Tân Tây Du Ký: Bờ lưng quá khứ kẻ độc hành

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tân Tây Du Ký là một phim say, say đời, say người và say sáng tạo của Châu Tinh Trì. Nếu Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân đầy màu sắc tiêu diêu khoan thai trong hành trình tìm về miền đất Phật thì Tân Tây Du Ký lại là một tác phẩm tìm về cảm xúc con người đặc sắc của Châu Tinh Trì.

Tân Tây Du Ký ra đời sau Đông tà Tây độc của Vương Gia Vệ nên chịu ảnh hưởng từ việc cải biên cốt truyện, cũng như một vài ý tưởng xây dựng nhân vật từ Đông tà Tây độc. Nếu ai đó có thắc mắc là phim đạo lại có đáng xem hay không thì không cần thắc mắc nữa, vì Châu Tinh Trì là chuyên gia xào lại ý tưởng của người khác với một phong cách sáng tạo rất ...Châu Tinh Trì, nên hẳn nhiên khi xem thì trong ý cũ sẽ có tứ mới đầy sáng tạo của họ Châu, và tình tiết xào lại khi ấy hoàn toàn thuộc về họ Châu, tách biệt hẳn với tứ của người làm trước.

Ở Tây du ký thì yếu tố khiến tôi thấy phim hay nhất chính là cách Châu Tinh Trì tiếp cận với tình yêu trong cuộc đấu tranh giữa lý trí và cảm xúc. Tình yêu vẫn thay đổi dù rằng chủ nhân của nó cố giữ lấy, thứ tôi gọi là tính khả biến của tình yêu. Tôi thích phim vì phim tôn trọng tính khả biến đó, thứ vô cùng hiện thực nhưng lại rất ít khi được thi ca tôn trọng. Phim phản biện lại tính thủy chung của tình yêu, thứ nhiều người coi trọng đến mức tôn sùng nên họ sẵn sàng đạp đổ sự thay đổi như một mệnh đề tất yếu bên cạnh sự bất biến.

Thú thật khi xem phim này tôi đã không ngờ Châu Tinh Trì có thể làm một phim có ý tứ hay như thế này. Trước giờ tôi vẫn liệt phim Châu Tinh Trì vào hạng phim hài thực dụng, tức xem để cười thoải mái rồi quên sạch sành sanh thành ra thích đấy nhưng không tôn trọng gì. Nhưng sau tác phẩm Tân Tây Du Ký này thì Châu Tinh Trì đã khiến suy nghĩ của tôi dần thay đổi, và tôi tiếp cận với phim Châu theo một cách tôn trọng hơn, tức là tôi sẽ suy nghĩ phim nghĩ gì trước khi mình cảm thấy như thế nào.

Thật ra phim gồm hai phần liên kết với nhau, và tôi xem phần 2 trước phần 1 nên chắc hẳn cảm nhận sẽ có chút khác biệt nếu xem theo thứ tự. Chính vì xem phần 2 trước nên phim khá khó hiểu ngay lúc bắt đầu, tôi rất bất ngờ khi Châu Tinh Trì lại dám mở đầu bằng một đoạn mở màn không đầu không đuôi như thế. Nhưng khi bắt nhịp được với phim thì cốt truyện cốt truyện mông lung thiếu khúc đầu của phim thật sự ... rất hợp với tôi, dường như tôi thích cách bắt đầu không đầu không đuôi như thế. Vì vậy khi xem lại phần 1 thì đâm thừa. Phần 1 vẫn vui rất Châu Tinh Trì với những yếu tố hài hước đậm màu sắc Hồng Kông, nhưng không đủ xi-nhê với cảm nhận của tôi vì câu chuyện ở phần 1 chỉ là cái nền cho câu chuyện ở phần 2 phát triển, mà nếu không có (hay được làm trong 5 hay 10 phút gì đó) thì cũng không thành vấn đề.

Only you phiên bản Hồng Kông, những yếu tố làm cho vui cực kỳ sáng tạo và ba trợn đặc trưng của phim Châu Tinh Trì:

Nói thẳng thì phim Châu Tinh Trì có rất nhiều tình tiết gây cười thừa, và dường như chẳng liên quan đến phim. Chính điều đó khiến phim của Châu thường rất vui, nhưng nếu không biết tiết chế thì lại trở nên loãng, nhiều phim của Châu nằm trong dạng này. Những yếu tố đó khiến phim của Châu được yêu thích nhưng không được đánh giá cao vì cách hài hước bằng thoại mo lei tau-nhảm nhảm này. Nói mo lei tau nhảm nhảm không phải để chê, mà là để khen cách Châu nâng tầm yếu tố nhảm lên làm thương hiệu của mình, một cách nhảm rất thông minh, tự tin, tếu táo khiến tương tác của phim Châu với khán giả là rất mạnh. Châu luôn lừa khán giả một cách tỉnh rụi với mọi khả năng xử lý hài tình huống. Đầu óc phán đoán của khán giả nếu quá để tâm đến cách xử lý tình huống của Châu có thể dễ dàng quên đi những tình tiết ẩn đằng sau đầy tự sự. Nhiều người bảo Châu là vua hài, nhưng với tôi Châu là một đạo diễn đầy tự sự, cách tự sự đầy bình dân. Châu luôn tâm sự một điều gì đó chiêm nghiệm trong cuộc đời bôn ba. Đoạn đầu của phim Châu luôn nhảm đấy, nhưng đoạn cuối thì không nhảm chút nào, nó đầy tính thời sự của lòng người. Châu luôn biết đi qua cái nhảm để tìm về với những giá trị thực nhất.

Nếu Vương Gia Vệ là đạo diễn luôn chú trọng đến nét hư ảo mênh mang trong từng áng phim, thì Châu luôn chăm chút những giá trị thực nhất, dễ nhận biết nhất trong tình cảm con người. Vì thế phim Châu rất dễ liên hệ, không lãng mạn, không quá hiện thực đến khốc liệt, mà là những gì đời thật, bao gồm cả cách những người đời thường tung hứng mơ ước với nhau. Phim của Châu rất thực dụng, rất đời thường nên dễ đi vào lòng người. Bởi vì Châu là người biết đi từ đời thường để dựng nên cốt truyện.

Tân Tây Du Ký hội đủ yếu tố như thế, hài hước vừa đủ và bi thương cũng loáng thoáng rơi lại với khán giả trên con đường thiên lý của Tôn Ngộ Không. Tôi bỏ qua một bên các yếu tố mang thương hiệu Châu Tinh Trì khi đề cập đến Tân Tây Du Ký để tập trung vào một làn hơi thật bay của Châu khi phần 2 xử lý tính khả biến của tình yêu khiến nguời xem xốn xang. Tình yêu lỡ một bước thời gian mà kẻ đến quá chậm, trong khi người lại đến quá sớm khiến lòng người ngổn ngang sầu. Nội dung phim nói về cuộc tình biến của Tôn Ngộ Không trên đường hắn tìm lại đường đi về đất Phật. Tôn Ngộ Không được Quan Âm hóa kiếp với thỉnh nguyện của Đường Tam Tạng. Lý do là vì Tôn cùng Ngưu Ma Vương phản thầy nên bị phạt, nhưng Đường Tăng xin cho nên được tạo cơ hội làm lại cuộc đời. Phim Châu lúc nào cũng vậy, là một hành tình tạo dựng cuộc đời, mà ở đây là đời khỉ đầy biến động của Tôn Ngộ Không trong kiếp người.

Sau nhạc vui là nhạc buồn:

Như những tác phẩm thần thoại, thì ở đây con người có thể đi xuyên thời gian bằng những bảo vật. Câu truyện bắt đầu ở 500 năm sau, khi Chí Tôn Bảo yêu Bạch Cốt Tinh nhưng một ngày nọ đấu không lại Ngưu Ma Vương nên Bạch Cốt Tinh tự tử do tưởng Tôn Ngộ Không đã phụ bạc mình. Chí Tôn Bảo quay ngược thời gian để tìm hiểu, ngăn cản hành động của Bạch Cốt Tinh nhưng không được, và lạc về 500 năm trước để gặp Tử Hà Tiên Tử-với một vai đa nhân cách như Mộ Dung Yến của Vương Gia Vệ. Và dù cố gắng để giữ lấy tình yêu với Bạch Cốt Tinh nhưng trong thâm tâm Chí Tôn Bảo đã rung động vì Tử Hà Tiên Tử, rung động thật sự bởi một tình yêu theo kiểu...Châu Tinh Trì. Điều đáng nói ở đây chính là quá khứ của Tôn Ngộ Không đươc xây đắp không vô hình vô ảnh như trong nguyên tác, mà rất thực và rất đời để Tôn Ngộ Không mang theo ký ức làm hành trang bôn tẩu về đất Phật. Tôn Ngộ Không của Châu Tinh Trì mang hình ảnh của sự cô độc của một con người, chứ không phải sự cô độc của con khỉ mà con người gán trí tưởng tượng của mình vào, tôi gọi đó là một bước tiến hóa mà Châu đã quẹt vào tâm hồn con khỉ của Ngô Thừa Ân. Tôn Ngộ Không không còn tiêu diêu như tưởng tượng mà mãn nguyện cô độc một cách rất nguời khi đã trãi qua những giờ phút hạnh phúc trên trần gian. Đến lúc đó Chí Tôn Bảo mới dứt tình để đi tìm về miền đất sắc sắc không không. Với Châu thì sau khi đã trãi qua hỉ nộ ái ố trên trần gian rồi Tôn Ngộ Không mới chấp nhận sải bước yên bình đi tìm về cõi Vô niết bàn.

Tình yêu là món quà hạnh phúc nhất mà cuộc đời dành cho một người, Chí Tôn Bảo cũng thế, khi họ Tôn yêu và được yêu-những hai lần để tìm kiếm hạnh phúc. Và cho dù tình yêu nào cũng lỡ nhịp ước hẹn ngàn năm nhưng vẫn xuyên thật sâu vào tâm hồn mãi miết chẳng thể nào quên. Thật nhẹ, nhưng cũng thật xốn xang, khẽ rung những niềm nhớ phiên thật nhẹ từng con chữ tình ái vào tiềm thức lênh đênh. Tình yêu sau khi đã được cắt cơn nghiện là liều thuốc mê rất vừa độ để người ta hạnh phúc. Một chút khắc khoải, một chút tê tái, nhưng cũng là một chút êm ái, một chút ấm áp mê mang không bao giờ tàn. Tôn Ngộ Không vẫn vác trượng đi miết để lại những dang dở đằng sau lưng-những dang dở rất đẹp được số phận mang tặng. Hạnh phúc rồi sẽ tìm đến những nguời biết đi tìm hạnh phúc, bằng một cách bình thường nhất, hay lạ thường nhất. Nhưng chắc chắn con người luôn có muôn nẻo để tìm đến hạnh phúc, và cách dễ dàng nhất là hà hơi lên sự bằng lòng để ủ ẩm bàn tay còn nhiều ước vọng. Hạnh phúc luôn đến từ bên trong trái tim.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review