The Devil - Công bằng nơi đâu?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

The Devil là một câu chuyện hình sự. Phim kể về quá trình trả thù của luật sư Oh Seung-ha hướng đến cảnh sát Kim Oh-soo, người đã đâm anh trai Oh chết và gián tiếp dẫn đến cái chết của mẹ của Oh, khi bà trầm cảm vì bất lực do không đấu được với gia đình của Kim Oh-soo trong công cuộc đòi lại công bằng cho cái chết của con trai.

Đây là một câu chuyện trả thù "cao cấp" của những con người thông minh. Người ta thường nói thằng thông minh khi độc ác nguy hiểm gấp vạn lần thằng ngu, và Oh Seung-ha trong phim là một kẻ thông minh như thế, thông minh đến đáng sợ. Chính vì thông minh, nhưng bị đẩy đến hoàn cảnh cô độc đến vô cùng và bất lực đến căm hận cuộc đời, nên Oh Seung-ha trở thành Ma Vương.

Oh Seung-ha là Ma Vương vì biết trả mối thù, đủ cả nợ máu của người chết lẫn nợ tâm lý của người sống phải gánh chịu suốt nhiều năm dài. Oh Seung-ha trả thù tất cả những người liên quan bằng cách dắt họ đến con đường hủy diệt rồi bỏ mặc họ "tự xử". Người khôn chẳng dại tự tay giết người, nhưng khôn mà hiểm hơn nữa là cũng đừng tự tay điều khiển người khác giết người cho mình, khi bị phản lại khai ra là lên giá treo cổ như chơi, vả lại cũng không vui để được nhìn kẻ gây ra đau đớn cho mình phải chịu thứ đau đớn tột độ nhưng đành giãy giụa bất lực hận bản thân vô dụng-như cảm giác bất lực muốn chết không được muốn sống cũng không xong mà bản thân phải chịu đựng.

Oh Seung-ha là một perfect munderer, kẻ giết người đứng ngoài tầm với của luật pháp, giết hàng loạt người vì những kẻ đó đã che đậy cho kẻ thủ ác, vì những kẻ đó đã bỏ mặc người mẹ giãy giụa vì đứa con chết oan uổng đến không thể nhắm mắt được. Theo quan điểm của Oh Seung-ha thì họ đáng chết, nhưng họ sẽ được chết bằng cách giết nhau. Oh Seung-ha đẩy họ phá vỡ tâm lý biên để họ phải tự bảo vệ lấy thân, hoặc bảo vệ một người hoặc danh lợi mà họ quý trọng nhất để hình thành nên "lá gan" giết người.

Với cách tận dụng những điểm yếu tử huyệt để điều khiển người khác giết người một cách bản năng nên có thể nói Oh Seung-ha là bậc thầy giết người. Anh ta liên tiếp giáng xuống những con người đã một lần dùng bản năng, từng bị giật dây bởi đồng tiền và tình thương, mà che đậy tội ác. Thì giờ đây bản năng của họ bị khơi dậy để phản chủ khi chúng bị giật dây, như chính cái cách mà họ đã sống trong quỹ đạo u mê đó. Những con cờ thí ấy bao gồm cha, anh trai, chị dâu và những người bạn của Kim Oh-soo, đối tượng là hồng tâm để trả thù của Oh Seung-ha.

Kim Oh-soo không chịu hình phạt nào sau khi giết người cả nên giờ đây bị "tra tấn" tâm lý thay bởi Oh Seung-ha. Thật ra thì Kim Oh-soo không hoàn toàn thanh thản sau khi giết người, nhưng tâm lý lảng tránh tội ác được cổ vũ bởi gia đình mình đã thắng, để lỗi lầm nối tiếp lỗi lầm, mà người hứng chịu là những người nghèo vô tội, kẻ bất lực trước sự bất công của xã hội chịu nhiều chi phối của đồng tiền và quyền lực. Oh Seung-ha thoát khỏi ràng buộc của pháp luật, vì pháp luật không dành cho người nghèo, vì pháp luật sinh ra để người ta lách, mà kẻ lách được đa số là người giàu. Vì vậy pháp luật không công bằng, nên nếu muốn công bằng thì phải đích thân dựng nên nền công bằng, chính Oh Seung-ha mới là người phải tạo lập nên công bằng, vì pháp luật đã không phải là chân lý.

Kim Oh-soo lần lượt nhận từng lá bài báo tử của người thân mà không thể làm gì được, vì không thể ngăn cản người thân tự hủy diệt bản thân mình, vì không biết cách thức hành động của Oh Seung-ha, và vì những yếu điểm đã bị Oh Seung-ha nắm trong lòng bàn tay. Những con rối đó chỉ chờ đến thời điểm cần giật dây là hành động theo tính toán mà thôi. Kim Oh-soo bất lực như thế, bất lực đủ để hiểu cảm giác bất lực mà Oh Seung-ha đã chịu đựng khi nhìn người thân của mình tự hủy diệt. Một người chết không đau bằng một người-không ngăn cả được người mình yêu thương chết, và với Kim Oh-soo còn là mặc cảm tội lỗi đâm sâu vào tim với suy nghĩ những người bị chết ở đây-đều do chính tội lỗi của anh. Đây chính là nỗi đau lớn nhất, nỗi dày vò sâu nhất vì Kim Oh-soo hoàn toàn ý thức được tội lỗi của mình đã dây dưa đến bấy nhiêu mạng người đấy, không một ai có thể xoa dịu được bản án đanh nhất mà Oh Seung-ha-bằng tư cách là người tuyên án để dành cho Kim Oh-soo-người phải tự tử hình chính bản thân mình, trừ một người.

Và yếu tố "trừ một người" đấy khi tận dụng được đã khiến The Devil là một phim hay. Vì chính Oh Seung-ha khi trở thành Ma Vương đã tự từ bỏ nhân tính, như cách mà Kim Oh-soo trước đây đã từ bỏ. Trước đây Oh Seung-ha là một nạn nhân chịu tất thảy nỗi đau, thì bây giờ trở thành hung thủ gieo rắc nỗi đau khắp nơi. Cho dù có là Ma Vương đi chăng nữa thì Oh Seung-ha vẫn là một con người, ý chí sắt đá lạnh lùng đến đâu thì khi thấy nỗi đau mình để lại cho-những người thân còn sống của nạn nhân vẫn là quá lớn-vì nỗi đau bản thân Oh Seung-ha đã từng chịu đựng cũng là như thế.

Kẻ có tội đáng bị trừng phạt, nhưng những người thân liên kết với họ đều vô tội, mà tình thương thì luôn có tội tạo nên nỗi đau. Oh Seung-ha đau, đau cho tận cùng khi nhân tính trở về để cảm thấy bất lực trước số phận, bất lực trước bất công luôn hiện hữu trên cõi đời này. Oh Seung-ha không phải là người bắt đầu nên cũng không thể là người kết thúc nền bất công đã bám rễ sâu hàng thiên niên kỷ của xã hội loài người, anh ta chỉ có thể tự dừng lại mà thôi. Nhưng dừng lại bằng cách nào khi lao đã phóng khỏi tay và chỉ còn chờ chúng vút đến hồng tâm?

Oh Seung-ha mãi mãi là kẻ cô độc, không thân thích, không tình yêu, và quan trọng hơn là không dám yêu, hay thậm chí là hé lòng một chút. Nếu Kim Oh-soo được hối hận, được day dứt, được dày vò bản thân thì Oh Seung-ha thậm chí chẳng được đến như thế, chẳng được thể hiện cảm xúc của bản thân. Tâm lý phải được giấu kín, cơ mặt phải thật phẳng, nụ cười phải thật vừa, tất cả phải không là gì trên thế giới này khi nỗi đau đã chai sạn, vô thức êm đềm đã ngủ yên chỉ để ý thức chống chọi lại với niềm cô độc tận cùng.

Oh Seung-ha không thể nắm giữ bất cứ điều gì vì tất cả đã đi vượt giới hạn để trở về, và quan trọng hơn là Oh Seung-ha ý thức được điều đó, nên không gì có thể an ủi nền ý thức đã không thể đau thêm ấy. Không thể trở về, và không muốn tiến lên, Oh Seung-ha chỉ muốn tan đi, và quan trọng hơn là muốn trước khi tan đi có một người đủ hiểu mình để cảm thấy thôi cô độc, thôi lạc lõng trên cõi đời này. Và người đó chính là Kim Oh-soo, kẻ thù của chính Oh Seung-ha.

Trên thế giới này, không ai có thể đủ hiểu, đủ dũng cảm để tha thứ cho tội lỗi của hai con người ấy, hay chính xác là Oh Seung-ha, nhưng chỉ hai người ấy mới đủ hiểu nhau, và mới đủ thông cảm cũng như dũng cảm để tha thứ cho nhau, bởi họ đều như nhau, đều là mhững kẻ gây ra tội ác và chịu đựng tội ác ấy xé nát, xát muối lên trái tim của người kia, cũng như của chính mình. Hai con người ấy cuối cùng cũng đã tìm được công bằng, và đến cuối cùng họ cũng tìm thấy nhau trong mắt người kia khi tâm sự với nhau nơi một đêm đen mưa gió...

Nhưng tất cả đều đã vượt giới hạn để có thể dừng lại, nhưng cũng bởi vì chỉ có vượt giới hạn thì họ mới có thể đủ hiểu nhau, nên chỉ có thể mỉm cười với nhau để hy vọng quên đi thù hằn đã dầm nát trái tim. Cuối cùng hai con người ấy không còn phân biệt gì nữa, không ai nạn nhân, không ai hung thủ, không ai thiện, cũng không ai ác, không kẻ hả hê, chẳng còn người chịu đựng, càng không đau đớn, càng chẳng còn lạc lõng và chẳng còn cô độc. Vì họ đều là con người, và họ-đang-bên-nhau.

Phim nhập nhòa và phá vỡ mọi khoảng cách cũng như những giới hạn tâm lý khi con người ta xô vào đời nhau, ngã té và đứng dậy với hết sức tàn mà tìm đến nhau, bằng cách thức khắc nghiệt nhất, để giải tỏa cho nhau những khuất mắc tâm lý đè nén trong lòng. Họ trả thù, gây nên một chuỗi bất công, để hồi đáp một chuỗi bất công trước kia. Và vì thế họ tìm lấy công bằng cho bản thân, cũng như công bằng cho kẻ hời trước kia, để dung hòa tâm lý u uẩn trong cõi lòng, để mọi thứ tan đi trong gió, trong mưa...

Nội dung phim được bổ trợ rất lớn bởi cách dựng phim chuyên nghiệp, vừa vặn nên rất hồi hộp và lôi cuốn. Phim hình sự/trinh thám là phim có tương tác trực tiếp rất mạnh đối với khán giả nên nội dung không là chưa đủ để đáng nhớ, cần lắm không khí ly kỳ để khán giả hòa mình vào cảm giác run lên mỗi khi con người hành ác, cũng như mỗi khi nạn nhân chịu đựng. Và The Devil đã thành công trong việc đó khi khuếch tán được nội dung câu chuyện bằng những hoạt cảnh, góc quay cùng những cú di máy giàu tính điện ảnh, tối tăm và thâm u như chính lòng người ngập ngụa trong hận thù. Hình ảnh lá bài tarot kết hợp với nhạc phim đứt quãng nhiều trăn trở hay khuôn hình tàn tạ sau mỗi lần thủ ác rắc vào lòng người xem sự nuối tiếc vì mọi chuyện đã muộn màng nên chẳng thể nguôi đi...

Câu chuyện tình cảm giữa những con người ấy như mênh mang một chút ánh lửa nhập nhẹm mà ấm áp, như miên man dòng hối tiếc lạnh căm trôi mãi miết do mọi thứ đã lỡ làng. Tất cả khiến mọi vật trở nên se sắt vào não nùng buông tay lặng khóc, khóc cho cuộc đời đã tạo nên ai oán hôm nay, và khóc cho những con người đã chịu đựng ai oán, cũng như khóc cho những con người đã gây nên ai oán. Không có ranh giới rạch ròi, tất cả đều mong manh và chớp nhoáng để rồi tự tàn lụi như chính cách nó đã sinh ra. Cô gái Hae-in trong sáng như chính ánh sáng thuần khiết xoa dịu một chút, chỉ một chút thế giới tăm tối ấy. Cô đứng giữa thiện ác để đau lòng nhưng chính cô là người đã sưởi ấm trái tim hai chàng trai khắc khổ ấy để họ được hạnh phúc đôi lần, thứ hạnh phúc vì được quan tâm, thứ hạnh phúc được yêu và thứ hạnh phúc được thấy cô cười...

Cách thực hiện giàu tính hình sự khiến The Devil là một trong những drama hình sự đáng xem nhất, đanh và lạnh nhưng lại gọn gàng và ly kỳ đưa người xem vào những trãi nghiệm khác nhau. Nội dung phim khó hiểu, tất nhiên phim hay phải khó hiểu, bản Nhật của The Devil làm dễ hiểu hơn nên không hay bằng, nhiều tình tiết rất thứ tự và để lại quá nhiều dấu vết để khán giả nắm bắt-điều tối kỵ đối với tác phẩm trinh thám/hình sự hay, lý do là vì kiểu dựng phim trinh thám đậm tính truyền hình của Nhật để phân tích sâu tâm lý nhân vật. (Nói thêm là với Byakuyakou, Nhật đã thành công với cách dựng đậm tính truyền hình này để vẽ nên cái tình đắt địa giữa hai con người chống lại cả thế giới-chỉ vì nhau, nhưng với tương tác hai bên như The Devil thì cách dựng như kiểu truyền hình đơn thuần khiến nội dung quá rõ ràng để bật lên tính "phi biên giới" trong tâm lý con người).

Diễn viên trong The Devil hợp vai và tròn vai, chemistry giữa hai diễn viên chính lạnh rất vừa nên lại ấm áp đến lạ. Cùng đó là kết hợp cùng nội dung đắt địa, đầy logic do xáo trộn hợp lý đã tạo được không khí mông lung hòa quyện vào cảm giác nuối tiếc muộn màng tạo dư âm xứng đáng được nhớ thật lâu trong trí nhớ khán giả. Để khán giả biết nuối tiếc và tránh để bản thân phải nuối tiếc khi để mọi việc đi quá giới hạn, nên phải giải quyết chính bằng cách vượt khỏi lằn ranh giới hạn. Ma Vương như lời cảnh tỉnh, để mọi người biết rằng không-gì-là-không-thể, mọi việc đều phải trả giá, cho dù là cái giá đắt nhất là hủy diệt. Với The Devil, nơi có Chúa trời thì cũng có Lucifer để lập nên một thế cục cân bằng vượt giới hạn. Bởi công bằng là thứ nằm ở lưng chừng lòng người...

P/S: tôi không phân tích cách thức dẫn dắt thôngminh để Oh Seung-ha đạt mục đích. Tôiđể dành lại để nếu ai chưa xem sẽkhám phá được sự thú vị khi chơi trò chơitâm lý, một trò chơi tâm lý thật sự "căng"chứ không chơi qua loa vờ vịt như hằng sasố phim Hàn khác, mà điển hình là The Housemaid hay ProsecuterPrincess, hai phim gần đây nhất mà tôi nhớ có sửdụng yếu tố trả thù tâm lý cao thủ nhưngchỉ khiến tôi cười phì vì cố tạo ấntượng cho ra vẻ sắc sảo nhưng thật ranhư con thiêu thân sa vào bẫy lửa do chính mình tạo ra.Nếu ai quan tâm đến cách thức trả thù này thì cóthể xem Huyết sắc tàn dương của TrungQuốc, khi người ta chơi món đòn tâm lý là gia quyđể xử tử nhau, một bộ phim cũngthuộc dạng ám ảnh như The Devil. ^^

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review