Xuân hạ thu đông rồi lại xuân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Xuân-hạ-thu-đông rồi lại xuân là phim điện ảnh Hàn Quốc. Nội dung phim kể về 3 thế hệ nam sư trong một ngôi thủy am, với thế hệ thứ hai trung gian nên là trung tâm câu chuyện, thế hệ thứ nhất miêu tả kết thúc, trong khi thế hệ thứ ba ngược lại miêu tả khởi đầu, từ đó tạo nên dòng chảy của đời người. Qua đó phim miêu tả về cách con người tìm về bản ngã cũng như phật tánh khi chu chuyển cùng dòng thời gian xuân qua thu lại.

Phim quay tại hồ Pusan tỉnh Kyungsang, thủy am có phong thủy tốt, lưng mặt núi nên vững chãi. Nói một chút về thủy am, tuy vững trãi nhưng nhấn mạnh là nó biệt lập với thế giới bên ngoài khi hòa vào thiên nhiên hữu tình. Tôi gọi ba thế hệ sư là sư già, sư trẻ (lúc bé, lúc lớn, lúc trưởng thành, lúc già) và sư con cho khỏi rối. Không ai nói đến lịch sử thủy am cả, nó hiện lên sừng sững như nó đã tồn tại với bốn mặt là nước bao quanh, kỳ bí và man mác như chính nó vốn thế. Ở đó có một tượng Phật bên trong và một chiếc thuyền là cầu nối giữa sự tách biệt và hòa nhập bên ngoài am, cùng một cánh cổng tượng trưng với hai hình vẽ Phật trấn giữ. Hình ảnh rất gợi và nhiều ẩn ý sẽ xuất hiện nhiều lần trong bài viết này của tôi, vì phần hình ảnh là phần khá nhất của phim. Nhưng ý chính của tôi khi nói vậy tức là khẳng định không ai biết tại sao vị sư già lại ở đó, sư ông ở đó vốn dĩ với một quá khứ của riêng ông, đủ để ông có trãi nghiệm xuyên suốt và toàn diện đến cuộc đời sư trẻ. Có thể hình ảnh sư trẻ chính là hình ảnh khi còn trẻ của sư già hoặc không, nhưng theo đánh giá của tôi ông ở lại trong ý nghĩ của khán giả thông qua tư tưởng và hành động để trả nghiệp nhiều hơn là tạo nghiệp, và như thế cuộc đời ông có chỗ đầy những cũng có chỗ khuyết.

Phim viết về nghiệp trong luân hồi để các nhân vật giác ngộ rồi tìm về với phật tánh, đây là một chủ đề cao siêu. Xin phép cho tui tâm sự chút rồi viết tiếp. Thường review mấy phim nội dung cao siêu về tôn giáo, về nhân tính, về bản ngã khá là mệt óc, mà phán quàng phán xiên là dễ bị chửi như chơi nên tui ít review, còn review dạng này thường tui chỉ chọn review mấy phim hợp ý nên khen ngút trời, nhưng cái phim ...rồi lại xuân này thì không hợp ý tui, thấy nó được mỗi hình ảnh đẹp, ý tứ cũng hay ho và đột phá nhưng cách thể hiện "tự đánh bóng" cứ xoáy sâu vào một điểm phá cách đó khiến nó sắc nhưng hông sâu, hông thoáng, hông ngộ được căn bản tinh hoa của Phật học. Tui đặc biệt thắc mắc về thiết kế tình huống trong phim, cách thiết kế mang đến một cảm giác ...hơ hớ như đưa mỡ trước miệng mèo. Thì tui biết, tất cả cách thiết kế hình ảnh này chỉ mang tính trừu tượng để biểu đạt ý tứ đằng sau nó, nhưng mà tui là fan của truyện/phim trinh thám nên coi cái gì tui cũng chú ý đến hoàn cảnh hết, theo quan điểm của tui thì phải có A mới có B, phải có lửa mới có khói, muốn tắt khói thì phải dập lửa. Mà cái phim này nó làm tui thấy lạ lùng là nó có tượng Phật mà nó hông có được những tư tưởng căn bản của Phật dạy. Thiếu là thiếu ở chỗ đó, gãy là gãy ở chỗ nó quên đi những điều căn bản về Phật khi bàn về kinh kệ cao siêu mà quên đi mất mấy cái rất chi là thú dị của Phật pháp mà tui lúc nào cũng kính trọng thầy tăng làm được hết trơn, vì tui làm không được.

Trước tiên là cách thiết kế tình huống cho sư trẻ lúc nhỏ buộc đá vào lưng con cá, con ếch, con rắn rồi thích thú nhòm mấy con vật đó giãy giụa. Ông sư già ổng thấy những ổng không ngăn, đêm đó ổng mới vác tảng đá ổng buộc vô lưng sư trẻ lúc bé để dạy nó biết thế nào là "nghiệp". Thiệt là cu tèo, tui hông hiểu ông đạo diễn ổng muốn dạy kiểu gì mà tui thấy ổng xử lý tình huống chậm rì từ hôm nay qua đến ngày mai để có hình ảnh con cá chết, rồi con rắn tương đầu vào đá chết xong sư trẻ lúc bé khóc lên để thể hiện chữ "nghiệp" sẽ đeo đẳng như cục đá đeo đẳng cả đời. Tui thắc mắc thứ nhất là sao tui không thấy Ngũ giới xuất hiện ở đây cà? Thắc mắc đơn giản nhất, đã vào cửa Phật thì hẳn ai cũng biết là ngũ giới hông sát, hông trộm, hông dâm, hông dối, hông nghiện. Vậy mà sư trẻ lúc bé không biết cột cục đá vào mấy con vật là phạm đại giới sát sanh vì giới sát sanh không phải chỉ là giết chết sinh vật, mà là làm bị thương, có ý định giết sinh vật. Tui còn thắc mắc một chỗ nữa trong tình huống này, tức là thời điểm ông sư già ổng cột cục đá vô sư trẻ tại sao phải là ban đêm và không cho nó biết là ổng cột, tức là ổng muốn nói với nó rằng khi con tạo "nghiệp" thì con sẽ lãnh nghiệp khi mà con không biết chứ gì, màu mè chi rứa, ổng cột đại lúc nó vừa về rồi bắt nó đi thả mấy con vật tội nghiệp thì đã tránh được cái nghiệp đó cho cả sư trẻ và cho cả chính ổng. Sư già phạm giới vì không ngăn khi thấy người khác phạm giới. Tui biết ổng là sư cao siêu nên tâm niệm không nhúng tay vào cuộc đời người khác nhưng mà tui thấy thiếu căn bản vì con nít nó như tờ giấy trắng, dẫu theo quan điểm " nhân chi sơ tính bổn thiện" hay "nhân chi sơ tính bổn ác" thì cái đích cuối cùng của Phật chính là dẫn con người về Phật tánh, dẫn dắt bằng con đường hướng thiện, ngăn chặn ác chính là điều đơn giản nhất, là cửa miệng của nhà Phật. Đây chính là chỗ siêu nhưng không cao của phim, nó khiến phim đánh bóng ý nghĩ thứ cấp trong khi ý nghĩ sơ cấp chưa được hoàn thiện.

Cảnh 2 là cảnh sư trẻ phạm giới tà dâm. Tui chẳng trách gì sư trẻ cả, hoàn cảnh đưa đẩy cứ gọi là mỡ trước miệng mèo mà mèo nó không xơi thì chỉ có là mèo thái giám. Khung cảnh cô độc, thanh tĩnh với một túp am đơn cô độc, cô nam quả nữ đêm trăng thanh gió mát mà người con gái cứ mơn mởn thì thái giám mới chịu nổi, có phải sư nào cũng được như Đường Tam Tạm tụng kinh khi thấy mỹ nữ đâu, nên thành túp lều am hai trái tim vàng cũng dễ hiểu thôi. Đây lại là hoàn cảnh chẳng có gì ngăn trở, cô gái đến thủy am để chữa bệnh trầm cảm và nhà sư già vô tư nhận xong xếp cho cô gái ngủ bên phải gian thờ Phật, sư già và sư trẻ nằm bên trái cách có mấy viên gạch, sắc đẹp cô gái xuân thì đập vô mắt bảo sao sư trẻ không nhòm qua ngó lại, hơ hớ vậy mà, trai đơn gái chiếc thêm ông sư già (cố ý) vô tâm thì làm sao mà tránh. Nhân đây mời ai có hứng xem Trường Vũ-Như Quỳnh ca "ước gì mình đừng ngăn cách, ước gì nhà mình chung vách, anh... nghe đi rồi biết liền". Video này hài hước và dễ thương ghê luôn. Có vách mà người ta còn toan còn tính, có người lớn tuổi rồi mà chú còn đòi xử cái vách ngăn thì nói gì đến trai tráng 17 tuổi hông có cái vách ngăn nào ở đây thì đi đâu cũng đến thôi. Thiện tai.

Trong khi đó thì nhà sư già không ngăn chặn nên sự việc diễn ra cái gì tất nhiên nó phải diễn ra. Phản tự nhiên rồi cũng sẽ trở về với tự nhiên, hành trình ra đi rồi lại trở về, trở về là để ra đi thế thôi. Có lẽ tui là người phàm mắt thịt nên chuyện ăn nằm kiểu này góc nhìn của tui khác với cách nhìn của nhà sư, nhưng tui hỏi khí chớ có ai thấy ở ngoài đời chùa nào cho cả nam và nữ tu chung đâu phải không, ngay cả sư thầy với sư cô mà người ta còn không tin sức chịu đựng của giới chân tu nên phòng hơn chữa đó nữa thì nói gì đến một bên là cô gái ăn mặn ngủ mặn, chạy trời cũng không khỏi phạm giới là đúng rồi, đừng nói ngồi lên con lân linh vật chứ ngồi đâu thì sư trẻ cũng chịu hết đó, đến giờ rồi mà. Người ta nói "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên". Tình huống này chỉ có cái vế "thành sự tại ...nghiệp" nên không tròn là vì vậy. Nhân nói về tâm bệnh kể câu chuyện xưa. Ngày xưa có anh hầu nhà kia yêu cô chủ ngày qua tháng lại hầu cận nhưng không biết cách nào để lấy được cả do bố mẹ nàng định gả nàng cho nhà quan. Đột nhiên cô con gái mắc bệnh về tiêu hóa, đi ngoài toàn dòi bọ không thôi, ai cũng hoảng hồn tìm kiếm thuốc thang mãi mà chẳng khỏi, thế là đi tong mấy vụ cưới hỏi, không ai dám vác về cả. Anh chàng người hầu ấy mới liều mạng học lỏm rồi bảo lại có cách chữa khỏi nhưng chỉ chữa được khi có một mình cô gái mà thôi. Chuyện gì xảy ra thì ai cũng biết, chữa trị mấy tháng thì cô gái thoát khỏi bệnh này nhưng vác cái bệnh 9 tháng 10 ngày. Chuyện cười nhưng chẳng có chi đáng cười hết, thiệt tình là kể để minh họa cho chứng tâm bệnh do bị trai đá của cô gái trong phim đã được được lấy độc nam sư trị độc trai trần thôi. Thêm nữa căn bệnh dòi bọ trong câu chuyện cười trên là thành quả một tay của anh người hầu, còn tui cho rằng căn bệnh của cô gái đến thủy am là một hoàn cảnh khiên cưỡng, sắp xếp lộ liễu như cách cậu kia sắp xếp căn bệnh dòi bọ vậy. Ví dụ cô gái ấy đến sống gần am rồi nhờ nhà sư già chữa bệnh còn được, chàng sư trẻ thang thuốc đi qua đi lại rồi trốn đi yêu đương với nhau nó hợp lý hơn là cách đẩy cô nam quả nữ hành hạ thuyền độc mộc xoay như điên giữa những đêm mây mưa trước mặt tiền cửa Phật. Mà phải công nhận phim này nó sợ người ta hông hiểu là chuyện riêng tư cũng rất tự nhiên nên nó cho thuyền trôi lững lờ giữa mặt tiền chứ không phải mặt hậu, việc phạm giới nó hiên ngang chứ không có lén lút gì cả, và phim cũng không bao giờ chiếu cảnh mặt hậu của thủy am vì phim muốn trưng bày ý niệm thứ hai trong Bát nhã ba la mật đa kinh, phần đinh của phim sẽ xuất hiện trong mùa thu sau khi sư trẻ lên đường đi tiếng gọi của đời trai cần gái...

Và rồi cũng là để tìm về. Thu gợn những ngọn gió lay nhẹ cành khô, nước hiu hắt lăn tăn gợn. Cảnh đẹp, tĩnh mịch và thâm u. Tui không có ý kiến nhiều về thiết kế tình huống ở đây, chỉ phải nói là Phật pháp Bát nhã ba la mật đa kinh có sức cảm hóa được đạo diễn cường điệu khi trong một đêm giác ngộ cả trời tinh hoa Phật pháp. Sẽ trở lại phần Bát nhã ba la mật đa kinh trong phần bàn luận đàng hoàng với những hình ảnh biểu tượng của phim. Đoạn này tui chỉ ý kiến đoạn nhà sư già cho nhà sư trẻ ăn đòn roi để giải tỏa cơn cuồng nộ chất chứa trong lòng sư trẻ do lòng tham sân si với cõi trần, muộn rồi sư ơi, khi ván đã đóng thuyền, sao sư không đập những ngày còn thơ đi sư?. Hình ảnh nhà sư già lúc này như một người đứng bên cạnh sư trẻ, không răn nhưng lại đầy tính nhân văn như thể đạo diễn dạy khán giả phải nhân văn như thế và Phật pháp tinh hoa như thế. Rằng hãy biết cách chấp nhận hiện thực, hãy đối diện với hiện thực dù nó như thế nào. Đôi khi chấp nhận lại trở thành đối phó với hiện thực chứ không phải chấp nhận đơn thuần, nhà sư già không gỡ rối những sự việc nhỏ từ trước nhưng khi có tâm lý lớn hơn xuất hiện thì ông lại nhúng tay vào để gỡ và thể hiện Phật pháp Bát nhã ba la mật đa kinh, quá mâu thuẩn với nguyên lý của Phật là phật tánh xuất hiện từ những cái nhỏ nhất mà vun đắp những cái lớn lao. Vì vậy nhà sư già bây giờ lại không thống nhất với nhà sư lúc xưa-buông xuôi mọi việc về cuộc đời cậu sư trẻ dễ dàng, chuyện gì đến nó sẽ đến. Nếu là một người đi ngang cuộc đời nhà sư trẻ thì những đòn, những roi ấy là cách con người ta thông cảm cho nhau, giải tỏa và hạnh ngộ cho nhau, nhưng với nhà sư già thì khác, vì ngày xưa ông không trực tiếp ra tay thì tại sao bây giờ lại phải ra tay trực tiếp? Nhà sư già thay đổi hay ông đang hối hận?

Hình ảnh tự thiêu và con rắn, cũng như con mèo của nhà sư già sẽ được nói đến phần sau, còn phần này nói tiếp phần Đông giác ngộ, gọi là hành trình trở về của nhà sư trẻ cũng như phần lại xuân. Phần đông thì chỉ có mỗi nhà sư trẻ lúc đã già sau khi ra tù và về lại bắt đầu lại quá trình về với Phật. Không có gì để nói nhiều vì nó không phải thế mạnh tạo dư luận của đạo diễn Kim Ki-duk, ông sợ người khác không hiểu nhà sư còn nặng lòng nên phải đeo cục đá trèo đèo lội suối để đặt tượng Phật lên núi cao, cảnh đẹp, tượng Phật nhìn xuống tạo sự cô đơn và giác ngộ đến cảm quan người xem nhưng hình như Kim Ki-duk chưa bao giờ để nhà sư nghĩ về quá khứ khi ở một mình như cách tượng Phật bao quát khung cảnh, có lẽ ký ức trống chỉ để nhà sư hướng đến tương lai và dành quá khứ lại duy nhất một lần khi sư trẻ nhìn thấy cảnh cậu sư con móc mỏ cá, ếch, rắn để nhét đá vào. Hành động bạo lực tăng cường độ, hay nói vui là tăng đẳng cấp để thể hiện vòng nghiệp mới bắt đầu, lại xuân và lại khởi đầu những duyên nghiệp giống nhau tại ngôi thủy am mà mọi chú tiểu đều quậy phá và mang sẵn tính ác như nhau, lặp lại một điều gì đó hai lần qua hai thế hệ khiến cảm nhận cuộc đời bế tắc, vòng nghiệp không rộng, không sâu mà công thức và rập khuôn, rao giảng, thiếu tự nhiên dù câu chuyện có ý hướng mọi việc tự nhiên.

Thôi không chê nữa, và không tâm sự nữa luôn, bàn đàng hoàng với những hình ảnh biểu tượng của phim và ý tứ của phim hướng đến. Nếu ví dụ như làm phim là xây nhà thì Kim Ki-duk xây móng yếu nhưng lo chăm chút cho phần mái thì đẹp, đã chê móng yếu thì cũng cần khen thẩm mỹ căn nhà thì mới công bằng. Ngoài những cảnh quay thiên nhiên trau chuốt, chọn lọc thì hình ảnh để lại nhiều nhất cho khán giả chắc hẳn là bản khắc Bát nhã ba la mật đa kinh và hình ảnh tự thiêu cũng như con rắn gắn liền với nhà sư già. Nhà sư già chính là hình ảnh sau ...lại xuân được Kim Ki-duk lặp lại. Bát nhã ba la mật đa kinh là kinh với trí huệ đưa người qua bờ bên kia. Tinh túy của kinh gồm hai ý tương hỗ với nhau:

1. Hãy cố gắng trở thành Bồ Tát.

2. Xong cái số 1, hãy chấp nhận rằng không có Bồ Tát, trái ngược với ý thứ nhất không phải là phủ định mà là để tương hỗ để đưa con người trở về với cái Không tịnh tâm toàn hảo.

Tức là bạn hãy gắng đi hết con đường thành Bồ Tát, dẫu bạn sẽ chẳng bao giờ thành Bồ Tát. Hai ý tương hỗ với nhau mà ý chính là ý thứ nhất dùng để xây dựng, nó là một hành trình dài để đưa người ta qua gian khổ thử thách nhằm giác ngộ với mục đích cố gắng trở thành Phật như một lý tưởng. Qúa trình thứ hai là quá trình hạnh ngộ sau khi đã đi hết khả năng của quá trình thứ nhất, nó đến sau để thể hiện tinh túy của kinh Phật là hướng về toàn hảo nhưng không cầu thị tôn sùng sự toàn hảo. Nhà Phật tinh thâm ở chỗ khép kín quá trình phát triển khi để mọi thứ trở về Vô, từ cái Hữu thực tế, cái Hữu đỉnh cao rồi trở về với cái Vô thăng bằng nhất. Kim Ki-duk muốn thể hiện cái ý thứ hai là trọng tâm nhưng chính ý thứ hai không nên là trọng tâm để xây dựng, mà phải là ngòi nổ để phá hủy nên nói thẳng nếu không có những khung hình đẹp và gợi tả thì bộ phim đã phá sản. Phim viết theo Phật học chịu ảnh hưởng của Tây phương, nhưng thường phương Tây luôn đi vội hơn so với phương Đông nên hấp thu cái tinh túy như ngọn tháp thật đẹp mà bỏ quên đi nền móng Phật giáo cực kỳ thâm thúy ở những bước kinh sơ đẳng, ở những áng kinh dạy cách ăn, cách mặc, cách nhường nhau... Không tự nhiên mà đạo Phật ép buộc con người phản tự nhiên (không sát, không trộm, không dâm, không dối, không nghiện) một cách hà khắc như thế, bởi nếu từ bỏ được mới thẩm thấu được tinh hoa Phật học với những tham sân si như những con rắn trong lòng, từ bỏ tham sân si là cả một quá trình nhiều kiếp với những thước kinh giác ngộ đến đúng lúc để người ta hiểu mình nên buông xả mọi bụi trần mà trở về với Phật tánh không tranh giành. Đã gọi là tinh hoa Phật học thì chắc rằng ít người đạt được, vượt qua những cái phản tự nhiên để trở về với tự nhiên thật sự quá khó để khép bản thân vào chữ Vô huyền diệu. Và không phải ai cạo đầu khoác áo cà sa đều đạt được, mà chỉ có những người có duyên hạnh ngộ và kiên trì thành tâm hướng về cái sắc sắc không không mới trở về được với cõi niết bàn như thế.

Hình ảnh rắn và mèo. Con rắn và con mèo là hai con vật không khóc khi Phật mất, và thường Phật gọi tham sân si là ba con rắn độc trong lòng người, rắn như một quá trình trung gian nào đó đi theo Phật những chẳng bao giờ thành Phật. Rắn Naga cũng là con vật đã cứu Đức Phật qua khỏi cơn lụt khi nâng Phật lên dòng nước. Rắn không tốt cũng chẳng xấu, cũng như hình ảnh nhà sư già cũng không phải là một vị sư tốt, nhưng cũng không hẳn là vị sư xấu, ông như một con rắn có lúc này, có lúc khác với vòng quay của nghiệp không tránh khỏi. Nghiệp tạo ra trong quá khứ sẽ trở về hiện tại, nhưng nghiệp tạo ra trong hiện tại cũng có thể trở về hiện tại chứ không hẳn chỉ ở tương lai. Cái cách nhà sư già tác động đến sư trẻ chính là một cách tạo nghiệp khi nói theo một cách nào đó, tôi không đoán về quá khứ của ông vì đạo diễn để trống, nhưng những hành động của ông khi không hướng thiện cậu sư trẻ đã là một điều đáng bàn khi ông tuân theo ý thứ hai của kinh Bát nhã ba la mật đa kinh là không có Bồ Tát nhưng lại bỏ quên ý thứ nhất, trọng tâm của bộ kinh đó là hãy nghĩ có Bồ Tát. Sau khi sư trẻ đi tù thì ông tự thiêu như một cách trở về với bờ bên kia, kinh Bát nhã ba la mật đa kinh nào cho ông...? Con rắn xuất hiện sau khi ông tự thiêu xong và giữ thủy am chờ đến khi sư trẻ về mới ra đi có thể chính là hóa thân trong vòng luân hồi của nhà sư già hoặc không nhưng nó thể hiện một ý niệm chưa trọn của nhà sư già còn để lại dương trần do lưu luyến một điều gì đó. Như đã nói con rắn là con vật trung tính, nó thể hiện tham sân si nhưng cũng đã cứu Phật thoát khỏi cơn lũ. Ngoài ra còn có câu chuyện về cận tử nghiệp kể lại một vị tỳ kheo chết nhưng còn tiếc bộ cà sa mới được tặng nên hóa thành rắn nấp trong bộ áo cà sa để giữ. Phật Thích Ca mới dời ngày chia áo để may khăn cho các vị tỳ kheo khác để con rắn không điên lên mà sa vào ngạ quỷ. Trong lúc chuyển áo đi nơi khác thì con rắn la oái lên là sao lại lấy áo của tôi, Phật mới hiện lên và nhắc về quá khứ của nó là tỳ kheo thì nó mới giác ngộ và rời bộ cà sa mà hóa kiếp lên cõi tiên, nơi ở của các vị tỳ kheo. Trong phim con rắn cũng thể hiện vương vấn của nhà sư già với nhà sư trẻ nên hóa rắn chờ ngày sư trẻ về rồi mới ra đi.

Cái kết của phim là một cái kết bế tắc như chính cảm giác vũng hồ đọng ở thủy am theo ý kiến của tôi, nó lặp lại hai lần hình thức một hành động nên "cụt" và nhát gan sợ khán giả không hiểu nhiều. Ngoài ra lưu ý địa điểm lúc nhà sư trẻ lúc bé cột đá sinh vật là một con suối nào đó, chứ không phải hồ nước ở thủy am, còn lần thứ hai bắt đầu ngay thủy am rồi mới ra suối, cái ác trực diện khiến góc nhìn của Kim Ki-duk bi quan và lặp lại bi quan về tương lai nên bó góc nhìn của mình vào một tư tưởng nhân chi sơ tính bản ác, nhưng lại không dùng giới luật để hướng thiện con người. Theo tâm lý tội phạm học thì Kim Ki-duk đã miêu tả lại một người có ác tâm với sinh vật vậy thì cũng có thể có đủ ác tâm để giết người. Nếu ai quan tâm đến tâm lý tội phạm học có thể tham khảo cuốn truyện trinh thám Toward Zero của Agatha Christie để khám phá tâm lý tội phạm hình thành ngay lúc nhỏ, truyện để lại ấn tượng sâu về nét thâm của tâm lý cái ác. Còn ai muốn tìm xem một phim thâm thúy hơn về Phật giáo, về sự giác ngộ Phật tính cả hai ý trong Bát nhã ba la mật đa kinh thì có thể tìm được ở nhân vật Hư Trúc trong Kim Dung, một tác phẩm có giá trị Phật học rất cao. Còn ...rồi lại xuân là một tác phẩm điện ảnh thể hiện phong cách cũng như quan điểm cá nhân đậm nét của Kim Ki-duk, và có lẽ chỉ thích hợp với những người tìm kiếm cái tôi phá cách, độc đáo nhiều hơn là tìm kiếm cái Vô tinh hoa của Phật pháp. ...rồi lại xuân là một tác phẩm để thưởng ngoạn những cảnh quay đẹp, khung cảnh trầm mặc ẩn chứa một nội dung nổi loạn và để động tâm chứ không phải để tịnh tâm.


Bình luận khác:

-

Mình xem phim này lâu rồi, chi tiết thì có thể không nhớ nữa, nhưng khác NH và HH là mình thích đoạn mùa xuân và mùa hè.

Đoạn mùa xuân : Cậu bé lấy cục đá buộc vào đầu ếch, rắn, cá. Nhưng khi thấy con rắn chết vì trò đùa vô ý của mình, cậu bé khóc nức nở, tức là trong tâm hồn non nớt đó cũng mang tính thiện, nhân chi sơ tánh bổn thiện. Đoạn này mình thấy phim xây dựng hài hòa chứ không một chiều như đoạn sau.

Trong phim nó có một đoạn lúc mùa hè là con gà và đám thóc, gà thấy thóc thì mổ. Cậu chàng mới lớn thấy gái thì sẽ theo thôi. Hình như đạo diễn cũng muốn nhân vật tìm về cái tôi tự nhiên của mình thì phải. Và có vẻ như là nhà sư già cũng muốn như thế chứ không bắt cậu bé thành sư. Một cậu bé sống ở nhà phật từ bé, đâu biết theo ngã phật hay về với cuộc sống bình thường mới là tốt cho nó. Thế nên khi cậu quỳ tạ lỗi với sư, nhà sư có nói đó chỉ là chuyện bình thường trong nhiên giới.

Đoạn thu với đông công nhận chán thiệt đó. Sư con giống hệt sư trẻ nhưng mức độ ác tăng hơn, và hình như đạo diễn cũng muốn gợi quá khứ của sư già cũng như sư trẻ. Vì thế nó lặp đi lặp lại. Chắc đạo diễn muốn từ cái lặp lại đó để nói về cái vòng xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân. Nhưng mệnh thì mênh mang, đâu phải người nào cũng như người nào, phim hướng về cái tự nhiên nhưng ở một chi tiết đó lại phá đi toàn bộ ý tưởng mà phim xây dựng. Với lại đoạn thu, đông cái nhân chi sơn tính bổn ác nó lấn quá nên không cân bằng.

Thank NH giải thích đoạn con rắn, hồi đó mình xem cũng không hiểu chi tiết đó. Còn 1 chi tiết nữa là lấy đuôi mèo trắng viết chữ, với lại khi sư già chết thì hóa thành. mấy hạt nhỏ cũng không hiểu

-

Đoạn chú tiểu số 1 khóc là do hối hận vì sư ông đe nó dữ quá, vì sợ nhiều hơn vì nó thương mấy con vật, chữ nghiệp ám nó không tan do sư ông khoái "dạy" hơn khoái "chữa".

Ông sư ổng tháo nước con thuyền tức là ổng không vừa mắt cảnh chiếc thuyền đó chứ. NH chú ý nhất là cảnh sư ông lái thuyền bằng mắt đó, ngoài ra NH thích cảnh tượng Phật từ trên cao nhìn xuống. Nhưng một vài tình tiết của phim này nó cố tình làm cho ra vẻ khác lạ nghệ thuật như cái cửa mà không có vách, rồi lấy đuôi con mèo tô mực đủ màu lên bài kinh, Theo NH nghĩ thì không cần thiết, bài kinh chỉ cần được khắc mộc là đã đủ để nói lên ý niệm đó rồi, tô đủ màu y chang kiểu màu mè của phim.

Còn thuyết tính thiện hay tính ác thì NH nghĩ cũng không phải ý đạo diễn, ý của phim là vòng xoay chuyển để mọi người phải trăn trở với nghiệp, nhưng nghiệp của phim nó bế tắc nên không bàn được. Nghiệp nó khắc bản tính, và nghiệp thì nó không dễ dàng nhận ra, vòng tạo nghiệp, giải nghiệp chập chùng xen lẫn vào nhau thì sẽ "tinh" hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review