NGƯỜI ĐÀN ÔNG DỊ DẠNG(The Crooked Man, 1893)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vào một tối mùa hè, vài tháng sau hôn lễ của mình, tôi ngồi bên lò sưởi hút nốt tẩu thuốc cuối cùng và gà gật ngủ khi đọc dở cuốn tiểu thuyết vì vừa trải qua một ngày làm việc cật lực. Vợ tôi đã lên lầu và trước đó tiếng khóa cửa hành lang vang lên báo cho tôi biết những người giúp việc đã về. Tôi nhổm dậy khỏi ghế và đang gõ chiếc tẩu để dốc tàn ra thì đột nhiên nghe thấy chuông kêu.

Tôi nhìn đồng hồ. Đã 12 giờ kém 15. Khách khứa thì không thể nào ghé quá muộn thế này. Chắc chắn là một bệnh nhân và rất có thể là tôi lại phải thức suốt đêm. Tôi nhăn nhó bước ra hành lang và mở cửa. Tôi ngạc nhiên khi thấy Sherlock Holmes đứng ngay trước mặt mình.

"A, anh Watson", anh nói. "Tôi hi vọng rằng mình không đến trễ quá đấy chứ."

"Xin mời vào nhà, bạn thân mến."

"Trông anh có vẻ ngạc nhiên, nhưng không thắc mắc! Và có vẻ nhẹ nhõm nữa, tôi nghĩ thế! Hừm! Anh vẫn hút loại thuốc trộn Arcadia của cái thời còn độc thân! Không thể nào nhầm được cái loại tàn mịn bám trên áo khoác của anh. Có thể dễ dàng thấy rằng anh đã quen với việc mặc quân phục, Watson ạ. Nếu cứ giữ thói quen nhét khăn tay trong tay áo thì anh sẽ chẳng bao giờ trở lại thành người bình thường đâu. Anh cho tôi ở lại tối nay nhé?"

"Rất sẵn sàng."

"Đã có lần anh bảo tôi là có một phòng đơn dành cho khách trong nhà và tôi thấy rằng hiện giờ chẳng có vị khách nào cả. Cái giá treo mũ đã chỉ rõ như thế."

"Tôi rất vui nếu anh ở lại."

"Cảm ơn anh. Vậy thì tôi sẽ treo đồ vào đây. Rất tiếc khi thấy nhà anh vừa có một anh thợ. Anh ta là điềm xấu rồi. Tôi hi vọng không phải là ống nước?"

"Không, là hệ thống khí đốt."

"A! Anh ta đã để lại hai dấu đinh giày lên tấm trải sàn ở ngay vị trí ánh đèn rọi xuống. Ồ, không, cảm ơn anh, tôi đã ăn tối ở ga Waterloo rồi, nhưng tôi sẵn sàng hút với anh một tẩu thuốc."

Tôi trao cho anh túi thuốc lá và anh ngồi xuống phía đối diện tôi rồi yên lặng hút thuốc một lúc. Tôi nhận thấy rất rõ là chỉ có việc quan trọng mới đem anh đến nhà tôi vào giờ này, vì thế tôi kiên nhẫn đợi đến khi anh quay lại vấn đề.

"Tôi thấy hôm nay công việc của anh khá là bận rộn", anh vừa nói vừa liếc sang tôi với ánh nhìn sắc bén.

"Vâng, tôi vừa trải qua một ngày rất vất vả", tôi đáp. "Hỏi câu này với anh thì có lẽ rất là ngớ ngẩn", tôi nói thêm, "nhưng thật tình tôi không biết làm thế nào mà anh lại suy ra được điều đó."

Holmes cười tủm tỉm.

"Tôi có lợi thế là biết rõ các thói quen của anh, Watson thân mến", anh trả lời. "Khi gần thì anh sẽ đi bộ và nếu xa thì anh sẽ dùng xe ngựa. Khi nhìn đôi giày của anh, tôi thấy anh có dùng tới nhưng chúng lại không có vết bẩn nào. Vậy không nghi ngờ gì nữa: Lúc này anh khá bận rộn và phải sử dụng đến xe ngựa."

"Rất tuyệt!" Tôi kêu lên.

"Chuyện ấy dễ hiểu thôi", anh đáp, "đấy là một trong những ví dụ về việc nhà suy luận có thể gây ấn tượng khá mạnh với người nghe vì người này đã bỏ qua một điểm nhỏ là nền tảng của cả chuỗi suy luận. Bạn thân mến, mấy câu chuyện chỉ được cái khéo tô vẽ của anh cũng thế mà thôi, sở dĩ chúng gây ấn tượng được tới độc giả là do anh đã giấu đi một số yếu tố của vụ án mà độc giả không bao giờ biết. Và hiện giờ tôi đang ở vào vị trí những độc giả ấy vì tôi nắm trong tay một số manh mối của một vụ án thuộc hàng lạ lùng nhất làm người ta phải đau đầu, tuy nhiên tôi còn thiếu một hoặc hai manh mối cần thiết để hoàn chỉnh giả thuyết của mình. Nhưng tôi sẽ có được chúng, Watson ạ, tôi sẽ có!"

Mắt anh rực lên và hai gò má gầy hơi ửng lên. Nhưng chỉ trong một khoảnh khắc thôi. Khi tôi liếc nhìn lần nữa, mặt anh đã lấy lại vẻ điềm tĩnh khiến nhiều người xem anh giống một cái máy hơn là một con người.

"Vụ này có nhiều điểm rất lí thú", anh nói. "Thậm chí tôi còn có thể nói là đặc biệt lí thú. Tôi đã xem xét sự việc và tôi nghĩ rằng mình đã tiến gần đến lời giải. Nếu anh có thể tham gia cùng tôi trong bước cuối cùng này thì có lẽ anh sẽ giúp được nhiều cho tôi."

"Tôi rất sẵn sàng."

"Liệu ngày mai anh có thể đi đến tận Aldershot được không?"

"Chắc chắn là Jackson sẽ lo việc hộ tôi."

"Rất tốt. Tôi muốn khởi hành lúc 11 giờ 10 từ Waterloo."

"Thế thì tôi sẽ có đủ thì giờ để chuẩn bị."

"Vậy thì, nếu anh không cảm thấy buồn ngủ quá, tôi sẽ tóm tắt cho anh nghe việc đã xảy ra và những việc phải làm."

"Trước khi anh đến thì tôi buồn ngủ. Giờ thì tôi đã khá tỉnh táo rồi."

"Tôi sẽ cố cô đọng câu chuyện cho thật ngắn gọn mà không để mất đi chi tiết quan trọng nào. Có khi anh đã đọc tin tức về vụ này rồi cũng nên. Đó là vụ đại tá Barclay, thuộc trung đoàn Royal Munsters ở Aldershot, được cho là bị sát hại mà tôi đang điều tra."

"Tôi chưa hề nghe gì về vụ này cả."

"Nó chưa khuấy động dư luận cho lắm, chỉ trừ tại địa phương. Chuyện cũng chỉ mới xảy ra có hai ngày. Nói ngắn gọn thì sự tình là thế này: Anh biết đấy, trung đoàn Royal Munsters là một trong những trung đoàn Ireland nổi tiếng nhất trong quân đội Vương quốc Anh. Trung đoàn này đã lập nên những kì tích trong chiến tranh ở cả Crimea lẫn Bạo loạn Ấn Độ năm 1857 và kể từ đó đến nay luôn lập chiến công mỗi khi có cơ hội. Cho đến ngày thứ hai vừa rồi thì người chỉ huy trung đoàn vẫn là James Barclay, một người lính dạn dày quả cảm đã khởi đầu binh nghiệp của mình từ lon binh nhì rồi vươn lên hàng ngũ sĩ quan nhờ tinh thần anh dũng trong thời kì Bạo loạn và tiếp tục thăng tiến thành chỉ huy trung đoàn nơi trước kia ông từng là lính.

Đại tá Barclay đã lập gia đình khi còn là trung sĩ và vợ ông ta, nhũ danh Nancy Devoy, là ái nữ của một cựu thượng sĩ da màu trong cùng trung đoàn. Vì thế nên ta có thể hình dung ra sự va chạm xã hội nhỏ đã phát sinh khi đôi trẻ (vì quả thật khi đó họ hãy còn trẻ) bước vào môi trường mới. Thế nhưng, có vẻ như họ đã nhanh chóng thích nghi và theo như tôi được biết thì bà Barclay đã hòa đồng với các bà vợ sĩ quan trong trung đoàn chẳng thua gì chồng bà ta với các anh em chỉ huy. Tôi có thể thêm rằng bà ta là một phụ nữ tuyệt đẹp và thậm chí cho đến bây giờ sau khi đã lập gia đình hơn ba mươi năm, bà ta vẫn còn giữ được nhan sắc ấn tượng.

Cuộc sống của gia đình đại tá Barclay có vẻ cũng hạnh phúc như bao người. Thiếu tá Murphy, người đã cung cấp cho tôi phần lớn thông tin, cam đoan với tôi rằng ông ta chưa hề nghe thấy họ bất hòa điều gì. Ông ấy cho rằng, nhìn chung, Barclay yêu vợ nhiều hơn là bà ấy yêu chồng, ông ta vô cùng bứt rứt nếu phải xa vợ một ngày. Ngược lại, cho dù rất tận tâm và chung thủy với chồng, thái độ của bà lại tỏ ra kém yêu thương hơn. Nhưng trong trung đoàn thì họ được xem là hình ảnh mẫu mực của một đôi vợ chồng trung niên. Hoàn toàn không có bất kì điều gì trong mối quan hệ vợ chồng của họ khiến mọi người ngờ đến tấn thảm kịch ta sắp nói.

Đại tá Barclay dường như có vài nét khác thường trong tính cách. Bình thường thì ông ta là một quân nhân hăng hái và vui vẻ nhưng đôi khi ông ta lại tỏ ra hung bạo và hằn học. Tuy nhiên, có vẻ như mặt tính cách này của ông ta không hề hướng đến vợ mình. Một điểm khác nữa cũng gây chú ý cho thiếu tá Murphy và ba trong số năm sĩ quan khác mà tôi đã tiếp xúc, đó là thỉnh thoảng ông đại tá lại bị một dạng trầm cảm kì lạ. Theo như ông thiếu tá tả lại thì nụ cười thường vụt tắt trên môi đại tá như bị một bàn tay vô hình nào đó xóa đi khi ông ta tham gia vào những cuộc vui bên bàn ăn. Có khi tâm trạng ấy kéo dài nhiều ngày liên tục và ông ta chìm trong nỗi buồn chán tột cùng. Chỉ có điều này cùng với nét gì đó có phần mê tín là những điểm bất thường trong tính cách của ông ta mà các anh em chỉ huy nhận thấy. Mê tín ở đây có nghĩa là không thích ở một mình, đặc biệt sau khi trời tối. Nét trẻ con này ở một người vốn đầy nam tính thường làm dấy lên những bình luận và phỏng đoán.

Tiểu đoàn 1 của trung đoàn Royal Munsters (tức là tiểu đoàn 117 trước đây) đã đóng quân ở Aldershot vài năm nay. Các sĩ quan có gia đình sống ngoài doanh trại và trong suốt thời gian này đại tá ở trong một biệt thự tên là Lachine cách trại bắc khoảng nửa dặm. Ngôi nhà có khuôn viên riêng nhưng phía tây nó chỉ cách đường cái chưa đến ba mươi yard. Gia nhân gồm có một người xà ích và hai cô hầu. Chỉ có ba người này sống cùng ông bà chủ ở biệt thự Lachine vì ông bà Barclay không có con cái và cũng ít khi có khách khứa ở lại. Giờ thì tôi sẽ kể đến những sự kiện xảy ra ở ngôi biệt thự Lachine từ 9 đến 10 giờ tối hôm thứ hai vừa rồi.

Có vẻ như bà Barclay là một con chiên của giáo hội Công giáo, và rất quan tâm đến việc thành lập hội Thánh George vốn được nhà nguyện ở phố Watt liên kết mở ra nhằm mục đích cung cấp quần áo cũ cho người nghèo. Tối hôm đó có một buổi họp ở hội vào lúc 8 giờ và bà Barclay vội vàng ăn tối để kịp đi họp. Khi rời khỏi nhà, người xà ích còn nghe tiếng bà ta nói vài lời thông thường với chồng và hứa sẽ về sớm. Sau đó bà ta ghé qua nhà cô Morrison, một phụ nữ trẻ sống ở căn biệt thự kế bên và cả hai cùng đi họp. Buổi họp kéo dài bốn mươi phút và đến 9 giờ 15 phút thì bà Barclay trở về nhà sau khi chia tay với cô Morrison trước cửa nhà cô ta.

Ở biệt thự Lachine có một căn phòng được dùng làm phòng khách phụ. Căn phòng này trông ra đường cái và có một cửa xếp bằng kính rộng nhìn ra bãi cỏ. Bãi cỏ rộng xấp xỉ ba mươi yard và chỉ được ngăn cách với con đường bằng một bức tường thấp có rào sắt. Khi trở về nhà, bà Barclay bước vào căn phòng này. Rèm cửa không buông vì căn phòng này ít khi được dùng đến vào buổi tối nhưng bà Barclay đã tự tay thắp đèn rồi rung chuông gọi cô hầu Jane Stewart bưng lên cho bà một tách trà, điều này khá là trái ngược với thói quen hằng ngày của bà. Đại tá đang ngồi trong phòng ăn nhưng khi nghe thấy tiếng vợ trở về thì ông qua gặp bà ta trong căn phòng khách phụ. Người xà ích trông thấy ông ta đi qua sảnh và bước vào phòng. Sau đó chẳng ai còn trông thấy ông ta sống sót bước ra nữa. Tách trà mà bà chủ gọi được bưng lên mười phút sau đó, nhưng lúc bước lại gần cửa phòng thì chị người hầu ngạc nhiên khi nghe ông bà chủ đang giận dữ to tiếng với nhau. Chị ta gõ cửa mà không nghe thấy tiếng trả lời và thậm chí còn xoay cả tay nắm cửa nhưng cửa đã được khóa từ bên trong. Theo lẽ thường, chị ta chạy xuống nhà nói với chị bếp và hai người phụ nữ cùng với anh xà ích đi lên hành lang và lắng nghe tiếng cãi vã hãy còn rất om sòm. Cả ba người đều nhất trí rằng họ chỉ nghe thấy có hai giọng nói của đại tá Barclay và vợ ông ta. Giọng nói của đại tá thì bị át đi và đứt quãng cho nên họ chẳng nghe được tiếng nào. Ngược lại, giọng bà chủ nghe gay gắt hơn hẳn và mỗi khi bà ta cao giọng thì họ nghe rõ mồn một: 'Ông là đồ hèn! Bà ta cứ lặp đi lặp lại như thế. 'Có thể làm gì được bây giờ? Có thể làm gì được bây giờ? Trả lại cuộc đời cho tôi. Tôi chẳng bao giờ muốn hít thở chung bầu không khí với ông nữa! Đồ hèn! Đồ hèn!' Đó là những mẩu rời rạc bà ta đã nói, cuối cùng là giọng đàn ông đột ngột thét lên đáng sợ kèm theo một tiếng va đập mạnh và tiếng thét thất thanh của người phụ nữ. Tin chắc rằng đã có một biến cố bi thảm xảy ra, anh xà ích liền lao vào cánh cửa và cố đẩy bật nó ra, trong khi đó những tiếng thét cứ liên tiếp vọng ra từ bên trong. Thế nhưng anh ta không thể phá được cửa và mấy chị người hầu thì sợ đến rối trí nên chẳng giúp được gì. Đột nhiên, một ý nảy ra trong đầu và anh ta chạy ra ngoài qua cánh cửa tiền sảnh và vòng ra bãi cỏ là nơi mà chiếc cửa xếp của căn phòng khách phụ nhìn ra. Một bên cửa hãy còn mở, theo tôi hiểu là vào mùa hè thì thường để như thế, và anh ta vào được trong phòng mà chẳng gặp khó khăn gì. Bà chủ của anh ta đã ngừng kêu thét và đang nằm bất tỉnh trên trường kỉ, trong khi đó người quân nhân bất hạnh thì đã nằm chết trong vũng máu, hai bàn chân vắt lên thành ghế bành còn đầu thì trên nền nhà gần góc cái chắn lò sưởi. Tất nhiên ý nghĩ đầu tiên của anh xà ích, khi thấy mình chẳng thể làm được gì hơn cho ông chủ, là mở cửa phòng ra. Nhưng vào lúc này thì lại xuất hiện một trở ngại bất ngờ và kì lạ. Chìa khóa không còn cắm ở phía trong cánh cửa và anh ta lục tìm khắp phòng mà chẳng thấy đâu. Vì thế nên anh ta lại đi ra qua lối cửa xếp và khi đã gọi được một viên cảnh sát và một thầy thuốc đến giúp đỡ thì anh ta quay trở lại. Bà chủ, tất nhiên là nhân vật bị tình nghi nhiều nhất, được đưa sang phòng riêng trong tình trạng hãy còn hôn mê. Sau đó, thi thể của đại tá được đặt lên chiếc trường kỉ và người ta bắt đầu khám xét kĩ lưỡng hiện trường của tấn thảm kịch.

Vết thương của ông đại tá là một nhát đâm nham nhở dài độ năm phân ở phía sau đầu, rõ ràng là do một cú giáng mạnh bằng một loại hung khí cùn gây ra. Cũng chẳng khó khăn gì trong việc xác định loại vũ khí đó. Trên sàn nhà, nằm ngay cạnh thi thể ông ta là một cây gậy gỗ cứng được chạm khắc có cán ngà trông rất kì quặc. Đại tá vốn sở hữu một bộ sưu tập vũ khí đa dạng được thu thập từ nhiều quốc gia, nơi ông từng chiến đấu và cảnh sát đoán rằng cây gậy này là một trong những chiến lợi phẩm của ông ta. Các gia nhân thì lại nói rằng họ chưa hề trông thấy nó, nhưng cũng có thể vì trong nhà có vô số những vật lạ lùng nên họ không để ý đến sự tồn tại của nó. Người ta không phát hiện được thêm điều gì đáng chú ý trong phòng, ngoại trừ việc không sao giải thích được là chiếc chìa khóa bị mất tích không có ở trên người bà Barclay lẫn thi thể của nạn nhân và cũng chẳng tìm thấy ở bất cứ chỗ nào trong phòng. Cuối cùng người ta phải nhờ đến một người thợ sửa khóa ở Aldershot để mở cửa.

Đó là tình hình sự việc vào sáng hôm thứ ba khi tôi được thiếu tá Murphy yêu cầu đến Aldershot để trợ giúp cánh cảnh sát, Watson ạ. Tôi nghĩ anh sẽ thừa nhận rằng vụ này rất đáng quan tâm nhưng khi quan sát chẳng mấy chốc tôi nhận ra rằng thực tế vụ án lại càng đặc biệt hơn biểu hiện ban đầu của nó. Trước khi khám xét căn phòng tôi đã thẩm tra các gia nhân nhưng chỉ rút ra được các dữ kiện mà tôi vừa mới kể. Có một chi tiết thú vị khác mà cô hầu Jane Stewart còn nhớ. Anh có nhớ là khi nghe thấy tiếng cãi nhau thì cô đi xuống nhà và quay trở lại cùng với những người đầy tớ kia. Cô ta khai rằng, lúc đầu khi chỉ có một mình thì ông bà chủ đều thấp giọng nên hầu như cô chẳng nghe được gì. Thế nhưng, khi bị tôi gặng hỏi thì cô ta lại nhớ ra rằng có nghe bà chủ thốt ra hai lần cái tên David. Đây là điểm vô cùng quan trọng vì nó dẫn chúng ta đến lí do của cuộc tranh cãi bất ngờ đó. Vì như anh hãy còn nhớ, tên của đại tá là James.

Trong vụ này có một điểm gây ấn tượng sâu đậm nhất cho cả các gia nhân lẫn cảnh sát, đó là khuôn mặt rúm ró của đại tá. Theo miêu tả của họ thì mặt ông ta còn giữ nguyên biểu cảm sợ hãi và kinh hoàng chưa từng thấy trên nét mặt con người. Ấn tượng ấy khủng khiếp đến nỗi đã có hơn một người ngất xỉu khi vừa mới thoáng trông thấy gương mặt ấy. Rõ ràng là ông ta đã trông thấy cái chết đang đến và nó đã gây ra nỗi khiếp sợ cực điểm. Tất nhiên là điều này khá phù hợp với giả thuyết mà cảnh sát đặt ra là có thể đại tá đã nhìn thấy bà vợ cố tình sát hại mình. Chi tiết về vết thương ở phía sau đầu cũng không mâu thuẫn với giả thuyết đó vì có thể ông ta đã quay lại để tránh cú đòn. Người ta không thu được chút thông tin nào từ bà vợ vì bà hãy còn mất trí tạm thời do một cơn viêm não cấp. Từ phía cảnh sát tôi biết được rằng cô Morrison, người đã cùng đi với bà Barclay tối hôm đó khai không biết gì về nguyên nhân khiến bà bạn bực tức khi quay về.

Watson này, sau khi đã thu thập được các thông tin trên, tôi hút vài tẩu thuốc và suy nghĩ về chúng, cố gắng tách những tình tiết cốt yếu ra khỏi những chi tiết ngẫu nhiên khác. Không còn nghi ngờ gì về điểm đặc biệt và đáng lưu ý nhất trong vụ này chính là việc chiếc chìa khóa biến mất một cách kì lạ. Người ta đã tìm kiếm kĩ trong phòng mà vẫn không thấy nó. Thế nên chắc nó đã bị đem ra khỏi phòng. Nhưng cả đại tá lẫn bà vợ đều không thể làm thế. Điều đó hoàn toàn rõ ràng. Vậy là phải có một người thứ ba đã vào phòng. Và nhân vật thứ ba này chỉ có thể lọt vào qua cửa sổ. Tôi nghĩ rằng có lẽ khám xét kĩ càng căn phòng và bãi cỏ có thể tìm thấy được vài dấu vết của nhân vật bí ẩn này. Anh đã biết các phương pháp của tôi rồi, Watson ạ. Tôi áp dụng tất cả chúng vào cuộc tìm kiếm. Và kết quả là tôi đã phát hiện một số dấu vết, nhưng rất khác với những gì đã dự kiến. Đã có một người ở trong phòng và hắn ta đã băng qua bãi cỏ từ ngoài đường. Tôi có thể thu được năm dấu chân rất rõ của hắn: Một dấu nằm trên con đường nơi hắn đã trèo qua bức tường thấp, hai dấu trên bãi cỏ và hai dấu rất mờ nhạt nằm trên những tấm ván ngả màu gần cửa xếp nơi mà hắn đã bước vào. Rõ ràng là hắn đã chạy vội qua bãi cỏ vì dấu mũi chân in rõ nét hơn là gót chân. Nhưng không phải hắn khiến cho tôi ngạc nhiên mà là bạn đồng hành của hắn."

"Bạn đồng hành của hắn!"

Holmes rút từ trong túi ra một tờ giấy mỏng, rộng và thận trọng trải nó lên đùi.

"Anh nghĩ gì về thứ này?" Anh hỏi.

Trên tờ giấy là dấu chân của một con thú nhỏ. Có năm dấu bàn chân rất rõ ràng, với vết móng dài và cả dấu chân to gần bằng một cái thìa nhỏ.

"Đó là một con chó", tôi nói.

"Anh đã bao giờ nghe nói một con chó có thể leo lên rèm cửa chưa? Tôi đã tìm được những dấu vết rõ ràng cho thấy con vật này đã làm thế."

"Vậy là một con khỉ chăng?"

"Nhưng đây lại không phải là dấu chân của khỉ."

"Thế nó là con gì?"

"Chẳng phải chó, không phải mèo, cũng không là khỉ hay bất cứ loài vật nào mà ta quen thuộc. Tôi đã cố dựng lên hình dáng của nó từ các số đo. Đây là bốn dấu chân nơi con vật đã đứng yên. Anh xem khoảng cách từ bàn chân trước đến chân sau gần tới mười lăm inch. Ta hãy cộng thêm vào đó chiều dài của cái cổ và đầu thì anh sẽ có một con vật có thân hình dài không dưới hai foot - có thể là còn dài hơn nữa nếu nó có đuôi. Nhưng giờ thì hãy quan sát đến số đo này. Vì con thú đã di chuyển và ta có được chiều dài sải chân của nó. Mỗi lần nó chạy sải chân chỉ độ khoảng ba inch. Anh xem, ta đã có được hình ảnh về một thú có thân hình dài mà chân rất ngắn. Con vật đã không để lại vài sợi lông nhưng hình thể tổng quát của nó chắc chắn phải giống như tôi đã chỉ ra và nó có thể trèo lên rèm cửa, đồng thời là một động vật ăn thịt."

"Làm thế nào mà anh suy ra được?"

"Bởi vì nó leo lên tấm rèm cửa. Có cái lồng chim hoàng yến được treo ở cửa xếp và có vẻ như mục tiêu của nó là bắt con chim."

"Vậy con thú đó là gì?"

"À, nếu tôi mà có thể biết tên nó thì có lẽ ta đã tiến được một bước dài trong việc làm sáng tỏ vụ này. Nói chung thì có thể đó là một con vật thuộc nhóm chồn - tuy nhiên con này lớn hơn những con chồn mà tôi đã từng thấy."

"Nhưng nó đã làm gì trong vụ án này?"

"Đó cũng là điều khó hiểu. Nhưng chúng ta đã nắm được một số điều, anh thấy chứ. Chúng ta đã biết rằng có một người đàn ông đứng ngoài đường quan sát vụ cãi vã giữa hai vợ chồng Barclay - rèm cửa không buông và phòng sáng đèn. Chúng ta cũng biết rằng hắn ta chạy băng qua bãi cỏ, vào trong phòng cùng với một con thú kì lạ và rằng hoặc hắn đã đâm vào đầu đại tá hoặc ông ta ngã xuống chỉ vì sợ hãi khi nhìn thấy hắn ta và va đầu vào góc của cái chắn lò sưởi, điều này cũng có khả năng xảy ra tương đương với giả thuyết trước. Cuối cùng, ta có dữ kiện lạ lùng là kẻ đột nhập đã lấy chìa khóa khi hắn bỏ đi."

"Có vẻ như những phát hiện của anh còn làm cho sự việc trở nên khó hiểu hơn trước", tôi nói.

"Đúng thế. Rõ ràng là chúng cho thấy sự việc còn bí ẩn hơn phỏng đoán ban đầu. Tôi đã cân nhắc vấn đề và đi đến kết luận là phải tiếp cận vụ án từ một khía cạnh khác. Nhưng Watson này, tôi đã bắt anh thức khuya quá rồi, để mai tôi kể hết cho anh nghe trên đường đến Aldershot cũng được."

"Cảm ơn anh, nhưng anh kể đến đó rồi thì đừng ngừng lại."

"Một điều khá chắc chắn là khi bà Barclay rời khỏi nhà lúc 7 giờ 30 thì bà ta hãy còn vui vẻ với chồng. Bà ta chưa bao giờ bộc lộ tình cảm nồng nhiệt, tôi đã nói rồi thì phải, nhưng người xà ích có nghe tiếng bà ta nói chuyện với đại tá một cách thân thiện. Ngoài ra, cũng khá chắc chắn rằng ngay sau khi trở về nhà bà ta đã vào căn phòng ít có khả năng gặp mặt chồng nhất, cần ngay trà như cách phản ứng của một người phụ nữ đang căng thẳng, và cuối cùng khi ông đại tá đến gặp vợ thì đã xảy ra một màn buộc tội dữ dội. Do đó, trong khoảng thời gian từ 7 giờ 30 đến 9 giờ đã có chuyện gì đó làm thay đổi hoàn toàn thái độ của bà ta đối với chồng. Nhưng cô Morrison đã đi cùng với bà ta trong suốt một tiếng rưỡi đó. Vì thế, ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng cô ta phải biết gì đó về vấn đề này cho dù cô ta cứ một mực phủ nhận.

Phỏng đoán đầu tiên của tôi là, có lẽ giữa cô gái trẻ và ông đại tá có quan hệ gì đó mà cô ta vừa thú nhận với bà vợ. Điều này có thể giải thích cho cơn giận dữ khi trở về và cả việc cô gái phủ nhận đã có chuyện xảy ra. Giả thuyết này cũng rất phù hợp với hầu hết những điều ở trên. Thế nhưng cái tên David được nhắc đến và cả sự trìu mến của đại tá dành cho vợ mà ai cũng biết lại mâu thuẫn với giả thuyết này, đó là chưa kể đến việc người đàn ông kia đột nhập gây hậu quả bi thảm mà tất nhiên là hoàn toàn chẳng ăn nhập với phỏng đoán kia. Thật khó mà chọn ra hướng đi đúng nhưng nhìn chung thì tôi thiên về việc loại trừ ý kiến cho rằng có chuyện gì đó giữa đại tá và cô Morrison và hơn bao giờ hết tôi lại càng tin rằng cô gái trẻ này nắm giữ một manh mối về điều gì đã khiến cho bà Barclay trở nên căm ghét chồng mình. Vì thế, tôi chọn hướng đi rõ ràng nhất là ghé qua nhà cô Morrison, giải thích cho cô ta biết rằng tôi biết rõ là cô ta nắm giữ một số thông tin và cũng quả quyết với cô ta rằng nếu như vấn đề không được làm rõ thì bà Barclay, bạn của cô ta, có thể sẽ phải ra tòa với một bản án tử hình.

Cô Morrison là một cô gái mảnh dẻ thanh thoát với đôi mắt rụt rè và mái tóc vàng nhưng tôi nhận thấy cô ta chẳng hề thiếu sắc sảo và lí lẽ. Sau khi nghe tôi trình bày xong, cô ta ngồi suy nghĩ một lúc, rồi sau đó quay qua tôi với vẻ quyết đoán, cô ta đột nhiên kể lại một sự việc rất đáng chú ý mà tôi sẽ tóm tắt lại cho anh như sau:

'Tôi đã hứa với chị bạn là sẽ không nói gì về chuyện đó và hứa là hứa,' cô ta nói, 'nhưng nếu thực sự tôi có thể giúp được khi chị ấy bị buộc tội nặng nề như thế và khi cơn bệnh đã khiến cho người bạn thân mến của tôi không thể tự nói ra được thì tôi nghĩ rằng mình không còn bị ràng buộc bởi lời hứa ấy. Tôi sẽ kể cho ông nghe chính xác những gì đã xảy ra vào buổi tối hôm thứ hai.

Chúng tôi đang trên đường trở về từ trụ sở hội ở phố Watt vào khoảng 9 giờ kém 15. Trên đường về chúng tôi phải đi ngang qua phố Hudson, đó là một con đường rất vắng lặng. Chỉ có một ngọn đèn trên đường, ở phía bên trái và khi chúng tôi đến gần cột đèn thì tôi thấy một người đàn ông lưng rất còng và đeo một vật gì trông như cái hộp ở một bên vai đang bước về phía chúng tôi. Ông ta có vẻ rất dị dạng vì đầu gục xuống thấp và hai đầu gối thì cong lại khi bước đi. Khi chúng tôi bước ngang qua, ông ta ngẩng mặt lên nhìn chúng tôi trong quầng sáng rọi ra từ ngọn đèn và khi vừa trông thấy thì ông ta dừng bước và kêu lên bằng một giọng nghe rất đáng sợ: 'Lạy Chúa, Nancy đây mà!' Mặt chị Barclay bỗng trắng bệch như xác chết và gần như ngã xuống nếu cái con người trông rất khủng khiếp ấy không đỡ kịp. Tôi đã định gọi cảnh sát nhưng trước sự ngạc nhiên của tôi, chị ấy lại nói rất nhẹ nhàng với hắn.

'Em cứ nghĩ là anh đã chết từ ba mươi năm trước rồi, Henry,' chị ấy nói, giọng run run.

'Đúng là thế,' người ấy đáp và giọng nói của ông ta nghe mới thật là kinh khiếp. Mặt ông ta đen sạm thật dễ sợ và tia nhìn từ trong mắt ông ta cứ ám ảnh tôi trong những cơn mơ. Tóc và bộ râu quai nón của ông ta đã điểm bạc còn khuôn mặt thì nhăn nheo như một quả táo héo.

'Em đi trước một quãng đi,' chị Barclay bảo tôi, 'chị muốn nói với người này vài lời. Chẳng có chuyện gì đâu, em đừng sợ.' Chị ấy cố gắng nói một cách quả quyết nhưng mặt hãy còn xanh mét và khó khăn lắm mới thốt ra lời vì đôi môi cứ không ngừng run. Tôi làm theo lời chị ấy bảo và họ nói chuyện với nhau trong vài phút. Sau đó chị ấy đi xuống phố, mắt rực lên và tôi nhìn thấy người đàn ông tàn tật khốn khổ ấy đứng bên cột đèn và vung nắm đấm lên không trung như thể đã hóa điên vì giận dữ. Chị ấy chẳng nói một lời nào cho đến khi về đến trước cửa nhà tôi, lúc đó chị cầm tay tôi và xin tôi đừng kể cho ai nghe chuyện vừa xảy ra. 'Đó là một người quen cũ của chị đã lâm vào cảnh sa sút,' chị nói thế. Chị ấy hôn tôi khi tôi hứa với chị rằng sẽ không nói gì cả, rồi kể từ lúc đó tôi không còn gặp lại chị ấy nữa. Giờ thì tôi đã kể cho ông nghe toàn bộ sự thật và sở dĩ tôi từ chối không cho cảnh sát biết là vì tôi không nhận thức được tình thế nguy hiểm mà chị bạn thân mến của mình đang lâm vào. Tôi biết rằng chỉ có thể cứu được chị khi mọi chuyện đều được làm rõ.'

Cô ta đã kể như vậy đấy, Watson ạ, và anh có thể hiểu được rằng với tôi thì nó như một tia sáng rọi giữa đêm đen. Mọi thứ trước đây còn rời rạc thì ngay lập tức đã trở về đúng vị trí và tôi đã có cảm nhận sơ sơ về toàn bộ chuỗi sự kiện này. Tất nhiên bước kế tiếp của tôi là đi tìm người đàn ông đã khiến bà Barclay xúc động mạnh. Nếu ông ta hãy còn ở Aldershot thì vấn đề cũng không đến nỗi khó khăn. Vùng này không có đông dân cư cho lắm và một người có hình thù dị dạng thì chắc chắn là sẽ thu hút sự chú ý. Tôi bỏ ra cả ngày để tìm kiếm và đến tối - đúng tối hôm nay, Watson ạ - tôi đã tìm ra tung tích của ông ta. Người đàn ông đó tên là Henry Wood và ông ta trọ trên cùng con phố mà hai người phụ nữ đã gặp ông ta. Ông ta mới đến đó có năm ngày. Trong vai một cán bộ phụ trách đăng kí cử tri tôi đã trò chuyện rất thú vị với bà chủ nhà. Ông ta sống bằng nghề làm trò ảo thuật và diễn rong, trời tối là lại đi một vòng quanh các căng tin và ở mỗi nơi lại diễn vài trò giải trí. Ông ta đem theo một con thú trong cái hộp đó, về điểm này thì bà chủ nhà có vẻ khá sợ vì bà ta chưa bao giờ trông thấy con thú nào như thế. Ông ta cho nó tham gia diễn vài trò, theo lời bà ta. Bà ta kể cho tôi nghe những chuyện đó, lại còn nói thêm nào là với mức độ biến dạng đến thế mà ông ta còn sống được thì quả là một điều kì diệu, nào là đôi khi ông ta nói bằng một thứ tiếng rất lạ rồi thì hai đêm vừa rồi bà ta nghe tiếng ông ta rên rỉ và khóc lóc trong phòng. Về mặt tiền nong, ông ta cũng không tệ, nhưng khi đóng tiền cọc để thuê nhà thì ông ta đã đưa cho bà một đồng florin trông rất giống tiền giả. Bà ta đưa cho tôi xem, Watson ạ, và hóa ra đó là một đồng rupi Ấn Độ.

Bạn thân mến, thế là anh đã thấy rõ chúng ta đang ở đâu và vì sao mà tôi cần đến anh. Rõ ràng là sau khi hai người phụ nữ đi, ông ta đã bám theo họ, rồi qua cửa sổ ông ta trông thấy cảnh hai vợ chồng họ cãi nhau, ông ta lao vào và con thú mà ông ta đem theo trong cái hộp bị sổng ra. Tất cả những điều đó là chắc chắn. Nhưng ông ta là người duy nhất trên đời này có thể cho chúng ta biết chuyện gì đã xảy ra trong căn phòng ấy?"

"Và anh định sẽ hỏi ông ta?"

"Gần như thế, nhưng cần có một nhân chứng."

"Và tôi sẽ là người làm chứng?"

"Nếu anh đồng ý thì rất hay. Nếu ông ta có thể làm sáng tỏ vấn đề thì quá tốt. Còn nếu ông ta từ chối thì ta không còn cách nào khác hơn là phải xin lệnh bắt."

"Nhưng làm thế nào mà anh biết được ông ta sẽ vẫn còn ở đó khi chúng ta quay lại?"

"Anh có thể yên tâm là tôi đã đề phòng. Tôi đã nhờ một nhóc trong đội quân ở phố Baker canh gác ông ta và thằng bé sẽ bám sát lấy ông ta như đỉa cho dù ông ta có đi đâu. Ngày mai chúng ta sẽ gặp ông ta ở phố Hudson, Watson ạ, còn bây giờ thì chính tôi sẽ là người có tội nếu bắt anh thức lâu hơn."

***

Đến trưa ngày hôm sau, chúng tôi đã đến nơi xảy ra tấn thảm kịch và dưới sự hướng dẫn của bạn tôi, chúng tôi đi ngay đến phố Hudson. Dù Sherlock Holmes rất giỏi che giấu cảm xúc nhưng tôi vẫn dễ dàng nhận ra anh đang cố gắng kìm nén sự phấn khích, còn bản thân tôi thì rộn lên niềm vui thích vừa có tính vận động vừa có tính trí tuệ mà tôi luôn cảm nhận được mỗi khi tham dự vào những cuộc điều tra của anh.

"Con phố đây rồi", anh thông báo khi chúng tôi rẽ vào một con đường ngắn với những dãy nhà gạch hai tầng đơn giản. "À, Simpson đang đến báo cáo kia rồi."

"Ông ta vẫn còn ở trong đó, ông Holmes ạ", một thằng nhóc bụi đời vừa kêu to vừa chạy tới gặp chúng tôi.

"Giỏi lắm, Simpson!" Holmes vỗ nhẹ lên đầu nó. "Đi nào, Watson. Căn nhà này đây." Anh đưa vào một tấm danh thiếp có ghi lời nhắn rằng anh đến đây vì một việc quan trọng và chỉ một lúc sau chúng tôi đã đối diện với người đàn ông mình đến tìm. Dù trời đang ấm ông ta vẫn khom người gần bên ngọn lửa và căn phòng nhỏ bé nóng như một cái lò. Người đàn ông ngồi vặn vẹo và co quắp trên ghế với một tư thế dị dạng không sao tả xiết; nhưng gương mặt quay ra phía chúng tôi, dù đen sạm và nhàu nát, hẳn đã có thời hết sức đẹp đẽ. Ông ta ngờ vực nhìn chúng tôi bằng cặp mắt vàng khè như người đau gan và chẳng hề mở miệng hay đứng lên, ông ta phẩy tay về phía hai chiếc ghế.

"Hẳn ông là Henry Wood, trước đây từng sống ở Ấn Độ", Holmes nhã nhặn hỏi. "Tôi đến đây vì một vấn đề nhỏ liên quan đến cái chết của đại tá Barclay."

"Tôi thì liên quan gì tới chuyện đó?"

"Đó chính là điều mà tôi muốn xác minh. Ông biết đấy, tôi nghĩ rằng trừ phi sự việc được làm sáng tỏ, nếu không thì bà Barclay, một người bạn cũ của ông, hoàn toàn có thể bị đưa ra xét xử vì tội sát nhân."

Người đàn ông giật nẩy mình.

"Tôi không biết ông là ai", ông ta kêu lên, "cũng chẳng hiểu vì sao ông lại biết được điều mà ông vừa nói, nhưng ông có dám thề rằng chuyện ông nói là sự thật?"

"Ồ, người ta chỉ còn đợi bà ta tỉnh lại là bắt ngay."

"Lạy Chúa! Ông có làm việc cho cảnh sát không vậy?"

"Không."

"Vậy thì việc gì mà ông phải dính vào?"

"Thực thi công lí là nhiệm vụ của mọi người."

"Ông có thể tin vào lời tôi rằng bà ấy vô tội."

"Thế thì ông là kẻ có tội."

"Không, tôi chẳng làm gì sai cả."

"Vậy ai đã giết đại tá James Barclay?"

"Chính ý Chúa đã giết hắn. Nhưng, ông hãy nghe đây, nếu như tôi có đập vỡ sọ hắn ra, như tôi vẫn hằng khao khát, thì cũng xứng đáng với những gì hắn nợ tôi. Nếu sự dằn vặt trong lương tâm chưa vật hắn xuống thì rất có thể chính tôi đã ra tay. Ông muốn nghe tôi kể lại chuyện ấy à? Được, tôi thấy chẳng có lí do gì mà không kể vì tôi chẳng có gì phải xấu hổ cả.

Chuyện xảy ra như thế này thưa ông. Ông thấy tôi hiện giờ lưng thì gù mà xương sườn lại vẹo, nhưng đã có thời hạ sĩ Henry Wood này là chàng trai bảnh nhất tiểu đoàn bộ binh 117. Lúc đó chúng tôi ở Ấn Độ, đóng trong các đồn ở một vùng tên là Bhurtee. Barclay, kẻ đã chết hôm trước, là trung sĩ cùng trung đội với tôi; còn hoa khôi của trung đoàn, phải nói là người con gái đẹp đẽ nhất trên đời, chính là Nancy Devoy, con gái ông thượng sĩ. Có hai người đàn ông cùng si mê cô gái và một người được nàng đáp lại, nhìn cái thân xác tàn tạ rúm ró trước lò sưởi này chắc các ông sẽ phì cười khi tôi nói là chính vẻ điển trai của tôi đã khiến nàng phải lòng tôi. Thế nhưng dù tôi chiếm được con tim nàng, cha nàng lại muốn gả nàng cho Barclay. Tôi là một chàng trai liều lĩnh và khinh suất còn hắn lại là người có học và đã được chấm vào hàng ngũ đeo gươm và mang đai. Nhưng nàng vẫn chung tình với tôi và có vẻ như tôi sắp sửa lấy được nàng thì cuộc bạo loạn xảy ra và cả vùng chìm trong hỗn loạn.

Chúng tôi bị vây chặt ở Bhurtee, cả trung đoàn chúng tôi cộng thêm một nửa đội pháo binh, một trung đội người Sikh cùng rất nhiều thường dân và phụ nữ. Có đến hàng ngàn phiến quân bao vây chúng tôi hung hăng như đàn chó săn vây quanh lồng chuột. Sang đến tuần thứ hai thì chúng tôi bắt đầu hết nước và vấn đề đặt ra là liệu chúng tôi có thể liên lạc với quân của đại tướng Neill đang di chuyển lên phía bắc không. Đó là cơ hội duy nhất của chúng tôi vì còn có nhiều phụ nữ và trẻ em, chúng tôi không thể nào chiến đấu để mở một lối thoát, vì thế tôi xung phong vượt vòng vây và đi báo cho tướng Neill biết tình hình. Đề nghị của tôi được chấp thuận và tôi bàn bạc với trung sĩ Barclay là người biết rõ địa hình nhất và hắn đã vạch ra một lộ trình mà tôi có thể thoát qua phòng tuyến của quân nổi loạn. Vào 10 giờ đêm cùng ngày tôi lên đường. Có cả ngàn tính mạng đang đợi cứu nhưng khi vượt qua bức tường đêm đó tôi chỉ nghĩ đến một người mà thôi.

Con đường tôi phải đi chạy dọc theo một con suối cạn mà chúng tôi hi vọng là sẽ che chắn tôi khỏi tầm mắt của bọn lính gác bên địch, nhưng khi tôi vừa bò qua một khúc quanh của con suối thì rơi ngay vào tay sáu tên địch đang núp trong bóng tối đợi sẵn. Ngay lập tức tôi bị giáng cho một cú bất tỉnh rồi bị trói chặt cả chân tay. Nhưng cú đánh thực sự giáng vào tim tôi chứ không phải vào đầu vì khi tỉnh lại tôi cố nghe chúng nói chuyện với nhau và những gì tôi hiểu được đủ cho tôi biết rằng đồng đội của mình, chính con người vạch đường cho tôi, đã phản bội tôi bằng cách sai một tên hầu bản địa báo tin cho địch.

Tôi chẳng cần phải nói nhiều về chuyện ấy. Giờ thì các ông đã biết rằng James Barclay đã làm những gì. Ngày hôm sau thì tướng Neill đến giải vây cho Bhurtee nhưng khi rút đi bọn phiến loạn đem tôi theo và trong suốt nhiều năm tôi chẳng hề nhìn thấy một người da trắng nào. Tôi bị tra tấn và cố gắng bỏ trốn nhưng không thoát được và lại bị tra tấn. Các ông chắc cũng tự hiểu được tình trạng của tôi lúc đó ra sao. Vài tên trong bọn bỏ trốn sang Nepal và bắt tôi đi cùng chúng rồi sau đó tôi lại bị đưa lên Darjeeling. Tộc người ở vùng núi này giết những kẻ nổi loạn đang giam giữ tôi, thế là tôi trở thành nô lệ của họ một thời gian đến khi tôi trốn thoát; nhưng thay vì đi về phía nam thì tôi ngược lên bắc mãi đến khi gặp những người Afghanistan. Tôi lang bạt ở đó nhiều năm và cuối cùng thì quay trở lại Punjab, nơi tôi sống chủ yếu cùng người bản xứ và kiếm sống bằng những trò ảo thuật mà tôi đã học. Trở về nước Anh hay báo tin cho những đồng đội cũ thì có ích lợi gì cho tôi, một gã què quặt khốn khổ? Thậm chí cả ý muốn trả thù cũng không khiến tôi làm thế. Chẳng thà để Nancy và những bạn bè ngày xưa nghĩ rằng Henry Wood đã chết với một cái lưng thẳng thớm còn hơn là trông thấy hắn sống sót và chống gậy lê lết như một con khỉ đột. Họ chẳng nghi ngờ gì tôi đã chết và tôi thì muốn rằng họ cứ mãi như thế. Tôi nghe nói là Barclay đã cưới Nancy và hắn đã nhanh chóng thăng tiến trong trung đoàn, nhưng ngay cả điều ấy cũng không làm cho tôi mở miệng.

Nhưng khi già đi người ta lại ao ước được trở về quê nhà. Đã bao năm tôi vẫn thường mơ đến những cánh đồng xanh tươi và những bờ giậu của Anh quốc. Cuối cùng, tôi quyết định phải nhìn lại những cảnh ấy trước khi chết. Tôi đã dành dụm đủ tiền để về và rồi tôi đã đến đây nơi có những đồn lính vì tôi biết rõ tính cách của họ và cách mua vui cho họ để kiếm sống."

"Câu chuyện ông kể thật là lôi cuốn", Sherlock Holmes nhận xét. "Tôi đã nghe về lần gặp gỡ giữa ông và bà Barclay và hai người đã nhận ra nhau. Sau đó, theo như tôi hiểu thì ông đi theo bà ấy đến tận nhà và qua cửa sổ đã chứng kiến cuộc cãi vã của hai vợ chồng họ, trong khi cãi nhau bà ta đã xỉ vả chồng về việc ông ta đã làm với ông. Những cảm xúc trong ông chợt bừng dậy và ông đã chạy băng qua bãi cỏ rồi xông vào cắt ngang chuyện của họ."

"Tôi có làm thế, thưa ông và khi vừa nhìn thấy tôi thì hắn có phản ứng lạ thường chưa từng thấy, rồi hắn ngã xuống va đầu vào cái chắn lò sưởi. Nhưng trước khi ngã xuống thì hắn đã chết rồi. Tôi nhìn thấy tử thần hiện lên trên mặt hắn rõ mồn một như hàng chữ phía trên lò sưởi kia. Chỉ cần trông thấy tôi là hắn đã như bị một viên đạn xuyên qua trái tim tội lỗi."

"Rồi sau đó thì sao?"

"Sau đó Nancy ngất xỉu và tôi cầm lấy chiếc chìa khóa cửa trong tay nàng định bụng sẽ mở cửa ra và kêu người đến giúp. Nhưng khi sắp mở cửa thì tôi nghĩ có lẽ cứ để như thế và bỏ đi thì tốt hơn vì tôi có thể bị tình nghi trong vụ này, vả lại bí mật của tôi cũng sẽ bị phơi bày nếu tôi bị bắt. Trong khi gấp gáp tôi nhét bừa chiếc chìa khóa vào túi và đánh rơi cây gậy khi lo đuổi bắt Teddy đang trèo lên tấm rèm cửa. Khi nhốt được nó vào hộp thì tôi bỏ chạy thục mạng."

"Teddy nào?" Holmes hỏi.

Người đàn ông khom người xuống và kéo ra phía trước một thứ trông giống như cái chuồng thỏ đặt trong góc phòng. Ngay lập tức từ trong chuồng bò ra một con vật xinh đẹp có bộ lông màu nâu đỏ, thân hình thon nhỏ và uyển chuyển, cẳng chân trông như chân loài chồn ermine, cái mũi dài nhỏ và đôi mắt màu đỏ tuyệt đẹp mà tôi chưa từng thấy ở loài vật.

"Đây là một con cầy mangut", tôi kêu lên.

'Vâng, có người gọi nó bằng cái tên đó, có người lại kêu nó là con cầy nâu", người đàn ông giải thích. "Tôi thì gọi chúng là chồn bắt rắn, Teddy mà gặp rắn hổ mang thì lanh lẹ lắm. Ở đây tôi có một con đã bị bẻ nanh và mỗi đêm Teddy lại bắt nó để làm trò vui cho những khách trong căng tin. Còn điều gì cần hỏi nữa không, thưa ông?"

"Có thể chúng tôi sẽ phải gặp ông lần nữa nếu như bà Barclay gặp rắc rối nghiêm trọng."

"Trong trường hợp đó thì tất nhiên là tôi sẽ ra trình diện."

"Nếu mọi việc diễn ra êm xuôi thì không cần phải khơi lại điều tiếng không hay cho người chết, dù hắn đã làm ra chuyện rất độc ác. Ít ra thì ông cũng được thỏa lòng chút ít khi biết rằng trong suốt ba mươi năm qua lương tâm hắn vẫn luôn cắn rứt nặng nề về hành vi xấu xa ấy. À, thiếu tá Murphy đã đến phía bên kia đường rồi. Xin tạm biệt, ông Wood. Tôi cần phải xem từ hôm qua tới giờ có chuyện gì xảy ra không."

Chúng tôi ra đến nơi vừa kịp lúc để bắt kịp thiếu tá trước khi ông ta đi đến góc phố.

"À, ông Holmes", ông ta nói. "Tôi chắc ông đã biết tin là mọi chuyện ồn ào này chẳng đi đến đâu cả."

"Chuyện là thế nào?"

"Cuộc điều tra vừa mới kết thúc. Bằng chứng pháp y cho thấy rõ ràng nguyên nhân cái chết là do đột quỵ. Ông xem, rốt cuộc thì đây lại là một vụ khá đơn giản."

"Ồ, đúng là đơn giản quá!" Holmes vừa nói vừa cười. "Đi thôi nào, Watson, tôi nghĩ rằng chẳng ai còn cần đến chúng ta ở Aldershot nữa."

"Nhưng còn một điều", tôi nói khi chúng tôi bước ra sân ga, "nếu tên của người chồng là James và người đàn ông kia tên Henry, vậy thì cái tên David nghĩa là sao?"

"Watson thân mến, nếu tôi là nhà suy luận hoàn hảo như anh thường miêu tả thì chỉ một từ ấy thôi đã đủ nói lên cả câu chuyện rồi. Rõ ràng đó là một lời nhiếc móc."

"Nhiếc móc à?"

"Phải, anh biết đấy, vua David cũng có khi lầm đường lạc lối, và một lần ông ta cũng hành xử gần giống đại tá James Barclay. Anh còn nhớ điển tích về Uriah và Bathsheba chứ? Tôi e rằng kiến thức về Kinh Thánh của mình đã rơi rụng nhiều nhưng anh sẽ thấy câu chuyện đó trong sách Samuel 1 hoặc 2."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro