Trận Iwo Jima

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vài tuần lễ trước khi đổ bộ vào vịnh Leyte , phó đô đốc Spruance cùng ba vị tướng chỉ huy ba lộ quân đồng ra sức thuyết phục ban tham mưu của hội đồng liên quân nên chọn con đường tiến vào đất Nhật theo ngã Iwo Jima thay vì Đài loan . Theo sự chọn lựa này thì không lực sẽ là lực lượng nồng cốt tiến thẳng vào tung hoành ngay trên không phận địch . Iwo Jima chỉ cách đảo Saipan 625 dặm về phía bắc và cách Đông kinh 660 dặm về phía nam . Đây là một vị trí nằm ngay đoạn giữa của tuyến đường bay từ Saipan tới Đông kinh cho những phi vụ oanh tạc cơ B-29 , một lợi điểm quan trọng cần phải chiếm giữ để thiết lập một căn cứ không quân phòng cho những trường hợp hạ cánh khẩn cấp của những phi vụ đường dài bị trục trặc bất tử . Và cũng từ đó , những phi đội chiến đấu cơ P-51 Mustang có tầm hoạt động ngắn hơn sẽ cất cánh hộ tống những phi vụ B-29 vào đất địch .

  Khi mặt trận Leyte vừa mới mở màn thì tổng hành dinh Thiên Hoàng vẫn còn kỳ vọng vào cái ảo tưởng một trận chiến quyết định cho cả cuộc chiến nên chỉ lo chú mục vào một Leyte mà thôi , trong khi chẳng ngó ngàng gì đến một cuộc đổ bộ khác diễn ra ở Iwo Jima cũng cùng xảy ra với một thời gian trước sau với Leyte .

  Người được chỉ định làm tổng tư lệnh mặt trận Iwo Jima là phó đô đốc Raymond Spruance , người từng đã bại Nhật bản ở trận Midway và cũng là tư lệnh  chiến dịch tiến chiếm quần đảo Marianas . Ngoài ra còn có phó đô đốc Kelly Turner , một vị tướng từng tham dự những trận đánh dai dẵng ở Guadalcanal được chọn làm chỉ huy các lực lượng viễn chinh và trung tướng “Howlin’Mad” Smith , tức Holland Smith được chọn làm tư lệnh hành quân các lực lượng thủy quân lục chiến . Thiếu tướng Harry Schmidt làm tổng tư lệnh các lực lượng đổ bộ gồm 3 sư đoàn . Hai sư đoàn đầu tiên là 4 và 5 đến từ Hạ uy di , sư đoàn trừ bị số 3 vẫn còn đang ngày đêm luyện tập tại Guam . Lực lượng hải quân yễm trợ cho chiến dịch Iwo Jima gồm cả thảy 700 chiến hạm từ đệ tam và đệ thất hạm đội . Trong đó có 28 hàng không mẫu hạm lớn nhỏ cùng 1,172 phi cơ các loại . Tổng cộng con số tham chiến vừa bộ , không và hải quân Hoa kỳ lên đến 120 ngàn người .

  Từ ngoài khơi nhìn vào hòn đảo mang tên Sulphur (Iwo Jima) trông như một nửa con cá voi khổng lồ nổi lềnh bềnh trên mặt biển nhưng từ trên phi cơ nhìn xuống thì nó chẳng khác nào một chú lợn ú na ú nần . Nét đặc biệt nhất là ngọn núi lửa đã tắt ngắm từ lâu nằm ở mõm cực nam . Trong tiếng Nhật Iwo Jima có nghĩa là lưu huỳnh , nó là một hòn đảo núi lửa nằm trong quần đảo núi lửa Ogasawara . Hòn đảo có diện tích khoảng 21 cây số vuông , chiều dài 9 cây số , nơi rộng nhất khoảng 4 cây số , phình to ở vùng cao nguyên phía đông và hẹp dần về phía tây nam . Ở cực nam là ngọn núi lửa đã tắt cao 161 mét , được người Nhật đặt tên là Suribachi . Bãi biển có thể cho tàu thuyền cập bến dài khoảng 3 cây số dọc theo bờ biển phía đông . Iwo Jima rất nghèo nàn về thực vật bởi đất ở đây là đất các và đất mặn nồng nặc mùi lưu huỳnh . Quần đảo núi lửa này sát nhập vào chủ quyền của Nhật vào năm 1891 .

  Iwo Jima là một hạt chuỗi trong sâu chuỗi hạt hải đảo kéo dài từ cửa vịnh Đông kinh đến cách phía bắc quần đảo Marianas khoảng 300 dặm . Tính về điểm cực bắc là đảo Izu , Bonins và những hòn đảo núi lửa hiu quạnh không đáng kể , Iwo Jima nằm ngay điểm giữa của xâu chuổi hải đảo ấy .

  Đến năm 1930 có khoảng 1,100 người Nhật đến định cư và thành lập làng Motoyama , họ đa số sống bằng nghề nông . Trên đảo có một nhà máy ép mía và một nhà máy khai thác lưu huỳnh . Làng Motoyama nằm ở vị trí trung tâm đảo , gần khu khai thác mỏ lưu huỳnh . Ở đây có hai ngôi trường nho nhỏ và tất cả 7 giáo viên . Một nhà ngủ , một bar rượu chỉ với ba cô hầu bàn . Cuộc sống thầm lặng ở đây gần như hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài , ngoại trừ mỗi năm cứ hai tháng đều có tàu cập bến trao đổi hàng hóa , tin tức từ quốc nội .

  Iwo Jima là một hòn đảo tương đối hơn lớn hơn các hòn đảo khác chung quanh , có thể xây dựng một phi trường quân sự nhưng Nhật chẳng để tâm đến , họ chỉ tới đó xây một đài radio và đài khí tượng . Mãi cho tới năm 1940 , công ty xây cất Mabuchi mới bắt tay vào việc xây dựng một sân bay quân sự với hai đường bằng dài gần một dặm kéo dài từ chân núi Suribachi . Mùa xuân năm 1941 , một trung úy hải quân cùng với 93 binh sĩ tới đó với nhiệm vụ điều động nhân công xây dựng pháo đài và xếp đặt hệ thống phòng thủ . Hai ngàn công nhân Triều tiên được chuyển đến để bắt tay vào việc .

  Không phải tổng hành dinh Thiên Hoàng chờ cho đến đầu năm 1944 , khi Mac Arthur với cuộc bắc tiến như vũ bão họ mới để ý đến sự phòng thủ ở đây và dọc theo đảo Đài loan . Đầu tiên , chỉ huy trưởng căn cứ Iwa Jima là Tsunezo Wachi , một cựu nhân viên tình báo dưới lớp áo tùy viên hải quân ở Mễ tây cơ . Ông cùng với một trung đoàn hơn 5000 thủy thủ . Sau đó tăng cường thêm một trung đoàn bộ binh với 5,170 người cùng những trọng pháo , súng phòng không v.v.

   Nhưng trong quân đội Nhật bản vốn đã có sự xung khắc từ lâu giữa hai phe hải và lục quân , thì ở đây trên một tiểu đảo này chúng ta thử nghĩ với hơn mười ngàn binh sĩ của hai màu áo cùng giữ chung một nhiệm vụ , chạm mặt nhau hàng ngày như thế liệu họ có tránh khỏi những lục đục nội nộ hay không . Tháng ngày nhàm chán cứ trôi đi , cuộc sống buồn tẻ chỉ có trời biển mênh mông một màu , buồn quá và tù túng quá nên khiến cho con người ra dễ đâm ra bực dọc khó chịu , và từ cái khó chịu này nó lại nãy sinh ra vô số chuyện lục đục khác . Cuối cùng thì trung tướng Tadamichi Kuribayashi được tổng hành dinh chọn làm người chỉ huy cùng sư đoàn 109 đến thay thế cho Wachi trấn giữ Iwo Jima .

  Sự có mặt của tướng Kuribayashi và sư đoàn 109 của ông ở Iwo Jima không hẳn là không có lý do . Hẳn chẳng phải vì những xung đột của hai phe hải và lục quân trấn đóng trên đảo tước đó , lý do chính cho sự hiện diện của vị tướng chỉ huy mà tên tuổi của ông sau này đã trở thành một huyền thoại được Đông kinh nhắc nhở hàng ngày là tổng hành dinh Thiên Hoàng đã sớm đoán ra được ý định của Hoa kỳ trước khi họ xua quân vào Phi luật tân .

  Lúc ấy Tojo còn ở ghế thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ chiến tranh và tổng tham mưu trưởng quân đội , ông đã trịnh trọng bảo với vị tướng 53 tuổi Kuribayashi rằng “Toàn thể quân đội và quốc gia đều trông cậy vào sự chiến đấu bảo vệ của ông ở một hòn đảo chiến lược quan trọng đó” .

  Vừa đến nơi là tướng Kuribayashi vội bắt tay vào việc phòng thủ , ông thiết lập lại các hầm trú ẩn xây dựng trước đó , đồng thời dựa vào những hang động thiên nhiên do dung nham của núi lửa tạo ra ông biến những hang ổ này thành một hệ thống mê cung chằng chịt với nhiều ổ trọng pháo và súng phòng không .

  Chỉ hơn hai tuần sau thì không quân Hoa kỳ đã có mặt trên bầu trời Iwo Jima . 51 chiếc oanh tạc cơ cất cánh từ các mẫu hạm tiến vào với mục đích là tiêu diệt những dàn cao xạ của Nhật ở trên đảo . Một cuộc không chiến ngắn ngủi diễn ra ngay sau đó nhưng có tất cả 66 phi cơ chiến đấu của Nhật bị bắn rơi , để lại bầu trời Iwo Jima trống rỗng , một cơ hội tốt cho những oanh tạc cơ Hoa kỳ có dịp tung hoành muốn dội bom chỗ nào tùy ý .

  Cuộc không tập chớp nhoáng này tuy gây nhiều thiệt hại nhưng Kuribayashi chẳng coi vào đâu . Trái lại ông còn tuyên bố với thuộc cấp của mình rằng “Chúng nó mà dám mang đầu tới đây thì ông quyết cho chúng nó chạy tuột quần một phen cho biết” . Và trong một lúc hứng chí bên ly sake , ông lại thủ thỉ với một sĩ quan tham mưu vừa mới đến đảo là đại tá Yoshitaka Horie “Đại tá , đại tá đừng quên rằng hạm đội liên hợp của chúng ta rồi đây sẽ xuất hiện ở vùng biển này và sẽ giáng cho kẻ thù những trận đòn chí tử . Vai trò của chúng ta ở đây là gì ? Hỏi tức là trả lời , là tập trung sức mạnh để trả miếng quyết liệt với kẻ thù” . Đại tá Horie , người đã từng làm việc với hải quân trong nhiều năm dài nhằm hoàn thiện lại hệ thống vận chuyển nên ông rất am tường sức mạnh của hải quân . Ông lắc đầu rồi đưa mắt nhìn thẳng vào vị tướng chỉ huy trưởng , ông nói “Thưa trung tướng , bốn chữ “hạm đội liên hợp” chúng ta coi như không còn nữa . Mà chúng chỉ là những lực lượng thưa thớt chấp vá còn sống sót sau những cuộc hải chiến kinh hoàng từ sau trận Midway . Tóm lại , chúng ta không còn đủ một lực lượng cần thiết để đáng gọi là lực lượng xung kích . Trung tướng há chẳng có nghe phong phanh về cái kết quả tệ hại của chiến dịch A-GO à ?” . Đoạn Horie tường thuật tỉ mỉ sự thật diễn tiến cuộc hải chiến ở Marianas và hạm đội liên hợp bị đại bại như thế nào nhất nhất đều mang ra kể hết cho ông tướng chỉ huy trưởng nghe . Horie kể lại trận hải chiến mà người Mỹ đã tự hào đặt cho một cái tên là “trận bắn vịt trời” ở biển Marianas . Viên đại tá nói bằng một giọng ngậm ngùi đầy cảm động khi ông nhìn nhận ngày 19 tháng 06 là ngày hạm đội liên hợp chính thức cáo chung .  Nghe xong Kuribayashi chẳng những không tỏ ra lo lắng chút nào mà còn lên tiếng trách cứ đại tá Horie đã quá đề cao sức mạnh của địch quân . Ông nói bằng giọng cương quyết , một sự cương quyết của một vị tướng chỉ huy can trường “Dù thế nào đi nữa thì hòn đảo này đã được Đông kinh chiếu cố , tất nhiên bằng mọi giá chúng ta quyết phải giữ cho bằng được nó” .

  Sau đó tướng Kuribayashi ra lệnh cho di tản tất cả thường dân hiện sinh sống trên đảo , cho họ trở về cố quốc . Đồng thời xúc tiến ngay việc phòng thủ , đặc biệt nhất là một hệ thống địa đạo chằn chịt như tổ ong nằm sâu trong lớp đá của ngọn núi lửa .

  Dù đối với đại tá Horie , tướng Kuribayashi không hề để lộ vẻ lo lắng khi nghe ông ta tường thuật từng lại những thất bại liên tiếp của hải lục quân ở mặt trận Marianas và Phi luật tân nhưng trong thâm sâu ông cũng nhìn nhận hỏa lực kinh người của Hoa kỳ . Ông biết đó mới là một sự thật mà người cầm quân cần phải nắm vững . Do đó , ông nghĩ nếu so sánh sự tương quan giữa hai lực lượng của ta và địch thì dù nếu có tung hết quân số phòng thủ hiện diện ở đây ra phía bờ biển để ngăn chận không cho địch quân đổ bộ lên đảo thì cũng là một cố gắng vô ích . Một câu nói của đại tá Horie đã khiến cho tướng Kuribayashi thay đổi cách nhìn ở phòng tuyến Iwo Jima là “Nếu trong chúng ta , trước khi đền nợ nước mỗi chiến sĩ hạ được 10 tên lính Hoa kỳ thì thế giới sẽ công nhiên mà nhìn nhận một sự thật đáng tự hào là chúng ta đã chiến thắng cuộc chiến , một chiến thắng vinh quang nhất và anh dũng nhất” . Một chiến thuật phòng thủ mới được hoạch định ngay sau đó giữa tướng Kuribayashi và ban tham mưu . Thay vì ngăn chận địch quân ngay từ bờ biển thì việc bố phòng lại cho rút sâu vào mê cung giữa ngọn núi độc nhất trên hòn đảo . Đến mùa hè thì quân số phòng thủ Iwo Jima được tăng viện thêm hơn mười ngàn binh sĩ nữa và một vị chỉ huy hải quân khác cũng được đến thay thế , đó là phó đô đốc Toshinosuke Ichimaru , một sĩ quan hải quân năng nổ mà cũng là một cựu phi công của những thập niên 20 .

  Ngày 10 tháng 08 , đại tá Horie , người đang đãm nhiệm một công tác ở đảo Chichi Jima trở lại đảo Iwo Jima để thiết lập kế hoạch vận chuyển tiếp liệu cho toàn đảo . Quà tặng cho tổng hành dinh của sư đoàn 109 trên đảo Iwo Jima mà ông mang theo là 2 chai nước uống . Tướng Kurinayashi đang ngồi bên hiên doanh trại dường như đang hong gió biển , khuôn mặt xạm đen vì nắng gió bao ngày như hằn thêm nét khắc khổ của vị tướng . Ông ngồi bất động trước cái tin bất ngờ vừa đưa đến là 28 chiếc xe thiết giáp bị chìm khi đang trên đường tiếp vận cho Iwo Jima .

  Sau khi dùng bửa chiều xong , hai người ra bờ biển ngồi nhìn về nơi xa xa nhỏ to tâm sự . Kuribayashi lên tiếng than thở với đại tá Horie rằng binh sĩ dưới quyền ở đây họ đa số là tân binh , chẳng có tí kinh nghiệm chiến trường và vẫn chưa chịu khép mình trong kỷ luật quân đội , họ không thi hành mệnh lệnh một cách tuyệt đối bởi thế dù là người chỉ huy tối cao , Kuribayashi cũng khó có thể bắt buộc họ phải làm theo ý của mình được . Horie lắc đầu như tỏ ý đồng tình với thượng cấp . Bất chợt ông lại hỏi “Thưa trung tướng , tại sao trên đảo bây giờ lại có nhiều địa đạo như vậy . Ông cho thiết lập chúng với mục đích gì ? Chúng ta có cố gắng đến đâu thì cũng sẽ bị tiêu diệt hết thôi” . Kuribayashi tỏ vẻ bi quan cùng cực , ông thở ra ngao ngán “Nhật bản đang đi vào tuyệt lộ . Chúng ta còn biết làm gì hơn ngoài hai chữ cố gắng” .

  Chiều hôm sau , đại tá Horie đến thăm doanh trại của một đại đơn vị thuộc sư đoàn 109 , một đơn vị có đến 5 ngàn binh sĩ thuộc trung đoàn 2 dưới quyền của trung tướng trung đoàn trưởng Kotau Osuha . Vừa nhìn thấy đại tá Horie xuất hiện là tướng Osuha lên tiếng phàn nàn về chiến thuật bỏ ngỏ bờ biển của tướng Kuribayashi . Ông cho rằng nếu không ngăn chận địch quân từ ngoài khơi thì việc phòng thủ coi như sẽ thất bại , trước nhất là sân bay nằm gần bờ biển , một sân bay duy nhất có phi đạo dài đủ cho oanh tạc cơ cất cánh sẽ bị lọt vào tay Hoa kỳ . Horie đã đọc được sự chán nãn của vị tướng trung đoàn trưởng qua giọng nói có chứa đựng nồng độ trách móc , nhưng khổ nổi là ông không thể nào giải thích cặn kẻ cái lý do không còn được sự yễm trợ của hạm đội liên hợp nữa nên Kuribayashi mới dùng đến chiến thuật bỏ ngỏ như thế . Đối với đại tá Horie thì ông nghĩ , tốt hơn hết và an toàn hơn hết là đừng nên nói cho bất cứ ai biết rõ cái sự thật quá phủ phàng của hải quân Nhật bản dù người ấy là cấp chỉ huy cỡ trung đoàn trưởng cũng thế .

  Riêng về phó đô đốc Ichimaru thì ra mặt chống đối lại chiến thuật của Kuribayashi ngay từ đầu . Chiều cùng ngày , ông cùng 3 vị sĩ quan hải quân cao cấp khác đến gặp tướng Kuribayashi ngay tại tổng hành dinh sư đoàn .

  Chỉ huy trưởng đệ tam không đoàn Hijiri Urabe cất giọng sang sảng bảo đó là những lời của bộ tổng tham mưu hải quân Hoàng gia muốn nói “Hải quân chúng tôi dự định sĩ cho xây nhiều công sự bê tông chung quanh sân bay Chidori (sân bay gần bờ biển) và đã chuẩn bị sẳn sàng 300 khẩu đại liên 25 ly cùng vô số vật liệu xây dựng . Nếu chúng ta nằm sẳn trong công sự chiến đấu bằng bê tông được xây sâu dưới đất mà chống trả thì dù có thiên binh vạn mã họ cũng chẳng thể nào bước chân được lên bờ biển Iwo Jima này một bước” . Nghe giọng nói đầy vẻ tự tin đến độ khoát lát và nét mặt huyênh hoang ngạo mạn của Urabe , đại tá Horie hậm hực bước tới vễnh hàm râu mép mở miệng hỏi ngay “Để tôi hỏi ông câu này nhé , vậy chớ những khẩu đại liên của chúng ta ở Saipan và Guam chúng cầm cự được bao lâu nhỉ ? Xin ông cắt nghĩa rõ ràng cho chúng tôi biết tác dụng của những công sự bê tông ở bờ biển Tarawa chúng hữu hiệu như thế nào ?” . Ngừng một chốc như để cho vị chỉ huy không quân tiêu hóa những câu hỏi hóc búa của mình vừa nêu ra , Horie lại tấn công ngay . Bằng một giọng ồm ồm như chuông bể ông nói “Mẹ , có thằng nào dám mạnh dạn bảo rằng lấy đại liên mà chống lại đại pháo và bom oanh tạc từ hàng trăm chiến hạm và hàng chục phi đoàn là một cách chống trả hữu hiệu . Chúng ta đã học những bài học đau thương từ Saipan , từ Guam và Tinian . Những thất bại liên tục đó đã dạy cho chúng ta biết , và biết rất rõ rằng cách phòng thủ tốt nhất chỉ có mỗi một cách là rút sâu vào hạng động và dùng lối đánh bất thần như du kích chiến để giảm thiểu tiềm năng của địch . Chúng ta phải chấp nhận một sự thật phủ phàng rằng với sức mạnh của chúng ta , chúng ta không thể nào bảo vệ được bờ biển . Tôi xin nhắc lại là chúng ta không thể” . Horie càng nói càng say sưa . Ông hết nhìn vị chỉ huy trưởng không hải quân rồi quay lại nhìn tướng Kuribayashi . Đoạn ông cất giọng chậm rãi nói tiếp “Theo thiển ý của tôi , những công sự bê tông dù có kiên cố đến đâu cũng không thể nào chịu nổi dưới hỏa lực hùng hậu của bom và hải pháo địch . Cách tốt nhất là dùng những vật liệu xây dựng và những khẩu đại liên mà ông bảo rằng sắp chuyển đến đó vào tuyến phòng thủ để tăng thêm sức mạnh ở hai cứ điểm  , một là ngọn núi Suribachi (điểm cực nam hòn đảo) và thứ hai là vùng trung đảo thuộc làng Motoyama” .

  Bất đắc dĩ Urabe mới quay nhìn tướng Kuribayashi để chờ ông quyết định . Vị tướng chỉ huy chỉ gật gù cái đầu và buông thỏng một câu “Tôi đồng ý với đại tá Horie” . Urabe chẳng biết làm gì hơn trong lúc này , ông lúng túng nhìn quanh căn phòng rồi nhìn Horie , vành môi ông kéo xệch lên để cố nở một nụ cười héo hắt và nói “Tôi phải nói rằng tôi đặc biệt hết sức ngạc nhiên khi đại tá lại tỏ ra có ý chống đối với tôi vì thường khi ông là một người bạn tốt luôn luôn tôn trọng mọi ý kiến của hải quân chúng tôi mà” . Horie trả lời một cách thẳng thắn “Nếu tôi đã không đọc được những báo cáo gửi về từ những trận đánh ở Guadalcanal , Saipan và Guam thì tôi có lẽ đã đồng ý với ý kiến của quí vị và không có một thắc mắc nào hết . Nhưng bây giờ thì chính những sự thật mà tôi biết được nó không cho phép tôi làm như vậy được” .

  Tuy nhiên cuộc cãi vả vẫn diễn ra và kéo dài mãi giữa hải và lục quân vì ai cũng cố giữ khư khư cái quyết định của mình . Cuối cùng tướng Kuribayashi nêu lên một ý kiến hầu để dung hòa cho hai phe . Ông nói bằng một giọng hết sức mềm mỏng “Thôi thì như thế này , để tôn trọng ý kiến của quí vị , thì quí vị hải quân có thể mang súng đạn và vật liệu đến để xây dựng công sự ở chung quanh sân bay như quí vị tính đi . Nhưng số vật liệu kia , xin quí vị chia xẻ bớt cho cánh lục quân chúng tôi một mớ để chúng tôi củng cố thêm công sự phòng thủ ở những nơi chúng tôi muốn . Quí vị nghĩ thế nào ?” . Urabe mĩm cười đồng ý ngay . Ông nói “Tôi đã có trình lên trung tướng là chúng tôi sẽ chuyển đến số vật liệu xây dựng cho 300 công sự , sau khi tôi trở về Đông kinh , tôi hứa tôi sẽ cố gắng chạy ra cho đủ số và còn dư ra để dành riêng cho trung tướng sử dụng” . Thế là vui vẻ cả làng , chuyện cãi vả coi như tạm chấm dứt ở đây . Chuyện này không bàn tới nữa .

  Sau đó tướng Kuribayashi cho triệu tập các cấp chỉ huy trong sư đoàn của mình lại chính thức công bố kế hoạch phòng thủ : Cho dù địch quân xuất hiện hoặc họ đã đặt chân lên bãi biển nhưng tuyệt đối cấm không được nổ súng khi chưa có lệnh . Tất cả phải chờ cho đến khi nào địch quân tiến vào vùng trung đảo khoảng hơn trăm mét thì những ổ súng đã đặt sẳn trong công sự chung quanh sân bay và các khẩu đại pháo từ ngọn núi Suribachi và ngôi làng Motoyama mới bắt đầu đồng loạt khai hỏa . Tướng Osuha và đại tá Horie lên tiếng phản đối nhưng Kuribayashi tản lờ đi như không thèm đếm xỉa đến họ . Ông nói chầm chậm nhưng bằng một giọng hùng hồn và quyết liệt “Phải chờ cho đến lúc kẻ địch đã tiến sâu vào nội địa thì mỗi người lính chúng ta mới bắt đầu đứng lênh nghênh địch . Phải dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng . Nhưng trước khi gục ngã , mỗi người lính chúng ta ít nhất cũng phải tiêu diệt được 10 tên lính Mỹ . Phải , đây chính là cơ hội cho chúng ta ra tay báo quốc . Chúng ta quyết tử chiến tới cùng , mỗi một mỗi hố cá nhân của mỗi người lính là một nấm mồ ôm lấy xác thân của họ” .

  Đội quân đồn trú hiện tại đang có mặt ở Iwo Jima lên đến con số 21 ngàn quân , trong đó 14 ngàn lục quân và 7 ngàn hải quân . Họ chia ra thành năm khu vực . Ngọn núi lửa Suribachi được giao cho 1,860 binh sĩ thuộc một đơn vị chiến đấu độc lập trấn giữ . Nhiệm vụ của họ là dùng tất cả hỏa lực cố kềm chân địch ngoài bờ biển càng lâu càng tốt . Đến lúc này thì đã có rất nhiều hầm hố vừa xây xong , tất cả cửa đều hướng về phía bờ biển , đó là phòng tuyến đặc biệt nằm dọc theo bờ biển để bảo vệ sân bay số một . Các kỹ sư đầy kinh nghiệm của Nhật thiết kế loại hầm đặc biệt có vách thông ra cửa hơi chếch về một phía , như thế dù đạn pháo có rơi trúng ngay miệng hầm cũng chẳng gây thiệt hại đến người bên trong  .

  Riêng về phần địa đạo xây bên trong ngọn núi thì công việc còn đang dang dở nhưng cũng coi như tạm xong , đã có máy phát điện và hầm kho chứa nước , lương thực và đạn dược . Các ổ phòng không và đại bác cũng đã định vị đâu đó xong xuôi . Có thể nói hiện tại thì quân trú phòng đã sẳn sàng cho một trận thư hùng xảy đến bất cứ lúc nào .

  Về mặt bắc của hòn đảo , lợi dụng địa thế đất đá lồi lõm đầy hang động thiên nhiên do núi lửa tạo thành không biết từ đời thuở nào , quân Nhật khai thác ngay lợi thế này , họ đào thông những hang động nối liền với nhau tạo thành một mê cung chằn chịt địa đạo . Ở đây có khoảng 2000 binh sĩ đóng dọc theo những cái chốt dày đặc nằm vắt ngang theo chiều đông tây của hòn đảo , đó là phòng tuyến thứ nhì bảo vệ sân bay số 3 . Phòng tuyến thứ nhất nằm sâu về vùng trung đảo cũng với những hầm hố chằn chịt vắt ngang chiều đông tây tại ngôi làng mang tên Motoyama , phòng tuyến này có bổn phận trấn giữ sân bay số 2 . Riêng về tướng chỉ huy trưởng căn cứ Iwo Jima là Kuribayashi thì tổng hành dinh của ông được thiết lập ở cực bắc hải đảo , khoảng 500 mét phía nam mũi Kitano . Căn cứ của ông nằm sâu 20 mét dưới mặt đất được ẩn kín trong các hang động và địa đạo .

                          ………………………………………………..

  Sự chờ đợi của quân trú phòng Iwo Jima chẳng kéo dài bao lâu sau đó . Bắt đầu là những trận oanh tạc không ngừng nghỉ kéo dài hàng 6 tuần lễ liên tiếp . Đó là những phi vụ B-24 đến từ các căn cứ ở quần đảo Marianas . Ngày 15 tháng 02 , hải quân Hoa kỳ chính thức khai pháo mở màn cho trận đánh lừng danh thế giới này . Hòn đảo nhỏ chỉ có 25 dặm vuông chỉ mới mở màn thôi mà ngày đầu tiên nó đã nhận lãnh tất cả 21, 926 quả đạn pháo đủ loại . Tuy nhiên có một điểm cần phải nhắc lại là với số đạn pháo và 6 tuần lễ oanh tạc , số thương vong của binh lính Nhật bản chẳng có gì đáng kể vì đa số họ đã ẩn mình sâu trong những địa đạo kiên cố . Rạng sáng ngày hôm sau lại có thêm 6 thiết giáp hạm , bốn tuần dương hạm nặng và một tuần dương hạm nhẹ cùng vô số khu trục hạm xuất hiện chung quanh bờ biển của ngọn núi Suribachi . Có lẽ quân trú phòng Nhật bản vẫn còn chưa hay biết phía địch còn có thểm một đội tiểu mẫu hạm gồm 12 chiếc đang có mặt ở một vùng biển phía nam chỉ cách Iwo Jima chừng 50 để phóng phi cơ oanh kích và đề phòng tiềm thủy đỉnh .

  Tuần dương hạm và thiết giáp hạm Hoa kỳ bắt đầu khai hỏa đợt hải pháo thứ nhì . Cả hòn đảo sau bao nhiêu ngày đêm hứng bom đội pháo dường như hình thù của nó cũng phải bị đổi thay không ít . Khói thuốc đạn và bụi mù tung lên bao bọc lấy hòn đảo tí hon khiến từ xa nhìn vào người ta cứ ngở đó là một ngọn núi lửa đang thời kỳ hoạt động . Quân Nhật tuyệt nhiên không bắn trả , những tiếng ùng oàng trời rung đất chuyển ấy cứ kéo dài mãi cho đến chiều mới chấm dứt . Và một lần nữa , phía Nhật bản chẳng có một thiệt hại nào đáng kể .

  Cũng cùng một ngày hôm ấy , cách hòn đảo khói lửa mù trời Iwo Jima khoảng 650 dặm về phía bắc , ngay chính quốc Nhật bản cũng bị nhiều phi đội oanh tạc cơ của Hoa kỳ thăm viếng . Chúng là những phi cơ từ lực lượng đặc nhiệm 58 của Mitscher tiến vào đánh bom xưởng sản xuất cơ phận máy bay ở một nơi quá gần thủ đô Đông kinh . Ngày hôm sau , 17 tháng 02 mục tiêu kế tiếp là xưởng Musashino . Cơ xưởng này vốn là mục tiêu oanh tạc của pháo đài bay B-29 trước đây nhưng đã đôi lần đến rồi đi nhưng chẳng gây được một thiệt hại nào đáng kể .

  Đến trưa cùng ngày , thời tiết trở nên xấu đi nên Mitscher ra lệnh thu quân mang lực lượng quay trở về vùng biển phía nam yễm trợ cho cánh quân đổ bộ lên đảo Iwo Jima . Lực lượng đặc nhiệm 58 đến vội vả và rút đi cũng vội vả , nó để lại sau lưng một vùng khói lửa tang thương cho phía địch . 342 phi cơ Nhật bị bắn rơi và 190 phi cơ bị phá hủy dưới đất trong khi phía Mitscher chỉ tổn thất có 49 phi cơ .

  Vùng biển chung quanh Iwo Jima lúc này khá quang đảng nên tầm nhìn rõ ràng và xa hơn . Các tàu giải mìn của Hoa kỳ tỏ ra khá khinh địch , chúng di chuyển rất chậm và khá gần bờ biển nên cánh phòng thủ nổ súng bắn ra tới tấp . Chiếc tuần dương hạm nặng Pensacola biết sắp có chuyện chẳng lành nên từ ngoài xa tiến vào tiếp cứu các khu trục giải mình . Vô tình nó trở thành một mục tiêu hết sức hấp dẫn cho khẩu đội trưởng một khẩu đội pháo . Thế là các tay pháo thủ Nhật bản hạ nòng bắn trực xạ thẳng vào chiếc tuần dương hạm Hoa kỳ . Chiếc tuần dương hạm Pensacola định tiến vào giải cứu cho đồng bạn nhưng bây giờ phải lo tự cứu mình . Bị một loạt 6 trái pháo đánh trúng khiến nó hốt hoãng quay đầu biến mất với số thương vong lên đến 137 người .

  Tin chiếc tuần dương hạm Pensacola bị quân Nhật tấn công loan ra nhanh chóng , chỉ không đầy 20 phút sau nhiều khu trục hạm , pháo hạm thậm chí có cả thuyền phao và nhiều toán người nhái xuất hiện đen đặc cả một vùng biển . Quân trú phòng Nhật bản rúng động thật sự trước sự phô trương lực lượng của hải quân Hoa kỳ . Tướng Kuribayashi bấy giờ không còn nghi ngờ gì nữa , Hoa kỳ đã chính thức cho quân đổ bộ lên Iwo Jima rồi . Lúc 10:35 sáng , ông ra lệnh cho vài khẩu đội pháo khai hỏa bắn vào những pháo hạm địch . Pháo vừa nổ thì phi cơ Hoa kỳ xuất hiện ngay , họ cho thả trái khói che khuất cả một vùng biển . Đồng thời khu trục hạm cũng bắn ra loại đầu đạn khói trắng khiến không bao lâu sau hòn đảo tí hon chìm vào màn khói mịt mù dày đặc . Lợi dụng lúc này thuyền phao tiến sát vào bờ mang theo nhiều đội người nhái . Nhiệm vụ của họ là dò xem mìn bẫy chung quanh khu vực dự định sẽ cho thủy quân lục chiến đổ bộ . Và kết quả là chẳng có mìn bẫy gì cả .

  Nhìn về phía phòng thủ sau mấy tuần lễ hứng bom đội pháo , chỉ riêng tại sân bay số 2 thì lúc này họ chỉ còn lại có vỏn vẹn hai chiếc chiến đấu cơ Zero nhờ chúng đậu khá sâu trong hầm nên có thể miễng cưởng cất cánh được . Mỗi chiếc Zero có gắn thêm loại bom 60 ký lô . Sứ mạng được giao phó cho hai chiếc Zero còn sống sót này là mang bom đi tự sát và mục tiêu là những chiến hạm lớn như thiết giáp hạm hoặc mẫu hạm của địch . Hai viên phi công nhận lệnh , một anh thì hăng hái quyết chí ra đi nhưng một anh còn lại thì kinh hãi e dè vội lên tiếng cáo bệnh . Anh bạn phi công cả giận quắc mắt bảo “Sớm muộn gì thì cũng chết . Sợ cái đếch gì mà sợ . Mày không phải là bạn của tao nữa , đồ đàn bà chết nhát !” . Tưởng vị sĩ quan phi đoàn trưởng sẽ lên tiếng khiển trách , nhưng không , ông chẳng nói gì chỉ quay sang nhóm phi công tề tựu chung quanh và cất tiếng hỏi xem có ai tình nguyện . Một anh phi công trẻ , mặt mày có vẻ bặm trợn , anh chẳng nói chẳng rằng chỉ giơ tay lên làm dấu đồng ý rồi bước thẳng tới chiếc Zero mở cửa chui vào .

  Hai phi công vô danh chuẩn bị lao vào một sứ mạng lịch sử lướt mắt nhìn đồng đội một lượt như thầm nói lời vĩnh biệt  . Và họ đã đi vào lịch sử một cách âm thầm khi chưa hoàn thành sứ mạng . Khi cả hai chiếc chiến đấu cơ vừa cất mình rời khỏi phi đạo , lúc nghiêng cánh đảo quanh một vòng sau ngọn núi Suribachi thì phòng không từ những khu trục hạm Hoa kỳ đã gởi lời chào vĩnh biệt họ .

  Rồi tất cả lại chìm vào yên tĩnh , yên tĩnh một cách nặng nề . Đến ngày hôm sau thì hòn đảo vẫn nằm trong tình trạng hoàn toàn im lặng , đến nổi tướng Kuribayashi tỏ ra lạc quan hơn , ông nghĩ ngày hôm qua các khẩu đội pháo đã giúp ông đẩy lùi được cuộc đổ bộ của địch quân . Nghĩ như thế nên Kuribayashi hân hoan gọi điện về Đông kinh để báo cáo . Đô đốc Toyoda , chỉ huy trưởng hạm đội liên hợp gởi điện văn chúc mừng đến đô đốc Ichimaru .

  Về phía Hoa kỳ , sau hai ngày sử dụng tối đa hải pháo và một lần phô trương lực lượng , tuy thiệt hại đôi bên không có gì đáng nói nhưng vô tình Kuribayashi đã để lộ bí mật của những khẩu đội pháo giấu kín trong những địa đạo và lối bố trí phòng thủ của họ ra cho Hoa kỳ nhìn thấy rõ . Nắm được điểm này rồi thì Hoa kỳ liền cho tập trung hải pháo vào một ngày cuối cùng chỉ ngay mũi phía đông nam của hòn đảo , ngay vị trí mà thủy quân lục chiến sẽ tiến vào .

  Bình minh hôm ấy là một buổi bình minh u ám , u ám bầu trời và u ám cho cả cánh quân phòng thủ Nhật bản . Pháo và bom một lần nữa trút xuống hòn đảo oan nghiệt Iwo Jima thật khủng khiếp . Lần này Hoa kỳ cho sử dụng tối đa vì họ đã nhìn thấy những điểm tập trung phòng thủ của quân Nhật nên những loại đầu đạn trái phá được trút vào như mưa bấc . Một nửa hệ thống hầm hố của hai phòng tuyến 1 và 2 của Nhật bị đánh tung và đặc biệt những công sự ngay tại bờ biển , nơi sân bay số 1 thì coi như bị đổ nát và san bằng tất cả .

  Cũng cùng một ngày này , hai sư đoàn 4 và 5 thủy quân lục chiến đang có mặt trên những dương vận hạm trên đường tới mặt trận . Ngày 19 tháng 02  , ngày D đã đến . Lúc 3:30 sáng thủy quân lục chiến đều thức giấc và dùng bửa ăn sáng rất sớm . Lúc họ có mặt trên boong tàu để chuẩn bị xuống tàu đổ bộ vào bờ thì ánh hừng đông đã ló dạng . Mờ trong áng sương sớm , hòn đảo Iwo Jima cô đơn im lặng hiện rõ mồn một trước những con mắt đang căng thẳng trông vào . Ngọn núi lửa Suribachi ẩn hiện phía cuối đảo trông nó có vẻ kỳ bí và cao ngạo làm sao . Lớp sương sớm mờ nhạt bao quanh một vùng thâm u như một tấm màn bí mật che đậy những gì kinh hoàng nhất , khủng khiếp nhất đang chờ đợi những bước chân người lính viễn chinh dưới lớp quân phục rằn ri màu sóng biển tiến đến .

  Lúc 6:40 sáng , bảy chiếc thiết giáp hạm , bốn tuần dương hạm nặng và bốn tuần dương hạm nhẹ bắt đầu khai pháo đợt cuối cùng lên hòn đảo , mở màn cho một trận đổ bộ đẫm máu . Lúc 7:00 , tức 20 phút sau đó , các pháo hạm loại nhỏ tiến sát vào bờ tập trung hỏa lực súng cối và rốc kết vào sườn núi Suribachi . Lúc 8:00 , thêm 120 phi cơ cất cánh từ hàng không mẫu hạm xuất hiện , lại thêm một thảm bom đủ loại từ bom lửa napal đến bom oanh tạc trãi dài theo cả một khu vực rộng lớn từ phía đông nam hòn đảo đến ngọn núi Saribachi và sân bay quân sự số 1 . Hết đợt oanh tạc thứ nhất , đợt oanh tạc thứ nhì lại rầm rú kéo đến đen đặc cả bầu trời . Lại thêm 10 chiếc khu trục hạm khác xuất hiện và hải pháo tiếp tục nổ vang rền pha lẫn với những tiếng bom từ trời cao đánh xuống . Hòn đảo địa ngục một lần nửa chìm trọn vào vùng lửa khói mịt mù . Một cảnh tượng hết sức khủng khiếp do bom pháo gây ra đến nổi anh phóng viên Robert dù có mặt trên hầu hết các mặt trận Thái bình dương cũng phải rùng mình khiếp đảm , anh nhìn lên hòn đảo tí hon đang như rung động mãnh liệt trước cơn mưa pháo mà tưởng rằng một lúc nào đó nó sẽ chìm mất vào lòng đại dương .

  Phía quân phòng thủ thì họ đang một lần nữa gồng mình chịu đựng , nằm bẹp dí cố ép sát người trong những hang hốc địa đạo và chiến hào , hai tay bịt kín lấy lổ tai mà mắt mở trừng trừng trông ra ngoài bờ biển trông chừng những cái bóng rằn ri mà họ nghĩ sẽ xuất hiện rất sớm . Quân lệnh cuối cùng của tướng chỉ huy trưởng Kuribayashi truyền xuống trước giờ giao tranh là : ''Dù như thế nào đi nữa chúng ta cũng phải tận sức bảo vệ hòn đảo , cho sử dụng lựu đạn tối đa đánh vào xe tăng địch .  Những điểm tập trung đông đảo nhất của địch sẽ là những mục tiêu cần thanh toán trước nhất . Mỗi một sinh mệnh của binh sĩ chúng ta phải đổi lấy ít nhất 10 là tên lính Mỹ'' . Một cái lệnh tử thủ như trên đảo Saipan được lập lại ở đây .

  Từ trong cửa của một địa đạo trên núi Suribachi , quân trú phòng nhìn thấy rất rõ ràng đoàn tàu đổ bộ của địch quân xuất hiện đen đặt cả một vùng biển . Nó như đàn vịt khổng lồ đang ung dung hong mình trong nắng mai . Đợt đổ bộ đầu tiên tiến vào trên những chiếc tàu đổ bộ chia ra thành năm nhóm hiện đang có mặt sẳn ở một vị trí rất gần bờ biển . Nhóm thứ nhất gồm 69 tàu nhỏ , mỗi chiếc 20 binh sĩ , chúng đáp vào bờ biển lúc 9:02 phút sáng . Thủy quân lục chiến trong tư thế lâm trận chân vừa chạm cát tức thì bung ra thành nhiều đội hình bò thẳng lên đảo tìm lấy cho mình những chướng ngại thiên nhiên để lập đầu cầu cho quân bạn tiếp tục . Cánh quân phía sau cũng nhanh nhẹn tiến lên và bám lấy vị trí cho những cánh quân khác , và cứ thế họ đã len lõi lấn sâu vào vùng trung tâm hòn đảo với sự im lặng đến ngạc nhiên . Một sự im lặng nặng nề đang bao trùm lên một thế giới hạn hẹp giữa ánh nắng ban mai đang le lói . Người ta có biết đâu , chỉ sau những giây phút ngắn ngủi hồi hộp chờ đợi những gì sẽ xảy ra . Và cái gì tới nó đã tới ….

  Khi những chiếc bóng rằn ri tiến tới phạm vi những công sự bị xụp đổ chung quanh sân bay số 1 thì súng máy từ phía phòng thủ bắt đầu khạt lửa . Đạn từ trong những hầm hố xụp đổ , những đống bê tông cứ quạt thẳng vào nhóm binh sĩ tiền quân của thủy quân lục chiến . Rồi cối và pháo nhô ra từ những miệng hầm , một lưới đạn pháo chụp thẳng xuống ngay đầu cầu cánh quân vừa đổ bộ .Trận đánh Iwo Jima bắt đầu . Sau những thiệt hại bất ngờ , số thủy quân lục chiến vừa đổ bộ còn sống sót bàng hoàng tháo lui lại bờ biển , nhưng tại nơi đây tình trạng cũng nguy hiểm không kém . Dưới hỏa lực pháo và cối như liên tục khiến cho họ lâm vào tình trạng tiến thối lưỡng nan . Cánh quân của sư đoàn 5 tân lập Hoa kỳ lần đầu tiên nhập cuộc chơi . Họ tiến vào nơi bờ biển phía cánh trái . Đầu tiên là trung đoàn 28 , một trung đoàn xương sống của sư đoàn tiến vào hướng triền núi Suribachi . Nhiệm vụ của trung đoàn này là cắt ngang phần eo thắt để chia hòn đảo tí hon ra làm hai , tập trung lực lượng cô lập và chiếm ngọn núi lửa Surabachi trong khi trung đoàn 27 sẽ bung ra áp đão khu vực sân bay số 1 , tức sân bay vùng cận nam hải đảo . Phía cánh phải , hai trung đoàn thuộc sư đoàn 4 thủy quân lục chiến tiến lên hiệp lực với trung đoàn 27 chiến cho được sân bay và sau đó giàn quân căn ngang làng Motoyama với mục đích chia hòn đảo ra làm đôi , cùng một chiến thuật cắt chiếc bánh Saipan và đã thành công ở đó .

  Anh phóng viên chiến trường mới vào nghề Allen Matthews lần đầu tiên được tham dự vào một trận đánh khốc liệt đã không khỏi kinh tâm khi tận mắt chứng kiến những thảm cảnh chết chóc và tàn phá của chiến tranh . Chính ở những giây phút đầu tiên của cuộc đời phóng viên nó đã cho anh hiểu rõ hơn những hiểm nguy chết chóc của người lính chiến giữa chốn hòn tên mũi đạn , những gian khổ nhọc nhằn mà họ phải chấp nhận . Cũng như những người lính đang đối diện với quân thù nhưng vũ khí của anh chẳng có gì ngoài một tập giấy và cái máy ảnh và cái ba lô nặng trĩu trên lưng . Khi cánh quân tiền đạo đã bị pháo địch dội trúng đội hình , họ khựng lại và tháo lui về phía bờ biển , Allen cũng bám sát theo họ như bóng với hình , anh chỉ biết chạy và chạy nhưng khốn nỗi cái ba lô cồng kềnh nặng trĩu nó như nhận đôi chân của anh dính sâu dưới lớp cát . Và có lẽ cả hai , một vì nặng nề khó nhấc bước và một vì hãi kinh giữa những tiếng nổ như trời long đất lở cát bụi mịt mù khiến cho đôi chân của anh càng quíu lại không tài nào nhấc bước được . Anh quị xuống nằm chịu trận và cứ đưa mắt nhìn trừng trừng vào những xác chết của đồng đội nằm vắt vẻo đủ mọi tư thế . 

  Mặt đất rung chuyển từng hồi như những cơn địa chấn tiếp nối do pháo và cối trên đảo đồng loạt nổ vang và mục tiêu duy nhất là bãi đổ quân của Hoa kỳ . Dữ dội nhất có thể nói là những ụ pháo giấu kín từ phía ngọn núi lửa Suribachi , tức là nơi điểm cận nam của hòn đảo . Các binh sĩ Hoa kỳ tiến lên rất khó khăn không chỉ phải khốn đốn trong làn lửa đỏ trời của hỏa lực địch mà còn bởi địa hình quá phức tạp của hòn đảo . Tốp này gục thì tốp khác tràn lên , đất ở đây chỉ là tro núi lửa , mềm và rời rạc nên không giúp ích gì cho những hố cá nhân che chở cho thủy quân lục chiến .

  Đại pháo của phía phòng thủ đã khôn khéo giấu kín sâu trên triền núi Suribachi và dựa vào yếu tố bất ngờ mà gây được vô số thiệt hại cho Hoa kỳ trong những giờ đầu của cuộc đổ bộ . Do đó chúng trở thành những mục tiêu cần phải thanh toán trước nhất . Thế là tất cả hải pháo ngoài khơi đều tập trung vào sườn núi nơi phía nam hải đảo mà khạt đạn không ngừng , đồng thời trung đoàn 28 được lệnh bám chặc vào bờ biển làm đầu cầu cho những cánh quân tăng viện đang cập bến , để từ đó họ mở những cuộc càn quét sâu về phía nam , tức là tiến về phía triền núi Suribachi .

  Bấy giờ thủy quân lục chiến lại phải đương đầu với những khó khăn trùng trùng khi bắt tay vào cuộc càng quét qui mô vào đất địch . Hầm hố và công sự chiến đấu của Nhật được kết nối bằng một hệ thống địa đạo chằng chịt phức tạp . Một công sự chiến đấu hoặc một ổ pháo của họ vừa được báo cáo là dọn sạch bằng súng phun lửa hoặc lựu đan bỗng dưng có thể nhanh chóng trở lại hoạt động trong khi binh sĩ Hoa kỳ không thể nào ngờ được . Chính vì vậy con số thương vong của họ càng lúc càng nhiều vì những bất ngờ này . Học được nhiều bài học đáng giá với lối đánh kỳ lạ của địch quân nên thủy quân lục chiến càng cẩn thận , họ tiến tới bằng những bước chân đầy cẩn trọng và chắc chắn . Dước làn hỏa lực của pháo và súng máy , sư đoàn 28 cho tung ra các lực lượng thiết giáp , trong khi yêu cầu thêm hải pháo và không quân yễm trợ họ mới có thể băng qua bãi biển để tiến gần về phía mục tiêu chính là sườn núi . Trong những giây phút nóng bỏng này thủy quân lục chiến Hoa kỳ mới tỏ hết khả năng chiến đấu của binh chủng mình , dù bị thiệt hại nặng nề nhưng họ là những chiến sĩ dám coi thường cái chết để đạt mục đích . Châm ngôn của binh chủng thủy quân lục chiến là cố gắng mà . Chiều hôm ấy , hòn đảo bị cắt làm đôi , ngọn núi Suribachi bị cô lập và đã có khoảng 30 ngàn thủy quân lục chiến hiện diện trên đảo . Chiến công hiển hách này thủy quân lục chiến cũng không thể quên những tấm gương hy sinh của nhiều đồng đội đã gục ngã của mình . Hạ sĩ Tony Stein , người đầu tiên nhận được huân chương danh dự tại mặt trận Iwo Jima là một . Tổng cộng con số thương vong trong ngày đầu tiên 19 tháng 02 mà Hoa kỳ phải chịu là 566 tử thương và có đến 1,755 bị thương . Một con số thương vong cao hơn cả cuộc chiến đấu dằng dai trên hòn đảo được mệnh danh là địa ngục Guadalcanal . Đó là chưa để đến khi đêm về , 30 ngàn thủy quân lục chiến tập trung ở vùng trung đảo trên một diện tích quá hạn hẹp , một mục tiêu lý tưởng cho pháo của Nhật nã vào . Họ thả những chiến sĩ cảm tử mang máy truyền tin len lỏi vào tận kho đạn hoặc những chỗ thủy quân lục chiến Hoa kỳ tập trung đông đảo để gọi về chỉ điểm cho pháo binh dội vào . Đó là một đêm đầu tiên hãi hùng nhất của ba sư đoàn thủy quân lục chiến đang có mặt tại Iwo Jima . Ký giả của tuần báo Times là Sherrod đã viết xuống nhận xét của mình về ngày đổ bộ đầu tiên này “Đêm đầu tiên trên đảo Iwo Jima có thể so với một giấc mơi hãi hùng ở tận đáy địa ngục . Sáng ra , chúng tôi có thể chứng kiến một cảnh tượng càng khủng khiếp hơn , tay chân đầu mình , máu me tung tóe , xác chết của binh sĩ bị pháo dập trọn đêm đều có thể nhìn thấy bất cứ nơi đâu , họ chết vô số

  Ngày thứ 3 tức là ngày 21 tháng 02 , vừa tờ mờ sáng thì hòn đảo tí hon Iwo Jima một lần nữa phải gồng mình hứng chịu thêm một cơn mưa pháo khủng khiếp từ những thiết giáp hạm ngoài khơi rót vào . Tiếng pháo vừa dứt thì sư đoàn 28 thủy quân lục chiến bắt đầu đồng loạt tấn công vào những cứ điểm phòng thủ của Nhật . Yễm trợ cho cuộc tấn công này còn có thêm nhiều phi đội đến từ hàng không mẫu hạm . Đến chiều cùng ngày thì thủy quân lục chiến đã tràn qua những pháo đài kiên cố cùng những hầm hố bê tông , phòng tuyến cuối cùng ở phía nam hòn đảo coi như bị lọt vào tay Hoa kỳ . Họ dừng lại chấn chỉnh đội ngũ trước khi tiến vào ngọn núi lửa Suribachi . Đồng thời một mũi dùi đánh thốc lên hướng bắc cũng phát động nhịp nhàng theo cánh phía nam . Đặc biệt ven theo phía trái của hòn đảo , ở một nơi có địa thế thuận lợi cho xe tăng phát huy tất cả uy lực của nó và phía bộ binh tùng thiết là do sư đoàn 5 bộ binh chịu trách nhiệm mặt này . Riêng về phía cánh phải thì nằm trong khu vực hoạt động của sư đoàn 4 bộ binh . Vì địa hình nơi đây quá hiển trở toàn đồi núi gồ ghề nên Nhật cho đóng chốt dày đặt khiến sư đoàn kém may mắn số 4 phải chật vật để dành từng thước đất một vì thế sức tiến của cánh phải rất chậm .

  Trời vừa chập choạng tối , thình lình trên bầu trời Iwo Jima lần đầu tiên kể từ khi trận chiến khai màu người ta mới nhìn thấy phi cơ Nhật xuất hiện . Năm chiếc chiến đấu cơ thuộc đội Thần phong cất cánh từ một căn cứ gần Đông kinh . Chúng len lỏi qua hàng rào phòng không và tiến gần tới chiếc mẫu hạm mang tên Saratoga , lúc này Saratoga đang có mặt cách đảo Iwo Jima khoảng 35 dặm . Hai chiếc Thần phong đầu tiên đảo quanh chiếc mẫu hạm một vòng rồi lao thẳng xuống mặt biển , vừa sắp chạm mặt biển thì anh phi công khéo leo mang con tàu nằm ngang song song với mặt nước và lao thẳng vào hông mẫu hạm . Ba chiếc đến sau thì đồng loạt chúi mũi phóng thẳng xuống sàn mẫu hạm cùng một lúc . Năm quả bom phát nổ trước sau chừng hai phút làm chấn động cả một chiếc mẫu hạm khổng lồ và sau đó thì lửa bùng phát cháy dữ dội . Thủy thủ chưa dứt bàng hoàng vì tiếng nổ dữ dội và lửa đỏ khắp nơi thì tiếp theo lại có năm chiếc phi cơ tự sát khác xuất hiện . Bốn chiếc bị phòng không nhanh chóng bắn rơi nhưng chiếc thứ 5 lại đánh một quả bom trúng ngay phòng lái gây thiệt hại kinh khủng . Chiếc Saragota đã hứng chịu cả thảy 6 trái bom như cùng một lúc khiến cho sức chịu đựng của nó khó thể tri trì được nữa , tức tốc vị hạm trưởng ra lệnh phải mau mau quay mũi rời bỏ chiến trường xuôi về vùng biển an toàn phía nam  .

  Chỉ cách chỗ chiếc mẫu hạm Saragota bị đánh trọng thương có vài dặm , một phi công tự sát khác trong đội Thần phong đã đâm sầm vào một tiểu mẫu hạm hộ tống có tên là Bismarck Sea khiến cho nó phát hỏa cháy dữ dội . Lúc bấy giờ trời đã quá khuya , ngọn lửa cao ngất từ chiếc mẫu hạm bé bi cháy sáng rực cả một vùng biển .

  Cũng cùng trong một đêm hôm đó , đài phát thanh Đông kinh loan tin Hoa kỳ chính thức đổ bộ lên hòn đảo lưu huỳnh Iwo Jima . Lời  tuyên bố của một nhân vật cao cấp nào đó trong quân đội Thiên Hoàng nghe rất hùng hồn , rằng “Turner , người chịu trách nhiệm về cái chết của hàng ngàn binh sĩ chúng ta sẽ không bao giờ trở về được . Chúng ta sẽ giết hắn để tế các vong hồn chiến sĩ đã phải hy sinh vì Đại Nhật” .

  Bấy giờ trên hòn đảo Iwo Jima trời vẫn cứ rả rít mưa rơi , đó là ngày 22 tháng 02 . Thủy quân lục chiến ở mặt nam hòn đảo từ từ xiết chặc vòng vây , ngọn núi lửa Suribachi coi như bị cô lập hoàn toàn . Vị đại tá chỉ huy cánh quân phòng thủ là Kanehiko Atsuji vội lên máy báo cáo với tướng Kuribayashi về tình hình nghiêm trọng ở mặt nam . Ông cho biết vòng vây của Hoa kỳ thắt chặt trong khi phía phòng thủ thì con số thương vong đã tăng lên quá cao , vũ khí đạn dược trở nên thiếu thốn . Đại tá Atsuji tỏ ra chán nãn cùng cực , ông bảo nếu cứ để tình trạng này kéo dài ắt phải bị tiêu diệt một cách nhục nhã , chi bằng cứ xông bừa ra một phen tử chiến với họ dù có chết thì cũng là một cái chết oanh liệt . Đây cũng có thể nói là một quyết định tự sát khi biết mình đã bất lực , một ý niệm mới được phát sinh trong quân đội Thiên hoàng kể từ lúc bị nếm mùi đại bại nhục nhã ở trận Guadalcanal . Tướng Kuribayashi gạt phăng ngay lời thỉnh cầu của đại tá Atsuji , ông cho đó là cái ý tưởng điên rồ .

  Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào điểm phía nam của hòn đảo để xem sư đoàn 28 thủy quân lục chiến Hoa kỳ hành quân vào ngọn núi Suribachi như thế nào . Ngọn núi này như đã trình bày , nó được xây dựng thành một mê cung phức tạp gồm 7 tầng với những lớp tường bê tông dày thật dày với hệ thống thông hơi , điện và nước đầy đủ . Hơn cả ngàn binh sĩ nằm rãi rác khắp địa đạo và công sự . Dọc theo chân núi là những giao thông hào , công sự và ổ pháo . Đặc biệt những lỗ châu mai kỹ sư Nhật được thiết rất khéo léo theo nhiều hướng sao cho những binh sĩ phía bên trong có thể quan sát lẫn nhau và hỗ trợ cho nhau bằng hỏa lực súng máy .

  Sang ngày hôm sau , thủy quân lục chiến bắt đầu mở các càn quét qui mô , tấn công thẳng vào những công sự bao quanh chân núi . Phía tấn công thì hỏa lực quá hùng hậu nhưng muốn xuyên thủng phòng tuyến thật là một việc còn khó hơn lên trời . Quân Nhật dù đã cạn kiệt đạn dược nhưng họ nhờ ở vào lợi thế trên cao nên có thể gây nhiều thiệt hại cho địch . Đạn hết , lựu đạn cũng chẳng còn , họ dùng cả đá núi , cây gỗ từ trên cao lăn xuống khiến cho sức tiến của Hoa kỳ bị khựng lại ít lâu tại một khu vực bằng phẳng nơi phía dưới triền núi .

  Lính Nhật ở đây chiến đấu với tinh thần quyết tử cao độ nếu so với trận chiến ở đảo Leyte . Hai bên giành giật nhau từng thước đất . Để chống lại lối đánh địa đạo chiến thần sầu của quân Nhật , Hoa kỳ bắt buộc cho sử dụng tối đa lựu đạn và súng phun lửa . Lần đầu tiên ở Iwo Jima người ta thấy sự xuất hiện của một chiến cụ tân tiến và nó đã trở thành một phương tiện hữu hiệu để giải quyết cái nan đề địa đạo ở đây : đó là những chiếc xe tăng hạng trung Sherman M4A3R3 có trang bị súng phun lửa . Loại tăng này còn được mệnh danh là Ronson hay Zippo Tank rất có hiệu quả trong việc tiêu diệt các ổ đồn trú của quân Nhật nhưng ngược lại , Nhật khó mà tiêu diệt được chúng .

  Khi đã tiến đến sát chân núi , sư đoàn 28 dàn quân trãi rộng quanh một chu vi mênh mông bao vây lấy ngọn núi .Toán viễn thám được tung ra , những chiếc bóng rằn ri nhanh như những con báo lao vào đất địch . Họ , tay cầm súng hoặc lựu đạn , miệng ngậm dao găm người dán sát trên mặt đất y hệt những thao tác đã học ở quân trường , những bóng đen cứ âm thầm kẻ trước người sau bò tới bò tới . Hố cá nhân , hầm công sự của Nhật chẳng mấy chốc đã bị đánh bật . Những chốt chận nơi phía dưới ngọn núi đã bị những toán lính viễn thám lần lượt nhổ sạch . Trong khi nhiều toán khác len lỏi trong hang hốc đã trèo lên được một đoạn khá xa trên ngọn núi . Trung úy trung đội trưởng Harold cùng trung đội 40 binh sĩ của anh đã bí mật đột nhập an toàn thật sâu vào vùng đất địch ,  hiện thì họ đã tiến lên gần tới đỉnh núi . Theo lệnh của viên trung tá chỉ huy thì nhiệm vụ trung đội tiền sát của Harold là bằng bất cứ giá nào cũng phải có mặt trên đỉnh núi để thượng lá quốc kỳ hiệp chủng quốc Hoa kỳ trên đỉnh núi Suribachi . Lúc 10:15 , toán của Harol đã bò lên tận miệng núi lửa . Ở đây họ tận mắt chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng . Chung quanh miệng núi lửa xác chết của binh lính Nhật nằm la liệt , chen lẫn trong đám tử thi ấy còn có cả những người bị thương hấp hối nhưng chưa hết hẳn . Những binh sĩ thiệt mạng này có một số do trúng đạn pháo chết và một số tổ chức tự sát tập thể khi biết trước cuộc chiến đấu vô vọng của họ sẽ không mang lại một kết quả nào .Số đã chết từ những ngày trước đã sình trương thối rữa tanh tưởi khủng khiếp , lại thêm kên kên diều quạ cùng đám ruồi nhặng không biết từ đâu kéo đến bu quanh đen đặt cả một vùng  . Thật thì đó như là một bãi tha ma rùng rợn mà người sống không thể nào tưởng tượng ra được . Cũng tại nơi đỉnh núi này , toán của Harold bị nhóm tàn quân Nhật ẩn mình sâu vào trong những hốc đá bắn xẻ nhưng họ vốn là những chiến sĩ xông xáo đã quen nên phản đòn rất nhanh và đẹp . Cuộc chạm súng ngắn ngủi chỉ diễn ra không quá mười phút sau đó đỉnh núi Suribachi trở lại với tình trạng hoàn toàn yên lặng .

  Đúng 10:20 năm binh sĩ viễn thám can trường thuộc trung đoàn 28 của sư đoàn 28 thủy quân lục chiến Hoa kỳ , trong số đó có một binh sĩ thuộc giống dân da đỏ tên gọi Louis Charlo cùng viên trung úy trung đội trưởng Harold hiệp nhau thượng ngọn cờ Hoa kỳ ngay trên đỉnh núi Suribachi  . Anh phóng viên bắt đầu đưa máy lên định ghi lại hình ảnh lịch sử của lá cờ chính quốc ngạo nghễ tung bay trong ánh nắng đầu ngày nơi chiến địa còn nặng mùi thuốc súng thì trong một hốc đá gần đó , bất thình lình hai binh sĩ Nhật xuất hiện , họ dùng lựu đạn và kiếm để tấn cống toán lính 5 người đang chen chân nhau dựng ngọn cờ Hoa kỳ . Anh binh nhì Roberson nhanh mắt nhìn thấy , chỉ một loạt tiểu liên nổ giòn hai cái thây đồng loạt ngã xuống . Nhưng trước khi gục ngã anh lính Nhật vẫn còn đủ bình tỉnh để ném trái lựu đạn cuối cùng của cuộc đời . Bởi trái lựu đạn được tung ra trong một tư thế đang ngã quỵ nên nó không rơi vào nhóm binh sĩ thượng kỳ mà lại rơi ngay chỗ anh phóng viên đang bấm máy ảnh . Anh ta hoãng hốt ngã nhào xuống cái dốc thoai thoải chỉ một cái tít tắt trước khi trái lựu đạn phát nổ . Hú hồn , anh phóng viên nhìn lại mình mẩy xây xác chút ít , anh an tâm khi nhận ra chiếc máy ảnh của mình vẫn không hề hấn gì , nghĩa là bức ảnh lịch sử anh vừa chụp vẫn còn đó .

  Từ phía dưới chân núi kéo dài ra tận bãi biển đổ quân nhìn lên , hình ảnh lá quốc kỳ Hiệp chủng quốc tung bay ngạo nghễ trong gió , đánh dấu một chiến thắng hào hùng mà binh chủng thủy quân lục chiến vừa viết thêm một nét son vào trang quân sử . Các chiến sĩ hiện diện trên đảo thì hân hoan hò hét tở mở , thủy thủ trên những chiến hạm gần đó cũng đón nhận tin vui bằng cách cho hụ còi vang dậy , tất cả đang hân hoan chào mừng một chiến thắng vừa giành được , một chiến thắng phải đổi bằng biết bao nhiêu xác chết của đồng đội .

  Khi lá quốc kỳ của Hoa kỳ vừa thượng lên trên đỉnh núi Suribachi thì James Forrestal , người sau này lên nắm chức bộ trưởng hải quân Hoa kỳ sau cái chết của ông cựu bộ trưởng Frank Knox , cũng vừa đổ bộ lên đảo cùng với tướng tư lệnh Holland Smith ngay tại chân núi . Ông bảo với Smith rằng “Việc giương nọi cờ Hoa kỳ trên ngọn Suribachi có ý nghĩa đặc biệt đối với binh chủng thủy quân lục chiến chẳng những bây giờ mà còn đến năm trăm năm sắp tới nữa” . Đồng thời James ngỏ ý muốn giữ lá cờ lịch sử ấy làm vật kỷ niệm nhưng đại tá Chandler Johnson , người đã giao nhiệm vụ treo cờ cho trung đội của Harold nhất quyết không đồng ý vì ông cho rằng lá cờ ấy thuộc về tiểu đoàn 2 trung đoàn 28 thuộc sư đoàn 28 thủy quân lục chiến , không ai có thể lấy nó làm vật riêng cả . Đoạn Johnson ra lệnh cho trung sĩ Mike Strank lấy một lá cờ khác lớn hơn để thay thế cho lá cờ cũ vừa treo . Khi trương lá quốc kỳ thứ hai dĩ nhiên là không còn phải lo sợ tàn binh Nhật lẫn trốn chung quanh quấy phá . Nhiếp ảnh gia Joe Rosenthal , phóng viên chiến trường cho hảng thông tấn Associated Press , người đã từng chụp nhiều bức ảnh của cuộc đổ bộ ở Pelelieu và Guam , tại Iwo Jima ông đã chụp bức ảnh nổi tiếng thế giới , bức ảnh niềm tự hào của thủy quân lục chiến Hoa kỳ vừa giành được một chiến thắng oanh liệt ở Thái bình dương , bức ảnh được mang tên “The rising Flag on Iwo Jima” . Trong bức ảnh thứ hai này có đến 6 người , 5 thủy quân lục chiến và 1 quân y hải quân . Ba người trong số đó có Franklin Sousley , Harlon Block và Michael Strank đã vĩnh viễn nằm lại Iwo Jima sau đó , ba người may mắn khác còn sống sót đến khi tàn cuộc chiến là John Bradley , Rene Gagnon và Ira Hayes . Ira Hayyes cũng là một thổ dân da đỏ .

    Đến lúc này thì coi như Hoa kỳ đã làm chủ được một phần ba hòn đảo kể từ mũi cận nam với ngọn núi Suribachi và sân bay số một .

  Chiều cùng ngày , trung tướng Harry Schmidt đặt chân lên đảo . Ông cần có mặt ở đây để trực tiếp chỉ huy lực lượng đổ bộ . Ba sư đoàn thủy quân lục chiến bây giờ cùng nằm dưới quyền chỉ huy của một ông tướng . Sau khi hội thảo , tướng Harry cùng hai vị tướng tư lệnh sư đoàn 4 và 5 đều đồng ý dùng sư đoàn 3 , một sư đoàn trừ bị vừa mới chuyển đến làm mũi nhọn trung ương hiệp lực với sư đoàn 5 bên cánh trái và sư đoàn 4 cánh phải cùng đánh thốc lên mặt bắc của hòn đảo , mục tiêu là sân bay quân sự số 2 của Nhật .

  Tuyến phòng thủ thứ nhất của Nhật nơi mặt bắc chỉ cầm cự không bao lâu rồi nhanh chóng tan vở trước sự kinh ngạc của Hoa kỳ . Trớ trêu , càng kinh ngạc thì họ càng tỏ ra khinh địch . Lâm trận mà tướng cầm quân khinh địch là một việc không nên chút nào . Sự thật thì họ đâu có ngờ trước sức tiến thế mạnh vô song của thủy quân lục chiến , cánh quân trấn giữ nơi tuyến đầu lập tức tháo lui xa ra phía sau rồi tập họp lại lập thành những đơn vị cảm tử để chờ dịp chễnh mảng vì quá lạc quan của địch mà quay lại tấn công quyết liệt . Chiến đấu theo kiểu tự sát này chỉ do viên sĩ quan trấn giữ tuyến phòng thủ nghĩ ra chớ chẳng phải kế hoạch phòng thủ của tướng Kuribayashi , tuy nhiên kết quả của nó thật không ngờ , nghĩa là trước khi người chiến binh cuối cùng của Nhật bản gục ngã , phòng tuyến thứ nhất bị tràn ngập , Hoa kỳ cũng phải trả bằng cái giá quá đắt , con số thương vong trong ngày này tăng nhanh đến kỷ lục . Tồi tệ hơn nữa là lúc đại quân của họ tiến vào khu vực sân bay số hai , ngay điểm trung tâm của hòn đảo tính từ hai cực nam bắc . Ở đây những tàn quân Nhật từ mũi nam bị thất thủ đều tập trung trở lại hợp cùng cánh quân phòng thủ trên một tuyến dài ba cây số từ bờ biển phía tây đến sân bay số hai , tức bờ biển đông của hòn đảo . Hệ thống phòng thủ ở đây rất mạnh , có thể nói nó còn mạnh hơn phòng tuyến thứ nhất đã bị lọt vào tay Hoa kỳ .

  Sau hơn tiếng rưởi đồng hồ mục tiêu chìm ngập trong khói lửa mù trời bởi pháo của hải quân dội vào , sư đoàn 4 và 5 đồng tiến lên thanh toán mục tiêu . Mặc dù cả hai sư đoàn được thiết xa dẫn đường , nhưng tất cả đều bị khựng lại bởi sức kháng cự mãnh liệt của quân phòng thủ . Trọn ngày hôm đó và đến 2 hôm nữa mà họ chỉ tiến được khoảng 500 mét . Vùng giao tranh giữa hai làn đạn lúc bấy giờ quang cảnh thật tiêu điều , nhiều xác chết mấy ngày qua trong hốc đá dưới chiến hào đã trương sình lên giữa bùn đen lầy lội vì mưa gió liên tục , mùi hôi thối của xác chết , mùi khét lẹt của súng đạn lẫn mùi lưu huỳnh hòa lẫn vào nhau góp thêm phần rùng rợn cho vùng tử địa .

  Rạng sáng ngày 24 tháng 02 . Sư đoàn 3 trừ bị tiến lên theo trục trung ương làm mũi dùi đánh thẳng vào sân bay . Họ tung hai tiểu đoàn thuộc trung đoàn 21 . Vị tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 ra một cái lệnh chắc nịch rằng bằng mọi giá phải chiếm cho được sân bay nội nhật ngày hôm nay . Lúc 9:30 sáng tiếng súng đầu tiên trong ngày bắt đầu nổ lên giòn giã , thủy quân lục chiến từ các giao thông hào đứng thẳng lưng ôm súng xông vào phòng tuyến địch . Địa hình ở đây rất phức tạp đầy bất lợi cho phía tấn công , chung quanh sân bay toàn là những rãnh sâu hào rộng , ngăn cách nhau bởi những vách đá ngọn như răng cưa . Thêm vào đó , một đối thủ lợi hại mà sư đoàn 3 phải đối mặt là trung đoàn cứng như thép 145 thuộc sư đoàn 109 lục quân Nhật . Súng máy và cối của họ tuông ra xối xả vào phía thủy quân lục chiến đang tràn vào . Phía Hoa kỳ cũng chẳng chịu kém , họ cho sử dụng xe tăng phun lửa , súng phun lửa và lựu đạn ném tay để triệt tiêu từng hầm hố bê tông ngầm . Chỉ trong phút chốc bãi chiến trường ngập tràn trong khói lửa ngất trời và thương vong của thủy quân lục chiến một lần nữa đã tăng vọt lên khá cao khiến tốc độ tiến của họ bị khựng lại nhiều , có thể tính từng 10 mét mỗi giờ . Với một khoảng cách quá gần giữa hai phía , cả một vùng giao tranh chìm ngập trong khói lửa , súng máy và súng trường bấy giờ không còn hiệu lực nữa . Thế là hai bên xông vào đánh xáp lá cà . Trận chiến bây giờ chỉ còn lại những âm thanh rùng rợn của tiếng lựu đạn chát chúa đinh tai , của tiếng dao găm đâm phập vào xác người và tiếng rên rỉ trong đớn đau quằn quại . Xác chết đôi bên nằm chồng chất lên nhau . Chỉ trong vài phút ngắn ngủi mà phía Hoa kỳ đã mất một loạt bốn sĩ quan cao cấp thủy quân lục chiến . Đổi lại sự mất mát này , số binh sĩ sống sót từ hai tiểu đoàn tràn vào được khu vực sân bay . Ở đây cũng cùng một cảnh tượng như phía ngoài vòng đai , hai bên cứ xông vào nhau đánh xáp lá cà . Những cái bóng rằn ri to lớn vạm vở nhưng nhanh nhẹn như con sóc , hết tốp ngày gục ngã thì tốp khác lại tràn vào . Trong khi những chiếc áo màu ô liu lục quân Nhật tuy nhỏ thó hơn nhưng lời thề quyết tử đã khiến cho họ trở nên hung tợn và quyết liệt . Dù đạn hết , lựu đạn cũng chẳng còn thì với con dao găm , đa số binh sĩ Nhật bản người nào cũng có chút ít võ nghệ nên trước khi gục ngã , mạng của họ cũng phải đổi lại bằng một hoặc nhiều mạng của địch .

  Khi người lính cuối cùng của trung đoàn 145 lục quân Nhật gục ngã , tiếng súng vừa dứt thì hòn đảo Iwo Jima coi như hai phần ba đã nằm trong vòng kiểm soát của Hoa kỳ . Tướng Kuribayashi điện báo về Đông kinh rằng trong vòng một tuần lễ giao tranh quân trú phòng của Iwo Jima bị thiệt mất 50 phần trăm , có khoảng 60 phần trăm phần lớn súng cối và pháo bị phá hủy .

  Sau khi chiếm xong sân bay số hai , nghĩa là quân Nhật chỉ còn lại mỗi một sân bay nằm xa về phía bắc hải đảo . Ngày thứ hai , 25 tháng 02 , thủy quân lục chiến được lệnh tiến lên phía bắc . Lúc bấy giờ trời quang mây tạnh , một ngày đẹp trời duy nhất từ lúc cuộc đổ bộ bắt đầu hồi tuần trước . Nhưng đến xế trưa thì trời bắt đầu vần vũ và đổ mưa trở lại . Ba sư đoàn hợp thành ba mũi dùi tiến song song về phía bắc , sức tiến của họ tuy chậm nhưng chậm mà chắc . Đến hôm sau thì cánh của sư đoàn 4 đã đến được chân đồi 382 , ngay phía bên phải của làng Motoyama .

   Một lần nữa , thủy quân lục chiến Hoa kỳ lại gặp phải một bức tường cứng như thép của quân phòng thủ . Hỏa lực cối và pháo ở đây còn dữ tợn hơn cả ngọn núi ở phía nam Suribachi vì lợi thế những ngọn đồi cao và núi rừng rậm rạp , một khu vực đầy rẫy hầm hố hang động kéo dài từ bờ biển phía đông sang tây của hòn đảo . Buổi sáng hôm sau , năm tiểu đoàn giăng hàng ngang dùng hỏa lực tối đa để chọi lại hỏa lực khủng khiếp của quân phòng thủ . Những trận tốc chiến ác liệt bằng cách lăn xả vào nhau đánh xáp lá cà diễn ra gần như ở khắp mọi nơi . Tiếng hô xung phong vang dậy , tiếng lựu đạn rền trời hòa theo tiếng tiểu liên , súng trường đì đùng không dứt . Âm thanh rùng rợn của những tiếng thét hãi hùng , tiếng lưỡi lê đâm vào xác người gục ngã . Tất cả , tất cả là những chuỗi âm thanh của chết chóc của kinh hoàng . Cuộc ác chiến tại đây diễn ra dai dẳng , tính trung bình con số thương vong mà binh sĩ Hoa kỳ phải chịu là 792 binh sĩ mỗi ngày .

  Mức độ tổn thất của Hoa kỳ cứ tăng lên vùn vụt , đến mức gây xôn xao dư luận cho cả nước Mỹ . Tờ nhật báo Examiner số ra ngày 27 tháng 02 ở San Francisco chạy một tít đậm ở trang đầu loan bản tin chiến sự ở Iwo Jima . Tờ báo chỉ trích chiến lược tiến chiếm của đô đốc Chester Nimitz , vì muốn giải quyết nhanh chóng cuộc chiến nên ông đã phí phạm không cần thiết vô số xương máu của binh sĩ . Kèm theo , tờ báo còn cho đăng một bài bình luận thẳng thừng , trong đó có đoạn “Một sự thật kinh hoàng cho lực lượng tiến công Hoa kỳ là họ phải trả một cái giá quá đắt ở hòn đảo tí hon Iwo Jima . Có thể là đắt đỏ nhất trong cuộc chiến Thái bình dương . Đây là một thiệt hại đáng kể , một mối nguy hại khôn lường trước khi lao vào những trận chiến mới nơi chính quốc Nhật Bản , ở một nơi mà khỏi phải nghĩ chúng ta cũng dư hiểu rằng sẽ còn vô số những điểm chiến lược thật sự của địch đã giăng sẳn chờ đón quân đội chúng ta đến” . Phần phụ bản của tờ nhật báo còn viết thêm một bài tuyên dương tướng Mac Arthur như là anh hùng số một của Hoa kỳ , một vị tướng đỡm lược bách chiến bách thắng , một vị tướng đúng nghĩa ở mặt trận và may mắn thay cho Hoa kỳ , chiến trường Thái bình dương đã có được một vị tướng chỉ huy lục quân có một không hai như Mac Arthur . Thế thì tại sao chính phủ chúng ta không giao trọn quyền chỉ huy tối cao chiến trường Thái bình dương cho ông . Để cho ông càng có cơ hội vẫy vùng , cho ông cái cơ hội tận dụng tối đa thiên tài quân sự của mình . Ông sẽ mang lại một chiến thắng vinh quang của một cuộc chiến quan trọng mà có thể tiết kiệm được rất nhiều xương máu của binh sĩ Hoa kỳ .

  Ngày hôm sau , cũng cùng một thành phố San Fransico , tờ nhật báo Chronicle cho đăng một bài phản hồi ngay . Tờ nhật báo có ý bênh vực chiến lược tiến chiếm của đô đốc Nimitz là bởi vì ông muốn kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt , một mục đích không ngoài lý do tiết kiệm sinh mạng binh sĩ mà thôi . Ngược lại , những chiến dịch đánh vòng hoặc nhảy từ hòn đảo này sang hòn đảo khác kéo dài lê thê ở Phi luật tân của tướng lục quân Mac Arthur thì chỉ gây nhiều tổn thất nhân mạng , càng kéo dài càng có nhiều phí phạm vô ích vừa của cải lẫn nhân mạng của Hoa kỳ .

  Sự tranh cãi diễn ra ở trong nước không những chỉ có phương diện truyền thông mà nó còn gây xôn xao đến bộ chiến tranh , đến cơ quan bộ chỉ huy liên quân tại Hoa thịnh đốn . Bộ chiến tranh Hoa kỳ dĩ nhiên là họ cũng đang cố gắng tìm cách nào để cắt giảm mức độ thiệt hại về nhân mạng cho cuộc chiến . Một ý kiến nêu lên dựa theo những kết quả đáng khuyến khích của quân đồng minh ở chiến trường châu Âu , nó đã là đề tài cho một cuộc tranh luận sôi nổi giữa những sĩ quan tham mưu của tướng Marshall là đề nghị đô đốc Minitz cho quân đội sử dụng hơi độc . Loại vũ khí tàn độc này hiện tại phía đồng minh đang có sẳn trong tay một số lượng rất nhiều . Nhưng Nimitz dù đang nóng lòng muốn giải quyết nhanh chiến trường Iwo Jima ông cũng không chấp nhận ý kiến mới mẻ này , ông kết luận bằng một câu xanh dờn “Hoa kỳ không nên nóng nãy mà đi ngược lại hiệp định Geneva” .

  Lúc bấy giờ tại mặt trận Iwo Jima , tướng Schmidt tỏ ra lạc quan hơn , ông tiên liệu chỉ trong vòng 10 ngày nữa thôi quân đội Hoa kỳ sẽ làm chủ hoàn toàn hòn đảo . Không biết ông tướng đã dựa vào những yếu tố nào mà tuyên bố có vẻ chắc ăn cho dù đến lúc này một nửa hòn đảo phía bắc vẫn còn nằm trong tầm hoạt động của binh sĩ Nhật .

  Chiều ngày thứ 10 kể từ lúc trận chiến khai màn , sư đoàn 3 đã phá thủng được tuyến phòng thủ thứ nhì của Kuribayashi , từ tuyến phòng thủ này binh sĩ Hoa kỳ tràn lên những hoang tàn đổ nát của ngôi làng mang tên Motoyama mà tiến về phía bắc hòn đảo . Cánh bên phải , sư đoàn 4 cũng đang ra sức vây chặc lấy ngọn đồi 382 . Tuy nhiên phải mất đến hai ngày sau họ mới tảo thanh được tất cả binh sĩ trú phòng của Nhật và làm chủ ngọn đồi .

  Sáng thứ bảy , tức ngày 03 tháng 03 , chiếc phi cơ đầu tiên hạ cánh xuống sân bay số một , trên một phi đạo nham nhở đầy những hố bom hố đạn cày nát mà đội công binh vừa mới sửa chửa xong một đoạn dài chỉ vài trăm mét . Đó là chiếc phi cơ C-47 thuộc quân y hải quân cất cánh từ Marianas tiếp tế thuốc men và thơ từ . Chiếc phi cơ C-47 chỉ đáp vội vàng và cất cánh cũng vội vàng sau khi mớ hàng tiếp liệu được đẩy hết ra khỏi lòng phi cơ . Trưa cùng ngày lại có thêm một chuyến bay khác đáp xuống sân bay này , đó là chiếc vận tãi cơ Cutiss R5C đến từ kho quân cụ , họ mang đến cho chiến trường thêm nhiều tấn đạn dược tiếp liệu mới .

  Lại một sự kiện khác xảy ra đáng khích lệ cho những chiến lược gia Hoa kỳ khi họ nhìn nhận hòn đảo Iwo Jima là một điểm tựa quan trọng trong việc oanh kích Đông kinh . Ngày chúa nhật , một ngày sau khi hai chiếc phi cơ tiếp liệu đáp xuống Iwo Jima , chiếc pháo đài bay B-29 vừa quay trở lại căn cứ sau chuyến oanh tạc Đông kinh . Trên đường về , ngang không phận Iwo Jima thình lình hệ thống bơm xăng bị trục trặc khiến anh phi công là trung úy Fred Malo bắt buộc phải tìm chỗ đáp khẩn cấp . Và giữa đại dương bao la chỉ có trời nước một màu . Xa xa tận ngoài kia hòn đảo Iwo Jima đang còn rung chuyển bởi súng đạn giao tranh , nhưng nếu chẳng hạ cánh xuống vùng đất dẫy đầy nguy hiểm ấy thì chả lẽ đâm sầm xuống biển ư ? Anh phi công đi đến một quyết định , may ra tìm được cái sống trong cái chết . Anh quay mũi phi cơ về hướng sân bay số một trên đảo Iwo Jima , một sân bay mà theo tin tức nhận được anh biết chắc nó vừa lọt vào tay quân bạn , một sân bay duy nhất có thể cứu được sinh mạng của anh cùng những phi hành đoàn . Phần phi đạo đã được công binh sửa chửa quá ngắn cho loại pháo đài bay khổng lồ hạ cánh nhưng anh trung úy phi công đã cố gắng khéo léo điều khiển con tàu ngã nghiêng cuối cùng cũng đáp được an toàn , sau khi ủi sập một cây cột điện thoại và dừng lại kịp ở ngay đoạn cuối phi đạo trước khi đâm sầm xuống hố . Chiếc pháo đài bay sau đó được sửa chửa và lên đường trở về căn cứ Saipan .

  Đô đốc Spruance , người đang đứng trong phòng chỉ huy của chiếc soái hạm Indianapolis chứng kiến từ đầu đến cuối một pha đáp khẩn cấp nhưng không thiếu phần ngoạn mục của chiếc pháo đài bay khổng lồ . Ông gật gù nói với vị sĩ quan tham mưu bên cạnh “Đó là lý do tại sao chúng ta đi đến quyết định phải chiếm cho được hòn đảo oan nghiệt này bằng mọi giá” .

  Cũng cùng một buổi sáng hôm ấy , trung tướng Kuribayashi đánh điện báo cáo về ông tổng tham mưu phó lục quân bằng hệ thống radio qua trạm vô tuyến tại Chichi Jima (tức hòn đảo nằm phía bắc chuổi đảo Jima) . Trong báo cáo có nhiều đoạn cho biết có thể đây là một báo cáo cuối cùng gửi về từ mặt trận Iwo Jima .

  Tuy nhiên tình hình trên đảo ngay lúc ấy , quân trú phòng Nhật bản vẫn còn khá mạnh , mạnh hơn so với sự tiên liệu của Hoa kỳ . Mặc dù những đơn vị dưới quyền của tướng Kuribayashi đa số đều không hoạt động đồng nhất , nghĩa là họ không tuân theo lệnh của viên tướng chỉ huy trưởng là Kuribayashi một cách tuyệt đối . Họ tự động tổ chức thành những tiểu tổ , dùng đủ loại vũ khí tự tạo như bom lửa hoặc mình hoặc lựu đạn đón xe tăng địch tấn công . Nhiều cảm tử quân tình nguyện mang chất nổ đầy người rồi ngụy trang ra nằm sẳn hai bên vệ đường chờ xe địch quân tiến tới . Những trái mìn chống tăng biết đi này là một thứ vũ khí kinh hoàng cho đoàn xe cơ giới , họ đã gây thiệt hại cho Hoa kỳ không ít .

  Tuy nhiên tình trạng cũng chẳng khả quan được gì khi phía phòng thủ càng lúc càng phải co cụm lại . Tướng Sadasue Sanda cảm thấy tình hình chung đang đi vào tuyệt vọng . Tướng Sanda , trung đoàn trưởng trung đoàn 2 lục quân , người vừa lên nắm quyền chỉ huy trung đoàn thay cho tướng Osuga vì ông này đã cố kêu nài cho được với tướng Kuribayashi cho phép mình mang cả trung đoàn ra một phen sống mái với địch quân , dẫu có chết thì cũng được chết một cách oanh liệt còn hơn nằm im tử thủ để cuối cùng cũng chết mà chết trong nhục nhả đau đớn . Ý tưởng này dĩ nhiên đối nghịch lại kế hoạch phòng thủ của tướng Kuribayashi nên ông chỉ huy trưởng Iwo Jima nổi giận , ra lệnh cho Osuga không được vọng động dù bất cứ giá nào , vì một lý do đơn giản : phòng tuyến này bị thất thủ thì ảnh hưởng của nó là Iwo Jima sẽ sụp đổ theo . Sau đó Osuga bị cách chức chỉ huy và Senda được chỉ định đến thay quyền trung đoàn trưởng trung đoàn 2 , một trung đoàn đang ngày đêm gồng mình hứng pháo và trực diện với binh sĩ Hoa kỳ .  Trung tướng Senda , người đã từng tham dự nhiều trận đụng độ đẫm máu với Liên xô nơi mặt trận Mãn châu , một ông tướng đáng cho là cứng cổ và sừng sỏ hơn cả tướng Osuga nhiều . Chiều tối ngày 08 tháng 03 , ông cho triệu tập một số sĩ quan tề tựu lại căn hầm chỉ huy của mình . Đó là một căn hầm chật hẹp nóc bức và sặc mùi lưu huỳnh . Ngồi trong một khoảng tối âm u với độ nóng gần 120 độ F , khuôn mặt ông tướng nặng nề u uất , hàm râu ngạnh trê đã ướt sũng vì mồ hôi nên nó trĩu xuống khiến cái vẻ cương nghị cố hữu của vị tướng chỉ huy như bị mất đi phần nào . Ông chậm rãi đọc cho mọi người nghe mệnh lệnh tổng tấn công , một kế hoạch mà đích thân ông đã vẽ ra không bao lâu sau ngày nhậm chức chỉ huy phòng tuyến . Tất cả hỏa lực đại pháo cùng rocket và đại liên đều đồng loạt khai hỏa lúc 6 giờ chiều ngày hôm sau . Hỏa lực tập trung vùng nam hải đảo đến tận ngọn núi lửa Suribachi , sau đó binh lính phòng thủ sẽ rời khỏi những hang động đánh thẳng về phía nam , trong khi hải quân cũng yễm trợ cùng bộ binh tiến cùng một trục song song với bộ binh . Tướng Senda đảo cặp mắt sáng hoắc nhìn mọi người một lượt rồi nói “Tôi sẽ là một khinh binh lúc nào cũng có mặt ở đầu đoàn quân với các bạn” . Đoạn ông ta nâng ly trà lên gật nhẹ cái đầu tỏ ý cám ơn mọi người rồi dõng dạc nói “Các bạn . Hẹn gặp nhau tại ngôi đền tử sĩ ở Đông kinh !”

  Lệnh tấn công của tướng Senda truyền bằng miệng đến bộ chỉ huy Hải quân tại Iwo Jima chỉ cách đó khoảng 1 dặm . Không ngờ khẩu lệnh của ông truyền đi lại gây ra sự ngộ nhận đáng tiếc khiến giờ tấn công đã được tướng Senda định sẳn khi truyền đến tai người nhận tức phe Hải quân bị sai lệch : rằng đêm tấn công sẽ là đêm nay chớ chẳng phải đêm ngày mai như đã định .

  Trời vừa chập choạng tối , gần 1,500 gồm sĩ quan và binh sĩ hải quân từ những đơn vị khác nhau bắt đầu tề tựu về điểm tập trung , trong họ có một số còn đủ súng trường , súng máy và đạn dược nhưng một số khác chẳng còn gì cả , họ vũ trang bằng lưỡi lê , kiếm thậm chí có người vác cả cây tre vạt nhọn để làm vũ khí xung trận nữa .

  Trung úy Satoru Omagari , chỉ huy một đơn vị 140 binh sĩ vừa nhào ra khỏi một hang động sâu thẳm . Anh ta được lệnh mang cả đơn vị của mình đến một khu vực giữa sân bay số 2 và 3 , nơi được chọn làm một điểm tập trung với nhiều đơn vị khác . Trên đường tiến ra điểm tập trung cánh quân của Omagari gặp phải vô số trở ngại , đáng kể nhất là phải di chuyển dưới pháo của địch , những trái pháo cầu âu chẳng mục tiêu của pháo binh Hoa kỳ cũng gây được một tác hại không nhỏ cho họ ,  lại thêm địa hình phức tạp của rừng núi thiên nhiên , binh lính đa số không thông thuộc đường xá nên thất lạc với nhau đến nổi khi đến được điểm tập trung , Omagari kiểm điểm lại thì chỉ còn có mỗi 15 binh sĩ tới được điểm hẹn .

  Tuy nhiên nhờ nhiều đơn vị tập họp lại , con số binh sĩ tình nguyện cho đợt tấn công cảm tử này cũng lên đến non một ngàn người . Họ tập họp tại một thung lũng cát nhỏ hẹp . Trong bóng tối mù mờ , nhóm binh sĩ cảm tử kẻ ngồi người đứng thành từng nhóm không hàng ngũ trật tự gì cả . Lúc nửa đêm , toán cảm tử quân tiền đạo hướng dẫn đoàn quân tiến lần về phía nam , nơi giữa phòng tuyến đang căng ngang chờ đợi của sư đoàn 4 thủy quân lục chiến . Ngay trong lúc họ đang cẩn trọng từng bước cố gắng vượt qua những hang hốc chằng chịt và vô số chướng ngại của binh sĩ Hoa kỳ giăng đầy trước phòng tuyến thì có một ai đó trong nhóm binh sĩ Nhật cao hứng hô to “Banzai” . Thanh âm tiếng hô của người lính vô kỷ luật ấy như xé toạt màng đêm , và bỗng chốc lại nhiều tiếng hô “Banzai” khác nổi lên như hưởng ứng . Một thảm cảnh rùng rợn xảy ra chỉ trong một cái chớp mắt sau đó . Khi loạt tiếng hô “Banzai” của họ còn chưa dứt thì tiếng đại liên , súng máy , cối và cả pháo cùng lên tiếng đáp lại . Chung quanh nhóm cảm tử quân Nhật bản người ta chỉ còn thấy khói mù và bụi đất cuồn cuộn , giữa chốn bụi mù đầy lửa đỏ xác người tiếp nối nhau gục ngã , tiếng hét thất thanh của những cái chết tức tữi , tiếng rên xiết kêu la của những người bị trúng đạn còn đang oằn oại giữa tiếng súng nổ kinh hồn . Trận tàn sát khủng khiếp này tính có đến 800 binh sĩ Nhật bỏ xác tại chỗ . Thật là một tiếng hô “Banzai” không đúng lúc đúng chỗ đã gây ra chẳng những tai hại cho mình mà  cho cả vô số đồng đội khác và cái hậu quả này dẫn đến thất bại hoàn toàn hệ thống phòng thủ Iwo Jima . Toán của trung úy Omagari thì may mắn hơn nên vị trí của họ đang có mặt ở ngay phía ngoài tầm hỏa lực của súng máy . Họ nhanh chân phóng vào những cái hố bom hoặc núp sau những hòn đá lớn mà chịu trận . Đối với những binh sĩ sau khi tận mắt chứng kiến hỏa lực kinh khiếp của địch đã đốn ngã hầu hết đồng đội thì họ không còn tinh thần nào nữa để xông lên tấn công vào đất địch , họ chỉ chờ cho dứt tiếng súng thì bò về hang động cũ của mình để tiếp tục ẩn náu . Nhưng riêng trung úy Omagari thì không nghĩ như thế , anh vội cho tập trung lại những binh sĩ còn sống sót sau trận tàn sát , con số trên dưới 200 và tìm đường mò trở lại để mong sao gặp được bất cứ vị chỉ huy nào của phe lục quân , một thắc mắc lớn đang đeo đuổi trong đầu của Omagari là từ khi cánh hải quân hội họp ở điểm hẹn cho đến lúc bị tàn sát tuyệt nhiên chẳng có bất cứ bóng dáng nào của người lính phía lục quân cả . Cuối cùng thì họ tìm được một hang động , đó là một cơ quan chỉ huy cho một đơn vị lục quân , bộ chỉ huy trung đoàn 26 thiết giáp . Ở đây anh được trả lời bằng những cặp mắt ngạc nhiên đến sững sờ vì ai nấy chẳng biết gì đến cái tin tổng tấn công cả .

  Nóng lòng cho biết bao nhiêu sinh mạng của đồng đội vừa ngã xuống , máu nhà binh trỗi dậy , trung úy Omagaru lớn tiếng mắng chửi . Anh kết tội bọn lục quân là những kẻ hèn nhát trốn tránh trách nhiệm và trong một phút giây không kềm được lửa giận , Omagaru rút sút toan bắn chết viên đại úy trực nơi bộ chỉ huy trung đoàn . Kịp thời viên trung tá chỉ huy xuất hiện , ông ta lên tiếng phân trần và quả quyết rằng không có lệnh tổng tấn công . Ông cho biết tướng chỉ huy trưởng Kuribayashi sau khi hay được cái tin tấn công của Senda , tức thì ông ban ra một cái lệnh lập tức thu hồi mệnh lệnh tổng tấn công ngay .

  Sau đó viên trung tá chỉ huy Takeichi Nishi thân mật ngõ lời mời trung úy Omagari cùng nhóm binh sĩ còn sống sót gia nhập vào đội ngũ phòng thủ của ông nhưng Omagari thẳng thừng từ chối vì anh ta chưa tin những gì Nishi đã nói . Anh vẫn còn mang cái ảo vọng điên rồ là những chiến hữu hải quân còn sống sót đang sát cánh với mình sẽ đủ sức đánh thốc tới ngọn núi lửa Suribuchi và chiếm lấy nó . Trung tá Nishi nhẫn nại khuyên can . Ông trỏ về phía trước và nói với vẻ mặt điềm tỉnh “Nếu có ai muốn được chết thì sẽ được toại nguyện bất cứ lúc nào vì cách chỗ chúng ta đây chừng 50 mét , chỗ ấy là đất của địch . Tử thần đang chờ ở đó , kẻ nào muốn chết thì cứ việc tới đó tôi không có dọa quí vị làm gì” .

  Nghe xong tức thì trung úy Omagari nổi giận đùng đùng , anh cùng toán lính hải quân lập tức rời khỏi hang động của bộ chỉ huy trung đoàn thiết giáp . Định bụng rằng với một lực lượng còn sống sót không quá 200 binh sĩ của mình sẽ xông vào phòng tuyến Hoa kỳ tả xông hữu đột để rửa lại cái hận hơn 800 binh sĩ hải quân đã bỏ mình một cách oan uổng lúc nửa đêm , nhưng sau khi tập họp và kiểm tra lại vũ khí của nhóm thì trung úy Omagari đã thấy trời sắp sáng tỏ , anh chán nản cho rằng đã quá trễ để mở cuộc tấn công vào phòng tuyến địch . Chàng trung úy trẻ tuổi háo thắng lấy làm thất vọng liền quyết định trở lại và ở đây anh thuyết phục nhóm người của mình ở lại chiến đấu cùng một đơn vị với trung tá Nishi , riêng anh thì anh đã có quyết định cho riêng mình . Anh sẽ tự mang đầy chất nổ vào người rồi chờ khi nào xe tăng địch lăn bánh xích bắt tiến sẽ nhảy vào tiêu diệt chúng . Omagari nghĩ rằng cơ hội đền nợ nước ấy sẽ chẳng phải chờ đợi quá lâu vì theo tình hình hiện tại thì Hoa kỳ sẽ tung quân chiếm nốt phần còn lại của hải đảo rất sớm .

    Trung tướng Kuribayashi như kế hoạch phòng thủ đã vẽ ra từ đầu , chỉ dùng hỏa lực chôn dấu trong những hang động mà tiêu hao lực lượng địch càng nhiều càng tốt , bởi thế ông tránh không muốn dù chỉ mở một cuộc tấn công trạm chán với thực lực của Hoa kỳ . Nhưng tướng Senda đã bất tuân thượng lệnh đã không chịu nhẫn nhục ngồi chờ nên mới tự quyết định mở một cuộc tấn công táo bạo vào phòng tuyến địch như đã nói ở trên .

  Theo như kế hoạch đã vẽ ra từ đêm trước : mọi lực lượng xung kích nhận lệnh của tướng Senda đã chuẩn bị sẳn sàng và họ đang có mặt sẳn chung quanh nơi căn cứ của ông , chỉ chờ lệnh xuất phát là họ lao ngay vào đất địch . Lúc nửa đêm , tướng Sanda nai nịt hẳn hòi , đầu không đội nón , chỉ quấn một băng vải trắng có hình mặt trời . Hai tay ông tướng là hai quả lựu đạn , ông xung phong dẫn đầu đoàn người âm thầm tiến vào phòng tuyến của giặc .

  Trong màng đêm thâm u tứ bề vắng lặng , chỉ có tiếng gió biển vi vu hòa theo tiếng côn trùng rả rít , những chiếc bóng đen đầy lòng ái quốc âm thầm nhấp nhô xuyên qua những khúc quanh ngoằn ngoèo của vùng núi rừng rậm rạp để tiến về phía phòng tuyến của địch . Thật sự thì họ không ngờ đây chính là lối dẫn họ vào vùng tử địa vì mặt họ một khoảng không xa , ổ phục kích của sư đoàn 3 thủy quân lục chiến đã chọn sẳn địa điểm và giàn quân chờ đợi . Chỉ cần đoàn cảm tử quân của Nhật lọt hết vào vùng hỏa lực thì họ sẽ quất sụm không còn sót một móng . Quả thật , trận tàn sát đêm hôm nay có thể nói cũng rùng rợn không kém đêm hôm trước với nhóm binh sĩ hải quân . Kết quả Nhật bỏ lại 650 xác chết trong đó có trung tướng Senda . Một cánh cảm tử quân khác do đại úy Inouye đánh thẳng về hướng nam với ý định chiếm lại ngọn núi Suribachi . Nhưng rốt cuộc cũng bị thủy quân lục chiến nhanh tay chặn đứng và tiêu diệt sạch . Trong trận này Nhật bị tổn thất quá nặng , bằng chứng là sáng hôm sau thủy quân lục chiến đếm được tổng cộng 784 xác chết tại chỗ .

  Chiều hôm ấy , một toán lính viễn thám thuộc sư đoàn 3 thủy quân lục chiến đã đặc chân được tận trên bãi biển nằm ngay vị trí đông bắc Iwo Jima . Điều này chứng tỏ lực lượng trú phòng của Nhật bản trên hòn đảo phía đông bắc đã bị chia cắt với phía tây bắc , nơi đại bản doanh của tướng chỉ huy Kuribayashi . Tướng Schmidt thầm nghĩ như thế có nghĩa là lực lượng của địch đang bị chia ra thành từng mảnh nhỏ . Nghĩ rằng tình hình trên đảo đến đây sắp bước vào giai đoạn khá an toàn nên ông thông báo cho cánh hải quân , rằng mặt trận Iwo Jima sẽ không còn cần thiết những phi vụ yễm trợ từ hàng không mẫu hạm nữa . Đô đốc Turner hân hoan cho rút toàn thể lực lượng hạm đội quay trở về căn cứ ở đảo Guam .

  Sau hai lần tổng tấn công thất bại ấy dĩ nhiên phòng tuyến thứ nhì của Nhật bị vở toang , quân Hoa kỳ càng tiến xa lên phía bắc . Ở đây nhiều cuộc đụng độ lẻ tẻ vẫn diễn ra hàng ngày . Càng đụng độ nhiều thì quân phòng thủ càng lâm vào tình trạng kiệt quệ , thứ nhất là không còn đạn dược và thực phẩm . Thực phẩm có thể nói là một mối lo gan ruột cho họ , nhất là nước uống thì quí hiếm như vàng . Lệnh tử thủ của tướng Kuribayashi bây giờ không còn tác dụng nữa , mỗi đơn vị phải tự lo lấy . Và muốn tìm sinh lộ thì dĩ nhiên họ phải rút bỏ hang động để rút lui về phía bắc , ở một nơi duy nhất trên hòn đảo chưa có bước chân của thủy quân lục chiến Hoa kỳ dẫm lên .

  Đến ngày 11 tháng 03 thì lực lượng của Nhật bị chia ra làm nhiều đơn vị nhỏ . Nhóm thứ nhất đóng trụ tại phía đông bắc và nhóm thứ nhì bám theo đại bản doanh của tướng Kuribayashi tức ở tận đỉnh phía tây bắc của Iwo Jima . Tướng Kurinayashi và đô đốc Ichimaru đang trú ẩn trong một hang động sâu thẩm , bên cạnh đó còn có nhiều sĩ quan tham mưu mà đa số trong họ vẫn còn mang chung một ý tưởng là bằng mọi giá phải cố bảo vệ hòn đảo cho kỳ được .

  Nhắc lại trung úy hải quân Omagari người đã dẫn nhóm binh sĩ hải quân tấn công vào phòng tuyến Hoa kỳ nhưng đã thất bại và anh còn sống sót về nằm lại nơi vòng đai của bộ chỉ huy trung đoàn thiết giáp với dự định sẽ ôm chất nổ đánh vào xe tăng địch . Lúc này anh đang đợi cho lúc trời tối hẳn sẽ lao vào một sứ mạng cuối cùng do chính mình hoạch định . Ngay vừa lúc nửa đêm , Omagari rời hố cá nhân , trên lưng anh một túi chất nổ và cất từng bước nặng nề ra con đường mòn mà anh đoán là đoàn xe tăng địch sẽ đi qua không bao lâu sau đó . Trên đường đi , Omagari phát giác ra năm xác chết của đồng đội . Không chậm trễ , viên trung úy cảm tử vội vấy máu đã khô của xác chết vào mặt mũi và bộ quân phục nhàu nát của mình . Anh còn cẩn thận moi lấy bộ đồ lòng của tử thi quấn lấy ngang bụng của mình để ngụy trang giống y như một xác chết . Vừa làm việc này Omegari vừa suy nghĩ “Hừm , ngày mai không biết tới phiên ai sẽ dùng máu và ruột của mình để ngụy trang nhỉ ?” .

  Nhưng sốt ruột nằm chờ đợi mãi mà đoàn xe tăng của địch không bao giờ xuất hiện , đêm đã qua và ngày lại đến . Ánh nắng chói chang càng làm cho Omegari cảm thấy nóng bức khó chịu vô cùng . Mồ hôi nhễ nhại nhưng không dám ngồi dậy , chỉ để hai lỗ tai lắng nghe tiếng bánh xích của xe tăng nghiếng trên đất đá nhưng tuyệt nhiên chẳng có thứ âm thanh nào ngoài tiếng gió biển lồng lộng từng đợt thổi vào . Mùi máu tanh mà anh đã bôi đầy mặt mũi tay chân , mùi hôi thối từ bộ đồ lòng của một xác chết vô phúc nào đó mà anh đã quấn quanh người mình bây giờ đã trương sình lên tỏa ra một mùi hôi thối khủng khiếp , ruồi nhặng từ bốn phương như tập trung hết vào phần thân thể của Omegari , chúng vo ve đen đặc cả một vùng càng làm cho anh khó chịu không thể tả .

  Trung úy Omegari càng lúc càng thấy chán nãn . Anh tự nghĩ cuộc đời của mình lại chấm dứt một cách tanh tửi và hôi hám như thế này sao . Từ nhỏ , cấp sách đến trường rồi khi lớn lên lại vào lính , những gì mình trau giồi học hỏi để rồi chấm dứt một cách dại dột như thế này hay sao ? Thế hệ của anh được đào tạo lên chỉ với một niềm tin duy nhất là phục vụ cho bộ máy chiến tranh và sẳn sàng cho một ý tưởng cao đẹp là được hy sinh cho tổ quốc và Thiên Hoàng . Nhưng một khi trọn cả ngày phải nằm im lìm phơi mình dưới nắng nóng , nhịn cả đói khát và mũi phải ngữi mùi tanh hôi nồng nặc của xác chết thì viên trung úy trẻ bổng chốc cảm thấy ngã lòng thối chí thật sự . Và khi chán nản thật sự thì anh lại tự hỏi với lòng rằng sự hy sinh của mình nó cao đẹp ở chỗ nào , có ai biết cho một cái chết vô danh và lặng lẽ của mình đây ? Càng nghĩ anh càng thấy việc làm của mình sao nó có vẻ quá ngớ ngẫn và dĩ nhiên sự hy sinh này cũng chẳng cao đẹp chút nào . 

  Khi trời vừa nhá nhem tối , Omegari quyết định bỏ cuộc . Anh giũ bỏ tất cả mớ ngụy trang hôi thối kia rồi bò trở về hang . Dù đã cởi hết áo quần để lau chùi cho sạch nhưng vì không có nước rửa nên mùi hôi thối của xác chết lúc nào cũng quyện quanh lấy người anh . Nằm trong hang trọn ngày hôm đó Omegari bây giờ đã đói khát lã người ra , tuy nhiên đầu óc anh vẫn còn tỉnh táo . Trước khi từ giã cõi đời , viên trung úy trẻ đã thề với lòng rằng dù thế nào đi nữa : dứt khoát không thèm mang bom vào người thêm một lần thứ hai !

  Trên một góc phía bắc của hòn đảo , trung úy hải quân Toshihiko Ohno và đồng đội của anh phải di chuyển hết khu rừng này đến ngọn đồi nọ vì bị sức tiến công của thủy quân lục chiến Hoa kỳ dồn ép . Ohno là chỉ huy một khẩu đội phòng không gồm 54 binh sĩ nhưng bây giờ nhóm của anh chỉ còn lại vỏn vẹn có 5 tay súng . Tất cả 5 người ngồi bó mình ngủ gà ngủ gật trong một cái hang nhỏ hẹp mà lối ra duy nhất đã bị đá núi chẹn cứng vì bom pháo . Một tiếng động khẻ làm Ohno giật mình , qua một lỗ hở từ cái lỗ châu mai , anh nhìn thấy chiếc nón sắt của thủy quân lục chiến Hoa kỳ di động . Ohno vội chụp nhanh khẩu súng lục và khi quay lại thì chiếc nón sắt ấy đã di chuyển sang hướng khác mất dạng . Chợt có tiếng như một vật gì do ai đó tung vào hầm , nó lăn lông lốc . Những tiếng lăn khô khan ấy làm cho trung úy Ohno tóc tai dựng ngược , anh kinh hoàng hét lớn “Mẹ kiếp tụi nó tung lựu đạn vào hầm !!” . Tiếng nói của Ohno chưa dứt thì một tiếng nổ đinh tai vang lên . Căn hầm chật hẹp với 5 binh sĩ chen chúc bỗng chốc khói tỏa đen đặc và khỏi cần phải ghé mắt nhìn vào , kẻ nào đã tung lựu đạn vào đó cũng đoán ra được tất cả bọn họ đã trở thành những cái xác không toàn thây .

                   ……………………………………………………….

  Quân phòng thủ Nhật bản cho đến lúc này thì lương thực và nước uống coi như đã cạn kiệt . Những tốp lính chui ra từ địa đạo đi tìm nước thì đa số có đi mà chẳng có trở về . Ngày 14 tháng 03 , tướng Kuribayashi ra lệnh cho đại tá Masao Ikeda đốt lệnh kỳ của trung đoàn 145 để không bị lọt vào tay lính Hoa kỳ . Trung đoàn 145 là một trung đoàn thiện chiến và từng tham gia nhiều trận đánh đẫm máu nhất từ khi thủy quân lục chiến đổ bộ lên đảo và cho đến bây giờ thì hầu như cả trung đoàn chẳng còn ai sống sót cả . Chiều ngày 17 tháng 03 , tướng Kuribayashi điện về Đông kinh , một bức điện cuối cùng “Chiến cuộc sắp tàn . Đó không phải vì tinh thần chiến đấu của quân đội Thiên Hoàng chẳng có mà vì chúng tôi không còn vũ khí và lương thức . Nước uống là nguồn tiếp tế quan trọng hàng đầu nhưng đã hết từ 5 ngày qua . Những binh sĩ còn lại sẽ mở một cuộc tổng tấn công cuối cùng . Nếu hòn đảo này rơi vào tay giặc thì chính quốc Nhật bản sẽ không còn được an toàn . Tôi hy vọng rằng linh hồn tôi sẽ dẫn đường phò trợ của cuộc tấn công tái chiếm Iwo Jima trong tương lai . Cầu trời cho một chiến thắng cuối cùng rồi sẽ đến với quê hương của tôi . Xin cho tôi được nói lên lời giã biệt cuối cùng , một lời giã biệt sẽ còn vang vọng đến ngàn đời sau .. SAYONARA” .

  Vốn là một nhà thơ có tiếng nên bức điện của vị tướng chỉ huy cũng kết thúc bằng 3 bài thơ , có hai câu kết như sau :

  “Tôi lo lắng cho tương lai quê mẹ

   Khi cỏ xanh phủ kín xác thân mình” .

  Ngày 17 tháng 03 , Đông kinh gửi một công lệnh vinh thăng Kuribayashi lên Đại tướng ngay tại mặt trận , đồng thời một số sĩ quan khác cũng được thăng lên một cấp như Ichimaru , Inouye , Nishi v.v. Nội trong đêm đó tướng Kuribayashi đã sẳn sàng chết cho quê hương . Ông ban ra một quân lệnh cuối cùng là tất cả đơn vị còn lại trên đảo phải tham gia vào một trận tổng công kích cuối cùng , thời gian được ấn định chung là từ lúc 1 giờ sáng ngày 18 tháng 03 năm 1945 . Lệnh bắt buộc mỗi chiến sĩ Phù Tang phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và lẽ dĩ nhiên là chẳng còn ai sống sót cả . Riêng đại tướng tổng tư lệnh mặt trận sẽ là người tiên phong dẫn đoàn quân đi vào lịch sử .

  Nằm sâu trong một địa đạo cách đó không xa , căn hầm chỉ huy của phía hải quân . Lúc ban ngày họ đã cho đốt bỏ tất cả mật mã và giấy tờ quan trọng . Trước khi trời tối , đô đốc Ichimaru cho triệu tập tất cả những binh sĩ hải quân còn sống sót và có thể tham gia trận đánh cuối cùng , họ chỉ còn lại một nhúm khoảng 60 binh sĩ cùng ngồi chen chúc nhau tại một căn hầm phía dưới khu địa đạo đen tối ngột ngạt . Ở đây đô đốc cũng ban ra một cái lệnh cứng như thép là chiến đấu cho đến chết , chết vinh dự cho quê hương tổ quốc . Hòn đảo Iwo Jima lọt vào tay Hoa kỳ có nghĩa là chính quốc Nhật bản cũng đang bị đe dọa trầm trọng , nhưng đã là một chiến sĩ Nhật bản , một người lính phục vụ trong quân đội Thiên Hoàng thì coi cái chết nhẹ tợ lông hồng , hãy tiêu hao lực lượng địch càng nhiều càng tốt . Đó là nhiệm vụ duy nhất còn lại mà chúng ta còn có thể làm được cho Nhật bản .

  Trong khi ấy thì vị sĩ quan tham mưu trưởng của Ichimura là Takeji Mase bước tới lớn tiếng đọc một lá thư hạch tội tổng thống Hoa kỳ Roosevelt do đô đốc Ichimura soạn . Thôi thì đủ thứ tội lỗi trên đời được gán hết cho ông tổng thống gần đất xa trời Roosevelt . Nào là đã mạ lị gọi người Nhật bằng những ngôn ngữ cay độc như “tụi da vàng nguy hiểm” , gọi Nhật bản là một quốc gia khát máu , quân đội Nhật bản là một bè lũ côn đồ v.v. Và Hoa kỳ là quốc gia chịu trách nhiệm vì chính họ đã phát động cuộc chiến chứ không phải Nhật bản” . Bức thư rất dài , có nghĩa tội của Rosevelt bị ông đô đốc sắp chết của Nhật gán cho nhiều vô số kể , từ lời phát ngôn đầy miệt thị cho tới sự kỳ thị màu da chủng tộc . Không biết những tội danh này Ichimura moi ra từ đâu , thật sự thì từ đầu đến cuối quyển sách này và chính những tài liệu viết về thời đệ nhị thế chiến , người viết chẳng nghe ai hạch tội vị tổng thống khiếm khuyết đáng kính của Hoa kỳ này lần nào cả . Phải chăng kẻ sắp chết muốn nói lên sự bất mãn tột cùng trong lòng và nỗi bất mãn này lại đổ trút cả lên đầu của kẻ thù , một vị lãnh đạo tối cao của Hoa kỳ . Bức thư này do trung úy Akada giấu trong mình chưa kịp đưa ra cho người Mỹ thì bị bắn chết . Bức thư sau đó lọt vào tay thủy quân lục chiến , nội dung bức thư được đăng lên các tờ báo của Mỹ và chính bức thư ấy được trưng bày ngay trong bảo tàng học viện sĩ quan ở Annapolis , nơi ngày trước đô đốc Ichimaru , tác giả của lá thư ấy từng có thời gian thực tập ở đây .

  Trước lúc nửa đêm , đô đốc Ichimaru cùng đoàn binh sĩ rời hang động bỏ lại sau lưng gần 100 thương binh nằm chờ chết . Đoàn người cuối cùng 60 binh sĩ của phía hải quân chưa rời bản doanh bao xa thì đã bị thủy quân lục chiến Hoa kỳ phát giác và tập trung hỏa lực tiêu diệt chỉ có đô đốc Ichimura và vài người tâm phúc khác thoát khỏi được thảm họa , họ tháo lui và cuối cùng tháp tùng theo đoàn binh sĩ phe lục quân của tướng Kuribayashi.

  Vị tướng chỉ huy trưởng Iwo Jima cũng rời bỏ hang động cùng thời điểm với Ichimura cùng với khoảng 500 binh sĩ . Hầu hết bọn họ đều chẳng còn vũ khí và chưa biết mục tiêu tấn công là chỗ nào nên tạm thời tìm một chỗ an toàn khác nằm chờ đợi .

  Riêng đại tá Nishi , vị chỉ huy trưởng trung đoàn thiết giáp đang nằm ở vùng trung đảo thì chẳng bao giờ nhận được cái lệnh tổng tấn công và dù có nhận đi nữa ông cũng biết kết quả của cuộc chiến đã quá vô vọng nếu có mở thêm nhiều cuộc tấn công nữa cũng chẳng làm thay đổi tình hình được . Tuy nhiên , ở vào cương vị của mình ông thấy cũng cần phải làm một cái gì trước khi chết . Thế là ông quyết định mở một cuộc tấn công kiểu tự sát vào phòng tuyến Hoa kỳ ở phía bắc hải đảo . Từ trong những hang hố đoàn người bắt đầu tề tựu vào điểm tập trung và từ đó họ di chuyển về mục tiêu là phòng tuyến của địch . Đại tá Nishi cùng với 200 binh sĩ , trong số ấy có cả trung út Omagari , người mấy hôm trước mà đã từng quấn bộ đồ lòng hôi thối ôm chất nổ nằm chờ xe tăng địch trọn cả ngày nhưng chẳng có kết quả . Nhưng không ngờ trên đoạn đường này cả bọn bị lọt vào ổ phục kích của thủy quân lục chiến , thế là một màn tàn sát rùng rợn lại diễn ra lần nữa . Đại tá Nishi cùng Omagari và vài binh sĩ may mắn thoát chết , họ chạy thụt mạng ra phía bờ biển mong tìm một hang động nào đó có thể lánh nạn được .

  Tại một trạm truyền tin trên đảo Chichi Jima , đại tá Horie cố gắng mãi nhưng không thể liên lạc được với bộ chỉ huy Iwo Jima từ sau cái đêm tướng Kuribayashi dời đại bản doanh chuyển tới một cái hang đá khác . Sáng ngày 23 tháng 03 , sau 5 ngày đêm im lặng không một tin tức , bỗng dưng nhận được một loạt điện tín đánh đi từ Iwo Jima . Đại tá Horie ngồi đọc mà trong lòng nghe co thắt lại . Tướng Kuribayashi tóm tắt tình hình trên đảo nó tồi tệ đến nổi phía địch quân đang dùng loa phóng thanh kêu gọi đầu hàng trong khi tất cả binh sĩ phòng thủ còn sống sót đã mấy ngày qua không còn nước uống và lương thực . Tướng Kuribayashi quyết định tung ra một đợt tấn công cuối cùng để cuộc chiến được chấm dứt ở đây .

  Hai mươi phút sau , một bức điện cuối cùng của tướng Kuribayashi chỉ võn vẹn một câu ngắn ngủi “Gởi lời chào vĩnh biệt đến tất cả anh em ở Chichi Jima” .

  Bây giờ tàn quân Nhật chỉ còn một nhúm nhỏ co cụm tại một hang núi tận trên mũi phía bắc của Iwo Jima . Ngày 26 tháng 03 , họ gom toàn thể binh sĩ còn sống sót lại thành một đội quyết tử cuối cùng . Đội quyết tử này khoảng 350 binh sĩ vừa lục quân lẫn hải quân , cộng thêm 40 sĩ quan các cấp . Họ tiến ra từ hẽm núi ở cực bắc hải đảo với một đội hình chẳng giống bất cứ đội quân nào trên thế giới . Một số đông binh sĩ chẳng còn quân phục , kẻ có áo nhưng lại không có quần , người thì chỉ vận độc nhất một chiếc quần tiều rách nát . Không vũ khí chẳng gậy gộc . Có thể bảo đây là một đám đệ tử của cái bang đang đi hành khất thì đúng hơn là quân đội của Thiên Hoàng . Vì đã mấy ngày rồi chẳng có cái bỏ bụng nên ai nấy sức cùng lực kiệt đi đứng chẳng nổi cứ nằm dài dưới đất , kẻ bò người lết cùng xung phong diệt địch . Thân thể tàn tạ như thế ấy nhưng ngược lại ý chí của họ cũng chẳng sờn , miệng không còn hét ra tiếng nhưng vẫn cứ thều thào hai tiếng “Banzai” và cố nhấc mình về phía trước . Phía tuần phòng của binh sĩ Hoa kỳ dĩ nhiên là họ đã chứng kiến được cái cảnh mà họ cho là kỳ quái nhất thế giới . Những cặp mắt trợn tròn cứ nhìn chòng chọc vào phía quân thù mà chẳng biết phải đối phó như thế nào . Mấy anh lính trẻ da trắng đến từ một phương trời xa xôi này tuy thù hận tràn lòng nhưng cũng phải cúi đầu nễ phục những bóng hình gầy guộc của đoàn quân ốm đói đang lao mình vào tử địa . Một đoàn quân xung trận như thế thì kết quả ra sao đã quá rõ , ở đây chúng ta cũng chẳng cần phải bàn đến nữa .

  Rạng sáng ngày hôm sau tức 27 tháng 03 , tướng Kuribayashi , bấy giờ ông đang bị một vết thương khá nặng vì bị tai nạn khi di chuyển đến một hang động khác , ông đứng trầm tư ngoài miệng một hang động nhỏ cùng với một sĩ quan tham mưu , đại tá Kaneji Nakane . Vị tướng chỉ huy mặt hướng về cố thổ từ từ quì xuống và gập người lạy ba lạy . Đoạn ngồi bật dậy , vung tay thật nhanh rút phăng thanh đoản kiếm đâm một nhát vào bụng của mình . Đại tá Nakane đứng phía sau lưng vị chủ tướng , nhanh như chớp ông nâng thanh trường kiếm lên chặt đứt thủ cấp của vị chỉ huy , một hình thức để hoàn tất nghi lễ . Xong ông lo mai táng thân xác của vị chủ tướng và sau đó trở về hang để báo cáo sự việc với đại tá tham mưu trưởng là Tadashi Takashi . Hai vị đại tá cùng nhau ra cửa hang dùng súng lục tự sát . Đêm ấy , lúc 11 giờ tối , đô đốc Ichimaru cùng với mười binh sĩ cũng bị bắn hạ bởi một toán lính tuần tiểu của Hoa kỳ khi họ phát giác ra khi ông cùng mọi người tay không vũ khí vừa ra khỏi hang động .

  Đến đây thì trận Iwo Jima đã chính thức kết thúc sau hơn một tháng giao tranh khốc liệt . Tổn thất về phía Hoa kỳ với một con số rất cao . Nếu so sánh về thời gian và quân số tham chiến , có thể nói đây là một tổn thất cao nhất ở Thái bình dương trong đệ nhị thế chiến với 4,554 thủy quân lục chiến và 363 hải quân tử trận . Phía phòng thủ với 21 ngàn quân đến khi tàn cuộc chỉ còn lại hơn 3 ngàn sống sót , trong số ấy có 216 người bị bắt làm tù binh chiến tranh . Ngoài ra họ vẫn còn ẩn trốn trong các hầm địa đạo , chịu nóng bức đói khát và chết từ từ sau đó một thời gian . Tuy nhiên cũng có tài liệu cho biết thêm vẫn còn nhiều binh sĩ chẳng biết họ xoay trở thế nào mà vẫn ẩn náu tại chỗ và tiếp tục chiến đấu cho đến nhiều năm sau chiến tranh . Hai người lính cuối cùng ra đầu hàng tại đảo Iwo Jima là Yamakage Kufuku và Matsudo Linsoki , họ là binh sĩ dưới quyền của trung úy Toshihiko Ohno . Cả hai binh sĩ này cầm cự chiến đấu tại chỗ cho đến 6 năm sau , tức năm 1951 họ mới chịu buông súng đầu hàng . Phần lớn xác chết của lính Nhật bị vùi lấp trong các hang động và cho đến vài chục năm sau vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn vì tác dụng của chất lưu huỳnh trên đảo .

  Thất bại ở Iwo Jima đã làm chấn động đến chính trường Nhật bản . Ngày 05 tháng 04 năm 1945 , thủ tướng Koiso đệ đơn lên Nhật Hoàng Hirohito xin được từ chức vì những thất bại liên tục . Nhật Hoàng liền cho triệu tập một phiên họp của viện nguyên lão và sau đó đơn xin từ chức của Koiso được chấp thuận . Cũng ngay đêm đó , vị đô đốc hồi hưu Kantaro Suzuki được bổ nhiệm làm thủ tướng Nhật bản , lúc bấy giờ ông đã 77 tuổi . 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế