài vang danh thế giới nay lọt vào tay Nhật Bản . Để dành được một chiến thắng cuối cùng này Tướng Yamashita phải vượt qua 650 dặm đường tính từ bán đảo Mã Lai và để lại vĩnh viễn trong lòng đất 9.824 binh sĩ , tức là ông ta đã nướng trọn một sư đoàn . Trong khi cánh bại quân thì tổn thất so ra còn nhẹ hơn nhiều nhưng con số 130 ngàn binh sĩ đầu hàng để làm tù binh chiến tranh thì quả thật không nỗi nhục nào bằng .

   Đó là một chiến thắng vẽ vang nhất trong quân sử Nhật Bản . Nó đã là một chứng minh hùng hồn nhất cho những quốc gia nhược tiểu ở Á Châu rằng dù người da trắng có cậy vào binh hùng tướng mạnh , vào vũ khí tối tân thế nào đi nữa thì cũng có thể bị chúng ta đánh bại . Để ăn mừng chiến thắng này , chính phủ Nhật Bản hoan hỉ ban phát tặng phẩm cho từng gia đình một tại bổn quốc . Chẳng hạn trong mỗi gia đình dù giàu nghèo cũng thế , 2 chai bia và vài gói đậu đỏ . Trẻ em dưới 13 tuổi còn hưởng thêm bánh kẹo và đồ chơi .v.v.

  Tờ Nhật Báo Asahi Shimbun cho chạy một dòng chữ lớn cho bản tin chiến thắng còn nóng hổi  TÌNH HÌNH CHUNG CỦA CUỘC CHIẾN THÁI BÌNH DƯƠNG ĐÃ ĐƯỢC ĐỊNH ĐOẠT – Chỉ cần một thời gian ngắn trong vòng ba ngày để chiếm trọn đảo quốc Tân Gia Ba – Một khoảng thời gian quá ngắn nhưng chỉ có quân đội Thiên Hoàng bách chiến bách thắng của chúng ta mới có thể thực hiện được . 

  Đại Tá Hideo Ohira , Tổng biên tập của tờ báo đã tuyên bố “Ánh mặt trời chói lọi của Nhật Bản đang chiếu sáng cho nền hòa bình thế giới . Bất cứ quốc gia may mắn nào được sưởi ấm dưới ánh dương quang Nhật Bản sẽ được thịnh vượng phát triễn tột bực và nếu chống đối lại tất nhiên họ sẽ bị hủy diệt hoàn toàn . Hoa Kỳ và Anh Các Lợi cần phải nhìn lại 3 ngàn năm lịch sử oanh liệt của Nhật Bản . Tân Gia Ba đã bị thất thủ , hoàn cảnh chung của cuộc chiến đã được quyết định , một chiến thắng cuối cùng rồi sẽ về tay của chúng ta

   Thủ Tướng Tojo phát biểu trước quốc hội rằng Burma và Phi Luật Tân thì có thể miễn cưỡng cho họ độc lập được nhưng cần thiết nhất và quan trọng nhất là phải bám lấy Hồng Kông và toàn bán đảo Mã Lai để thiết lập những căn cứ quân sự phòng thủ sống còn cho vùng Đại Đông Á . “Mục tiêu quân sự của khối Đại Đông Á trên căn bản là dựa trên một lý tưởng cao quí , trong đó mọi quốc gia , mọi sắc tộc cùng chung sống dưới một khối thịnh vượng chung và dĩ nhiên Nhật Bản sẽ là trung tâm chính của toàn khối” 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế