Chiến dịch Z

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chiến dịch Z

                       Trở lại thời điểm đầu mùa Hạ năm 1939 , khi phe lục quân Nhật có quyết định liên minh với Đức và Ý , thì Bộ Trưởng Hải Quân Hoàng Gia Nhật Mitsumasa Yonai và cộng sự của ông tỏ ra chống đối . Phe lục quân thì chắc chắn rằng sự chế ngự của Hitler trên toàn cõi Âu châu sẽ giúp ích rất nhiều cho mình trong công cuộc ổn định tình hình xáo trộn ở Trung Hoa . Yonai lại thuyết phục rằng cuộc chiến giữa Anh và Ðức sẽ không là một cuộc chiến một sớm một chiều , nó sẽ kéo dài ra và phần thắng nghiêng về ai khó có thể tiên đoán được . Nhưng nếu sau đó Hoa Kỳ nhúng tay vào thì sớm muộn gì Đức cũng thủ bại . Nhật lại liên minh với Đức , Đức thất bại để lại hậu quả là Nhật sẽ đơn thân kình chống lại Hoa Kỳ .

  Ông Thứ Trưởng Hải quân thì trực tính hơn Yonai nhiều , ông dám công khai đưa ra lời dự đoán chắc nịch rằng nếu để xảy ra chiến tranh với Hoa Kỳ thì chắc chắn Nhật sẽ lãnh lấy thảm bại ê chề . Với chiều cao rất khiêm nhường (5 feet 3 - đúng chính xác với chiều cao của vị Đô Đốc đầy huyền thoại Togo) , có ai ngờ ông là một chiến lược gia phi thường trong đệ nhị thế chiến , đã từng làm chủ một chiến trường mênh mông trãi từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương . Kẻ thù của ông là Hoa Kỳ vừa căm hận nhưng lại rất kính sợ ông , đó là Đô Đốc Yamamoto .

  Yamamoto chào đời ngày 4-4-1884, giữa một mùa hoa anh đào trong một căn nhà nhỏ bé nghèo nàn tại vùng Nagaoka, một nơi nổi tiếng nhiều tuyết về mùa đông. Thân phụ ông, Sadakichi Takano, là một cựu võ sĩ đạo. Trong một cuộc chiến giữa hai phe võ sĩ đạo, phe ông bại trận, và do đó ông lâm vào cảnh nghèo túng. Sau khi dẫn vợ và bốn con trai đi lưu lạc một thời gian, Sadakichi Takano trở về làng cũ để trở thành một giáo viên trường làng. Nhưng đúng lúc đó bà vợ chết, và Sadakichi tục huyền với người em gái của vợ là Mineko. Mineko sinh được ba người con nữa, hai trai một gái, và Yamamoto là con út của ông bà Takano. Ngày 4-4-1884, Sadakichi đang ngồi chơi cờ với một người bạn già thì một đứa con của ông chạy lại báo tin, vợ ông đang đau đẻ và cần một cô đỡ. Sadakichi sai đứa con đi tìm cô đỡ và vẫn tiếp tục chơi cờ như không có gì quan trọng cả. Không phải Sadakichi là một con người chai đá, nhưng lúc đó ông đã già rồi và đứa con sắp sinh là đứa con thứ bẩy của ông, nên ông cũng không hào hứng lắm. Khi bà vợ đòi ông đặt tên cho con thì ông nói: "Năm nay ta đã 56 tuổi rồi. Thôi hãy gọi nó là Năm-Mươi-Sáu." Trong tiếng Nhật, Isoroku có nghĩa là 56, và cái tên đầu tiên của danh tướng Yamamoto là Isoroku Takano. Mãi về sau này ông mới đổi tên là Isoroku Yamamoto.

  Yamamoto đã từng du học ở đại học Harvard và công tác dưới chức vụ tùy viên hải quân ở Hoa Thịnh Đốn . Ông là người rất am hiểu Hoa Kỳ nên thường lên tiếng cảnh cáo sức mạnh bất khả xâm phạm của họ cho mọi người biết . Điều này càng làm cho phe hiếu chiến tức giận điên cuồng , nhất là phe quân phiệt mù quáng không nhìn thấy và họ cũng chẳng muốn nghe Yamamoto nói . Do đó càng ngày sự hăm dọa ám sát Yamamoto càng nhiều hơn . Cuối cùng đô đốc Yonai thấy tình thế quá nguy hiểm nên bắt buộc Yamamoto phải có vệ sĩ, ngay tại văn phòng cũng như tại tư gia. Dù Yamamoto đi đâu, lúc nào chung quanh ông cũng có một tiểu đội cảnh sát mặc thường phục hộ vệ. Rồi đến một lúc đô đốc Yonai thấy rằng sự bảo vệ như thế cũng không đủ, Yonai liền tìm cách đẩy Yamamoto ra khỏi nơi chính trường hiểm nghèo, bằng cách bổ nhiệm Yamamoto vào chức vụ Tư lệnh Liên Hạm đội Nhật, và thăng Yamamoto lên chức đô đốc. Về sau Yonai phải thú nhận bổ nhiệm Yamamoto vào một chức vụ ngoài biển cả là cách duy nhất để cứu sinh mạng cho Yamamoto .

  Vào thời kỳ đó các tư lệnh hải quân Nhật chưa hề nghĩ tới việc đem hạm đội Nhật tới tận vùng biển Hawaii để tấn công hạm đội Mỹ. Ðô đốc Yamamoto luôn luôn lo lắng hạm đội Mỹ sẽ tấn công trong lúc phần lớn hạm đội Nhật bận đi đánh chiếm Nam Dương, và trong trường hợp ấy, ông không nghĩ ông có thể đương đầu với hạm đội của Mỹ được. Yamamoto muốn ra tay trước để ngăn chặn hiểm họa bị tấn công. Yamamoto muốn tấn công tiêu diệt hạm đội Mỹ ngay tại căn cứ Trân châu cảng, đặc biệt là phải diệt cho bằng được lực lượng mẫu hạm địch. Ðây là một ý tưởng thật táo bạo. Yamamoto nghĩ rằng nếu không hạ được hạm đội Mỹ tại Hawaii thì cán cân sức mạnh dần dần sẽ nghiêng về phía Hoa Kỳ. Yamamoto cũng học được bài học trong trận Trung Nhật chiến tranh đã kéo dài, dai dẳng bất phân thắng bại, và gây hao tổn quá nhiều cho Nhật Bản. Chắc chắn Nhật Bản không thể tham gia một cuộc chiến kéo dài như thế được nữa. Nhật Bản cần phải ra tay bất thần và tạo được một chiến thắng thật mau lẹ ngoạn mục, đánh một đòn chí tử khiến địch thủ không hy vọng quật khởi lại được .

  Một chiến lược được hoạch định kỷ tỉ mỉ . Bị tấn công thình lình dĩ nhiên Hoa Kỳ sẽ rơi vào thế hoàn toàn bị động , trong vài mươi phút đầu phi công Nhật sẽ làm chủ chiến trường mặc sức tự do hoành hành , nhưng sau đó Hoa Kỳ sẽ phản công lại . Đến lúc đó Nhật sẽ tăng cường thêm một phi đội thứ hai , vừa đánh vừa rút về các mẫu hạm . Trong trường hợp Hoa Kỳ xua quân truy kích , những đợt phản công của họ sẽ bị những tiềm thủy đỉnh của Nhật đón sẳn ngoài khơi đánh phá , trong khi ấy thì toàn bộ hạm đội lập tức rút lui về hải phận Nhật . Cho đến khi quân Hoa Kỳ tiến vào được lãnh hải của Nhật thì họ đã mệt nhoài vì những mất mát do tiềm thủy đỉnh gây ra . Một trận chiến quyết định có thể định đoạt số phận của họ ở đâu đó quanh vùng Iwo Jima hoặc Saipan chẳng hạn .

  Chẳng riêng gì chỉ Yamamoto nghĩ đến chiến thuật không tập Trân Châu Cảng . Ngay tại Đông Kinh , Kazunari Miyo , sĩ quan chỉ huy hàng không trực thuộc Bộ Tham Mưu Hải Quân , đã có lần cùng vị chỉ huy của ông bàn bạc kế hoạch tấn công Hoa Kỳ bằng không tập để bắt buộc họ dứt khoát nhảy vào cuộc chiến càng sớm càng tốt . Và mục tiêu vẫn là Trân Châu Cảng . Lợi thế của cảng này là xa hẳn đất liền , dù phản công lại Hoa Kỳ cũng phải bay ra từ những căn cứ xa xôi mà trận địa thì Nhật đã dàn sẳn chờ họ . (Năm 1921 , một cuốn sách có tựa đề Sea Power in Pacific của Hector C.Bywater  xuất bản ở Hoa Kỳ . Hector C.Bywater là phóng viên cho Nhật Báo Telegraph ở Luân Đôn . Bốn năm sau , một phần của quyển sách này được chuyển thành cuốn tiểu thuyết mang tên The Great Pacific War . Trong đó có đoạn Bywater diễn tả cảnh Nhật Bản thình lình tấn công Trân Châu Cảng . Bộ Tham Mưu Hải Quân Nhật ở Đông Kinh cho dịch quyển sách ấy sang tiếng Nhật và lưu hành trong nhóm sĩ quan cao cấp Hải Quân đọc . Trong thời gian ấy Yamamoto đang ở Hoa Thịnh Đốn với nhiệm vụ tùy viên quân sự . Khoảng tháng 09 năm 1925 tờ Newyork Times cho điểm những nét nổi bật của quyển sách này ngay trang đầu , dưới tiêu đề IF WAR COMES IN THE PACIFIC . Chắc chắn Yamamoto đã đọc qua quyển sách này rồi) .

  Mặc dù ý kiến nầy không được thượng cấp của Miyo cứu xét nhưng vì đã có bàn bạc ở bộ chỉ huy hải quân nên đã có người tình cờ nghe lỏm được . Vào ngày 27 tháng 01 năm 1941 , Ricardo Rivera Schreiber , đại diện ngoại giao Peru tại Đông Kinh , rỉ tai với một người bạn Edward S.Crocker , thư ký Đại Sứ Quán Hoa Kỳ , rằng có tin đồn Nhật đang dự định dốc hết lực lượng để mở “một cuộc oanh kích bất thần vào Trân Châu Cảng” . Crocker hoảng kinh kể lại cho Grew nghe , Grew liền đánh điện tín báo tin về Hoa Thịnh Đốn . Cơ quan tình báo Hải quân nhận được bức điện tín này và họ báo cáo lại rằng “Căn cứ vào những dữ liệu vừa thu thập được về vấn đề bố trí lực lượng Hải quân và Lục quân Nhật trong thời gian gần đây thì không có một cuộc chuyển quân hoặc một hành động khả nghi nào có thể gây bất lợi cho Trân Châu Cảng” .

  Trớ trêu thay , ngay trong thời gian ấy thì Yamamoto đã bắt tay vào việc . Tháng 2 năm 1941 , ông viết một lá thư tay cho viên Thiếu Tướng Hải quân Takijro Onishi , thuộc tham mưu trưởng hải phi đoàn 11 . Trong thư ông phát thảo tỉ mỉ kế hoạch của mình và yêu cầu Onishi bí mật nghiên cứu xem kế hoạch này có thể thi hành được không . Onishi mang ra bàn với một người thuộc cấp , Minoru Genda Viên chỉ huy trưởng này vốn là một sĩ quan Hải quân nhiều hứa hẹn , với uy thế và tiếng vang đã vượt xa so với chức vụ hiện tại . Ở mặt trận Trung Hoa , dưới sự chỉ huy xuất sắc của Genda , Hải quân Hoàng gia Nhật đã tung hoành như chỗ không người , gây vô số tổn thất cho địch quân trong những năm gần đây . Và bây giờ tài năng ấy đã được thượng cấp chú ý , triệu ông về và cùng ngồi lại nghiên cứu kế hoạch bí mật của Yamamoto . Mười ngày sau Genda đưa ra kết luận “Tấn công Trân Châu Cảng là một việc hết sức khó khăn và liều lĩnh nhưng “có nhiều cơ hội để thủ thắng””.

  Onishi gửi ngay kết luận này về Yamamoto cùng với những suy luận của riêng mình . Sau đó vị Tướng này được giao phó nhiệm vụ tấn công . Điều động cuộc hành quân này sẽ do những vị sĩ quan trực thuộc của bộ chỉ huy của Onishi đảm trách .

  Kameto Kuroshima , một vị hạm trưởng lỗi lạc nhưng ngược lại là một con người lập dị , ông có lúc đãng trí đi quanh con thuyền chỉ huy với độc nhất chiếc kimoto kéo lê theo sau là chiếc mẫu gạt tàn thuốc tro bay tung tóe . Một mật lệnh được chuyển đến cho Kuroshima và sau đó người ta không còn thấy ông đi nhong nhong trên boong tàu nữa . Bẵng đi cả tuần lễ mới thấy ông mở cửa ca-bin bước ra với một bản kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng đầy đủ chi tiết còn sặc mùi tỏi , nhang trầm và sì gà . (Sau khi chiến tranh chấm dứt , không bao lâu trước khi từ giả cõi đời , Kuroshima tiết lộ với Miyo “Kế hoạch không tập Trân Châu Cảng là do chính ông vẽ ra”)

  Chiến thắng của họ nếu muốn bảo rằng nhờ vào may mắn cũng không ngoa lắm . Vì hạm đội Thái Bình Dương chẳng hiểu vì lý do gì mà lại đang thả neo tại Trân Châu Cảng trong thời gian bị tấn công , trong khi lực lượng hùng hậu ấy có thể cởi sóng ra khơi ngoài vạn dặm mênh mông dễ gì tìm được tung tích . Chỉ có những kẻ liều lĩnh mới dám chơi một trò chơi mạo hiểm như thế , và Yamamoto đã thành công . Ông ta là một tay chơi bài nỗi tiếng là cừ khôi . Một người bạn Hoa Kỳ đã thắc mắc tại sao Yamomoto lại học cách chơi bài của người Mỹ nhanh đến như thế . Ông cười hề hề giải thích “Nếu tôi có thể chứa năm nghìn ký tự trong đầu tôi thì chỉ với 52 quân bài này nó đâu có ý nghĩa gì đâu” . Yamamoto thường nhắc nhở với thuộc cấp rằng nghệ thuật đánh bạc là chỉ nhờ một nửa tính toán còn một nửa kia sẽ tùy thuộc vào sự may rũi . Trận Hạ Uy Di này tuy rằng nguy hiểm muôn trùng , nhưng nó có quá nhiều lợi thế khiến cho ông không thể nào không chấp nhận . Ông nói “Nếu thất bại , cách tốt nhất chúng ta nên … giả từ vũ khí thì hơn !”.

  Hai ngày sau khi gửi thư cho Onishi , Yamamoto lại phát thảo kế hoạch của mình một lần nữa để gửi cho Kanji Ogawa , Đại Úy trực thuộc cơ quan tình báo Hải quân Nhật , yêu cầu viên sĩ quan tình báo này phải thu lượm tất cả những dữ liệu có liên quan đến Hạ Uy Di càng sớm càng tốt . Mặc dù Ogawa đã gài sẳn một nhóm điệp viên ở quần đảo này rồi . Đó là một người Đức nhút nhát nhưng rất thích tiền bạc mang tên Otto Kuhn , một tăng sĩ Phật Giáo và hai người Mỹ gốc Nhật , họ chỉ đơn thuần cung cấp những tin tức không quan trọng . Thế nên Ogawa quyết định gửi sang một điệp viên lành nghề vừa được tuyển chọn cho một công tác hết sức đặc biệt này . Takeo Yoshikawa , một anh chàng mảnh khảnh điển trai vừa tròn 29 tuổi , đóng lon Thiếu Úy tiểu đội 5 thuộc tổ đặc trách Hoa Kỳ . Anh chàng này đã tự cắt đi một ngón tay để tỏ rỏ ý chí kiên quyết phải hoàn thành sứ mạng mà đất nước của anh đã giao phó cho .

  Yoshikawa đã từng thụ huấn tại trường đào tạo sĩ quan Hải Quân Etajima , cũng là nơi mà anh đã đoạt giải quán quân môn bơi lội (trước khi mãn khóa , các sinh viên sĩ quan phải bơi trên một hải trình dài mười dặm với thời tiết khắc nghiệt) và bốn năm liền giữ chức vô địch Karate . Hẳn anh ta phải là một môn sinh xuất sắc độc nhất vô nhị từ cổ chí kim . Trong lúc các bạn đồng khóa của anh lo vùi đầu vào bài vỡ ôn thi thì anh lại chuyên tâm nghiên cứu thiền học , lo rèn tâm luyện tuệ , thế mà vẫn chiếm được ưu hạng trong cuộc thi mãn khóa . Sau khi tốt nghiệp , anh theo học các khóa đặc biệt về mật mã ngành hàng hải , thủy lôi , đại bác và thuật hàng không . Yoshikawa vốn là con cháu của Lưu Linh nên trong thời gian ra trường và phục vụ trong quân ngũ hắn cứ sáng say chiều sỉn . Hậu quả tệ hại là loét dạ dày nên tạm thời rút chân ra khỏi chiến trường về nằm tại cơ quan tình báo Hải Quân như một sĩ quan dự bị . Hoạt động của Yoshikawa trước kia trực thuộc tổ đặc trách Anh Quốc , sau đó lại thuyên chuyển về tổ tình báo đặc trách Hoa Kỳ . Cũng tại nơi đây đã dạy cho Yoshikawa nhiều điều bổ ích để cho anh có cơ hội trích lủy thêm kiến thức của ngành hải quân , làm quen với những hoạt động của tàu thuyền trên biển và ghi nhớ nhiều dụng cụ trang bị khác nhau của nhiều loại chiến thuyền .

  Mùa xuân năm 1940 , Đại Úy Takeuchi , chỉ huy tổ đặc trách của Yoshakawa đến gặp riêng anh và hỏi thẳng rằng nếu anh muốn tình nguyện thuyên chuyển sang công tác tại Hạ Uy Di với nhiệm vụ là một nhân viên tình báo bí mật . Nếu chấp thuận thì anh không cần phải đi qua trường lớp huấn luyện nào nữa , vì thượng cấp tin tưởng với khả năng hiện tại của anh đã có thể đối phó với mọi tình huống , dù là xấu nhất . Yoshikawa đồng ý và ngay sau đó anh trở thành một người dân bình thường với cái tên giả là Tadashi Morimura . Để chuẩn bị cho vai diễn là một nhân viên lãnh sự , anh để tóc dài và bắt đầu học Anh ngữ ở trường đại học Nippon . Yoshikawa sau đó tốt nghiệp và vào làm việc trong bộ ngoại giao , đồng thời anh cũng bỏ ra nhiều thì giờ nghiên cứu về môn chính trị và kinh tế Hoa Kỳ .

  Cho đến năm 1941 , khi Đô Đốc Yamamoto yêu cầu gửi thêm chuyên viên tình báo đến Hạ Uy Di thì Yoshikawa đã sẳn sàng . Ngày 20 tháng 3 , anh có mặt trên thương thuyền Nitta-Mara và một tuần sau thì Yoshikawa đã đặt chân lên đảo Hạ Uy Di . Lãnh sự Nhật ở Hạ Uy Di là Tướng Nagao Kita thân mật chào đón Yoshikawa .

 Sang đêm thứ nhì ông chở Yoshikawa đến Shunchoro , một nhà hàng Nhật sang trọng tọa lạc trên một ngọn đồi không cao lắm , nhưng nơi đây có thể quan sát toàn cảnh của Trân Châu Cảng . Bà chủ nhà hàng tên gọi Namiko Fujiwara vốn là người đồng hương với Yoshikawa , bà thân mật khẻ bảo với anh rằng bà ta có năm nàng kỷ nữ Geisa , tất cả đều được huấn luyện ở quê nhà và đương nhiên trong bọn họ chẳng có ai tệ .

  Tiền lương của Yoshikawa hàng tháng là 150 đô la , cộng thêm khoảng công tác phí 100 đô cho mỗi tháng . Anh ta liền bắt tay vào công việc ngay , mọi hoạt động ứng biến đều do bản năng và phương pháp riêng của anh . Trước hết Yoshikawa bỏ ra nhiều thì giờ đi tham quan tất cả các hòn đảo chính theo hai trục lộ giao thông vòng quanh Oahu , sau đó lại tổ chức cuộc đi du ngoạn toàn đảo . Với chiếc áo sơ-mi hoa hòe sặc sở như hầu hết du khách nơi đây , và dĩ nhiên bên cạnh anh ta không thể nào thiếu bóng nàng Geisa má đỏ môi hồng , lúc nào cũng ỏng a ỏng ẹo như một cặp vợ chồng mới cưới vừa đáp thuyền giữa chốn bồng lai nơi hạ giới này để hưởng trọn tuần trăng mật .

  Sau chuyến tham quan thứ nhì Yoshikawa chắc chắn rằng xung quanh những hòn đảo này chẳng có một hạm đội nào bỏ neo ngoại trừ Trân Châu Cảng . Nghĩ thế nên anh ta bắt đầu chỉ chú tâm vào Oahu mà thôi . Mỗi tuần Yoshikawa bỏ ra hai lần , mỗi lần 6 tiếng đồng hồ để lái xe vòng quanh hòn đảo . Còn thường nhật thì chỉ đi vòng quanh bên ngoài Trân Châu Cảng để dò xét những hoạt động xung quanh . Theo đúng luật thì anh ta chỉ có thể dò xét từ bên ngoài vòng rào của cảng từ một sườn đồi thoai thoải bên trên , nhưng đã có vài lần Yoshikawa đột nhập vào tận bên trong vòng rào .

  Một lần , anh tay xách hộp đựng thức ăn dành cho người đi làm , lẫn chung vào nhóm thợ lẽn vào bên trong rồi đi vòng quanh cả ngày mà chẳng có một ai chận hỏi . Anh đã dò xét tính xem sức chứa của những thùng dầu to nhất . Rồi một lần nữa , anh ta cố nài nỉ bà chủ một câu lạc bộ nhận anh vào làm việc . Đây là một câu lạc bộ phục vụ ăn uống cho những sĩ quan Hải quân trong cảng . Nhân dịp họ đang tổ chức một buổi tiệc lớn , bà chủ câu lạc bộ đồng ý nhận Yoshikawa vào lo việc phụ bếp . Ở đây những gì mà anh ta có thể dọ thám được là … cách rửa chén của người Mỹ !

  Có cả một cộng đồng to lớn của người Nhật hiện đang định cư ở đây nhưng chẳng giúp ích gì được cả . Yoshikawa kêu gọi mọi người cùng giúp sức , nhất là trong những lúc chén thù chén tạc tại tòa lãnh sự . Nhưng rồi anh lại thất vọng vì hầu hết người Nhật ở đây hình như họ đều trung thành với chính phủ Hoa Kỳ . Với Yoshikawa , đây thật là một nghịch lý mà anh không tài nào hiểu được : một người tự coi mình là công dân thứ thiệt của Hoa Kỳ nhưng lại đi lễ chùa Phật , tôn sùng Thần đạo và cúng dường thật rộng rãi cho quỹ cứu tế quân đội Thiên Hoàng . Có một ông lão hứa hẹn là sẽ đốt cháy ruộng mía để gây hoang mang một khi có chiến tranh bùng nổ , nhưng Yoshikawa lại không có tí ti tin tưởng nào vào con người mà anh cho là miệng hùm gan sứa này vì có một lần anh nghe ông ta cãi cối rằng ông đã chính mắt nhìn thấy một viên kim cương to bằng … cái chuông chùa !

  Còn nếu thả rong dọc theo bờ biển ngồi lê đôi mách với bọn thủy thủ Hoa Kỳ thì cũng chả được một kết quả nào . Họ thì nói huyên thuyên nhưng cũng như chẳng có nói gì cả . Những thứ như thời tiết mưa gió , đàn bà con gái , mông to ngực lép v.v và v.v kia thì có dính dáng gì tới công tác của Yoshikawa đâu . Anh ta bèn thay đổi cách dò thám . Ngày ngày anh leo lên sườn đồi , thường thì đi chung với một ả geisa cho thêm hương vị cuộc đời . Từ sườn đồi , anh nhìn xuống hải cảng với vô số chiến hạm đang thả neo nằm đó . Anh phát họa hình dáng từng loại chiến hạm một . Lại một lần Yoshikawa đón taxi đến phi trường Hickam Field , một căn cứ lớn của quân đoàn không quân , cách Trân Châu Cảng không xa lắm . Khi tới cổng , Yoshikawa nói với nhân viên gát cổng rằng anh có hẹn gặp một sĩ quan Hoa Kỳ , và như vậy là chiếc taxi cứ chạy chầm chậm trong phạm vi căn cứ . Anh ta tính toán và ghi vào óc hiện có bao nhiêu ụ chứa máy bay , bao nhiêu máy bay hiện đang đậu và chiều dài của hai phi đạo chính .

  Yoshikawa cũng không bỏ lỡ một cơ hội tốt là buổi trình diễn máy bay nhào lộn ở Wheeler Fied , một căn cứ phi cơ chiến đấu tọa lạc ở trung tâm đảo Oahu . Ngồi dưới thảm cỏ xanh bên cạnh hai nàng kỷ nữ mặn mà , Yoshikawa hướng mắt chú tâm theo dõi anh chàng phi công chiếc P-40 nhào lộn trên không trung , thỉnh thoảng lại lao chúi xuống những ụ chứa máy bay đang mở rộng cửa . Như vậy là anh ta dù không ghi lấy một chữ vào sổ nhưng vẫn nhớ nằm lòng : hiện diện nơi đây có bao nhiêu phi cơ chiến đấu , bao nhiêu phi công , bao nhiêu nhà ụ ; thậm chí có cả thảy bao nhiêu doanh trại của lính và số binh sĩ có mặt thường trực trên đảo là bao nhiêu anh cũng nhớ vanh vách . Dù không hề dùng đến máy ảnh nhưng khi về đến nhà riêng thì Yoshikawa vẫn có thể ngồi xuống tỉ mỉ vẽ lại những gì anh đã quan sát một cách dễ dàng .

  Mỗi tuần một lần Yoshikawa gửi báo cáo lại cho Tướng Kita , Kita đổi thành mật mã rồi giao cho thuộc cấp mang đến sở điện tín Mackay ở Honolulu . Tuy kín đáo và bảo mật tối đa nhưng chỉ sau gần một tháng thì Yoshikawa đã phát giác ra mình bị theo dõi . Có lẽ bọn họ là FBI , chiếc xe đen to đùn với cần ăng-ten cao hơn bình thường kia làm sao che mắt được Yoshikawa . Nghe báo cáo , Tướng Kita khuyên anh ta nên cẩn trọng hơn , nhưng vì vốn tính ngang ngược thích chuyện ú tim nên Yoshikawa vẫn bướng bỉnh tiếp tục dọ thám . Đây chính là nguyên nhân gây nên những sự xích mích không cần thiết giữa Kita và Yoshikawa , đến nổi hàng ngày nếu hai người không rầy rà cãi cọ nhau thì …. nhậu Sakê không vô vậy .

                       …………………………………………………..

  Đến thời điểm tháng 04 – 1942 thì kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng có tên mới là “Chiến Dịch Z” , để tôn vinh dấu hiệu chữ Z nổi tiếng của vị Đô Đốc Togo huyền thoại của họ , vì ông đã dùng nó để đánh dấu chiến thắng oanh liệt ở Tsushima (Đối Mã) . Ông kêu gọi “Vận mệnh của quốc gia sẽ tùy thuộc vào trận chiến này , nào các chàng trai dũng cảm , hảy ráng hết sức mình mà chiến đấu” . Và bây giờ , lời kêu gọi của ông vẫn còn vang vọng đến thế hệ đi sau hàng mấy thập niên , đến những quyết định táo bạo – mang vận mệnh của quốc gia đặt vào một trận không tập bất ngờ .

  Ngày 10 tháng 04 , Thiếu Tướng Hải quân Kusaka được bổ nhiệm chức vụ Tham mưu trưởng đệ nhất phi đoàn . Kusaka là một sĩ quan quyết tâm đầy nghị lực nhưng trên khuôn mặt lúc nào cũng lộ nét hiền hòa nhũn nhặn . Cha của ông là một doanh nhân thành công , còn ông thì chí hùng tám hướng thích đi theo tiếng gọi hải hồ nên ông không tiếp bước của thân phụ mà theo nghiệp võ biền . Sau khi tốt nghiệp trường Hải quân Naval Academy năm 1913 ông phục vụ trong quân đội cho đến nay . Ông nguyên là thuyền trưởng của hai mẫu hạm HoshoAkagi . Trước khi đến Đông Kinh nhận nhiệm vụ mới , Kusaka là chỉ huy trưởng phi đoàn 24 ở Palau .

  Sau khi trình diện Tham mưu trưởng Hải Quân , vị Thiếu Tướng Hải quân 48 tuổi Kusaka được mời đến văn phòng của một người bạn học cũ , đô đốc Shigeru Fukudome . Fukudome vừa được thượng cấp đề cử chức vụ Tư Lệnh chỉ huy chiến dịch Z . Sau khi mời người bạn cũ đồng khóa ngồi , ông trao cho Kusaka một tờ giấy có ghi sẳn những dòng chi chít bằng bút và nói “Hảy xem cái này trước đã” . Chỉ liếc nhìn vào là Kusaka đã biết ngay thủ bút của Onishi . Fukudome lên tiếng “Nó có thể là kế hoạch của chiến dịch . Nhưng chúng ta không thể dùng nó để lâm trận thật sự vì nó đơn thuần chỉ là một bản thảo dự phòng . Chưa có quyết định gì từ thượng cấp cả , cho nên tôi chỉ muốn ông theo kế hoạch này mà tập dượt nhuần nhuyển để phòng khi có chiến tranh thật sự” .

  Kusuka đáp xe hỏa đi Hiroshima , nơi mà ông sẽ trình diện tân thượng cấp , phó đô đốc Chuichi Nagumo trên chiếc soái hạm Akagi . Tại đây hai người cùng ngồi lại tỉ mỉ nghiên cứu kế hoạch của chiến dịch . Kusuka và Nagumo đều là những sĩ quan thành thạo về thủy chiến và họ là những nhà chuyên môn về đánh thủy lôi , nhưng khi bàn bạc về thuật hàng không thì hỏng bét . Vì khi đi vào chi tiết của kế hoạch đòi hỏi nhiều đến kiến thức hàng không . Hai người bí quá đành triệu Tamotsu Oishi , một vị tham mưu trưởng thâm niên và viên sĩ quan không quân Minoru Genda đến để cùng họ đi vào chi tiết . Dĩ nhiên sau đó hai vị sĩ quan không quân này đều biết đó là kế hoạch không tập Trân Châu Cảng , nhưng Kusaka căn dặn với họ chớ nên tiết lộ vì đây là điều tối mật quân sự .

  Càng đi sâu vào kế hoạch hành động , dù chỉ trên giấy trắng mực đen nhưng Kusaka nhìn thấy sự việc sẽ không đơn giản . Nó có vẻ quá mạo hiểm và ông đâm ra ngờ vực cho cơ may thành công của kế hoạch . Nó như một ván bài liều đánh vốc túi mà phần thắng bại đều trông vào sự may rũi . Nếu chiến dịch này thất bại , hậu quả của nó thật khó mà lường trước được , có thể đi đến sự bại trận cho cả một quốc gia . Kusaka quyết định phải gặp Onishi một lần để trình bày ý nghĩ của mình . Và tháng 06 năm ấy ông gặp Onishi . Sau khi hội kiến nhau một lúc , Onishi đề nghị Kusaka nên đi gặp Yamamoto . Ông bảo “Vấn đề là do ông nêu ra thì ông nên đi gặp ổng để hỏi chớ tôi có mắc mớ gì đâu” .

  Kusaka trở về mẫu hạm Akagi , xin phép đi gặp Yamamoto và thẳng đến soái hạm của vị chỉ huy hạm đội liên hợp . Khi gặp Yamamoto , Kusaka liền trình bày rằng kế hoạch này quá ư liều lĩnh khó mà đo lường được hậu quả của nó . Yamamoto rất hài lòng về sự thẳng thắn của Kusaka , ông bình thản bảo “Thiếu Tướng cho rằng quyết định này quá liều lĩnh bởi vì tôi là người thích chơi xì-phé và mạt-chược ư ? Sự thật thì không hẳn là như thế đâu” . Ông chỉ nói có bấy nhiêu rồi ra dấu bảo Kusaka lui ra . Kusaka thất vọng chán nản quay ra , ông cúi đầu lầm lũi về phía cầu tàu . Bất chợt có một bàn tay ai đó vừa vỗ nhẹ vào vai ông , vừa quay lại thì Kusaka nhận ra Yamamoto đang mĩm cười nhìn ông . Không đợi Kusaka có phản ứng , Yamamoto cất giọng từ tốn nói “Tôi rất hiểu tại sao Thiếu Tướng phản đối , nhưng không tập Trân Châu Cảng là quyết định của tôi và bộ tư lệnh tối cao . Vì vậy , tôi hy vọng rằng Thiếu Tướng chớ nên tranh cãi nữa mà hảy hiệp sức lại với nhau , nỗ lực thực hiện cho bằng được quyết định chung của chúng ta . Trong tương lai nếu có ai chống đối lại Thiếu Tướng , chừng ấy tôi sẽ ra mặt can thiệp cho Thiếu Tướng” .

  Oishi ngày đêm lo luyện tập toàn bộ kế hoạch và Genda thì chuyên tâm nghiên cứu kỷ thuật phi chiến , phương pháp nào hữu hiệu vừa thần tốc vừa mang lại nhiều thành quả . Trong khi ấy thì Kusaka dồn hết nỗ lực về khía cạnh mà ông cho là điểm yếu dễ bị nguy hiểm : làm thế nào để những phi đội tấn công không bị phát giác khi vào đất địch . Một vấn đề hết sức nan giải như không thể nào thực hiện được Tàu chiến của Nhật vận tốc nhanh hơn tàu chiến của Hoa Kỳ , nhưng những mẫu hạm tham dự kế hoạch này ngoại trừ hai mẫu hạm mới là Shokaku và Zuikaku , số còn lại không có sức chứa nhiên liệu để đi đến Trân Châu Cảng . Làm cách nào để tiếp tế nhiên liệu trên đường hành quân ?

  Lại còn những thay đổi bất ngờ của khí tượng nữa , có cách nào để bảo đảm đây ? Kusaka cho mời Thiếu Tá Toshiaburo Sasabe , một sĩ quan chuyên môn về ngành hàng hải , và yêu cầu hãy nghiên cứu xem có thuyền bè của bất cứ quốc gia nào trên thế giới đã xuyên qua Thái Bình Dương trong thời gian mười năm nay không . Sasabe báo cáo rằng chẳng có thuyền nào dám vượt Thái Bình Dương ở vĩ độ 40 độ Bắc trong khoảng thời gian tháng 11 và 12 cả , lý do vì biển động rất mạnh trong thời điểm này .

  Báo cáo của Sasabe vô tình nhắc cho Kusaka nhớ lại cuộc tấn công bất thình lình của Yoshitsune Minamoto ở thế kỷ thứ 12  (Trận chiến ngày 07 tháng 02 năm 1184 giữa Minamoto và Taira , một thị tộc thống trị của sử Nhật Bản) . Ông cũng có thể dùng kế sách này để tấn công Trân Châu Cảng từ hướng Bắc ; Tuần dương hạm của Hoa Kỳ thường thì thao diễn ở mạn Tây Nam Hạ Uy Di , vì họ tự nghĩ nếu tấn công , quân Nhật sẽ xuất phát từ căn cứ Marshall Islands . Duy chỉ còn một điều trở ngại – Và nó là điều cần phải cân nhắc lại kỷ lưởng : là cách nào để tiếp nhiên liệu cho những mẫu hạm trên một vùng biển đang động mạnh . Nhưng sau đó thì Kusaka tạm thời gát lại nan đề này . Ông tin tưởng rằng mình sẽ tìm cách vượt qua được trở ngại ấy bằng những dày công khổ luyện và tập dượt .

  Giai đoạn đầu của kế hoạch bấy giờ được mang ra và cho luyện tập tỉ mỉ . Về những tin tức đã thu lượm được từ Hạ Uy Di thì Kusaka chắc chắn rằng tàu tuần duyên của Hải Quân Hoa Kỳ chỉ hoạt động trong một khu vực rộng khoảng 500 dặm cách Trân Châu Cảng , trong khi ấy thì những thủy phi cơ PBY lại kiểm soát 500 dặm mặt Nam của Dutch Harbor . Kusuka kết luận , đội xung kích sẽ không bị phát giác nếu ta nương theo vùng biển hướng Tây , chỗ hớ hênh đang bỏ trống của địch và tiến vào cách mặt Bắc Trân Châu Cảng 800 dặm thì dừng lại  . Làm sao phải có mặt ở đây một ngày trước khi có lệnh tấn công và cho tất cả được tiếp tế nhiên liệu lần cuối cùng rồi chờ tối đến chuyển theo lộ trình hướng Nam vào mục tiêu . Khi bình minh vừa ló dạng là lúc cho phi vụ đầu tiên cất cánh .

  Thông thường thì những lúc huấn luyện hay một phi vụ nào đó thì hạm trưởng hoặc phi đội trưởng phải trực tiếp chịu trách nhiệm , nhưng cuộc không kích này phải phối hợp lại chặc chẻ và nằm dưới sự chỉ huy của một vị sĩ quan không quân . Người được chọn vào chức vụ chỉ huy này không ai khác hơn phi đội trưởng trên mẫu hạm Akagi , Mitsuo Fuchida . Đại Tá Fuchida , một phi công ngoại hạng mà khả năng của ông đã vượt quá quyền hạn chỉ huy . Ba mươi chín tuổi , cựu chiến binh chiến tranh Trung Hoa đã có hơn 3 ngàn giờ bay . Nhưng cũng có một vài vị hạm trưởng vẫn không đồng ý chọn Fuchida làm người chỉ huy phi đội của họ . Tuy nhiên , với tiếng nói nặng ký của Kusaka thì còn ai dám lên tiếng chống đối .

  Căn cứ theo hoạch định của Genda , mục tiêu đầu tiên là những pháo hạm . Hai đội ngũ của pháo hạm đang thả neo ở đảo Ford , ngay chính giữa Trân Châu Cảng . Trước nhất , phi cơ sẽ thả thủy lôi đánh chìm những tàu hàng đang đậu phía bên ngoài cảng , kế đến là dàn phi cơ thành hàng ngang ném bom bổ nhào xuống những pháo hạm đang thả neo bên trong cảng .

  Kusaka không tin cuộc đột kích ngắn ngủi này có thể thành công ngoại trừ phi cơ có lắp bộ phận máy ngắm để đạt được độ chính xác khi thả bom . Người Nhật cũng biết rõ Hoa Kỳ cũng có trang bị bộ phận máy ngắm Norden nhưng độ chính xác lại không cao .Và nan đề này được giải quyết cấp kỳ bằng những nỗ lực luyện tập để làm quen với loại máy ngắm tự tạo mang tên 97 , một phiên bản chép lại mô hình của loại máy ngắm Đức Quốc . 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế