Chuẩn bị cuộc Nam tiến

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Không đợi đến lúc chiến tranh ở châu Âu bùng nổ và tràn lan thì bộ tổng tham mưu Nhật Bản mới lo nghĩ đến việc phải đối đầu với một cuộc chiến tàn khốc . Trước đây , họ với những hoạt động còn hạn chế đối với khu vực Á châu , nhưng từ khi Anh chính thức tham chiến ở châu Âu chống lại Đức Quốc Xã thì Nhật bắt đầu chuẩn bị cho những hành động chống lại cả Anh lẫn Mỹ . Họ phái một sĩ quan khôn ngoan sắc sảo nhất của họ là Thiếu Tá Kumao Imoto đi nghiên cứu những điểm chiến lược quan trọng ở vùng Nam Á . Ông ta bắt đầu từ Hương Cảng , Hà Nội cho đến Sài Gòn và sang cả Tân Gia Ba . Khi trở lại với bản báo cáo , Imoto đã có sẳn một sơ đồ của kế hoạch xâm lược từ Hương Cảng tận Tân Gia Ba .

  Sang năm sau , các sĩ quan của họ càng tiến xa về miền Nam hơn để chuẩn bị cho một mưu đồ xâm chiếm sau này . Từ Java , Sumatra tức Nam Dương đến Phi Luật Tân . Nhưng vì kế hoạch này còn tổ chức quá lỏng lẻo nên thậm chí ngay cả một mạng lưới dọ thám củng chưa được thành lập . Nhờ những kẻ háo danh chạy theo thời cơ , biết chút ít tiếng Nhật đua nhau ra tình nguyện làm việc cho Đại Nhật , vì vậy họ có được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của một thiểu số người bổn xứ . Đa số dân Phi Luật Tân tuy vẫn còn cay đắng sự thất bại chua chát của Emilio Aguinaldo nhưng lòng căm hờn của họ lúc nào cũng muốn vùng lên đạp đổ ách thống trị của Hoa Kỳ mà họ đã đeo tròn một thế kỷ , trong khi người dân khốn khổ đang sống kiếp tôi đòi trong những thuộc địa của Anh và Hòa Lan , đại đa số cũng đồng lòng nổi dậy chống lại sự chi phối của người da trắng .

  Tháng 12 năm 1940 , khoảng thời gian mà Yamamoto đang cân nhắc quyết định tấn công Trân Châu Cảng , ba sư đoàn lục quân Nhật đang đồn trú ở Trung Hoa được lệnh bắt đầu huấn luyện cho những chiến dịch ở vùng nhiệt đới . Một đơn vị đặc biệt được thành lập với mục đích thâu lượm những dữ kiện có liên quan đến chiến tranh vùng nhiệt đới ở miền Nam Á trong khoảng thời gian từ 6 tháng trở lại . Đơn vị này chỉ là một tiểu tổ . Tổ trưởng là Đại Tá Yoshihide Hayashi nhưng lại nằm dưới sự chỉ huy của Đại Tá Masanobu Tsuji , một nhân vật được nhiều người ưa và lắm kẻ ghét vì cái tính dở dở ương ương của ông . Đã có một lần Tsuji đốt trụi một kỷ viện ngay trong lúc những sĩ quan cộng sự đang vui say với những nàng Geisa trong ấy vì ông cho rằng họ đã xúc phạm đến nền đạo đức phẩm hạnh . Với khuôn mặt tròn trịa dưới cái đầu hói trọc và đôi mắt sáng hoắc , ông đúng là một mẫu sĩ quan tiêu biểu . Một nhà hoạt động quân sự lỗi lạc , một kẻ hiếu sát nhưng lại là một người mộ đạo đến cuồng tín nên ông được giới sĩ quan trẻ tuổi gán cho biệt hiệu là “Đông Phương Giáo Chủ” . Thượng cấp của Tsuji , Tướng Hitoshi Imamura , một danh tướng được kính nễ nhất trong quân đội đã nhìn ra sự thông minh khác thường của Tsuji – nhưng bên cạnh ấy Tsuji lại còn là một kẻ đãng trí hợm đời . Những vị sĩ quan cùng địa vị với Tsuji như Đại Tá Takeo Imai thì coi ông như một người tài giỏi khôn ngoan , một kẻ duy tâm cuồng tín với đầu óc thiển cận giống như con người đầy huyền thoại  Ishihara vậy . Sự so sánh này có lẽ đúng nhất vì sự thật Tsuji đã được Ishihara đứng ra che chở từ lâu . Chính ông đã có quyết định biến Mãn Châu thành một cõi niết bàn nơi hạ giới mà trong đó có đến năm chủng tộc sống hài hòa với nhau . Chẳng những thế Tsuji còn dự tính xa hơn nữa , ông ôm giấc mộng đoàn kết khối Đại Đông Á khiến cho mọi người sống chung với nhau trong tình huynh đệ . “Châu Á dĩ nhiên phải do người Á châu xây dựng” , đó là câu kinh nhật tụng của Tsuji từ bấy lâu nay .

  Yoshio Kodama (người đã từng bị Tsuji dụ dỗ sắp đặt kế hoạch đánh mìn giết Thủ Tướng Konoye) lần đầu tiên gặp Tsuji ở Bộ Chỉ Huy Lục Quân Nam Kinh để trao lá thư của Ishihara . Ở đây Kodama gặp Đại Tá Imai và nhờ ông chỉ cho biết chỗ ở của Tsuji . Đại Tá cho biết “Cái thằng cha khùng đó đang chui rúc trong căn phòng bẩn thỉu nhỏ xíu ở phía sau chuồng ngựa kia kìa” . Đến nơi , Kodama ngạc nhiên hỏi tại sao Tsuji lại sống một mình ở cái nơi quá tồi tàn bẩn thỉu đến như thế . Đại Tá Tsuji nỗi giận trả lời bằng một giọng hằn học “Mấy thằng trong bộ chỉ huy đó toàn là một lũ đồi bại . Họ chỉ làm việc để kiếm huy chương mà thôi . Đêm nào cũng như đêm nấy , họ đều tiệc tùng nhậu nhẹt , rồi gái điếm thả dàn . Sau cái vụ lộn xộn ở Trung Hoa này tất cả binh lính Thiên Hoàng đều trở nên tệ hại hết thảy . Tụi nó ghét tôi lắm bởi vì tôi đã biết tỏng bọn nó và còn dám nói lên sự thật” . Tsuji dám nói dám làm , chính ông đã bắt tội tham nhũng của một sĩ quan đồng sự khiến cho ông này cảm thấy nhục nhả đến nổi phải tự tử mà chết .

   Tháng giêng năm 1941 , người ta lại thấy Đông Phương giáo chủ xuất hiện ở Formosa (Đài Loan ngày nay) làm cho họ đoán già đoán non là đó chẳng qua là một sĩ quan bị đày ải . Căn cứ theo tin đồn , theo lời của Tojo , người thuộc phe đối lập với Ishihara ; thì Tsuji được thượng cấp giao cho một công tác mới , đó là một dự án mà người ta cho là quá vô dụng . Thay vì khi thấy rõ thực tế thì Tsuji tỏ ta khó chịu hoặc từ chối công tác ấy , nhưng ngược lại ông toàn tâm toàn ý lao mình vào nhiệm vụ mới với tất cả nhiệt tình . Bắt đầu bằng chiến dịch Mã Lai Á . Chỉ trong vòng hai tháng , thông qua nhiều tư liệu khác nhau , Tsuji mới nhận ra mũi hướng Bắc của đảo quốc Tân Gia Ba nối liền với phần đuôi của bán đảo Mã Lai bằng một đoạn đường đắp dài hơn cây số , ở đó có một pháo đài kiên cố  nếu tấn công từ hướng biển vào thì không thể nào đánh chiếm được nhưng ở mặt sau thì ngược lại , có thể tiến chiếm dễ dàng vì sự bố phòng của mặt này khá lỏng lẽo .

  Một trong những phụ tá của Tsuji cũng có một người lập dị không kém chi ông (mấy chú lùn Nhật Bản này sao lập dị hợm đời nhiều thế ?) đó là Đại Úy Shigeharu Asaeda , một sĩ quan trẻ 29 tuổi đời , năng nổ hoạt động . Ước mơ của anh là trở thành kỷ sư , nhưng sinh ra trong một gia đình nghèo nên chỉ có một con đường chọn lựa duy nhất là đi vào binh nghiệp . Trường võ bị cửa luôn rộng mở và với khả năng tài chánh hiện tại của anh thì có thể ghi danh vào bất cứ lúc nào vì trường này hoàn toàn miễn phí . Sau khi tốt nghiệp , Asaeda tình nguyện sang chiến đấu ở Trung Hoa . Nơi đây anh ta chiến đấu quá liều lĩnh đến đỗi Tsuji phải rút anh về hậu tuyến . Chí lớn gặp nhau nơi đất khách quê người , cả hai Tsuji và Asaeda đều bị ảnh hưởng chủ nghĩa duy tâm và có cùng một tâm hồn phiêu lưu mạo hiểm nên dễ gần gủi và thân thiết nhau . Vì nhu cầu của những công tác cấp sách nên bộ chỉ huy rút Asaeda về làm việc tại văn phòng . Bị giam trong bốn bức tường tù túng và những chồng hồ sơ cao ngất , anh cảm thấy chán nản hơn bao giờ hết . Về sau này Asaeda mới năn nỉ thượng cấp xin thay đổi công tác bằng cách tình nguyện ra chiến trường bất cứ nơi nào . Rồi anh lại có mặt trong đoàn quân xuyên vùng Nam Á , trên đường di chuyển tình cờ gặp được Tsuji và được ông xin cho anh ở lại làm việc chung với ông . Và từ đó nhiệm vụ của Asaeda là thu thập trực tiếp tin tức ở Miến Điện , Mã Lai và Thái Lan . Vốn là một người cuồng tín mãnh liệt nên Asaeda tự giam mình vào nghiệp vụ , anh say sưa nghiên cứu địa hình địa vật và ngôn ngữ của từng địa phương ở bất cứ quốc gia nào mà anh đã đặt chân đến .

  Đến thời điểm Yamamoto quyết định bắt đầu chiến dịch tấn công Hạ Uy Di thì Asaeda , dưới lớp áo kỷ sư nông nghiệp hoạt động tại Thái Lan . Nhờ khôn khéo đút lót nên anh được tự do đi lại chụp hình bất cứ nơi nào anh muốn và còn được dịp trò chuyện với vô số dân cư bản địa , vài người trong đó có địa vị cao đã thuyết phục Asaeda rằng Thái là điểm xuất phát lý tưởng để tiến chiếm Miến Điện , với mũi công này sẽ nắm được phần thắng trong tay và ít đổ máu .

  Biên giới Miến Điện Thái Lan chạy dài theo trục Đông Tây qua những khu rừng rậm hoang vu và chi lưu của giòng Mê Kông ngoằn ngoèo uốn khúc , lúc nào cũng  được canh phòng cẩn mật bởi những cánh quân Anh trãi dài dọc suốt theo chiều dài biên giới . Nhưng chỉ vài tháng sau Asaeda đã tìm cách lẻn qua biên giới và thu thập những điều mà Tsuji muốn . Cho đến lúc trở lại Đài Loan thì Asaeda đã nắm vững tất cả địa thế địa hình , khí hậu thời tiết của từng vùng và báo cáo lên thượng cấp để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mới mang tên chiến tranh vùng nhiệt đới .

  Tháng Sáu cùng năm , một kế hoạch bí mật được sắp đặt ở đảo Hải Nam dưới sự giám sát của Hayashi và Tsuji . Một khái niệm mới , dựa theo nguồn tin cung cấp do sự tìm tòi nghiên cứu của Asaeda đã được xét nghiệm tỉ mỉ ; việc này không khác với hành động tự dấn thân vào tử địa nếu cứ ùn ùn chuyển người chuyển ngựa dồn vào một nơi ngột ngạt nóng bức nhiệt đới . Tsuji chắc chắn rằng bắt buộc phải cho quân đội trải một khóa huấn luyện cấp tốc , một thử thách ghê gớm ngõ hầu làm quen với cái khí hậu nghiệt ngã đó . Nói trắng ra là một nhục hình , một địa ngục trần gian mà các binh sĩ phải vượt qua trước khi đi chinh phục phương Nam . Phương pháp của ông được chứng minh là độc nhất vô nhị từ cỗ chí kim . Ông cho hàng ngàn binh sĩ trang bị đầy đủ chui cả vào hầm một chiếc tàu , rồi cho đóng tất cả các cửa sổ lại để nhiệt độ bên trong gia tăng cùng sự ngột ngạt khó chịu . Ông nhốt họ trong ấy độ một tuần lễ với nhiệt độ trung bình từ 40 đến 45 độ C nhưng nước uống thì rất giới hạn nếu không muốn nói là nhỏ giọt để cầm hơi . Nhưng những người lính khô queo héo úa đến tội nghiệp ấy cùng những con ngựa lặt lìa sắp chết kia lại lập được những thành tích vẻ vang sau này khi họ đặt chân đến những bãi biển với những chông gai thử thách đang chờ đón họ .

  Và bây giờ , tất cả chỉ còn lại là những thông tin chính xác về vấn đề địa hình và thủy triều của từng bãi biển dự định đổ quân . Để đáp ứng được yêu cầu này , Tsuji quyết định gửi  “Nam phương kinh lược độc nhất nhân” Asaeda đến Mã Lai Á ngay .

                          ………………………………………………..

   Bởi cho rằng cánh Hải Quân lúc nào cũng chống đối việc hành quân xuôi Nam bằng đường bộ có thể chạm trán với Hoa Kỳ cho nên Đô Đốc Nagano đệ trình một dự án chính thức , ủng hộ tiến chiếm Đông Dương mặc dù có thể đi đến vũ lực . Nhưng mọi việc diễn ra êm thắm , chính phủ Vichy đành chấp thuận lời đề nghị của Nhật Bản vì trong lúc ấy họ đang lép vế bởi mẫu quốc đang bị chia năm xẻ bảy dưới gót giày của quân đội Đức . Rồi cũng bởi do hành động này mà Hoa Kỳ và Anh Quốc tỏ ra tức tối vội liên hiệp với nhau , quyết định đóng băng trương mục và ra lệnh cấm vận kinh tế Nhật Bản . Tình trạng càng ngày càng tồi tệ cho đến lúc không còn giải quyết vấn đề với nhau bằng những đường lối ngoại giao uyển chuyển trên bàn được nữa thì họ bắt buộc phải dùng đến súng đạn thay lời trên chiến địa để phân cao thấp . Thoạt đầu thì Tham Mưu Trưởng Lục Quân Sugiyama không chấp thuận kế hoạch chuẩn bị chiến dịch đổ bộ vùng đông nam Á , nhưng ngày 23 tháng 08 ông lại phải chịu thua trước áp lực đè nặng quanh mình .

  Ngay trong bộ chỉ huy tối cao của Hải quân cũng có một vài vị Tướng không hăng hái hưởng ứng chiến dịch Z . Dẫn đầu là Hạm trưởng Sadatoshi Tomoka , mặc dù ông là chỉ huy trưởng chiến dịch Z . Cuối mùa hè năm ấy Tomoka tranh cãi dữ dội với Yamamoto , ông phản đối không muốn Koroshima (người đã vẽ ra kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng) bị lôi cuốn vào chiến dịch nguy hiểm này . Tomoka phàn nàn rằng có rất nhiều nhân tài của đất nước bị đẩy vào chiến dịch này , một chiến dịch mà chúng ta chưa nắm được mức độ thành công của nó , cũng có thể là mọi cố gắng sẽ trở thành công toi mà thôi . Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như chúng ta tấn công vào một cái cảng trống không ? Tomoka vốn tính nóng nảy và Koroshima cũng chẳng phải kẻ giỏi chịu đựng , nhưng hai người hai ý nghĩ khác nhau khiến suýt chút nữa đã thượng cẳng tay hạ cẳng chân với nhau . Bởi vậy cho nên sau này họ sinh lòng nghi kỵ với nhau là chuyện không lạ lắm .

  Yamamoto thì không bao giờ nghi kỵ bất cứ một vấn đề gì và sự chống đối ở Đông Kinh càng làm cho ông thêm bền lòng chặt dạ với ý định của mình . Một hôm , khi đang ngồi đánh cờ với Watanabe chợt Yamamoto thừ người một lúc rồi nói như than với chính mình “Chắc tôi sẽ phải từ chức thôi ông ạ” . Watanabe thoáng nghe vội nhe răng cười toe toét . Nhưng ấy không phải là một lời nói diễu cợt thoáng qua . Vị Đô Đốc này đã quyết chí , từ chức là phương sách cuối cùng của ông nếu không còn giữ được ý định của mình .

  Khóa huấn luyện trận không tập Trân Châu Cảng vẫn tiếp tục ở một tốc độ gấp rút tại Kyushu (Cửu Châu) , một hòn đảo cuối cùng ở miền Nam trong 4 hòn đảo chính của Nhật Bản . Một hòn đảo nổi tiếng với nhiều núi lửa , là nơi đã sản sinh nhiều anh tài xuất chúng cho đất nước nhưng ngược lại cũng là nơi chiếm giải quán quân về tệ nạn mãi dâm .

  Ngoại trừ những sĩ quan cao cấp có trách nhiệm hoặc dính dáng đến kế hoạch , phần còn lại , thậm chí những vị hạm trưởng mẫu hạm cũng chẳng biết cuộc diễn tập này nhằm với mục đích gì và mục tiêu tấn công là ở đâu , vào thời điểm nào . Những chàng không quân ở căn cứ Saeki chỉ biết rằng mình đang ráo riết chuẩn bị cho một cuộc không tập vĩ đại nào đó , với một lực lượng hùng mạnh bao gồm tất cả phi cơ chiến đấu trực thuộc bốn hàng không mẫu hạm . Những oanh tạc cơ loại ném bom bổ nhào thì đóng tại căn cứ Tominaka , cách đó khoảng 150 dặm dọc theo bờ biển . Những chàng phi công ở đây thì được huấn luyện đặc biệt cho những đợt  tấn công trong màng đêm dày đặc nhưng phải thật chính xác trên những mục tiêu là những chiếc tàu chiến giả neo ngoài khơi bờ biển .

  Một căn cứ khác biệt lập nằm gần phía nam cửa vịnh Kagoshima . Đây là một phi đội đặc biệt chuyên đánh bom nặng ký và thủy lôi . Thực tập phóng thủy lôi rất ngoạn mục và hào hứng , khi đèn xanh bật lên thì tất cả các phi công đều háo hức để chờ đến phiên của mình – bay nhào lộn xung quanh các cao ốc và gầm thét đinh tai nhức óc để cho thiên hạ bàng hoàng khiếp vía một phen . Mỗi phi cơ phóng thủy lôi gồm có : một phi công , một quan sát viên (người này còn có nhiệm vụ đánh bom) và một chuyên viên điện đài (người này kiêm luôn xạ thủ đại liên) . Phi cơ sẽ bay trên cao độ 5 ngàn bộ qua ngọn núi nằm phía sau thành phố Kagoshima , rồi lao xuống quanh khu chợ Yamagataya sang nhà ga xe lửa , lượn trái quẹo phải theo những cột điện lòng cầu , khi chồi lên , lúc đâm sầm xuống , uốn éo quanh co . Đến khi nhìn thấy bến tàu thì quan sát viên có nhiệm vụ bấm nút thả thủy lôi đánh thẳng vào con đê chắn sóng nằm cheo leo bên bờ biển , đấy là mục tiêu giả vì nó trông giống như những đoàn chiến hạm đang thả neo ở Trân Châu Cảng . Xong , phi công phải điều khiển cho phi cơ rẽ gấp sang phía phải để tránh va vào vách núi Sakurajima , một ngọn núi lửa còn đang hoạt động . Rồi tà tà trên mặt nước gây kinh hoàng cho những ngư dân đang đánh cá gần đó . Trò chơi ú tim này vui đáo để nhưng chẳng phạm pháp chút nào khiến cho những chàng phi công ít khi nào bê trễ cho việc luyện tập . Tuy rằng có rất nhiều phàn nàn từ những người dân quanh vùng . Bộ Hải quân chỉ ậm ừ cho qua song đâu cũng lại vào đấy . Có lẽ một phần vì nhiệm vụ phải luyện tập và một phần nữa là do những anh chàng phi công trẻ tuổi háo thắng này muốn bay lượn nhào bổ và chờ dịp xé toạt mái che của nhà hàng Hirano để gây một ấn tượng “đẹp” cho mấy em kỷ nữ Geisa trong ấy .

  Genda chọn thành phố Kagoshima – quê hương của người hùng Saigo . (Takamori Saigo người hùng biểu tượng cho sức mạnh của dân tộc Nhật . Người cầm đầu cho cuộc nổi loạn Satsuma năm 1877 chống lại triều đình Mạc Phủ . Tượng của ông vẫn còn đứng sừng sững giữa thành phố Kagoshima) . Sở dĩ ông chọn thành phố này vì địa hình ở đây nó có thể nói là một chín một mười với địa hình ở Trân Châu Cảng , bởi vậy mọi chướng ngại mà phi cơ ném thủy lôi có thể đối diện ở Trân Châu Cảng dĩ nhiên cũng có thể tìm thấy ở đây và phải tìm cách chế phục nó . Lý do tại sao Genda cho phi công bay ở một độ cao rồi bất chợt lao vút xuống thật thấp như một hành động tự sát , ấy là vì mực nước ở Trân Châu Cảng không sâu lắm . Nó quá cạn nếu cho phi cơ phóng thủy lôi từ một cao độ bình thường thì thủy lôi sẽ rẽ nước đâm sâu dưới đáy biển . Nhưng nếu chúng ta thả chúng ở độ cao 25 bộ , tức là ở một độ thấp quá mức cho phép của phi cơ đang bay thì kết quả cũng chẳng là bao vì mực nước ở đây quá cạn . Genda cho mời tất cả những sĩ quan chuyên môn về thủy lôi ngồi lại cùng ông tìm cách giải quyết bế tắc này .

  Cách đó vài trăm dặm hướng về phía Bắc , nơi một bãi biển ghềnh đá gồ ghề nổi tiếng có nhiều phong cảnh đẹp của đảo Shikoku , một biệt đội Hải quân khác cũng đang âm thầm tập dượt nhưng giữ bí mật đối với cư dân vùng Mitsukue này . Cứ mỗi buổi sáng sớm thì mười hai viên trung úy trẻ dong buồn vào vịnh Mitsukue , kéo theo một vật thể là lạ được che kín . Đến chiều thì họ cùng tất cả mọi thứ kéo về và những sĩ quan ấy đều tập họp tại quán trọ Iwamiya để dùng cơm chiều .

  Vật thể bí mật ấy chính là những chiếc tiềm thủy đỉnh tí hon và những sĩ quan điều khiển nó . Những chiếc tiềm thủy đỉnh này là một loại vũ khí bí mật nhất được Nhật dùng trong trận tấn công Trân Châu Cảng .

  Ta cũng nên nói sơ qua về loại vũ khí này . Nó có tên là Target-A , được Đại Tá Youko nghiên cứu khoảng cuối thập niên 1920 . Đó là tiểu tiềm thủy đỉnh loại “tự sát” . Mỗi tiềm thủy đỉnh chỉ do một viên trung úy điều khiển , khi lâm trận , các Target-A này được phóng ra từ tiềm thủy đỉnh mẹ . Trong mỗi Target-A có trang bị một hoặc 2 trái thủy lôi , viên trung úy sẽ điều khiển cho tiểu tiềm thủy đỉnh này phóng ngay đến hạm của địch và nổ tung sau khi trúng đích . Đầu năm 1933 , loại tiềm thủy đỉnh này được bộ Hải quân chú ý nhưng vì e nó sát hại nhiều sĩ quan quá nên không có ai hưởng ứng . Về sau này người ta mới cải tiến thêm được một bước nữa là sau khi phóng thủy lôi , viên sĩ quan có thể bấm nút thoát thân một cách an toàn trước khi chiếc Target-A nổ tung . Khi chiến dịch Trân Châu Cảng bắt đầu thì loại tiểu tiềm thủy đỉnh này đã được hoàn chỉnh rất nhiều , tầm hoạt động của nó cũng được tăng xa thêm 175 dặm và có thể di chuyển dưới mặt nước 50 phút với vận tốc 20 hải lý một giờ , có nhiều cơ hội tìm được những tiềm thủy đỉnh mẹ .

  Theo kế hoạch thì những Target-A này sẽ xâm nhập vào Trân Châu Cảng trước và nằm im dưới đáy biển , chờ cho các phi đội bắt đầu oanh tạc thì nó cùng nhào lên , kẻ trên không người dưới nước bắt tay nhau giáng cho hải quân Hoa kỳ những đòn chí tử .

 Ngày 02 tháng 09 , tất cả các thủy sư đô đốc cùng những sĩ quan cao cấp hải quân , thêm vào đó cũng có sự hiện diện của các nhân vật quan trọng trong hạm đội liên hợp , bộ trưởng bộ hải quân , tham mưu trưởng hải quân , tất cả khoảng 40 vị đồng tề tựu đầy đủ ở trường cao đẳng chiến tranh hải quân tại Meguro , ngoại thành Đông Kinh để đi đến quyết định cuối cùng trước sự quan sát của vài vị sĩ quan Lục quân . Những vị sĩ quan này đã được người của bộ Hải quân trực tiếp “bật mí” cho biết kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng từ trước . Chỉ còn lại hai vấn đề chính cần được giải quyết ngay : thứ nhất , tổng kết kế hoạch ; thứ hai , chiếu theo quan điểm của Hải quân , quy định tỉ mỉ từng bước theo kế hoạch tiến chiếm Mã Lai , Miến Điện , Phi Luật Tân v.v.

   Một tuần lễ sau đó cuộc họp bàn bế mạc , họ đã hoàn thành mọi kế hoạch thật chu đáo và cùng thống nhất với nhau chọn ngày 16 tháng 11 là ngày X-day (cũng như ngày D-day) . Một sĩ quan chỉ vào chồng hồ sơ đã đóng thành từng tập mỏng khoảng 40 trang và ra lệnh cho viên hạ sĩ Noda mang tất cả về soái hạm đang thả neo ở Kure . Noda liếc nhìn vào trang đầu thấy có chạy một dòng chữ đậm nét “Nhật Bản tuyên chiến với Hoa Kỳ và Anh Các Lợi” , vì tò mò nên Noda đọc ngay những chi tiết ghi ở những trang bên trong . Thì ra đây là “công trình nghiên cứu” , kết quả của cuộc họp vừa rồi với đầy đủ chi tiết cho kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng .

  Noda và một viên hạ sĩ quan khác có bổn phận đóng thành gói những tập tài liệu trên và đón xe lửa từ ga Đông Kinh đi về Kure .

  Theo nhu cầu của kế hoạch đã phát họa thì nó đòi hỏi phải có sự tham dự của bốn hàng không mẫu hạm . Và cũng vì nguyên do này mà trong hàng ngũ sĩ quan Hạm đội liên hợp và đội xung kích đã có những phản kháng mãnh liệt . Họ nhất định rằng phải cần đến sáu mẫu hạm dùng cho chiến dịch . Kusaka cũng đồng một ý nghĩ với bọn họ nên ông bay ngay về Đông Kinh để mong thuyết phục thượng cập chấp thuận lời đề nghị của đại đa số sĩ quan Hải Quân . Sau một ngày dài tranh cãi với Bộ Tham Mưu Hải Quân mà kết quả chẳng đi đến đâu , Kusaka chán nản , chẳng hỏi qua ý kiến một ai , vội đánh một bức điện tín đến trình bày thẳng với Yamamoto , ông phàn nàn rằng thiếu sự hỗ trợ của những sĩ quan trực thuộc Hạm đội liên hợp . Mọi cố gắng của Kusaka trở thành vô hiệu và cái khó khăn cho ông là không biết nên chọn hai mẫu hạm nào để lại . Theo ông nghĩ thì nên chọn hai mẫu hạm loại nhỏ nhất là Soryu và Hiryu . Chỉ huy trưởng của hai mẫu hạm này vốn là một người bạn cũ của ông , Tamon Yamaguci , người này tánh tình cũng nóng nãy không thua gì Kusaka .

  Khi nhận được thông báo quyết định của Kusaka, Yamaguci miễn cưỡng đến soái hạm Akagi trình diện . Bề ngoài của Yamaguci ra vẻ như chấp nhận thượng lệnh , ông đứng nghiêm chào nhận lệnh đúng theo quân cách . Nhưng sau đó ông lại tỏ vẻ chán nãn và giận dữ . Biết tính của ông nên Kusaka kịp thời lên tiếng phân trần hầu giảm cơn thịnh nộ của người bạn cũ . “Hai mẫu hạm Soryu và Hiryu tuy ở lại nhưng những sĩ quan đã qua khóa huấn luyện sẽ được trưng dụng trong chiến dịch này” . Nhưng Yamaguci lập tức bỏ ra ngoài , vừa đi ông vừa hét to “Tôi nhất định đòi họ phải trưng dụng cả hai mẫu hạm Soryu và Hiryu mới nghe” . Nghe tiếng quát tháo om sòm , đô đốc Nagumo thò đầu nhìn ra . Thoáng trông thấy ông , Yamaguci tóm cổ vị đô đốc nhỏ con này lôi ra và đưa cao lên mòi như muốn thảy xuống biển . Kusaka vừa trờ tới , trông thấy vậy nỗi giận xông vào . Chỉ một cái vươn tay và lắc mình thật nhẹ nhàng ông đã cướp lấy Nagumo và đặt vị đô đốc đang run lẩy bẩy xuống sàn tàu rồi quay lại tung chân quét Yamaguci té nhào . Những sĩ quan đứng chung quanh vội nhảy vào trói gô Yamaguci và dồn ông vào một căn phòng gần đó khóa trái cửa lại . Kusaka nói lớn “Muốn la lối gì thì cứ tự nhiên ở trong ấy la cho đã đi ”.

  Sau màn “đả lôi đài bất đắc dĩ” ấy dù không còn ai nhắc đến nhưng vài ngày sau đó chính Yamamoto điện thoại đến Đông Kinh yêu cầu bổ xung thêm hai mẫu hạm Soryu và Hiryu cho chiến dịch .

  Vài tuần lễ sau Kusaka cho triệu hồi tất cả hạm trưởng và sĩ quan chỉ huy đến trình diện tại soái hạm Akagi . Tại đây ông mang đề tài Trân Châu Cảng ra thảo luận và yêu cầu thay đổi mục tiêu động bằng mục tiêu tỉnh . Ở căn cứ không quân Tominaka có một phiến đá to đùng đường kính khoảng 5.5 mét được sơn màu trắng . Phiến đá này được sử dụng như một mục tiêu bất động cho các phi công trút những trái bom giả lên . Và họ còn đóng một tàu chiến giả neo ở bờ biển Kagoshima để cho phi đội tập trận tấn công chiếc thiết giáp hạm California .

  Sau những tuần lễ cố gắng khổ luyện , kết quả tiến bộ phi thường , sự chính xác của những quả bom đều đạt ở mức độ rất cao .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế