Chiến trường Trung Hoa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

 Trở lại chiến trường dai dẳng ở lục địa Trung hoa , một đất nước đang chìm ngập trong xáo trộn như không bao giờ chấm dứt . Chiến tranh vẫn tiếp tục triền miên do nhiều phía từ nội chiến đến quân xâm lăng . Hoa cộng trong thời gian này đã củng cố thực lực và trở nên một đội quân đáng gờm nhất ở lục địa mặc dù phía Tưởng vẫn còn làm chủ một lãnh thổ mênh mông . Riêng Nhật bản thì dù chiếm được một vùng rộng lớn miền đông Trung hoa nhưng trên thực tế , chiến trường ở một quốc gia đầy bí ẩn này đối với họ thật khó mà đi đến bước cuối của một cuộc chiến dai dẳng với vô số thiệt hại . Mặc dù quân của họ chiếm hết thành phố quan trọng này đến thành phố quan trọng khác của Trung hoa nhưng đấy chỉ là công cốc mà thôi . Chính phủ bù nhìn thân Nhật của họ là Uông Tinh Vệ không thể xây dựng một chính quyền chắc chắn sau khi quân đội rút đi . Vì thế dù quân Nhật mạnh bạo thế tiến như vũ bảo , đất chiếm được vô số nhưng rốt cục chẳng giữ được bao nhiêu vì không có chính quyền tại chỗ để trụ lại trong khi quân cộng của Mao thì tà tà tiến phía sau , chỗ nào Nhật chiếm được của Tưởng vừa bình định xong trút đi thì quân của Hoa cộng hoặc các sứ quân khác nhào vô thừa hưởng phần đất ấy ngay . Như thế , Nhật và Tưởng đánh nhau thật lực chỉ có Mao và các chúa tể khác thì an nhàn hưởng lợi .

  Trung hoa thời ấy là như thế , nội bộ của họ chia rẽ trầm trọng và ngay cả những cánh quân ngoại quốc hiện đang có mặt ở đó cũng không ngoại lệ , điển hình là Nhật bản và Hoa kỳ . Trong lúc ấy , tướng Joseph W.Stilwell , chỉ huy trưởng lực lượng Hoa kỳ ở lục địa Trung Hoa đang có mối bất đồng với Chennault , chỉ huy trưởng một căn cứ không quân ở Trung Hoa (khi bà Tống Mỹ Linh lên làm tư lệnh không quân Trung Hoa thì bà mướn cựu phi công Hoa kỳ Roy Holbrook làm cố vấn . Mỹ Linh hỏi Roy rằng ai có thể giúp không lực Quốc dân đảng thì Roy tiến cử Claire Lee Chennault , một phi công lừng lẫy của Hoa kỳ . Năm 1937 Chennault tới Trung Hoa , phục vụ dưới quyền của Tống Mỹ Linh trong một thời gian rất dài . Ở đây ông được mọi người biết đến qua biệt danh là ông tướng cọp bay) . Chennault lúc bấy giờ là chỉ huy trưởng một phi đoàn mệnh danh là Phi hổ vì thế nên mới có biệt danh là cọp bay như trên .

  Mối bất hòa nãy sinh giữa hai vị chỉ huy Hoa kỳ do những cuộc cải vã như không bao giờ chấm dứt , và nguyên nhân của mối bất đồng phần lớn cũng vì chính sách của Hoa kỳ đối với Tưởng . Tướng Stilwell phàn nàn thẳng với Hoa thịnh đốn rằng những viện trợ gửi đến từ Hoa kỳ phần nhiều chỉ với mục đích làm giàu cho những tai to mặt bự của Quốc dân đảng , trong khi chỉ một số rất ít được mang ra chiến trường để chống lại Nhật bản . Tệ hơn nữa là Tưởng Giới Thạch cứ nhất quyết dùng tất cả vũ lực sẳn có của mình với một mục đích duy nhất là chống cộng , một mục tiêu mà Hoa kỳ không mấy quan tâm .

  Đây là một vấn đề quan trọng . Sau cuộc hội nghị ở Cairo lần thứ hai , Tưởng nghĩ rằng vấn đề sinh tử hàng đầu là chống cộng của mình đã bị người anh đồng minh số một là tổng thống Hoa kỳ Roosevelt phản bội bởi do ảnh hưởng mạnh mẽ đến từ thủ tướng Churchill , quân đội Trung hoa quốc gia bây giờ không khác gì một quân đội được người ta trả lương để dốc sức đánh với Nhật bản . Bởi thế Tưởng Giới Thạch càng tỏ ra bất mãn hơn với người đồng minh lớn mà ông ta đang dựa vào . Ở một vài khu vực đóng quân , sự đụng chạm giữa Nhật bản và binh sĩ của Quốc dân đảng đã nói lên điều này . Điển hình là một căn cứ không quân tại Hupeh , một sĩ quan Quốc dân đảng từ chối không chịu ra lệnh bắn vào một phi đội của Nhật khi họ bay vào không phận thuộc quyền kiểm soát của ông , với một lý do thật buồn cười mà ông nêu lên để bào chửa cho hành động của mình là “Quân Nhật sẽ nổi giận nếu tôi làm thế . Họ sẽ trả thù bằng cách quay lại đánh bom gây thiệt hại cho cả thành phố của chúng tôi” . Một sĩ quan khác của Tưởng lại phát biểu thẳng thừng như sau “Tại sao chúng tôi lại phải gây hấn với Nhật bản chớ , sớm muộn gì thì họ cũng bị đại bại dưới tay của Hoa kỳ mà thôi . Cách tốt nhất là mặc kệ họ , và càng làm thân với họ thì càng tốt cho chúng tôi chớ sao” .

  Mặc dù sự phẫn nộ của Stilwell được chứng minh là đúng , ông chỉ muốn Tưởng thi hành đúng theo thỏa ước thuê mượn vũ khí để kềm chân một đoàn quân lên đến cả triệu của Nhật bản , một đoàn quân mà ông biết sớm muộn gì họ sẽ quay sang kình chống lại cánh quân bắc tiến của Mac Arthur và đô đốc Nimitz . Sự phẫn nộ của Stilwell càng làm cho Tưởng Giới Thạch bực mình không ít , ông không những cay cú với Stilwell mà còn nghĩ rằng chính mình đang bị cuốn hút theo sự tuyên truyền của bọn cộng sản Hoa kỳ , núp dưới chiêu bài tổng tư lệnh nhóm quân phiệt , và hình ảnh của Mao Trạch Đông là một tay cải cách điền địa chuyên nghiệp chớ chẳng phải là một tên cộng sản đáng gờm .

   Chennault vốn phục vụ dưới trướng của Tưởng nên ông rất hiểu sự suy tư của Tưởng . Tuy nhiên vì cùng là người Mỹ như nhau , đặc biệt lại cùng mặc áo lính thì dù có bất đồng chính kiến nhưng sợi dây liên hệ giữa ông và Stilwell cũng có những mối tương quan nào đó thắc chặc . Đến thời điểm này thì hai người phải ngồi lại với nhau để bàn bạc thẳng về những vấn đề sắp tới cho đại cuộc , chủ trương một đường lối rõ ràng và vững chắc cho một cuộc chiến mới , chiến tranh diện địa . Stilwell cho rằng cái ý kiến của Chennault quá lố bịch khi vị sĩ quan không quân tuyên bố chiến trường Trung hoa nếu muốn giải quyết nhanh thì cần phải sử dụng đến không lực tối đa . Theo ông , vị tướng chỉ huy lục quân thì cho rằng không quân chỉ đóng vai trò phụ thuộc , lục quân mới là sức mạnh quan trọng để đi đến chiến thắng cuối cùng .

  Đã nhiều tháng trời trôi qua , cả hai vị chỉ huy cãi vả dữ dội về những chuyến hàng tiếp liệu cho căn cứ 14 không quân Hoa kỳ . Chennault viết thư phàn nàn thẳng về Roosevelt rằng ông vẫn chưa nhận được những gì tổng thống hứa .

  Cũng giống như tướng Stilwell , tổng thống Roosevelt trở nên khó chịu đối với Quốc dân đảng . Bởi vì với ông , ông vẫn đặt trọng tâm đến chiến trường Miến điện thay vì Trung hoa . Đầu năm 1944 , ông đã hối thúc Tưởng Giới Thạch và Stilwell xua quân tấn công sang bên kia bờ sông Salween tiến vào đất Miến . Tưởng đặt ngay câu hỏi quyền ưu tiên cho một chiến dịch tại sao lại giành cho đất nước Miến điện , trong khi bọn lùn Nhật bản vẫn hiện diện gần như một nửa lục địa Trung hoa ? Sự dùng dằng chưa dứt khoát của Tưởng khiến một lần nữa Roosevelt càng thêm bực dọc , ông lên tiếng hối thúc nhưng Tưởng vẫn chưa có một hành động gì . Thình lình tướng Mutaguchi xua quân tiến vào biên giới Ấn độ rồi bị mắc lầy ở thành phố Imphal . Tình hình thay đổi đột ngột khiến thái độ Roosevelt cũng tỏ ra cứng rắn hơn đối với Tưởng . Ngày 13 tháng 4 , ông gửi cho Tưởng một bức điện tín , trong đó hàm ý tổng thống Hiệp chủng quốc đe dọa sẽ tạm ngưng chương trình thuê mượn vũ khí trừ khi Quốc dân đảng tiến quân sang Miến điện .

  Tưởng Giới Thạch tuy không chính thức trả lời bức điện của Roosevelt nhưng chỉ trong vòng hai tuần lễ sau đó , tổng tham mưu trưởng kiêm bộ trưởng chiến tranh của Tưởng là tướng Hà Ứng Khâm chấp thuận cho quân Quốc dân đảng vượt sông Salween đánh sang biên giới Miến . Chennault trong vai trò tham mưu trưởng không quân của Quốc dân đảng đã nhìn ra cái viễn ảnh tối đen đang đe dọa trên phần đất Trung hoa . Ông lên tiếng cảnh cáo với Tưởng rằng quân Nhật sẽ mở một cuộc tấn công quy mô vào các căn cứ không quân của Hoa kỳ nằm dọc theo vùng tây nam của Trùng Khánh , tức thủ đô của Trung hoa Quốc dân đảng . Đồng thời Chennault cũng cảnh cáo việc này với tướng Stilwell . Nhưng Stilwell lại trả lời rằng mối đe dọa ở chiến trường Trung Hoa – Miến Điện - Ấn độ , tức ngay trên thành phố Imphal nơi quân Nhật đang cố gắng tiếm chiếm cần phải đặt vào mục tiêu hàng đầu . Vì vậy căn cứ không quân 14 của Chennault phải chấp nhận bị cắt giảm viện trợ ngay trong giờ phút này . Một lần nữa vị sĩ quan không quân đùng đùng nổi giận . Mới tuần trước đây thôi ông đã viết một lá thư trình bày với tướng Stilwell rằng ông đoan chắc nền an ninh trên thềm lục địa Trung hoa , một căn cứ mà trong tương lai được sử dụng làm bàn đạp tiến công Nhật bản đang bị đe dọa . Ông giải thích nguyên nhân bị đe dọa như sau : Từ khi Nhật bản thất trận ở nhiều nơi miền nam Thái bình dương , họ bị lâm vào tình trạng kiệt quệ , không còn đủ nhân lực và phương tiện để tung hoành như xưa nữa . Như thế , nghĩ một cách đơn giản và hợp lý nhất , quân của họ sẽ sẳn sàng co cụm lại để thích nghi với hoàn cảnh mới . Và dĩ nhiên họ sẽ quay trở lại thế thủ , sẽ quyết liệt hơn để giữ lấy những gì họ chiếm được hoặc nếu không thể thì họ cũng vẫn còn một quốc gia Nhật bản của họ để phòng thủ . Để an toàn hơn khi thực hiện những bước lùi này , chắc chắn họ phải có một kế hoạch triệt thoái hẳn hòi , việc đầu tiên là họ phải cô lập các căn cứ không quân trên thềm lục địa Trung hoa . Có như thế hòn đảo Đài loan , một tiền đồn phòng thủ được bảo đảm và sau đó là những phòng tuyến nằm sâu trong quốc gia của họ . Đối với chúng ta , để đi trước địch thủ một bước , một loạt chiến dịch không tập Đài loan và các hòn đảo Nhật bản cần phải thực hiện ngay với những phi đội B-29 tối tân . Có như thế mới có thể ngăn chận sự phá hoại của địch quân mà thôi …..

  Và Chennault cũng không quên trình bày mối đe dọa này về Hoa thịnh đốn . Quả như sự ước định của Chennault , Đông kinh đã gửi một mệnh lệnh đến cho vị chỉ huy trưởng quân đội viễn chinh ở lục địa Trung hoa , họ ra lệnh cho ông bằng mọi giá phải chiếm cho được những sân bay ở miền đông Trung hoa và ba tuyến đường sắt quan trọng trong vùng . Chiến dịch này mang tên ICHI-GO , nó  chia thành hai giai đoạn . Giai đoạn đầu nhằm phá nát các lực lượng Trung Hoa , đặc biệt là quân đội Quốc dân đảng ở khu vực nằm giữa sông Hoàng hà và Dương tử để thiết lập một tuyến an ninh trãi dài theo con đường sắt từ Bắc kinh đến Hàn châu . Giai đoạn thứ hai , 11 sư đoàn cùng những biệt đội độc lập đang có mặt tại Trung Hoa sẽ vượt sông Dương tử tiến sâu về miền tây nam , trước là tung quân chiếm ba tỉnh Trường sa , Hoành dương và Hà nam . Kế đến thì Quế lâm , Liễu châu , Nam ninh và Quảng tây . Nếu gồm thâu được tất cả các tỉnh trên thì hai phi trường quan trọng của không đoàn 14 Hoa kỳ tức thì bị cô lập ngay .

  Trước khi chiến dịch ICHI-GO mở màn , Nhật cho tung ra một loạt tuyên truyền nhằm khích động lòng căm thù của nhân dân Trung hoa đối với phe đồng minh phương Tây và hạ thấp nhuệ khí chiến đấu của quân đội Quốc dân đảng . Truyền đơn họ nhấn mạnh rằng kẻ thù chính của Nhật là Hoa kỳ và Anh quốc chớ chẳng phải quân đội của Tưởng Giới Thạch và sự hiện diện của họ ở Trung hoa chỉ với mục đích kiến thiết mở mang quốc gia này mà thôi . Nếu bất cứ người Trung hoa nào không chống đối lại họ đều được đối xử như bạn .

  Đồng thời quân đội Nhật cũng được lệnh cấm tuyệt không được đốt phá , cướp bóc và hãm hiếp dân lành . Phải tuyệt đối cư xử thật tốt với người dân bản xứ , kính già yêu trẻ và đứng đắn với phụ nữ .

  Chiến dịch ICHI-GO bắt đầu khai diễn ngày 17 tháng 04 . Sư đoàn 37 vượt sông Hoàng hà , ngay cùng một lúc với quân của Mutaguchi tiến về thành phố Kohima miền bắc Ấn độ . Cả hai chiến dịch một ở Ấn độ một ở Trung hoa tuy phát động trong cùng một ngày nhưng chẳng có liên quan gì với nhau cả .

  Cũng cùng trong một ngày 17 tháng 04 ấy tướng Stilwell gọi điện báo cho Chennault biết rằng nhiệm vụ ngay trước mắt là dù tung phi cơ yễm trợ bộ binh ngăn giặc nhưng quan trọng hơn hết bằng mọi giá phải bảo vệ cho vững căn cứ B-29 ở Thành đô . Chennault vì cho rằng mình là đúng , ông muốn ngay trong lúc này việc phòng vệ chưa phải là việc cấp bách , lo phóng tất cả phi cơ lên để ngăn giặc mới là vấn đề cần thiết không nên chậm trễ . Ông tướng cọp bay lại điện cho Stilwell , bảo rằng căn cứ Thành đô nằm ở phía tây Trùng khánh nên chẳng cần lo việc phòng thủ vội . Việc làm trước mắt khẩn cấp hơn là vùng phía đông Trung hoa sắp sửa lọt vào tay giặc . Stilwell đành phải ưng thuận bằng lòng cho Chennault chỉ để lại những  phi đội P47 làm nhiệm vụ bảo vệ phi trường , số còn lại tất cả đều cất cánh ngăn giặc .  

  Nhưng dù được tăng thêm nhiều phi đội cất cánh cũng chẳng làm chậm lại sức tiến như vũ bão của quân Nhật . Cần cũng xin nhắc lại , khu vực mà quân Nhật đang tấn công vào vốn là một khu vực mênh mông được coi là ít xáo trộn nhất vì nó nằm trong tầm kiểm soát của Quốc dân đảng . Quân đội của họ gần bốn năm nay đã quên bẵng chiến tranh bắn giết cứ lo vùi đầu vào ăn chơi trác táng nên bây giờ cầm súng chiến đấu , họ tỏ ra chết nhát hơn bao giờ hết . Vã lại quân đội của Tưởng Giới Thạch là một đội quân mà người ta chế diễu mệnh danh họ là đội quân hai súng . Lời mĩa mai này thật không quá lắm bởi đa số lính của Tưởng thường kè kè trên vai hai cây , một là cây súng trường dài thườn thượt và hai là cái ống tẩu cũng dài ngoằn dùng để hút á phiện . Lính tráng mà ghiền nặng như thế thì thử hỏi còn đánh đấm ra hồn gì nữa , bởi vậy trước thế tiến như nước vỡ bờ của quân Nhật thì họ chỉ còn cách bỏ của chạy lấy thân , tam thập lục kế vĩ đào vi thượng mà thôi .

  Chennault bây giờ mới nhìn nhận là mình lầm . Một cái lầm tai hại vì đã đi ngược lại sự ước đoán của tướng Stilwell . Bất đắc dĩ ông tướng cọp bay mới gọi báo cáo lên Stilwell rằng hiện tại thì ông đành phải bó tay vì thiếu phương tiện vận chuyển và hàng tiếp liệu , đạn dược ngay cả xăng cho phi cơ cũng cạn kiệt . Tình hình càng lúc càng trở nên xấu đi trong khi ông chẳng biết xoay trở vào đâu để lập kế hoạch đối địch .

  Stilwell dĩ nhiên là phải nổi dóa . Tướng cọp bay phải chi nghe lời ông thì đâu đến nổi , để bây giờ thì tình hình trở nên tồi tệ có muốn xoay ngược thế cờ chắc không thể nào được . Giận Chennault bao nhiêu ông lại giận Tưởng Giới Thạch bấy nhiêu . Ông lên tiếng phàn nàn rằng cầm quân như hắn mà đánh đấm chẳng ra cái đống đế gì thế thì cầm quân làm gì nhỉ . Trong lúc dầu sôi lửa bỏng này Stilwell cũng chẳng biết nên phải làm gì , ông bắt buộc phải điện báo cáo về tổng tư lệnh là tướng Marshall để thỉnh thị ý kiến . Marshall trả lời rõ ràng rằng sự thành bại của chiến trường Trung hoa và nam Á châu đều là những đóng góp đáng kể cho mặt trận chính ở trung tâm Thái bình dương . Là Nhật phải bị đã bại mà phía chúng ta không cần phải huy động một chiến dịch vĩ đại nào cả , nhiều chiến dịch nhỏ thành công ở nhiều nơi đã là một đóng góp to tác cho một chiến thắng cuối cùng .

                                            ……………………

  Bắt đầu từ thời điểm này lục địa Trung hoa là những căn cứ không quân đầu tiên của Hoa kỳ có những phi vụ B-29 cất cánh bay vào đất Nhật đánh bom . Đây là những pháo đài bay thế hệ mới được thay thế loại pháo đài bay B-17 . Nó có thể mang bốn tấn bom vượt xa 3,500 dặm với vận tốc 350 dặm một giờ ở độ cao 38 ngàn bộ . Đến năm 1943 thì loại pháo đài bay thế hệ mới này được hoàn chỉnh đến mức độ an toàn 100 phần trăm , và những chiếc phi cơ mới xuất xưởng này quả thật là một đóng góp không nhỏ cho Hoa kỳ trong cuộc chiến Thái bình dương .

  Thoạt đầu thì người ta định sẽ phóng B-29 từ những căn cứ ở quần đảo Marianas nhưng vào thời điểm ấy , Marianas vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát của Nhật . Thế là không quân Hoa kỳ quyết định oanh tạc Đông kinh bằng con đường tương đối ngắn hơn , tức là từ những căn cứ ở lục địa Trung hoa  mặc dù phương tiện tiếp liệu ở đây còn gặp nhiều khó khăn trắc trở . Khó khăn và trắc trở ở chỗ tất cả những pháo đài bay đều cất cánh từ những căn cứ ở Ấn độ , xuyên qua dãy Hy mã lạp sơn để đến những căn cứ không quân ở Thành đô Trung Hoa , mà vào lúc ấy vẫn còn đang trong thời kỳ xây dựng , họ đáp xuống lấy thêm nhiên liệu. Rồi từ đó cất cánh bay đến mục tiêu là Đông kinh , trút bom rồi bay ngược trở về căn cứ , thêm 4 ngàn dặm đường nữa .

  Trước khi đi vào đất Nhật , người ta cho thử lửa loại pháo đài bay mới xuất xưởng này bằng cách tung chúng vào một sứ mệnh có tầm hoạt động tương đối gần . Nhưng dù trên đoạn đường bay không xa lắm mà họ đã vấp phải nhiều trục trặc đáng nói . Ngày 05 tháng 06 năm 1944 , 96 pháo đài bay cất cánh từ Ấn độ sang oanh tạc Bangkok . Một chiếc bị rơi ngay sau khi cất cánh , 14 chiếc khác bị trục trặc kỹ thuật nên không bao lâu sau đó bắt buộc phải đáp khẩn cấp . Thêm vài chiếc nữa rơi rớt dọc đường không bao giờ tới được mục tiêu đánh bom . Phần còn lại đến được Bangkok trong một đội hình tơi tả . Chuyến về thêm hai chiếc nữa bị rơi vì lỗi kỹ thuật , 42 chiếc bay lạc đáp bừa xuống những căn cứ bạn khác . Nhưng sứ mệnh của họ được người ta đánh giá “thành công mỹ mản” và bây giờ thì pháo đài bay B-29 sẳn sàng bay vào đất Nhật .

  Ngày 15 tháng 06 , 92 pháo đài bay B-29 rời phi trường Ấn độ để đến Thành đô , nơi họ sẽ tiếp thêm nhiên liệu rồi thẳng tiến vào Đông kinh . Một chiếc bị rơi khi cất cánh , 4 chiếc khác phải đáp khẩn cấp vì động cơ trục trặc .

  Chiếc B-29 đầu tiên tới được mục tiêu trước lúc nửa đêm , đó là một xưởng đúc thép ở Yawata thuộc đảo Kyushu . Phòng không của Nhật chào đón nhiệt liệt , chẳng những thế còn có thêm nhiều phi đội chiến đấu cơ cất cánh vội vả nghênh địch . Kết quả , chỉ một trái bom đánh trúng vào xưởng thép không gây hư hại bao nhiêu , sáu chiếc pháo đài bay bị hư hại nhẹ nhưng vẫn bay trở về được căn cứ . Dù sứ mệnh này kết quả chẳng có gì đáng nói nhưng nó khiến cho nhân dân Nhật bản hoãng loạn xao động không ít và ảnh hưởng của nó vào trong chính trường càng xâu rộng hơn nữa : Chiến tranh cuối cùng rồi cũng vươn tay chạm đến đất nước của họ .

                                    .............................................

  Tại miền đông Trung hoa , quân Nhật hiện tại đã đánh tới cửa ngỏ của tỉnh Trường sa . Ba ngày sau thành phố sụp đổ , tin xấu tới tấp bay về thủ đô Trùng khánh khiến cho ông bộ trưởng bộ chiến tranh điên tiết , ra lệnh xử tội vài ông tư lệnh chiến trường để thị chúng .

  Hai sư đoàn tiền quân của Nhật là 116 và 68 tiến về phía Hành dương thế nhanh như vũ bão . Ngày 26 tháng 06 , họ tung quân chiếm lấy một phi trường sát nách Hành dương . Hai ngày sau họ bắt đầu tiến tới bao vây lấy thành phố Hành dương . Phía Trung hoa Quốc dân đảng có thể nói đầu hàng và việc sẽ đến bất cứ lúc nào . Tướng Fong Hsien-chueh , chỉ huy trưởng lộ quân thứ 10 vừa căm phẫn người Nhật vừa bực tức Hoa kỳ , họ gần như chẳng có một hành động nào để cứu vãn trước tình thế hết sức nguy ngập của ông . Ngoại trừ một vài phi đội phi hổ của Chennault bay đến yễm trợ cho binh sĩ ông mở nhiều cuộc đột kích táo bạo vào những đoàn công voa vận chuyển quân lương của địch hàng đêm . Cũng nhờ hành động liều lĩnh của những phi đội Phi hổ quả cảm này mà cánh quân xăm lăng của Nhật lâm vào tình trạng thiếu thốn đạn được và lương thực . Đến ngày thứ tư thì họ mới chịu nới rộng vòng vây để lui quân . Nhưng chẳng phải họ chịu thua một cách dễ dàng . Chỉ lui cánh tiền quân về phía sau làm dự bị , hai sư đoàn khác được lệnh tiến lên trám chỗ vài ngày sau đó . Với 40 ngàn tinh binh lương thực vũ khí đầy đủ , số mệnh của thành phố Hành dương một lần nữa lại bị đe dọa và tướng Fong lại phải trở lại với việc phòng thủ tiếp tục . Nhưng lần này Tưởng Giới Thạch lại muốn bỏ rơi ông ta , có vài lý do khó hiểu nào đó khiến cho Tưởng tỏ ra ngờ vực thượng cấp của tướng Fong là nguyên soái Hseuh Yo . Vị tổng tư lệnh Trung Hoa Quốc dân đảng ra một cái lệnh quái ác là đình chỉ mọi sự tăng viện quân sự lẫn tiếp liệu cho Hành dương .

  Việc này càng làm cho Chennault bối rối , ông biết nếu để Hành dương sụp đổ thì những căn cứ không quân sẽ khó bề giữ nổi . Tuy muốn giúp Fong trong việc phòng thủ nhưng vì tổng tư lệnh đã ra một cái lệnh chắc nịch như thế rồi thì bây giờ chỉ còn biết trông cậy vào Stilwell , một người lúc nào cũng như kẻ đối lập với mình . Bất đắc dĩ ông mới liên lạc với tướng Stilwell để xin được phép tăng viện vũ khí đạn dược cho Fong . Câu trả lời là không . Chennault nén cơn bực dọc , khẩn cầu thêm một lần nữa nhưng chẳng có kết quả nào .

  Vài tuần sau dĩ nhiên Hành dương lọt vào tay Nhật . Lúc này phi đoàn 14 của Chennault phải vất vả hơn , họ ra sức bắn phá vào những kho quân lương hầu kềm chân địch không để họ tiến vào Quế Lâm .

  Đặt trường hợp nếu toàn cõi Trung Hoa lúc bấy giờ chiến tranh đã chấm dứt , mọi xáo trộn được thật sự vãn hồi thì có đến 820 ngàn binh sĩ Nhật bản được cho giãi ngũ , một con số thật đáng ngại nếu được bổ xung vào những chiến trường khác dọc theo Thái bình dương . Do đó , Tổng thống Hoa kỳ Roosevelt muốn Tưởng Giới Thạch bằng mọi giá phải cố gắng thống nhất cho được các lực lượng yêu nước gồm cả Cộng sản để kháng Nhật hầu kềm chân họ ở chiến trường Trung Hoa .

  Đồng thời Roosevelt cũng cử Patrick J.Hurley , một sứ giả đại diện mình đến Trung Hoa để gặp Tưởng hầu thuyết phục ông ta . Trên đường đến Trùng khánh , Hurley ghé ngang Mạc tư khoa . Ở đây ông được Molotov , ủy viên bộ ngoại giao Liên xô cho biết là Liên xô rất muốn kết giao với Trung hoa Quốc dân đảng . Molotov còn bảo rằng Liên bang xô viết rất không có thiện cảm đối với những người cộng sản Trung hoa . Ông nói “Họ chỉ là những kẻ núp dưới cái danh hiệu cộng sản mà thôi . Hoa kỳ nên giúp đỡ người dân Trung quốc cải thiện kinh tế và cố gắng dàn xếp sao cho hai quân đội của Mao ,Tưởng thống nhất với nhau thì càng tốt” .

   Hurley vốn không phải xuất thân là một nhà chính trị , cũng không quen tráo trở lọc lừa cứ nhìn cuộc đời qua cái nhìn giản dị của mình nên bất cứ đều gì Molotov nói ông đều tin tưởng , ghi nhớ tất cả và lấy đó làm giá trị bề mặt để khi gặp Tưởng , ông sẽ khuyên vị tổng tư lệnh Quốc dân đảng không cần phải e ngại đảng cộng sản của Mao , bởi vì họ chỉ có danh nghĩa cộng sản chứ chẳng lệ thuộc vào chủ nghĩa cộng sản của Liên xô . Tưởng nghe qua tỏ ra hoài nghi vì trước ông ta cũng đã từng đọc qua những bài xã luận và diễn văn của Mao Trạch Đông và dĩ nhiên ông cũng không ít thì nhiều đã hiểu đảng cộng sản của Mao . Thấy cố gắng của mình không có kết quả Hurley quay sang thuyết phục Tưởng đề bạt tướng Stilwell lên làm chỉ huy trưởng quân đội Trung hoa Quốc dân đảng (đây là do sự đòi hỏi của tướng Marshall) nhưng Tưởng cũng chẳng đồng ý .

   Ngày 25 tháng 09 , Tưởng trao cho Hurley đọc một cuốn sổ ghi chép vắn tắt những sự việc quan trọng . Và những sự việc vừa mới xảy ra đã nói cho Hurley biết khá rõ rằng tướng Stilwell dẫu là một ông tướng có tài chỉ huy nhưng cái tài ấy chỉ giới hạn trong một phạm vi nào đó , hơn nữa với tính tình tự tôn của ông cũng khó bề chỉ huy người khác mà người khác đây lại chính là những sĩ quan Trung hoa , tức người da vàng châu Á . Tưởng Giới Thạch còn nhấn mạnh rằng sau khi Stilwell tới Trung hoa chỉ trong một thời gian ngắn , ông ta đã tỏ ra bất chấp , không tin tưởng và vị nễ một ai . Nhất là tướng Stilwell thẳng thừng tuyên bố là ông chẳng bao giờ nghe lệnh của Tưởng .

  Cũng bởi có sự bất nhất giữa Quốc dân đảng và Stilwell , vị tướng tư lệnh quân đồng minh nên việc sụp đổ nhanh chóng của miền đông Trung hoa , Tưởng không ngần ngại đổ hết mọi tội lỗi lên đầu tướng Stilwell và thậm chí cả Roosevelt . Tưởng cũng không quên nhắc lại cho Hurley biết miền bắc Miến điện sụp đổ , tất cả mọi lỗi lần đều do cái tính tự chuyên tự quyền của Stilwell mà ra . Tưởng kết luận , nếu muốn chiến thắng Nhật thì giữa hai quân đội cần phải có tinh thần hợp tác chặc chẻ . Tướng Stilwell không sẳn sàng hợp tác với Quốc dân đảng nên thừa cơ hội này Nhật tiến vào như chỗ không người . Ông nhấn mạnh , nhân sự cần phải thay đổi , tướng Stlwell cần phải ra đi . Tưởng tuyên hứa sẽ hợp tác chặc chẻ hơn để đi đến một chiến thắng cuối cùng nếu Hoa kỳ thay vào chỗ đứng của Stilwell bằng một vị sĩ quan khác , một vị sĩ quan tài đức vẹn toàn chịu hợp tác mới có thể cứu vãn nổi tình hình Trung hoa .

  Hurley sang Trùng khánh với hy vọng làm trung gian hòa giải mọi hiềm khích giữa Stilwell và Tưởng Giới Thạch , nhưng khi biết rõ mọi việc thì ông ngả ngữa ra . Việc đến nổi này thì chỉ còn một chọn lựa duy nhất mà thôi : tướng Stilwell phải ra đi . Hurley vội điện về báo với Roosevelt rằng “Theo thiển ý của tôi thì nếu Tổng thống cứ để tình trạng căng thẳng cứ kéo dài giữa Stilwell và Tưởng Giới Thạch thì một ngày không xa Ngài sẽ mất Tưởng Giới Thạch và thậm chí , cả Trung hoa nữa” .

  Khi bãi chiến trường Trung hoa – Miến điện - Ấn độ đi vào một kết quả chung cuộc thì Stilwell và Hurley trở lại Hoa thịnh đốn . Ở đây hai người gặp nhau và những ý kiến bất đồng giữa hai người đều mang ra để tranh cãi dữ dội . Cuối cùng , ngày 18 tháng 10 , hai ngày trước khi tướng Mac Arthur mang quân vào vịnh Leyte , Roosevelt gọi cho Tưởng Giới Thạch báo cho ông ta biết Hoa kỳ sẽ triệu hồi tướng Stilwell và không có ý định bổ nhiệm người Mỹ ngồi vào ghế tổng chỉ huy quân đội Trung hoa . Ông hứa là sẽ gởi đại tướng Albert C.Wedemeyer sang Trung hoa vào chức vụ tổng tham mưu quân đội viễn chinh Hoa kỳ thay thế Stilwell .

  Sự ra đi của Stilwell khiến cho mọi cố gắng của Hurley bây giờ chỉ còn dồn hết vào một vấn đề duy nhất là mối bang giao giữa Mao và Tưởng . Ngày 07 tháng 11 , bất kể lời can ngăn của Tưởng , Hurley bay đến Diên an , thủ đô của Trung hoa cộng sản . Tại đây Hurley gặp Mao Trạch Đông , Chu Ân Lai cùng nhiều nhân vật cộng sản cao cấp khác . Hurley đưa ra năm điểm mà ông tuyên bố là Trung hoa cộng sản đảng có thể thống nhất với Quốc dân đảng được . Vừa nghe qua thì mấy ông trùm đỏ Trung hoa giật mình lên như dẫm phải lửa ngoài mặt thì ra vẻ tỉnh bơ cười cười nói nói , ai nấy đều gật gù cái đầu như khoái chí lắm . Năm điểm mà Hurley đề cập đến được gọi là thống nhất các lực lượng quân sự Trung hoa nhằm mục đích chống quân xâm lược Nhật bản và tái thiết Trung hoa .

Mỹ Anh và cả Liên Xô ép Mao hoà giải với Tưởng để duy trì hoà bình, Mao chống lại rồi đành nhượng bộ. Mao rất ngại ra khỏi sào huyệt của mình vì luôn sợ bị ám sát. Mỹ cử đại sứ Patrick Hurley đến tận Diên An ngày 28-8-1945 đón Mao đến Trùng Khánh để hội đàm với Tưởng. Cuộc hội đàm kéo dài 45 ngày, Hiệp ước hoà bình Quốc - Cộng được ký ngày 10-10-1945. 

Trong khi họp, quân Mỹ - lấy cớ giải giáp quân Nhật, chiếm và giao cho quân Tưởng 2 thành phố lớn Bắc Kinh và Thiên Tân. Mỹ cũng giúp việc chuyển quân Tưởng đang tập trung ở phía Nam lên phía Bắc. Cả Mao và Tưởng đều không thật lòng hoà giải, vẫn quyết sống mái với nhau. 

  Đến đây thì người viết xin trình bày rõ hơn về sự quan hệ giữa Hoa kỳ và Trung hoa trong thời gian này . Tổng thống Roosevelt dù chấp nhận chiến lược “Ưu tiên dành cho châu Âu” của người Anh nhưng ông lại muốn thủ tướng Churchill có một lập trường rõ ràng hơn ở vùng Viễn Đông bởi Roosevelt sợ rằng nếu Trung hoa sụp đổ thì những hậu quả về chiến lược không thể nào lường hết được . Chỉ ngồi mà nhẫm tính với con số non một triệu binh sĩ được rảnh tay của Nhật ở đó thôi Roosevelt cũng cảm thấy rùng mình rồi . Vì thế , ngay từ đầu chiến tranh , Hoa thịnh đốn đã có ý giữ Trung hoa trong chiến tranh chìm ngập để kềm chân Nhật càng lâu càng tốt . Trong khi đó Roosevelt cũng thuyết phục với Churchill rằng cũng nên để cho Tưởng Giới Thạch có được một địa vị chính thức nào đó trong các nước đồng minh , Anh đồng ý nhưng điều kiện là không cho Trung hoa tham gia hội đồng tham mưu hỗn hợp (CSS) . Kết quả là một chiến trường Trung hoa riêng biệt được đặt dưới quyền của Tưởng Thống chế bao gồm cả những phần đất phía bắc Thái lan và Đông dương (Việt nam Lào và Kampuchia vì lúc ấy dù bị quân Nhật chiếm nhưng vẫn còn có sự hiện diện của người Pháp) nhưng lại không có Miến điện . Tưởng Giới Thạch được mời làm tư lệnh tối cao phía đồng minh và có một bộ tham mưu đồng minh giúp việc . Nhìn thấy cả hai điểm chính trị và chiến lược đều có lợi nên Tưởng chấp nhận đảm nhiệm vai trò tư lệnh đồng minh độc lập nghĩa là chỉ chịu trách nhiệm với chính mình và lên tiếng yêu cầu Hoa kỳ cho một sĩ quan cao cấp sang nắm chức tham mưu trưởng bộ tham mưu đồng minh tại Trùng khánh . Trong lúc này tướng của Anh là Wavell , tư lệnh tối cao ở Ấn độ nhưng khu vực chịu trách nhiệm của ông ta vươn ra tận các quốc gia phụ cận , cả Miến điện và Trung hoa . Mối giao hảo giữa Tưởng và Wavell chẳng tốt đẹp gì lắm mà đầu mối cũng do vấn đề kiểm soát và phân phối hàng chi viện qua chương trình vay mượn ở Miến điện và bàn cãi về phương hướng chiến lược của phía đồng minh ở Viễn đông . Đây là những lý do có thể đe dọa cho mục tiêu quân sự và nền an ninh của Mỹ ở Viễn đông và thậm chí cả Thái bình dương . Đến lúc này thì Mỹ thật sự nhảy vào thay thế cho Anh . Tướng Marshall chỉ định trung tướng Stilwell bay sang Trùng khánh đảm nhiệm chức vụ tham mưu trưởng đồng minh Viễn đông . Nhưng trớ trêu thay , khi đến nơi ông tướng lại phải kinh ngạc đến sững người vì Tưởng thống chế đã tuyên bố một câu chắc nịch rằng Stilwell chỉ là tham mưu trưởng các lực lượng đồng minh , tức là quân Anh và Mỹ thôi chớ không phải của quân đội Trung hoa . Trong khi ấy Tưởng lại cho một người bạn cũ của mình là Hà Ứng Khâm nắm chức tổng tham mưu trưởng các lực lượng Trung hoa . Stilwell cảm thấy quyền lực của mình bị giới hạn đi quá nhiều , bây giờ ông chỉ là một ông tướng đứng chỉ huy chiến trường đồng minh mênh mông từ Trung hoa , Miến điện và sang cả Ấn độ theo những lệnh lạc từ hội đồng tham mưu liên quân Anh Mỹ  . Ngoài ra ông còn kiêm thêm hai chức vụ khác nhức đầu hơn là đại diện quân sự của Hoa kỳ ở Trùng khánh và trách nhiệm phân phối hàng viện trợ theo chương trình thuê mượn vũ khí như đã nói . Và việc này là đầu mối dẫn đến những bất hòa tranh chấp liên miên cho đến thời gian sau này giữa ông và Tưởng . Những thất bại liên tục về sau như Miến điện và miền đông Trung hoa sụp đổ nhanh chóng , dĩ nhiên Tưởng Giới Thạch nào chịu trách nhiệm . Ông có biết đâu trong chính quyền Trùng khánh của ông nó đã thối nát đến như thế nào và cái nạn bè phái nó kinh khủng ra sao , quân tướng ngày tối chỉ lo bù khú hút sách vui chơi . Một đội quân mà tinh thần chiến đấu chẳng có , chỉ cầm súng chờ lãnh lương thì biết họ đánh đấm ra làm sao rồi . Thế nhưng ông vẫn đổ tất cả lỗi lầm đều do Hoa kỳ và gần nhất là trung tướng tham mưu trưởng liên quân Stilwell . Và kẻ u uất nhất và oán Tưởng Giới Thạch nhất vào lúc này chắc có lẽ là trung tướng Stilwell chớ chẳng có ai khác hơn .

  Cho đến lúc hải và lục quân Hoa kỳ ở Thái bình dương đã tiến vào Phi luật tân thì chiến trường Trung hoa càng được Hoa kỳ để ý đến và họ muốn sử dụng lục địa này để làm điểm xuất phát cho không quân cất cánh đánh bom vào đất Nhật . Nhưng muốn ý định này được thực hiện hoàn hảo thì phải chiếm lại những khu vực đã bị lọt vào tay Nhật trước đó như Quảng đông và Hương cảng . Để từ những bờ biển này , các đạo quân đồng minh sẽ hợp nhau đánh lên mặt bắc Trung quốc , giữ một hành lang bờ biển vùng lục địa để sau đó dùng làm căn cứ cho hải và không quân làm bàn đạp tiến thẳng vào chính quốc Nhật bản đánh vào giữa trung tâm quyền lực chiến tranh hầu giải quyết cho nhanh cuộc chiến dằng dai và đẫm máu nhất . Mốc thời gian này được ấn định vào năm 1947 .

  Tuy chiến lược mới được hoạch định như vậy nhưng những mối bất đồng giữa hai anh cả là Anh và Mỹ vẫn không bao giờ giải quyết cho êm đẹp . Người Mỹ chủ trương ngay sau khi đánh quân Nhật ra khỏi miền bắc Miến điện sẽ tiến về nam , mục đích tối hậu của họ là mở thông cảng Rangoon để tiện dòng tiếp vận vào Trung hoa . Anh quốc thì chỉ muốn giành lại Sumatra để dùng làm bàn đạp tiến đánh chiếm lại vùng thuộc địa đã mất vào tay Nhật là bán đảo Mã lai và Tân gia ba , do đó họ đánh đường vòng và dĩ nhiên là bỏ hải cảng Rangoon . Mỹ tức quá hóa liều , họ chỉ muốn tăng viện nhiều cho chiến trường Trung hoa và cấp tốc hướng đến mục tiêu tối hậu là chính quốc Nhật bản , Anh quốc bác bỏ ngay lối giải quyết này vì họ viện lẽ riêng của mình là một khi chiến thắng ở châu Âu xong , việc kế tiếp của họ không phải là chính quốc Nhật bản mà chỉ là những thuộc địa của mình ở Viễn đông như Ấn độ , Miến điện và vùng bán đảo Mã lai đến Tân gia ba đã bị Nhật bản chiếm lấy , phải bằng mọi giá giành lại cho được về mình . Đó mới là chuyện quan trọng hàng đầu đáng quan tâm hơn hết .

  Tướng Wedemeyer đến Trung hoa thay cho Stilwell , ông dĩ nhiên nhận lệnh thẳng từ bộ chiến tranh Hoa kỳ và bây giờ những phương tiên được đặt dưới quyền của ông cũng rất khác với những thứ đã giao cho Stilwell trước đây dù vẫn một đường lối chung “Tạo ra những điều kiện để sử dụng có hiệu quả tối đa những phương tiện của Hoa kỳ trong khu vực ….Người Trung hoa phải đóng một vai trò tích cực hơn trong chiến tranh” . Ông , tức vị tướng đại diện cho quân đội Hoa kỳ giữ chức chỉ huy chiến trường Trung hoa riêng biệt , bao gồm lục địa Trung hoa , Mãn châu và Đông dương cùng với những hòn đảo ngoài khơi trừ Đài loan . Riêng Miến điện và Ấn độ thì quân đội Anh giữ trách nhiệm . Nhưng những thỏa thuận khá mơ hồ giữa các bộ chỉ huy tối cao với các bộ chỉ huy chiến trường về Đông dương kể từ mùa hè năm 1944 , về sau này chứng tỏ có tầm quan trọng sống còn đối với các kế hoạch của Pháp nhằm chiếm lại các thuộc địa cũ của họ . Đó mới là cái rắc rối và phức tạp mà ba anh cả Anh Mỹ Pháp còn gặp phải vào những năm sau này .

  Tướng Wedemeyer đến nhậm chức trong lúc tình hình Trung hoa như mớ bòng bong . Quân đội của Mao thì chiếm cứ và tổ chức chính phủ ở vùng Hoa bắc mênh mông . Tại Trùng khánh , Quốc dân đảng , một chính phủ được quốc tế biết đến như một chính phủ hợp pháp cũng bị phân chia thành nhiều phe phái và sự bất đồng giữa những vị chỉ huy của họ cũng đang lan rộng . Tình hình kinh tế vốn đã tệ hại lại càng thêm tệ hại vì nạn tăng cường chiến tranh do Nhật bản phát động , nạn lạm phát tăng dần tăng dần lên . Bên trong nội bộ không ngừng đấu đá nhau như không bao giờ chấm dứt . Wedemeyer báo cáo với tướng Marshall nhận định của mình về Tưởng như sau “Thống chế và những người cùng cánh của ông ta đã quá hiểu rõ tính chất nghiêm trọng của tình hình nhưng họ bất lực và bối rối vô cùng” . Biết rõ điều này nên Hoa kỳ không muốn để một tình thế của Stilwell lập lại nên họ quyết định cho phép Wedemeyer đảm nhiệm luôn vai trò tham mưu trưởng của Tưởng thống chế . Cũng nhờ sự thu xếp khôn khéo này mối quan hệ Hoa Mỹ được cãi thiện tốt hơn trước và cá nhân giữa Wedemeyer cùng Tưởng Giới Thạch cũng được trơn tru thân mật với nhau . Tuy nhiên , nhìn về lực lượng quân sự Hoa kỳ ở lục địa này gồm hải , lục và không quân nhưng một số trong họ hoạt động độc lập không nằm dưới sự chỉ huy của tướng Wedemeyer mặc dù ông là vị tướng chỉ huy trưởng trên chiến trường này . Hạm đội Hoa kỳ ở Trung hoa thì nhận lệnh từ bộ Hải quân , cục công tác chiến lược OSS (tiền thân của CIA) thì nhận lệnh từ ban tham mưu OSS ở Hoa thịnh đốn , cơ quan thu thập tình báo hỗn hợp thì đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của bộ tham mưu liên quân . Ngành vận tải không vận cũng thế , họ nằm dưới sự kiểm soát của các chiến trường Ấn độ , Miến điện và Trung hoa .

  Ngày 31 tháng 10 , tướng Wedemeyer chính thức nhậm chức tân tư lệnh chiến trường . Ông đã điện hỏi thẳng với tướng Marshall về việc xác định mối quan hệ giữa ông và nhiều đơn vị độc lập . Câu trả lời nửa vời chỉ nhắc lại những chỉ thị lúc ban đầu , nghĩa là tướng tư lệnh chiến trường không bị hạn chế vai trò chỉ huy , những cơ quan độc lập cũng không bị giới hạn về hoạt động miễn họ thông báo cho vị tư lệnh chiến trường biết những việc của mình làm . Nhờ vào sự thu xếp này nên Wedemeyer mạnh dạn bắt tay vào việc cải tổ cơ cấu chỉ huy và thay đổi nhân sự theo những nhu cầu hoạt động riêng của công tác . Ông sử dụng thì giờ của mình một cách khôn khéo hơn và xử sự một cách thận trọng với các cơ quan tình báo khác nhau .

  Về phía Nhật  bản thì bộ phận chỉ huy của họ cũng có một vài thay đổi . Từ đầu tháng 9 , tướng Okamura đến Trung hoa để thay thế vị chỉ huy tiền nhiệm chỉ huy toàn bộ cánh quân viễn chinh trên chiến trường này . Mặc dù với một quyền hạn mênh mông nhưng ông cũng đứng ra tự mình chịu trách nhiệm chỉ huy trực tiếp đệ lục quân đoàn tức lộ quân thứ 6 . Lộ quân này hiện tại đang là thành phần chủ lực của chiến dịch ICHI , một chiến dịch đang ở vào giai đoạn đẫm máu nhất .

  Chiến dịch ICHI đang đạt nhiều thắng lợi trên mọi mặt trận , tuy nhiên tham vọng của Đông kinh tất nhiên cũng phải có giới hạn của nó . Mục đích của họ không có ý định xua quân tiến xa tận miền tây của lục địa đến thủ đô của Quốc dân đảng là Trùng khánh như tướng Wedemeyer hằng lo nghĩ . Vào lúc chiến tranh Thái bình dương đã lên đến tận điểm cao của nó , sự thất trận hầu như ở mọi chiến trường khiến cho Tổng hành dinh Thiên Hoàng phải biết toan tính để quay về thế thủ . Mục đích của họ trên lãnh thổ Trung hoa là tung quân ra chiếm cứ một vùng bao la từ bắc xuống nam phía đông của lục địa . Một địa thế chiến lược quan trọng mà họ đã nhìn ra được và bằng mọi cách phải chiếm giữ , đề phòng không cho lọt vào tay Hoa kỳ , vì chính ở nơi đây sẽ là những phi trường lý tưởng cho phi cơ cất cánh đánh bom vào chính quốc của họ .

  Quế châu , Liễu châu lần lượt sụp đổ dưới gót giầy quân đội Thiên hoàng . Tướng cọp bay Chennault bấy giờ chỉ còn trông mong vào sự dũng cảm của những đội phi hổ với chiến đấu cơ B-25 có sẳn trong tay để cầm cự mà thôi . Để bảo đảm cho những phi vụ được liên tục và hữu hiệu hơn ông không ngần ngại tìm đủ mọi cách để sử dụng luôn cả nhiên liệu tiếp vận cho dự án B-29 , một kế hoạch oanh tạc thẳng vào đất Nhật bằng oanh tạc cơ B-29 . Theo như lối giải thích khôi hài của ông tướng cọp bay thì dự án B-29 này chỉ là lối phô trương một khái niệm quá điên rồ đầy mộng tưởng . Và tất cả bốn chuyến oanh tạc Đông kinh bằng B-29 đã xác minh sự nhận xét của Chennault là đúng vì nó chẳng mang lại một kết quả nào đáng khích lệ cả .

  Tướng Curtis LeMay , một ông tướng tháo vát năng động từng là chỉ huy trưởng sư đoàn 3 không quân đã lập vô số thành tích lẫy lừng ở chiến trường châu Âu , bây giờ được lệnh đến Trung hoa đảm trách chức vụ chỉ huy trưởng không đoàn B-29 . Vị chỉ huy đầy tài năng đã gây cho quân đội Đức quốc biết bao kinh hoàng giờ ôm gói hành trang đến chiến trường Trung hoa với một hùng tâm ngang trời , quà tặng dành cho quân đội Thiên Hoàng ở đây là những cú đấm sấm sét nhất và dũng mãnh nhất .

  Vừa nhận nhiệm vụ , bàn giao xong thì tướng LeMay đã biết mình vừa được thừa hưởng một cái gia tài “rách nát” . Ông vội bắt tay ngay vào việc bằng cách tổ chức lại guồng máy chỉ huy , thay đổi nhân sự thích ứng và huấn luyện phi công cách đánh bom theo chiến thuật đội hình , một chiến thuật đạt nhiều kết quả ở chiến trường châu Âu . Nhưng mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng sau những chuyến oanh tạc ở nhiều nơi như Mãn châu , Đài loan , Miến điện , Tân gia ba và Kyushu , kết quả vẫn chỉ ở một mức độ quá khiêm tốn khiến cho LeMay lộ nét bi quan , ông tướng không quân lắc đầu than thở với các sĩ quan tham mưu của mình rằng “Coi ra thì cái kế hoạch pháo đài bay này cũng chẳng ăn thua gì với một chiến trường mênh mông như ở đây !” .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế