W.C.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

(Lời nói đầu về Chuyện Của Mắt, trích từ một tác phẩm khác của Bataille có tên là Le Petit [1943])

Một năm trước Chuyện Của Mắt, tôi đã viết một cuốn sách mang tên W.C.: một cuốn sách nhỏ, khá điên rồ. Chuyện Của Mắt trẻ con chừng nào thì W.C. bi thảm chừng ấy. Bản thảo của W.C. đã bị cháy, nhưng cũng không phải là mất mát gì, nếu xét nỗi buồn của tôi vào lúc này: đó là một tiếng thét kinh hoàng (kinh hoàng về bản thân tôi, chứ không phải vì sự đồi trụy của tôi, nhưng đối với một người có cái đầu triết gia thì... thật buồn!). Mặt khác, tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết với niềm vui rực rỡ của Chuyện Của Mắt: không có gì có thể xóa nó đi. Niềm vui như vậy, gần như một sự điên rồ ngây thơ, sẽ mãi mãi vượt lên trên nỗi kinh hoàng, vì nỗi kinh hoàng tiết lộ ý nghĩa của nó.

Một bản vẽ minh họa W.C. cho thấy một con mắt: mắt của đoạn đầu đài. Đơn độc, tựa mặt trời, dựng đứng hàng mi, nó nhìn chằm chằm từ cái lỗ tròn của máy chém. Bản vẽ được đặt tên là Sự Tái Phát Vĩnh Cửu, và cỗ máy khủng khiếp của nó là xà ngang, giá treo và hàng cột. Đến từ chân trời, con đường vĩnh cửu chạy qua nó. Một câu thơ nhại, được lấy từ một bản phác thảo tại buổi hòa nhạc Mayol, đã chú thích:

Chúa ơi, máu của thi hài biết bao u sầu ở nơi sâu thẳm của âm thanh.

Chuyện Của Mắt còn có một hồi tưởng khác về W.C., xuất hiện ngay trên trang tiêu đề, biến đổi tất cả những gì sau đây theo các dấu hiệu tồi tệ nhất. Bút danh Lord Auch đề cập đến một thói quen của bạn tôi; khi anh bực tức, thay vì nói "aux chiottes!" (cứt thật), anh sẽ rút ngắn nó thành "aux ch". Trong tiếng Anh, Lord là Chúa (trong Kinh thánh): Lord Auch là Chúa tự xả nước cứu thân. Câu chuyện quá sống động nên chẳng cần nhấn mạnh; mọi sinh vật ở nơi đây đều biến hình; Chúa đắm chìm vào nó, thiên đàng cũng tươi trẻ lại.

Là Thiên Chúa, trần truồng, tựa mặt trời, trong đêm mưa, trên một cánh đồng: đỏ, thiêng liêng, bẩm sinh đã có sự uy nghi của bão tố, khuôn mặt nhăn nhó, rách toạc, BẤT KHẢ rơi nước mắt: Ai biết, trước tôi, uy nghi là gì?

"Mắt lương tâm" và "rừng công lý" hóa thân thành sự tái phát vĩnh cửu, và còn có hình ảnh tuyệt vọng nào nữa để mà hối hận không?

Với W.C. tôi dùng bút danh là Troppmann.

Tôi trần truồng thủ dâm, vào ban đêm, bên xác của mẹ tôi. (Một vài người, đã đọc phần Những sự trùng hợp, sẽ băn khoăn liệu chuyện này có hư cấu hay không. Nhưng, giống như lời nói đầu này, Những sự trùng hợp có độ chính xác chuẩn mực, theo nghĩa đen: nhiều người ở làng R. có thể xác nhận thông tin; hơn nữa, vài người bạn của tôi đã đọc W.C.)

Điều khiến tôi khó chịu hơn là: thấy cha tôi ỉa quá nhiều lần. Ông ra khỏi cái giường vừa liệt vừa mù (bởi vì ông vừa mù vừa liệt). Ông gặp khó khăn khi ra khỏi giường (tôi sẽ giúp ông) và ngồi trên một cái bô, mặc áo ngủ và thường đội chiếc mũ ngủ bằng vải bông (ông có một hàm râu xám lởm chởm, bù xù, một cái mũi đại bàng lớn, và đôi mắt to trống rỗng nhìn chằm chằm vào hư không). Đôi khi, "những cơn đau nhói" sẽ khiến ông hú lên như một con thú, co chân gập gối, lặng lẽ vòng tay tự cuộn mình lại.

Khi tôi được thụ thai thì cha tôi đã mù (hoàn toàn mù), tôi không thể móc mắt mình ra như Oedipus.

Cũng giống như Oedipus, tôi đã giải được câu đố: không ai tôn sùng nó sâu sắc hơn tôi.

Vào ngày 6 tháng 11 năm 1915, trong một thị trấn bị oanh tạc, cách biên giới Đức vài dặm, cha tôi đã chết trong sự ruồng bỏ.

Mẹ tôi và tôi đã bỏ rơi ông khi Đức tấn công vào tháng 8 năm 1914.

Chúng tôi đã để ông lại với quản gia.

Quân Đức chiếm thị trấn, rồi sơ tán nó. Bây giờ chúng tôi có thể trở về: mẹ tôi không thể chịu đựng được ý nghĩ về nó, đã phát điên. Cuối năm đó, mẹ tôi hồi phục: bà không cho phép tôi về nhà ở N. Chúng tôi thỉnh thoảng nhận được thư từ cha, ông chỉ chửi rủa như điên như dại. Khi chúng tôi biết rằng ông sắp chết, mẹ đồng ý đi với tôi. Ông đã chết vài ngày trước khi chúng tôi về, cứ hỏi các con mình đâu: chúng tôi chỉ còn thấy một cỗ quan tài đã đóng kín trong phòng ngủ.

Khi cha tôi phát điên (một năm trước chiến tranh) sau một đêm ảo giác, mẹ tôi bảo tôi đến bưu điện để đánh một bức điện tín. Tôi nhớ rằng khi ở trên đường, mình đã cực kỳ kiêu hãnh. Nỗi khốn khổ khiến tôi choáng váng, sự trớ trêu trong nội tâm đã trả lời: "Quá nhiều kinh hãi đã khiến số phận mình được định đoạt": một vài tháng trước, vào một buổi sáng tháng 12 đẹp trời, tôi đã thông báo cho cha mẹ, những người đã không còn là mình nữa, rằng tôi sẽ không bao giờ đặt chân đến trường. Thịnh nộ cỡ nào cũng không thể thay đổi suy nghĩ của tôi: Tôi sống một mình, hiếm khi ra ngoài, đi qua các cánh đồng, tránh trung tâm, nơi tôi có thể vô tình gặp bạn bè.

Cha tôi, một người không hề sùng đạo, đã chết mà không chịu gặp linh mục. Lúc đến tuổi dậy thì, tôi cũng không sùng đạo (mẹ tôi thì thờ ơ). Nhưng tôi đã đến gặp một linh mục vào tháng 8 năm 1914; từ đó đến năm 1920, hiếm có tuần nào tôi không xưng tội! Năm 1920, tôi lại thay đổi một lần nữa, tôi ngừng tin vào bất cứ điều gì ngoại trừ cơ hội trong tương lai mình. Lòng mộ đạo của tôi chỉ là một nỗ lực để trốn tránh: Tôi muốn thoát khỏi định mệnh của mình bằng bất kỳ giá nào, tôi đã bỏ rơi cha mình. Hôm nay, tôi biết là tôi "mù" đến vô hạn, tôi là một người bị "bỏ rơi" trên tinh cầu như cha tôi bị bỏ rơi lại ở N. Không có ai trên trời hay dưới đất quan tâm đến nỗi kinh hoàng khi sắp chết của cha tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng ông đã đối mặt với nó, như thường lệ. Đôi khi, nụ cười mù quáng của cha sao mà "cực kỳ kiêu hãnh"!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro