Tiếu ngạo giang hồ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tiếu ngạo giang hồ như một áng văn khơi gợi cả khoảng trời mênh mông đằng sau ý tứ phiêu bồng của nó, và ai đã chạm tay mơn man phiêu khúc này rồi thì chắc hẳn đều cảm thấy sảng khoái khi được tắm trong dòng chảy tư tưởng tự do được Kim Dung tạo ra, tư tưởng tự do giản dị đầy tự nhiên được phác họa phóng khoáng nhất, bay bỗng nhất thay vì chi tiết hóa, học thuật hóa thế giới ngày xưa của ông trong các tác phẩm trước. Như nhận xét trên, nếu tóm tắt điểm tinh túy nhất của Tiếu ngạo giang hồ chính là Kim Dung đã "tóm tắt" những gì tinh túy về một điểm để tạo nên phương trình hồi quy tụ được thấm ý của tự do Lão-Trang, đỉnh cao của tư tưởng tự do gắn chặt với tư tưởng Trung hoa tinh truyền ngàn năm.

Như trong bài viết trước tôi từng nói tâm đắc nhất trong truyện Kim Dung là Thiên Long Bát Bộ (TLBB), thứ sau là Tiếu ngạo giang hồ (TNGH). Thật ra phân biệt như vậy không thật sự chính xác vì hai tác phẩm này đều viết về tự do nhưng theo hai hướng khác nhau, Thiên Long Bát Bộ học thuật hơn với triết lý Phật giáo uyên tỏa để con người chiêm nghiệm tinh thần tự do thuận theo tự nhiên rồi giải thoát mọi ràng buộc, còn Tiếu ngạo giang hồ không phải là tác phẩm chiêm nghiệm về tự do như TLBB, mà là một tác phẩm tắm mình vào tự do mặc nhiên, tự do đơn thuần là tự do chính là ý niệm thăng hoa của TNGH, không hề giải thích mất công. Tiếu ngạo giang hồ mang đến câu chuyện điệp trùng ràng buộc, ràng buộc hướng về bản tính nhiều hơn tư tưởng. Nói tóm lại, hai tác phẩm đi theo hai hướng triết lý khác nhau, Thiên Long Bát Bộ là Phật giáo uyên thâm tự tại, còn Tiếu ngạo giang hồ là Lão giáo phiêu diêu tự do. Tôi chọn Thiên Long Bát Bộ làm tác phẩm tâm đắc nhất vì nó có nhân vật Đoàn Dự tôi thích, thêm đó có một bản phim 2003 vừa ý nên nghiêng về hướng đó. Còn Tiếu ngạo giang hồ thì cũng thích nhưng tôi thích ý tưởng chung thống nhất với hàng loạt tiểu tiết thông suốt của tác phẩm, ít thích đột biến chi tiết nào hay nhân vật nào, cùng đó chưa có bản phim nào vừa ý hoàn toàn, toàn hay chỗ này thì chột chỗ kia nên thiên truyện thú vị này chỉ nằm ở vị trí thứ hai trong list Kim Dung tôi từng đọc.

Trước khi bàn sâu về tư tưởng tự do Lão tử gì đó của phiêu khúc này tôi xin phép nói về quan điểm sống cũng như nghe-nhìn của Hồng Kông mà tôi biết trước đã, nó khác nhiều với quan điểm thưởng thức của Trung Quốc đại lục. Nếu chú ý bạn sẽ thấy tôi dùng từ nghe-nhìn khi nói về Hồng Kông còn dùng từ thưởng thức khi nói về Trung Quốc đại lục, hai từ này đã thể hiện đại khái ý của tôi về sự khác biệt giữa hai luồng quan điểm trên. Hồng Kông làm gì cũng thẳng thắn và trực diện hơn, Tây hơn và thoáng hơn nên nhộn nhạo hơn, sảng khoái hơn thay vì trầm mặc, chiêm nghiệm chơi chữ nhả văn như Đại Lục. Nếu bạn muốn thưởng nguyệt ngâm thơ bàn luận tự do thiên thu nho nhã gì đó thì nên tìm ở phim Đại Lục, còn nếu bạn muốn mắt thấy, tai nghe, tay sờ thì hãy tìm đến Hồng Kông, mảnh đất của lăng xả vào tự do, ăn cơm để no, uống rượu để say, yêu nhau để vui thay vì hướng đến những hòa hợp tri kỷ tri âm. Vì vậy tự do của Hồng Kông là một niềm tự do giản dị, niềm tự do tận hưởng tự do thay vì niềm tự do của giải thoát. Tiếu ngạo giang hồ là một phim có tư tưởng Hồng Kông đó, thực tế, đôi lúc thực dụng và hồi quy tư tưởng vào một điểm với những tình tiết xử lý thông minh, gọn gàng và sắc bén. Sẽ có rất ít câu hỏi hóc búa đặt ra cho khán giả về quá khứ hay tương lai vì phim là những bức tranh xếp lớp về hiện tại và con đường người ta đi trong hiện tại, đơn giản là đi cho hết những tháng ngày hiện tại.

Đông Phương bất bại do Lâm Thanh Hà đóng, một vai diễn khó quên nhất của điện ảnh Hồng Kông những năm 90.

Các nhân vật trong phim thường ít đi riêng lẽ mà luôn đi cặp với nhau, nhắc đến Lệnh Hồ Xung thì nghĩ ngay đến mối tình chung thủy một mắt hướng về Nhạc Linh San, yêu nhiều lúc đến mu muội mà ở ngoài nhòm vô chỉ có một từ để thốt ra là "ngu". Nhắc Nhạc Linh San thì cũng nghĩ ra mối tình đắm đuối với Lâm Bình Chi, cũng không còn từ nào thay cho từ "ngu", cái ngu của người này kéo theo cái ngu của người khác thì không đâu miêu tả "ngu" được như Hồng Kông với Đài Loan, mu muội và mù quáng cả một đời người để thỏa khao khát nắm bắt những hoài vọng tan tành như xác pháo đã "đùng". Nhưng vấn đề ở ngoài nhòm vô khác ở trong nhìn ra, khi mình "ngu" thì có bao giờ mình nhận ra, và quan trọng là chịu nhận mình "ngu" đâu, lết theo nhịp đập con tim bảo kệ xừ cứ ngu cho đã người đó chớ :d. Dây chuyền "ngu" cũng kết thúc khi một người thông minh như Nhậm Doanh Doanh quyết định ngu đại yêu người "ngu" như Lệnh Hồ Xung, vì người "ngu" mới chung thủy, gần như là một niềm chung thủy tuyệt đối mà người ta sẽ mang cả đời, Lệnh Hồ Xung là tên lãng tử giang hồ vác trên vai một niềm chung thủy tuyệt đối như thế, niềm chung thủy nặng như đá, vững như núi được hắn định nghĩa yêu chỉ là yêu. Hắn chung thủy không phải là vì hắn muốn chung thủy, mà là hắn chưa nhận ra hắn đang chung thủy, hắn mãi chẳng hiểu lòng mình cũng như cõi lòng của sư muội hắn mãi mãi hướng về một thứ hạnh phúc nơm nớp chứ không phải là hạnh phúc hiển nhiên sẽ có. Gần như đến cuối Lệnh Hồ Xung vẫn chưa bao giờ không chung thủy nên để mọi chuyện kết thúc Kim Dung đã chọn cho con người tan đi để niềm chung thủy hoài công đó cũng tan đi, chứ không dừng lại. Nếu bạn thắc mắc tại sao tôi nói người ngu mới chung thủy thì bạn có thể coi Lộc Đỉnh Ký với Vi Tiểu Bảo để thấy khi người thông minh yêu, yêu khôn đảm bảo có người muốn đập chứ không phải ai cũng thương Lệnh Hồ Xung :d.

Nhắc đến Lệnh Hồ Xung thì cũng cần nhắc đến Nghi Lâm, chuyện tình yêu này không rắc rối mà im lặng khắc khoải trong áng kinh nơi bờ biên Phật giới. Nghi Lâm một lòng hướng về Lệnh Hồ Xung, vượt nghìn trùng khó khăn liều mạng đến nơi nhơ nhớp đối với cửa Phật để cứu Lệnh Hồ Xung ra nhưng chỉ để mỗi ngày bên chuông chùa gõ mõ cầu mong Lệnh Hồ đại ca hạnh phúc, bởi vì người con gái nơi cửa Phật đó cũng thực tế nhất, nhờ Phật tính mà cô hiểu được lòng mình cũng như lòng người và biết dừng đúng lúc tìm niềm tự do bình yên trong cõi lòng, không phải hướng về Phật mà là hướng về hạnh phúc của một người con trai mình yêu. Để mỗi khi tiếng chuông ngân lên bên bài kinh kệ là mỗi khi hình ảnh Lệnh Hồ đại ca hiện về bên nụ cười quá khứ tiêu diêu mơn man niềm hạnh phúc bình yên mà cõi Phật chẳng thể nào mang lại cho một cô gái trong sáng đến nhường ấy. Niềm hạnh phúc vượt lên niềm tin tôn giáo để vút bay cao hơn những tháp chuông vời vợi. Còn Nhạc Linh San đến cuối cùng vẫn hướng về Lâm Bình Chi khi chết trong tay của Lệnh Hồ đại ca, cô đi mãi không ngừng lại trong tình yêu dành cho chàng trai chỉ dành cho cô yêu dù không được yêu lại, hắn không phải là anh hùng, hắn không phải quân tử mà chỉ một tên hoạn thì tình yêu của cô vẫn miết chỉ là duy nhất dành cho hắn, dù cô chết bằng nhát kiếm hắn đâm xuyên vào trái tim. Tình yêu tự do như chẳng thể có gì ngăn lại, cho dù là tấm chân tình của Lệnh Hồ đại ca thanh mai trúc mã cũng chẳng ngán lại được quán tính tình yêu chân thành vô mục đích mà cô trao đi. Tình yêu chung thủy vốn dĩ thường là tình đơn phương dựng nên từ một ngộ nhận mà người ta chẳng thể hiểu nó, nhưng cứ đau đáu khắc khoái hướng về để do không bao giờ nắm được.

Và để tình yêu được tiêu diêu có đôi có cặp, Kim Dung đưa Nhậm Doanh Doanh đủ thông minh để đến bên Lệnh Hồ Xung vun vén cho chàng lãng tử quá tự do nên toàn đi về phía trước mà quên nhìn lại phía sau còn có một thế giới rộng lớn chờ đón. Tiêu cầm khúc vang lên quyện chặt vào như như chim có cánh, như cây liền cành để tự do có đôi có cặp với hạnh phúc, để cả hai song song nhìn về một hướng thay vì xếp hàng nhìn về lưng của đối phương. Tự do được kết cặp với hạnh phúc nên bay lên sưởi ấm con người như ngọn nắng phương Nam hào phóng tỏa sáng cả khung trời, để người ta tự do tận hưởng nắng mà không cần quý trọng nó quá mức như vùng phương Bắc kiệm nắng nên phải nơm nớp dành lại cho ngày mai.

Lệnh Hồ Xung qua các bản dựng khác nhau.

Tôi muốn tách câu chuyện tình yêu của Đông Phương bất bại ra khỏi chùm tình yêu trên để bàn đến câu chuyện tình yêu liên kết với quyền lực, câu chuyện của Đông Phương bất bại dường như không chỉ đơn thuần là tình yêu. Tình yêu trái nghoe đến khi người này cô đơn cùng cực trong quyền lực và tham vọng, để hắn từ một người tỉnh nhất lại tự do mê mãi giữa trời tình yêu. Tình yêu chỉ đến khi người ta mê mãi nhất để thỏa vọng tự do chôn giấu lúc còn tỉnh để tính toán thiệt hơn. Đông Phương bất bại sau khi tự hoạn là một con người tự do yêu cái đẹp, yêu bản thân và yêu người tình của mình nhất. Hắn sau khi đạt được danh vọng huyền hoặc lại tìm đến tình người để nương nấu, tình người duy nhất mà hắn trân trọng vì chỉ dành cho hắn trong thế giới cô độc với bản năng lở dở bỗng ngọ nguậy trên đỉnh cao của tuyệt học võ thuật. Đông Phương bất bại là người đi dài nhất trong Tiếu ngạo giang hồ trên con đường danh vọng, đi cho hết để thấy đời là một chuỗi dở dang rồi lại tìm về. Hắn níu kéo danh vọng khi say danh vọng, và rồi níu kéo tình yêu khi đơn độc giữa danh vọng. Mãi mãi, Đông Phương bất bại là người tự do tìm kiếm lý tưởng cho cuộc đời mình, nhưng là thứ tự do đơn độc, mê muội để khẳng khiu chống chọi lại với thế gian và gian dối. Không gian của Đông Phương bất bại tự do nhưng bơ vơ, thương tâm trơ trọi một kiếp người mãi chẳng có một chỗ dừng chân, mãi miết bơ vơ trói vào chính mình một niềm cô độc không ai hiểu và không ai muốn hiểu của tự do.

Nhạc Bất Quần, Tả Lãnh Thiền, Lâm Bình Chi không tìm được đỉnh vinh quang trên quyền lực mà cũng không tìm được chút tình yêu nào sót lại trong trái tim minh, cả ba bị buộc lại với tham vọng, cái tham vọng chưa thành mà phải dừng lại bởi sinh mạng được thí ra để thua cuộc cho chính mình. Quyền lực, hận thù chính là dây trói bện thít con người ta lại mà theo quan điểm của người thường thì chỉ có đạt được, chiếm được mới tháo được dây trói ra, mới thỏa mãn được tham vọng để quên đi. Cả ba người đó chưa từng nắm tình yêu lại, chưa từng thử dừng lại mà chỉ sử dụng con người như công cụ nên chưa bao giờ chân thành dừng lại để tận hưởng cuộc đời, họ nuôi tham vọng nên tự trói mình vào thế giới mưa toan chước quỷ người này đạp lên người kia để tiến, họ không có được tình người nào để vá víu cho trái tim đơn độc trên những toan tính, kiêu ngạo hay hận thù. Tất cả đều tan tác và lui về với con số không để họ mãi mãi không thỏa nguyện những toan tính không bao giờ thành toàn. Tiếu ngạo giang hồ là một bộ truyện thông minh khi xếp lớp toan tính, mưu cầu quyền lực đi từ người này đến người khác, đi từ thủ đoạn nào đến thủ đoạn khác, hay hận thù này đến hận thù khác, thậm chí ngay cả từ bỏ niềm tự trọng của người đàn ông còn sót cũng có thể bị tước đoạt, ý muốn con người sẵn sàng đạp lên những gì ngán chân nó, cho dù có la chữ "nhục" treo trên đỉnh đầu trượng phụ để đi về một cõi u mê thỏa nguyện mục đích đề ra. Không có anh hùng, không có quân tử mà chỉ có kẻ mạnh thì thắng, và kẻ mạnh là vua. Giang hồ chính là như thế, một phần hiện thực nhất của hai từ giang hồ.

Không có tác phẩm nào của Kim Dung mà hành động nhiều hơn nói như Tiếu ngạo giang hồ, những nhân vật trong phim nói không phải là kiểu nói thiên hạ a dua một cách khó tin như Thiên Long Bát Bộ, ngây ngô một cách quá đáng như Anh hùng xạ điêu, tất cả lời nói hay hành động trong TNGH đều có mục đích, tất cả nhân vật đều đời và đều có không gian riêng để tự do phát triển thay vì chỉ là bước đệm cho nhân vật chính. Từ Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần, đến Lâm Bình Chi, Nhậm Doanh Doanh, Nhậm Ngã Hành, Đông Phương bất bại đều chất chứa hàng loạt toan tính, hàng loạt những ý nghĩ ẩn sâu trong lời nói, không phải một nhân vật nào thông minh tột độ, chân thành tột độ, tất cả đều mưu mô chước quỷ như nhau, chỉ khác ở chỗ là họ đối diện với mỗi người khác nhau theo quan điểm đi với thầy mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy và vì thế họ đều có điểm mạnh lẫn điểm yếu riêng, chỉ là nội tâm giằng xé nên chết vì chính mâu thuẩn trong nội tâm nếu không biết cách thoát ra. Đó chính là điều tạo nên không gian giang hồ nhiều màu sắc nhất đối với Tiếu ngạo giang hồ. Mọi triết lý đối nhân xử thế đều thực tế, không phải tuyệt đối gì như Đoàn Dự tuyệt đối không học võ mà chỉ thích học võ chuồn, không phải ngốc nghếch chân ngộ gặp kỳ sư như Qúach Tĩnh. Cái duyên trong các phim kia trên trời rơi xuống, móc từ bụng khỉ ra, té xuống vực thẳm lụm đuợc bí kiếp ngàn xưa để lại, nhưng đến Tiếu ngạo giang hồ chắc Kim Dung nghe bà con la nhiều quá nên thiết kế tình huống hợp lý hơn hẳn, để Phong Thanh Dương trực tiếp truyền thụ Độc cô cửu kiếm khi thầy trò hợp ý. Cái duyên say, duyên ngầm mà hai thế hệ khác nhau như những người bạn tri kỷ tìm thấy nhau trong người kia lại bay bỗng lạ kỳ, là thầy trò nhưng nói chuyện với nhau như một người bạn, tình bạn lớn xuyên suốt tác phẩm phá vỡ rào cản tuổi tác tạo nên câu chuyện về võ thuật ngẫu hứng nhiều duyên ngộ. Tôi vẫn nhớ Lệnh Hồ Xung trả lời "sẽ giết người lại khi người ta muốn giết mình", một câu trả lời không màu mè, biết trọng bản thân mà bỏ qua mấy vụ lễ giáo quân tử hão thời đó.

Viết về quyền lực nhưng Kim Dung đặt ngòi bút ra khỏi quyền lực vua chúa để chỉ nói lên câu chuyện đấu đá giang hồ đơn thuần mà thôi, ông không nhắc đến thời đại để đặt câu chuyện ngoài dòng chảy của thịnh suy triều đình, tuy có người đoán thời đại viết truyện là cuối Minh nhưng điều đó không quan trọng, quan trọng hơn đây gần như là tác phẩm duy nhất được Kim Dung loại đi tính dân tộc của ông, nó hào sảng hơn cũng vì lý do đó, lý do mà mỗi người đọc bám sát vào cuốn truyện hơn thay vì các mốc lịch sử được đưa vào tăng thêm tính học thuật. Người đọc được tự do vẫy vùng trong trí tưởng tưởng của mình và Kim Dung cũng tự do sáng tạo lên câu chuyện nhiều dư vị của tự do quy về với tham vọng, đam mê, mù quáng và hạnh phúc xen lẫn trong cay đắng sâu trong mỗi con người đều có.

Nhậm Doanh Doanh qua các bản dựng

Nhắc đến Tiếu ngạo mà không bàn đến võ học với Độc cô cửu kiếm khi sử dụng kiếm ý thay kiếm chiêu, khi vô chiêu thắng hữu chiêu là coi như không. Thật ra cách phản định đề như dùng kiếm mà không sử dụng chiêu đã được Kim Dung sử dụng trong Thiên Long Bát Bộ với Lục mạch thần kiếm-không dùng kiếm nhưng vẫn xuất đường kiếm được rồi. Và đó là một trong những tuyệt kỹ võ công thượng thừa nhất mà Kim Dung tạo ra, tuy nhiên nó không được nhắc đến nhiều vì lúc ấy Kim Dung còn bận nói đến những kiếp anh hùng và áng văn bi hùng lẫn kỳ thư về cuộc đời con người nên ông không nhắc đến nhiều. Nhưng đến Tiếu ngạo giang hồ khi Kim Dung quyết định từ bỏ dấu ấn thời đại ra khỏi tác phẩm để tạo nên một thế giới đơn thuần là thế giới giang hồ không thôi thì ông có nhiều thời gian để viết về Độc cô cửu kiếm, dùng cái vô để chế ngự cái hữu với triết lý kiếm được phát triển trên căn bản triết lý Lão-Trang.

Ngoài ra còn phải nói đến kiếm duyên tìm được đến đúng người, đúng tính lãng tử lãng mạn không gò được theo những quy ước chi tiết đánh kiếm tạo nên những đường kiếm hiểm độc nhắm vào tử huyệt của đối phương. Với Lệnh Hồ Xung, người lấy rượu làm bạn, trời đất làm nhà thì phân tán kiếm chiêu không phải là sở trường, mà phải là hồi quy đường kiếm vào nguyên tắc phá hủy bay bỗng và tinh gọn. Dùng kiếm là để chế kiếm nên chiêu thức càng nhiều thì đường đi đến tinh túy càng lâu, càng khó nắm bắt và càng khó vùng vẫy khi đôi tay phải đi theo từng dây thần kinh điều khiển mà không được tự do tự tại hòa vào thanh kiến để xuất kiếm tạo nên những đường kiếm cương mãnh, lãng mạn uốn tắp lự theo phản xạ phi học thuật không phải thông qua trung gian chiêu thức. Tư tưởng trở về với tự nhiên của Kim Dung, sau khi tạo nên hàng loạt chiêu thức tưởng tượng trong hàng loạt tác phẩm trớc chính là điểm thượng thừa ở đây, chính là cái tinh túy đọng lại khi người ta trở ngược lại với con đường dài đã đi và thấy mình đã màu mè như thế nào lúc chi tiết hóa những vấn đề đơn giản để tạo nên những thiên truyện dày cộm đọc mệt cả người. Tư tưởng trở về với thực dụng kiểu Hồng Kông này khiến tôi thích, nhanh gọn, bay bỗng và ngẫu hứng tạo nên độ bay rất riêng, không màu mè, không quy uớc, không diễm lệ như cách tác phẩm trước mà ông viết. Nếu nói về võ thuật thì tôi thích võ thuật trong truyện Cổ Long hơn, cách hành văn nhanh gọn, chiêu xuất một phát là đối thủ chết tươi nên thế giới kiếm hiệp trong truyện Cổ Long gần gũi hơn, giang hồ hơn vẻ học thuật của Kim Dung. Một phần vì phong cách của Cổ Long gần với giới giang hồ hơn là Kim Dung múa bút cho chữ bay bao hàm nhiều dư vị nghệ thuật.

Tiếu ngạo giang hồ khúc của bản dựng năm 96, một trong những bản phối hay nhất, chính xác là bản phối duy nhất phối hay của các bản dựng. Đây cũng là bản dựng trung thành với nguyên tác nhất, giữ được hồn của tác phẩm nhất

Tự do là một khái niệm trừu tượng nên tôi nghĩ nó tương đối mà thôi. Nhưng như đã nói kiểu tự do được Kim Dung miêu tả trong Tiếu ngạo giang hồ là kiểu tận hưởng, và người ta tận hưởng tự do sau khi đã trãi qua, hay nói cách khác là đã cống hiến cho cuộc đời, đã làm hết mình, đã đấu tranh hết sức và đã yêu quên đường đi lối về. Niềm tự do gắn chặt với hạnh phúc, với cơm ăn áo mặc, với những thú vui đơn thuần hòa quyện vào nhau như âm nhạc dìu dặt nhiều hơn thơ ca giáo điều, người ta muốn quyện vào âm thanh để tiêu sái với cuộc đời, để thôi tranh giành, để thôi cống hiến, thôi xây dựng sau khi đã đủ đầy mà tận hưởng cuộc đời như nó vốn có. Niềm tự do xen lẫn hạnh phúc được làm gì mình thích, được hòa vào thiên nhiên tiêu diêu cùng nhau dạo bước trên cuộc đời. Chính vì vậy Tiếu ngạo giang hồ khúc khi ở trong tay hai người là Khúc Dương và Lưu Chính Phong là một bi kịch tiêu diêu thì qua tay Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh khi âm dương hòa hợp, đất trời giao hòa lại bỗng trở nên tươi vui, gần gũi và tự nhiên hơn, tiếu ngạo giang hồ khi vượt qua mọi ranh giới để giao hòa và để thấu hiểu đã trở thành hỉ khúc để một cầm một tiêu quyện nhau như uyên ương bay chấp chới bầu trời. Đẹp và dịu vợi khiến người ta lưu luyến và nhớ thương, khiến người ta sung sướng và mơ màng sợ mất đi hạnh phúc đáng trân trọng qua biết bao chông chênh mới tựu thành.

Và niềm tự do trên tất cả như một đỉnh cực khoái khiến người ta đê mê đi tìm mãi miết để có thể buông thõng cơ thể tan vào nhau trong giắc ngủ hạnh phúc, giấc ngủ bình yên lặng lờ mê đắm khi hòa mình vào cơ thể nhau để ngủ vùi quên ngày mai. Con người bình thường sống để tìm về cảm xúc và giải tỏa xúc cảm, để tạo dựng cũng như để khám phá, và cũng để vui sướng với người, với đời. Tiếu ngạo giang hồ là một bộ truyện không nói nhiều đến dục tính nhưng nó miêu tả tự do thăng hoa như dục cảm, đê mê và thực tế, bẽ gãy mọi khuôn thước khách sáo để đưa con người tự nhiên nhất sáp vào nhau và hơ ấm cho nhau. Nó tìm trong những đau đớn mơn trớn để rồi trở về niềm hưng phấn tận hưởng sảng khoái mê man như cơn say đời, say trong tự do và hạnh phúc khi đã hòa vào thế giới lúc đã tìm được đỉnh cao phiêu bồng có nhau, dù cho ngày mai có như thế nào, dù trời đất có kinh động ra sao. Lệnh Hồ Xung đến cuối cùng đã thôi say rượu để say trong cảnh sắc hữu tình, say trong âm nhạc cũng như hơi men tình quyện nồng cùng những nụ hôn bên cạnh Nhậm Doanh Doanh. Họ đã thật sự buông thõng cơ thể để quay về với tình yêu. Một đoạn kết tự do bên nhau, niềm tự do không cô độc như các tác phẩm trước, mà là niềm tự do thăng hoa sau khi tạ từ giang hồ để trở về tự nhiên, trỏ về ...để én chao nghiêng trời xuân xôn xao mơn lòng có nhau...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review