LeMay và những phi vụ đường dài

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chẳng những không chỉ ở lục địa Trung hoa , kế hoạch B-29 không đạt kết quả như mong muốn , ở quần đảo vừa chiếm được là Marianas cũng chẳng có hơn gì mặc dù họ đã cố gắng hết sức để vượt qua vô số khó khăn trở ngại . Một trở ngại thiên nhiên lớn nhất mà họ không biết làm cách nào để vượt qua được là những cơn mưa nhiệt đới như trút nước cứ tầm tả suốt tháng ngày ở đây . Mưa day dứt khiến cho đường xá trên đảo Saipan ngập tràn lầy lội , kỹ sư Hoa kỳ dù làm việc cật lực họ cũng không thể nào hoàn thành một phi đạo đầu tiên dài 8,500 bộ ở phi trường Isley đúng theo thời hạn quy định là ngày 12 tháng 10 năm 1944 , ngày của phi đoàn B-29 tiên phong do thiếu tướng phi công Heywood Hansell chỉ huy sẽ hạ cánh .

  Vài ngày sau , thiếu tướng Emmett O’Donnell - một cựu phi công pháo đài bay B-17 từng tham dự nhiều trận oanh tạc ở Phi luật tân trong những ngày đầu khi chiến tranh vừa mới mở màn – có mặt ở căn cứ Saipan , chỉ huy một không đoàn pháo đài bay tân lập mang số 73 . Ông bắt tay ngay vào công việc tổ chức và huấn luyện phi công . Sau khi thực hiện vài phi vụ thử lửa ở đảo Truk và Iwo Jina , phi công của O’Dennell đã sẳn sàng để lao vào mục tiêu chính của họ là thủ đô Đông kinh .

  Kế hoạch oanh tạc Đông kinh không cần phải bảo mật , sáng sớm ngày 17 tháng 11 , hàng trăm phóng viên chiến trường , nhà báo và nhiếp ảnh cùng tề tựu đông đảo tại phi trường Isley . Thiếu tướng O’Donnell cũng sẳn sàng trong bộ đồ bay gọn ghẻ và đang leo lên trên chiếc B-29 tiên phong của ông ta cùng với hàng chục chiếc khác cũng đang rầm rú động cơ chờ giờ cất cánh .

  Nhưng phi vụ đặc biệt này sau đó bị hoãn lại cho đến mấy hôm sau vì thời tiết quá xấu . Mưa dai dẳng , mưa như trút nước ngày đêm không dứt cho mãi đến sáng ngày 24 tháng 11 bầu trời mới trở lại quang đảng . Trên một phi đạo vừa mới hoàn tất màng sương đêm còn đọng đầy trên lớp nhựa bóng loáng , các phóng viên chiến trường náo nức chạy tới chạy lui lo chuẩn bị cho những bản tin nóng hổi hứa hẹn sẽ gây nhiều chú ý và thích thú cho độc giả ở quê nhà . Mười sáu chiếc B-29 của phi đội tiên phong đã nằm sẳn trên phi đạo đang rầm rú động cơ chờ cất cánh . Tướng O’Donnell cũng đang có mặt nơi phòng lái của một trong 16 chiếc B-29 tiền đội . Lệnh cất cánh vừa ban xuống thì những con chim sắt đang sắp thành hàng bỗng chuyển mình , vươn đôi cánh khổng lồ trĩu nặng từ từ lăn bánh theo tiếng rầm rú của động cơ càng lúc càng lớn dần . Những thân hình đồ sộ màu bạc từ từ cất cánh lao vào không gian . Chúng đảo một vòng phi trường như gửi lời chào từ biệt rồi nhắm hướng thủ đô Đông kinh phóng tới . Theo sau 16 chiếc B-29 tiền đội là một đội hình gồm 110 chiếc pháo đài bay B-29 khác , cứ nhắm mục tiêu là tổng hành dinh nơi chính quốc của địch mà tiến .

  Một trục trặc bất ngờ do kỹ thuật xảy ra , 17 chiếc B-29 đã cất cánh phải bắt buộc rời đội hình quay trở lại căn cứ trong khi những chiếc khác cứ thẳng mục tiêu mà phóng tới . Mục tiêu chính của lần oanh kích này là cơ xưởng sản xuất phi cơ Nakajima ở thành phố Musasjono , một địa điểm chỉ cách hoàng cung 10 dặm về phía tây bắc . Khi tới được mục tiêu đã định , 109 chiếc B-29 giảm dần vận tốc và bắt đầu trút bom . Bom oanh tạc ở một cao độ từ 27 đến 32 ngàn bộ đem lại kết quả không mong muốn là hầu hết  bom đều rơi xuống bến cảng và những khu dân cư đông đúc , chỉ có 48 quả  đánh trúng đích nhưng đã có đến 3 quả bị lép . Mục tiêu chính chỉ bị thiệt hại rất nhẹ nhưng Nhật lại nhanh nhẹn phản công ngay . Hơn một trăm chiến đấu cơ cất cánh lao vào đội hình của các pháo đài bay mà tấn công ráo riết . Kết quả một B-29 bị rơi , nguyên nhân do sự dũng cảm của một phi công chiến đấu cơ Zero , anh phi công Nhật bản khéo léo điều khiển chiếc phi cơ của mình lao thẳng vào hông của chiếc B-29 khiến cho hai chiếc phi cơ nổ tung ngay trên trời cao khi những tiếng bom phía dưới cũng đang lơi dần rồi ngưng hẳn để lại một màu tang ngút trời cho hàng trăm thường dân vô tội .

  Ba ngày sau , không đoàn 73 lại cho tung lên một phi vụ tiếp theo . Lần này mục tiêu cũng là xưởng sản xuất phi cơ của Nhật , nhưng hôm ấy bầu trời Đông kinh âm u mây mù che phủ mục tiêu nên phi đoàn 62 chiếc B-29 chuyển sang mục tiêu phụ nhưng cũng chẳng gây được một tổn thất lớn lao nào cho địch .

  Sau hai lần oanh tạc tuy không thành công nhưng những tiếng bom chấn động trời đất ấy cũng khiến cho tổng hành dinh Thiên Hoàng và con dân thủ đô Nhật bản rúng động không ít . Với chính phủ Nhật thì họ nghĩ những cơ xưởng sản xuất phục vụ cho chiến tranh ấy chẳng phải lúc nào cũng được mây đen che khuất bảo vệ và đối với họ , việc phòng vệ hoặc chống trả với loại pháo đài bay B-29 này thật là một việc bất khả , làm thế nào để ngăn cản những cuộc oanh tạc tiếp nối đây ? Ngành sản xuất phục vụ chiến tranh của họ đã bị suy giảm trầm trọng bởi những chuyến hàng vận chuyển nguyên liệu về chính quốc bị Hoa kỳ tấn công không ngừng nghỉ bằng phi cơ và cả tiềm thủy đỉnh mà họ còn chưa nghĩ ra được một cách hữu hiệu để đối phó , bây giờ thêm cái nạn thủ đô bị không tập thường xuyên . Tình hình đen tối lại càng tối đen hơn . Dầu cặn thì chỉ còn lại quá ít ỏi , than đá và kim loại khai thác từ quặng mỏ thì không đủ cung cấp cho các nhà máy thép , gây ra nạn thiếu thốn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất súng đạn và phi cơ . Kinh tế quốc nội không thể nào tồn tại được nếu Hoa kỳ cứ tiếp tục những cuộc oanh kích thình lình như thế này mãi . Nhất định bằng mọi giá phải tìm cho ra một kế sách hữu hiệu nhằm giải quyết những bế tắt hiện tại nếu không muốn đế chế Nhật bản xụp đổ hoàn toàn .

  Kế hoạch đầu tiên mà cho tới thời điểm này tổng hành dinh Thiên Hoàng mới chịu ngồi xuống với nhau để bàn bạc là gấp rút tìm ra một cách hữu hiệu để bảo vệ an toàn những chuyến chuyển vận nguyên liệu khai thác từ những quốc gia vùng nam Thái bình dương về đến chính quốc . Đó là nguồn hy vọng duy nhất có tính chất sống còn cho quốc gia cần phải được bảo vệ đúng mức . Hạm đội liên hợp ra lệnh điều chiếc thiết giáp hạm mang tên Shinano , một thiết giáp hạm đồng hạng với hai chiếc đại thiết giáp hạm Yamato và Musashi , quay về vịnh Đông kinh để bảo vệ an toàn trong vùng biển Nội hải . Chiếc thiết giáp hạm Shinano 68 ngàn tấn hiện tại đã được cải biến thành một chiếc hàng không mẫu hạm lớn nhất thế giới với có hơn ngàn thủy thủ cùng nhân viên bảo trì , đa số trong họ đều là những thủy thủ mới ra trường nên chưa hề lâm trận nên chẳng có chút gì về kinh nghiệm trận mạc . Chiều ngày 28 tháng 11 , chiếc mẫu hạm đồ sộ quay mũi về vùng biển Nội hải với ba chiếc khu trục hạm hộ tống .

  Trong ánh nắng vàng của buổi hoàng hôn còn rơi rớt lại trên một vùng biển vắng lặng , hình dáng đồ sộ uy nghi của chiếc thiết giáp hạm Shinano sừng sững như một hòn đảo nhỏ . Vâng , đó là một cái nhà chứa máy bay nổi , một pháo đài chiến đấu bọc thép di động khổng lồ , một công trình kiến trúc phục vụ chiến tranh được hải quân Nhật hết lời ca ngợi và hãnh diện . Con thủy quái Shinano được bao bọc chung quanh bởi lớp sắt dày đến 8 inch , lại một lớp sắt dày khác bao chung quanh con tàu phía dưới mặt nước hầu ngăn chận bớt sức nổ của thủy lôi nếu bị đánh trúng . Bên trong công trình đồ sộ này còn có nhiều hệ thống thoát hơi tân kỳ hơn để ngăn chận kịp thời nếu hạm bị trúng bom gây hỏa hoạn . Nhìn chung , chiếc đại thiết giáp hạm hoặc đệ nhất hàng không mẫu hạm Shinano có một cấu trúc đặc biệt cũng giống như chiếc mẫu hạm Taiho đã từng mệnh danh là mẫu hạm không bao giờ chìm . Đã thế , ngoài hỏa lực kinh khủng của những cây đại pháo ra nó còn là một giàn phòng không nổi rất đáng sợ , với 16 khẩu phòng không nòng 5 inch , 140 khẩu phòng không 24 ly và nhiều loại súng phòng hạng nhỏ , thậm chí còn có cả 12 giàn phóng rocket phụ nữa .

  Trên vùng biển phía nam chỉ cách Đông kinh 100 dặm , chiếc tiềm thủy đỉnh Hoa kỳ mang tên Archerfish đang bí mật theo dõi  một mục tiêu đang di động trong tầm hoạt động của nó , đó là chiếc đại hàng không mẫu hạm Shinano . Nhiệm vụ chính của chiếc tiềm thủy đỉnh ở đây chẳng phải để tấn công vào Shinano , họ tiến sâu vào lãnh hải Nhật để nằm sẳn ở đó phòng khi những phi đội B-29 oanh tạc Đông kinh gặp trắc thì nổi lên cứu lấy những phi công . Hôm ấy , nhằm ngày không có những phi vụ oanh tạc nên chiếc tiềm thủy đỉnh tạm thời rút lui ra khỏi vùng hoạt động của mình . Khi vừa ra khỏi vịnh Đông kinh , lúc ấy vào khoảng 8:48 chiều , rada phát giác ra sự hiện diện của chiếc hàng không mẫu hạm địch . Thuyền trưởng Joseph F Enright ra lệnh cho chiếc tiềm thủy đỉnh nổi lên , ông dán sát đôi mắt vào chiếc ống dòm , mặt đại dương vàng vọt dưới ánh trăng trãi rộng , cách đó khoảng 9 dặm , chiếc Shinano hình dung cổ quái hiện ra như một hòn đảo nhỏ trước mắt ông . Vị thuyền trưởng không suy nghĩ gì cả , ra lệnh cho thủy thủ cứ để chiếc tiềm thủy đỉnh nổi bồng bềnh trên mặt biển cứ nhắm mục tiêu mà tiến tới để tấn công . Ông cũng vừa phát giác ra thêm ba chiếc khu trục hạm hộ tống đang di chuyển phía sau chiếc mẫu hạm địch , nhưng ông không định tấn công chúng làm gì , chiếc mẫu hạm to đùng kia mới là cái mục tiêu béo bở nhất để đánh chìm . Thế là ông ra lệnh cho chiếc tiềm thủy đỉnh gia tăng tốc độ cố vượt lên để bắt kịp mục tiêu trước khi trời sáng .

  Cho đến 3:17 chiếc tiềm thủy đỉnh mới tiến tới gần mục tiêu , khi vừa tầm Enright ra lệnh phóng ra 6 trái thủy lôi đánh thẳng vào mạn sườn chiếc mẫu hạm Shinano . Khi sáu trái thủy lôi vừa phóng ra khỏi tàu thì ông cho chiếc tiềm thủy đỉnh lặn xuống để tránh đạn của 3 chiếc khu trục hạm hộ tống , vì họ hình như đã phát giác ra sự có mặt của một chiếc tàu lạ ngay sát phía sau đội hình của mình .

  Như đã có đề cập từ đầu , thủy thủy hiện diện trên chiếc Shinano đa số đều là những anh lính mới tò te không kinh nghiệm cả chiến đấu lẫn trường hợp cứu cấp . Sáu trái thủy lôi từ tiềm thủy đỉnh Hoa kỳ phóng ra , hai trái đi trượt mục tiêu nhưng bốn trái còn lại đánh trúng vào mạn tàu . Vị sĩ quan hạm trưởng Toshio Abe biết chiếc hạm của mình vừa bị trúng thủy lôi nhưng vì quá tự tin cho sức chịu đựng của chiếc đại thiết giáp hạm nên chẳng cần phát còi báo động đến cho toàn thủy thủ . Vì quá lạc quan nên Abe cứ nghĩ rằng sự bền bỉ và sức chịu đựng của chiếc Shinano cũng giống như chiếc Musashi , chiếc Musashi lúc trước lãnh đến 19 trái thủy lôi và vô số bom đánh trúng nên nó mới chịu khuất phục số mạng còn chiếc Shinano chỉ với có 4 trái thủy lôi thì cần gì phải báo động . Ông ra lệnh cứ thẳng hướng mục tiêu đã định mà tiến tới .

  Sự thật tệ hại mà vị hạm trưởng quá lạc quan đâu có ngờ là bốn trái thủy lôi của chiếc tiềm thủy đỉnh đánh trúng ấy đã gây ra một tai hại khủng khiếp . Biết rằng chiếc thiết giáp hạm Musashi bị trúng bom và thủy lôi đầy mình mà còn sống sót được thêm một thời gian dài là nhờ nhóm thủy thủ đầy kinh nghiệm biết cách chế ngự những vết thương kịp thời . Đàng này Abe vẫn coi như không có chuyện gì cứ cho giữ yên một vận tốc lúc ban đầu . Tệ hơn nữa , nhất là nhóm bảo trì thì không có một tí gì kinh nghiệm nên khi bị trúng thủy lôi , chiếc hạm lại di chuyển trên vùng biển động mạnh , nước biển tràn vào như suối khiến họ bấn xúc xích lên la lối vang trời nhưng chẳng có ai biết cách nào để ngăn chận lại . Đến lúc bình minh thì dù người chẳng có tí kinh nghiệm nào cũng có thể đoán ra được số phận của chiếc đệ nhất hàng không mẫu hạm Shinano này , nó nghiêng về một bên . Đến lúc này thì Abe mới hoãng kinh ra lệnh cho giảm vận tốc nhưng đã quá trễ . Lúc 10:18 , ngày 29 tháng 11 hạm trưởng Abe ra lệnh bỏ tàu . Nửa tiếng đồng hồ sau , chiếc Shinano tức tưởi chìm dần vào lòng biển ngay trên quê hương của mình khi chưa có được một chiếc phi cơ kịp cất cánh và hơn 500 thủy thủ còn sót lại chưa kịp di tản .

  Sau cái chết đau đớn nhưng thầm lặng của đại hàng không mẫu hạm Shinano, chính phủ Nhật chưa hết xót xa thì tuần lễ kế tiếp họ phải đương đầu với một nỗi kinh hoàng khác . Lần báo ứng này do chính thiên nhiên gây ra . Đó là trận động đất khủng khiếp ở vùng Nagoya trên hòn đảo Honshu . Hậu quả của trận động đất dữ dội này gây vô số thiệt hại : một tuyến đường sắt khá dài bị phá hủy hoàn toàn , nhiều nhà máy sản xuất đạn dược vũ khí bị hư hại nặng . Ngay trong lúc tang gia bối rối này , Hoa kỳ cho tăng cường thêm nhiều phi vụ oanh tạc . Chỉ nội trong tháng 12 thôi đã có thêm 3 đợt oanh tạc cất cánh từ Saipan tấn công vào nhà máy sản xuất phi cơ ở Nagoya . Những lần này sự thiệt hại lên đến mức báo động đến nổi Nhật phải lo chuẩn bị dời toàn bộ máy móc của cơ xưởng xuống những cái hầm khổng lồ để trốn bom .

                                   ……………………………..

   Ngày 09 tháng 01 năm 1945 , cũng cùng một ngày phi đoàn pháo đài bay B-29 từ căn cứ Saipan trở lại thăm viếng Đông kinh lần thứ sáu . Ở Phi luật tân , tướng Krueger cùng lộ quân thứ 6 của ông cũng đang có mặt tại bờ biển Luzon . Điểm đổ quân được chọn là vịnh Lingayen , đúng ngay vị trí mà 3 năm về trước , lúc chiến tranh vừa mở màn tướng Homma cũng đã chọn để cho quân Nhật đổ bộ .

  Khi cuộc đổ bộ bắt đầu , ngoài sự tiên đoán của các giới chức cao cấp Hoa kỳ , chẳng có cuộc đụng độ nào đáng kể . Nghĩa là quân Nhật không phòng bị gì cả . Nguyên nhân cũng vì tướng Yamashita khá lạc quan , ông nghĩ Hoa kỳ chưa có thể đưa quân bắc tiến vào lúc này được nên chẳng phòng bị gì cả . Ngược lại phía Hoa kỳ , cuộc độ bộ không gặp một trở ngại nào càng khiến cho họ đâm ra ngờ vực , tỏ ra thận trọng hơn vì nghĩ rằng Nhật đang giăng một cái bẫy để cho họ lọt vào tròng . Nhưng đến ngày 10 tháng 01 , cánh tiền quân của họ đã tiến sâu vào vùng trung đảo gần 8 dặm vẫn chưa chạm địch , đều này chứng minh được sự ngờ vực của họ không đúng hẳn . Chỉ trong vòng một tuần lễ , quân đoàn 14 nơi cánh phải đã vượt qua một đoạn đường khá dài gần 30 dặm với một tổn thất rất nhẹ là 30 binh sĩ thiệt mạng ; phía cánh trái , quân đoàn 1 cũng tiến cùng một trục song song với 220 binh sĩ tử trận .

  Cuối cùng rồi trong đêm ấy , 17 tháng 01 , tướng Yamashita mới chịu tung quân phản công . Một sư đoàn được nhận nhiệm vụ cầm chân địch để cho ông có đủ thì giờ triệt thoái quân lương từ vùng trung đảo lên tận miền bắc Luzon . Theo kế hoạch của Yamashita thì ông sẽ bỏ vùng nam và trung đảo vùng vịnh Manila để mang lực lượng nồng cốt của mình về lập phòng tuyến mới ở vùng núi non hiểm trở nơi phía bắc hải đảo . Ở một nơi mà Yamashita tin tưởng vào địa hình phứt tạp của núi cao rừng rậm rất tiện lợi cho tổ chức quân đội theo lối du kích chiến nhằm tiêu hao lực lượng địch .

  Tình hình càng ngày càng căng thẳng , Đông kinh vội lên tiếng trấn an với dân chúng Nhật bản rằng kẻ thù Hoa kỳ đã bị quân đội Thiên Hoàng dụ vào cái bẫy Luzon để tiêu diệt . Tuy bên ngoài công chúng thì tuyên bố có vẻ hùng hồn và quyết liệt lắm nhưng cái sự thật quá phủ phàng thì vẫn là mối lo nhức nhối hàng đầu không thể nào không nhớ tới được . Tuy lo phải lo nhưng họ vẫn quyết định cho giải giao tất cả tù binh chiến tranh Hoa kỳ còn kẹt lại Phi luật tân về lại chính quốc . Số tù binh còn sống sót sau chuyến hải hành kinh hoàng , họ bị tống trở lại nhà giam và bây giờ được lệnh dồn hết vào hai chiếc tàu để lên đường về Nhật . Trong số ấy có đại tá McCollum và Bodine . Nhóm tù binh kém may mắn này được chuyển tới vịnh Lingayen hôm 25 tháng 12 . Họ chia ra làm hai nhóm , một ngàn tù dồn vào một chiếc tàu lớn mang tên Enoura-maru , số còn lại gồm 236 người thì tống hết vào một chiếc tàu nhỏ mang tên Brazil-maru . Sau khi nhốt hết đám tù binh vào hai chiếc tàu nhưng không hiểu vì lý do gì mà họ vẫn chưa vội lên đường , vẫn còn bỏ neo nằm lại ở vịnh Lingayen . Đây là thời gian tối tăm nhất cho hơn ngàn tù binh Mỹ , cũng như lần trước , lần này họ bị dồn như nêm trong hầm tàu quá chật chội , ngột ngạt khiến cho ai nấy gần như hóa điên . Trong khi thức ăn thì thiếu thốn và nước uống không được cấp phát đầy đủ . Chỉ mới chịu vài ngày như thế đã có đến gần 20 người bỏ mạng . Một tuần sau thì có lệnh ban xuống , tất cả tù binh trong chiếc tàu nhỏ phải dồn hết qua con tàu lớn . Thế là hầm tàu vốn đã quá chật chội lại phải chứa thêm hơn hai trăm người nữa . Cứ thử tưởng tượng cái cảnh địa ngục trần gian này nó hãi hùng ra sao , đến nổi cứ mỗi ngày có đến 10 tù binh vong mạng vì tù túng ngột ngạt ,vì đói khát và bệnh tật .

  Ngày 09 tháng 01 , đại quân của tướng Krueger tiến tới vùng biển vịnh Lingayen . Những tù binh đang ngất ngư nửa mê nửa tỉnh bỗng choàng dậy lắng tai nghe ngóng , thoạt đầu tiếng bom pháo còn xa văng vẳng và càng lúc càng gần . Lại có tiếng oanh tạc cơ gào thét ngay trên đầu , rồi nhiều tiếng bom nổ như chấn động trời đất tiếp theo . Một ánh lóe chói lòa kèm theo một tiếng nổ kinh hồn ngay bên vách tàu . Đại tá Bodine kém may mắn đang có mặt ngay chỗ bị trái bom đánh trúng , tay ông bị miễng bom phang trúng và chung quanh ông có gần đến 20 tù nhân chết liền tại chỗ . Rồi nhiều và nhiều tiếng bom nổ khác tiếp tục , Bodine ù tai nằm bất động . Ông không còn nghe thấy gì nữa cả .

  Đến khi tiếng pháo và bom lơi dần rồi dứt hẳn thì người ta mới kiểm điểm lại số phận của những tù binh bị nhốt trong hầm tàu kín mít đang bị cháy âm ỉ vì trúng bom . Có đến gần 300 tù binh chết tại chỗ và vô số bị thương . Nhưng những kẻ vô phúc bị thương trong hoàn cảnh này thì dù nhẹ cũng trở thành nặng và sẽ chết trong tột cùng đau đớn vì lính Nhật thật lạnh lùng đến tàn nhẫn , họ không thèm để tâm đến những đồng loại đang thảm thiết kêu la họ dù là một cái liếc thương hại .

  Cho đến hai ngày sau đó thì tù binh mới nhận được sự chăm sóc qua loa của các y tá người Nhật . Nhưng chỉ với những người bị thương sơ sài , nếu bị thương nặng hoặc hấp hối thì họ từ chối thẳng thừng , cứ để mặc cho kẻ ấy chết là yên chuyện . Sang đến ngày thứ 3 thì lính Nhật đến kiểm soát và kéo ra khỏi căn hầm khoảng 500 xác chết mới có mà cũ đã bị trương sình lên cũng có . Họ mang vào dập sơ sài nơi bãi biển và ra lệnh cho chiếc tàu với một nửa tù binh còn sống sót lập tức ra khơi thẳng về chính quốc . Đám tù binh còn sống sót sau biết bao nhiêu trần ai khổ ải , đã thoát được nạn bom đạn giờ lại phải đối đầu với cái khắc nghiệt của thời tiết . Biển động như không bao giờ chấm dứt , càng tiến về phía bắc thì thời tiết càng thay đổi . Trời lạnh căm căm trong khi bọn tù binh khốn khổ thì thiếu cả cái ăn cái mặc , áo quần chẳng đủ che thân thì lấy gì đỡ lạnh . Chỉ có ở đây , ở một thế giới biệt lập của những kẻ mang nặng đầu óc cực đoan hiếu sát , những bàn tay sắt máu đầy lòng căm thù thì chúng ta hẳn biết số phận của những người lính sa cơ thất thế này sẽ bị đối xử tàn bạo như thế nào rồi . Tưởng cũng chẳng cần phải dài dòng kể lể thêm về chuyến hải hành bi thảm ấy nữa .

  Lúc khởi hành tại Phi luật tân , tổng cộng số tù binh là 1,619 người nhưng khi đến được đất Nhật , số tù binh chỉ còn lại 450 người , trong số ấy đã có đến gần trăm người hấp hối sắp chết . Ngày 29 tháng 01 chiếc Oryoku-maru cập bến Mojo thuộc đảo Kyushu , 450 tù binh chỉ còn lại là những bộ xương biết đi , họ dìu dắt nhau lên bờ . Ở đây , họ được phát cơm và nước uống rồi tống vào một cái nhà kho khổng lồ . Những người lính sa cơ với thân phận tù binh còn sống sót sau những ngày đêm kinh hoàng trên biển cả giờ lơ láo nhìn nhau với một câu hỏi chung : Rồi mai này chuyện gì sẽ xảy đến cho chúng ta ???

                                          ………………………………………….

  Rồi mai này chuyện gì sẽ xảy ra ? Cũng cùng một câu hỏi ấy nhưng nó lại được nêu lên ở một nơi cách xa những người tù khốn khổ ấy gần 20 ngàn cây số , ở hội nghị Yalta tại một khu nghỉ mát trên bờ biển vùng bán đảo Crimea , nơi cuộc họp thượng đỉnh của ba đại cường đang khai diễn . Ba anh cả của thế giới đang thảo ra một kế hoạch cho tương lai , một kế hoạch đối phó cho cả hai chiến trường châu Âu và vùng Viễn đông .

  Ngày 23 tháng 01 , trước khi rời Hoa thịnh đốn để lên đường phó hội , tham mưu hội đồng liên quân có rỉ tai với tổng thống Roosevelt rằng mối quan tâm hàng đầu của Hoa kỳ là bằng mọi cách cố thuyết phục cho được Liên xô để họ tham gia vào cuộc chiến chống phát xít Nhật ở Á châu . Đây là ý kiến của tướng Marshall cũng như Mac Athur . Với một lực lượng khổng lồ của 700 ngàn binh sĩ ưu tú thuộc đội quân Quang đông đang trấn giữ mặt bắc Trung hoa , nơi lục địa Mãn châu , hai ông tướng lục quân e ngại nếu không có sự trợ giúp của Liên xô thì nếu muốn tiêu diệt được đội quân này , Hoa kỳ sẽ phải trả bằng một cái giá thêm hàng trăm ngàn sinh mạng của binh sĩ nữa . Ưu tư về một lực lượng quá mạnh của địch ở mạn bắc khiến cho hai ông tướng tỏ ra quan tâm đặc biệt đến hội nghị Yalta lần này mặc dù trước đó , vị thuyền trưởng Ellis Zacharias , một sĩ quan tình báo hải quân Hoa kỳ cùng nhóm tham mưu của ông đã có trình lên tướng Marshall rằng , theo sự nhận xét của họ thì con số 700 ngàn quân thuộc đội quân Quang đông ấy chỉ dựa trên sự phỏng đoán mù mờ qua các tài liệu chận bắt được . Hơn thế nữa , một số đơn vị của đội quân này đã bị xóa sổ khi thuyên chuyển đến trận chiến vịnh Leyte . Về phía Anh quốc thì họ lại nghĩ khác . Bộ trưởng ngoại giao Anthony Eden gửi về thủ tướng Churchill một lời cảnh cáo , rằng hãy thận trọng hơn vì đây sẽ gặp nhiều rắc rối về vấn đề chính trị . Rằng nếu Liên xô mang quân vào Mãn châu tất nhiên là họ đã có dụng ý riêng của họ chớ chẳng tốt lành gì mà mang của mang người ra để giúp đỡ khơi khơi cho chúng ta . Rồi đây chúng ta sẽ gặp rắc rối khi Liên xô đòi lại chủ quyền của vùng Sakhalin , thuộc chiếm hữu của họ trước khi bị lọt vào tay Nhật bản vào năm 1905 . Nhưng cái rắc rối to lớn nhất là những khó khăn mới sẽ nảy sinh ra từ vùng Mãn châu và bán đảo Triều tiên một khi quân đội họ chiếm trọn vùng lục địa mênh mông này . Chúng ta thật sự thì chưa biết được mưu tính của họ , nhưng dựa vào những thỏa thuận ở hội nghị Cario , về việc phân chia trách nhiệm của chúng ta . Tại Trung hoa , tất nhiên phải tìm cho được một cách giải quyết công bình nào đó để gọi là phù hợp với những chiến phí mà chúng ta đã đổ vào đó . Thật không đơn giản với một chiến trường mênh mông , người nắm vận mệnh Trung hoa với tình trạng xích mích liên miên về vấn đề viện trợ , mà Hoa kỳ đã đổ vào , và dĩ nhiên cũng có phần của quốc gia chúng ta cho đến bây giờ vẫn còn là một nan đề chưa giải quyết xong . Bây giờ , nếu Liên xô nhúng tay vào nữa thì cái lò xung đột đang cháy âm ỉ bỗng chốc sẽ bùng phát lên , đến lúc ấy dù muốn dập tắt cũng không còn kịp nữa . Cách tốt nhất để tránh cái họa lò lửa quốc tế cháy bùng , chúng ta phải có biện pháp đề phòng và cách đề phòng hữu hiệu nhất là tìm cách ngăn chận không để Stalin nhúng tay vào chiến trường Viễn đông . 

  Cuộc họp khai mạc ngày 04 tháng 02 , vấn đề châu Âu lại một lần nữa được mang ra bàn bạc trước nhất . Tổng thống Hoa kỳ cũng như mọi lần , đều là người trung gian đứng ra dàn xếp những mối bất đồng giữa Stalin và Churchill . Thủ tướng Anh quốc dường như cảm thấy bực bội cái vai trò trọng tài tự chỉ định của tổng thống Hoa kỳ . Rồi bàn cãi vẫn bàn cãi giữa ba anh cả của thế giới từ vấn đề châu Âu sang tận Thái bình dương . Để kết quả là sau những ngày dài bàn bạc và tranh cãi , Stalin với một lời hứa bằng giấy trắng mực đen là Liên xô sẽ nhảy vào cuộc chiến Thái bình dương sau hai hoặc ba tháng khi Đức bị đánh bại . 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế