Cuộc chuẩn bị hoàn hảo

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CUỘC CHUẨN BỊ HOÀN HẢO

      Tối ngày 24 tháng 09 , điện đài Mackay có chuyển một loạt mật mã của bức điện tín đến Sứ quán của Tướng Kita ở Honolulu . Đó là bức điện của Hạm trưởng Ogawa yêu cầu báo cáo những thông tin chính xác của mực thủy triều trong từng khu vực Trân Châu Cảng . Kita trao bức điện tín cho Yoshikawa . Bốn ngày sau Yoshikawa báo cáo về đầy đủ cả một danh dách chiến hạm đang thả neo tại Trân Châu Cảng , gồm những thiết giáp hạm , tuần dương hạm , khu trục hạm và tiềm thủy đỉnh – nhưng lại không có một mẫu hạm nào hiện diện ở đây cả .

  Một nhân viên tình báo Hải quân Nhật cũng đang thi hành nhiệm vụ ở Mexico City Mễ Tây Cơ , nhưng anh ta đang bị hiểm nguy rình rập vì cơ mưu suýt chút nữa đã bại lộ . Chỉ huy trưởng Tsunezo Wachi được giao nhiệm vụ dưới lớp áo của một sĩ quan tùy viên quân sự . Ông vốn là tổ trưởng tổ “L” , thuộc mạng lưới gián điệp lớn nhất của Nhật Bản hoạt động ở ngoại quốc . Sứ mệnh của Wachi là chận đón những thông tin liên lạc điện tín của Hải quân Hoa Kỳ ở Đại Tây Dương . Và ông cũng bắt được những điện văn với mật mã đơn giản của Hoa Kỳ , đồng thời cũng báo cáo về Đông kinh những hoạt động của Hải Quân Hoa Kỳ trong vùng biển Đại Tây Dương .

  Ngoài công tác chính là tình báo , Wachi còn tìm chút mánh lới trục lợi cho riêng mình . Ông bỏ tiền mua rất nhiều thủy ngân , và ông đã nhận khoảng 2 nghìn thùng , mỗi thùng trung bình 35 ký lô thủy ngân từ một vị Tướng của Mễ . Từ khi thủy ngân có tên trong danh sách những mặt hàng bị cấm vận thì những thùng thủy ngân kia được bí mật giấu vào trong những thùng hàng lớn , phía trên mặt ngụy trang bằng một lớp đồng vụn . Cuối tháng 09 , khi chuyển những thùng này xuống tàu thì một thùng thủy ngân bị vỡ và chảy ra lênh láng . Nội vụ vỡ lỡ , tay đàn em của Wachi vội đứng ra tìm người điều đình . Một người Mễ có uy tín hứa đứng ra dàn xếp nếu Wachi chịu “chi” đẹp . Và Wachi vội mở hầu bao đáp ứng cho bọn họ ngay .

  Nếu tính về mặt tài chánh thì Wachi lúc nào cũng rộng tay hào phóng . Một Thiếu Tá trong quân đội Hoa Kỳ cũng “ăn lương” của Wachi 2 nghìn đô la mỗi tháng . Vị Thiếu Tá với mật mã tên gọi Sutton , đã cung cấp cho Wachi những báo cáo chi tiết của mọi hoạt động Hải Quân Hoa Kỳ xuyên ngang qua kênh đào Panama . Khi chiến tranh phát khởi , Wachi lập kế hoạch gửi Sutton  về Hoa Thịnh Đốn , nơi mà hắn còn có vô số bạn bè đang giữ những chức vụ cao cấp trong chính phủ , đồng thời cũng mở một đường hướng xâm nhập vào câu lạc bộ Hải Lục quân Hoa Kỳ .

  Ngày 22 tháng 10 , năm ngày sau khi Nhật Hoàng Hirohito đề bạt Tojo lên chấp chánh Nội Các mới . Đại Tá Tsuji đơn thân độc mã nhận lảnh một sứ mệnh tình báo đặc biệt khác . Dù Nam phương kinh lược độc nhất nhân Asaeda đã mang đến cho ông một tập tài liệu đầy đủ những sơ đồ và chú thích rất tỉ mỉ về những bãi biển cùng mực thủy triều , thủy tánh ở Mã Lai Á nhưng Tsuji vẫn muốn tự mình thân hành đến đó quan sát bằng chính đôi mắt mình mới nghe . Ông thuyết phục Đại Úy Ikeda , chỉ huy đội trinh sát , tháp tùng cùng ông sang Mã Lai bằng máy bay quân sự . Chiều xuống , hai người rời Tổng Hành Dinh quân sự ở Sài Gòn bằng một chiếc phi cơ hai phản lực , không tên , không dấu hiệu gì cả , bình xăng dự trữ cho 5 tiếng đồng hồ . Tsuji mặc bộ đồ bay để dễ qua mặt trong trường hợp quân Anh bắt được trong lãnh thổ của họ .

  Sau hơn một tiếng đồng hồ bay xuyên qua vịnh Thái Lan , bờ biển hướng Đông của Mã Lai đã hiện rõ mồn một thành một đường dài bất tận trước mắt họ . Rồi họ bay dọc theo bờ biển chạy dài đến tận mõm , thỉnh thoảng Tsuji lấy máy ảnh ra bấm lia lịa . Từ cuối mõm nơi giáp giới với Tân Gia Ba , họ quay ngược lại bờ biển Tây ngạn của Mã Lai . Vừa lúc ấy trời đổ mưa như trút nước và tầm nhìn bị giới hạn quá nhiều nên Tsuji bảo Ikeda bay thấp xuống một cao độ vừa phải để dễ quan sát . Lúc này Tsuji khám phá ra một căn cứ không quân ẩn hiện sau lớp sương mù . Tsuji biết ngay đó là căn cứ không quân tên gọi Alor Star của Anh , ông bảo Ikeda lượn quanh căn cứ này và khám phá ra phía Nam có hai phi trường nhỏ , tuy nhỏ nhưng địa thế rất uy nghi hùng vĩ . Khi máy bay vòng về hướng Bắc , Tsuji lại nhìn thấy thêm hai phi trường nữa nhưng bề thế hơn nhiều . Ông giật mình thầm nghĩ , một căn cứ xoàng xỉnh của quân đội Thiên Hoàng ở Singora sẽ trở thành vô dụng nếu Anh dùng hết hỏa lực từ căn cứ tối tân này . Alor Star cũng như Kota Bharu tất nhiên phải bị tiêu hủy bằng mọi giá trong một tiếng đồng hồ khi chúng ta cho quân đổ bộ lên mảnh đất này .

  Họ trở lại Sài Gòn khi bình xăng chỉ còn lại số xăng bay trong 10 phút . Tsuji vỗ vai người Đại Úy phi công và nói “Tôi đã chính mắt nhìn thấy tất cả những gì tôi muốn thấy . Và bây giờ tôi biết rất rõ là chúng ta sẽ chiến thắng”.

  Vẫn với bộ đồ bay gọn ghẻ , Tsuji đến ngay bộ chỉ huy quân sự cùng ban tham mưu báo cáo sơ lược những gì ông vừa thu lượm được . Một chiến thuật mới được mang ra mỗ xẻ cho cuộc đổ quân tiến chiếm Mã Lai . Với chiến thuật này quân Nhật sẽ tung ra hai cánh quân tiến đánh cùng một lúc , Sư đoàn 5 (đang có mặt ở hai căn cứ Singora và Pattani) và một phần của sư đoàn 18 đang trấn đóng ở căn cứ Kota Bharu ; Sư đoàn 5 lục quân Nhật lãnh nhiệm vụ tấn công chiếm lấy cho bằng được cây cầu chiến lược bắt ngang sông Perak và tiến quân tấn công căn cứ không quân Alor Star , trong khi ấy một phần binh tinh nhuệ của sư đoàn 18 tấn công về mặt bờ biển phía Đông và tiến sâu xuống miền Nam Mã Lai .

  Tsuji biết rất khó thuyết phục Tổng Tham Mưu trưởng chấp thuận cho kế hoạch này vì nó hoàn toàn không theo kế hoạch hành quân do Đông Kinh đã soạn thảo . Ông quyết định bay về Đông Kinh để trình bày cặn kẻ , hy vọng mặt đối mặt sẽ dễ dàng thuyết phục họ hơn . Nhưng trong trường hợp ngoại lệ này ông sẽ không đi đến thành công nếu không có sự giúp đỡ tận tình của một người bạn cũ làm việc trong bộ tham mưu . Đại Tá Takushiro Hattori , người vừa được đề bạt lên nắm giữ chức vụ trưởng phòng kế hoạch hành quân trong bộ tổng tham mưu . Tsuji cố gắng thuyết phục được Hattori và Hattori tự mình thân hành đến gặp Tổng tham mưu trưởng Sugiyama , xin ông chấp thuận đề nghị của Tsuji . Cuối cùng thì kế hoạch tiến quân táo bạo của Tsuji cũng được Đông Kinh chấp thuận .

                …………………………………………….

         Tại Hạ Uy Di , nhân viên thông tín viên ngoại giao vừa đến giao một gói hàng , trong ấy toàn là giấy bạc 100 đô la với lời dặn dò là chuyển giao số tiền này cho một người Đức mang tên Ott Kuhn . Nhân vật này vốn thân quen với Himmler (cánh tay phải của Hitler) , vì bất đồng chính kiến với Himmler nên Kuhn đâm ra oán ghét ông , từ bỏ Đảng Quốc Xã và đến sống tại Hạ Uy Di . Ở đây ông ta đã mất nguồn lợi kiếm được từ cơ sở kinh doanh bàn ghế ở Bá Linh nên đành an phận thủ thường với một chút lợi nhuận đến từ tiệm uốn tóc nho nhỏ do vợ ông làm chủ . Và cũng tại nơi đây ông bắt tay với người Nhật , làm chút việc cho họ để kiếm chút tiền thù lao mà dưỡng già . 

  Tổng lãnh sự Kita viết chữ “Kalama” xuống một mảnh giấy nhỏ rồi xé mảnh giấy làm đôi xuyên ngang dòng chữ vừa viết , ông lấy một nửa mảnh giấy gửi ngay cho Kuhn , đoạn triệu Yoshikawa và trao cho hắn một nửa rồi ra lệnh mang nó cùng gói tiền vừa nhận được đi trao lại cho một người “Mỹ gốc Đức , một điệp viên ngoại quốc sẽ nằm lại hoạt động bí mật khi chúng ta tất cả sẽ rời khỏi Hạ Uy Di”

  Yoshikawa miễn cưỡng thi hành . Hắn không biết tí ti gì về gã đàn ông Đức này và cũng chẳng muốn làm một công việc vớ vẫn như gã đưa thư vẫn làm là mang thư đến cho Kuhn , nhưng Kita đã khăng khăng cố nài . Bất đắc dĩ hắn mới đi nhận gói hàng để chuyển giao . Gói hàng được gói thật kỷ bằng mấy lớp giấy báo , bên trong là 14 nghìn đô la tiền mặt , kèm theo một mảnh giấy ghi những lời dặn dò “Hãy đưa nửa mảnh giấy mà anh đang giữ ra và nếu người Đức kia cũng có một nửa mảnh giấy còn lại thì trao gói giấy cho hắn ngay”.

  Chiều ngày 28 tháng 10 , Yoshikawa mặc quần tây xanh và chiếc áo sơ mi sặc sở , thong dong bước ra khỏi cổng lãnh sự đứng chờ Taxi . Sau khi lên xe , hắn cho tài xế đổ dọc theo bờ biển về hướng Đông khoảng 10 phút . Còn cách nhà riêng của Kuhn một cây số , Yoshikawa bảo xe Taxi ngừng lại và tản bộ tà tà về phía tư gia của Kuhn . Một ngôi nhà đồ sộ với khoảng sân rộng trồng nhiều kỳ hoa dị thảo hiện ra trước mắt , Yoshikawa tiến vào sân và đưa mắt nhìn quanh , hắn gõ cửa một hồi lâu nhưng không có tiếng trả lời bèn lên tiếng gọi . Khoảng 5 phút , một người đàn ông trung niên xuất hiện . Yoshikawa hỏi “Otto Kuhn ?” . Gã đàn ông nhè nhẹ gật đầu nhưng dáng vẽ chừng như còn e dè . Chẳng nói chẳng rằng Yoshikawa lách người vào trong và đặt một nửa mảnh giấy lên góc bàn rồi ngước nhìn Kuhn chờ đợi . Kuhn thoáng kinh ngạc , đôi mắt ông lóe lên nhìn mảnh giấy rồi quay lên nhìn Yoshikawa . Chỉ một cái tít tắc trôi qua ông nở nụ cười nhẹ rồi cho tay vào túi lôi ra nửa mảnh giấy còn lại để kề bên nửa mảnh giấy của Yoshikawa , hàng chữ “Kalama” bấy giờ được nằm lại khít khao với nhau . Yoshikawa im lặng bước theo Kuhn ra sân sau , nơi có nhiều cây cảnh um tùm . Yoshikawa chìa cho Kuhn gói giấy và bảo với ông có “chỉ thị” bên trong . Kuhn mở gói giấy ra và thấy một mảnh giấy nhỏ có ghi chi tiết về một công tác đặc biệt giao phó cho Kuhn . Đọc xong , Kuhn lấy giấy viết ghi vội vài dòng trả lời rồi cho vào phong bì dán kín lại trước khi trao cho Yoshikawa mang về .

  Khi ra đến cửa thì trời đã tối hẳn nên Yoshikawa bước nhanh ra vệ đường . Ngay lúc đó hắn phát giác có khoảng 5 hoặc 6 người đang theo dõi mình . Tiếng bước chân của họ càng lúc càng gần ngay phía sau lưng Yoshikawa . May sao giữa lúc ấy có một chiếc Taxi chạy trờ tới và Yoshikawa đã thở phào thoát nạn , bảo tài xế cho xe chạy về hướng tòa lãnh sự .

  Hai nhân viên tình báo khác cũng trên đường tới Oahu , họ cùng có mặt trên chiếc du thuyền Taiyo-maru . Chỉ huy trưởng Toshihide Maejima , là một nhà chuyên môn về tiềm thủy đỉnh giả trang thành một bác sĩ trên tàu và một người nữa là Takao Suzuki , đóng vai phụ quản lý trên tàu . Chỉ có ông thuyền trưởng và viên quản lý mới biết rõ Takao Suzuki chính là Suguru Suzuki . Anh ta , một đại tá chỉ huy trưởng trẻ tuổi nhất trong binh chủng Hải quân và cũng là một người dạn dày kinh nghiệm với ngành hàng không . Cha của Suzuki là một vị tướng trong quân đội , chú của anh là một vị Đô Đốc lừng danh Đại Thị Thần Kantaro Suzuki , người đã thoát chết trong đường tơ kẻ tóc trong cuộc bạo động của quân đội hôm 26 tháng 2 năm nào . Nhiệm vụ chủ yếu của Suzuki trong chuyến này là xác định chính xác vị trí của mục tiêu , cần phải cho sử dụng loại bom nào , bãi đáp nào khả dĩ trong trường hợp phải đáp khẩn cấp và một điều quan trọng hơn hết là phải tìm hiểu xem tại cảng Lahaina thuộc đảo Maui , căn cứ hải quân Hoa Kỳ vẫn còn sử dụng bến cảng ấy hay không . Nếu còn thì phải cần đến một số lượng khá lớn máy bay để dùng đánh lạc hướng địch quân trong lúc tấn công Trân Châu Cảng . Và Suzuki cũng được cấp trên dặn dò thật kỹ rằng trên đường đến Hạ Uy Di phải để ý đến những thay đổi của sóng gió thời tiết trên biển vì chiếc du thuyền Taiyo-Maru đang đi theo một hải trình mà Nagumo đã vẽ ra trong kế hoạch cho những mũi xung kích sau này .

   Những du khách Hoa Kỳ hiện có mặt trên tàu đều cảm thấy thoải mái dù thỉnh thoảng vẫn có những cơn cuồng nộ bất thần của đại dương . Tuy nhiên trong số ấy vẫn còn một vài người vì không quen lênh đênh nhiều ngày trên biển nên cảm thấy bức rức khó chịu vô cùng . Vợ chồng Carl Sipple là một cặp trong nhóm thiểu số này . Anh chị và hai đứa con thơ của mình phải rời bỏ Nhật Bản cũng vì tình trạng căng thẳng của thế giới lúc bấy giờ . Ngày lại ngày họ phải chịu chật vật khó chịu trong khoang thuyền không một lời xoa dịu trấn an nào đến từ những người có trách nhiệm , họ mù tịt chẳng biết hiện con tàu đang đi đến đâu và cực hình này mình còn phải chịu đựng đến bao lâu nữa đây . Chỉ cảm nhận những luồng gió lạnh căm căm và ánh dương quang lúc nào cũng chênh chếch , hơi nóng của nó như không đủ để xua đi cái buốt giá quyện quanh , họ cũng mù mờ đoán ra được là mình đang lênh đênh nơi một vùng biển nào đó ở miền cực Bắc . Sipple chép miệng than thầm “Có lẽ là vậy , con tàu đang đi lệch hướng rồi , nó không theo một hải trình nhất định như những du thuyền bình thường . Hèn gì chung quanh vùng biển này ta không nhìn thấy bất cứ một dấu vết gì của những thương thuyền hay du thuyền khác” Rồi cô vợ của Sipple chợt mở to đôi mắt kinh ngạc hỏi chồng “Có lẽ nào họ lại đưa chúng mình đi đến một hải cảng nào khác ư ?” Sipple cố dùng vô tuyến điện để liên lạc với người bạn trên đảo Hạ Uy Di nhưng bản tin nhắn không gửi đi được . Bấy giờ Sipple mới biết là trên con tàu Taiyo-maru đã tắt hết mọi liên lạc bằng vô tuyến điện .

  Cuối cùng thì tờ mờ sáng ngày 01 tháng 11 Taiyo-maru cũng đến được đảo Oahu . Lúc này Sipple cũng ráng leo lên boong tàu đưa mắt nhìn chung quanh , hình ảnh quen thuộc của những khách sạn sừng sững từ từ hiện rõ trước mắt anh . Một phi cơ chiến đấu bay vòng quanh trên trời , bất thình lình nó sà xuống thật thấp đến độ những du khách trên tàu có thể vẫy tay chào anh phi công trên chiếc phi cơ nọ .

  Suzuki đứng trên bên phía mũi tàu , anh đang dán mắt vào ống dòm và chắc có lẽ đang dò xét xung quanh cửa của hải cảng . Chiều rộng của nó rất rộng , một chiếc tàu thật lớn có thể đi qua đó dễ dàng .

  Chỉ mới sau 6 giờ sáng , một chiếc tàu nhỏ cập sát Taiyo-maru , một toán Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ vũ trang đầy đủ nhảy lên thuyền , họ im lặng đến lạnh lùng , phân nhau đứng gát ngay phòng máy và cầu tàu . Suzuki đoán rằng sự có mặt của họ chỉ với mục đích gìn giữ an ninh cho đến khi con tàu đi vào cảng an toàn .

  Suzuki tiến lại gạ chuyện với nhóm nhân viên làm việc tại cảng , trong số đó có một vài sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ , những người vừa lên mới lên thuyền để hướng dẫn Taiyo-maru vào bến . Trong lúc huyên thuyên chuyện vãn , thuận miệng Suzuki mới hỏi độ sâu của nước trong cảng và có mìn bẫy gì không . Tình thật nên họ rành mạch trả lời cho hắn biết cả . Ngoài ra họ còn cho biết có một tấm lưới sắt khổng lồ nằm dưới mặt nước , tấm lưới này tự động mở ra hoặc đóng vào ngay cửa hải cảng . Và còn nữa , ở đàng kia , một bộ phận lạ mắt được gọi là máy ra-đa luôn quay tít trên cột cao của một chiến hạm đang thả neo gần đó .

  Phần còn lại của nhiệm vụ có thể nói là Suzuki khó có thể thực hiện được . Lãnh sự Kita gửi một nhân viên đến nhắn với hai người rằng cách tốt nhất là hãy ở lại trên thuyền . Suzuki vội ghi xuống 97 câu hỏi và dặn dò với người thông tin rằng cần phải có đầy đủ những câu trả lời trước khi con tàu rời bến .

  Những câu hỏi này được chuyển đến Yoshikawa ngay . “Vào ngày nào trong tuần thì những chiến hạm về đậu nhiều nhất trong cảng ?” Dễ thôi – Đó là ngày Chủ nhật . “Ở đây có thủy phi cơ loại lớn đi tuần thám không ?” Càng dễ - Có loại PBY thật lớn , thời biểu của họ là sáng sớm và chiều tối . “Khi những chiến hạm nhổ neo rời cảng , nó sẽ đi đến đâu , và tại sao ?” Yoshikawa đành chịu , nhưng ước đoán theo thời gian và vận tốc trong mỗi lần ra khơi thì có thể họ chỉ đi tuần tra trong vòng 500 dặm là cao . “Ngay cửa hải cảng có lấp đặt hệ thống lưới sắt chống tiềm thủy đỉnh không ? Nếu có cho biết rõ về hệ thống này” . Tấm lưới sắt này Yoshikawa đã nghe qua nhưng nếu muốn biết rõ thêm về nó thì hắn nhất định phải đi dọ thám một phen . Nghĩ là làm , Yoshikawa mặc quần sọc và áo thun hoa hòe , tay vác cần câu đi dọc theo con lộ băng ngang mảnh đất hoang cằn cổi nằm đối diện với căn cứ Hickam Field , đoạn thẳng bước ra ngay cửa cảng . Yoshikawa đã chuẩn bị đầy đủ những câu trả lời và giả như một cư dân đến từ Phi Luật Tân nếu bị nhân viên an ninh chận hỏi thình lình . Khi qua khỏi những khu chung cư dành cho hải quân , Yoshikawa lao ngay vào bụi rậm và núp kín nơi ấy chờ cho đến tối . Trong hoàn cảnh này , đôi lúc hắn nghĩ đến nếu bị phát giác thì khó lòng chối quanh , chỉ có tự tử mới mong khỏi tội . Yoshikawa quyết định “Ừ chỉ có tự tử mà thôi . Mặc kệ , cứ thế mà làm . Sợ cóc gì !” .

  Trời vừa nhá nhem tối là Yoshikawa từ từ bò lần vào gần lối vào của hải cảng , đến nơi hắn lẹ làng trườn người xuống nước thật êm như một con rắn rồi bơi thêm vài chục mét đến ngay lòng cửa cảng . Yoshikawa hít một hơi thật dài rồi lặn sâu xuống , tay chân cố quờ quạng để tìm tấm lưới chấn phía dưới nhưng tuyệt nhiên chung quanh hắn chẳng có gì . Lặn sâu thêm vài lần như vậy vẫn không có kết quả như ý hắn quyết định bỏ cuộc và bơi lại vào bờ . Đây có lẽ là một điệp vụ xấu hổ nhất trong đời điệp viên của hắn . Và kết quả là chả có gì để báo cáo cả .

  Trở lại trên chiếc du thuyền Taiyo-maru , Suzuki đã bỏ ra hàng giờ để quan sát và chụp hình ngay lối ra vào của Trân Châu Cảng cùng phi trường của căn cứ Hickam Field. Trong thời gian mấy ngày hôm ấy , hôm nào cũng có người của tòa lãnh sự mang báo xuyên qua hàng rào lính canh đến cho Suzuki . Trong ruột những tờ báo ấy có kèm theo những thông tin đặc biệt mà Suzuki rất muốn biết .

  Đến ngày 05 tháng 11 , ngày khởi hành của chiếc Taiyo-maru , Suzuki đã cầm trong tay những dữ liệu cần thiết : Độ dày si-măng của nóc nhà kho chứa máy bay tại căn cứ Hickam Field , những khí cụ trên những chiến hạm cùng vô số hình ảnh ghi lại được ở Trân Châu Cảng và những vùng phụ cận  . Suzuki tổng kết tất cả lại trên một trang giấy rồi giấu nó đi , nhiệm vụ của hắn đã hoàn thành . Ba giờ chiều hôm ấy , trước khi thuyền rời cảng , một nhân viên lãnh sự cuối cùng đến giao cho Suzuki những câu trả lời theo yêu cầu của ông cùng một bản đồ rất chính xác của Trân Châu Cảng .

                              ………………………………………….

  Một kiện hàng to tướng được chuyển đến soái hạm Akagi và mang ngay vào văn phòng của Kusaka . Trong ấy là một mô hình của toàn đảo Oahu . Trong những ngày này bộ chỉ huy trên tàu bận rộn không ít . Genda , người vẽ kế hoạch ; Fuchida , chỉ huy , tất cả cùng ngồi quanh mô hình cố ghi nhớ từng chi tiết và đặc điểm của địa hình địa vật tại đảo Oahu .

  Hạm đội liên hợp đã rời khỏi căn cứ của nó là Sakurajima , nơi một hòn đảo nhỏ có phong cảnh tuyệt đẹp để xuôi về phía Nam của đảo Hiroshima , nơi đây nằm trong vòng tuần thám của Hải quân Hoa Kỳ . Nagumo cho tất cả hạm đội thả neo 200 dặm trong vòng ảnh hưởng của Hải quân Hoa Kỳ . Phi cơ chiến đấu , giàn phóng thủy lôi , các họng đại bác đem ngòm , tất cả đều sẳn sàng chờ lệnh . Họ không sử dụng hệ thống điện đài để liên lạc với nhau , thay vào đó bằng những dấu hiệu riêng được phát ra nhấp nháy từ những ngọn đèn trên nóc ca-bin .

  Vùng nước không sâu của Trân Châu Cảng là một rắc rối đáng ngại khi phóng thủy lôi , đó là mối ưu tư hàng đầu của Genda khi ông phát họa ra chiến dịch . Nhưng đến bây giờ thì mối quan ngại ấy đã không còn đeo đẳng bên ông nữa vì Fumio Aiko , một nhà chuyên môn về thủy lôi , đã tìm ra cách phóng thủy lôi rất hữu hiệu trong vùng nước không sâu . Ông cho gắn thêm một bộ phận thăng bằng bằng gỗ ở cạnh hông máy bay rồi lắp thủy lôi vào . Sau khi cho phóng thử , 80 phần trăm thủy lôi đều đạt kết quả cao ở vùng nước cạn . Vấn đề là từ bây giờ cho đến khi chiến dịch bắt đầu , các xưởng sản xuất phải đáp ứng kịp thời những cơ phận mới theo sáng kiến của Aiko .

  Những chống đối bất bình từ cánh Hải quân với Chiến dịch Z chấm dứt ngày 03 tháng 11 , khi Yamamoto cùng nhóm sĩ quan thực hiện chiến dịch bay về Đông Kinh để gặp ông bộ trưởng Nagano . Sau khi thảo luận bàn bạc xong , ông bộ trưởng thở dài và bảo “Về việc tấn công Trân Châu Cảng , sự đánh giá của tôi không hẳn lúc nào cũng đúng . Tôi thì già nua đầu óc cỗ lỗ các anh cũng biết mà . Thôi , tôi tin tưởng và kỳ vọng ở các anh” .

  Hai ngày sau , Yamamoto đưa ra một tập tư liệu đồ sộ dày 151 trang với tên gọi “Hạm đội liên hợp - chiến dịch tối mật thứ nhất” một bản phát thảo chiến lược cho Hải quân trong giai đoạn đầu chiến tranh . Mật lệnh thứ nhất này không những Hải quân chỉ tập trung vào trận Trân Châu Cảng thôi mà nó còn lan rộng ra những lãnh thổ láng giềng như Mã Lai , Phi Luật Tân , Guam , Wake , Hương Cảng và biển Nam Hải .

  Sau đó Yamamoto cho triệu tập tất cả sĩ quan chỉ huy phi đội tới Soái hạm để cho họ biết về trận tấn công Trân Châu Cảng , ông tuyên bố thẳng thừng “Các anh nên nhớ là không nên khinh suất kẻ thù . Hoa kỳ chẳng phải là một kẻ thù tầm thường và họ sẽ không bao giờ chịu thua cuộc một cách dễ dàng đâu”.

  Ngày 06 tháng 11 , Tướng Hisaichi Terauchi lên nắm quyền tư lệnh vùng đông nam Á , nhiệm vụ được giao là tung quân cướp lấy những thuộc địa của Anh , Mỹ và Hòa Lan ở miền Nam Á càng sớm càng tốt . Sau khi cùng một lúc mở ra hai cuộc tấn công Mã Lai và Phi Luật Tân , Trung Tướng Tomoyuki Yamashita có thể chiếm trọn Mã Lai và Tân Gia Ba và Trung Tướng Masaharu Homma cũng đã chinh phục được Phi Luật Tân .

  Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau đó Yamamoto đã cho ban hành mật lệnh thứ nhì , lệnh tấn công Trân Châu Cảng quyết định chọn ngày 08 tháng 12 . Hai nguyên nhân chính được Yamamoto xác định rõ để chọn ngày này là : trời hôm ấy trăng sáng , thêm dễ dàng cho việc phi cơ cất cánh từ những mẫu hạm ; và cũng là ngày Chúa Nhật (07 tháng 12) ở Hạ Uy Di . Theo báo cáo của Yoshikawa thì hạm đội Thái Bình Dương thường về neo ở cảng từ hôm thứ sáu cho đến rạng sáng ngày thứ hai mới nhổ neo ra khơi .

  Ngày 10 tháng 11 , Đô Đốc Nagumo ra một mật lệnh đầu tiên cho kế hoạch của Yamamoto . Trong trường hợp phái đoàn ngoại giao thương thuyết với Hoa Kỳ thành công , và dù sự thành công ấy đến quá cận kề với thời hạn cho phép , chiến dịch Z bắt buộc phải hủy bỏ ngay . Đội xung kích tất cả phải quay về điểm hẹn ở vĩ độ 42 độ Bắc và kinh độ 170 độ Đông chờ lệnh sau .

  Sáu chiếc hàng không mẫu hạm được lệnh tháo gỡ những thiết bị không cần thiết và giảm thiểu tối đa vật dụng cá nhân để chứa thêm những thùng dầu cặn và xăng cho máy bay . Những chiếc mẫu hạm này được bảo đảm an ninh tuyệt đối . Thông thường thì những hải đội này khi rời Nhật Bản , họ chỉ được trang bị bằng quần áo mỏng nhẹ dành cho vùng nhiệt đới và những loại thực phẩm đặc biệt thích hợp với thời tiết nóng ẩm miền Nam . Lần này thủy thủ trên tầu lại mang theo áo tơi , hóa chất chống đông lạnh , trang bị những loại súng dành cho thời tiết khắc nghiệt . Kusaka hy vọng tất cả những chuẩn bị này được hoàn hảo và không gợi mối nghi ngờ cho bất cứ ai ngoài vòng trách nhiệm .

  Ngày 16 tháng 11 , lực lượng xung kích Trân Châu Cảng tập trung lại tại cửa biển Nội Hải (Inland) . Đó là một hải đội với một lực lượng khá hùng hậu gồm : 6 hàng không mẫu hạm ; hai đại thiết giáp hạm Hiei và Kirisshima ; tuần dương hạm nặng là Tone và Chikuma ; một tuần dương hạm hạng nhẹ ; 8 khu trục hạm và một đoàn tàu chở dầu cùng hàng tiếp vận .

  Hai chiếc mẫu hạm Akagi (Hồng Lâu) và Kaga (Khải Hoàn) được cải tiến từ những chiếc thiết giáp hạm nên trọng tải chỉ khoảng 30 ngàn tấn . Hiryu (Phi long) và Soryu (Thanh Long) với trọng tải 180 ngàn tấn nhưng tối tân hơn . Shokaku (Thăng tiến) và Zuikaku (Hỉ Tiến) đều là loại mẫu hạm to và mới hơn tất cả , nó tương đương với mẫu hạm Enterprise , loại mẫu hạm tối tân nhất của Hoa Kỳ .

  Trên sáu mẫu hạm sẽ có 423 phi cơ đủ loại. Ba mươi phi cơ dùng để tuần thám làm thành một cái dù lớn bảo vệ bên trên các mẫu hạm. Bốn chục phi cơ làm lực lượng trừ bị. Còn lại 353 phi cơ có nhiệm vụ tấn công quân cảng Trân châu cảng. Trong số các phi cơ có nhiệm vụ tấn công thì có 100 phi cơ loại Kates, trang bị đạn 16-ly để xạ kích ở mức cao , 40 phi cơ Kates khác dùng để phóng thủy lôi, 131 oanh tạc cơ và 79 chiến đấu cơ Zero. Các tuần dương hạm và chiến hạm khác cũng có một số thủy phi cơ để thám thính và để trợ giúp các phi đội chiến đấu . Trong số 40 phi cơ phóng thủy lôi đã có 30 chiếc đã được lắp thêm bộ phận mới để phóng thủy lôi cho vùng nước cạn , phần còn lại vì các cơ sở sản xuất chưa cung ứng kịp thời nên chiến dịch đã bắt đầu thì đành có bao nhiêu … xài bấy nhiêu vậy .

  Chiều hôm sau Yamamoto đích thân đến Soái hạm Akagi nâng ly chúc may mắn đến Nagumo và đội xung kích . Fuchida trông nét mặt ông ta thật hung tợn khi lên tiếng cảnh báo rằng Hoa Kỳ là một kẻ thù mạnh nhất trong lịch sử , nhưng sau đó khi trở lại phòng ăn tập thể trên tàu để dự buổi tiệc nho nhỏ , khuôn mặt Yamamoto trở lại ôn hòa dễ chịu hơn , ông hòa mình ăn uống vui đùa với anh em . Khiến cho ai nấy cảm thấy hân hoan ăn nhậu thoải mái , rượu sakê vào lời ra đinh tai nhức óc cả một căn phòng tàu .

   Tối hôm ấy Akagi chầm chậm rời khỏi vịnh Saeki , hộ tống hai bên sườn là hai chiếc khu trục hạm . Đèn đuốc tắt ngấm và hệ thống điện đài liên lạc cũng không hoạt động . Ðể đánh lạc hướng không cho tình báo Mỹ biết được mục tiêu của mình, Yamamoto ra lệnh cho các chiến hạm Nhật tại biển Inland (Nội Hải) phải gia tăng mức độ liên lạc bằng radio với âm lượng rất cao , và các bản tin bằng radio chỉ nhắc tới các mục tiêu tại chiến trường Trung Hoa cùng các mục tiêu của chiến dịch tấn công Ðông nam á. Kế hoạch đánh lạc hướng này của Yamamoto đã thành công. Không những thế, Yamamoto còn ra lệnh cho các thủy thủ còn lại ở Nhật Bản hàng ngày phải kéo nhau đi thăm phong cảnh tại Ðông Kinh. Các quan sát viên ngoại quốc thấy Ðông Kinh đầy nghẹt các thủy thủ và nghĩ rằng hạm đội Nhật vẫn còn bỏ neo tại Nhật và phân nửa thủy thủ được nghỉ phép.

  Trong phòng lái của Nagato , Yamamoto tay khoanh trước ngực , mặt nghiêm và … buồn đi tới đi lui , thỉnh thoảng ông dừng lại và nhìn chòng chọc vào một dãy bóng đen mờ của một chiếc mẫu hạm vừa tách bến ra khơi .

  Mặc dù đã đặt tất cả kỳ vọng vào một chiến dịch do mình hoạch định nhưng trong lòng ông vẫn thấy ngấm ngầm kinh sợ lo lắng . Thắng một trận chứ không thể nào thẳng cả một cuộc chiến với người Mỹ . Yamamoto tự hỏi “Sao lại lạ lùng như thế ? Đã sợ địch nhưng vẫn phải gây chiến với họ . Rồi cuộc chiến này sẽ đi về đâu ?” Ông đã từng tâm sự với những người bạn thân của mình rằng “Thi hành một quyết định mà quyết định đó lại đi ngược với lòng mình , tôi không có chọn lựa nào khác hơn là phải tận lực theo đuổi cho đến kỳ cùng . Có thật là chúng ta quá liều mạng chăng ? Tôi chỉ biết chúng ta đã phải bắt đầu bằng những thủ đoạn không đẹp chút nào …”

   Chiều tối ngày 18-11, năm tiềm thủy đỉnh I-16, I-18, I-20, I-22 và I-24 mang theo 10 tiểu tiềm thủy đỉnh Target-A rời căn cứ tại đảo Kure lên đường tiến vào Thái Bình Dương, dưới quyền chỉ huy của đại tá Hanku Sasaki . Sau khi các tiềm thủy đỉnh lên đường rồi thì tuần tự các chiến hạm cũng nhổ neo từ từ ra khơi . Họ đi theo những thủy lộ khác nhau chêch chếch về hướng Bắc rồi sau đó mới chuyển hướng tiến tới điểm tập trung . Trong khi ấy mẫu hạm Kaga vẫn còn nằm nán lại biển Inland để chờ bốc hết những thiết bị cải tiến phóng thủy lôi đang chuyển tới .

  Du thuyền Taiyo-maru cập bến Yakohama . Những tài liệu tối quan trọng có liên quan đến bí mật Trân Châu Cảng của Suzuki mang về bây giờ vẫn còn khóa kín lẫn lộn trong mớ văn thư ngoại giao dưới hầm tàu . Hắn phải chờ cho đến khi tìm được tập tài liệu ấy rồi lật đật giao ngay cho đại diện bộ ngoại giao cất giữ trước khi đáp tàu hỏa đi Đông Kinh . Nơi đây Đô Đốc Tham mưu trưởng Hải quân ra lệnh cho Suzuki phải lập tức đến vịnh Hitokappu với những tài liệu vừa thu thập được ở Hạ Uy Di . Nhưng khổ thay tập tài liệu quan trọng này lại bị thất lạc khi chuyển giao , nhân viên trong bộ ngoại giao thì chẳng biết hiện thời nó đang bị thất lạc ở nơi nào . Suzuki bắt buộc phải đi ngay tới chiếc thiết giáp hạm Hiei khi trong tay chỉ có mỗi một tờ giấy ghi vội vàng những gì hắn đã cóp nhặt được cùng với bức phác họa khá mơ hồ còn đọng lại trong trí óc của thời gian vài ngày nơi Trân Châu Cảng .

  Một chuyến đi khẩn nhưng mất hơn 4 ngày trời Suzuki mới đuổi theo kịp hạm đội Kido Butai . Ở đây hắn được biết tập tài liệu bị thất lạc đã tìm lại được ở Đông Kinh , nhưng hiện nay nó đang ở đâu thì chẳng ai biết được vì chuyến bay đưa thư với tập tài liệu ấy đã chuyển đi hai ngày rồi mà vẫn chưa thấy đến (Phi cơ chuyển giao tập tài liệu này đến khi lực lượng xung kích đã ra khơi . Suzuki còn nán lại trên tàu lúc ấy nên ra lệnh cho viên phi công đuổi theo và thả chiếc hộp đựng tài liệu ấy xuống soái hạm Akagi . Phi cơ lại bay lạc vào một cơn bão tuyết suýt bị rớt nên tay phi công này đành phải hú hồn quay trở lại) . Bất đắc dĩ Suzuki mới trình bày sơ lược với Genda , Kusaka và các sĩ quan chỉ huy khác những điều hắn biết , đã ghi xuống mảnh giấy và may mắn còn giử được cho đến ngày hôm nay . Suzuki mô tả tỉ mỉ từng chi tiết của hai căn cứ Hickam và Wheeler , hắn còn cho biết có tổng cộng tất cả là 350 phi cơ ở trên đảo Oahu (Những tư liệu do Suzuki cung cấp đều rất đúng nhưng ước đoán của hắn lại sai , chỉ có tổng cộng 231 phi cơ trên toàn quần đảo Hạ Uy Di lúc bấy giờ thôi) . Và không có nhân viên nào trong tòa lãnh sự tại Hạ Uy Di trông thấy bất cứ chiến hạm lớn nhỏ nào thả neo ở quân cảng Lahaina cả .

  Trong buổi họp trên soái hạm Akagi , một sĩ quan nêu lên câu hỏi  là nên phải xử sự như thế nào khi nếu trên thủy lộ băng ngang vùng Vladivostok lại chạm mặt phải một chiếc thương thuyền của Liên Xô – Câu trả lời – “Đánh đắm tất cả dù bất cứ thương thuyền của quốc gia nào cũng mặc !” .

  Chiều ngày 25 tháng 11 , có hơn 500 sĩ quan phi hành từ những mẫu hạm khác đều đổ dồn về tập trung tại soái hạm Akagi . Ở đây Đô Đốc Nagumo trình bày về kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng . Đây là lần đầu tiên những sĩ quan phi hành này nghe đề cập đến ba tiếng “Trân Châu Cảng” . Bài diễn thuyết của Nagumo thật hùng hồn , nó đã khích động mãnh liệt đến bầu nhiệt huyết của những chàng trai yêu nước , ao ước được cống hiến cuộc đời cho quê hương tổ quốc . Nagumo chấm dứt bài diễn thuyết bằng câu “Chúc các bạn chiến đấu giỏi và đầy may mắn” trước những tiếng tung hô vang dội và những tràng pháo tay như không bao giờ chấm dứt .

  Sau đó đến lượt Genda và Fuchida đứng trước mô hình Trân Châu Cảng giải thích và chỉ dẫn cặn kẽ những bước tấn thối , những điểm quan trọng v.v. Mỗi phi công đều được giữ lấy những bức ảnh của từng loại chiến hạm Hoa Kỳ , những hòn đảo xung quanh Oahu , đó là những điểm đã chấm sẳn trong trường hợp phải đáp khẩn cấp sẽ có những tiềm thủy đỉnh chực sẳn để cứu vớt .

  Sau phần thuyết trình của các sĩ quan chỉ huy là buổi tiệc liên hoan đưa tiễn những chàng trai đi vào sứ mạng , một sứ mạng tối quan trọng được đặt trên sự sống còn của cả một quốc gia dân tộc . Buổi tiệc tuy diễn ra ồn ào náo nhiệt nhưng xen vào ấy là một sự lo lắng bồi hồi . Những người lãnh trách nhiệm ra đi thì hăng hái cuồng nhiệt coi cái chết tợ lông hồng , còn người chỉ huy thì suy tư nghĩ ngợi cho một trận thư hùng mà chẳng biết kết quả của nó sẽ đi về đâu . Nhất là Nagumo , vì những xu hướng ép buộc nên ông càng lo lắng hơn ai hết . Trước đây một tuần ông có lần biểu lộ suy tư với thượng cấp của mình rằng “Tôi không biết rồi đây mọi chuyện có được suông sẻ không đây ?” . Kusaka cười vỗ vai trấn an ông bằng câu “Daijobu – Đừng lo ông ạ” .

  Tối hôm ấy biển động mạnh , thời tiết quá xấu khiến cho nhiều phi công không thể quay về mẫu hạm của mình được .

  Dù được Kusaka trấn an nhưng Nagumo vẫn thấy lòng mình nao nao sao ấy . Nằm trằn trọc quá nửa đêm ông lại bật dậy gọi sĩ quan trực đến đánh thức  Đại Tá Suzuki và mời ông ấy đến gặp có chuyện cần bàn . Suzuki đến khi Nagumo vẫn còn ngồi trầm tư với chiếc áo ngủ Kimono . Sau khi xin lỗi Suzuki về việc phá giấc ngủ của ông , Nagumo nhìn thẳng vào viên sĩ quan thuộc cấp và chậm rãi hỏi “Đại Tá có chắn chắn rằng không có sự hiện diện của hạm đội Thái Bình Dương tại cảng Lahaina ?” . Suziki trả lời giọng chắc nịch quả quyết “Thưa Đô Đốc – Đúng vậy

  Nagumo tỏ ra bớt căng thẳng , ông gật đầu tỏ vẻ cảm ơn Suzuki .

  Sáng hôm sau , 26 tháng 11 , trời quang mây tạnh , khí lạnh căm căm và biển lặng như tờ , đó là một điềm tốt . Nhưng khi được lệnh kéo neo khởi hành thì một trong những chiếc chân vịt khổng lồ của Soái Hạm Akagi bị cuốn xoắn trong đống dây nhợ rối vò , rồi một điều không may nữa xảy ra là một người thủy thủ bất cẩn bị rơi xuống vùng nước băng giá tại vịnh Hitokappu .

  Sau một lúc lâu cố gắng , cuối cùng mới tháo gỡ được những dây nhợ rối xoắn tít cái chân vịt , chiếc hạm bắt đầu khởi hành để lại một thủy thủ bị mất tích dưới lòng nước giá băng mặc dù họ đã cố công tìm kiếm . Tuy nhiên , với một chút trở ngại và mất mát ban đầu ấy đâu dễ làm một đoàn quân háo hức xông trận chùn bước được . Họ càng thêm phấn khởi khi đoàn chiến hạm từ từ ra khỏi hải phận Eterofu để tiến vào vùng sương mù mênh mông . Lúc ngang qua các hoang đảo những thiết giáp hạm và tuần dương hạm cho thử súng trước khi lâm trận bằng cách bắn trực xạ vào những ụ tuyết bên sườn đồi của hải đảo . Âm thanh đinh tai nhức óc từ những ụ đại bác trên tàu và những khối tuyết trắng khổng lồ trên hoang đảo tung lên từng hồi càng nung nấu thêm ý chí kiên quyết của những chiến sĩ Phù Trang đang trên đường dấn thân vào lửa đạn .

  Tại Hoa Thịnh Đốn , một bản văn thư ngoại giao không thỏa hiệp của Ngoại Trưởng đã sẳn sàng để trao cho Đại Sứ Nhật là Nomura và Kurusu .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế