PETER ĐEN(Black Peter, 1904)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi chưa bao giờ thấy bạn mình sung mãn, cả về thể chất lẫn tinh thần, như hồi năm 1895. Tiếng tăm lên cao càng đem lại nhiều công việc, và tôi sẽ thật là khinh suất nếu nói ra, dù chỉ là bóng gió, danh tính của một vài thân chủ lẫy lừng từng bước qua ngưỡng cửa hèn mọn nơi nhà chúng tôi ở phố Baker. Tuy vậy, cũng như mọi nghệ sĩ lớn, Holmes sống vị nghệ thuật, và trừ trong vụ công tước Holdernesse, tôi hiếm khi thấy anh đòi hỏi đền đáp gì nhiều cho công lao không tính xuể của mình. Anh quá thanh cao - hay tùy hứng - nên đã thường xuyên từ chối giúp những người giàu sang quyền thế khi vấn đề của họ không gợi được sự cảm thông nơi anh, nhưng lại sẵn sàng dành hàng tuần dồn tâm dồn trí giúp một thân chủ nghèo hèn giải quyết những việc có tính chất lạ lùng và kịch tính, cuốn hút trí tưởng tượng và thách thức trí tuệ của anh.

Trong năm 1895 đáng nhớ này, anh bị cuốn vào hàng loạt những vụ án kì lạ, từ cuộc điều tra đã khiến anh nức tiếng gần xa - vụ đột tử của hồng y giáo chủ Tosca - được Holmes tiến hành theo mong muốn minh định của Đức giáo hoàng, cho đến vụ bắt Wilson, kẻ luyện chim kim tước khét tiếng, giúp loại bỏ một tụ điểm sa đọa ở khu đông London. Xếp ngay sau hai vụ tiếng tăm trên là thảm kịch diễn ra tại Woodman's Lee với những tình tiết bí hiểm xoay quanh cái chết của thuyền trưởng Peter Carey. Nói đến thành tích của Sherlock Holmes mà không kể ra vụ việc vô cùng khác thường này thì quả là thiếu sót.

Cả tuần lễ đầu tháng 7, bạn tôi thường vắng nhà khá lâu nên tôi biết anh đang bận điều tra việc gì đó. Vào những ngày ấy, có mấy người dáng vẻ thô lỗ đến tìm gặp thuyền trưởng Basil nên tôi biết Holmes đang cải trang và dùng tên giả để che giấu danh tính lẫy lừng của mình. Anh có ít nhất năm nơi trú ẩn nho nhỏ ở khắp London để thay đổi nhân dạng. Anh không nói gì về công việc của mình, mà tôi lại không quen căn vặn người khác. Nhưng dấu hiệu đầu tiên về hướng điều tra mà anh cho tôi biết lại khá bất thường. Anh ra ngoài trước bữa điểm tâm, và khi tôi vừa ngồi xuống dùng bữa thì anh sải bước vào phòng, đầu đội mũ và kẹp cây lao móc dưới nách như một chiếc dù.

"Trời ơi, Holmes!" Tôi kêu lên. "Anh không cầm thứ ấy đi khắp London đấy chứ?"

"Tôi vừa từ lò mổ về."

"Lò mổ ư?"

"Rồi tôi về nhà mà thấy thèm ăn quá. Đúng là không thể nghi ngờ giá trị của việc vận động trước khi dùng bữa điểm tâm, Watson thân mến ạ. Nhưng tôi dám cá là anh không đoán được loại hình vận động của tôi."

"Tôi không định đoán."

Anh vừa rót cà phê vừa cười tủm tỉm.

"Nếu xem xét được gian sau của lò mổ Allardyce, anh sẽ thấy một con lợn chết treo lủng lẳng ở cái móc trên trần, và một quý ông mặc áo sơmi đang hăm hở đâm nó bằng món vũ khí này. Tôi là quý ông đó, và sau màn tập luyện khi nãy, tôi tin chắc rằng dù có vận sức thế nào, tôi cũng không thể đâm xuyên con lợn chỉ bằng một cú. Anh muốn thử không?"

"Không đời nào. Nhưng anh làm vậy để làm gì?"

"Vì tôi thấy nó gián tiếp liên quan đến vụ án tại trang viên Woodman's Lee. À, Hopkins, tôi nhận được điện tín của anh tối qua nên đang trông anh đây. Vào ăn cùng chúng tôi đi."

Vị khách của chúng tôi có phong thái nhanh nhẹn, độ tuổi tầm ba mươi, mặc bộ đồ vải tuýt giản dị nhưng vẫn giữ dáng dấp thẳng tắp của người quen mặc đồng phục. Tôi nhận ra ngay anh ta là Stanley Hopkins, một thanh tra cảnh sát trẻ được Holmes đánh giá là có tiền đồ, còn anh ta coi Holmes như một người thầy và cực kì ngưỡng mộ các phương pháp điều tra khoa học của anh. Lông mày Hopkins nhíu lại đượm nét ưu tư, rồi anh ta ủ rũ ngồi xuống ghế.

"Cảm ơn ông, nhưng tôi không ăn đâu. Tôi dùng điểm tâm rồi mới đến đây. Hôm qua tôi lên thành phố để báo cáo nên ngủ qua đêm tại đấy luôn."

"Vậy anh báo cáo thế nào?"

"Thất bại, thưa ông. Thất bại hoàn toàn."

"Anh không điều tra được gì thêm sao?"

"Không."

"Trời đất! Tôi phải xem qua vụ này mới được."

"Tôi chỉ mong có vậy, thưa ông Holmes. Đó là cơ hội lớn đầu tiên của tôi, mà tôi lại đâm đầu vào ngõ cụt. Vì Chúa, xin ông hãy giúp tôi một tay."

"Được, được, tình cờ tôi đã nghiên cứu khá kĩ mọi chứng cứ có được, kể cả biên bản điều tra. À, mà này, anh nghĩ sao về túi thuốc lá được tìm thấy tại hiện trường? Nó không chứa manh mối gì sao?"

Hopkins ngạc nhiên.

"Thưa ông, nó thuộc về nạn nhân. Bên trong túi có mấy chữ viết tắt tên ông ta. Hơn nữa, cái túi được làm bằng da hải cẩu, mà ông này từng là dân săn hải cẩu."

"Nhưng ông ta không có tẩu thuốc."

"Thưa ông, đúng là chúng tôi không hề tìm thấy tẩu thuốc. Nói chính xác hơn, ông ta hầu như không hút thuốc. Nhưng biết đâu ông ta cất ít thuốc lá để mời bạn bè."

"Hẳn rồi! Tôi nhắc chuyện đó chỉ vì nếu tôi là người xử lí vụ này, tôi sẽ chọn nó làm khởi điểm điều tra. Tuy nhiên, bác sĩ Watson bạn tôi chưa biết gì về vụ này, còn tôi thấy nghe lại diễn biến cũng không hề gì. Anh cứ kể sơ qua đi."

Stanley Hopkins rút một mẩu giấy trong túi ra. "Tôi có vài mốc thời gian trong sự nghiệp của người đã khuất, thuyền trưởng Peter Carey. Ông ta sinh năm 1845, năm nay năm mươi tuổi, ông ta là người đánh bắt hải cẩu và cá voi táo gan và thành công nhất. Năm 1883, ông ta là thuyền trưởng tàu đánh bắt hải cẩu Kì lân biển ở Dundee. Hồi ấy ông ta có vài chuyến ra khơi thành công liên tiếp, nhưng bỏ nghề vào năm sau đó, năm 1884. Tiếp theo, ông ta chu du vài năm rồi cuối cùng mua một miếng đất nhỏ gọi là Woodman's Lee, gần Horest Row, Sussex. Ông ta sống ở đó đã được sáu năm và vừa chết tại đó cách đây một tuần.

Ông này có một số điểm hết sức lạ kì. Ông ta là một tin đồ Thanh giáo lầm lì, u ám. Ông ta sống cùng vợ, có con gái hai mươi tuổi và hai cô hầu. Nhà này đổi người hầu liên tục, vì chẳng ai chịu nổi tính tình khó ưa của ông ta. Cứ lâu lâu ông này lại say xỉn một lần, và lúc ấy, ông ta đúng là một con quỷ. Ông ta từng đuổi vợ con ra khỏi nhà giữa đêm hôm và quất họ túi bụi đến nỗi tiếng kêu gào của họ đánh thức cả làng lân cận. Có lần ông ta bị triệu tập do hành hung ông mục sư già, vì vị này đã quở trách tư cách đạo đức của ông ta. Tóm lại, còn lâu ông mới tìm được kẻ nào nguy hiểm hơn Peter Carey, và nghe nói ông ta có cái tính ấy từ hồi làm thuyền trưởng. Người trong nghề gọi ông ta là Peter Đen, không chỉ vì mặt mày đen sạm và bộ râu đen xồm xoàm, mà còn do tính khí là nỗi kinh hoàng cho bao người xung quanh. Khỏi cần phải nói cũng biết, xóm giềng ai cũng căm ghét và lảng tránh ông ta, và tôi cũng chưa nghe được lấy một chữ tiếc thương nào cho kết cục thảm khốc của người này.

Ông Holmes, hẳn ông đã đọc đoạn miêu tả gian nhà phụ của nạn nhân trong biên bản điều tra, nhưng có lẽ bạn ông chưa được nghe. Ông ta dựng cho mình một căn nhà gỗ - ông ta vẫn gọi đó là cabin - cách nhà vài trăm yard và ngủ ở đấy. Đó là một căn nhà bé tí chỉ có một phòng, kích thước mười sáu nhân mười foot. Ông ta giữ chìa khóa trong túi, tự dọn giường và quét tước phòng ốc, không cho một ai bước chân qua cửa. Nhà có hai cửa sổ nhỏ luôn giăng rèm kín mít, một cửa sổ hướng ra đường cái nên đêm đêm, khi trong căn nhà nhỏ sáng đèn, thiên hạ thường chỉ trỏ thắc mắc Peter Đen đang làm gì trong ấy. Ông Holmes, chính ô cửa sổ này đã cho chúng tôi một trong số ít lời khai có giá trị thu được tại cuộc thẩm tra. Hai ngày trước vụ án mạng, anh thợ đá Slater đi từ Forest Row ngang qua khu đất này vào khoảng 1 giờ sáng, cố dừng lại nhìn ô cửa vẫn sáng ánh đèn giữa lùm cây. Anh ta cam đoan đã thấy rõ bóng đầu một người đàn ông nhìn từ mặt bên in trên rèm, và cái bóng này chắc chắn không phải của Peter Carey mà anh ta biết rõ. Người này cũng để râu, những râu ngắn và lia chia rất khác với bộ râu của thuyền trưởng. Anh ta khai vậy nhưng trước đó, anh ta đã ngồi ngâm nghê trong quán rượu suốt hai tiếng đồng hồ, mà đường cái cách cửa sổ một quãng. Vả lại, chuyện đó xảy ra vào thứ hai, mà án mạng xảy ra hôm thứ tư.

Hôm thứ ba, tâm trạng Peter Carey cực kì xấu. Ông ta say đến nỗi mặt đỏ tưng bừng và dữ dằn như con thú hoang, ông ta lảng vảng quanh nhà, và vừa nghe ông ta đến là mấy người phụ nữ trong nhà liền trốn sạch. Tối đến, ông ta quay về gian nhà phụ. Khoảng 2 giờ sáng hôm sau, con gái ông ta để cửa sổ mở khi ngủ nên nghe một tiếng rú kinh hoàng từ hướng đó. Tuy nhiên, chuyện ông ta uống rượu rồi quát tháo ầm ĩ cũng không có gì lạ, nên cô ta chẳng buồn để ý. Tầm 7 giờ sáng, một cô hầu nhận thấy cửa nhà phụ để mở, nhưng ai cũng khiếp hãi ông ta lắm nên mãi tận trưa mới có người xuống đó xem ông ta ra sao. Hé nhìn qua khe cửa, người ta thấy một cảnh tượng khiến họ mặt mày tái mét chạy vào làng. Khoảng một giờ sau, tôi có mặt tại hiện trường và tiếp quản vụ án.

Ôi, thưa ông Holmes, hẳn ông cũng biết rằng thần kinh tôi khá vững, nhưng chính tôi cũng phải rùng mình khi thò đầu vào gian nhà phụ đó. Tiếng ruồi nhặng kêu vo ve như tiếng phong cầm, còn sàn nhà và tường chẳng khác nào trong lò mổ. Ông ta gọi đó là cabin, mà nó cũng giống cabin trên tàu thật. Trong phòng có một giường tầng, một cái rương đi biển, bản đồ và biểu đồ, bức hình tàu Kì lân biển, các nhật kí hải trình xếp trên giá - tất thảy đều hệt như trong cabin thuyền trưởng. Và ở giữa là xác nạn nhân, mặt rúm ró như tội đồ bị tra tấn dưới địa ngục, bộ râu rậm rịt dựng lên trong thời khắc đau đớn tột cùng. Bộ ngực rộng của nạn nhân bị đâm xuyên qua, cây lao móc hung khí cắm lút vào bức tường phía sau. Dĩ nhiên, ông ta đã chết ngay từ khoảnh khắc rú lên tiếng kêu đau đớn sau cùng đó.

Thưa ông, tôi đã biết các phương pháp điều tra của ông nên đem ra áp dụng. Tôi khám xét cực kì kĩ lưỡng mặt đất bên ngoài, và cả sàn trong phòng rồi mới cho phép lấy thứ gì đi. Không có dấu chân."

"Nghĩa là anh không thấy dấu vết nào?"

"Thưa ông, tôi cam đoan với ông là không có dấu nào cả."

"Hopkins ơi, tôi đã điều tra bao nhiêu vụ án rồi, nhưng chưa từng thấy vụ nào do sinh vật bay gây ra. Miễn là tội phạm đứng trên hai chân thì thể nào cũng phải có một vết lõm, một chỗ trầy, một xê dịch nhỏ nhặt mà điều tra viên có nghề sẽ phát hiện ra. Thật không thể tin nổi là căn phòng máu me loang lổ kia lại không có lấy một vết tích nào giúp được chúng ta. Tuy nhiên, chiếu theo biên bản điều tra, tôi nhận thấy anh không xem xét một số đồ vật thì phải?"

Viên thanh tra trẻ nhăn mặt khi nghe những bình luận mỉa mai của bạn tôi.

"Lúc đó tôi thật ngu ngốc không mời ông đến, ông Holmes. Nhưng giờ có hối cũng chẳng có tác dụng gì. Đúng vậy, trong phòng có vài món đồ cần chú ý đặc biệt. Một là cây lao móc dùng làm hung khí. Nó được giật từ cái giá trên tường xuống. Trên giá vẫn còn hai cây lao và trống một chỗ cho cây thứ ba. Trên cán có khắc: 'Tàu hơi nước Kì lân biển, Dundee! Có vẻ điều này chứng minh rằng thủ phạm ra tay trong cơn giận bột phát và chộp lấy món vũ khí hắn nhìn thấy đầu tiên. Án mạng xảy ra lúc 2 giờ sáng, ấy vậy mà Peter Carey hãy còn ăn mặc chỉn chu, cho thấy ông ta có thể đã hẹn gặp hung thủ. Điều này được củng cố do trên bàn có đặt một chai rượu rum và hai cái cốc."

"Phải", Holmes nói, "tôi nghĩ cả hai suy luận đều chấp nhận được. Ngoài rượu rum ra, trong phòng còn loại rượu nào khác không?"

"Còn. Trên rương có một két brandy và whisky. Tuy nhiên, chúng tôi thấy tình tiết này không quan trọng, vì mấy chai đó chưa mở nắp nên có lẽ chưa bị ai động tới."

"Đành là vậy, nhưng chỉ riêng việc chúng ở đó thôi cũng đã có ý nghĩa rồi", Holmes nói. "Tuy nhiên, anh cứ kể tiếp về mấy đồ vật anh thấy có liên quan đến vụ án đi."

"Có túi thuốc lá trên bàn."

"Chỗ nào trên bàn?"

"Giữa bàn. Bằng da hải cẩu thô, buộc bằng dây da, mặt trong nắp túi có chữ P.C, trong có chứa nửa ounce thuốc lá loại nặng mà cánh thủy thủ hay dùng."

"Tuyệt! Còn gì nữa không?"

Stanley Hopkins rút trong túi ra một cuốn sổ tay bìa xám xịt. Bên ngoài đã sờn rách, còn các trang giấy bên trong đã ngả màu. Trên trang đầu có mấy chữ viết tắt J.H.N và đề năm 1883. Holmes đặt cuốn sổ trên bàn và xem xét tỉ mỉ, trong khi Hopkins và tôi chăm chú ngó qua hai bên vai anh. Trên trang thứ hai có mấy chữ cái viết hoa C.P.R, rồi đến vài trang ghi số liệu. Một vài tiêu đề nữa là Argentine, Costa Rica, rồi São Paulo, sau mỗi đề mục là nhiều trang ghi kí kiệu và các con số.

"Anh hiểu sao về những cái này?" Holmes hỏi.

"Có vẻ như chúng là các danh sách cổ phiếu ở sở giao dịch chứng khoán London. Tôi nghĩ J.H.N là tên viết tắt của một người môi giới, còn C.P.R có thể là khách hàng của anh ta."

"Có thể là Canadian Pacific Railway", Holmes nói.

Stanley Hopkins lầm bầm chửi thề và đập tay cái đét lên đùi.

"Tôi ngu thật!" Anh ta kêu lên. "Tất nhiên, đúng như ông nói. Vậy ta chỉ còn phải giải đáp J.H.N là gì nữa thôi. Tôi đã kiểm tra các danh sách cũ của sở giao dịch, nhưng không tìm thấy ai trong năm 1883, dù là nhân viên của sở hay trong đám môi giới bên ngoài, có tên viết tắt tương ứng. Nhưng tôi vẫn cảm thấy đây là đầu mối quan trọng nhất mình có. Ông Holmes, ông phải thừa nhận rằng nó có khả năng là tên viết tắt của người thứ hai có mặt tại hiện trường - nói cách khác là hung thủ chúng ta cần tìm. Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng một tài liệu liên quan tới nhiều lượng lớn cổ phiếu có giá trị xuất hiện trong vụ này có thể gợi ý động cơ gây án."

Vẻ mặt Sherlock Holmes cho thấy anh hoàn toàn bất ngờ vì bước chuyển biến mới này.

"Tôi đồng ý cả hai ý kiến của anh", anh nói. "Cuốn sổ này không hề được nhắc tới trong buổi thẩm tra, và tôi phải thú thật là nó làm thay đổi vài phán đoán của mình. Tôi đã có một giả thuyết về vụ án nhưng không bao gồm yếu tố này. Anh đã thử dò tìm cổ phiếu nào được nhắc trong đó chưa?"

"Hiện đang dò hỏi tại các sở, nhưng tôi e rằng muốn tìm hiểu cổ phiếu của các công ty ở Nam Mỹ có liên quan thì phải tra sổ ghi danh cổ đông ở bên đó nên vài tuần nữa ta mới dò ra được."

Nãy giờ Holmes vẫn dùng kính lúp xem xét kĩ bìa cuốn sổ.

"Rõ ràng ở đây bị ố màu đôi chút", anh nói.

"Phải, thưa ông, đó là vết máu. Tôi có nói là đã nhặt cuốn sổ từ dưới sàn mà."

"Vết máu khô ở mặt trên hay mặt dưới?"

"Ở mặt áp ván sàn."

"Điều này chứng tỏ cuốn sổ bị rơi sau khi án mạng xảy ra."

"Đúng vậy, ông Holmes. Tôi đồng ý với điểm đó, tôi còn phỏng đoán rằng hung thủ đánh rơi trong lúc vội vàng bỏ trốn. Nó nằm gần cửa."

"Có vẻ anh không tìm thấy giấy tờ cổ phiếu nào trong số các vật sở hữu của người chết?"

"Không, thưa ông."

"Anh có lí do gì để nghi đây là một vụ cướp không?"

"Không, thưa ông. Có vẻ hung thủ không động đến thứ gì."

"Úi chà, vụ này thú vị lắm đây. Rồi còn một con dao nữa, phải không?"

"Một con dao găm, hãy còn tra trong vỏ. Nó nằm dưới chân người chết. Bà Carey xác nhận nó là của ông chồng."

Holmes trầm ngâm một lát.

"Thôi được rồi", cuối cùng anh nói, "chắc tôi phải đi xem thế nào."

Stanley Hopkins mừng rỡ reo lên. "Cảm ơn ông. Vậy thì tôi nhẹ cả đầu."

Holmes huơ ngón tay với viên thanh tra.

"Nếu là một tuần trước, chuyện đã dễ dàng hơn rồi", anh nói. "Nhưng dù là bây giờ, có lẽ chuyến đi của tôi cũng không hoàn toàn vô ích. Watson, nếu anh có thể bớt chút thời gian, tôi sẽ rất mừng khi có anh đi cùng. Hopkins này, nếu anh gọi một cỗ xe ngựa bốn bánh thì trong vòng mười lăm phút nữa, chúng tôi sẽ sẵn sàng lên đường đi Forest Row."

***

Sau khi đặt chân tới nhà ga nhỏ bên đường, chúng tôi chạy xe vài dặm qua phần còn lại của cánh rừng rộng bạt ngàn, từng một thời ngăn bước tiến của quân xâm lược Saxon - suốt sáu mươi năm là thành lũy bất khả xâm phạm bảo vệ nước Anh. Những vạt rộng lớn đã bị khai phá lấy đất làm trung tâm luyện kim đầu tiên của đất nước, và cây cối bị đốn hạ để nấu quặng. Ngày nay tổ hợp công nghiệp này được chuyển tới những vùng rừng rậm rạp hơn ở miền bắc, nên ở đây, ngoài mấy cụm rừng bị tàn phá và những cái hố lớn sâu hoắm ra thì chẳng còn chút dấu vết nào của thời quá vãng ấy. Trên một bãi quang nơi sườn đồi xanh rì là một ngôi nhà đá dài, thấp lè tè. Sau khi đi qua một lối quanh co chạy qua mấy cánh đồng, chúng tôi tới được nơi đó. Gần đường cái, với bụi cây bao bọc ba phía là một gian nhà phụ nho nhỏ có một cửa sổ và một cửa lớn hướng về phía chúng tôi. Hiện trường vụ án đây rồi.

Đầu tiên Stanley Hopkins dẫn chúng tôi đến nhà chính, giới thiệu chúng tôi với vợ người đàn ông bị giết. Đó là một người đàn bà tóc hoa râm hốc hác, gương mặt phờ phạc và hằn nếp nhăn, vẻ sợ sệt né tránh thấp thoáng trong hai mắt hoen đỏ khi bà kể về những tháng ngày đau khổ bị ngược đãi trước đây. Cùng với bà là cô con gái, một thiếu nữ da trắng, tóc vàng, mắt sáng rực lên nhìn chúng tôi khi nói rằng cô mừng là cha đã chết, và cô cầu Chúa phù hộ cho bàn tay nào đã kết liễu đời ông ta. Chính Peter Carey Đen đã khiến gia đình mình trở nên kinh khủng thế đấy! Chúng tôi thấy nhẹ nhõm hẳn khi lại được ra ngoài nắng và men theo một lối nhỏ băng qua những cánh đồng.

Gian nhà phụ là chỗ ở hết sức đơn sơ với tường gỗ, mái ván ốp, một cửa sổ bên cạnh cửa chính và một ở phía tường đối diện. Stanley Hopkins rút chìa khóa trong túi ra và khi đang lom khom bên ổ khóa, anh ta bỗng dừng lại, lộ vẻ chăm chú và ngạc nhiên.

"Có kẻ đã cố bẻ khóa," anh ta nói.

Quả vậy. Cửa gỗ bị trầy xước ở vài chỗ, để lộ những vạch trắng còn rất mới trên lớp sơn. Holmes kiểm tra cửa sổ.

"Hắn còn cố cạy cửa sổ, nhưng không thành công. Hẳn đây là gã bẻ khóa non tay."

"Chuyện này kì lạ quá", viên thanh tra nói. "Tôi xin cam đoan là chiều hôm qua không hề có mấy dấu vết này."

"Một người trong làng nổi máu tò mò chăng?" Tôi gợi ý.

"Khó có chuyện đó lắm. Người làng chẳng mấy ai dám đặt chân đến khu đất này, nói gì đến chuyện cố tình đột nhập, ông nghĩ sao, ông Holmes?"

"Tôi nghĩ rằng thần may mắn đang mỉm cười với chúng ta."

"Ý ông là kẻ đó sẽ quay lại?"

"Rất có thể. Lúc trước hắn đến và tưởng cửa để mở. Hắn dùng dao nhíp nạy cửa nhưng không thành công. Hắn sẽ làm gì?"

"Trở lại vào đêm sau với đồ nghề tốt hơn."

"Chính xác. Ta sẽ thật thiếu sót nếu không tiếp đón hắn. Nhưng trước hết, hãy cho tôi xem bên trong gian nhà phụ."

Dấu vết của tấn thảm kịch đã được lau dọn sạch, nhưng bàn ghế vẫn để y nguyên như trong đêm xảy ra án mạng. Suốt hai giờ đồng hồ, Holmes chăm chú xem xét lần lượt từng thứ một, nhưng dựa vào nét mặt của anh, tôi biết cuộc tìm kiếm không thành công. Trong quá trình điều tra tỉ mẩn, anh chỉ dừng đúng một lần.

"Anh có lấy gì trên giá này đi không, Hopkins?"

"Không, Tôi không xê dịch gì hết."

"Có thứ bị lấy mất rồi. Góc giá này ít bụi hơn ở chỗ khác. Có thể là một cuốn sách đặt nằm, hoặc một cái hộp. Thôi, tôi chẳng làm gì hơn được. Watson này, ta dạo trong khu rừng xinh đẹp này và dành ít thời gian ngắm nghía chim muông hoa cỏ đi. Anh Hopkins, chúng tôi sẽ gặp anh ở đây sau, rồi xem ta có giáp mặt quý ông đã đến đây đêm qua không."

Khi chúng tôi tổ chức xong cuộc mai phục nho nhỏ thì đã quá 11 giờ. Hopkins muốn để cửa gian phòng phụ mở, nhưng Holmes lại cho rằng làm vậy sẽ khiến kẻ lạ sinh nghi. Ổ khóa này cực kì đơn giản, nên chỉ cần một lưỡi dao mạnh là bẩy tung ra được. Holmes còn đề nghị là chúng tôi nên đợi ở ngoài, giữa đám bụi rậm mọc gần cửa sổ đằng sau. Bằng cách đó, chúng tôi sẽ dễ dàng quan sát đối tượng khi hắn thắp đèn, và xem hắn lén la lén lút làm gì ở đây lúc đêm hôm khuya khoắt

Chúng tôi im lặng chờ đợi rất lâu, lòng dấy lên nỗi hồi hộp của người thợ săn nằm bên hồ chờ con thú dữ khát nước mò đến. Nhưng chúng tôi đang chờ con vật nào bước ra khỏi bóng tối đây? Một con hổ hung tợn với nanh vuốt sắc nhọn, buộc chúng tôi phải khổ chiến mới hòng bắt được, hay một con chó rừng chuyên lẩn lút, chỉ gây nguy hiểm cho những kẻ yếu ớt và thiếu thận trọng? Chúng tôi im lặng nấp giữa mấy bụi cây, chờ đợi bất cứ điều gì sẽ đến. Mới đầu tiếng chân dăm ba dân làng về khuya và tiếng nói từ ngoài làng vọng vào làm đêm đỡ hiu quạnh. Nhưng rồi những âm thanh lao xao dần im bặt, nhường chỗ cho sự tĩnh mịch bao trùm khắp chốn. Thỉnh thoảng, tiếng chuông nhà thờ từ đằng xa vọng lại, báo thời gian. Mưa bụi tí tách rơi xuống tán lá trên đầu chúng tôi.

Chuông điểm 2 giờ rưỡi, đêm vào hồi tối nhất. Ba chúng tôi giật mình khi một tiếng lách cách khẽ nhưng rõ từ hướng cổng vọng lại: Có người bước vào khu đất. Sau đó, tất cả lại chìm vào im lặng. Tôi đang lo là mình nghe nhầm thì bỗng thấy từ bên kia gian nhà phụ vang lên tiếng chân bước rón rén và một thoáng sau là tiếng kim loại kêu lanh canh kin kít. Có kẻ cố phá khóa! Lần này hoặc là tay nghề của hắn đã khá hơn hoặc đồ nghề tốt hơn, vì chúng tôi đã nghe được khóa mở rồi bản lề kêu cót két. Một que diêm xòe lửa, và một chốc sau, ánh nến đã tỏa khắp gian nhà phụ. Chúng tôi nhìn qua tấm rèm thưa, chăm chú theo dõi động tĩnh bên trong.

Người mò tới lúc đêm hôm là một thanh niên gầy gò có hàng ria mép đen làm nổi bật gương mặt tái mét. Cậu ta chỉ tầm hai mươi tuổi. Tôi chưa từng thấy ai hoảng hốt đến đáng thương như vậy, vì răng cậu ta đánh lập cập thấy rõ còn tay chân thì run lẩy bẩy. Cậu ta mặc áo khoác và quần chẽn gối, đội mũ vải nom cũng bảnh. Chúng tôi quan sát cậu ta chăm chủ nhìn quanh bằng cặp mắt khiếp đảm. Thế rồi cậu ta đặt nến xuống bàn và bước đến một góc khuất tầm mắt chúng tôi. Cậu ta cầm một cuốn sổ lớn quay lại bàn - đó là một trong các nhật kí hải trình xếp trên giá. Khom người bên bàn, cậu ta lật nhanh đến khi tìm được mục mình cần. Sau đó, cậu ta giận dữ siết chặt tay một cái rồi đóng sập cuốn sổ lại, bỏ nó về chỗ cũ và thổi tắt nến. Cậu ta còn chưa kịp quay người để rời khỏi gian nhà phụ thì đã bị bàn tay của Hopkins thộp lấy cổ áo, tôi nghe tiếng cậu ta thở hồng hộc thất kinh khi hiểu ra mình vừa bị bắt tại trận. Ngọn nến lại được thắp lên, soi sáng kẻ khốn khổ đang run cầm cập và rúm ró trong tay viên thanh tra. Cậu ta ngồi phịch xuống rương, rồi vô vọng nhìn chúng tôi hết người này đến người khác.

"Nào anh bạn", Stanley Hopkins nói, "anh là ai và anh cần gì ở đây?"

Người nọ lấy lại can đảm và cố gắng điềm tĩnh nhìn vào mặt chúng tôi. "Chắc các ông là thanh tra?" Anh ta nói. "Mấy ông tưởng tôi có dính líu tới cái chết của thuyền trưởng Peter Carey. Tôi cam đoan với mấy ông là tôi vô tội."

"Chúng tôi sẽ xét chuyện đó sau", Hopkins nói. "Còn trước hết, anh tên gì?"

"John Hopley Neligan."

Tôi thấy Holmes và Hopkins liếc nhìn nhau một cái.

"Anh làm gì ở đây?"

"Tôi không nói được không?"

"Không được."

"Sao tôi phải nói cho mấy ông?"

"Nếu anh không trả lời, anh có thể gặp rắc rối tại tòa."

Chàng trai nhăn mặt.

"Thôi được, tôi sẽ nói. Tại sao lại không chứ? Nhưng thật lòng tôi không muốn làm sống dậy vụ tai tiếng năm xưa. Các ông đã bao giờ nghe nói đến Dawson và Neligan chưa?"

Nhìn mặt Hopkins là tôi biết anh ta chưa từng nghe tới, nhưng Holmes lại cực kì hứng thú.

"Cậu muốn nói tới các chủ nhà băng vùng Tây Anh", anh nói. "Họ vỡ nợ một triệu, khiến cho các gia đình ở phân nửa hạt Cornwall phá sản, rồi Neligan biệt tích."

"Đúng vậy. Neligan là cha tôi."

Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã có được một tình tiết mới, vậy nhưng chuyện một chủ nhà băng bỏ trốn và vụ việc thuyền trưởng Peter Carey bị giết chết bằng chính cây lao móc của mình nghe chả mấy liên quan. Chúng tôi cùng chăm chú lắng nghe câu chuyện của chàng trai.

"Thật ra chỉ có cha tôi liên quan tới việc nhà băng phá sản. Dawson về hưu từ trước đó rồi. Lúc đó tôi mới mười tuổi đầu, nhưng đã đủ lớn khôn để biết thế nào là nhục nhã và kinh hoàng. Thiên hạ vẫn đồn rằng cha tôi cuỗm hết cổ phiếu rồi bỏ trốn. Nhưng thực ra không phải vậy. Cha tôi tin rằng nếu để ông thư thả bán hết số cổ phiếu đó thì mọi sự sẽ đâu vào đấy và ông sẽ có đủ tiền trang trải mọi khoản nợ. Ông lên một chiếc thuyền nhỏ đến Na Uy ngay trước khi lệnh bắt được ban bố. Tôi còn nhớ đêm cuối ông chào từ biệt mẹ tôi. Ông để lại cho chúng tôi một danh sách các cổ phiếu ông cầm theo, và thề sẽ quay về rửa sạch thanh danh, và không để ai tin tưởng ông phải chịu thiệt thòi. Thế nhưng từ hồi đó, chúng tôi không còn nghe thêm một tin tức nào về ông nữa. Cả cha tôi lẫn con thuyền đều mất tích. Mẹ con tôi tin rằng ông và thuyền, cùng các cổ phiếu ông mang theo đều đã chìm xuống đáy biển. Nhưng cách đây không lâu, một thương gia là bạn lâu năm với gia đình chúng tôi đã phát hiện ra một số cổ phiếu cha tôi đem theo bỗng xuất hiện trên thị trường chứng khoán London. Các ông cũng hình dung được mẹ con tôi sửng sốt đến mức nào. Hàng tháng trời tôi cố lần theo chúng và rồi cuối cùng sau biết bao gian nan, tôi phát hiện ra người đầu tiên bán ra là thuyền trưởng Peter Carey, chủ nhân của gian nhà phụ này.

Theo lẽ đương nhiên, tôi có dò la đôi chút về người này. Tôi biết ông ta từng chỉ huy một tàu săn cá voi trở về từ Bắc Băng Dương đúng vào thời điểm cha tôi vượt biển đến Na Uy. Mùa thu năm đó thường xuyên xảy ra giông bão, và những cơn cuồng phong từ phía nam thổi tới không dứt suốt một thời gian dài. Thuyền của cha tôi có thể bị gió đánh bạt về hướng bắc, và gặp tàu của thuyền trưởng Peter Carey ở đó. Nếu sự tình đúng như vậy, chuyện gì đã xảy ra với cha tôi? Bất luận thế nào, nếu tôi có thể làm Peter Carey khai ra vì sao những cổ phiếu kia xuất hiện trên thị trường, tôi sẽ chứng minh được cha tôi đã không bán chúng, và ông không hề có ý tư lợi khi mang chúng theo. Tôi xuống Sussex định bụng gặp thuyền trưởng, nhưng lại gặp đúng thời điểm xảy ra cái chết thảm khốc của ông ta. Tôi theo dõi cuộc điều tra thì đọc được đoạn mô tả gian nhà nhỏ, thấy nói rằng trong đó có mấy cuốn nhật kí hải trình ngày xưa của ông ta. Tôi chợt nghĩ rằng nếu được xem chuyện gì xảy ra vào tháng 8 năm 1883 ấy, trên tàu Kì lân biển, tôi sẽ giải đáp được bí ẩn về số phận cha mình. Đêm qua tôi định lấy mấy cuốn nhật kí hải trình này, nhưng không tài nào mở được cửa. Tối nay tôi thử lại và thành công, nhưng mấy trang đề cập đến tháng đó đã bị xé mất. Sau đó, tôi bị các ông bắt."

"Chỉ có vậy thôi sao?" Hopkins hỏi.

"Phải, tất cả chỉ có thế." Cậu ta trợn mắt.

"Anh không còn gì khác cần cho chúng tôi biết?"

Cậu ta ngập ngừng.

"Không có."

"Đêm qua là lần đầu tiên anh đến đây?"

"Đúng."

"Vậy thì anh giải thích sao về thứ này?" Hopkins quát và giơ cuốn sổ có tên viết tắt của người kia trên trang đầu và vết máu tại bìa.

Chàng trai khốn khổ gục đầu xuống. Cậu ta ôm mặt, cả người run bần bật.

"Ông lấy nó ở đâu vậy?" Cậu ta rên rỉ. "Tôi tưởng mình làm mất ở khách sạn."

"Vậy là đủ rồi", Hopkins lạnh lùng nói. "Nếu anh còn muốn nói gì, anh sẽ phải trình bày với tòa. Giờ mời anh theo tôi về đồn cảnh sát. Ông Holmes, tôi vô cùng biết ơn sự giúp đỡ của ông và bạn ông. Tuy rằng sự có mặt của ông thành ra không cần thiết và tôi có thể phá được vụ án này mà không có ông, tôi vẫn vô cùng cảm ơn. Tôi đã đặt phòng cho các ông tại khách sạn Brambletye, nên tất cả chúng ta có thể cùng về làng."

***

"Này Watson, anh nghĩ sao về chuyện đó?" Holmes hỏi trên đường về vào sáng hôm sau.

"Tôi thấy anh chưa hài lòng."

"Ồ, Watson thân mến, tôi hài lòng lắm chứ. Nhưng tôi cũng không đồng tình với phương pháp của Stanley Hopkins. Tôi thất vọng về Stanley Hopkins. Tôi kì vọng ở anh ta nhiều hơn. Chúng ta phải luôn tìm xem có thể có một khả năng khác không. Đó là quy tắc cơ bản trong điều tra tội phạm."

"Vậy khả năng khác là gì?"

"Chính là hướng tôi đang điều tra. Có thể nó không đem lại gì cho ta nhưng chí ít, tôi cũng sẽ theo tới cùng."

Ở phố Baker đã có vài lá thư đang chờ Holmes. Anh vội cầm lấy một lá, bóc ra xem rồi bật cười đắc thắng.

"Tuyệt lắm, Watson! Khả năng khác đang dần hé lộ. Anh gửi bức điện này hộ tôi nhé. Gửi: Đại lí vận tải Sumner, đại lộ Ratcliff. Nội dung: Giới thiệu ba người, tới lúc 10 giờ sáng mai. Kí tên: Basil. Tôi dùng tên giả ấy mà. À, còn một bức này nữa nhé. Gửi: Thanh tra Stanley Hopkins, 46 phố Lord, Brixton. Nội dung: 9 rưỡi sáng mai đến dùng điểm tâm. Việc quan trọng. Đánh điện nếu không đến được. Kí tên: Sherlock Holmes. Watson ạ, vụ án quỷ quái này ám ảnh tôi suốt mười ngày nay. Hi vọng ngày mai tôi sẽ thoát được nó."

Đúng giờ đã định, thanh tra Stanley Hopkins xuất hiện và cùng chúng tôi thưởng thức bữa điểm tâm tuyệt vời do bà Hudson chuẩn bị. Viên thanh tra trẻ rất cao hứng là đã thành công.

"Anh có chắc lời giải của mình là đúng chứ?" Holmes hỏi.

"Không thể trọn vẹn hơn."

"Tôi thấy nó chưa đủ sức thuyết phục."

"Vậy ông còn đòi hỏi thế nào nữa, thưa ông Holmes?"

"Lối giải thích của anh có bao quát được mọi vấn đề không?"

"Chắc chắn rồi. Tôi tìm hiểu được rằng anh chàng Neligan đó tới khách sạn Brambletye đúng vào hôm xảy ra án mạng. Anh ta lấy cớ đến chơi golf. Anh ta ở tầng một nên có thể đi ra khi nào tùy thích. Chính vào đêm đó, anh ta tới Woodman's Lee, gặp Peter Carey tại gian nhà nhỏ. Hai người cãi vả, rồi anh ta giết nạn nhân bằng cây lao móc. Sau đó, khiếp đảm trước việc mình làm, anh ta chuồn khỏi gian nhà phụ, nhưng lại đánh rơi cuốn sổ mang theo để chất vấn Peter Carey về các cổ phiếu. Có thể các ông đã nhận thấy rằng một số được đánh dấu, nhưng đại đa số thì không. Những cổ phiếu có đánh dấu đã được tung ra thị trường London, số còn lại đoán chừng là vẫn nằm trong tay Carey. Theo lời anh chàng Neligan, anh ta nóng lòng muốn thu hồi chúng để trả lại thanh danh cho cha mình. Anh ta không dám bén mảng đến gian nhà phụ ngay sau khi xảy ra án mạng, nhưng cuối cùng vẫn buộc phải tới để tìm thông tin mình cần. Thế là rõ ràng, dễ hiểu quá còn gì?"

Holmes mỉm cười lắc đầu.

"Hopkins à, tôi thấy cách giải thích của anh có một khiếm khuyết, đó là không thể có chuyện như thế được. Anh thử đâm lao xuyên qua một tấm thân chưa? Chưa à? Chậc chậc, anh bạn thân mến ơi, anh phải để ý đến mấy chi tiết này mới được, ông bạn Watson của tôi có thể cho anh biết tôi đã bỏ cả buổi sáng tập làm như vậy. Chuyện đó không hề dễ và đòi hỏi một cánh tay mạnh mẽ thành thục. Mà trong vụ án mạng tại Woodman's Lee, cú phóng lao mạnh đến độ đầu vũ khí cắm lút vào tường. Anh nghĩ chàng trai xanh rớt kia khỏe đến vậy sao? Cậu ta là người chén chú chén anh với Peter Đen lúc nửa đêm ư? Bóng gương mặt nhìn nghiêng in trên rèm hai đêm trước là của cậu ta chắc? Không đâu, Hopkins. Kẻ ta phải tìm ghê gớm hơn kia."

Trong khi Holmes nói, mặt viên thanh tra càng lúc càng thuỗn ra. Mọi hi vọng và tham vọng của anh ta đều tan tành. Nhưng anh ta chẳng chịu từ bỏ lập luận mà không phản pháo.

"Ông không thể phủ nhận rằng Neligan đã có mặt vào đêm xảy ra án mạng, ông Holmes. Cuốn sổ đã chứng minh điều đó. Tôi cho rằng mình có đủ bằng chứng để thuyết phục bồi thẩm đoàn, dù ông có tìm ra kẽ hở trong lập luận của tôi. Vả chăng, ông Holmes, tôi đã tóm được hung thủ của mình rồi. Còn gã thủ ác của ông ở đâu?"

"Tôi nghĩ hắn đang lên cầu thang", Holmes điềm nhiên nói. "Watson này, tôi nghĩ anh nên để khẩu súng lục trong tầm với." Anh đứng lên và đặt một tờ giấy đã viết sẵn lên cái bàn sát tường. "Giờ thì ta sẵn sàng rồi", anh nói.

Nãy giờ bên ngoài vang lên tiếng nói chuyện bổ bã, và bà Hudson mở cửa báo có ba người muốn gặp thuyền trưởng Basil.

"Bà cho họ lần lượt vào," Holmes nói.

Bước vào đầu tiên là một người đàn ông có đôi má đỏ au và ria mép bạc rậm rạp. Holmes đã rút trong túi ra một lá thư.

"Tên gì?" Anh hỏi.

"James Lancaster."

"Lancaster, tôi rất tiếc, nhưng tôi đã nhận đủ người làm việc trên tàu rồi. Tôi xin gửi ông nửa sovereign vì đã làm ông mất công vô ích. Mời ông bước vào phòng này và chờ ít phút."

Người thứ hai cao lêu đêu, khô đét, tóc thẳng rũ xuống và má hóp. Tên ông ta là Hugh Pattins. Ông ta cũng bị từ chối, được nhận nửa sovereign và lệnh chờ.

Vào thứ ba là một người đàn ông có vẻ bề ngoài nổi bật. Mớ râu tóc bờm xờm ôm lấy gương mặt bặm trợn dữ dằn như mặt chó bun. Đôi mắt đen sậm của hắn sáng lên dưới cặp lông mày rủ rậm rạp. Hắn chào và đứng kiểu thủy thủ, rồi vân vê cái mũ.

"Tên?" Holmes hỏi.

"Patrick Cairns."

"Thợ phóng lao à?"

"Đúng, thưa ông. Từng tham gia hai mươi sáu chuyến đi biển."

"Tới Dundee phải không?"

"Phải, thưa ông."

"Sẵn sàng khởi hành theo tàu thám hiểm chứ?"

"Rồi, thưa ông."

"Anh muốn được trả công thế nào?"

"Tám bảng mỗi tháng."

"Anh thạo việc rồi chứ?"

"Tôi có thể bắt tay vào làm ngay khi có đồ nghề."

"Anh có giấy tờ không?"

"Có, thưa ông." Hắn lôi trong túi ra một xấp giấy tờ cũ sờn và lem nhem dầu mỡ. Holmes liếc qua một lượt rồi trả lại.

"Anh đúng là người tôi cần", anh nói. "Trên bàn bên có tờ hợp đồng. Chỉ cần anh kí vào nữa là xong."

Tay thủy thủ bước tới và cầm bút lên.

"Tôi kí ở đây hả?" Hắn khom người bên bàn và hỏi.

Holmes nhoài tới và thộp cổ hắn bằng cả hai tay. "Vậy được rồi", anh nói.

Tôi nghe tiếng thép lách cách rồi một tiếng rống như tiếng bò điên. Chỉ trong chớp mắt, Holmes và tay thủy thủ đã cùng ngã lăn ra đất. Dù tay đã bị Holmes khéo léo dùng còng số tám khóa lại, hắn vẫn thừa sức khuất phục anh mau chóng nếu Hopkins và tôi không lao đến giải cứu. Cuối cùng, khi bị tôi gí họng súng lục lạnh lẽo vào thái dương, hắn mới hiểu rằng chống cự cũng vô ích. Chúng tôi lấy dây thừng trói chân hắn rồi hổn hển đứng dậy sau cuộc vật lộn.

"Hopkins, rất xin lỗi anh", Sherlock Holmes nói. "Tôi e món trứng bác nguội mất rồi. Tuy nhiên hẳn anh sẽ thấy bữa điểm tâm ngon hơn vì vụ án của anh đã kết thúc thắng lợi."

Stanley Hopkins sững sờ không nói nên lời. "Tôi không biết nói sao, ông Holmes", cuối cùng anh ta đỏ mặt thốt lên. "Tôi thấy từ đầu tới giờ, tôi đã xử sự như một thằng ngốc. Giờ tôi đã hiểu điều mà đáng ra tôi không bao giờ được quên, rằng tôi là trò còn ông là thầy. Dù đã thấy ông làm gì nhưng tôi vẫn chưa hiểu sao ông làm được thế, và việc đó nghĩa là thế nào."

"À", Holmes vui vẻ nói "Chúng ta đều học từ kinh nghiệm, và bài học của anh lần này là đừng bao giờ quên tìm kiếm những khả năng khác. Anh chú tâm đến anh chàng Neligan đến mức không nghĩ gì đến Patrick Cairns, kẻ thực sự sát hại Peter Carey."

Giọng ồ ồ của tay thủy thủ cắt ngang cuộc trò chuyện.

"Nghe này ông", hắn nói, "tôi chẳng kêu ca gì khi bị đối xử thô bạo thế này, nhưng ông nói gì thì phải nói cho đúng. Ông bảo tôi sát hại Peter Carey là không đúng. Tôi đã giết Peter Carey thật, nhưng hai chuyện đó hoàn toàn khác nhau. Chắc ông không tin. Chắc ông nghĩ tôi chỉ bịa chuyện."

"Không hề", Holmes nói. "Cứ kể chúng tôi nghe xem sao."

"Xin kể ngay đây và thề có Chúa chứng giám, từng lời từng chữ tôi nói đều là sự thật. Tôi thừa hiểu Peter Đen nên khi lão vừa rút dao, tôi liền phóng cây lao qua người lão, vì tôi biết giữa tôi và lão, chỉ có một người được sống. Lão chết như vậy đó. Ông gọi vậy là sát hại cũng được. Đằng nào tôi cũng chết, bị treo cổ hay bị dao của Peter Carey cắm vào tim cũng đều là chết cả thôi."

"Vì sao ông đến đó?" Holmes hỏi.

"Tôi sẽ kể ông nghe từ đầu. Dựng tôi ngồi dậy tí đã, đặng tôi nói được thoải mái. Chuyện bắt đầu vào tháng 8 năm 1883. Peter Carey là thuyền trưởng tàu Kì lân biển, còn tôi là thợ phóng lao móc. Lúc bấy giờ chúng tôi đang trên đường về từ vùng biển đóng băng thì gặp phải những cơn gió ngược và bão từ phương nam kéo dài suốt một tuần, chúng tôi cứu được một con thuyền bị gió thổi bạt về phương bắc. Trên thuyền chỉ có một người - một người không quen đi biển, và được biết thủy thủ đoàn cho rằng thuyền chính sẽ chìm nên đã lên xuồng để tới bờ biển Na Uy. Tôi đoán chừng họ chết chìm cả. Chúng tôi đưa người kia lên tàu, sau đó ông ta và thuyền trưởng nói chuyện rất lâu trong buồng lái. Toàn bộ hành lí ông ta mang theo chỉ vỏn vẹn có một cái hộp thiếc. Thủy thủ đoàn chẳng ai biết ông ta tên gì, và đến đêm thứ hai, ông ta biến mất như chưa từng tồn tại. Người ta kháo rằng hoặc ông ta hoặc đã gieo mình hoặc bất cẩn ngã xuống biển trong tiết trời xấu lúc đó. Chỉ có một người biết chuyện gì xảy ra với ông ta và đó là tôi. Hai ngày trước khi chúng tôi thấy ánh đèn trên đảo Shetland, trong lúc tôi đang gác đêm, chính mắt tôi đã thấy thuyền trưởng kiễng chân ném ông ta qua lan can. Tôi giữ kín chuyện mình biết và chờ xem sự thể thế nào. Khi chúng tôi về tới Scotland, chuyện đó dễ dàng bị ém nhẹm đi và chẳng ai buồn hỏi han. Nói cho cùng, đó cũng chỉ là một người lạ tử nạn thôi mà. Không lâu sau đó, Peter Carey giã từ biển cả và phải mất nhiều năm tôi mới truy ra tung tích lão. Tôi đoán lão giết người lạ kia vì thứ nằm trong hộp thiếc, và giờ lão đủ sức trả hậu hĩnh cho tôi vì đã biết giữ mồm giữ miệng.

Nhờ một thủy thủ từng gặp lão ở London, tôi biết được nơi lão ở và tới để tống tiền lão. Vào đêm đầu gặp mặt, lão khá biết điều và sẵn lòng cho tôi một khoản đủ để tôi thoát đời lênh đênh sóng nước. Chúng tôi định hai đêm sau sẽ dàn xếp mọi chuyện. Khi đến nơi, tôi thấy lão đã ba phần say và đang cơn khó chịu. Chúng tôi ngồi xuống uống rượu hàn huyên chuyện xưa, nhưng lão càng uống thì tôi càng không ưng thái độ của lão. Tôi để ý thấy cây lao móc trên tường và nghĩ nếu muốn moi được tiền từ Peter, chắc tôi phải dùng tới nó.

Rồi lão bỗng nổi cơn thịnh nộ, khạc nhổ và chửi um lên, ánh mắt đằng đằng sát khí còn tay thì lăm lăm con dao. Lão chưa kịp rút dao khỏi vỏ, tôi đã phóng lao xuyên người lão. Trời! Lão rú mới khiếp chứ! Đến giờ mặt lão hãy còn lởn vởn trong giấc ngủ của tôi. Tôi đứng đó, máu lão bắn tung tóe quanh tôi, và tôi chờ một lát, nhưng vì bốn bề vẫn im ắng nên tôi lấy lại can đảm. Tôi nhìn quanh thì thấy cái hộp thiếc ở ngay trên giá. Dù gì tôi cũng có quyền với nó như Peter Carey vậy, nên tôi cầm theo và rời gian nhà phụ. Nhưng ngu ngốc làm sao, tôi lại bỏ quên túi đựng thuốc lá trên bàn.

Giờ tôi sẽ kể mấy ông nghe điểm kì quặc nhất trong toàn bộ câu chuyện. Vừa ra ngoài, tôi nghe có tiếng chân người đi tới nên vội nấp vào bụi rậm. Một gã lén lút bước vào gian nhà phụ, ré lên một tiếng như thấy ma, rồi ba chân bốn cẳng chạy mất dạng. Tôi không biết hắn là ai hay muốn gì. Còn tôi đi bộ mười dặm lên tàu tại Tunbridge Wells và tới London mà không ai hay biết. Thế rồi khi kiểm tra cái hộp, tôi thấy trong đó không có tiền, và chẳng có gì ngoài đống chứng từ tôi không dám bán. Peter Đen đã không còn nằm trong tầm không chế của tôi, bản thân tôi lại lạc lõng giữa London trong tình trạng không một xu dính túi. Tôi chỉ còn lại cái nghề để nuôi thân. Tôi thấy tin rao vặt tìm thợ phóng lao móc và trả công cao nên tìm đến đại lí vận tải và được họ giới thiệu đến đây. Tôi chỉ biết có vậy và tôi cũng xin nhắc lại: Chính quyền phải cảm ơn tôi đã giết Peter Đen, vì tôi đã giúp họ tiết kiệm tiền mua thừng treo cổ cái lão thối thây kia."

"Lời khai rất rõ ràng", Holmes nói và đứng lên châm tẩu thuốc. "Hopkins này, tôi nghĩ anh nên nhanh chóng tống giam hung thủ đi thôi. Phòng này không hợp để làm xà lim và ông Patrick Cairns đây chiếm nhiều chỗ trên thảm của chúng tôi quá."

"Ông Holmes", Hopkins nói, "tôi không biết phải bày tỏ lòng biết ơn thế nào. Đến giờ tôi vẫn chưa hiểu làm thế nào ông đạt được kết quả này?"

"Nhờ may mắn bắt được manh mối đúng ngay từ đầu ấy mà. Nếu tôi biết về cuốn sổ tay này, rất có thể tôi sẽ phán đoán sai như anh. Nhưng tất cả những gì tôi nghe được lại chỉ về duy nhất một hướng. Sức mạnh phi thường, kĩ năng dùng lao móc, rượu rum và túi thuốc lá bằng da hải cẩu - tất cả những thứ này chỉ rõ sát nhân là một thủy thủ, lại là thủy thủ săn cá voi. Tôi tin chắc mấy chữ P.C trên túi không phải viết tắt của Peter Carey mà chỉ là trùng hợp tình cờ, vì nạn nhân chẳng mấy khi hút thuốc và trong gian nhà phụ không có tẩu. Anh còn nhớ tôi đã hỏi trong chòi có whisky và brandy không. Anh nói có. Đàn ông ở đất liền chẳng mấy ai uống rượu rum khi có sẵn mấy thứ rượu kia. Chính vì vậy, tôi chắc chắn là cần tìm một thủy thủ."

"Vậy ông tìm được thủ phạm bằng cách nào?"

"Anh bạn thân mến ơi, vấn đề đã trở nên đơn giản vô cùng. Nếu hung thủ là thủy thủ, hắn chỉ có thể là thủy thủ từng ở cùng nạn nhân trên tàu Kì lân biển. Theo như tôi biết, nạn nhân không đi tàu nào khác. Tôi mất ba ngày đánh điện cho Dundee để xác định tên tuổi các thủy thủ trên Kì lân biển trong năm 1883. Khi tôi thấy Patrick Cairns trong số những thợ phóng lao, cuộc tìm kiếm của tôi đã gần như xong. Tôi lập luận rằng có lẽ người này đang ở London, và chắc hắn muốn xa xứ một thời gian. Vì vậy tôi bỏ ra vài ngày ở khu đông London, bịa ra một chuyến thám hiểm Bắc Cực, đưa ra mấy điều kiện hấp dẫn cho thợ phóng lao làm việc cho thuyền trường Basil - và kết quả đây!"

"Tuyệt vời!" Hopkins kêu lên. "Tuyệt vời!"

"Anh phải xin lệnh thả Neligan càng sớm càng tốt", Holmes nói! "Thật lòng mà nói, tôi nghĩ anh nợ cậu ta câu xin lỗi. Dù các cổ phiếu đã bị Peter Carey bán hết, nhưng cái hộp nên được trả về cho cậu ta. Hopkins, xe đến rồi và anh có thể đưa thủ phạm đi. Nếu anh muốn tôi đến làm chứng tại phiên tòa thì địa chỉ của tôi và Watson sẽ ở đâu đó bên Na Uy - tôi sẽ gửi chi tiết sau."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro