Ring (Vòng tròn ác nghiệt) - Truyện ma trinh thám...

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ring (Vòng tròn ác nghiệt) – Truyện ma trinh thám và những oán niệm tâm lý bủa vây...

Liệu tôi có nên review về một truyện kinh dị bằng cách viết lãng đãng không nhỉ?

Viết về những ma quái, tột-đỉnh-kinh-ngạc, hãi, sợ, ám ảnh ...

Sợ ma, một nỗi sợ mà tôi cũng có chút chút khi đôi lần đi qua một khung cảnh queo quắt vắng tanh, tối om.

Tất nhiên tôi phải sợ, bởi vì tôi chưa có nhân duyên được gặp ma, ngoại trừ trong mơ.

Dù rằng trong mơ, sau khi tôi bị ma dí chối chết thì thông thường tôi sẽ vác rựa dí lại ma.

Tôi đang nói chuyện tôi mơ mà thôi.

Còn hiện thực thì tôi sợ ma bởi vì tôi chả biết nó ra sao cả.

Nên sợ bởi vì tôi không biết. Không biết nó có sức mạnh như thế nào, nó ghê gớm ra sao, cũng như nó nanh độc đến nhường nào.

Tôi cũng sợ rắn, nhưng chỉ là sợ rắn cắn, dẫn đến khả năng toi mạng khi đang còn trẻ.

Còn sợ ma, cái sợ vô chừng. Sợ ma sờ chân tôi xong nở nụ cười yêu dấu lúc đang lơ mơ ngủ.

Hay sợ con ma trắng toát lặng lẽ đưa bàn tay lòn qua cổ tôi ôm ấp lúc tôi đang lim dim giấc mộng. Sau đó ,tôi mở mắt, một cặp mắt trừng trừng trân trân nhìn tôi rồi biến mất.

Tê tái.

Phải nói cái cảm giác ấy thật sự tê tái. Điếng. Hoảng. Và ngẩn ngơ.

Nhưng cũng thật kích thích khiến trí não có được chút gì đó khoan khoái, có chút gì đó rất đã, rất phê.

Cho nên tôi rất thường xem/đọc về ma để đi tìm một cái cảm giác không điều khiển được bản thân như thế. Để được rong chơi vào thế giới tâm linh ám ảnh con người bao đời nay.

Và tác phẩm tôi muốn muốn nói nhân chuyện ma quỷ trong hôm nay là Ring, tác phẩm rất nổi tiếng trong thế giới truyện kinh dị. Một tác phẩm kinh dị trong lặng lẽ, ma quái trong khẽ khàng, nhẹ nhàng nhưng đủ để người đọc hoang mang...

Những tác phẩm về ma bây giờ thường theo xu hướng cái nào hù dọa khán/độc giả càng tốt thì càng được đánh giá là hay. Nhưng với quan điểm của tôi thì một tác phẩm kinh dị hay không chỉ dừng ở khả năng gây tác động đến giác quan của khán/độc giả, mà còn được đánh giá ở dư âm tác phẩm đọng lại, đủ để họ không muốn quên, và đôi khi là không thể quên. Cho nên, những tác phẩm ma mà tôi xem/đọc gần đây dường như thiếu đi dư âm vương lại đó nên đã không thể ở lại trong cảm nhận lâu hơn. Những tương tác hù dọa giật gân được sử dụng rất thú vị, nhưng chỉ đủ để tạo nên tính hồi hộp trong khi xem/đọc mà thôi. Riêng với Ring, dư âm đọng lại có chút gì đó bàng bạc, mà lại thắc thỏm, cũng như nhiều khắc khoải nuối tiếc hơn, bởi vì con ma trong Ring dường như rất gần, tâm tư nhạy cảm, nỗi buồn mênh mang. Bên cạnh đó cũng do thế giới tâm linh của truyện ma quái, ly kỳ, hư ảo mà rất lại chân thật hơn bao giờ hết, khi truyện không phân biệt đâu là thế giới của ma và đâu là thế giới của người...

Cũng phải nói ngay, mạch truyện của Ring khác biệt rất nhiều so với truyện ma khác. Câu chuyện của Ring không tồn tại những tương tác tiếp diễn để đưa đẩy cảm xúc của người xem. Ma xuất hiện trong Ring không phải để đùa giỡn với độc giả. Ma chỉ xuất hiện khi ma cần xuất hiện để gieo và gặt oán niệm, thời gian còn lại, ma đi làm chuyện của ma, ai làm gì mặc xác ai. Ma làm quái gì thì tôi cũng chẳng biết. Chỉ biết rằng những con người trong Ring phải lùng sục để tìm kiếm cho được tung tích của vị ma ấy. Vị ma có những năng lực khiến những người trong cuộc hoảng loạn cùng cực.

Thú vị hơn nữa với Ring là cách Suzuki Koji tả lại con ma ấy qua lời kể. Với những dòng chảy tâm lý ẩn sâu trong số phận, chân dung con ma hiện ra âm thầm, lần lượt qua những dữ liệu được khai phá, những góc khuất sâu thẳm, những chua cay hoang sầu được vẽ nên điệp trùng đủ để tạo nên oán niệm ở lại thế gian. Những oán niệm khiến ma tồn tại, và ngược lại ma sẽ tồn tại để tạo ra oán niệm. Với Ring, tác giả không miêu tả lại cuộc chiến giữa người và ma, mà tác giả miêu tả lại ám ảnh về cái chết kèm kẹp những ích kỷ của con người. Những điểm yếu mà bất kỳ ai là con người đều sẽ có, những điểm yếu để con người bị uy hiếp, bị điều khiển và có thể khiến người ta phản trắc cả nhân tính của bản thân.

Với niềm tin vào thế giới tâm linh, tôi tin rằng oán niệm là có tồn tại, cho dù nó có tồn tại ở một thực thể chưa được khoa học kiểm chứng hay không. Những oán niệm tồn tại để cân bằng một thế giới tâm lý luôn cảm nhận được sự phân chia. Những oán niệm vất vưởng một nơi nào đó ủ lấy những ý niệm thù hận, và chờ gặp một thời cơ thuận lợi để sinh sôi, khiến thế giới bất phân hư thực, trần gian không rõ đêm ngày... Tất cả chỉ để oán niệm là nguồn sống nuôi dưỡng những linh hồn ở lại với cõi đời-nơi không dành cho họ. Những oán niệm u uất đủ để họ đè nén tâm tư và chôn chặt căm giận, và rồi sẽ bùng nổ vào một thời khắc mà con người và linh hồn gặp nhau, thời khắc mà tâm linh hòa nhập với đời thực, sự sân si hòa nhập vào khao khát sống, những góc khuất bản năng nhất hòa nhập vào nhân tính của loài người...

Ring là một câu chuyện ma gợi tả lại nỗi sợ hãi cùng cực, khoét sâu vào những ám ảnh chờn vờn, bật lên được bản năng yếu đuối nhất của con người trước thiên nhiên rộng lớn, trước sự vô vàn của vũ trụ, cũng như sâu thẳm bản năng sống có thể ăn mòn cả nhân tính của con người. Cuối cùng đọng lại là sự sỡ hãi vô hình trong vực thẳm vô thức không giới hạn bủa vây khiến con người rùng mình và đi tìm lại bản thân...


Tiếnggọi tình yêu giữa lòng thế giới

Cuốn sách là những vụn vỡ được chắp nối êm dịu.

Là khoảnh khắc mà chia xa phai dấu miền thời gian xa khuất...

Mãi miết cho đến cả những đổi thay ngày mai.

Có lẽ, Tiếng gọi tình yêu giữa lòng thế giới không phải là một tác phẩm xuất sắc.

Nhưng trong tôi, nó là một tác phẩm khó quên.

Khó quên bởi vì nó chứa đựng tấm chân tình của nỗi nhớ, dù rằng nhớ nhung ấy rồi mai này sẽ lãng quên.

Tình yêu của đôi trẻ trong ấy, trong dở dang, trong ngỡ ngàng, khiến cho trái tim tôi trẻ lại. Khiến cho nỗi nhớ của tình yêu ùa về trong tim. Khiến cho những gì ngỡ đã qua đi bắt đầu gợn sóng. Tất cả, cứ như mới ngày hôm qua.

Tôi của ngày xưa ấy trở lại với SakutaroAki. Những mảnh ký ức rời rạc được ghép lại trong phôi phai, trong mường tượng đã nhòa dần theo dấu chân thời gian. Một ngày xưa thơ mộng, một ngày xưa mơ màng, một ngày xưa đã nằm lặng trong mảnh đất ngàn thông. Một ngày xưa chỉ còn trong lãng quên...

Tiếng gọi tình yêu giữa lòng thế giới là một câu chuyện tình yêu lặng lòng. Những trang sách man mác trong nỗi buồn mười sáu. Những rung cảm miên man trong thế giới bình yên.

Tuổi mười sáu bình yên trước đại dương dậy sóng. Tuổi mười sáu bình yên trước định mệnh bão nổi. Tuổi mười sáu bình yên trong khao khát yêu thương. Tình yêu dường như chưa bao giờ đẹp đến như vậy, đẹp đến lộng lẫy, đến căng tràn sự sống trong tương lai héo tàn quắt quay. Tất cả những gì tôi có thể miêu tả về tình yêu trong cuốn sách này là vẻ kiêu sa bình dị, vẻ chân thành sáng trong. Tình yêu, nơi tuổi mười sáu dừng chân ấy, du dương tiếng sóng đêm dạt dào, cứ khẽ khàng rin rít như tiếng gió còn mãi miết lay động giữa thời gian. Đẹp lạ lùng, không phải một vẻ đẹp nổi bật đến rực rỡ, không phải là một vẻ đẹp quá sắc sảo để ngưỡng mộ, mà là một vẻ đẹp lộng lẫy chân thật bởi nó lẩn khuất vào lòng ta mặc nhiên.

Tình yêu tuổi mười sáu thuần khiết bên nhau. Tình yêu mười sáu tuổi thuần khiết vì nhau, tan vào nhau ngây ngô nhẹ nhàng. Hai đứa trẻ với những cảm xúc trầm tư quấn quýt bên nhau, cả trong nỗi nhớ. Cả hai bắt đầu học yêu, và chiêm nghiệm dần cảm xúc yêu đương. Học cách hy sinh, học cả trong mất mát, để rồi học cả cách sống trong nỗi nhớ về nhau. Tình yêu đi một vòng tròn hợp tan, khép lại ở những kỷ niệm nơi ngọn núi xa vắng, nơi những lời hứa chơ vơ để rồi cứ hư ảo tan vào ánh mắt còn in hằn bóng hình em...

Sakutaro nhớ về Aki hay nhớ về tuổi mười sáu của cậu có bóng hình Aki?

Khó có thể trả lời. Bởi vì Aki đã đứng mãi ở tuổi mười sáu của cậu chàng. Nên nghiễm nhiên tuổi mười sáu của cậu chàng là của Aki. Mà tuổi mười sáu của Aki thì là của cậu chàng. Cậu ấy nhớ về Aki cũng chính là nhớ về tuổi mười sáu rung động. Mà nhớ về tuổi mười sáu là bởi vì nơi đó có kỷ niệm về Aki – ru những buồn vui. Tuổi mười sáu của cả hai là để dành cho nhau, để tan vào nhau hòa thành ký ức, một loại ký ức giúp cho tuổi mười sáu bất diệt, mãi mãi mộng mơ...

Sakutaro nhiều năm sau đã để gió thổi tung Aki trong màn hoa anh đào, bởi vì Sakutaro biết rằng Aki sẽ như hoa anh đào mãi mãi còn đó, giữa khởi đầu và kết thúc, giữa lưng chừng thời gian, nơi quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, nơi tình yêu dừng lại hôn lên bờ mắt những hoang phế đẹp tươi.

Tiếng gọi tình yêu giữa lòng thế giới là một tác phẩm dành cho những kẻ yêu nỗi buồn. Hãy đọc sách để được trãi nghiệm kỷ niệm trong nhớ nhung về tình đầu đã lặng im...



Đèn không hắt bóng – Có kẻ ngạo nghễ đón nhận số phận...

Là cuốn sách nổi tiếng nhất trong văn nghiệp của Watanabe Junichi, Đèn không hắt bóng hòa quyện sâu sắc tâm niệm của một đời người vào lòng xã hội. Để thông qua những trang sách, số phận của con người tương tác với xã hội hiện lên sắc sảo, rõ ràng mà lại hư ảo như đã tan vào lòng độc giả những trăn trở, đau đớn, nổi loạn và xót xa. Trong khi miêu tả hành trình số phận của Naoe, tác giả đã vẽ lại một hành trình cảm thụ sự sống trái ngang trong hoan lạc, giá băng trong cuồng dại nhưng lại kiên định lạ lùng. Một sự kiên định đương đầu ám ảnh người đọc khi dẫn dắt họ vào sâu thẳm sự cô độc đặc quánh-một cách mênh mang.

Đèn không hắt bóng mang lại âm hưởng cổ điển của tư tưởng con người ở bất kỳ thời đại nào trong một xã hội luôn chuyển mình đổi thay. Âm hưởng của khao khát sống, âm hưởng của đam mê thụ hưởng, âm hưởng của sự yếu đuối phận người mong manh trước sự vô chừng của đất trời. Để chừng đó, chúng ta tìm cách chấp nhận. Điểm đáng nhớ nhất trong Đèn không hắt bóng chính là ở cách chấp nhận ấy, cái cách mà Naoe chấp nhận cũng như cái cách mà Naoe đương đầu với số phận một cách quyết liệttự cường. Naoe bỏ mặc thế giới chính bởi vì anh ta muốn ôm cả thế giới ấy vào lòng. Naoe lạnh lùng với mọi người chính bởi anh ta sợ sẽ phải để lại nỗi buồn cho niềm vui. Naoe buông thả tình yêu bởi chính anh ta ngại làm người tình sẽ ...yêu lại. Anh ta nhận lãnh lấy tất cả số phận, không nương tựa ai, không cầu cạnh người nào để tự co cụm vào bất cần, để tự vực dậy bản thân trong những nỗi đau-bằng thuốc phiện và dục vọng. Hai thứ ma lực có thể mơn trớn nỗi đau nhằm thay thế cho hy vọng mặc nhiên còn được sống như bất cứ ai chưa biết sẽ chết ngày nào.

Naoe, nam chính trong truyện không lần nào được tác giả miêu tả nội tâm, ngoài trừ một bức thư gởi lại. Naoe, xa lạ trong chính cách kể chuyện của tác giả như thế, chỉ hiển hiện lên qua góc nhìn của những người xung quanh và ba câu đối thoại trong lúc tranh cãi. Ngoài ra, Naoe trong lúc khác thu mình trong im lặng, ngay cả lúc yêu đương-tán tỉnh hay làm tình cũng chìm trong lặng im. Naoe, một kẻ thụ hưởng số phận không nhiệt tình, mà cũng không dại gì vô tình. Naoe, một thầy thuốc không niềm nở, mà cũng chẳng cần lạnh lùng làm chi. Tất cả những gì Naoe chọn để đối diện với cuộc đời là sự điềm nhiên-không chống cự, không cưỡng cầu. Để anh ta làm kẻ lịch sự với nỗi đau, làm một người tiêu dao với cái chết cận kề. Naoe đã sống, làm việc bằng tất cả sinh lực còn sót lại, đã yêu bằng tất cả khao khát ôm lấy sự hư vô. Naoe muốn mang lại sự dễ chịu cho tất cả bệnh nhân mà anh ta chữa trị, cho dù đó có là mang lại cái chết êm ái. Muốn mang lại sự công bằng cho đồng nghiệp, cho dù có phải chửi thẳng người đó. Và tham lam muốn ôm ấp tất cả những người phụ nữ yêu thích anh ta. Trong vô thức, Naoe muốn đánh dấu rằng mình sống. Anh ta muốn đánh dấu sự tồn tại của bản thân với cuộc đời rồi sẽ mất, muốn tận hưởng cuộc đời bù cho ngày mai sẽ không còn. Anh ta muốn đánh dấu tất cả bằng sự tham lam ấy. Vì anh ta muốn cảm thụ cuộc sống đầy đủ để vượt qua sự yếu đuối khi phải từ bỏ nó mà trầm mình vào hư vô.

Đèn không hắt bóng là một tác phẩm đi sâu vào nội tâm của con người, với những quan điểm sống về nghề nghiệp lẫn tình yêu. Sách là một tác phẩm viết về đời người một cách táo bạo đáng ngưỡng mộ khi dám đi sâu vào sự sống bằng cái chết, dám đi sâu vào nhân ái bằng y đức, dám đi thẳng vào tình yêu bằng những luân lý phản tính yêu. Để rồi tất cả, qua sự thờ ơ lại là một khao khát sống, sống một cách tự lực, sống một cách tự tôn. Có thể có nhiều quan điểm về cách sống Naoe đã chọn. Nhưng tôi trân trọng cách sống đấy-cho bản thân anh ta, quyết liệt và mạnh mẽ bên trong những nỗi đau đớn, sợ hãi có thể khiến bất cứ ai yếu đuối. Tôi không xem hình ảnh Naoe như một người hùng, bởi nếu có là người hùng thì Naoe chỉ là người hùng đối với chính anh mà thôi. Đối với tôi, Naoe đã là một cái gì đó trong tôi, một cái gì đó bạo liệt để chống lại sự yếu đuối khi phải chống chọi lại số phận. Naoe mang tư tưởng về một cách chấp nhận đậm chất Nhật, một cách sống không cần thương cảm, một cách sống tự trọng khi phải đối diện với những trái ngang. Cho nên, nếu độc giả nào thương cảm Naoe xin hãy giữ niềm thương cảm trong lòng. Bởi tôi tin rằng Naoe có thể chấp nhận tất cả mọi thái độ, ngoại trừ sự thương cảm. Naoe chọn cuộc sống ngạo nghễ, kể cả khi chọn rời xa nó, nên hãy để sự tĩnh lặng của mặt hồ ôm ấp sự ngạo nghễ ấy, bao bọc anh ta được khẽ chìm vào bình yên.

P/S:

Về tình yêu giữa Naoe và Noriko:

Có thể nói, tình yêu giữa NaoeNoriko cũng chìm trong sự im lặng, ở cả cách suy nghĩ của Naoe lẫn Noriko. Naoe có tình cảm với nhiều phụ nữ. Nhưng sự trân trọng thì có lẽ anh ta chỉ dành cho Noriko, bởi vì anh ta biết tình cảm mà Noriko dành cho anh, cũng như biết cô hiểu anh như thế nào. Niềm hối tiếc duy nhất mà Naoe để lại trên thế giới này chắc chắn chỉ dành cho Noriko, một người đã đến trong trầm lặng, một người đã yêu anh âm thầm mà anh ta không có khả năng trao gởi tương lai, không có khả năng tính chuyện lâu dài. Và cô ấy là mẹ của con anh, là người mà đến cuối cùng anh chỉ có thể dành lại khung cảnh anh còn tồn tại nơi mặt hồ yên ả như một món quà chia tay. Naoe, anh dành cho Noriko là tất cả hối tiếc, là tất cả sự bất lực mà anh ấy đã ích kỷ muốn giải thoát bản thân mà lơ đi cô. Và vì thế, Noriko hãy sống tốt nhé, hãy để Naoe được ích kỷ làm một thứ ánh sáng không hắt bóng, làm một người được ngạo nghễ với sự cô độc của chính anh, tỏa thứ ánh sáng song song chẳng thể với tới bóng cô. Xin Noriko hãy sống tốt, để Naoe được hắt lại ánh sáng ảo ảnh của anh vào sinh linh thương nhớ của hai người, vào mầm sống mà anh đã ích kỷ gởi trao nơi cô với khao khát sống mạnh mẽ nhất khi anh hủy diệt chính anh.

Về tên Đèn không hắt bóng (光と影: Quang dữ ảnh):

Đèn phẫu thuật sử dụng công nghệ Eliptical Reflectors hội tụ ánh sáng thành tia đồng nhất nên không hắt bóng vật bị chiếu. Đây là một loại đèn được tác giả ví như chính Naoe, một bác sĩ tài năng nhưng vẫn không thể vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo anh ta đang nghiên cứu. Đèn không hắt bóng biểu tượng cho một thứ ánh sáng cô độc, thứ ánh sáng chẳng để lại dấu vết, thứ ánh sáng lạnh băng không thể ngưng nghỉ mà chỉ có thể vụt tắt. Và Naoe chính là thứ ánh sáng đó, thứ ánh sáng nội tâm đứng ở ngưỡng huy hoàng hoặc lụi tàn, rực rỡ hoặc tắt lịm. Đèn không hắt bóng có nói về số phận, nhưng đó không phải là trọng tâm, mà tâm điểm của sách chính là cách chấp nhận số phận của Naoe như đã bàn ở phần đầu. Vì thế, dấu ấn sâu sắc mà Đèn không hắt bóng để lại không phải là dấu ấn về số phận, mà là dấu ấn về hình thức của số phận, thứ mang đậm dấu ấn của con người. Quan trọng hơn việc sống hay chết, chính là cách chúng ta sống (hoặc chết) như thế nào!


Bình luận khác:

-

Naoe có thể yên tâm có bạn Vịt đây không hề "thương" gì chàng ráo trọi. Dù chàng có "tự xử" hay là trong toàn bộ truyện đã ra vẻ lạnh lùng, "ghét tui đi thì khi tui chết sẽ khỏi phải buồn" thì mình cũng tỉnh queo với chàng. Đơn giản là không phải có bịnh là quyền làm bậy! Và mình không có cùng tư tưởng tự-huỷ và hoàn-hảo như Watanabe Junichi.

Cái mình cảm từ DKHB là nỗi sợ chết, tình si, và sự hưng-vong.

Sợ chết nên Naoe sống cuồng để níu kéo, bất cần để trốn tránh, rồi lại tận tuỵ để bù đắp, là những phản ứng tự nhiên. Và nỗi đau, nỗi sợ đó mình cũng có thể có nếu mình rớt vào hoàn cảnh tương tự, từ đó cũng có thể hành động như Naoe. Thế là mình cảm một Naoe "con người" như vậy.

Nhưng mình cảm mối tình si của Noriko không phải vì mình có thể làm được điều tương tự, mà chính vì mình biết không có bao nhiêu người, kể cả mình, có thể yêu và hy sinh nhiều như Noriko. Như mình cúi đầu trước sự cao thượng của Melani trong Cuốn Theo Chiều Gió, mình thán phục vẻ đẹp từ sự bao dung, nồng ấm của Noriko.

Đó cũng là một nét trong cực "Hưng" của DKHB, những tấm lòng cho người, cho đời. Đối lập là cực "Vong", sự sa đoạ, ích kỷ, bế tắc. Vì hai cực này mà câu chuyện dầu kịch tính, vẫn không thành ra quá xa vời. Đồng thời có một đối trọng tương xứng để khi gấp sách lại, bên cạnh nỗi buồn, còn thấy hy vọng. Trong chính Naoe cũng có sự thăng hoa-tàn lụi, nhưng lựa chọn cực đoan của nhân vật làm mình cụt hứng rồi.

Một ít về Eliptical Reflectors, các tia sáng hội tụ nên tại điểm được chiếu nóng hơn so với đèn thường và độ nét cũng tốt hơn. Mình đoán tác giả định nói Naoe như loại đèn tuy không phản quang (không tự bộc lộ) mà thật ra có chất lượng đặc biệt.

Việt Văn có quyển Bướm Trắng của Nhất Linh, cũng nói về một anh sắp chết, nhưng anh này không phải thiên tài cũng chả có địa vị xã hội gì ghê gớm nên "quá trình hấp hối" của anh nó khá là bình thường, tí ti cao trào thôi. Tuy nhiên văn phong rất mượt và câu chuyện rất gợi lòng trắc ẩn.

-

Đúng là không phải có bệnh là có quyền làm bậy. Nhưng cái bậy thì lại tùy quan niệm đánh giá. Có thể do LadyVit đặt con mắt phê bình vào cách sống của Naoe nên đánh giá Naoe hành động bậy. NH hoàn toàn tôn trọng quan điểm đó của LadyVit. Theo những quan điểm đạo đức, luân lý riêng thì anh ta sống phóng đãng, quen gái bậy bạ, từ mẹ đến con, từ vợ của ông bác sĩ trưởng, đến con gái, rồi đến cả nhân tình cũng quơ luôn một thể. Bậy, rất bậy.

Nhưng, quan điểm của NH thì Naoe không có làm gì bậy hết. NH không thương cảm Naoe, mà NH cũng không đánh giá cao cách sống của Naoe nếu gặp phải người như Naoe. Nhưng anh ta có làm bậy gì thì gì cũng là làm trên cuộc sống của anh ta, anh ta có toàn quyền hành động-xây đắp hay hủy hoại cuộc đời thì cũng là quyền của anh ta. Chừng nào anh ta động đến quyền lợi người khác, an ninh xã hội thì với NH mới là bậy bạ. Còn anh ta yêu từ mẹ cho đến con, từ vợ cho đến nhân tình thì đó chẳng phải do anh ta tấn công họ, họ cộng hưởng với anh ta để tạo nên mối quan hệ tình cảm đươc. Naoe hành động dựa trên sự đồng thuận của họ nên không có lỗi gì để NH bắt bẻ cả.

Riêng về cảm tính thì NH thích những người như Naoe, dám chơi, dám chịu. Dám im lặng thì im lặng đến tận cùng, không khoan nhượng, không nhụt chí, không mở miệng khi chưa tàn cuộc. Naoe là người sắp xếp nên cuộc chơi, nên chỉ Naoe mới là người kết thúc được. Đoạn tuyệt, phải nói cái kết của Đèn không hắt bóng khi Naeo đoạn tuyệt tất cả khiến NH cảm thấy con người thật sự yếu đuối trước đất trời. Bởi vì con người có mạnh mẽ đến thế nào cũng thật sự quá bé nhỏ trước tự nhiên, trước quy luật sinh tử, quy luật hưng vong. Nếu LadyVit thấy cụt hứng, thì NH ngược lại, thấy ngậm ngùi, thấy đời thật vô thường. Naoe đến kết thúc vẫn cô độc một cách uy nghi, vẫn khắc kỷ một cách ngạo nghễ. Naoe rất là đàn ông, NH thích sự cứng cỏi đó của Naoe, nuốt vào lòng tất cả để mọi chuyện đoạn tuyệt, không ê a, không rề rà, không đau từ từ...

Còn tình cảm mà Noriko dành cho Naoe đúng là tình si. NH thích cô ấy khi cô ấy yêu và chấp nhận một Naoe như Naoe muốn vậy, yêu chỉ để được bên cạnh nhau, không áp đặt, không điều khiển, không cưỡng cầu. NH thích sự nhẹ nhàng của Noriko khi đón nhận tình yêu mà cô không kiểm soát được bằng cách cô thôi không kiểm soát nữa, mà thả mình vào tình yêu lênh đênh.

-

Mình cũng bị Khổng đại ca "bỏ bùa" nè, kết chàng vì bộ Tứ Thư mà đặc biệt là Trung Dung, không có cuốn đó thì "đại ca" chỉ là ông giáo gỗ, cứng quá hoá gãy thôi. Nhưng mình cũng không thích Khổng Tử xem thường phái nữ. Câu "Phụ nữ và tiểu nhân" là vơ đũa cả nắm.

Phương Tây, thôi nói ngay nước Mỹ nhé, cũng xem tình dục là bản năng, khoái cảm là tự nhiên, và có thể ngủ với nhau mà chưa chắc "yêu nhau dài lâu". Nhưng mình thấy có hai điều họ khác người Nhật, chí ít là qua phim ảnh. Một là thường thì họ vẫn chuộng yêu nhau/có cảm tình kha khá với nhau rồi mới lên giường. Hai là phụ nữ "dữ" hơn, họ sẽ từ chối khi họ không muốn, ghen tuông khi họ muốn, và chia tay khi không thể chịu nổi. Tình yêu hay tình dục thì phía nào cũng có thể thực sự tự chủ.

Nói cảm tính chủ quan thì mình không tin tình dục và tình yêu có thể tách bạch rất rõ. Con người hơn con vật vì chúng ta không duy trì nòi giống đơn thuần vì bản năng, người đàn bà khá hơn một con điếm vì họ biết tự giữ gìn và biết cái quyền mong đợi điều tương tự ở đối phương.

Nhưng Noriko là một ngoại lệ, biết giữ gìn nhưng lại không buộc Naoe giữ gìn. "Chấp nhận" là điều tưởng đơn giản, nhỏ nhặt, nhưng thực ra đòi biết bao nhiêu nhẫn nại và bao dung, hai thứ mà nếu mình không thương người ta đến quên cả bản thân, thì làm sao mà làm nổi?

Còn Noriko có biết Naoe yêu mình chứ không yêu mấy cô, mấy bà kia không, thì bạn Vịt hổng chắc. Anh đốc-từa lăng nhăng và tuỳ hứng như thế, mà Noriko có thể "chắc" được thì quá siêu phàm.

Nên mình không thấy Noriko "bình thường" như bạn Marduk thấy à nha ^^

-

Marduk nói đúng theo quan điểm của NH về tình dục ở đàn ông đó, mà dẫn chứng là Naoe. Anh ta tách bạch tình dục và tình yêu. Ngủ với đủ cô nhưng chắc chắn chỉ yêu một mình Noriko. Đàn ông quan hệ tình dục không cần tình yêu, thích, bị hấp dẫn thì ngủ thôi. Nhưng thật sự sự tách bạch hoàn toàn giữa tình dục và tình yêu của đàn ông thì cũng không hẳn đâu. Đàn ông tham lam lắm, nên nếu cái vụ tình yêu không có tình dục thì hiếm, tình đầu hay tri kỷ gì thôi. Chứ đã yêu ai thì đàn ông ai cũng sẽ muốn đưa cô nàng họ yêu lên giường thôi. Đầy rẫy việc tình dục không tình yêu, nhưng đã yêu thì ở đàn ông đa phần phải có tình dục. Đàn ông Nhật có thể yêu cả ... búp bê, nếu có tình dục. Ở đây có Jazzy Guy, có thể tham khảo ý kiến nè ^^.

Tuy nhiên Marduk nói người Nhật đều tách biệt tình dục với tình yêu thì NH không chịu ^^. NH đồng ý với LadyVit ở chỗ này đối với phụ nữ. Phụ nữ ở đâu cũng như vậy thôi, phụ nữ Nhật cũng vậy, có yêu-mức độ nào đó thì mới chịu quan hệ tình dục (tất nhiên trừ khi nó là công việc thì chả cần yêu). Mấy cô trong truyện thì có thể nói đều có chút gì đó bị chinh phục bởi Naoe, ngủ với Naoe thì chẳng cô nào tỏ thái độ không yêu thích anh chàng đâu. Chỉ có một điểm khác biệt giữa Nhật và các nước Đông Á khác là phụ nữ Nhật dạn hơn thôi. Họ không khép kín, thụ động như nữ giới các nước khác để thủ tiết đoan trang. Mà họ chọn cách đối diện với khoái cảm của họ. Mà cái khoái cảm lớn nhất ở phụ nữ thì lại là việc họ muốn được mân mê bởi một người đàn ông. Họ hãnh diện khi chiếm trái tim đàn ông bằng tình dục, đó là cái khoái cảm cao nhất ^^, chứ không phải họ chỉ quan hệ với đàn ông bằng bản năng thôi đâu. Tình dục vì thế là con đường để phụ nữ Nhật "yêu" đàn ông, cho nên họ coi trọng tình dục, một mặt để "được yêu", mặt khác để "yêu". Quan điểm này trên danh nghĩa thì không được coi trọng ở mấy nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, những nước danh nghĩa còn coi trọng trinh tiết ^^. Ở Nhật họ không coi trọng trinh tiết, nên tình dục không được thiêng liêng hóa để "hiến dâng" thôi chứ đâu đến nỗi nhu cầu tình dục như đi ... xả :).

Tình dục với đàn ông và cả phụ nữ Nhật đều là con đường mà ai cũng có thể đi, chứ không phải là cái đích mà họ mong muốn. Con đường có thể chẳng dẫn đến đâu cả, nhưng nó mang đến trãi nghiệm để đưa họ về đích :).

Với NH thì Noriko "yêu" bình thường, cái là cô ấy nhắm không kiểm soát được Naoe nên cô ấy buồn có, ghen có nhưng không để điều đó dằn vặt. Vì cô ấy biết không thể yêu cầu ở một người mà có thể không cần cô ấy :). NH đánh giá cao Noriko khi cô ấy biết chấp nhận, lái mình để bay tự do theo mục đích mà cô ấy muốn. Nhưng điều đó bất thường với quan điểm của nhiều người vì Noriko có thể kiểm soát tham vọng trong tình yêu ^^. Chấp nhận đáp án 3 là sự chia sẻ trong vô hình, thay vì 1 có tất cả, 2 là chẳng có gì. Khôn cũng mất, dại cũng mất, chỉ có biết là không mất ^^. Đề cập đến vấn đề này thì phải lạm bàn đến tình yêu, hôn nhân và sự chung thủy của Nhật nên NH dừng tại đây thôi :).


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review