VỤ BẮT CÓC TẠI TRƯỜNG PRIORY(The Priory School, 1904)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tại sân khấu nhỏ ở phố Baker, chúng tôi đã đôi lần được thưởng thức những cảnh mở màn và hạ màn đầy kịch tính, nhưng theo tôi nhớ thì không có gì bất ngờ và kinh động hơn sự xuất hiện của vị thạc sĩ, tiến sĩ, vân vân sĩ Thorneycroft Huxtable. Tấm danh thiếp, dường như quá nhỏ không gánh nổi sức nặng của các học vị, đến trước ông ít giây, rồi sau đó chính ông xuất hiện. Ông to cao, đường bệ và quý phái đến độ bản thân ông chính là hiện thân của sự điềm tĩnh và vững vàng. Ấy vậy mà cửa vừa khép sau lưng, ông đã lảo đảo dựa vào bàn, rồi trượt dần xuống. Thế rồi con người oai vệ ấy nằm sõng soài bất tỉnh trên tấm thảm da gấu trải trước lò sưởi nhà chúng tôi.

Chúng tôi đứng bật dậy rồi trong một lát, cả hai im lặng sững sờ đăm đăm nhìn con người như con tàu lớn bị đắm sau khi hứng chịu cơn bão lớn bất đồ ập tới ở ngoài biển đời kia. Sau đó, Holmes vội lấy gối kê đầu cho người nọ, còn tôi đổ rượu brandy vào miệng ông. Gương mặt trắng bệch hằn nét lo âu, bọng mắt xám xịt trũng sâu bên dưới đôi mắt khép, miệng ông ta há ra, hơi trễ bên khóe, râu ria mọc lỉa chĩa chẳng được cạo, mái tóc rối bù, còn cổ áo và thân áo bám đầy bụi đường. Một con người khốn khổ đang nằm trước mặt chúng tôi.

"Ông ta làm sao vậy, Watson?" Holmes hỏi.

"Kiệt sức hoàn toàn... có lẽ vì đói và mệt đây mà", tôi bắt mạch, cảm nhận dòng chảy yếu ớt của sự sống trong người ông.

"Vé khứ hồi từ Mackleton, miền bắc Anh", Holmes rút nó từ túi áo vị khách. "Giờ chưa đến 12 giờ. Vậy chắc chắn ông ta khởi hành từ sáng sớm."

Mí mắt nhăn nheo bắt đầu hấp háy, rồi đôi mắt xám đờ đẫn ngước nhìn chúng tôi. Lát sau, người đàn ông lồm cồm đứng dậy, mặt đỏ lựng vì xấu hổ.

"Ông Holmes, mong ông thứ lỗi cho tình trạng suy nhược của tôi, mấy hôm nay tôi hơi căng thẳng. Cảm ơn ông và nếu có một cốc sữa với vài cái bánh quy, chắc chắn tôi sẽ đỡ hơn. Thưa ông Holmes, tôi tự mình tới để đảm bảo ông sẽ về cùng. Tôi e điện tín không thể khiến ông tin vào tính cấp bách của sự việc."

"Đợi ông khỏe hẳn đã.. "

"Tôi đỡ nhiều rồi. Tôi không hiểu sao mình lại yếu thế này. Ông Holmes, tôi mong ông cùng tôi lên chuyến tàu tiếp theo tới Mackleton."

Bạn tôi lắc đầu. "Bác sĩ Watson, bạn đồng hành của tôi, có thể cho ông biết chúng tôi hiện rất bận. Tôi đang kẹt trong vụ Tài liệu của gia đình Ferrer, còn vụ Án mạng vùng Abergavenny lại sắp được xét xử. Vì vậy trong thời điểm này, chỉ vấn đề nào cực kì quan trọng mới có thể khiến tôi rời London mà thôi."

"Việc này quan trọng chứ!" Vị khách của chúng tôi giơ tay lên trời. "Ông chưa nghe về vụ bắt cóc con trai độc nhất của công tước Holdernesse sao?"

"Sao! Liên quan tới ngài cựu bộ trưởng ư?"

"Đúng vậy. Chúng tôi đã cố giấu cánh báo chí, nhưng đã có lời đồn đăng trên tờ Globe tối qua. Tôi nghĩ tin tức có thể đã đến tai ông."

Holmes giơ cánh tay dài, gầy guộc lựa tập "H" trong bộ bách khoa thư tham khảo của anh.

"Holdernesse, công tước đời thứ sáu, hiệp sĩ dòng Garter, ủy viên Hội đồng cơ mật hoàng gia Anh, nam tước vùng Beverley, bá tước vùng Carston. Trời đất, quá nhiều tước hiệu! Đại sứ tại Hallamshire từ năm 1900. Kết hôn cùng Edith, ái nữ của ngài Charles Appledore, năm 1888. Chỉ có một con trai, người thừa tự duy nhất, huân tước Saltire. Sở hữu khoảng hai trăm năm mươi ngàn mẫu đất cùng các mỏ khoáng sản ở Lancashire và Wales. Các cơ ngơi: Dãy nhà Cariton tại London; lâu đài Holdernesse tại Hallamshire; lâu đài Carston tại Bangor, Wales. Làm bộ trưởng bộ Hải quân Anh, năm 1872; bộ trưởng bộ... Chà chà, người này nhất định là một trong những bầy tôi có thế lực nhất của Nữ hoàng!"

"Có thế lực nhất và có thể là giàu nhất nữa. Ông Holmes, tôi biết ông làm việc rất chuyên nghiệp và ông sẵn lòng đổ công đổ sức để làm tốt công việc mà không tơ hào lợi lộc. Song tôi có thể cho ông biết rằng, công tước có ý trao tấm chi phiếu năm ngàn bảng cho người nào báo tin con trai ngài đang ở đâu, và một ngàn nữa cho ai nêu ra danh tính thủ phạm bắt cóc cậu."

"Quả là một món hậu tạ hào phóng", Holmes nói. "Watson này, tôi nghĩ hai ta sẽ tháp tùng tiến sĩ Huxtable về miền bắc. Trước mắt thì, thưa tiến sĩ Huxtable, khi nào dùng sữa xong, xin ông vui lòng cho tôi biết tường tận chuyện gì đã xảy ra, xảy ra bao giờ, xảy ra thế nào, trường Priory gần Mackleton có liên quan thế nào tới vụ việc, và cuối cùng là tại sao phải đợi những ba ngày sau sự việc - nhìn râu ria trên cằm ông là tôi biết - công tước mới hỏi tới sự giúp đỡ hèn mọn của tôi."

Khách của chúng tôi đã dùng xong sữa và bánh quy. Mắt ông đã sáng và má đã hồng trở lại khi ông rành rọt giải thích sự tình.

"Tôi phải thưa với quý vị rằng Priory là trường tiểu học dân lập do tôi sáng lập và làm hiệu trưởng. Có thể các vị đã nghe danh tôi là tác giả cuốn Đôi điều bàn thêm về Horace. Priory là trường dân lập tốt nhất và ưu tú nhất Anh quốc. Huân tước Leverstoke, bá tước vùng Blackwater, lẫn ngài Cathcart Soames đều gửi gắm con trai cho tôi. Và tôi cảm thấy danh tiếng trường mình đã đạt mức lẫy lừng khi công tước Holdernesse cử thư kí James Wilder đến cùng lời nhắn rằng huân tước Saltire mười tuổi, con trai và người thừa tự duy nhất của ngài, sắp được giao cho tôi dạy dỗ. Tôi nào ngờ đây lại là mở đầu cho tai họa lớn nhất đời mình.

Cậu bé tới vào ngày mùng 1 tháng 5, là đầu học kì hè. Cậu bé rất đáng yêu, và chẳng mấy chốc đã quen với nề nếp của trường. Không phải tôi muốn hở chuyện ra nhưng lúc này mà còn giấu giếm thì thật không phải lẽ, xin nói với quý vị rằng hồi ở nhà, cậu bé không được vui cho lắm. Chuyện riêng mà ai cũng biết là đời sống hôn nhân của công tước không được êm ấm và cuối cùng hai bên đã đồng thuận li thân, sau đó phu nhân đến sống ở miền nam nước Pháp. Chuyện này xảy ra cách đây không lâu, mà cậu bé lại rất quấn mẹ. Từ khi bà ấy rời lâu đài Holdernesse, cậu bé luôn ủ ê rầu rĩ và chính vì lí do này, công tước muốn gửi cậu bé đến trường tôi. Chỉ sau nửa tháng, cậu bé đã quen trường và vui lên thấy rõ.

Lần cuối người ta thấy cậu bé là đêm ngày 13 tháng 5 - tức đêm thứ hai vừa rồi. Phòng cậu bé ở tầng ba và muốn đến đó phải đi qua một phòng khác lớn hơn, có hai nam sinh đang ngủ. Hai cậu bé này không nghe không thấy gì, nên chắc chắn huân tước Saltire không đi ra theo lối ấy. Cửa sổ phòng cậu bé để mở, và ở đó có dây thường xuân rất chắc thả xuống tận sân. Chúng tôi không thấy dấu chân bên dưới, nhưng chắc chắn đây là lối thoát khả dĩ duy nhất. Lúc 7 giờ sáng thứ ba, chúng tôi phát hiện cậu bé vắng mặt. Cậu bé có ngủ trong phòng nhưng đã thức dậy, mặc đầy đủ đồng phục là áo khoác Eton đen và quần vải màu xám sậm rồi mới bỏ đi. Chúng tôi khá chắc rằng không có người vào phòng. Nếu có gì như tiếng kêu la hay chống cự thì ắt phải có người nghe thấy, vì Caunter, nam sinh lớn hơn nằm ở phòng trong, là người thính ngủ.

Khi phát hiện huân tước Saltire mất tích, tôi lập tức điểm danh toàn trường, từ nam sinh, giáo viên đến người hầu trong trường. Chính lúc đó, chúng tôi biết không chỉ mình huân tước Saltire vắng mặt. Thầy Heidegger người Đức cũng không thấy đâu. Phòng ông ta nằm tại tầng ba, ở đầu kia tòa nhà, cùng hướng với phòng của huân tước Saltire. Ông ta cũng ngủ tại trường nhưng có vẻ đã đi mà chẳng kịp thay đồ, vì sơmi và tất của ông ta vẫn nằm trên sàn. Chắc chắn ông ta đã tụt theo dây thường xuân xuống vì chúng tôi thấy dấu chân ông ta đặt xuống bãi cỏ. Xe đạp của ông ta cất trong nhà kho nhỏ gần đó cũng biến mất. Ông ta làm việc cho tôi đã hai năm, được nhận xét rất tốt. Ông ta khá trầm lặng, ít nói và không được lòng cả cánh giáo viên lẫn học sinh. Chúng tôi không tìm thấy chút tung tích gì của hai người mất tích, nên dù đã là sáng thứ năm nhưng chúng tôi vẫn chưa biết gì hơn hôm thứ ba. Dĩ nhiên tôi đã tức tốc cho dò hỏi bên lâu đài Holdernesse. Nơi đó chỉ cách trường tôi vài dặm, nên chúng tôi nghĩ biết đâu trong phút nhớ nhà, cậu bé đã về với cha. Tuy nhiên, chúng tôi chẳng thu được tin tức gì về tung tích của cậu bé. Công tước lo lắng vô cùng, còn về phần tôi, chính quý vị cũng thấy gánh nặng trách nhiệm và tình trạng căng thẳng chờ đợi đã khiến tôi suy nhược tới độ nào. Ông Holmes, tôi khẩn cầu ông dốc lòng dốc sức, vì ông sẽ không bao giờ gặp một vụ nào xứng tầm hơn."

Sherlock Holmes chăm chú lắng nghe ông hiệu trưởng khốn khổ trình bày. Hai mày nhíu lại và những vết hằn sâu ở giữa cho thấy chẳng cần được hô hào, anh cũng sẽ dồn hết tâm trí vào vụ này, không chỉ vì tầm quan trọng lớn lao, mà còn đánh trúng vào niềm say mê những vụ án phức tạp và bất thường trong anh. Lúc này, anh rút sổ tay ra và ghi nhanh lại vài điểm cần ghi nhớ.

"Ông thật tác trách khi không đến gặp tôi sớm hơn", anh nghiêm khắc nói. "Ông khiến tôi phải bắt đầu cuộc điều tra một cách cực kì bất lợi. Chẳng hạn, tôi không tin dây thường xuân này rồi bãi cỏ kia lại không đem lại manh mối gì cho một người quan sát tinh ý."

"Ông không thể trách tôi, thưa ông Holmes. Công tước hết sức mong tránh mọi điều tiếng. Ngài sợ chuyện không hay của gia đình phơi bày trước bàn dân thiên hạ. Ngài rất e sợ những điều như vậy."

"Nhưng đã có một cuộc điều tra chính thức rồi, phải không?"

"Đúng thưa ông, nhưng kết quả thật đáng thất vọng. Họ mau chóng thu được manh mối có vẻ phù hợp là có người thấy một cậu bé đi cùng một thanh niên rời một ga lân cận trên chuyến tàu sớm. Tối qua, chúng tôi mới hay tin hai người này đang bị truy nã ở Liverpool, và họ chẳng hề có liên quan gì đến vụ việc trước mắt. Thế rồi sau một đêm trằn trọc mất ngủ vì chán chường thất vọng, tôi đón chuyến tàu sớm đi thẳng đến chỗ ông."

"Vậy chắc hiện giờ cảnh sát đang mải lùng bắt hai kẻ kia và xếp vụ này sang một bên?"

"Nó bị bỏ hẳn rồi."

"Cho nên mới phí mất ba ngày. Vụ việc này bị xử lí tắc trách quá."

"Tôi cũng thấy vậy."

"Nhưng chúng ta phải tìm ra bằng được cậu bé. Tôi rất vui được tìm hiểu vụ này. Ông có dò ra mối liên hệ nào giữa cậu bé mất tích và ông thầy người Đức không?"

"Không có."

"Cậu bé có học lớp ông thầy này không?"

"Không. Theo như tôi biết, cậu bé chưa từng nói chuyện với ông ta."

"Thế thì lạ quá. Cậu bé có xe đạp không?"

"Không."

"Trường có thiếu mất chiếc xe đạp nào nữa không?"

"Không."

"Ông chắc chứ?"

"Rất chắc."

"Được rồi, vậy chẳng lẽ ông đoán rằng ông người Đức nửa đêm bồng cậu bé trên tay rồi đạp xe đi mất hay sao?"

"Tất nhiên là không rồi."

"Vậy ông có giả thuyết nào rồi?"

"Có thể xe đạp là một cách tung hỏa mù. Nó có thể được giấu đâu đó rồi cả hai cùng đi bộ."

"Đúng thế. Nhưng kiểu tung hỏa mù đó có vẻ khá vô lí, phải không? Trong nhà kho kia còn xe đạp nào nữa không?"

"Vài chiếc."

"Nếu muốn người khác nghĩ họ bỏ đi bằng xe đạp, ông ta phải giấu hai chiếc chứ?"

"Có lẽ."

"Không phải có lẽ, mà là chắc chắn. Chúng ta có thể loại bỏ giả thuyết ông ta dùng xe đạp để tung hỏa mù. Nhưng chi tiết đó là một khởi đầu đáng để điều tra. Xét cho cùng, xe đạp không phải là thứ dễ dàng đem giấu hay hủy đi. Thêm một câu hỏi nữa. Hôm trước ngày cậu bé mất tích, có ai đến gặp cậu bé không?"

"Không."

"Cậu bé có nhận được thư từ gì không?"

"Có một lá thư."

"Của ai?"

"Của người cha."

"Ông có mở thư của học sinh không?"

"Không."

"Làm sao ông biết đấy là thư của người cha?"

"Trên phong bì có hình gia huy, và dòng đề gửi là nét chữ cứng nhắc của công tước. Vả lại, công tước cũng nhận là đã viết thư cho con."

"Lần trước nữa cậu bé nhận được thư là khi nào?"

"Nhiều ngày rồi không có."

"Cậu bé đã bao giờ nhận được thư từ Pháp chưa?"

"Chưa từng."

"Hẳn ông cũng hiểu tôi có chủ ý gì khi hỏi về chuyện thư từ. Cậu bé có thể bị bắt đi hoặc tự ý bỏ đi. Nếu là trường hợp sau, thì hẳn phải có sự thôi thúc từ bên ngoài mới khiến một cậu bé còn nhỏ tuổi hành động như thế. Nếu cậu bé không có người đến thăm, vậy sự thôi thúc nằm ở lá thư. Vì vậy tôi mới cố tìm hiểu xem ai đã gửi thư cho cậu bé."

"Tôi e không giúp được gì nhiều cho ông. Theo như tôi biết, người duy nhất trao đổi thư từ với cậu bé là người cha."

"Là người viết cho cậu bé đúng vào ngày cậu bé mất tích. Hai cha con có thân thiết không?"

"Công tước vốn thường không mấy thân thiết với ai. Ngài toàn mải mê những vấn đề quốc gia đại sự, và gần như không cảm thông với mọi cảm xúc bình thường. Nhưng ngài luôn chu đáo quan tâm cậu bé theo cách riêng."

"Nhưng cậu bé quấn quýt mẹ?"

"Phải."

"Cậu bé nói thế sao?"

"Không."

"Công tước bảo vậy à?"

"Ôi trời, không!"

"Vậy sao ông biết?"

"Tôi đã chuyện trò vài lần với James Wilder, thư kí của công tước. Chính anh ta nói cho tôi hay về tình cảm của huân tước Saltire."

"Tôi hiểu rồi. Nhân tiện, các ông có tìm thấy bức thư của công tước trong phòng cậu bé sau khi cậu bé biến mất không?"

"Không, cậu bé cầm theo, ông Holmes, tôi nghĩ đã đến lúc ta đi Euston rồi."

"Tôi sẽ gọi xe ngựa. Trong vòng mười lăm phút nữa, chúng tôi sẽ sẵn sàng phục vụ ông. Ông Huxtable, nếu ông đánh điện về nhà, hãy để dân trong vùng tưởng cuộc điều tra vẫn đang diễn ra ở Liverpool, hay bất kì đâu khác. Trong lúc đó, tôi sẽ âm thầm làm chút việc tại trường ông. Mong rằng hơi hám vẫn chưa nguội lạnh đến độ hai con chó săn lão luyện như Watson và tôi đây không đánh hơi ra được."

***

Chiều hôm ấy, chúng tôi đắm mình trong bầu không khí mát mẻ, sảng khoái của vùng đồng quê Peak, nơi ngôi trường danh tiếng của tiến sĩ Huxtable tọa lạc. Khi chúng tôi tới nơi thì trời đã tối. Trên bàn tại tiền sảnh có một tấm danh thiếp, người quản gia thì thầm gì đó với chủ rồi tiến sĩ Huxtable mặt mày trĩu nặng ưu tư quay sang chúng tôi.

"Công tước đang ở đây", ông nói. "Công tước và anh Wilder đang ở trong thư phòng. Đi nào, quý vị, rồi tôi sẽ giới thiệu quý vị."

Tất nhiên tôi vẫn thường thấy chân dung các chính khách nổi tiếng, nhưng người này lại rất khác với mô tả. Ông ta cao to oai vệ, ăn mặc chỉnh tề, gương mặt gầy đượm nét buồn, mũi dài và khoằm kì quặc. Nước da tái nhợt tương phản với bộ râu dài đỏ rực lưa thưa rủ xuống cái áo chẽn trắng có đồng hồ quả quýt lấp ló qua mép áo. Một con người đạo mạo lạnh lùng quan sát chúng tôi từ chính giữa tấm thảm trải trước lò sưởi của tiến sĩ Huxtable. Một chàng trai trẻ măng đứng cạnh ông ta. Người này hẳn là Wilder, thư kí riêng của công tước. Anh ta có dáng người nhỏ con, trông khá nhanh nhẹn, đôi mắt xanh nhạt ánh lên nét thông minh. Anh ta ngay lập tức mào đầu cuộc chuyện trò bằng giọng điệu sắc sảo và quả quyết.

"Tiến sĩ Huxtable, sáng nay tôi gọi điện quá muộn, không kịp ngăn ông khởi hành tới London. Tôi được biết ông muốn mời ông Sherlock Holmes xử lí vụ này. Tiến sĩ Huxtable, công tước rất ngạc nhiên khi ông không hỏi ý kiến ngài."

"Khi tôi biết cảnh sát đã thất bại..."

"Công tước đâu có cho rằng cảnh sát đã thất bại."

"Nhưng anh Wilder này, chắc hẳn..."

"Tiến sĩ Huxtable, ông thừa biết rằng công tước đặc biệt mong tránh mọi điều tiếng. Ngài muốn càng ít người biết chuyện càng tốt."

"Vấn đề này vẫn có thể dễ dàng cứu vãn mà", vị tiến sĩ bị hoạnh họe nói, "ông Sherlock Holmes đây có thể về London trên chuyến tàu sáng mai."

"Không có chuyện đó đâu, ông tiến sĩ, không có chuyện đó đâu", Holmes nói bằng giọng ôn tồn nhất. "Không khí miền bắc thật sảng khoái dễ chịu nên tôi định lưu lại vùng đồng trũng này dăm ba ngày để đầu óc được bận bịu đôi chút, tất nhiên, tôi được nương náu dưới mái nhà của ông hay quán trọ trong làng thì tùy ông định đoạt."

Vị tiến sĩ khốn khổ đắn đo không biết phải làm sao. Đúng lúc ấy, vị công tước râu đỏ cất giọng trầm như tiếng cồng báo giờ ăn lên, "Tiến sĩ Huxtable, tôi đồng ý với anh Wilder rằng đúng ra ông nên hỏi ý kiến tôi trước. Nhưng bởi ông Holmes đã biết chuyện, nên quả thực sẽ vô lí nếu ta không nhờ ông ấy giúp. Tuyệt không có chuyện đến quán trọ, ông Holmes, tôi rất sẵn lòng mời ông lưu lại lâu đài Holdernesse với tôi."

"Tôi xin cảm ơn công tước. Nhưng vì mục đích điều tra, tôi thiết nghĩ mình nên ở lại hiện trường xảy ra vụ mất tích bí ẩn."

"Tùy ông thôi, ông Holmes. Tất nhiên, thông tin do anh Wilder hay tôi có thể cung cấp đều để ông tùy nghi sử dụng."

"Có lẽ tôi sẽ cần gặp ngài tại lâu đài", Holmes nói. "Thưa ngài, lúc này tôi chỉ muốn hỏi, ngài đã nghĩ ra cách giải thích nào về việc cậu con trai đột nhiên mất tích chưa?"

"Chưa, thưa ông, chưa."

"Xin thứ lỗi vì tôi sắp nhắc đến điều khiến ngài đau lòng, nhưng tôi không còn lựa chọn khác. Ngài nghĩ công tước phu nhân có liên quan gì đến chuyện này không?"

Vị bộ trưởng cao quý ngập ngừng thấy rõ. "Tôi không nghĩ vậy", cuối cùng ông ta nói.

"Một cách giải thích hết sức hiển nhiên nữa là đứa trẻ bị bắt cóc để đòi tiền chuộc. Ngài vẫn chưa nhận được yêu cầu nào kiểu như vậy?"

"Chưa, thưa ông."

"Một câu hỏi nữa, thưa công tước. Tôi nghe nói ngài có viết thư cho con trai vào hôm xảy ra sự việc."

"Không, tôi viết hôm trước đó."

"Đúng vậy. Nhưng cậu bé nhận được vào hôm ấy?"

"Phải?"

"Trong thư ngài có viết gì khiến cậu bé rối trí hay gợi cho cậu bé ý định bỏ trốn không?"

"Tất nhiên là không."

"Ngài có đích thân gửi thư không?"

Công tước còn chưa kịp nói thì viên thư kí đã sốt sắng trả lời thay, "Công tước thường không tự gửi thư. Bức thư này để cùng với mấy bức khác trên bàn làm việc, và chính tôi đã gửi thư."

"Anh tin chắc lá thư này nằm trong số đó?"

"Phải, chính mắt tôi thấy."

"Ngày hôm ấy công tước viết mấy lá thư?"

"Hai mươi, ba mươi gì đấy. Tôi không nhớ chính xác. Mà chuyện này đâu có liên quan gì nhỉ?"

"Không hẳn", Holmes nói.

"Về phần mình", công tước nói tiếp, "tôi đã khuyên cảnh sát chuyển sang điều tra tại miền nam nước Pháp. Tuy tôi có nói mình không tin công tước phu nhân lại khuyến khích con trai hành động kì quặc như vậy, nhưng thằng bé có lúc rất bướng nên có thể nó bị gã người Đức xúi giục nên đã bỏ tới chỗ bà ấy. Tiến sĩ Huxtable, tôi nghĩ đã tới lúc chúng tôi quay về lâu đài rồi."

Tôi thấy Holmes còn nhiều câu hỏi nữa, nhưng thái độ đường đột của nhà quý tộc cho thấy cuộc nói chuyện đã tới hồi kết. Rõ ràng với tính cách quý tộc của ông ta thì việc thảo luận chuyện gia đình với người lạ là cực kì khó chịu, và ông ta e sợ mỗi câu hỏi mới sẽ soi rõ hơn nữa những ngóc ngách được kín đáo che đậy suốt bấy nhiêu năm.

Khi nhà quý tộc và viên thư kí đi rồi, bạn tôi lao ngay vào điều tra với sự hăm hở đặc trưng của mình. Phòng của cậu bé được kiểm tra cẩn thận, nhưng không thu được kết quả gì, ngoại trừ xác nhận chắc chắn rằng cậu bé chỉ có thể ra ngoài qua đường cửa sổ. Phòng của ông thầy người Đức cùng những vật dụng cá nhân của ông ta cũng không đem lại manh mối nào. Ngoài cửa sổ, một dây thường xuân bị đứt do sức nặng của ông ta, và nhờ ánh sáng ngọn đèn bão, chúng tôi thấy nơi gót giày ông ta đặt xuống bãi cỏ. Dấu chân in sâu xuống nền cỏ xanh lúp xúp ấy là bằng chứng hữu hình duy nhất của cuộc trốn chạy giữa đêm hôm khuya khoắt lạ thường kia.

Sherlock Holmes một mình rời trường và mãi hơn 11 giờ mới về. Anh kiếm được một tấm bản đồ lớn vẽ khu vực này, mang vào phòng tôi, trải trên giường, để ngọn đèn ngay ngắn chính giữa và bắt đầu nhả khói thuốc mù mịt, chốc chốc lại dùng tẩu chỉ những điểm đáng chú ý.

"Tôi càng lúc càng thích vụ này rồi, Watson ạ", anh nói. "Dứt khoát nó có một số điểm đáng chú ý. Trong giai đoạn sơ khởi này, tôi muốn anh nhận thấy mấy đặc điểm địa lí có thể liên quan nhiều đến cuộc điều tra của ta. Nhìn bản đồ này đi. Hình vuông đen này là trường Priory. Tôi sẽ đính một cái ghim vào đó để đánh dấu. Nào, vạch này là đường cái. Anh sẽ thấy nó chạy theo hướng đông tây đi ngang qua trường, và suốt một dặm không hề có đường nhánh. Theo lẽ thường, họ sẽ đi bằng đường này."

"Đúng vậy."

"May mắn là tôi đã dò la ra chuyện xảy ra trên đường vào đêm xảy ra vụ mất tích. Tại điểm này, chỗ tôi đang đặt ống tẩu đây, có một anh cảnh binh đứng trực từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Như anh thấy đấy, đó là giao lộ đầu tiên ở phía đông. Người này khai là không rời vị trí lấy một giây, và anh ta chắc chắn rằng cả cậu bé lẫn ông giáo viên đều không thể đi về hướng đó mà anh ta không trông thấy. Tôi đã nói chuyện với viên cảnh binh này lúc tối và thấy anh ta có vẻ đáng tin. Thế là chặn được một đầu. Giờ ta phải giải quyết đầu kia. Ở đây có một quán trọ tên là Bò Đỏ, tối đó bà chủ quán bị ốm. Bà ta cho người đi Mackleton mời bác sĩ, nhưng đến sáng ông ta mới tới do vướng một ca bệnh khác. Người trong quán thức cả đêm chờ ông ta và thay phiên ngóng ra đường cái. Họ nói không thấy ai đi qua. Nếu họ nói thật, ta có thể loại trừ khả năng hai kẻ mất tích đi theo hướng tây, đồng thời ta có thể nói rằng họ không hề đi đường cái."

"Vậy còn chiếc xe đạp?" Tôi tranh luận.

"Đúng vậy. Ta sẽ đến phần xe đạp ngay thôi. Để tiếp tục lập luận: Nếu hai người này không đi bằng đường cái, họ sẽ phải đi lên mạn bắc hoặc nam của trường. Ta hãy cân nhắc hai hướng xem sao. Như anh thấy, phía nam cửa trường có một vùng đất canh tác rộng lớn, chia thành nhiều cánh đồng nhỏ có tường đá ngăn cách. Tôi phải thừa nhận rằng không thể đạp xe ở đó. Ta có thể loại bỏ đường này. Ta sẽ quay sang hướng bắc. Ở đây có một cụm rừng đánh dấu là Rừng Thưa, và xa hơn nữa là vùng đồng trũng Lower Gill nhấp nhô trải dài hơn mười dặm rồi dốc dần lên. Đến đây thì ở một bên vùng hoang vu này là lâu đài Holdernesse, cách trường Priory mười dặm nếu đi theo đường cái, nhưng chỉ cách sáu dặm nếu băng qua vùng đồng trũng. Khu vực này hoang vắng lạ lùng. Ở đây có dăm chủ trang trại với mấy khoảnh đất nhỏ để chăn thả gia súc. Ngoài ra chỉ còn chim choi choi và chim mỏ nhác cư trú trên vùng đất rộng tới tận xa lộ Chesterfield này. Anh thấy không, ở đấy có một nhà thờ, dăm túp nhà nhỏ và một quán trọ. Xa hơn là mấy ngọn đồi dốc đứng. Chắc hẳn chúng ta phải tập trung tìm kiếm ở vùng phía bắc này."

"Nhưng còn chiếc xe đạp?" Tôi vẫn lấn cấn mãi về vấn đề này.

"Được, được rồi!" Holmes sốt ruột. "Người đạp xe giỏi không nhất thiết phải đi trên đường cái. Đêm đó trăng rất tròn và ánh trăng sẽ soi tỏ mọi con đường ngang dọc trên vùng đồng trũng."

Có tiếng gõ cửa dồn dập, rồi loáng sau tiến sĩ Huxtable đã có mặt trong phòng, ông cầm một chiếc mũ lưỡi trai màu xanh có huy hiệu chữ V trắng trên vành.

"Cuối cùng cũng có manh mối!" Ông ta kêu lên. "Ơn trời! Cuối cùng ta cũng lần ra dấu vết cậu bé thân yêu! Mũ của cậu bé đây."

"Ông tìm thấy ở đâu vậy?"

"Trong xe của đám dân digan tại vùng đồng trũng. Chúng rời đi từ hôm thứ ba. Hôm nay cảnh sát lần ra dấu chúng, lục soát đoàn xe và tìm thấy cái này."

"Đám dân digan đó giải thích sao?"

"Họ cứ lòng vòng nói dối, rằng họ tìm thấy cái mũ trên vùng đồng trũng vào sáng hôm thứ ba, Lũ bất lương ấy biết cậu bé ở đâu mà! Tạ ơn trời là chúng bị giam cả nút rồi. Rồi thì pháp luật hoặc túi tiền của công tước sẽ cạy được miệng chúng thôi."

"Vậy là tính đến thời điểm này, mọi suy luận của chúng ta đều chính xác", Holmes nói khi ông tiến sĩ rời phòng. "Ít nhất câu chuyện của ông Huxtable cũng xác nhận giả thuyết chúng ta cần điều tra theo hướng vùng đồng trũng Lower Gill. Thực tế mà nói, cảnh sát chưa điều tra gì ở vùng này ngoài việc bắt đám dân digan. Nhìn này, Watson. Có một dòng suối chảy qua vùng đồng trũng. Anh sẽ thấy nó được đánh dấu trên bản đồ đây. Tại vài chỗ, dòng suối loang rộng ra thành một bãi lầy. Nhất là ở khu vực giữa lâu đài Holdernesse và trường. Trong tiết trời hanh khô này, việc tìm dấu vết ở những chỗ khác đều là tốn công vô ích, nhưng may ra ở đó sẽ còn lại chút manh mối. Sáng mai tôi sẽ gọi anh sớm, rồi chúng ta sẽ thử xem có thể làm sáng tỏ vụ này được chút gì không."

Trời vừa hửng sáng tôi đã tỉnh dậy và thấy dáng người cao gầy của Holmes bên giường. Anh ăn mặc chỉnh tề, và hình như vừa ra ngoài về.

"Tôi đã xem xét bãi cỏ và nhà kho để xe đạp", anh nói. "Tôi còn dạo chơi khắp vùng Rừng Thưa nữa. Nào Watson, ở phòng bên đã sẵn cốc ca cao rồi. Xin anh nhanh lên cho vì ta có một ngày rất thú vị trước mắt." Mắt anh sáng lên, hai má ửng hồng niềm hồ hởi như người thợ cả thấy công trình của mình được hoàn tất. Con người tràn trề năng lượng và lanh lợi này rất khác với một Sherlock Holmes xanh xao, hay suy tưởng trầm tư ở phố Baker. Khi ngước nhìn anh, tôi linh cảm thấy một ngày dài vất vả đang chờ chúng tôi.

Ấy vậy mà nó mở đầu trong thất vọng và chán nản vô chừng. Chúng tôi khấp khởi băng qua vùng đồng trũng nhớp nháp than bùn, dọc ngang chằng chịt cả ngàn vết chân cừu, tới vành đai xanh nhạt, mênh mông đánh dấu bãi lầy ở khoảng giữa chúng tôi và Holdernesse. Đương nhiên, nếu muốn về nhà, cậu bé phải băng qua đây, và như vậy cậu không thể không để lại dấu vết. Nhưng chúng tôi không tìm được chút manh mối gì về tung tích của cậu bé hay ông người Đức. Bạn tôi sa sẩm mặt mày và sải bước men rìa bãi lầy, chăm chăm quan sát từng vết bùn trên bề mặt phủ rêu. Ở đó có rất nhiều dấu chân cừu, rồi ở một chỗ cách thêm vài dặm nữa là dấu chân bò. Chỉ có vậy.

"Kiểm xong được một thứ", Holmes nói, ủ dột nhìn qua vùng đồng trũng nhấp nhô. "Đằng xa đó còn một đầm lầy và một dải đất hẹp ở giữa. Ồ! Ta có gì đây?"

Chúng tôi bước trên một lối đi nhỏ trông như dải ruy băng đen vắt ngang đầm lầy. Ở giữa, in dấu rõ ràng trên mặt đất sũng nước, là vết xe đạp.

"Ô hô!" Tôi reo lên. "Ta tìm được rồi."

Nhưng Holmes lắc đầu, nét mặt tỏ rỏ sự hoang mang và chờ đợi hơn là mừng rỡ.

"Dĩ nhiên là xe đạp, nhưng không phải cái xe đạp ấy", anh nói. "Tôi biết rõ bốn mươi hai loại dấu lốp xe. Như anh thấy dấu này là của lốp Dunlop có một miếng vá trên vỏ ngoài. Chiếc xe Heidegger đi dùng lốp Palmer sẽ để lại những sọc dọc. Ông thầy Aveling dạy toán đoán chắc về chuyện này. Vì vậy mà đây không phải dấu xe của Heidegger."

"Vậy xe của cậu bé chăng?"

"Có lẽ, nếu ta chứng minh được cậu bé có đi xe đạp. Nhưng chuyện này thì tôi chịu không chứng minh được. Anh thấy đấy, vết này do một chiếc xe đạp theo hướng trường tới để lại."

"Hay xe này đi tới trường?"

"Không không, Watson thân mến. Dấu lún sâu hơn dĩ nhiên là của bánh sau vì sức nặng dồn xuống đó. Anh sẽ nhận thấy mấy chỗ bánh sau đè lên và xóa mờ dấu cạn hơn của bánh trước. Chắc chắn là xe từ trường tới. Dấu vết này có thể có, hoặc có thể không liên quan tới việc tìm kiếm của ta, nhưng ta cứ lần theo nó đã."

Chúng tôi lần theo vết xe được vài trăm yard nhưng khi ra khỏi khu vực đồng lầy thì mất dấu. Theo đường mòn đi ngược lại, chúng tôi phát hiện ra dấu xe đạp lại xuất hiện ở một vị trí khác là ở nơi có một dòng suối nhỏ chảy qua, nhưng dấu vết ở đây đã bị móng bò xóa mờ gần hết. Sau đó, chúng tôi chẳng tìm thấy gì ngoài một lối mòn chạy thẳng vào Rừng Thưa. Qua khu rừng này, chúng tôi sẽ trở lại trường. Hẳn xe đạp từ cánh rừng này đi ra. Holmes ngồi xuống một tảng đá mòn, hai tay chống cằm tư lự. Tôi hút xong hai điếu thuốc rồi anh mới nhúc nhích.

"À", cuối cùng anh nói. "Dĩ nhiên một kẻ láu cá có thể giở trò thay lốp xe nhằm để lại những vết lạ. Tôi sẽ rất hãnh diện được đối đầu với một tên tội phạm có thể nghĩ ra phương pháp ấy. Chúng ta sẽ bỏ ngỏ nghi vấn này tại đây mà quay lại đầm lầy, vì ở đó còn nhiều thứ chưa được xem xét."

Chúng tôi tiếp tục khảo sát kĩ càng khu vực ẩm ướt bên rìa vùng đồng trũng, và chẳng mấy chốc, sự kiên trì của chúng tôi đã được đền đáp thỏa đáng. Ngay bên kia phần trũng của bãi lầy là một lối đi lầy lội. Khi lại gần, Holmes mừng rỡ kêu lên. Một dấu hằn trông như một bó dây thép mảnh chạy dọc chính giữa lối đi. Đó là lốp xe Palmer.

"Chắc chắn đây là xe của ông Heidegger rồi!" Holmes đắc chí kêu lên. "Có vẻ như lập luận của tôi khá hợp lí, Watson ạ."

"Xin chúc mừng anh."

"Nhưng ta còn một chặng đường dài nữa phải đi. Làm ơn đừng bước lên lối này. Giờ ta hãy theo vết xe. E rằng nó không dẫn đi xa lắm đâu."

Tuy vậy, khi tiến tới gần, chúng tôi nhận thấy khu vực này xen kẽ vài mảng đất mềm, và dù liên tục mất dấu bánh xe chúng tôi vẫn tìm lại được.

"Anh có thấy", Holmes nói, "rõ ràng người đạp xe đã tăng tốc khi đi qua đây không? Không thể nghi ngờ gì rồi. Nhìn dấu này đi, ở đây anh có hai dấu lốp xe rõ ràng, dấu này cũng sâu như dấu kia. Vậy chỉ có thể là người đạp xe đang dồn sức nặng lên ghi-đông như khi người ta đạp nước rút. Ôi trời! Ông ta bị ngã."

Vết lốp xe bị nhòe mất một đoạn chừng vài yard, rồi thêm dăm dấu chân và vết lốp xe lại xuất hiện.

"Bị trượt sang bên chăng?", tôi gợi ý.

Holmes cầm lên một nhành hoa kim tước giập nát. Tôi thất kinh nhận thấy mấy bông hoa vàng lấm tấm cả màu đỏ thẫm. Trên lối đi và giữa đám thạch nam cũng có những vết máu khô đen sậm.

"Không hay rồi!" Holmes nói. "Không hay rồi! Tránh ra nào, Watson! Đừng bước nếu không cần thiết! Tôi phải hiểu thế nào đây? Ông ta ngã xuống, bị thương rồi đứng dậy, lại lên xe và đi tiếp. Nhưng không còn vết nào khác. Gia súc đi trên lối mòn này. Ông ta bị bò húc ư? Không thể nào! Nhưng tôi không thấy dấu vết nào khác. Ta phải đi tiếp thôi, Watson. Tất nhiên khi ta đã có cả vết máu lẫn dấu lốp xe chỉ lối thì ông ta không thoát khỏi tay ta được đâu."

Chúng tôi không phải tìm kiếm lâu. Vết lốp xe bắt đầu vòng vèo trên lối đi ẩm ướt loang loáng nước. Khi nhìn phía trước, mắt tôi bất chợt bắt gặp ánh kim loại lấp lóa giữa mấy bụi kim tước um tùm. Chúng tôi lôi từ đó ra một chiếc xe đạp dùng lốp Palmer, một bàn đạp bị cong, phần trước thì lấm lem máu khô. Bên kia mấy bụi cây có một chiếc giày nhô lên. Chạy vòng qua, chúng tôi thấy người đạp xe xấu số nằm đó. Ông ta cao, râu rậm, đeo cặp kính đã văng mất một bên mắt kính, ông ta chết do một cú đánh thật lực vào đầu, nát một phần sọ. Ông ta còn đi tiếp sau khi lãnh một thương tích như vậy chứng tỏ đây phải là một người giàu sức sống và quả cảm đến nhường nào. Ông ta mang giày nhưng không đi tất, còn áo khoác chưa kịp cài nút để lộ áo ngủ bên trong. Không nghi ngờ gì nữa, đây là ông thầy người Đức.

Holmes kính cẩn lật cái xác lại, cực kì chăm chú kiểm tra, rồi ngồi suy nghĩ mông lung một hồi. Nhìn vầng trán nhăn tít của anh, tôi biết theo ý anh, phát hiện đáng sợ này vẫn chưa giúp chúng tôi tiến xa hơn trong cuộc điều tra.

"Hơi khó tính xem phải làm thế nào, Watson à", cuối cùng anh nói. "Tôi vẫn muốn tiếp tục cuộc điều tra này vì ta đã mất nhiều thời gian, không thể để mất thêm một giờ nào nữa. Mặt khác, ta buộc phải báo cho cảnh sát biết phát hiện này và lo liệu để xác người đàn ông tội nghiệp này được chôn cất tử tế."

"Tôi có thể cầm thư về."

"Nhưng tôi cần anh đi cùng và giúp một tay. Chờ đã! Đằng kia có gã đang vét than bùn. Dẫn hắn lại đây, rồi hắn sẽ dẫn đường cho cảnh sát."

Tôi dẫn người nông dân qua, thế rồi Holmes cử anh chàng thất đảm cầm mẩu thư về gặp tiến sĩ Huxtable.

"Nào Watson", anh nói, "sáng nay ta tìm được hai manh mối. Một là chiếc xe đạp có lốp Palmer và cũng đã thấy nó dẫn đến đâu. Manh mối kia là xe đạp lốp Dunlop có vết vá. Trước khi bắt đầu điều tra theo hướng cái lốp kia, ta hãy xem cho rõ ta đã biết những gì để còn tận dụng, và để tách bạch cái trọng yếu với cái ngẫu nhiên. Trước hết, tôi muốn anh nhớ rõ cho rằng cậu bé dứt khoát đã tự ý bỏ đi. Cậu ta trèo qua cửa sổ xuống rồi bỏ đi, một mình hoặc với ai đó. Điều này là chắc chắn."

Tôi tán thành.

"Tốt, giờ ta quay sang ông thầy người Đức bất hạnh này. Khi bỏ đi, cậu bé đã thay đồ chỉnh tề. Do vậy, cậu bé đã biết mình sẽ làm gì. Nhưng ông người Đức thì đi mà không mang tất. Chắc chắn ông ta phải ứng phó với sự biến không lường trước."

"Chắc chắn rồi."

"Tại sao ông ta đi? Vì, từ cửa sổ phòng ngủ, ông ta thấy cậu bé bỏ đi. Vì ông ta muốn đuổi kịp và đưa cậu bé về. Ông ta chộp lấy xe đạp, đuổi theo rồi mất mạng."

"Có vẻ là thế."

"Giờ tôi sẽ đến phần then chốt trong lập luận. Khi người lớn đuổi theo trẻ con, theo lẽ thường, ông ta sẽ chạy, ông ta biết mình sẽ bắt kịp. Nhưng ông người Đức không làm vậy. Ông ta dùng xe đạp. Tôi nghe nói ông ta đạp xe rất cừ. Ông ta sẽ không dùng xe nếu không thấy cậu bé bỏ đi trên một phương tiện mau lẹ nào đó."

"Một chiếc xe đạp khác."

"Ta hãy tiếp tục tái hiện câu chuyện. Ông ta chết cách trường năm dặm - anh nên nhớ ông ta không chết vì trúng đạn, trường hợp ấy thì còn có thể cho là một thằng nhóc cũng bắn được đi, đằng này lại là một cú đánh hung bạo, phải có cánh tay mạnh mẽ mới giáng xuống được. Vậy là khi bỏ đi, cậu bé có kẻ đồng hành. Cuộc trốn chạy lại rất nhanh, vì phải sau năm dặm một người đạp xe thành thục mới đuổi kịp. Nhưng ta đã tìm hiểu kĩ mặt đất tại hiện trường xảy ra thảm kịch. Ta tìm thấy gì nào? Chỉ có dấu chân bò. Tôi đã rà soát một vòng rộng nhưng trong phạm vi năm mươi yard không có một lối mòn nào. Vậy không thể có chuyện một người đạp xe khác có liên quan tới vụ án mạng này. Mà ở đây cũng chẳng có dấu chân người nào."

"Holmes", tôi kêu lên, "chuyện này là không thể."

"Tuyệt!" Anh nói. "Một nhận xét khai sáng tư duy. Tôi công nhận diễn biến như tôi vừa nói đúng là không thể xảy ra, vậy hẳn tôi đã sai ở một khía cạnh nào đó. Nhưng anh cũng thấy rồi. Anh có gợi ý được sơ hở nào không?"

"Ông ta không vỡ sọ vì cú ngã được sao?"

"Trong khu vực lầy lội thế ư, Watson?"

"Vậy tôi chịu."

"Chậc chậc. Ta từng giải được những vụ còn hóc búa hơn. Ít nhất ta cũng đã có nhiều dữ liệu, ví thử ta biết sử dụng. Vậy thì đi nào, vụ dấu lốp Palmer đến đây là hết, ta hãy xem lốp Dunlop bị vá có gì cho ta không."

Chúng tôi lần lại vết lốp kia rồi tiếp tục đi theo một đoạn, nhưng chẳng mấy chốc vùng đồng trũng cao dần lên thành một khúc quanh dài đầy bụi thạch nam. Chúng tôi đã bỏ lại con suối đằng sau. Không trông mong gì ở dấu lốp xe được nữa. Điểm chót của dấu lốp Dunlop cho thấy chiếc xe có thể đi tới lâu đài Holdernesse ở bên trái, với những ngọn tháp uy nghi vươn lên trời cách chúng tôi vài dặm, hoặc cũng có thể tới ngôi làng xám xịt, thấp lè tè và cũng là điểm mốc đánh dấu xa lộ Chesterfield.

Khi chúng tôi tiến lại một quán trọ trông gớm giếc và dơ dáy, treo bảng hiệu hình một con gà chọi, Holmes bỗng rên rỉ rồi nắm chặt vai tôi cho khỏi ngã. Anh bị trặc mắt cá chân nặng tới không biết xoay xở ra sao đây mà! Anh khó nhọc lê bước đến cửa, nơi một người đàn ông có tuổi, béo lùn, da ngăm đen đang hút tẩu.

"Ông khỏe không, ông Reuben Hayes?" Holmes nói.

"Ông là ai, và sao ông biết tên tôi?" Cặp mắt xảo trá của gã dân quê lóe lên ánh ngờ vực.

"Thì nó in ngay trên tấm bảng hiệu kia kìa. Vậy nên biết ai là chủ nhà cũng dễ thôi. Không biết ông có xe ngựa không nhỉ?"

"Không có."

"Tôi không đặt chân xuống đất nổi nữa rồi!"

"Vậy thì đừng."

"Nhưng tôi không bước được"

"À, thế nhảy lò cò đi."

Thái độ của Reuben Hayes chẳng có chút nhã nhặn, nhưng đáng nể là Holmes vẫn vui vẻ như thường.

"Nghe này, ông bạn", anh nói. "Quả thực tôi gặp tình thế gay go quá. Tôi không biết xoay xở ra sao nữa."

"Tôi cũng vậy", ông chủ nhà lầm lì nói.

"Chuyện này hệ trọng lắm. Tôi sẽ trả ông một đồng sovereign để được dùng xe đạp."

Gã chủ nhà dỏng tai lên, "Ông muốn đi đâu?"

"Lâu đài Holdernesse."

"Chắc ông là bạn của công tước hả?" Chủ quán hỏi mà ánh mắt châm chọc soi mói quần áo lấm lem bùn đất của chúng tôi.

Holmes cười hiền, "Dù gì ngài ấy cũng sẽ mừng khi thấy chúng tôi."

"Vì sao?"

"Vì chúng tôi đem tin về cậu con trai mất tích đến cho ngài ấy."

Lão chủ nhà trọ giật thót, "Sao, mấy ông đang lần theo cậu bé hả?"

"Nghe đồn cậu bé đang ở Liverpool. Họ mong tìm được nó từng giờ."

Bộ mặt xưng xỉa và xồm xoàm râu ria loáng biến đổi. Thái độ ông ta bỗng dưng ân cần hẳn. "Tôi chẳng việc gì phải mong điều tốt lành cho lão công tước kia sất", ông ta nói. "Tôi từng là trưởng đội xà ích của lão, và lão đối xử với tôi rất ư thậm tệ. Chính lão đuối tôi vì tin lời gã bán ngũ cốc xảo trá. Nhưng tôi mừng khi được biết cậu bé đang ở Liverpool. Tôi sẽ giúp mấy ông đưa tin đến lâu đài."

"Cảm ơn ông", Holmes nói. "Chúng tôi cần ăn chút gì đã. Sau đó ông hẵng đem xe đạp lại đây nhé."

"Tôi không có xe đạp."

Holmes giơ một đồng sovereign lên.

"Tôi đã nói rồi, tôi không có xe đạp. Vậy tôi sẽ cho mấy ông thuê hai con ngựa đến tận lâu đài."

"Được được", Holmes nói, "chúng tôi ăn gì đã rồi sẽ bàn chuyện đó sau."

Khi chỉ còn chúng tôi trong căn bếp lát đá, mắt cá chân bị trặc của Holmes bất ngờ lành lại. Đêm đã gần buông xuống mà từ sớm đến giờ chúng tôi vẫn chưa có gì bỏ bụng, nên cả hai dành chút thì giờ để ăn uống. Holmes trầm ngâm suy nghĩ, rồi đôi lần bước tới cửa sổ và chăm chăm nhìn ra ngoài. Từ đó, anh nhìn thấy một khoảng sân sau bẩn thỉu với một lò rèn ở góc đằng xa có một thằng bé mình mẩy cáu ghét đang làm việc, còn ở góc đẳng kia là dăm tàu ngựa. Holmes vừa ngồi xuống sau một lần thám thính thì bỗng bật dậy kêu lên một tiếng.

"Trời ơi, Watson, tôi hiểu ra rồi!" Anh kêu lên. "Phải, đúng vậy rồi. Watson, anh nhớ hôm nay có thấy dấu chân bò nào không?"

"Có rất nhiều."

"Ở đâu?"

"À, đâu cũng có. Ở đầm lầy, trên lối mòn, rồi gần chỗ Heidegger đáng thương chết."

"Đúng lắm. Watson này, vậy ở đằng vùng đồng trũng anh thấy có bao nhiêu con bò?"

"Hình như chẳng thấy con nào."

"Watson này, thật kì lạ là ta thấy dấu chân suốt dọc đường đi, nhưng trên cả vùng đồng trũng lại không hề thấy bóng dáng con bò nào cả. Kì lạ quá hử, Watson?"

"Ừ, lạ thật."

"Nào Watson, hãy cố nhớ lại đi! Anh có thấy mấy dấu ấy trên lối mòn không?"

"Có."

"Watson này, anh có nhớ mấy dấu đó khi thì thế này", anh xếp ít vụn bánh mì theo kiểu -:::::-, "rồi khi thì giống vậy" -:.:.:.:-, "có lúc lại thế này" -.......- . "Anh nhớ vậy không?"

"Không, tôi không nhớ."

"Nhưng tôi nhớ. Tôi dám đảm bảo. Song lúc rỗi ta sẽ quay lại kiểm chứng sau. Tôi đúng là quân đui mù mới không rút ra được kết luận!"

"Vậy anh kết luận thế nào?"

"Rằng đó là một con bò lạ thường biết đi thong dong, biết chạy nước kiệu và biết phi nước đại. Watson ơi, đầu óc của một gã chủ quán trọ không thể nghĩ ra mưu ma chước quỷ như vậy đâu. Giờ trừ thằng nhỏ trong lò rèn ra, ngoài kia xem chừng chẳng còn ai. Ta hãy lẻn ra xem thử có thấy được gì đi."

Hai con ngựa lông lá bờm xờm, không được chải lông tắm táp đứng trong tàu ngựa xiêu vẹo. Holmes nhấc chân sau của một con lên rồi cười khanh khách.

"Móng cũ, nhưng mới được đóng lại. Đây này, móng cũ nhưng đinh mới. Vụ này kinh điển đây. Ta qua bên lò rèn nào."

Thằng nhỏ cứ làm việc không để ý đến chúng tôi Tôi thấy mắt Holmes lia một vòng giữa đống sắt với gỗ vương vãi khắp sàn. Nhưng bất thình lình, chúng tôi nghe thấy tiếng chân vang tới từ phía sau và gã chủ nhà trọ, với đôi lông mày rậm rủ trên cặp mắt hung dữ, gương mặt sạm đen cau lại, xuất hiện. Ông ta cầm cây gậy ngắn đầu bịt kim loại, và tiến tới với dáng vẻ đầy hăm dọa, tôi thật sự mừng khi sờ thấy khẩu súng lục trong túi.

"Lũ rình mò trời đánh thánh vật!" Ông ta hét lên. "Chúng bay làm gì ở đây?"

"Ơ kìa, ông Reuben Hayes", Holmes điềm tĩnh đối đáp, "thế này thì người ta lại tưởng ông sợ bọn tôi tìm thấy thứ gì mất thôi."

Người đàn ông cố sức kiềm chế, rồi cái miệng dữ tợn toét ra nụ cười giả dối, trông đáng sợ hơn cái chau mày ban nãy. "Ông tìm thấy gì trong lò rèn của tôi thì cứ việc", ông ta nói. "Nhưng nghe đây, tôi cóc cần lũ người tự tiện lục lọi chỗ tôi, nên mấy ông liệu trả tiền và cuốn xéo đi sớm chừng nào tôi mừng chừng ấy."

"Thôi được rồi, ông Hayes... không có ý gì xấu đâu", Holmes nói. "Nãy giờ chúng tôi chỉ xem qua mấy con ngựa của ông, nhưng nghĩ lại thì thôi, tôi đi bộ cùng được. Chắc từ đây tới lâu đài cũng không xa lắm."

"Không quá hai dặm là đến cổng lâu đài. Các ông đi theo con đường bên trái ấy."

Ông ta ủ dột nhìn theo cho đến khi chúng tôi đi khỏi. Nhưng đi không bao xa, vì Holmes đã dừng lại khi vừa đến khúc quanh khuất tầm mắt gã chủ quán.

"Chúng ta sắp lần ra rồi," anh nói. "Càng đi xa khỏi nhà trọ đó, tôi thấy mình càng lệch khỏi mục tiêu, tôi không thể rời khỏi đó được."

"Tôi tin chắc", tôi nói, "Reuben Hayes biết hết mọi chuyện. Tôi chưa thấy kẻ bất lương nào lộ rõ bản chất như thế."

"Ồ! Ông ta khiến anh có ấn tượng như vậy ư? Có ngựa này, có lò rèn này. Phải, quán Gà Chọi thú vị đấy. Ta phải kín đáo thăm dò nó thêm lần nữa."

Sau chúng tôi là một sườn đồi dài, thoai thoải, lác đác những tảng đá vôi xám. Chúng tôi đi chệch khỏi đường lớn và đang lên đồi thì tôi bỗng thấy một người đạp xe thoăn thoắt từ hướng lâu đài Holdernesse tới.

"Cúi xuống, Watson!" Holmes kêu lên và ấn mạnh vai tôi. Chúng tôi vừa thụp xuống khuất tầm nhìn thì người kia vọt qua. Giữa đám bụi mù, tôi thoáng thấy một gương mặt tái xanh, lo lắng - nỗi khiếp đảm bộc lộ trên từng nét mặt của người đó, miệng há ra, ánh mắt nhìn ngây dại. Người này trông như một chân dung biếm họa lạ lùng của anh chàng James Wilder bảnh bao chúng tôi gặp tối trước.

"Tay thư kí của công tước!" Holmes kêu lên. "Đi thôi, Watson, ta xem hắn làm gì."

Chúng tôi chật vật nửa leo nửa bò qua đám đá tảng đến một chỗ có thể nhìn thấy cửa trước quán trọ. Xe đạp của Wilder dựng bên hông nhà. Không ai đi lại quanh quẩn, cũng chẳng có khuôn mặt nào lấp ló bên mấy ô cửa sổ. Ánh hoàng hôn từ từ buông xuống khi mặt trời dần khuất sau mấy ngọn tháp cao của lâu đài Holdernesse. Thế rồi trong bóng tối nhá nhem, chúng tôi thấy hai ngọn đèn bên hông chiếc xe ngựa lóe lên trong sân chuồng ngựa, rồi chẳng mấy chốc, tiếng vó ngựa lọc cọc vang lên khi cỗ xe lăn bánh ra đường rồi rầm rập phóng về hướng Chesterfield.

"Anh hiểu sao về chuyện này, Watson?" Holmes thì thào.

"Trông như chạy trốn."

"Theo như tôi thấy, trong xe chỉ có một người. Và người này dứt khoát không phải James Wilder, vì hắn đứng ở cửa kia kìa."

Một ô vuông ánh sáng đỏ vừa lóe ra từ bóng tối. Ở giữa là bóng đen của tay thư kí, đầu nhô tới trước, ló nhìn vào màn đêm. Rõ ràng anh ta đang chờ người. Rồi cuối cùng cũng có tiếng bước chân trên đường và bóng người thứ hai hiện rõ dưới ánh đèn trong một thoáng rồi cửa khép lại, bốn bề lại chìm vào tăm tối như trước. Năm phút sau, đèn trong một phòng ở tầng một bật sáng.

"Dường như quán Gà Chọi tiếp một hạng khách hàng kì lạ", Holmes nói.

"Quán rượu phía bên kia mà."

"Đúng là như thế. Đây là khách riêng. Anh chàng James Wilder làm quái gì trong cái ổ đó giờ này trong đêm, và ai đến gặp hắn? Đi nào, Watson, quả là ta phải liều mà điều tra chuyện này kĩ thêm chút nữa."

Chúng tôi cùng lẻn xuống đường rồi rón rén tới cửa quán. Chiếc xe đạp vẫn dựng bên tường. Holmes quẹt diêm đưa tới gần bánh xe sau, rồi tôi nghe anh cười khúc khích khi ánh sáng soi tỏ một lốp xe Dunlop có miếng vá. Trên đầu chúng tôi là ô cửa sổ sáng đèn.

"Tôi phải nhìn qua đó một cái, Watson. Nếu anh khom lưng xuống và vịn vào tường, tôi nghĩ tôi sẽ xoay xở được."

Loáng sau, hai bàn chân anh đã đặt trên vai tôi. Nhưng anh vừa leo lên đã xuống ngay.

"Đi thôi, anh bạn", anh nói, "ngày làm việc của ta khá dài rồi. Ta đã thu thập được tất cả những gì có thể. Vì còn phải cuốc bộ một quãng dài về trường, nên ta lên đường sớm chừng nào tốt chừng ấy."

Suốt quãng đường lặn lội mệt nhọc qua vùng đồng trũng, anh hầu như không nói tiếng nào, và anh cũng không vào trường mà đi thẳng đến ga Mackleton để gửi vài bức điện. Khuya đến, tôi nghe anh an ủi tiến sĩ Huxtable đang suy sụp trước cái chết bi thảm cửa ông thầy trường mình, rồi muộn hơn nữa, anh vào phòng tôi với vẻ tỉnh táo và tràn đầy sinh lực như hồi xuất phát ban sáng, "Ổn cả rồi, bạn ơi", anh nói. "Tôi hứa trước tối mai ta sẽ giải xong bí ẩn."

11 giờ sáng hôm sau, anh và tôi bước trên con đường rợp bóng cây thông đỏ dẫn đến lâu đài Holdernesse. Chúng tôi được dẫn qua cánh cửa tráng lệ theo phong cách thời nữ hoàng Elizabeth để vào thư phòng của công tước. Ở đó, chúng tôi thấy James Wilder nghiêm trang và phong nhã, nhưng chút vết tích của nỗi khiếp đảm thất thần đêm trước còn vương trong đôi mắt láo liên và mày mặt rúm ró.

"Các ông đến để gặp công tước sao? Tôi lấy làm tiếc, nhưng công tước không được khỏe. Ngài đang vô cùng buồn phiền vì cái tin bi thảm nọ. Chúng tôi đã nhận được điện của tiến sĩ Huxtable hồi chiều qua về phát hiện của các ông."

"Anh Wilder này, tôi phải gặp công tước."

"Nhưng ngài đang ở phòng riêng."

"Vậy tôi sẽ vào phòng riêng gặp ngài."

"Tôi tin ngài đang nằm trên giường."

"Tôi sẽ gặp ngài ở đó."

Thái độ lạnh lùng và không lay chuyển được của Holmes làm tay thư kí hiểu có tranh cãi với anh cũng bằng thừa.

"Thôi được, ông Holmes. Tôi sẽ báo cho ngài biết các ông đang ở đây."

Sau nửa giờ chậm trễ, nhà quý tộc đường bệ xuất hiện. Mặt ông tái nhợt chưa từng thấy, vai buông thõng, và tôi thấy ông như già sọm đi. Ông chào chúng tôi theo kiểu nhã nhặn trịnh trọng rồi ngồi bên bàn làm việc, chòm râu đỏ chạm bàn.

"Vâng, ông Holmes?" Ông ta hỏi.

Nhưng mắt bạn tôi vẫn nhìn chằm chằm tay thư kí đứng bên ghế chủ. "Thưa công tước, tôi nghĩ nếu không có mặt anh Wilder, tôi sẽ trình bày thoải mái hơn."

Người này thoáng tái mặt và ném cái nhìn thù địch về Holmes. "Nếu công tước muốn..."

"Được rồi, anh đi đi. Nào ông Holmes, ông cần nói gì?"

Bạn tôi chờ cho đến khi cửa khép lại sau lưng tay thư kí.

"Thưa công tước, số là thế này", anh nói, "đồng sự của tôi, bác sĩ Watson, và chính tôi đã nghe tiến sĩ Huxtable cam đoan rằng có phần thưởng cho người giúp được ngài. Tôi muốn nghe chính ngài xác nhận."

"Quả đúng vậy đấy, ông Holmes ạ."

"Nếu như thông báo tôi được nghe là chính xác, thì ngài thưởng đến năm ngàn bảng cho bất kì ai cho biết con ngài ở đâu?"

"Đúng vậy."

"Và một ngàn nữa cho người nào có thể nêu tên kẻ hoặc những kẻ bắt cóc cậu bé?"

"Phải."

"Trong mục sau thì chắc chắn không chỉ bao gồm những kẻ bắt cóc, mà còn những kẻ âm mưu giữ cậu bé?"

"Phải, phải", công tước sốt ruột. "Ông Sherlock Holmes, nếu ông làm tốt việc mình, ông sẽ không có lí do gì phải phàn nàn rằng tôi keo kiệt với ông."

Bạn tôi xoa xoa hai bàn tay gầy guộc, và vẻ tham lam hiển hiện trên gương mặt anh khiến tôi ngạc nhiên, vì tôi vốn biết anh không phải người trọng tiền bạc.

"Tôi thấy cuốn sổ chi phiếu của ngài trên bàn", anh nói. "Tôi sẽ rất vui nếu ngài viết cho tôi một tờ chi phiếu sáu ngàn bảng. Hoặc ngài cũng có thể gửi thẳng tiền tới cho tôi qua chi nhánh Oxford của Nhà băng Capital & Counties."

Công tước ngồi thật nghiêm trang và không nhúc nhích trên ghế tựa, rồi lạnh lùng nhìn bạn tôi. "Ông đùa phải không, ông Holmes? Đây không phải chuyện cho ông bông đùa."

"Không hề, thưa công tước. Tôi chưa bao giờ nghiêm túc hơn."

"Vậy ý ông là sao?"

"Là tôi đã giành được tiền thưởng. Tôi biết con trai ngài ở đâu, và tôi biết ít nhất có vài kẻ đang giữ cậu bé."

Chòm râu của công tước màu đỏ quạch hơn bao giờ hết, nổi bật trên bộ mặt tái nhợt như xác chết.

"Thằng bé ở đâu?" Ông ta há hốc miệng.

"Cậu bé đang, hay đã ở tại quán trọ Gà Chọi đêm qua, cách cổng dinh cơ của ngài chừng hai dặm."

Công tước ngả người ra ghế dựa.

"Vậy ông tố cáo ai?"

Câu trả lời của Sherlock Holmes thật đáng kinh ngạc. Anh thoắt bước tới chạm lên vai công tước

"Tôi tố cáo ngài", anh nói. "Còn giờ thì, thưa công tước, phiền ngài viết cho tờ chi phiếu đó."

Tôi sẽ không bao giờ quên được vẻ mặt công tước khi ông ta bật dậy, hai tay chới với như người đang ngã xuống vực sâu. Rồi, bằng một nỗ lực tự chủ quý phái phi thường, ông ngồi xuống ôm mặt. Phải vài phút sau, ông ta mới cất tiếng được.

"Ông biết những gì rồi?" Cuối cùng ông hỏi, không ngẩng đầu lên.

"Tối qua tôi đã thấy hai người với nhau."

"Ngoài ông và bạn ông, còn ai biết nữa không?"

"Tôi chưa nói với ai."

Công tước run rẩy cầm bút rồi giở cuốn sổ chi phiếu ra.

"Tôi sẽ giữ lời, ông Holmes. Tôi sẽ viết chi phiếu cho ông, dù thông tin ông nắm được có gây khó chịu cho tôi. Khi treo thưởng tôi không nghĩ tình hình có thể xoay chuyển theo hướng này. Nhưng ông và bạn ông biết giữ bí mật chứ, ông Holmes?"

"Tôi chưa hiểu ý ngài."

"Nói thế này cho dễ hiểu nhé, ông Holmes. Nếu chỉ có hai ông biết sự thể thì chẳng có lí do gì để nó lan truyền ra rộng thêm. Vậy tôi nợ ông mười hai ngàn bảng, phải không?"

Nhưng Holmes mỉm cười lắc đầu.

"Thưa công tước, tôi e khó mà dàn xếp êm xuôi như vậy. Còn phải tính đến cái chết của ông thầy nữa."

"Nhưng James không biết gì về chuyện đó. Ông không thể bắt anh ta chịu trách nhiệm được. Đó là tội của kẻ côn đồ cục súc mà anh ta chẳng may thu dụng."

"Thưa công tước, tôi quan niệm rằng khi một người nhúng tay vào một tội ác thì về mặt đạo lí, hắn phải chịu trách nhiệm cho bất kì tội ác nào khác có thể nảy sinh từ đó."

"Ông Holmes, rõ ràng ông đúng về mặt đạo lí. Nhưng đứng về mặt luật pháp thì không. Một người không thể bị kết tội sát nhân trong một vụ án mạng xảy ra vào lúc không có mặt anh ta, và chính anh ta cũng căm ghét và ghê tởm tội ác đó như ông vậy. Vừa nghe chuyện, anh ta đã khiếp đảm và ăn năn khai thật toàn bộ với tôi. Anh ta đã đoạn giao với kẻ sát nhân ngay lập tức. Ôi, ông Holmes, ông phải cứu anh ta! Tôi xin ông hãy cứu anh ta!"

Công tước từ bỏ cố gắng tự chủ cuối cùng, đi tới đi lui trong phòng, nét mặt co giật còn hai bàn tay nắm chặt vung lên. Cuối cùng ông ta cũng kiềm chế được và ngồi lại bên bàn.

"Tôi cảm kích vì ông đến đây trước khi nói cho người khác biết", ông ta nói. "Ít ra chúng tôi còn có thể hỏi xin ông tư vấn cho có cách nào để giảm nhẹ tai tiếng."

"Quả vậy", Holmes nói. "Thưa công tước, tôi nghĩ tôi chỉ làm được vậy khi chúng ta hoàn toàn thành thật với nhau. Tôi sẵn lòng giúp ngài đến cùng trong khả năng mình, nhưng muốn vậy, tôi phải hiểu tường tận chuyện này là thế nào. Tôi nhận ra rằng ngài nói đúng về James Wilder, và anh ta không phải hung thủ."

"Đúng, hung thủ chạy thoát rồi!"

Sherlock Holmes mỉm cười từ tốn, "Công tước hầu như chưa nghe tiếng tăm của tôi rồi, nếu không ngài đã không nghĩ ông ta thoát khỏi tay tôi dễ dàng như vậy. 11 giờ đêm qua, theo thông tin của tôi, ông Reuben Hayes đã bị bắt tại Chesterfield. Hồi sáng trước khi rời trường, tôi đã nhận được điện của cảnh sát trưởng địa phương."

Công tước ngả người ra ghế và sững sờ nhìn bạn tôi.

"Hình như ông có những khả năng gần như phi phàm", ông ta nói. "Reuben Hayes bị bắt ư? Tôi rất mừng khi nghe tin, nếu chuyện đó không gây ảnh hưởng xấu tới số phận của James."

"Thư kí của ngài?"

"Không, con trai tôi."

Đến lượt Holmes sửng sốt. "Tôi thú thực là hoàn toàn không hay biết chuyện này, thưa công tước. Xin ngài nói rõ hơn."

"Tôi sẽ không giấu giếm ông. Dù khó nhưng tôi đồng ý sẽ thẳng thắn hoàn toàn, vì đó là cách tốt nhất trong tình thế tuyệt vọng do sự điên rồ và ganh ghét của James gây nên. Ông Holmes, thời còn trẻ, tôi đã yêu say đắm và đó là thứ tình yêu chỉ đến một lần trong đời. Tôi cầu hôn người thiếu nữ đó, nhưng nàng khước từ vì cho rằng việc không môn đăng hộ đối có thể phá hoại sự nghiệp của tôi. Nếu nàng còn sống, chắc chắn tôi đã không bao giờ cưới ai khác. Nàng qua đời, để lại cho tôi một mụn con, và vì nàng tôi luôn cưng quý chăm lo cho nó. Tôi không thể thừa nhận vai trò làm cha này trước bàn dân thiên hạ, nhưng tôi cho hắn sự giáo dục tử tế nhất, rồi từ khi hắn trưởng thành, tôi giữ cận kề bên mình. Hắn đã bắt thóp được bí mật của tôi, từ đó hắn tự cho mình có quyền đối với tôi đồng thời lợi dụng ưu thế có thể gây tai tiếng nếu việc vỡ lở, vì thừa biết tôi rất ghê sợ điều ấy. Hắn cũng có liên quan phần nào đến cuộc hôn nhân không hạnh phúc của tôi. Quan trọng hơn cả, từ đầu hắn đã căm hận đứa con nhỏ có quyền thừa tự hợp pháp của tôi. Có lẽ các ông sẽ hỏi tại sao trong tình cảnh như vậy, tôi vẫn để James sống chung nhà. Tôi xin trả lời là vì tôi nhìn thấy bóng dáng của người mẹ nơi gương mặt hắn, và tôi sẽ vì người yêu dấu mà chịu đựng nỗi khốn khổ triền miên không biết bao giờ kết thúc này. Rồi còn biết bao phong vận đáng yêu của nàng - cái gì ở hắn cũng gợi nhớ bóng hình người thương của tôi. Tôi không thể để hắn đi, nhưng tôi sợ hắn sẽ làm hại Arthur, tức huân tước Saltire, đến mức tôi phải gửi thằng bé đến trường của tiến sĩ Huxtable cho an toàn.

James bắt đầu móc nối với gã Hayes này vì gã này từng là người làm của tôi, còn James thường thay tôi xử lý mọi chuyện. Từ đầu gã này đã là kẻ bất lương rồi, nhưng thật kì lạ là James lại thân thiết với gã. Hắn có sở thích kết bạn với kẻ hạ tiện. Khi James quyết tâm bắt cóc huân tước Saltire, hắn lợi dụng sự tiếp tay của chính gã này. Ông cũng nhớ rằng vào hôm cuối đó, tôi có viết thư cho Arthur. James đã bóc thư và nhét vào đó lá thư yêu cầu Arthur gặp hắn ở Rừng Thưa gần trường. Hắn dùng tên của công tước phu nhân dụ thằng bé đến. Hôm qua, James thú thật với tôi rằng chiều hôm ấy, hắn đạp xe tới rừng và bảo Arthur là mẹ nó mong ngóng được gặp nó, rằng bà đang chờ nó ở ngoài vùng đồng trũng, và rằng nếu nửa đêm nó vào rừng, nó sẽ thấy một người cưỡi ngựa, người này sẽ dẫn nó đến chỗ bà. Arthur tội nghiệp mắc mưu. Nó đến chỗ hẹn và thấy Hayes dắt một chú ngựa non. Arthur lên ngựa, rồi họ cùng lên đường. Hóa ra - James chỉ mới nghe được hôm qua - họ bị đuổi theo, Hayes dùng gậy nện người truy đuổi, và người đàn ông đã chết vì vết thương. Hayes đưa Arthur tới quán Gà Chọi và giam thằng bé trong một gian phòng, để thẳng bé cho bà Hayes trông coi. Bà này tử tế, nhưng hoàn toàn chịu sự kiểm soát của gã chồng vũ phu.

Vâng ông Holmes, đó là tình hình hai hôm trước khi tôi gặp ông lần đầu. Tôi cũng chẳng biết gì nhiều hơn ông. Ông sẽ hỏi tôi động cơ của James khi làm vậy. Tôi sẽ trả lời là hắn ôm trong lòng nỗi hận thù hết sức phi lí và rồ dại đối với người thừa tự của tôi. Theo quan điểm của hắn, hắn phải là người được thừa kế mọi điền sản, và hắn hết sức căm hận những luật lệ của xã hội ngăn trở điều đó. Đồng thời hắn còn một động cơ rõ ràng nữa. Hắn muốn tôi hủy quyền thừa tự của con trai tôi, và hắn cho rằng tôi có khả năng làm vậy. Hắn định thương lượng với tôi rằng hắn sẽ trả Arthur về nếu tôi chịu hủy quyền thừa tự, và như vậy có thể để lại điền trang cho hắn bằng chúc thư. Hắn biết rõ rằng tôi sẽ không bao giờ tình nguyện giao hắn cho cảnh sát. Hắn định đề nghị thương lượng với tôi như vậy, nhưng thực tế hắn chưa làm, bởi các sự kiện diễn biến quá nhanh nên hắn chưa kịp thực hiện ý đồ. Cái làm cho toàn bộ mưu đồ xấu xa của hắn tiêu tùng là các ông phát hiện ra xác của Heidegger. James hoảng hồn khi nghe tin. Hôm qua, lúc được tiến sĩ Huxtable đánh điện, chúng tôi đang cùng ngồi trong thư phòng này. Nhìn James lo lắng bồn chồn, tôi tức thì xác tín mối nghi ngờ vốn đã tồn tại từ đầu, và tôi buộc tội hắn. Hắn tự thú nhận từ đầu đến cuối. Rồi hắn van xin tôi giữ bí mật thêm ba ngày, để đồng bọn của hắn còn cơ hội giữ mạng. Tôi đã nhượng bộ, như xưa nay vẫn vậy, trước lời cầu xin của hắn, thế là James vội vàng đi ngay đến quán trọ Gà Chọi để đánh động Hayes và cho gã kia phương kế trốn thoát. Tôi không thể tới đó ban ngày ban mặt mà không gây xì xào bàn tán, nhưng khi đêm vừa buông xuống, tôi đã tức tốc đến gặp Arthur thân yêu. Tôi thấy thằng bé an toàn khỏe mạnh, nhưng kinh hoàng không tả xiết vì phải chứng kiến việc làm tàn khốc đêm nọ. Để giữ lời hứa, tôi đành để thằng bé lại đó ba ngày cho bà Hayes chăm lo vì tôi không thể báo cho cảnh sát biết nơi ở của thằng bẻ mà không tiết lộ danh tính hung thù. Tôi cũng không biết làm cách nào để hung thủ bị trừng phạt mà không liên lụy đến thằng James khốn khổ của tôi. Ông đã yêu cầu phải thẳng thắn, ông Holmes, và tôi tin lời ông, vì tôi đã kể ông nghe hết mọi chuyện. Giờ đến lượt ông phải thẳng thắn với tôi."

"Vâng", Holmes nói. "Trước hết, thưa công tước, tôi buộc phải nói với ngài rằng ngài đã đặt mình vào một tình thế hết sức trầm trọng về mặt luật pháp. Ngài đã làm ngơ và tiếp tay cho một kẻ sát nhân chạy trốn, vì tôi nghi rằng James Wilder đã giúp đồng bọn tẩu thoát bằng tiền từ túi ngài."

Công tước cúi đầu thừa nhận.

"Đây quả thực là một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Nhưng tôi thiển nghĩ, thưa công tước, đáng tội hơn nữa là thái độ của ngài đối với người con thứ. Ngài đã để cậu bé lại sào huyệt của quân độc ác những ba ngày."

"Theo lời hứa long trọng..."

"Thề thốt có là gì đối với bọn ấy? Ngài không có gì bảo đảm là cậu sẽ không bị bắt cóc lần nữa. Nhằm chiều lòng đứa con cả tội lỗi, ngài đã để cậu con út ngây thơ bơ vơ trong vòng hiểm nguy kề cận mà vốn dĩ không cần thiết. Đó là hành động không thể biện minh được."

Vị công tước Holdernesse kiêu hãnh vốn không quen bị khiển trách trong chính lâu đài của mình. Máu dồn lên vầng trán cao, nhưng lương tri bắt ông im lặng.

"Tôi sẽ giúp ngài, nhưng với một điều kiện: Ngài hãy cho gọi người hầu và để tôi tùy ý dặn dò."

Không nói tiếng nào, công tước nhấn chuông điện. Một người hầu bước vào.

"Anh sẽ mừng khi biết tin", Holmes nói, "đã tìm thấy cậu chủ nhỏ của anh. Công tước muốn cho xe ngựa đến quán Gà Chọi ngay lập tức để đưa huân tước Saltire về."

"Nào", Holmes nói khi người đầy tớ mừng rỡ ra đi, "sau khi đã bảo đảm tương lai, ta có thể khoan dung hơn với quá khứ. Tôi không ở cương vị người làm việc công, và miễn là công lí được thực hiện, tôi không có lí gì lại đi tiết lộ mọi điều mình biết. Còn về Hayes, tôi sẽ không nói gì. Giá treo cổ đang chờ hắn, và tôi sẽ không cứu hắn. Tôi không dám nói hắn sẽ tiết lộ những gì, nhưng tôi tin công tước có thể làm hắn hiểu hắn nên im lặng vì quyền lợi của chính hắn. Xét theo cách nhìn của cảnh sát, đương nhiên hắn bắt cóc cậu bé nhằm đòi tiền chuộc. Nếu tự họ không điều tra ra, tôi thấy không lí gì mình phải khai sáng cho họ. Tuy nhiên, tôi muốn báo trước với công tước rằng nếu anh James Wilder tiếp tục sống cùng gia đình ngài thì chỉ đem đến bất hạnh mà thôi."

"Tôi hiểu, ông Holmes. Tôi đã thu xếp để hắn đi tìm vận may ở châu Úc và lánh xa tôi mãi mãi."

"Nếu vậy thì, thưa công tước, vì chính ngài đã nói rằng bất hạnh trong hôn nhân của ngài cũng do anh ta gây ra, nên tôi khuyên ngài bù đắp cho phu nhân trong mức có thể, và cố hàn gắn cuộc hôn nhân đã không may đứt gánh giữa đường."

"Chuyện đó cũng được lo liệu rồi, ông Holmes. Sáng nay tôi đã viết thư cho công tước phu nhân."

"Nếu vậy thì", Holmes đứng lên, "tôi nghĩ chúng tôi có thể tự chúc mừng vì đã thu được vài thành quả hết sức đáng mừng trong chuyến du ngoạn ngắn ngủi này. Còn một điểm nhỏ nữa tôi muốn làm sáng tỏ. Gã Hayes này đã đóng móng ngựa bằng móng giả dấu chân bò. Phải chăng hắn học được một chước phi thường như vậy từ anh Wilder?"

Công tước đứng nghĩ ngợi một lát, vẻ mặt ngạc nhiên vô cùng. Rồi ông mở cánh cửa dẫn chúng tôi vào một gian phòng rộng được bày biện như viện bảo tàng, ông đi trước đến một hộp kính để trong góc, rồi chỉ dòng chú thích có nội dung như sau: Những móng này đào được từ dưới hào ở lâu đài Holdernesse, tuy là móng ngựa, nhưng mặt dưới được tạo hình móng chẻ bằng sắt để đánh lạc hướng những kẻ truy đuổi. Người ta cho rằng loại móng này từng được một số quý tộc vùng Holdernesse thời Trung cổ sử dụng cho mục đích cướp bóc.

Holmes mở hộp, thấm nước bọt lên ngón tay rồi quẹt dọc theo cái móng. Một lớp bùn mỏng còn mới dính lại trên da anh.

"Cảm ơn ngài", anh đậy hộp kính lại và nói. "Đây là vật hay ho thứ hai mà tôi được thấy ở miền bắc."

"Vậy còn vật thứ nhất?"

Holmes gập tờ chi phiếu lại rồi cẩn thận kẹp vào sổ tay. "Tôi là người nghèo mà", anh trìu mến vỗ cuốn sổ rồi đút sâu vào túi áo trong.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro