Golden Rainbow - Ấm lòng nơi tình người neo lại bên nhau

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Golden Rainbow dịch ra thì là Hoàng Kim Thải Hồng, tức Cầu Vồng Rực Rỡ. Một cái tên khoa trương, đôi phần sến sụa. Tôi không ưng mấy cái tên như vậy. Bởi nó khiến cho tôi có cảm giác khó kiếm được chân tình.

Nhưng, nội dung ở giai đoạn đầu mà phim mang đến lại đầy chân tình. Nói sao nhỉ, sự dung dị trong Golden Rainbow là một sự dung dị có chút khoa trương, còn chân tình thì là chân tình đôi phần nhấn nhá. Nhưng trước hết, nó vẫn là một sự dung dị và chân tình. Và tôi yêu quý sự dung dị, chân tình đó. Cũng như tôi yêu quý cách các nhà làm phim nhấn nhá vào một thời cơ cực của gia đình bất đắc dĩ trong phim.

Không yêu quý sao được một gia đình được một ông bố đơn thân bên cạnh 7 người con, mà tất cả đều là con nuôi. Tôi yêu quý, bởi vì tôi tôn trọng những con người như ông bố ấy, những người dùng đời mình để vá víu rách nát của đời người. Người tốt là một cái gì đó trở thành hiếm hoi trong thời đại này, cho nên người tốt như ông bố ấy càng đáng quý hơn nữa. Bởi vì tôi biết ông bố đấy ở trên phim nên tôi dừng lại ở sự đáng quý, chứ nếu tôi biết những người tốt như vậy ở ngoài đời, tôi luôn dành cho họ sự ngưỡng mộ thật sự. Bởi họ là những cá thể soi sáng trái tim của con người trước những nhỏ nhen tính toán, trước sự vị kỷ làm mờ đi tình người.

Nói về phim, phim đang trong giai đoạn miêu tả về một thời cơ cực rồi sẽ đi qua. Mà thời cơ cực chắc chắn luôn là những kỷ niệm khó quên. Dường như đã là quy luật bù trừ bất thành văn ở cuộc đời: thiếu tiền thì giàu tình, mà thừa tiền thì lại nghèo tình. Trái ngoe là như thế, người ta có thể cùng nhau trãi qua cơ cực, nhưng rất khó để cũng nhau tận hưởng phú quý. Trong khó khăn, nếu có tình cảm với nhau có thể chia sẻ cho nhau mọi thứ, có thể lo lắng cho nhau để chống chọi với tất cả thế gian. Và gia đình của người đàn ông Kim Han-joo và những đứa con cũng như thế, cũng bình yên bên những cãi cọ, cũng vui vầy giành ăn trong những bữa cơm đơn sơ. Kim Han-joo, anh có thật trên cõi đời này không? Sao Kim Han-joo qua diễn xuất của Kim Sang-jung lại chân thật một cách bất ngờ đến thế! Người đàn ông lạnh lùng của màn ảnh xứ Hàn với vai diễn nhiều ham muốn trong Người tình của chồng tôi, hay người cha thâm hiểm trong Thợ săn thành phố đâu mất rồi? Để rồi chỉ còn lại đây là một người đàn ông thâm trầm đương đầu với cuộc sống còn trùng điệp khó khăn?

Tình cảm cha con nhà đấy sao mà cute quá đáng. Người cha cool quá đã đành, mà thằng anh cả Mười Ngàn Won cũng cool chẳng kém. Tôi đang nói trong mấy màn đánh nhau. Ôi, lạ lùng, tôi khoái mấy màn đánh nhau trong phim. Quay đánh đấm còn đẹp hơn cái phim hành động Thợ săn thành phố. Đánh đấm duy mỹ gì thì cũng phải dứt khoát, nhanh gọn như phim này, chứ cứ cà ỏn cà ẻn như trong Thợ săn thì làm ơn lên sân khấu mà múa máy cho đỡ rầu mắt tôi. Hai người đàn ông này có cảnh song cẳng hợp bích đánh cho nguyên một đàn găng-tơ nằm la liệt thật oách xà lách, thật đã con mắt mà thỏa lòng hiệp nghĩa trong cuộc đời bon chen.

Và còn nữa, cô bé bị lạc Một Trăm Won dịu dàng bên cha và bên anh cả thật dễ thương, cậu bé Không Won Nào thì lém lỉnh mà cute vô đối. Ba đứa trẻ Mười Won, Chục Won, và Một Won cùng cô chị Một Ngàn Won-mới gia nhập tô điểm thêm nhiều màu sắc cho gia đình đông đúc ấy. Tất cả tạo nên những sắc màu để tô vẽ nên 7 sắc cầu vồng hòa nhập vào nhau, để tô thắm, để dung hòa và để bao bọc lấy nhau tạo nên một thứ ánh sáng dịu dàng, thứ ánh sáng chỉ được tạo nên khi những cơn mưa vừa kết thúc để thắp lên hy vọng .

Phim chỉ mới có vài tập, những diễn viên chính thu hút khán giả như Jung Il-woo đẹp trai hay UEE xinh gái vẫn chưa xuất hiện. Tuyến tình cảm chỉ mới chớm nơi những cô bé, cậu bé ấy và chưa biết đi về đâu. Câu chuyện tình tay ba cũng chỉ bắt đầu lấp ló, tình đơn phương cũng mới thoảng để lại mầm. Hay những tình tiết makjang về thân phận đã mất, đấu đá thương trường mới hé lộ sơ sơ. Tất cả dự trù cho thấy đây sẽ là một phim hợp với thị hiếu của người xem Hàn, khả năng tạo được sự chú ý sẽ còn cao hơn. Nhưng với tôi, những điều ấy không quan trọng. Bởi mong muốn của tôi khi xem phim đã được đáp ứng bằng tình cảm gia đình và tình người nhiều dư vị. Tôi không biết mình có thể kiên nhẫn theo hết 50 tập phim hay không, nhưng ít nhất, những nhà làm phim đã làm cho tôi tin rằng Golden Rainbow là một bộ phim đáng theo dõi nên tôi sẽ vẫn tiếp tục xem, và tiếp tục khy vọng tình người sẽ thắp sáng trái tim khán giả sau những cơn mưa, ... dầu đôi lúc sau mưa hông có cầu vồng :).


The way way back – Bè bạn và trưởng thành

The way way back như cái tên của nó là câu chuyện về đường về.

Là một câu chuyện được mở đầu bằng hành trình đi nghỉ, và kết thúc bằng hành trình đi nghỉ về. Có khác gì nhau không? Số dặm thì chắc vẫn thế, nếu như gia đình ấy không lạc. Còn tâm lý người về thì khác người đi, đã thay đổi...

Phim không miêu tả kỹ càng hành trình về bằng hành trình đi. Trong khi hành trình đi ủ ê, ngáp ngủ-mà nhiều người thường gắng gượng để kiếm một niềm vui hình thức. Thì ngược lại, hành trình về, dù chỉ dừng lại ở sự bắt đầu, lại thoải mái con nhái, bởi vì người về đã vui hơn khi họ-là người đi, dẫu cho niềm vui ấy bắt đầu từ sự dừng lại, nói cách khác là sự từ bỏ.

Từ bỏ là cách mà con người chúng ta trưởng thành. Từ bỏ sự lệ thuộc, từ bỏ sự nhu nhược, từ bỏ sự giả dối, đại loại là bỏ quách những thứ như thế. Cuộc đời của ta có mấy đâu, mà ta cứ mãi lười biếng, cứ mãi sợ sệt không dám tự cầm nắm! Không dám đối diện với sự thật sao? Không dám đối diện với sự tan vỡ ư?

Trong không khí bè bạn thoải mái, đứa con trai 14 tuổi học nhiều điều từ những người bạn lớn xác lông bông ở công viên nước. Học cách can đảm nhòm mông thiếu nữ thay vì nhút nhát đi khúm núm. Học cách lên tiếng về ông bạn trai hách dịch lăng nhăng của mẹ nó thay vì cam chịu sự lấn lướt của hắn. Cũng như học cách hôn trộm người con gái nó thương, để biết rằng phải can đảm như thế thì cô gái đó mới hôn nó lại. Người mẹ cũng vậy, học cách chấp nhận sự thật thay vì để thằng cha đẹp mã tiếp tục dụ khị. Để tìm về với tâm tình của đứa con trai đang tuổi mới lớn, cũng như can đảm tìm về sự độc lập trong tình cảm, để đeo khuyên tai thay vì đeo khuyên mũi. Chính không khí bè bạn nuôi lớn sự can đảm để con người đối diện với thế giới rộng lớn, thay vì co cụm trong chính sự cô độc.

The way way back có thông điệp như nhiều phim Mẽo khác là tìm về con gà thoải mái. Không có quá nhiều thứ để khen ngợi, nhưng tin chắc rằng dù là một bộ phim nhỏ, kinh phí độ 5 triệu đô, viết về những tâm tình nho nhỏ trong cuộc sống cùng hệ thống nhạc phim quyến rũ sẽ mang đến cho bạn một chút cảm xúc nho nhỏ đẹp đẽ nào đó. Là phim độc lập chẳng nghệ thuật gì cho lắm, chẳng day dứt gì cho cam, phim rất bình thường, nhưng chính sự bình thường ấy lại tạo dấu ấn đáng nhớ, khi phim tiếp cận cuộc đời xứ Mẽo một cách không to tát, không anh hùng, không tội phạm. Một phim Mẽo đáng xem vì chất bình dân với cách tiếp cận bình dị, tất nhiên là theo kiểu Mẽo!


12 Angry men

12 Angry Men hay bởi vì nó lôi cuộc họp kín ở phòng nghị án ra công khai trên màn ảnh. Hay bởi tính chất kịch tính không gián đoạn, miêu tả liên tục hơn 90 phút tranh cãi từ nhẹ nhàng cho đến hăng say về quyết định có kết án hay không đối với một thiếu niên 18 tuổi về tội giết cha.

Phim tối giản, tập trung hoàn toàn trong phòng nghị án với 12 người bồi thẩm đoàn khác nhau. Tập trung vào cái mà bất kỳ ai cũng quan tâm là luận cứ định tội. Thông qua đó, miêu tả lại hiện thực xã hội với chế định bồi thẩm đoàn ở Mỹ, có ưu, khuyết điểm riêng nhưng trên hết là nguyên tắc tôn trọng sự đa chiều trong lập luận, cũng như tôn trọng tính cá nhân, và yêu cầu cao ở tính cẩn trọng khi sử dụng sức mạnh tuyệt đối của tập thể lúc phán xét tính mệnh của một con người.

Và phim hay vì nó là một phim chính nghĩa khi kể lại hành trình đấu tranh cho công bằng của người yếm thế. Với nguyên tắc sòng phẳng nhất để bảo vệ quyền công dân, thay vì những nguyên tắc phủ đầu "giết nhầm còn hơn bỏ sót". Cùng đó, phim cũng đề cao sức mạnh của sự nghi ngờ-cha đẻ sinh ra chân lý.

Nói chung phim hay là vì chọn được nội dung lôi cuốn, rồi khoét sâu với độ tập trung cao nhất để thuyết phục người xem ấn tượng về vấn đề được đề cập, không màu mè, không hình thức, nói cái gì cần nói, tả cái gì cần tả theo một cách thông minh nhất.

Tôi chỉ nói thế thôi, bởi vì thật sự phim đủ lý tưởng rồi, chẳng cần phải ca tụng nhiều.



The Shawshank Redemption – Định nghĩa lại khái niệm tự do

Là một phim miêu tả lại nhà tù giả tưởng tại Mỹ, The Shawshank Redemption lại tả lại đỉnh điểm của tự do với ước mơ căng tràn về khát khao được làm chủ tự do của riêng mình.

Andy, nam nhân vật chính, vào tù bằng một án chung thân oan khi bị buộc tội giết vợ và nhân tình. Và tự do bị phong tỏa bằng những bức tường với cuộc đời của một vị phó giám đốc ngân hàng đang lên. Andy thích nghi với nhà tù như một cách phản kháng duy nhất mà người tù có thể sử dụng khi đã bị nhốt vào củi. Không một lời ca thán, sự im lặng như nung nấu lấy ý chí quyết tâm giữ vững niềm hy vọng nhen nhóm qua thời gian.

20 năm tù với tất cả những oan ức, với sự tình cờ run rủi, với tình bạn cùng cảnh ngộ thử lửa bền gan, Andy khám phá được sự thật anh ta đã bị người khác gài như thế nào, đã cay đắng trước sự nghiệt ngã của số phận ra sao. Và khi đó anh hiểu ra, những quản ngục, những giám đốc nhà tù đã lợi dụng anh không thương tiếc như thế nào. Cái án chung thân khiến họ ỷ y rằng Andy chẳng thể nào thoát khỏi sự quản thúc của họ, nên họ bằng mọi thủ đoạn tìm cách giữ nguyên hiện trạng tù túng mặc cho số phận Andy có ra sao, dù cho có phải giết đi một tính mạng của một con người có thể minh chứng cho sự vô tội của kẻ giết vợ.

Và chính đó là giọt nước tràn ly, hình thành nên ngọn sóng phản kháng để Andy chịu đựng hằng đêm trong ngục tối, chịu đựng hơn nửa km để tìm kiếm lại tự do. Andy ra đi và trả thù những con người đã lợi dụng anh, đã muốn nhấn anh mãi mãi vào vũng bùn đen tối nhơ nhớp dưới án chung thân để phải cun cút tự nguyện phục vụ họ. Tất cả đã tạo nên một ý chí bức phá cần phải tìm lấy một nền tự do cho riêng mình của Andy. Một niềm tự do khiến anh được tự do vẫy vùng, được thênh thang bước đi, được ngập ngụa vào tận hưởng trong sự mênh mông của biển cả. Một nền tự do thoát ly, một nền tự do hoan hỷ được là chính mình, được chinh phục chính sự tự do ấy. Một nền tự do không bị ràng buộc bằng cách thức gì nữa, một nền tự do không bị ai khác cầm quyền lợi dụng nữa.

Andy ra đi, chỉ để lại một mối liên hệ duy nhất với Red, người bạn tù vong niên bằng một địa điểm Zihuatanejo vu vơ. Tình bạn để họ đủ thân để lại dấu vết cho nhau. Một tình bạn đã bắt đầu trong cảnh ngộ giống nhau để rồi hiểu nhau bất ngờ. Để hiểu rằng họ cần tự do, cũng như cần nhau vui vầy bên bàn cờ vua quá vãng, bên những kỷ niệm ẩm thấp vấn vương ám ảnh. Tình bạn của những con người đã lạc vào ngục tù để rồi khó có thể hòa nhập với sự tự do được định nghĩa bằng số đông. Chính vì thế, với cái cách mà Andy đã đi tìm tự do trong tăm tối, trong hoang mang chính là cách mà một người tù đã định nghĩa lại tự do cho số đông hiểu, sự tự do nằm sau trong cảm nhận của từng người, với sự từng trãi của họ, với những thói quen, với những hoàn cảnh, với những bó buộc, cũng như với những nỗi sợ hãi chính sự tự do đó.

Những năm tháng ngục tù nói cho cùng lại là những tháng ngày bình yên, khi những người thụ án chung thân dường như hiểu, gắn bó với điểm dừng cuộc đời của họ. Họ ở đó, trong sự quản thúc, trong sự sợ hãi nho nhỏ, trong sự bí bách của bốn bức tường nhưng họ được bao bọc bởi chính nó, bởi chính nỗi sợ hãi nho nhỏ trước đất trời và lòng người bao la trong xã hội ngoài kia. Nhà tù, mặt khác, đối với họ chính là ngôi nhà của chính họ, chính là nơi nương nấu đối với những kẻ đã bị xã hội truất quyền, đã bị xã hội từ bỏ. Và chính vì thế, với chính họ, nền tự do mà họ mong muốn sau những năm dài trong tù không phải là được ra tù, mà là tìm được một nền tảng bình yên thu mình lại và hòa mình vào nền tảng bình yên đấy. Một nền tảng bình yên cưu mang họ trước bấp bênh của cuộc đời, những người đã đứng yên với sự chuyển động xã hội ngoài kia, những con người đã lạc bước vào quá khứ khi người khác trôi chảy vào tương lai. Họ là những con người đã lỡ bước trên cuộc đời, đã dang dở cả số phận. Thế nên nền bình yên mà họ đầm lại chỉ có thể là nền bình yên do chính họ xây dựng bằng khao khát, bằng cái tâm bình yên trước sóng dữ đời to.

Và chính nền bình yên đó mà The Shawshank Redemption đã miêu tả lại thành công ý tưởng của Stephen King, một ý tưởng bạo liệt khi đặt con người vào lòng bình yên do chính họ dựng nên, với sự tự do và bình yên tan vào đại dương mênh mông, một nền bình yên phù hợp nhất đối với những con người cô độc trong thời gian. Một ý tưởng đã bắt đầu và kết thúc bằng tất cả quyết tâm, ý chí và sự kiên nhẫn cùng cực để thỏa nguyện bình yên

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review