NHẬT BẢN MƯU TÌM HÒA BÌNH

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cuộc đổ bộ của quân đội Hoa kỳ ở đảo Okinawa diễn ra cùng một lúc với thời kỳ bế mạc của Đệ tam Quốc xã (1933-1945) ở Đức quốc . Trong lúc bá tước Bernadotte đang bận rộn liều mạng đi đi về về giữa các thủ đô các quốc gia châu Âu để thăm dò khả năng mưu tìm hòa bình cho chế độ quốc xã theo yêu cầu của Heinrich Himmler thì nhiều nhân vật người Thụy Điển khác cũng đóng vai trò tương tự với Bernadotte , nhưng lại vận động hòa bình cho Nhật bản . Widar Bagge , đại sứ Thụy điển tại Đông kinh được Shigemitsu , bộ trưởng ngoại giao Nhật nhờ đứng làm trung gian bán chính thức giữa Nhật bản và Hoa kỳ . Nhưng đến khi nội các của thủ tướng Koiso bị sụp đổ thì tân bộ trưởng ngoại giao là Shigenori Togo , ông có cái nhìn khác biệt với vị cựu ngoại trưởng Shigenitsu , ông cho rằng muốn nói chuyện hòa bình , Nhật tốt hơn hết nên đi qua ngả Liên Xô .

  Chẳng riêng gì những chính khách trong guồng máy chính phủ bàn bạc đến chuyện thương thuyết hòa bình , những tay to mặt bự trong giới tư bản tài phiệt Nhật cũng đang có đường lối đi riêng của họ cùng một mục đích . Như đã biết , suốt thời gian chiến tranh chết chóc , quốc gia Nhật bản được hai nhóm “đầy uy quyền” nhất sát cánh lãnh đạo , đó là nhóm quân phiệt phe nhà binh và thứ hai là nhóm tài phiệt . Hai nhóm này khuynh đảo ngay cả chính trường và tình hình chung trên quốc gia của họ , và chính họ đã mang quốc gia của mình càng lúc càng tiến sát đến bến bờ vực thẳm . Giờ nhìn lại thấy nguy ngập gần kề , nước tới chân bắt buộc phải nhảy . Họ , bọn tài phiệt muốn tìm cách cứu vãn quốc gia được phần nào hay phần ấy . Bởi vậy tay trong của họ đang nằm sẳn ở Thụy sĩ cố gắng tìm đủ mọi cách để tiếp xúc với các giới có thẫm quyền của Hoa kỳ ở đó . Eric Erikson , đại diện một công ty hàng hải Thụy điển , có những mối làm ăn quan hệ với phe tài phiệt Nhật được mời tiếp xúc với Hoàng thân Carl Bernadotte để mong ông ta vui lòng đóng vai liên lạc cho tùy viên quân sự Nhật ở Stockholm . Tuy Đông kinh không đồng ý những móc nối này nhưng họ cũng lờ đi không cấm cản chi cả . Ở Thụy sĩ , ba người Nhật khác cũng tìm cách liên lạc với Allen W Dulles , đại diện cơ qua OSS : người thứ nhất là trung tá Yoshoro , tùy viên hải quân của sứ quán Nhật tại Berne , người thứ hai là Tsuyama , đại diện cho công ty hàng hải Osaka ở châu Âu , người thứ ba là Shintaro Ryu , đặc phái viên tờ Asahi Shimbun ở châu Âu .

  Trong khi các phe nhóm người của Nhật bản mưu việc tìm lại nền hòa bình cho đất nước của mình thì ngay trên mảnh đất quê hương của họ bị đào bới tung lên , cửa nhà cháy sập , dân chúng chết như rạ do bởi những cuộc không tập ồ ạt như chưa từng có của không lực Hoa kỳ dưới sự chỉ huy của tướng LeMay . Mục tiêu thanh toán mà tướng LeMay đề ra là phá hủy tất cả các cơ xưởng sản xuất của địch ngay trên quê hương của họ . Đến thời điểm này thì các cuộc không tập hình như đã lên đến một đỉnh điểm ghê gớm , tàn phá tất cả những gì cần phải tàn phá . Nagoya , thành phố chỉ sau một đêm đã trở thành bình địa , 34 dậm vuông ngay tại thủ đô Đông kinh không còn giữ được hình thù nguyên thủy của nó sau bốn đợt oanh tạc khủng khiếp . Ngày 23 tháng 05 , vào một buổi chiều đẹp trời nhưng không đẹp lúc , 562 pháo đài bay khổng lồ B-29 xuất hiện và đánh bom dọc theo vịnh Đông kinh . Nhà cửa của thường dân , cơ sở sản xuất , hải cảng v.v. tất cả đồng loạt xụp đổ . Thêm 5 dặm vuông trong nội thành Đông kinh bị tàn phá ngay trong một buổi chiều hôm ấy . Ba mươi sáu tiếng đồng hồ sau , 502 pháo đài bay khác xuất hiện , thêm 3,262 tấn bom nữa được trút xuống thủ đô Đông kinh . Tất cả và tất cả mọi nơi mọi chỗ trong nội thành , nơi thủ đô hoa lệ của Nhật bản đều chìm trong khói lửa mịt mù , duy chỉ có khu vực Hoàng thành thì còn nguyên vẹn vì đó là lệnh cấm . 

  Chưa hết , qua ngày hôm sau , thêm năm đợt bão lửa nữa kéo đến như muốn thiêu rụi thủ đô đang nằm dãy chết . Thêm 16 dặm vuông nữa biến thành biển lửa , trong đó có cả các cơ sở thương mại , tài chánh thi nhau sụp đổ . Đặc biệt có cả nhà tù quân đội . Trong số 10,000 tù binh kém may mắn chết ngay tại chỗ ấy có cả 62 tù binh Đồng minh , đa số là những phi công bị gãy cánh đại bàng sa vào tay giặc , giờ bị bom đạn do chính của chính phủ mình kết liễu cuộc đời . Chết thế mới đau !!

  Cuộc không tập dữ dội này gây nên hỏa hoạn kinh khủng , lửa cháy không tài nào kềm chế nổi và nó đã cháy liếm vào tận Hoàng cung của Đại Nhật . Hirohito và gia quyến thoát nạn nhờ ẩn sâu trong hầm nên chỉ có những nhân viên phục dịch còn ở bên ngoài bị tử nạn mà thôi .

  Hơn một nửa nhà cửa phố xá tại thủ đô Đông kinh biến thành tro bụi , giống như tình trạng hoang tàn đổ nát ở Nagoya . Tuy nhiên những chiếc loa phóng thanh phát đi những bài ca cổ động , những lời tuyên bố nẩy lửa của các chính khứa Nhật bản vẫn vang vang trong khi dân chúng thì bàng hoàng chẳng muốn nghe cũng phải nghe “Tại sao chúng ta lại tỏ ra hoảng hốt vì những cuộc không tập vớ vẩn của kẻ thù ? Bầu trời của Nhật bản vốn đã được bảo vệ bằng một tấm vĩ sắt phòng thủ vĩ đại . Hỡi những người già , đàn bà và trẻ nhỏ . Đây là lúc chúng ta phải vùng lên , phải hiên ngang . Những con dân Nhật bản dũng cảm , hãy can đảm chống lại kẻ thù bảo vệ quê hương . Hỡi này phi cơ của địch , bọn bây ở đâu sao còn chưa xuất hiện , còn chưa chịu chết !!” .

  Để đáp lại lời kêu gọi đầy thách thức của các chính khứa Nhật bản , bốn ngày sau LeMay chọn ngay một mục tiêu khác gần Yokohama , thành phố lớn hàng thứ 5 của Nhật bản . Sau khi 517 pháo đài bay trút hết số bom và rời khỏi bầu trời mục tiêu , thành phố tan hoang chìm trong lửa đỏ , cơ xưởng nhà cửa đều tiêu tan thành tro bụi . Kế đến là Osaka và Kobe , chỉ trong vòng hai tuần lễ từ thủ đô Đông kinh đến Yokohama , Osaka , Kobe gần như thành bình địa . Giai đoạn thứ nhất nhắm vào các thành phố quan trọng của tướng LeMay coi như đã chấm dứt . Hai triệu bin đin đổ nát , gần một phần ba công trình xây dựng bị phá hủy và ít nhất có đến 13 triệu người dân Nhật bản sống cảnh màn trời chiếu đất .

                                   ……………………………………….

  Ngay trong thời gian thủ đô Đông kinh đắm chìm trong biển lửa bởi đàn chim sắt của tướng LeMay thì thủ tướng Suzuki đã chỉ thị cho thư ký của nội các là Sakomiza bí mật đi điều tra xem nguồn tài nguyên của quốc gia còn có thể giúp Nhật bản tiếp tục theo đuổi cuộc chiến . Một nhóm chuyên viên điều tra nghiên cứu đặc biệt được thành lập gồm có giới cả quân sự lẫn dân sự vội vả bắt tay ngay vào việc .

  Theo báo cáo của bản điều tra sơ khởi của nhóm chuyên viên này khiến cho giới chức Nhật bàng hoàng sững sốt , không ngờ sự thật của nó còn bi đát hơn những gì họ thầm nghĩ . Mức sinh hoạt của người dân và binh sĩ Nhật đều bị ảnh hưởng trầm trọng do chiến tranh chết chóc gây ra khiến tinh thần chao động và vật chất thì chả cần phải nói đến , nó đã cạn kiệt đến nơi rồi . Nguồn tài nguyên từ các quốc gia chiếm đóng không thể nào vận chuyển về đến chính quốc mà ngay cả trong nước , các kho dự trữ đã cạn và Nhật bản vốn là một quốc gia đã quá nghèo về tài nguyên thiên nhiên . Ngay cả gạo và ngũ cốc chẳng đủ nuôi cho một quốc gia với hơn 100 triệu miệng ăn thì còn nói gì gửi ra chiến trường . Phi cơ , tàu chiến cùng vũ khí đạn dược thì thiếu hụt trầm trọng vì cơ sở sản xuất cứ bị Hoa kỳ ngày đêm phá hoại , hơn nữa số lượng sắt thép dành cho ngành sản xuất cũng quá hạn chế .

  Khi thủ tướng Suzuki đọc qua bản báo cáo về tình hình sản xuất thì biết rõ : Nhật bản đã đi đến bước đường cùng rồi . Ông vội triệu tập một phiên họp khẩn để cùng thông báo cho mọi người hiểu rõ nổi khổ chung của quốc gia .

  Họ bàn bạc và suy luận tìm phương cách hữu hiệu hầu cứu nguy nhưng bế tắt vẫn hoàn bế tắt . Phe lục quân lúc này tỏ ra yếu xìu chẳng còn to mồm khoát lát như trước , họ cho rằng mưu cầu hòa bình là việc cấp bách , và chỉ có Liên Xô đóng vai trò môi giới mới có thể tin cậy được . Tướng Umezu , tổng tham mưu trưởng và bộ trưởng bộ chiến tranh Korechika Anami đề nghị nên xúc tiến đi theo con đường này . Ngược lại Togo , bộ trưởng bộ ngoại giao thì cho rằng khi chiến thắng Đức thế nào Liên Xô cũng quay sang chống Nhật và khi chúng ta nhờ vã họ để mưu cầu hòa bình thì họ sẽ vênh váo đòi hỏi , đặ điều kiện này nọ chẳng hạn như ra giá những vùng đất mà ta chiếm cứ ở Mãn châu , Lữ Thuận , Đại liên . Đến lúc ấy chúng ta liệu có thể lên tiếng trả giá với họ không chứ ?

  Nhưng dù sao thì cũng phải chạy lo trước cái đã , nước ngập tới chân , lửa đã cháy đến đít rồi không lo chạy chọt van xin thì chắc hẳn là mất trắng tất cả chớ đừng có nói tới chuyện trả giá này nọ . Chính phủ Đông kinh ra lệnh cho nhà ngoại giao Nhật Koki Hirota tiếp xúc ngay với đại sứ Liên xô ở Đông kinh là Yakov Malik . Trước tiên là nên đề nghị với va xin chính phủ Stalin xóa bỏ quyết định “không gia hạn hiệp định trung lập Nhật-Xô” . Đại sứ Malik trả lời là cần phải chờ vài ngày mới có tin tức trả lời . Nhưng mới sang ngày hôm sau , Togo trình lên nội các chính phủ bản tuyên cáo của bộ tổng tham mưu . Bản tuyên cáo nhấn mạnh là giới quân sự Nhật bản vẫn mang ý định đánh đến cùng . Nghĩa là vẫn theo đuổi chiến tranh mặc dù chẳng còn gì để đánh “Giặc càng đến gần Nhật bản thì chúng ta sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng họ” . Togo cười mai mĩa hỏi các vị tướng có mặt trong buổi họp “Chiến thắng họ ư ? Lấy cái gì để chiến thắng , các ông có nghe dân chúng họ nói cái gì với nhau không hả ? Họ đã chán ngấy chiến tranh rồi các ông ạ” . Thế là có một màn tranh cải quyết liệt giữa ông bộ trưởng ngoại giao và Toyoda , bộ trưởng hải quân và tướng Anami , bộ trưởng bộ chiến tranh .

  Hai ngày sau , nhận được thông báo từ Liên xô , họ đồng ý không gia hạn hiệp định bất tướng xâm được ký kết từ trước , bây giờ sắp mãn hạn . Một cuộc họp được triệu tập ở nội chính đường trong hoàng cung . Bộ năm tức năm ông bộ trưởng quan trọng nhất là chiến tranh , hải quân , ngoại giao , kinh tế và nội vụ cùng Hoàng thân Hiranuma , chủ tịch hội đồng cơ mật Hara cùng tham dự . Thiên Hoàng Hirohito ngồi im lặng nghe mọi người lần lượt thuyết trình , đề tài về những đòi hỏi của phía đồng minh liên quan đến vấn đề chấm dứt chiến tranh . Phiên họp này tuy không đi đến một kết quả nào nhưng đây là lần đầu tiên người ta nói đến hai chữ “nghị hòa” .

  Vài hôm sau , quan quản thủ quốc ấn Kido trình lên Thiên Hoàng bản báo cáo tóm tắt tình hình . Nó cho thấy tổng số nhà cửa ở thủ đô Đông kinh và những thành phố lớn khác bị bom Hoa kỳ cho thành bình địa gần 70 phần trăm tổng số . Mức sản xuất lương thực kiệt quệ trầm trong , dân chúng đang đứng bên lề nạn đói . Tình hình bất ổn này sẽ khiến cho lòng dân ta thán , luồng sóng ngầm chống đối chính phủ sẽ có thể vì đó mà bùng lên mãnh liệt . Muốn ngăn chận mối nguy hại này nước Nhật cần phải tìm ngay một giải pháp cho hòa bình trước khi quá muộn .

  Bây giờ đến lúc Hirohito chính thức lên tiếng kêu gọi nghị hòa , nên nhớ chỉ là nghị hòa chớ không phải là đầu hàng vô điều kiện . Mặc dù không chấp nhận những những ông bộ trưởng phía võ biền cũng phải nễ vì Thiên Hoàng nên tạm im lặng nghe theo để cho những người có phận sự nói chuyện nghị hòa lo xúc tiến theo chương trình của họ tự chọn như trước .

  Việc phát xít Đức đầu hàng Đồng minh không chỉ là sự sụp đổ của Đế chế thứ III, mà còn là một đòn nặng nề đối với nước Nhật quân phiệt. Giờ đây, toàn bộ sức lực của phe Đồng minh sẽ dồn vào để tiêu diệt kẻ thù duy nhất còn lại của họ, và sự bại trận của Nhật Bản chỉ còn là vấn đề thời gian.

  Bộ máy chiến tranh của Đồng minh cũng được tổ chức lại để hoạt động có hiệu quả hơn. Kể từ đây, tướng Douglas Mac Arthur là Tổng tư lệnh các lực lượng Lục quân và đô đốc Chester Nimitz là Tổng tư lệnh các lực lượng hải quân Đồng minh. Về không quân, đại tướng Carl Spaatz là tư lệnh các lực lượng không quân chiến lược, dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Bộ tư lệnh tối cao Liên quân Đồng minh đặt tại Hoa thịnh đốn . Thuộc quyền tướng Spaatz có không đoàn 20 đặt căn cứ tại quần đảo Marianas của đại tướng H.H Arnold và không đoàn 8 của thiếu tướng James H.Doolittle từ châu Âu chuyển dần qua Okinawa. Không quân chiến thuật của Đồng minh có các Bộ tư lệnh ở từng khu vực. Tư lệnh không quân chiến thuật của Đồng minh ở khu vực Thái Bình Dương là trung tướng George Kenney. Thuộc quyền ông có không đoàn 5 do thiếu trong E.C Whitehead cầm dầu đặt căn cứ tại Iwo Jima và Okinawa; không đoàn 13 ở Leyte của tướng P.B Wurtsmith; không đoàn 7 ở Saipan của tướng T.D.White. Tư lệnh không quân chiến thuật Hoa kỳ ở Trung Hoa lục địa là tướng Stratemeyer. Dưới quyền ông có không đoàn 14 của trung tướng Cheunault (và trung tướng Stone lên thay từ tháng 7) và không đoàn 10 của thiếu tướng Howard C.Davidson. Mỗi không đoàn không quân có trên dưới 2000 máy bay các loại, từ pháo đài bay B29, B.24 Liberator, các oanh tạc cơ B.32 Dominator, các máy bay ném bom hạng trung Mosquitos, Micheus... cho đến các chiến đấu cơ hiện đại kiểu Mustang, Thunderbolt... Bên cạnh đó, còn có lực lượng không quân của hải quân Hoa Kỳ thuộc các hạm đội 3,5 và 7 trong khu vực Thái Bình Dương mà mỗi hạm đội đều có từ 1200 đến 1500 máy bay trên các mẫu hạm của mình. Đó là chưa kể đến hàng chục ngàn thủy phi cơ các loại.

  Đầu tháng 7, sau khi đã chiếm xong Okinawa với nhiều sân bay trên đảo, cuộc oanh kích Nhật Bản đã gia tăng cường độ rất nhiều, hơn cả sự tàn phá nước Đức trước đó. Từ ngày 4-7, không còn thấy máy bay Nhật nghênh chiến, không quân Đồng minh đã làm chủ bầu trời Nhật Bản. Từ tháng 3 đến tháng 6, Nhật Bản đã mất 4000 máy bay. Một số phi đội sống sót phải kéo sang Triều Tiên trú ẩn chờ ngày xuất kích khi Đồng minh đổ bộ lên chính quốc Nhật . Tuy vậy, trong 6 tháng đầu năm 1945, các phi đội Thần phong cùng với bom bay Oka tức stupid bomd và những gì còn lại của không quân Nhật đã đánh đắm được 264 hạm tàu các loại của Mỹ trong đó có 4 hàng không mẫu hạm là các chiếc Ticonderoga, Saratoga, Intrepid và Bunker Hiu. Đệ tam hạm đội Hoa Kỳ cũng biến khỏi vùng biển nước Nhật sau một trận bão kinh khủng ngày 05 tháng 06. Vì bị sóng to gió lớn đánh hư hại 5 hàng không mẫu hạm , 2 thiết giáp hạm, 1 tuần dương hạm và 13 hạm tàu khác, hạm đội của đô đốc Halsey buộc phải rút về căn cứ sửa chữa gần 1 tháng. Ngày 03 tháng 07, hạm đội lại xuất trận với 1200 máy bay thuộc Lực lượng đặc nhiệm 38 thay phiên nhau oanh tạc 80 sân bay Nhật ở vùng đồng bằng quanh thủ đô Tokyo.

 Ngày 14 tháng 07, hải quân và không quân Mỹ đánh phá mãnh liệt thành phố Kamishi cách Tokyo 400 km về phía Bắc và thành phố Muroran trên đảo Hokkaido. Ngày 17 và 18 tháng 07, lại thêm một cuộc oanh kích lớn của 1500 máy bay vào các thành phố lớn của Nhật. Tiếp đó, Đồng minh tập trung lục lượng tìm diệt những gì còn lại của hải quân Nhật đang trú ẩn tại các cảng Yokosuka và Kure. Sau 4 cuộc oanh kích lớn trong các ngày 18, 24 , 25, và 28 tháng 07, kết quả đem lại là 4 thiết giáp hạm, 2 mẫu hạm loại bé bi , 2 tuần dương hạm nặng và 1 tuần dương hạm nhẹ của Nhật đã bị đánh đắm hoặc trọng thương. Cuối tháng 07, cả nước Nhật chỉ còn vẻn vẹn 2 mẫu hạm bé bị , 4 tuần dương hạm, 26 khu trục hạm và 16 tàu ngầm. Thiết giáp hạm cuối cùng còn lại trong tổng số 12 thiết giáp hạm của Nhật là chiếc Nagato đã bị đánh trọng thương tại Yokosuka. Cùng lúc với việc hủy diệt các chiến hạm trên, ngày 24 và 28 tháng 07 đã diễn ra những cuộc ném bom và bắn phá dữ dội ở Nagoya, Osaka, Sakai, Nagasaki và nhiều thành phố lớn khác.

  Trên 2000 máy bay, trong đó có nhiều chiếc cất cánh từ các hàng không mẫu hạm của Anh đã thực hiện các phi vụ oanh tạc này. Từ 29 tháng 07 đến 01 tháng 08, một trận bão lớn thổi qua hầu hết nước Nhật làm cho cường độ oanh tạc có phần giảm xuống. Ngày 03 tháng 08 Đồng minh cho xuất trận thêm nhiều máy bay ném bom hạng nặng kiểu P-61 "Black Window" làm cho chiến sự nóng bỏng trở lại. Tính chung từ đầu tháng 6 đến 15 tháng 08 năm 1945, Đồng minh đã dùng hết 135,000 tấn bom ở chiến trường Thái Bình Dương, hầu hết số đó rơi xuống chính quốc Nhật Bản. Thế là số bom ném trong hai tháng rưỡi cuối cùng của chiến tranh nhiều hơn gấp 7 lần số bom dùng trong 6 tháng trước đó. Kết quả 7 tháng của năm 1945, không quân và hải quân Đồng minh đã đánh đắm hoặc làm trọng thương 2,700,000 tấn trọng tải tàu các loại, tiêu diệt 11,375 máy bay các loại của địch.

   Đến đầu tháng 8-1945, hải quân và không quân Nhật coi như đã bị loại khỏi vòng chiến, tiềm lực công nghiệp chiến tranh của Nhật đã bị tàn phá rất nặng nề và chính quốc Nhật Bản đã bị bao vây phong tỏa gắt gao. Tokyo chỉ còn trông cậy vào lục quân trên đất liền châu Á và sự hy sinh của một trăm triệu thần dân đang thần phục Thiên hoàng trên 4 hòn đảo chính của Nhật .

 Đài phát thanh Đông kinh liên tục tố cáo các cuộc oanh tạc dã man của không quân Hoa Kỳ . Nhưng người Nhật còn chưa biết rằng thảm họa khủng khiếp nhất đối với họ đang đe dọa gần kề ngay phía trước.

  Qua bộ phận mật mã của Sứ quán, họ liên lạc trực tiếp và kín đáo với Nhật Bản qua Phòng mật mã của Bộ tư lệnh hải quân . Và qua trung gian của tiến sĩ Fritz Mack (người Đức) họ móc nối được với Allen Dulles. Ông này thông báo cho phía Nhật biết là Đức phát xít đã đầu hàng, vậy Nhật nên "lo tính" đi trước khi quá muộn. Lúc ấy, sự thay đổi nội các ở Nhật và sự cần thiết về "bí mật" khiến cho công việc mưu tìm hòa bình ở Thụy Sĩ không xúc tiến liên tục được. Vả lại, tâm lý chung của đại đa số tướng lãnh quân phiệt là đánh đến cùng . Chơi xả láng , chơi cho đến người lính cuối cùng mới thôi . Có thế mới đáng mặt quân đội Thiên Hoàng chớ .

  Trong khi các nhà ngoại giao , các chính khứa có nhiệm vụ lo mưu tìm cách thương thuyết nghị hòa thì phía quân đội lo xúc tiến ngay một phòng tuyến cuối cùng ngay trên quê hương của họ . Kế hoạch mang tên Ketsu-go , một kế hoạch tử thủ vĩ đại tập trung hơn 10,000 phi cơ , hầu hết đều cóp nhặt lại từ những phi đội tạp nhạp còn sống sót từ khắp chiến trường . Lấy kinh nghiệm máu từ những trận đánh ở Saipan , Tarawa , ở đây bằng mọi giá phải đập tan tành lực lượng đổ bộ của địch ngay từ phía ngoài bờ biển . Một đơn vị phòng thủ khổng lồ gồm 53 sư đoàn bộ binh và 25 tiểu đoàn chiến đấu độc lập , tổng cộng con số binh sĩ hiện diện tham chiến sẽ là 2 triệu 350 ngàn người . Chưa hết , một lực lượng dự phòng có gần 4 triệu binh sĩ nữa cũng có mặt ngay phía sau phòng tuyến . Họ gồm những binh sĩ hải lục quân cùng dân quân tình nguyện . Nhóm dân quân tình nguyện cho lực lượng dự phòng này gồm tất cả dân cư trên khắp cùng đất nước , nam trong hạn tuổi từ 15 đến 60 , nữ 17 đến 40 . Tất cả , tất cả đã vét sạch để tung ra cho một trận thư hùng cuối cùng ngay trên đất mẹ . Đạo quân không chuyên nghiệp này ngoài những giờ luyện tập quân sự ra họ còn phải cấy cày sản xuất phục vụ cho quân đội . Vì vũ khí không thể nào cung ứng nổi cho một đơn vị dự phòng có con số gần 4 triệu binh sĩ nên đa số họ chỉ trang bị sơ sài gồm những thứ không giết nỗi ai như đao thương giáo mác gậy gộc và có cả cung tên . Tóm lại đây là một lực lượng kinh khủng về nhân lực nhưng xét kỹ thì chỉ là những tấm bia chống đạn không hơn không kém khi lâm trận , nhất là đối đầu với loại vũ khí hiện đại của quân đội Hoa kỳ .

  Cho đến đầu năm 1945, giới lãnh đạo Lục quân Hoa Kỳ, tiêu biểu là tổng tham mưu trưởng George Marshall và tư lệnh Lục quân Mỹ ở Thái Bình Dương là tướng Mac Arthur , ông vẫn cho rằng rất cần có Liên Xô tham chiến để tiêu diệt đạo quân Quan Đông của Nhật ở Mãn Châu.

 Trở lại thời gian trước đó , ngày 23 tháng 01, trước lúc tổng thống Roosevelt rời Washington bay đi Liên Xô để dự hội nghị thượng đỉnh tại Yalta với thủ tướng Churchill và trùm đỏ Stalin, tướng Marshall đã lưu ý Tổng thống rằng việc tiêu diệt đạo quân 700,000 người ở Mãn Châu sẽ làm tổn thất hàng trăm ngàn sinh mạng binh sĩ Hoa Kỳ nếu không có sự tham chiến của Liên Xô.

   Bởi thế, tại Hội nghị thượng đỉnh Yalta (từ 4 đến 12 tháng 02-1945), vấn đề này đã được giải quyết giữa Roosevelt (có đại sứ Averell Harriman phụ tá) với Stalin (có ngoại trưởng Molotov tháp tùng) tại phiên họp hai bên ngày 08 tháng 02 bàn về chiến tranh Viễn Đông. Hai bên đồng ý rằng Liên Xô sẽ tham gia chiến tranh chống Nhật ở Viễn Đông với điều kiện trả lại cho Liên Xô chủ quyền ở phía Nam đảo Sakhalin và quần đảo Kurile, dành cho Liên Xô hải cảng thuộc vùng nước ấm ở Trung Hoa là Lữ Thuận và quyền sử dụng các đường sắt ở Mãn Châu. Hải cảng Đại Liên sẽ là một cảng tự do được quốc tế hóa. Stalin cũng đồng ý rằng Liên Xô sẽ tham gia chiến tranh chống Nhật trong vòng 2 hoặc 3 tháng sau ngày nước Đức đầu hàng.

   Kế hoạch của Hoa kỳ nhằm đánh bại Nhật Bản được vạch ra dựa theo sự thỏa thuận này và hoàn tất vào mùa hè 1945. Ngày 18 tháng 06, Tổng tham mưu trưởng Lục quân, tướng Marshall đã trình bày trước tổng thống H.Truman và các quan chức quân sự cao cấp của Hoa Kỳ:

- Phong tỏa mạnh đối phương trên biển, trên không.

- Đánh bom ồ ạt các thành phố Nhật trong suốt mùa hè và mùa thu 1945.

Từ 1-11-1945, đổ bộ lên đảo Kyushu (chiến dịch Olimpic) với lực lượng 766,700 quân thuộc lộ quân số 6, thủy quân lục chiến và các đơn vị khác. Sau đó, đổ bộ lên Honshu (chiến dịch Coronet). Vào mùa hè năm 1945, hải quân và không quân Hoa kỳ lớn mạnh gấp bội đã đè bẹp hải quân và không quân Nhật. Nhưng về Lục quân thì phía Đồng minh vẫn chưa giành được ưu thế. Vấn đề vận chuyển một lực lượng đổ bộ khổng lồ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

    Bộ trưởng chiến tranh Henry Stimson đã viết "Chúng ta cần ít nhất là 5 triệu quân và các trận đánh chính sẽ kết thúc sớm nhất vào cuối năm 1946. Và qua các chiến dịch đó, ta phải mất ít nhất 1 triệu sinh mạng".

   Căn cứ vào sự kháng cự mãnh liệt của quân Nhật trong các chiến dịch vừa qua, đa số giới lãnh đạo quân đội Hoa kỳ cho rằng khó có thể đạt đến chiến thắng trước năm 1947.

  Trong khi đó, tại phòng thí nghiệm khoa học Los Alamos ở tiểu bang New Mexico, một nhóm các nhà vật lý hạt nhân hàng đầu của Hoa Kỳ gồm tiến sĩ James Franck (nhà khoa học Đức được giải thưởng Nobel, sang tị nạn tại Hoa Kỳ), tiến sĩ J.Robert Oppenheimer, tiến sĩ Arthur Hoay Compton... đang hoàn tất việc chế tạo một loại vũ khí bí mật chưa từng thấy, được gọi là bom nguyên tử.

    Chỉ có tổng thống Truman, Bộ trưởng Quốc phòng Stimson, Bộ trưởng Hải quân Forrestal, đô đốc William O.Leahy chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân, đô đốc Emest J.King tổng tham mưu trưởng Hải quân, tướng George Marshall tổng tham mưu trưởng Lục quân và trợ lý Bộ trưởng chiến tranh John McCloy biết việc này ở những mức độ khác nhau. Nhưng đa số chưa hiểu rõ tính năng tác dụng của loại bom này, và cũng chưa người nào đề cập đến việc sử dụng nó.

   Chính tại cuộc họp ngày 18-6 nói trên, theo đề nghị của Bộ trưởng chiến tranh Stimson và trợ lý bộ trưởng John McCloy, tổng thống Truman đã đi đến quyết định dùng bom nguyên tử để kết thúc chiến tranh. Theo quyết định trên, Hoa Kỳ và các nước Đồng minh của mình sẽ gửi một tối hậu thư, buộc Nhật Bản phải đầu hàng vô điều kiện. Nếu không chấp nhận, nước Nhật sẽ bị hủy diệt bằng bom nguyên tử. Tuy nhiên, để đề phòng trường hợp bom nguyên tử được đem ra dùng mà lại không nổ, tối hậu thư sẽ không nói rõ việc sử dụng bom này.

   Mang theo bản dự thảo tối hậu thư bay sang Đức để dự hội nghị cấp tối cao ở Potsdam với Stalin và Churchill, tổng thống Truman vẫn còn lo lắng về vụ nổ thí nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên sắp được tiến hành . Ông lo cũng đúng , hăm he thiên hạ đã đời rồi ném vào nhà người ta một “cục sắt” to tướng , nếu nó im ru không chịu nổ thì ê mặt quá xá .

  Lúc 7 giờ rưỡi tối ngày thứ hai , 16 tháng 07 , tổng thống Truman nhận được bức điện đánh đi từ Hoa thịnh đốn , bức điện mà ông nóng lòng mong đợi “Cuộc giải phẩu đã được tiến hành vào buổi sáng nay . Kết quả chưa đầy đủ nhưng theo nhận định sơ khởi thì rất thỏa đáng , có lẽ sẽ vượt quá sức dự kiến là khác” . Như thế thì cuộc nổ thí nghiệm trái bom nguyên tử đầu tiên của nhân loại đã thành công tốt đẹp . Truman dĩ nhiên là vui phải biết .

  Hội nghị khai mạc vào ngày thứ ba , 17 tháng 07 . Trùm Liên Xô , tổng thống Truman và thủ tướng Churchill . Ba anh đại cường bàn bạc chuyện tương lai châu Âu thời hậu chiến và sau đó mới quay sang đề tài Viễn đông . Bắt đầu là Stalin , ông nhếch hàm râu mép cất giọng ồm ồm “Trong tinh thần tôn trọng đồng minh của mình , chúng tôi thấy cần phải thông báo cho quí vị biết là người Nhật đang hối thúc chúng tôi đứng ra làm trung gian nghị hòa với phía đồng minh . Nhật Hoàng Hirohito đã gửi một thư ký riêng đến xin Liên xô cho Hoàng thân cựu thủ tướng Konoye đến Mạc tư khoa . Đồng thời cũng báo cho anh bạn Hoa kỳ của mình biết là hồng quân của chúng tôi đã sẳn sàng chuyển quân về vùng Viễn đông để tham chiến chống lại Nhật bản , đúng như thời gian đã hẹn là tháng 08 năm này” . Ông ngừng lại vài giây khẻ liếc nhìn Truman rồi nói tiếp “Vậy ông nghĩ tôi nên trả lời cho Nhật thế nào đây ?” . Truman vẫn một bộ mặt lạnh lùng , nghiêm và buồn đúng nghĩa với bộ mặt chính trị gia , ông trả lời chậm rãi “Thì ngài cứ trả lời theo cách mà ngài đã nghĩ là tốt nhất” .

  Sau đó ông bộ phó bộ ngoại giao Lozovsky cho gọi đại sứ Nhật là Sato đến để cho biết rằng vì lá thư của Nhật Hoàng ý tứ không được rõ ràng nên viên chức cao cấp của Liên xô không thể thông suốt đúng mức , vậy phiền báo lại rằng cuộc hành trình của Hoàng thân Konoye coi như hiện tại chưa cần thiết .

  Trưa ngày thứ tư 18 tháng 07 , lúc đang ăn trưa , tổng thống Truman và Churchill vừa ăn vừa nói chuyện với nhau . Thủ tướng Churchill coi bộ còn lo ngại bởi từ ngữ “đầu hàng vô điều kiện” đối với Nhật bản . Ông lên tiếng chừng như là muốn góp ý “Việc này khiến cho phe quân phiệt Nhật bản có thể đi đến đường cùng và dẫn đến những chuyện điên rồ khác . Việc trước nhất mình thấy được là chúng sẽ tìm cách gây thật nhiều tổn hại cho binh sĩ chúng ta . Trãi qua những trận đánh khốc liệt gần đây đã cho chúng ta thấy tinh thần chiến đấu của họ quả thật đáng phục . Vậy để tránh tình trạng phải chịu hy sinh quá lớn , chúng ta nên tìm một con đường nào có thể bảo đảm đi đến đích mà tiết kiệm xương máu cho con em chúng mình . Theo tôi nghĩ , tổng thống nên mở cho phe quân phiệt một con đường , một lối thoát để cho họ khỏi phải mất sĩ diện . Thế mới tốt” .

  Truman hằn học đáp cộc lốc “Tôi nghĩ người Nhật đâu có sĩ diện để mà mất . Người có sĩ diện tại sao tấn công Trân châu cảng lại không tuyên chiến chớ” . Sau đó Truman lại hỏi Churchill có nên bật mí cho Stalin biết bí mật của Hoa kỳ là đã có bom nguyên tử không . Churchill ngớ người ra chả hiểu , đến lúc ấy Truman mới móc bản báo cáo do Stimpson mới gởi sang , nói về sự thành công của cuộc thử nghiệm bom nguyên tử ở Alamogordo trao cho Churchill đọc . Đọc xong vị thủ tướng hứng chí vỗ đùi đánh đét làm điếu xì gà như sắp bay ra khỏi tay ông . Ông cười và nói lớn “Hỏa lực của súng đạn bây giờ là cái quái gì ? Đồ chơi trẻ em chăng . Điện khí là cái đếch gì chớ ? Vô nghĩa , vô nghĩa cả . Tất cả đều trở thành vô nghĩa lý trước sự tàn phá của nguyên tử lực !” . Đoạn ông quay sang Truman , khuôn mặt trở nên rạng rỡ nói “Bây giờ tôi thật sự mới hiểu ra được thái độ của tổng thống ngày hôm qua . Đúng , chấm dứt chiến tranh với một hoặc hai tiếng nổ kinh thiên động địa , chấn động hoàn vũ . Dĩ nhiên chúng ta không cần đến sự can thiệp của người Nga nữa” .

  Ngày 26 tháng 07 , các đại biểu của Hoa kỳ anh Anh quốc tham dự buổi họp , họ cho ra đời bản Tuyên cáo mang tên Potsdam . Bản tuyên cáo này được các đài phát thanh truyền sóng rộng rãi hướng về phía Nhật bản .

  Nhân danh chính phủ của ba quốc gia đồng minh Hoa kỳ , Anh và Trung Hoa quốc gia (bản tuyên cáo này không có chữ ký của Liên xô) , bản tuyên cáo Potsdam chính thức yêu cầu Nhật bản đầu hàng vô điều kiện theo những nguyên tắc cơ bản như sau “Loại bỏ chủ nghĩa quân phiệt tại Nhật , cách chức những kẻ chủ mưu khởi xướng các hành động xâm lược , trừng trị tội phạm chiến tranh , giải thể các lực lượng quân sự và Nhật bản bắt buộc phải trở thành quốc gia không vũ trang v.v . Điều kiện bắt buộc phải để quân đội đồng minh tạm thời chiếm đóng Nhật bản , giới hạn chủ quyền của họ ngay trên quê hương mình . Đến bao giờ tình hình an ninh được bảo đảm nghĩa là các thủ lãnh quân phiệt , những tay sắc máu cuồng tín bị tống hết vào khám và dĩ nhiên một chính phủ mới dân chủ hoàn toàn được dân tự ý bầu lên nắm chính quyền . Lúc ấy đồng minh sẽ trao trả lại những gì của Nhật bản về cho Nhật bản . Bằng ngược lại , nếu chính phủ Đông kinh không chấp nhận bản tuyên cáo này thì Nhật bản sẽ bị hủy diệt nhanh chóng và hoàn toàn !’’

  Bản tuyên cáo không khác gì một bức tối hậu thư mà phe đồng minh soạn ra để chuẩn bị cho tiếng nổ của trái bom nguyên tử đầu tiên của loài người . Nên nhớ , bản tuyên cáo Potsdam không đá động gì đến tương lai chính trị và những gì sẽ dành cho Hoàng gia Nhật .

  Ở Đông kinh người ta bắt được toàn văn bản tuyên cáo Potdam vào sáng ngày 27 tháng 07 . Liền sau đó các giới chức cao cấp Đông kinh có những phản ứng khác nhau . Thủ tướng Suzuki thì có cùng quan điểm với ông bộ trưởng ngoại giao Togo , họ cho rằng “Có lẽ họ biết thiện ý mưu tìm hòa bình của Thiên Hoàng Hirohito nên cho ra đời bản tuyên cáo không quá nặng nề . Nhưng vẫn còn vài điểm mù mờ chưa nắm rõ , cần phải làm cho sáng tỏ những điểm này” . Ngược lại phía nhà binh , các ông tướng sừng sõ ngang bướng vẫn những giọng điệu cũ rích là coi trời bằng vun , họ quát lên trong bực tức “Đây là bản tuyên cáo đầy lời lẽ xấc xược nhất thế giới . Chính phủ cần phải bác bỏ ngay để giữ thể diện cho quân đội Thiên Hoàng của chúng ta !” . Riêng Nhật Hoàng và nhóm Hoàng thân thì cùng một quan điểm “nên cẩn trọng trong vấn đề phản ứng ở trong nước cũng như trên trường ngoại giao” . Nhưng phản ứng trước tiên là họ cùng đồng ý cho báo chí đăng tãi một số trích đoạn của bản tuyên cáo , đặc biệt không có lời bình luận nào kèm theo .

  Nhưng tòa soạn các tờ báo không tuân thủ theo mệnh lệnh , họ cho đăng gần như toàn văn bản tuyên cáo của đồng minh cộng thêm những bài bình luận nẩy lửa , rất bất lợi cho phía chủ hòa . Tờ Nhật báo Mainichi thì đăng một tít lớn nơi trang đầu : Chuyện đáng nực cười  , tờ Asahi Shimbun thì bình luận như sau “Tuyên cáo của Anh Mỹ và chính phủ Tưởng cho thấy rằng Nhật bản phải nỗ lực tối đa để giành lấy chiến thắng cuối cùng” .

  Togo , bộ trưởng ngoại giao nghĩ rằng đây chính là do nhóm quân đội , nhóm hiếu chiến đạo diễn chớ chẳng còn ai khác hơn vì đối với giới báo chí thì họ có gan trời nào dám mạnh miệng xiêng xỏ thế kia trong khi tình hình quốc gia đang lúc rối rắm . Vì theo Togo nhận xét , bản tuyên cáo này nếu đưa ra ngoài công chúng thì mọi người đều nhìn thấy cục diện đã quá cấp bách không còn con đường chọn lựa nào nữa . Chỉ có chiến đấu , chiến đấu đến hơi thở cuối cùng . Chiến sĩ Phù tang thà chết vinh hơn sống nhục . Đó cũng là một sách lược khích động lòng dân , một lối tuyên truyền mà phe nhà binh vừa vớ được lẽ nào lại bỏ qua . Chiến đấu có dân chúng ủng hộ tối đa thì còn lo gì mà không chiến thắng .

    Cuối cùng nội các chính phủ đành phải quyết định đi nước đôi , chọn thủ tướng Suzuki đi họp báo . Hy vọng nhờ vào tài hùng biện của thủ tướng mà đồng minh hiểu rằng người Nhật không hề bác bỏ hẳn bản tuyên cáo của họ và quan trọng nhất để tránh tình trạng lộn xộn bên trong , Suzuki phải khéo léo cách xử dụng ngôn từ để phía quân đội biết rằng chính phủ của mình không chấp nhận bản tuyên cáo ấy . Chiều ngày 28 tháng 07 , trong một buổi họp báo , thủ tướng Suzuki phát biểu “Theo tôi nghĩ thì bản tuyên cáo Potsdam chỉ là sự lặp lại của bản tuyên cáo Cairo . Nó chẳng có gì mới mẻ cả , do đó chính phủ chúng tôi cũng không cần phải để ý tới làm gì . Chúng tôi chỉ phải mokusatsu nó mà thôi” . Mokusatsu , chữ này dễ gây hiểu lầm vì ý nghĩa của nó . Đây là nghĩa của chữ Mokusatsu : Take no note of , treat (something) with silent contempt hoặc là ignore . Có nghĩa nôm na là thây kệ nó để ý tới làm gì .

  Nhưng quái lạ , chữ Mokusatsu do chính miệng thủ tướng phát biểu đúng theo ý của ông đã nói lại với người con trai của mình sau buổi họp báo là no comment nghĩa là thây kệ nó , nhưng lại được thế giới hiểu theo cái nghĩa khác kinh khủng hơn . Kill with silent , tức là giết trong im lặng .

  Thế là ngày 30 tháng 07 , tờ Newyork times cho đăng ngay trang đầu một tít lớn “Nhật bản bác bỏ lời đề nghị của đồng minh về việc đầu hàng vô điều kiện” .

  Ngay lúc ấy đại sứ Saito từ Moskva điện về báo là người Nga không sẳn lòng làm trung gian hòa giải với phe đồng minh . Thế là bộ tổng hành dinh Thiên hoàng , phe quân đội hải lục quân bắt đầu bận rộn tíu tít . Họ đang hoàn tất kế hoạch Ketsu-go , một kế hoạch gần giống như tự sát tập thể của toàn dân Nhật để đối đầu với một trận chiến cuối cùng . Hơn 10,000 phi cơ được lệnh tập trung cùng một lực lượng khổng lồ của bộ binh và dân quân tình nguyện như đã đề cập ở phần trên . Tất cả đều có mặt ở tuyến đầu , nghĩa là hai hòn đảo phía nam Kyushu và Shikoku , nơi mà tổng hành dinh Đông kinh tin chắc rằng quân đội Hoa kỳ sẽ đổ bộ lên .

  Tính đến thời điểm này thì quân đội Thiên Hoàng vẫn còn duy trì được một lực lượng khổng lồ : hai triệu hơn đang có mặt nơi chính quốc , ba triệu quân viễn chinh , vẫn còn nhiều đơn vị đồn trú ở những quốc gia xa xôi như New Guinea , Nam dương , Đông dương , Phi luật tân . Đông đảo nhất là ở lục đia Trung Hoa , Mãn châu và Triều tiên . Đạo quân xung kích thiện chiến của lục quân Nhật vẫn là đạo quân Quang đông đang giữ nhiệm vụ trấn giữ một lãnh thổ 900 ngàn cây số vuông của xứ Mãn châu . Đạo quân này thành lập từ những năm 1930 , đến nay họ đã có 31 sư đoàn bộ binh , 9 lữ đoàn chiến đấu độc lập , 2 lữ đoàn xe tăng , 1 lữ đoàn xung kích và 2 không đoàn . Quân số trên dưới một triệu binh sĩ . Từ khi Nhật bị bại trận liên tục ở vùng Thái bình dương , đạo quân này cũng phải ra đi ít nhiều theo yêu cầu đòi hỏi ở chiến trường . Như sư đoàn 1 cố cựu thiện chiến nhất của Quang đông phải điều đi tham chiến ở vịnh Leyte và tan rả ở đó . Chắc quí vị hãy còn nhớ hạ sĩ Kamiko và 5 ngày đêm kịch chiến nơi ngọn đồi Gãy cổ ở đảo Leyte .

  Theo kế hoạch tất cả dồn cho một trận thư hùng tại hai hòn đảo nơi chính quốc , tổng hành dinh Đông kinh chưa cần vội đạo quân Quang đông , vì theo kế hoạch phòng thủ nếu bốn hòn đảo của Nhật bị tràn ngập thì bộ tổng hành dinh sẽ kéo rốc về Mãn châu . Ở đây họ sẽ đào hào đấp lũy chiến đấu tiếp tục .

                                      ………………………….

  Sử dụng bom nguyên tử để kết thúc cuộc chiến là một quyết định không thể nào thay đổi , nhưng Hoa kỳ vẫn còn một nghi vấn chưa thỏa đáng . Liệu Stalin tuyên chiến với Nhật trước khi Hoa kỳ cho mang bom tới để kết liễu cuộc chiến ? Nếu muốn tự mình kết thúc cuộc chiến mà không cần Liên xô nhúng tay vào để sau này rắc rối thì việc trước mắt nên ra tay càng sớm càng tốt . Cuối cùng họ quyết định thời điểm cuối tháng 07 . Trong khi ấy tại Mạc tư khoa , đại sứ Sato một lần nữa cố gắng thuyết phục Đông kinh để cho họ tin chắc rằng Liên xô không có ý can thiệp vào lời yêu cầu nghị hòa của các chính khách Nhật bản . Dù đã hai lần gởi báo cáo rõ ràng như thế nhưng Đông kinh vẫn chưa chịu tin hẳn . Togo tiếp tục gửi điện tín sang Sato yêu cầu vị đại sứ cố gắng thuyết phục họ thêm lần nữa .

  Trong khi Đông kinh đang hồi hộp chờ đợi tin tốt gởi về từ Mạc tư khoa thì trái bom nguyên tử đầu tiên đã sẳn sàng nơi bến cảng , chỉ còn chờ thời tiết tốt là lên đường tới căn cứ Tinian . Trái thứ hai cũng đang trên đường di chuyển tới bến cảng . Hai quả bom nguyên tử , hình dáng chẳng khác gì trái bom to tướng , sức nặng của chúng cũng chẳng có gì đặc biệt nhưng khi quyết định sử dụng đến chúng , những người đưa ra quyết định này đã nặng tai nghe đầy những lời mĩa mai chỉ trích và trong nội bộ cũng xảy ra nhiều tranh cãi không ngừng . Tiến sĩ James Franck cùng 7 khoa học gia nổi tiếng khác đã bác bỏ việc sử dụng phát minh khoa học lớn lao vào việc tàn sát nhân loại . Đô đốc Leahy , chủ tịch hội đồng liên quân cũng không tán thành . Tướng không quân Arnold thì cho rằng không cần phải dùng đến bom nguyên tử , chỉ cần tiếp tục những phi vụ B-29 như cũ thôi cũng đủ để nước Nhật cũng chịu không nổi , họ sẽ đầu hàng sớm thôi . Tướng Dwight Eisenhower thì cảnh báo nếu Hoa kỳ làm thế thì sau này thế giới sẽ oán trách chúng ta đã sử dụng vũ khí tàn bạo . Nhưng mặc , ai nói thế nào cũng mặc , tổng thống Truman chỉ dựa vào sự ủng hộ của đại đa số giới chức lãnh đạo quân sự , ông ra lệnh cho đại tướng Carl A.Spaatz , tư lệnh không quân chiến thuật chuẩn bị “Phi đoàn 509 , thuộc không đoàn 20 phải sẳn sàng dội bom . Kể từ ngày 03 tháng 08 năm 1945 khi nào thời tiết cho phép . Một trong bốn mục tiêu sau đây do chính quí vị chọn : Hiroshima , Kokura , Niigata và Nagasaki” . Truman nghĩ , thà rằng cho nổ một hai quả bom chấn động hoàn vũ rồi nói chuyện hòa bình còn hơn là cứ xua quân trực chiến với họ . Đối với những gã lùn liều mạng hổng sợ chết này chỉ còn có mỗi một cách đó thôi . Tàn nhẫn thật nhưng coi ra cũng tiết kiệm được nhiều xương máu lắm lắm .

  Ngày 04 tháng 08 . chiếc tuần dương hạm nặng Indinapolis thả neo  cách bờ biển đảo Tinian chừng vài dặm . Đảo Tinian thuộc quần đảo Marianas . Từ đây trái bom nguyên tử đầu tiên được chuyển sang một con tàu bí mật mang vào căn cứ , đó cũng là một khu vực tối mật chỉ những nhân viên có nhiệm vụ mới được ra vào mà thôi .

  Ở đây quả bom nguyên tử , một vật báu mà mọi sĩ quan cao cấp có trách nhiệm được tận mắt chứng kiến . Đó là một khối hình trụ bằng kim loại nặng vài trăm ký lô , bên trong chứa chất U 235 phía ngoài được bọc bằng một lớp chì . Các phần phụ thuộc của quả bom được ráp lại trong một căn phòng có máy điều hòa nhiệt độ nằm kề cận sân bay căn cứ Tinian . Khi hoàn chỉnh nó trông giống như một quả bom thường nhưng hình thù và kích thước lại to lớn hơn nhiều .

  Người có nhiệm vụ đánh bom là đại tá Paul W.Tibberts . Ông thuộc phi đoàn 509 và đã trãi qua một khóa huấn luyện đặc biệt tuyệt mật . Trong thời gian huấn luyện ông hoàn toàn sống cách ly hẳn với mọi người và chỉ có ông mới biết được nhiệm vụ trọng yếu của mình , ngoài ra chẳng có ai biết gì cả . Đó là một khu vực trong sân bay được bao bọc bởi dây kẽm gai và súng máy , chỉ riêng những sĩ quan cao cấp có trách nhiệm mới được phép ra vào nơi đây mà thôi .

  Sáng ngày 05 tháng 08 , tin dự báo thời tiết cho biết trời quang mây tạnh trong vòng hai ngày sắp tới . Như vậy thật lý tưởng có phi cơ cất cánh sau lúc nửa đêm . Đại úy quân cụ William Parsons , người chịu trách nhiệm gắn kích hỏa vào quả bom nguyên tử . Anh nhớ lại đêm qua đã chứng kiến cảnh một pháo đài bay B-29 bị tai nạn khi cất cánh tại sân bay , anh chợt rùn mình hỏi nhỏ tướng Thomas Farrell , người chỉ huy dự án tối mật này “Nếu chẳng may chiếc phi cơ chở quả bom này bị tai nạn thì toàn đảo Tinian này sẽ là nạn nhân đầu tiên của kế hoạch đó ” . Farrell nhún vai trả lời gọn lỏn “Thì chúng ta cần phải cầu nguyện cho việc đó đừng có xảy ra , chớ biết làm sao bây giờ” .Parsons lại ngõ ý “Nếu tôi theo phi cơ và gắn bộ phận kích hỏa trên không sau khi rời xa căn cứ thì sẽ an toàn cho hòn đảo hơn . Thiếu tướng nghĩ sao ?” Ông tướng tỏ vẻ hơi ngần ngừ một lúc rồi lên tiếng hỏi Parsons đã có làm qua những việc tương tự như thế bao giờ chưa . Parsons lắc đầu bảo đây là lần đầu tiên nhưng chắc cũng không khó vì anh có cả ngày trời để cố gắng . Tướng Farrell gật đầu ưng thuận ngay .

  Chiều ngày 05 tháng 08 năm 1945 , trái bom được gắn vào chiếc pháo đài bay bốn động cơ B-29 do chính đại tá phi đoàn trưởng Tibbets làm phi công . Phi công phụ là đại úy Lewis . Đại úy quân cụ William Parsons leo lên phi cơ , anh tập gắn bộ phận kích hỏa cho quen tay .Tướng Farrell trông thấy hai bàn tay của đại úy bị trầy trụa nhiều chỗ có rướm máu , ông bèn lên tiếng “Hổng ấy để tôi đưa cho đại úy đôi găng tay , thứ này mỏng lắm” . Parsons lắc đầu cười “Được rồi thiếu tướng , dù sao thì tôi cũng muốn chính tay tôi mó vào quả bom lịch sử này mà” .

   Lúc 10 giờ đêm , tất cả 6 nhân viên phi hành được mời đến dự một phiên họp tại phòng hành quân . Đại tá Tibbets xuất hiện , lúc này mới bật mí cho mọi người biết nhiệm vụ của họ là đi đánh bom vào đất Nhật . Ông nói “Đêm nay là một đêm đặc biệt mà chúng ta đã chờ đợi bấy lâu nay” . Ngừng một chốc và liếc mắt nhìn phản ứng các nhân viên phi hành . Gian phòng im lặng , mọi người như hồi hộp chờ đợi . Ông tiếp “Những tháng dài luyện tập của chúng ta cốt chỉ để thi hành một nhiệm vụ , chỉ để trắc nghiệm một lần này . Chúng ta rồi sẽ biết kết quả thành công hay thất bại . Mọi nỗ lực vừa qua và phi vụ đêm nay sẽ là một phi vụ làm nên lịch sử” . Đoạn đại tá cho mọi người biết nhiệm vụ của họ là mang một quả bom khá nặng , sức hủy diệt của nó có thể ngang với 20,000 tấn thuốc nổ TNT . Đó là quả bom nguyên tử đầu tiên của nhân loại do chiếc pháo đài bay mang tên Enola Gay và chúng ta có nhiệm vụ phải mang nó thả vào đất địch . Ông lại nói tiếp “Bởi vì quả bom này có sức phá hủy vô song nên chúng ta bắt buộc phải dùng mẹo để đánh lạc hướng địch chớ không phải khơi khơi lao vào mục tiêu như những phi vụ tầm thường khác được . Đầu tiên là ba phi cơ thăm dò thời tiết , họ cất cánh trước một tiếng đồng hồ và sẽ có mặt ở ba thành phố mục tiêu mà ta đã chọn sẳn . Do đó tùy theo ảnh hưởng thời tiết từng thành phố , mục tiêu thả bom có thể thay đổi vào giờ chót . Sau đó chúng ta sẽ cất cánh cùng với 2 chiếc phi cơ hộ tống , họ là những khoa học gia và dụng cụ chụp ảnh . Tất cả ba chiếc sẽ bay theo ba hướng khác nhau và hẹn gặp tại vùng trời Iwo Jima lúc trời vừa rạng đông” .

  Cuộc họp kết thúc , các nhân viên phi hành được cấp phát cho mỗi người một bộ kính thợ hàn để che mắt khi trái bom phát nổ . Sau đó là một buổi cầu nguyện do cha tuyên úy William Downey đích thân làm lễ . 

  Lúc 1 giờ 37 sáng , ba chiếc phi cơ thăm dò khí tượng đã cất cánh . Nhóm phóng viên báo chí và những sĩ quan có nhiệm vụ cũng như các nhân viên phi trường đều có mặt chung quanh chiếc pháo đài bay Enola Gay . Phó nháy tha hồ chụp ảnh , đèn máy ảnh chớp tắt lóe lên lia lịa .

  Enola và hai chiếc hộ tống từ từ di chuyển ra phi đạo chuẩn bị cất cánh . Từ trên đài kiểm soát của sân bay North Field , William Laurence , chủ bút tờ báo New York Times và vài nhân viên báo chí đang ghi ghi chép chép . Bên cạnh họ , tướng Farrells đứng yên lặng nhìn chòng chọc ra phía ngoài , nơi chiếc Enola đang rầm rú động cơ chuẩn bị cất cánh . Toàn thân chiếc pháo đài bay khổng lồ bổng rung chuyển , nó lăn dài trên phi đạo rồi từ tốc độ zero , đại tá Tibbets gia tăng tốc độ lên 180 dặm một giờ . Trọng tãi của một khối sắt khổng lồ có mang thêm quả bom nguyên tử đi vào một phi vụ lịch sử nên nó đã trở thành mục tiêu chính cho biết cặp mắt dán chặc vào . Ai cũng tỏ vẻ lo âu thầm trong bụng , mới đêm hôm qua có đến 4 pháo đài bay bị tai nạn khi cất cánh ngay phi đạo này . Những con mắt đều đổ dồn về Enola Gay như để giúp thêm một chút sức mạnh vô hình nào đó cùng phụ trợ với động cơ nhấc bổng nó lên không một cách an toàn . Và cuối cùng rồi thì ai nấy cũng thở phào nhẹ nhõm , khối sắt khổng lồ đã lao vào không trung biến dạng trong màn đêm đen tịch mịch . Bấy giờ là 2:45 sáng ngày 06 tháng 08 , một ngày đáng ghi nhớ của dòng lịch sử thế giới . 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế