Personal Taste: đi về phía tình yêu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thông tin:

§ Tên tiếng Hàn: 개인의 취향 / Kaeinui Chwihyang

§ Tên tiếng Anh: Kae In's Taste / Personal Taste

§ Thể loại: Lãng mạn, hài hước

§ Thời lượng: 16 tập

§ Đài phát sóng: MBC

§ Thời gian phát sóng tại Hàn Quốc: 31-3-2010 đến 21-5-2010

§ Khung thời gian: 21:55 thứ tư và thứ năm

§ Đạo diễn: Son Hyung Suk (손형석), No Jong Chan (노종찬)

§ Nguyên tác: tiểu thuyết Personal Preferrence của Lee Sae In (이새인)

§ Biên kịch: Park Hye Kyung (박혜경)

§ Diễn viên: Son Ye-jin (vai: Park Kae-in), Lee Min-ho (vai: Jeon Jin-ho), Ryu Seung Ryong (vai: Choi Do-bin)

Personal Taste

Personal Taste là bộ phim tôi không trông đợi nhiều trước khi phim phát sóng. Tôi không thích nội dung của preview chút nào cả nếu như không nói tôi đã từng cười khinh khỉnh rồi lơ qua. Khi quyết định xem chỉ vì tôi muốn thư giãn thôi, và vì tôi có cảm tình với Son Ye-jin, nữ chính của bộ phim. Xem đến tập 3 tôi thấy nhàm và phim không đọng lại bất cứ điều gì trong tôi nhưng đến tập 4 tôi bắt đầu để tâm hơn một chút vào phim và nhận ra phim đang thực hiện theo một cách nào đó có một vài đặc điểm của dòng phim slice of life, một dòng phim tôi yêu thích.

Tôi định viết review theo một phong cách từ trước giờ của tôi, tức là không đặt quá nhiều cảm xúc của mình vào các tình tiết nhưng nghĩ lại thì phong cách đó không thích hợp với Personal Taste, nên đành viết theo một phong cách khác không phải sở trường của tôi. Và đoạn đầu chỉ để mở đầu với những cảm xúc cá nhân song hành với những dòng bình luận về phim mà thôi.

Nội dung Personal Taste đậm chất văn học hiện đại với cách đặt vấn đề khá lạ nên không thật sự gần gũi với cảm nhận chung của khán giả. Cách đặt vấn đề như thế – chấp nhận ngộ nhận là gay để sống chung nhà với một cô gái vì mục đích khác- cùng cách xây dựng tính cách nhân vật Kae-in khá ngây ngô có thể đem lại một sự khó chịu nhỏ đối với những khán giả yêu cầu gắt gao ở những thước đầu phim. Nhưng cách thể hiện của phim mới quan trọng để chuyển thể những điều mà tiểu thuyết đã gầy dựng qua mặt bằng câu chữ với trí tưởng tượng của người đọc.

Personal Taste có cốt truyện đơn giản với khá ít mâu thuẩn. Cùng đó các mâu thuẩn cũng không quá nặng nề. Tôi vốn không thích những câu chuyện mang chất dramatic đậm đặc chỉ trên nền một câu chuyện đơn giản về tình yêu. Vì thế Personal Taste là phim thích hợp với tôi nhất trong 3 phim chiếu cùng khung giờ. Điều tôi cần khi xem phim không phải là xem câu chuyện sẽ diễn ra như thế nào, hai người yêu nhau có đến được với nhau hay không nữa bởi thật sự với tôi khi xem một bộ phim về tình yêu thì hai người yêu nhau có chia tay cũng không sao cả, miễn là hợp lý là được. Sự hiếu kỳ về nội dung phim đã không phải là điều mà tôi tìm kiếm nên tôi xem để cảm nhận hai người yêu nhau như thế nào, họ đã nghĩ như thế nào lúc yêu nhau. Tôi xem phim để cảm nhận và đồng điệu với những tình tiết trong phim. Nếu bạn cũng xem để cảm nhận những suy nghĩ của nhân vật trong lúc yêu như thế nào thì Personal Taste thích hợp với bạn.

Tôi dừng việc lan man tại đây và bắt đầu review phim này, đây là một bộ phim khó review vì câu chữ không thể diễn tả lại hình ảnh, âm thanh và suy nghĩ của nhân vật được. Vì vậy khi bạn đọc review này nếu có khác phim một chút cũng là điều dễ hiểu, vì trí tưởng tượng với những thước phim tất nhiên sẽ có một khoảng cách nhất định.

Review:

Cuộc đời là cơn gió cuốn tình yêu ra đi, nhưng... cũng là cơn gió thổi tình yêu trở lại.

Personal Taste

Mở đầu Personal Taste bằng một mối tình chia ly. Kae-in với Chang-ryuk chia tay thật sự trong một đám cưới để một người con gái nhói lòng thờ thẫn bước qua đường trong dòng xe lao nhanh. Một ánh mắt chựng lại trước nỗi đau đó ghi vào nỗi nhớ của chàng trai cùng lòng thương cảm và đôi chút bực mình..

Kae-in, một cô gái có lớn nhưng chưa có khôn, sống với sự thiếu thốn tình thương trong quá khứ và hiện tại. Một cô gái nhận thức được bản thân mình nhưng không đủ nội lực để phấn đấu vượt qua hiện tại mà chìm vào hiện tại với sự bất lực được lạc quan hóa trong cuộc đời.

Hai mươi chín tuổi đủ để cô hiểu bản thân khác người vì có một điều gì đó khiếm khuyết trong tâm hồn. Nhưng cô buông xuôi để cuộc đời mình trôi vào những dòng suy nghĩ đơn giản: yêu một cách đơn giản quá, thánh thiện quá hay đơn giản vì cô yêu người khác theo cách cô muốn chứ không hiểu người ta muốn gì. Tình yêu trong cô quá đơn giản nên không đủ sức hút để giữ lại một người đàn ông cho cuộc đời mình. Không thể trách người đàn ông bỏ rơi cô được vì anh ta yêu cô theo một cách khác thực tế hơn cách yêu của cô gái 29 tuổi quá đơn giản.

Hai mươi chín tuổi để mọi thứ tan tành vỡ với tương lai mù mịt để Kae-in thay đổi bản thân, thay đổi quan niệm sống. Cô biết điều đó nhưng không thể đột phá được, cô chỉ biết cảm nhận cuộc sống và chấp nhận thôi. Nhưng tình cờ Thần may mắn đến bên cô ban cho cô một chàng trai tốt. Tôi yêu sự tình cờ ban đầu lắm bởi vì hai con người khác nhau muốn gắn bó với nhau lại lại cần tình cờ để dung rủi cho cảm xúc gặp nhau trong xác suất phần triệu triệu xa tít mù.

Jin-ho vì mục đích muốn khám phá Sang Gu Je nên quyết tâm vào sống cùng với Kae-in trong khi cô cần tiền thuê nhà để trang trãi nợ nần trên trời rơi xuống. Kae-in một mục đích, Jin-ho một mục đích nhưng vì thế cả ahi người sống chung trong một ngôi nhà. Cũng cần nói thêm một chút về cảm nhận của hai người được mặc định trong đầu nhau.

Với Jin-ho thì Kae-in là một cô gái hời hợt, cẩu thả và không có sức hút giới tính của một người phụ nữ. Cô gái này đối với cậu như một đứa trẻ để quan tâm và chăm sóc, đôi lúc là hướng dẫn và dạy dỗ. Và dần dần cậu hiểu rằng tính cách của cô ấy khá trẻ con do thiếu bóng hình người mẹ lẫn người cha quan tâm chăm sóc. Vậy tại sao cô ấy sống bao nhiêu năm trong cuộc đời mà không tự thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh sống. Vì đơn giản hoàn cảnh sống của cô không đủ khắc nghiệt để cô tự thay đổi bản thân. Không có động lưc và những va chạm trong suốt 29 năm sống để thành hình sức mạnh phản kháng lại cuộc đời. Vì thiếu điều đó nên cô như một đứa trẻ trôi theo dòng đời với sự bơ vơ tin vào cuộc đời một cách duy ý chí. Sự cả tin trong một số hoàn cảnh trở nên ngờ nghệch. Ngoài ra lối sống của cô khá cẩu thả. Ngôi nhà không được dọn dẹp nên bừa bộn. Cách ăn mặc không giống ai nên chìm vào sự bình thường. Vì cô ấy muốn thoải mái và không thật sự hiểu ''đẹp'' để làm gì, cho ai ngắm nhìn. Với cô yêu là yêu hết lòng thế thôi, cô cần thêm một phút bên người yêu chứ không biết người yêu cần gì. Cô đi trong cuộc đời với suy luận hướng trực tiếp từ X –> Z mà không biết rằng cuộc đời còn phải trãi qua giai đoạn Y nữa. Cô không hiểu rằng cuộc đời cần những phương tiện và cách thức thể hiện ý nghĩ của mình nữa chứ không phải từ ý muốn đi đến kết quả. Và Jin-ho là người chèo thuyền đưa cô qua con sông cuộc đời để cô hiểu rằng muốn qua sông thì phải có thuyền, chứ con người không thể bay qua được cũng như con người không thể đứng mãi. Tại sao lại cần Jin-ho? Đơn giản theo ý đồ kịch bản để hai người đó yêu nhau. Nhưng khi bạn bơ vơ đi trong đêm bạn không biết rằng bản thân bắt đầu từ đâu, định hướng như thế nào, con đường mình bước tiếp sẽ ra sao, một người dẫn đường thật sự rất cần để Kae-in trưởng thành hơn và tự tin hơn để bước đi trong cuộc đời. Đơn giản với nút thắt người yêu bỏ, bạn cướp người yêu... sẽ không đủ động lực để khiến Kae-in hành động với quán tính trong quan niệm sống của cô. Chúng chỉ có thể khiến cô muốn hành động chứ không phải là hành động và cuộc đời của cô sẽ tiếp tục những chuỗi ngày dài gậm nhắm nỗi đau và sự cô đơn nếu không có Jin-ho đi vào với tư cách một người bạn, một người bạn để cô có thể vô thức dựa vào trong cú vấp ngã này.

Với Kae-in: Jin-ho là một chàng gay vô hại đối với phụ nữ qua nhiều sự hiểu lầm. Jin-ho là một người tốt với gương mặt lạnh lùng và những câu nói gây đau nhói. Và đơn gian cô biết cô có thể dựa dẫm vào Jin-ho. Cô có thể bước đi bên Jin-ho mà không cần lo lắng nhiều. Đôi lúc cô thấy ghét Jin-ho vì anh ta quá kỹ tính và những lời nói thẳng thắn của anh ta. Cô tin Jin-ho bởi đơn giản Kae-in là người cả tin và tin vào những gì mắt thấy tai nghe với suy luận của riêng cô. Cô cố tin Jin-ho là gay dù anh ta phủ nhận điều đó, vì không nghĩ Jin-ho là một người đàn ông nên thoải mái với anh ấy như một người bạn thật sự -KHÔNG KHOẢNG CÁCH. Chính điều đó đã vô tình đẩy trái tim Kae-in vô tình gần Jin-ho theo một cách nào đó với tình cảm chân thành và niềm tin vững chắc.

Tình yêu bắt đầu từ đâu...?

Taste

Tình yêu luôn không có lý do rõ ràng nhưng luôn có một lý do nào đó để một người bắt đầu chú ý đến một người khác. Lý do ấy tồn tại trong tiềm thức của mỗi người. Jin-ho yêu Kae-in theo một cách khác. Kae-in yêu Jin-ho theo một cách khác. Hai cách yêu đó vô tình như hai Trái Táo Địa Đàng rơi ra trên thế gian tìm được nhau. Tình yêu đơn giản vì hai người cần nhau trong tiềm thức để xoa dịu những vết thương hay những mảnh khuyết của nhau.

Jin-ho yêu Kae-in theo cách yêu bảo bọc qua hình bóng người Mẹ yếu đuối của mình. Người con trai thường yêu một người con gái có chút gì đó phảng phất hình bóng mẹ mình trong đó. Jin-ho thương sự yếu đuối của Kae-in và muốn giúp đỡ Kae-in vượt qua số phận cũng giống như muốn giúp thay đổi số phận của Mẹ, một người phụ nữ mà Jin-ho đã bất lực chấp nhận không thể mang lại nhiều hạnh phúc hơn. Jin-ho muốn bù đắp một điều gì đó để có thể an tâm trong tâm hồn. Trong tình yêu của Jin-ho có thoáng một chút tình yêu đồng cảm với phụ nữ của một người đàn ông. Những ý nghĩ đó khiến Jin-ho chú ý và quan tâm đến Kae-in dù cậu biết rằng như thế sẽ mang lại rắc rối cho bản thân. Nhiều khi cậu nổi quạu vì sự hời hợt của Kae-in nhưng tất cả đều có thể bỏ qua cả. Cậu bỏ qua dần nên quen với việc con người cô như thế, quen dần mà không hay đã có tình cảm với cô.

Ngoài ra tình yêu của Jin-ho có cả cảm xúc rung động giới tính. Đàn ông một phần yêu bằng cảm xúc rung động đó. Tình yêu có kèm cả những rung động giới tính là chuyện bình thường nhưng phim truyền hình Hàn ít khai thác hoặc khai thác theo hướng khác nên nhiều khi thấy bất thường. Tình yêu đối với người đàn ông mà không có rung động giới tính thì sẽ có độ lệch nhất định với những cơ sở khoa học. Nhiều khán giả phàn nàn về điều này trong Personal Taste nhưng tôi thấy việc miêu tả điều này ở một chừng mực nhất định là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên cũng phải công nhận trong phim có một vài cảnh miêu tả rung động giới tính thừa vì cách thể hiện không chuẩn. Tuy nhiên liều lượng các cảnh như thế cũng không quá mức để tạo hiệu ứng xấu.

Kae-in yêu Jin-ho với tình yêu của một người phụ nữ cần một người đàn ông bảo bọc và hiểu giá trị của cô. Mỗi người sinh ra là một cá thể trong thế giới nội tâm cô độc mà khi một ai đó tìm được cánh cửa giữa khoảng trời vô định và mở ra để đi vào thì đó là một điều kỳ diệu. Tình yêu đó bắt đầu bằng sự thiếu thốn tình cha của Kae-in nên cô cần một ai đó thật sự mang đến cho cô một niềm tin để dựa vào. Jin-ho là điểm tựa của Kae-in để cô bước vào thế giới tốt hơn. Cô yêu Jin-ho đơn giản bởi anh là một người cô có thể tin tưởng được, cùng đó vì lòng vị tha và tính cách nhân từ ẩn giấu trong những câu nói lạnh lùng.

Tình yêu bắt đầu từ sự đồng cảm và thấu hiểu nhau, cần nhau để lấp đầy và được lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn.

Tình yêu như thế nào...?

Biểu hiện đầu tiên của tình yêu chân thật ở người con trai là sự rụt rè, còn ở người con gái là sự táo bạo. (Victor Hugo)

Personal Taste

Thật sự miêu tả những cảnh hai người yêu cầu không phải sở trường của tôi nên đoạn này chỉ là những cảm xúc của tôi về những cảnh tôi thích trong phim mà thôi. Trong số đó có một số ít money shot tôi sẽ phân tích kỹ mà thôi. Còn lại ngập cảm xúc và ngập my personal taste. ^^

Tôi bắt đầu chú ý đến phim từ cảnh hai người ăn bỏng ngô. Tôi thích khung cảnh đó, trong ngôi nhà mờ ảo có hai người ngồi ăn bỏng ngô và xem một bộ phim. Diễn xuất của Son Ye Jin trong đoạn đó có một sức hút kỳ lạ và siêu dễ thương khiến tôi ngoảnh lại nhìn phim dưới một cách khác trong khi đang đánh giá xem có nên drop phim hay không với một số cảnh hài hước thừa và phi mục đích của phim. Tôi ghét cảnh Jin Ho đau bụng với tiếng rên trời ơi đất hỡi vô duyên cuả Kae-in được các nhà làm phim đưa vào. Vậy mà chỉ mỗi đoạn hai người ăn bỏng ngô chung đã khiến tôi quay ngoắt lại vừa xem vừa cười với mấy câu thoại ngây ngô nhưng tình cảm chân thật ngay lúc đầu đó. Tôi thích gương mặt Kae-in lúc đó, một gương mặt với ánh mắt bất ngờ, với sự ngây ngô và con nít đến quá dễ thương trong việc chia sẻ bỏng ngô cùng Jin-ho. Bên cạnh đó gương mặt trơ trơ, nếu không nói khá phớt tỉnh Ăng Lê của Jin-ho. Tôi thích cảnh đó đơn giản vì cảnh đó quá dễ thương và diễn xuất của Son Ye Jin trong đoạn đó quá tốt khi miêu tả trọn vẹn cảm xúc của nhân vật mà tôi có thể cảm nhận trong giờ phút đó. Tôi không tin đó là một Kae-in do Son Ye-jin diễn với những vai diễn trước của cô ghi đậm những ấn tượng tinh tế mà cô đã gầy công xây dựng nên (đặc biệt trong Alone in love, White night, My wife is married). Sự thay đổi ngoạn mục của cô kéo tôi cảm nhận về phim khác hẳn và trông chờ vào bộ phim nhiều hơn trước.

Tôi khá thích cảnh hai người dọn nhà trước đó nữa. Thích sự láu cá mà Son Ye-jin diễn, thích sự ba trời ba đất của cô ấy dù thật sự tôi không thích tính cách như thế ngoài đời chút nào. Cảnh Son Ye-jin dọn nhà quẹt quẹt vài đường để rồi Jin-ho phải làm hết mọi việc này chứng tỏ Kae-in rất lém lĩnh và biết chớp thời cơ. Cô không ngốc nghếch mà chỉ là cô sống theo một quan niệm khác mà thôi.

Tôi thích rất nhiều cảnh trong phim này có lẽ vì tôi liên hệ được với bản thân tôi. Điều đó hoàn toàn mang tính cá nhân trong việc thưởng thức một bộ phim vì nó gợi nhớ đến kỷ niệm. Kỷ niệm bao giờ cũng đẹp theo một cách nào đó nên những tình tiết của phim cũng đẹp theo.

Tôi thích mấy câu nói thử khả năng nói dối của hai người nữa. Jin-ho chính là người dạy cho Kae-in thủ thuật đó và bị cô áp dụng ngược lại. Nhưng sau đó thầy vẫn hơn trò nếu thầy thật sự muốn. Tôi thích rất nhiều cảnh trong phim này nên nếu kể lan man nữa chắc tôi sẽ kể cho bạn nghe vô vàn cảnh tôi thích trong phim quá, nên tôi sẽ hạn chế kể nữa tại đây. À tôi thích vô nguyên nhân những cảnh đó nên không lý giải nhiều, đảm bảo rằng những cảnh đó rất dễ thương và sẽ khiến bạn cười thật nhiều tuy không nhớ lâu. ^^

Tôi thật sự thích chemistry của Son Ye-jin và Lee Min-ho. Hai diễn viên này tạo được sự biểu cảm và ánh mắt nhìn nhau rất tình tứ nên thể hiện tình yêu rất thật. Tôi thích diễn viên có đôi mắt đẹp nên không lạ gì khi Son Ye-jin và Lee Min-ho diễn xuất chinh phục được tôi ngồi xem họ diễn với các tình tiết thể hiện duy nhất tình cảm. Hai diễn viên này diễn như họ đang yêu nhau thật, đặc biệt là ánh mắt của Lee Min-ho thể hiện rõ những cảm xúc khi yêu và dường như tôi nghĩ nhiều lúc cậu ấy quên rằng cậu ấy đang diễn.

Tôi thích tình bạn xen lẫn trong tình yêu như thế này. Không rõ ràng và phân định rõ bạn đang yêu hay bạn đang thân với người đó. Đôi lúc tôi thích tình bạn này hơn cả tình yêu bởi tình bạn tồn tại vĩnh cữu trong khi tình yêu có thể có điểm dừng. Những cảm tình được ghi lại trên nền tảng sự cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu nhau khiến những cảm xúc của tôi rung lên. Tôi tin vào thứ tình yêu đó, một thứ tình yêu không cuồng nhiệt hay quá mức kịch tính. Tất cả đều đặn ghi từng chữ một vào trái tim mỗi con người mà không định hình rõ ràng chính xác đó là cảm xúc gì. Có lẽ vì tôi thích một điều gì đó vô định hơn cố định, có lẽ tôi yêu cảm xúc lưng chừng như thế.

Tôi đánh giá rất cao bộ phim ở 2 điểm khi tụ về hai cảnh làm tôi rung động. Và chắc có lẽ sẽ phân tích hai cảnh đó mà thôi để bài viết bớt lan man và sẽ tập trung bình luận phim ở đoạn sau:

Scene 1

Tôi là gay!

Điểm nhấn

Jin-ho, Choi Do-bin, Kae-in

Ngôn ngữ của tình yêu nằm trong đôi mắt. (Phineas Flecher)

Personal Taste

Cảnh này đã khiến tôi cảm nhận và hy vọng vào phim làm được nhiều hơn nữa. Tuy nhiên phim chỉ dừng lại ở một chừng mực rủi ro với cách nhìn nhận của khán giả Hàn có làm tôi thất vọng một chút nhưng tôi vẫn rất thích và đánh giá cao những cảm xúc từ kịch bản, đạo diễn và diễn xuất của diễn viên mang lại:

Có khi nào bạn nghĩ một người đàn ông phủ nhận giới tính của bản thân trước mặt người khác? Lý do vì sao? Hoàn cảnh nào đưa đẩy anh ta phải thốt lên lời nói : ''tôi là gay''? Những cảm xúc của nhân vật lúc đó như thế nào? Nỗi đâu nho nhỏ thôi nhưng bật được cảm xúc của những con người thật trong hoàn cảnh đó.

Jin-ho nghĩ gì khi thốt lên lời nói đó chính là yếu tố cuốn hút tôi vào những thước phim tôi cho là hay nhất trong bộ phim và trong kinh nghiệm xem phim Hàn của tôi.

Năm đôi mắt nhìn lẫn nhau hòa vào một nhịp thở của để cảm xúc rung lên. Jin-ho vì bất đắc dĩ phải tự nhận là gay, có cả động cơ vị thân lẫn động cơ bất vị thân. Tôi đã từng muốn động cơ vị thân trong Jin-ho nhiều hơn nhưng có lẽ yêu cầu của tôi cao quá đối với bộ phim này khi phim hướng vào yếu tố giải trí nhiều hơn yếu tố chính kịch.

Cảm xúc của Jin-ho trong lúc đó là không muốn làm đau giám đốc Choi với ánh mắt đau đáu nhìn cậu. Cậu nhận bản thân là gay chỉ muốn mọi việc qua đi và tiến triển có lợi cho sự nghiệp của bản thân (tôi tin như thế). Tuy nhiên cậu không biết rằng ở nghiên bên cậu là Kae-in đau lòng với nỗi đau cô tưởng cậu phải mang trong cuộc đời. Tình yêu đôi lúc bắt đầu từ sự thông cảm đó, sự thông cảm cho số phận không thể thay đổi được của một con người. Vâng sự cảm thông chân thành chứ không phải sự thương hại mà tôi vốn chẳng ưa gì khi sử dụng chúng để xây dựng nên tình yêu.

Ánh mắt của giám đốc Choi có một sức hút đặc biệt hút khán giả vào nỗi đau của nhân vật. Nỗi đau hướng vào tình yêu hoài vọng phả trong những hy vọng nhỏ nhoi với tình yêu của bản thân. Tình yêu không được xã hội Á Đông thừa nhận nên chất đầy những u uất và nỗi buồn ngập trong ánh mắt. Có lẽ nỗi đau đó đã hóa thành màn sương khiến mắt ông lúc nào cũng long lanh với tình yêu chất đầy và đè nén.

Năm ánh mắt của năm con người hòa quyện vào nhau trong khoảnh khắc ấy để thời gian ngưng lại với từng lời nói thốt nên. Nhói đau và mông lung là cảm giác mà những thước phim này mang lại cho tôi. Nỗi đau không quá lớn nhưng cảnh quay tụ được cảm xúc và không nâng tầm nỗi đau đó lên, tôi thích điều đó khi đạo diễn và biên kịch không lợi dụng sự yếu đuối và cảm thông của khán giả để lấy nước mắt của họ. Tôi thật sự thích cảnh này vì các nhà làm phim đã cắt nhanh những cảnh đuôi mà các phim Hàn thường làm để kéo dài cảm xúc của khán giả.

Tình thương đã được các nhà làm phim tả lại đầy đủ trong khoảnh khắc đó không cần nhiều lời thoại. Sự cảm thông chân thành đã đem đến sự hội tụ cảm xúc trong khán giả, đó là một thành công của Personal Taste.

Không gian trong những thước phim đó trở nên đẹp lạ thường, đẹp trong những cú lia máy, đẹp trong ánh sáng lẫn âm thanh và điệu nhạc vang lên va vào những tiếng nói ít ỏi của các nhân vật: ''tôi là gay'' không ngân vang nhưng tạo được dư âm trong lòng các nhân vật lẫn khán giả.

Tôi sẽ phân tích cảnh thứ 2 theo thứ tự thời gian ở phần sau. Còn bây giờ tôi sẽ tiếp tục lan man về tình yêu của cặp đôi này với những cảnh tôi thích. Tôi nghĩ khi xem bộ phim này bạn sẽ thích những giây phút hai nhân vật chính bên nhau như tôi thôi ^^. Đơn giản tôi xem phim này để xem hai nhân vật chính bên nhau như thế nào mà. Đây chính là một thành phần nhỏ trong đặc điểm của dòng phim slice of life. Các nhà làm phim đang cố tả lại những giờ phút hai người yêu nhau ở bên nhau. Có lẽ những hình ảnh sẽ thay lời văn để diễn tả đầy đủ những cảnh này để đặc tả lại cảm giác khi hai người yêu nhau mà lời văn khó có thể diễn tả đầy đủ độ đáng yêu đó dù xem xong có thể bạn quên ngay vì nó rất đời, rất gần gũi chứ không có gì quá đặc sắc với khung cảnh và tình cảm cả. Nó mang cảm giác của quá khứ nếu bạn đã từng trãi qua hay mang cảm giác mong muốn nếu bạn mơ ước cùng người yêu như thế! Tình yêu lãng mạn và mang tính hiện thực nhất định trong từng cảnh quay trong cái nền mơ ước về tình yêu của một số người.

Nụ hôn Game Over không khiến tôi rung động như những cảnh khác vì tôi thấy nụ hôn ấy đậm chất dramatic. Dạo gần đây tôi không thích được những yếu tố kịch tính và thiên hạ đổ dồn con mắt nhìn hai người yêu nhau với bất cứ lý do gì. Tôi cũng không thích trò chơi tình yêu và trả thù người tình cũ mà phim đặt ra dù biết mục đích là để đưa hai nhân vật chính gần nhau hơn. Tôi thấy thật sự những yếu tố đó chỉ để tô điểm thêm không khí lãng đãng của bộ phim mà thôi. Tôi yêu sự lãng đãng của bộ phim ở một chừng mực nào đó nhưng tôi không thích sự lạm dụng các yếu tố trong phim này. Tôi thích một điều gì đó bình dị hơn khi hai người yêu nhau tìm hiểu và đến với nhau. Vì vậy tôi thích những cảnh miêu tả đơn giản về cuộc sống của hai người yêu nhau. Tôi thích cảnh hai người đi ăn cùng nhau, hai người ''ngủ-không thức'' chung giường với nhau, cả những cảnh rửa chén bát hay giặt chăn với nhau (dù cảnh này vô lý hết sức). Tôi thích cảnh Jin-ho cõng Kae-in hai lần, tôi thích cảnh hai người giận dỗi để rồi yêu hay không yêu cũng không biết điều khiển bản thân một cách chính xác. Tôi thích nhật ký ngày mưa của Kae-in, tôi thích những câu thoại của Jin-ho nói với Kae-in đơn giản vì tôi liên hệ được với bản thân của tôi, tôi thấy được sự gần gũi với những câu thoại như thế (dù đôi chỗ, lời thoại của phim mang đậm tính văn chương khiến tôi cảm giác xa cách, đặc biệt là các lời thoại bóng bẫy quá đoạn hai nhân vật chính đã yêu nhau rồi)

Tất nhiên tôi không thích hoàn toàn phim này nhưng một bộ phim khiến tôi thích nhiều như thế này trong quá trình xem phim không nhiều. Các nhà làm phim mang đến cho tôi những cảnh quay rất đẹp và nên thơ để tôi cảm nhận, cảm nhận tình yêu, cảm nhận sự dịu dàng của cảm xúc, cảm nhận sự vô chừng của thời gian, và cảm giác lãng đãng trong nụ cười nhẹ nhàng khi xem cảnh hai nhân vật chính bên nhau. Tôi cho đó là một thành công của các nhà làm phim khi đánh được vào tâm lý một bộ phận khán giả xem phim để thư giản đầu óc, xem để hào vào không gian đó rồi quên đi để sau đó nhớ lại rất vô chừng và tản mạn. Khi lắp ghép chúng lại người xem có một cảm giác của niềm vui và thoáng một chút hạnh phúc.

Scene 2

Qúa khứ hiện về

Điểm nhấn

Son Ye-jin

Personal Taste

Cảnh này là một cảnh tôi đánh giá cao trong phim vì diễn xuất của Son Ye-jin quá hay. Những giây phút xuất thần của cô để lại ấn tượng về quá khứ vỡ tan thành từng mảnh thủy tinh đâm sâu vào trong trí nhớ của cô. Ánh mắt cô đặc tả lại tuổi thơ quá xuất sắc khiến tôi cảm nhận được chiều sâu trong sự cô độc của cô qua 29 năm sống trong cuộc đời của cô gái mang tên Park Kae-in. Nước mắt pha trong niềm hoảng loạn. Niềm hoảng loạn của tuổi thơ trên gương mặt của nữ diễn viên 28 tuổi nhưng tôi cảm nhận rằng rất thật, thật lắm. Tronh ánh mắt, trong sự rung động của cô với máy quay được xử lý rung lên khung hình chuyển động với nỗi đau dậy sóng trong lòng cô. Diễn xuất đỉnh cao của Son Ye-jin trong những phút chuyển động tâm lý với cánh tay nâng lên và hạ xuống, nước mắt rơi đúng nhịp như giọt sương tan đúng trong khoảnh khắc sớm mai đọng trên ánh mắt chứa đựng một tâm hồn đau và xót xa, bàng hoàng, khẽ khàng mà dữ dội với quá khứ và hiện tại đan xen.

Tôi lạ là có nhiều khán giả đánh giá diễn xuất của Son Ye-jin không cao trong vai này. Tôi thấy diễn xuất của Son Ye-jin xứng đáng nhận được lời khen với sự tinh tế trong cách cô xử lý tính cách nhân vật. Tôi đánh giá Son Ye-jin hiện nay là một trong những nữ diễn viên tài năng nhất Hàn Quốc. ^^

Khi xem phim bạn sẽ lần lượt được xem những cảnh hai nhân vật chính bên nhau như những viên kẹo ngọt ngào với vị tình yêu nhẹ nhàng và the mát. Trời trong xanh, gió thổi nhẹ, mưa phùn bay, cỏ mơn mởn, những ngôi nhà trầm ấm tan vào những nụ cười dịu vợi và hạnh phúc, tan vào những hờn ghen vu vơ dễ thương, tan vào nhịp thở cuống quýt vì yêu và những nụ hôn mang vị mặn của bờ môi trong vị thanh thoát của tình yêu.

Không có cách nào để tôi tả hết những cảnh tôi thích trong phim này với những ngọt ngào rất vu vơ trong tình yêu nên không định hình ...

Vì thế đành kết lại câu chuyện tình yêu của Jin-ho và Kae-in bằng câu nói đọc từ lâu rồi nhưng vẫn nhớ đến giờ:

Không có tình yêu vĩnh cữu mà chỉ có những giây phút vĩnh cữu của tình yêu.

Có thể ăn nữa bửa, ngủ nữa đêm nhưng không thể đi nửa đường chân lý, yêu bằng nửa trái tim.

(W. Goethe)

Jin-ho và Kae-in đã yêu nha, một tình yêu thật đẹp và lãng mạn trong sự lãng đãng của không gian, thời gian. Lòng người hòa vào thiên nhiên và tình yêu tan vào nhau qua bờ môi và những cảm xúc thăng hoa dâng trào khi bên nhau. Tình yêu tan vào nhau rung lên câu hát''ta cần nhau'',... một điệu ngân tình yêu tan và quyện vào trong gió...

Khi một tâm hồn mở ra để đón tình yêu thì tự dưng có hàng ngàn cách để biểu lộ tình yêu đấy.

Khi hai người yêu nhau họ không nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng.

( Saint Exupary)

Phía bên kia là tình yêu!!!!

Đánh giá

Tôi không nghĩ tôi để cảm xúc lan man như vậy hết 8 trang A4 chỉ để tả lại cảm xúc lãng đãng mà bộ phim mang lại cho tôi. Có lẽ tôi sẽ quay trở về phân tích phim trên một cơ sở hệ thống thông thường:

Kịch bản:

Personal Taste

Kịch bản Personal Taste không phải là kịch bản hay. Kịch bản phim không hay vì đã không khai thác tiềm năng của chính vấn đề đưa ra . Lẫn trong cái không hay của kịch bản chính là cấu trúc các mâu thuẩn không có đột biến hay đào sâu tâm lý nhân vật trong một bộ phim nghiên về tâm lý như Personal Taste. Có rất nhiều điều Personal Taste đã không làm được khi đặt chính mình vào dòng chảy của phim slice of life. Tâm lý nhân vật được miêu tả chừng mực trong một số vấn đề để hai nhân vật thật sự giúp nhau hiểu nhau hơn, giúp nhau vượt qua những rào cản tâm lý trong quá khứ để thất sự hạnh phúc. Ngay cả vấn đề tình dục trong thanh niên hiện nay, Personal Taste cũng chỉ miêu tả đại khái mà không đi vào cảm giác thực tiễn hơn. Phim mang lại cảm giác lãng đãng, nhưng đôi lúc tôi có cảm giác lơ mơ về phim trong các tình tiết thắt chặt mâu thuẩn có mục đích rõ ràng của phim. Hạn chế này có thể do biên kịch đang cố dung hòa một dòng phim kén người xem bằng những tình tiết câu khán gỉa với các mâu thuẩn chỉ đơn thuần về tình yêu. Điều này thể hiện ở chỗ biên kịch còn chú ý nhiều đến các diễn viên phụ nên tạo nên một số cảm giác thừa khi xem phim. Thời buổi hiện nay thật sự khán gỉa không đủ thời gian để chú ý đến tất cả các nhân vật trong dòng phim slice of life, đặc biệt với minidrama dành cho khán giả trẻ là chủ yếu nhưng các nhà làm phim khá tham lam vì miêu tả tâm lý các nhân vật phụ nhưng miêu tả không tốt nên không khí phim bị loãng. Thay vì có những thước phim miêu tả những nhân vật phụ tôi nghĩ nếu các nhà làm phim tăng thời lượng để miêu tả tâm lý hai nhân vật chính sẽ làm phim cô động và có chiều sâu hơn.

Đặc biệt có 2 điều làm tôi tiếc nhất trong phim là cách giải quyết hai mâu thuẩn mà tôi cho là rất đắt đã đước biên kịch đưa ra nhưng không được trân trọng và nâng niu để treo kịch bản lên một mốc cao hơn.

1.Nút thắt: tình yêu đồng giới và sự đấu tranh nội tâm trong Jin-ho về sự nghiệp và tình yêu.

Với tôi kịch bản giải quyết nút thắt này không có chiều sâu. Biên kịch đi theo phong cách duy mĩ hóa nhân vật nên nhân vật vì vậy kém ''đời'', thiếu độ gần gũi. Jin-ho quá hoàn hảo với cách giải quyết vấn đề tình yêu với giám đốc Choi. Chỉ một tập thôi nhưng biên kịch giải quyết nút thắt quá nhanh gọn nên vấn đề chưa kịp phát triển đã bị dập tắt –> không mang lại sự hấp dẫn cho phim. Xem xong tập 7 tôi đã rất mừng và đánh giá rất cao nút thắt này trong tâm lý nhân vật Jin-ho. Nhưng đến tập 8 tôi thất vọng với cách giải quyết lưng chừng của biên kịch. Chỉ một nút thắt này nếu biên kịch khéo sử dụng có thể cân bằng bộ phim về đúng dạng slice of life với đầy đủ yếu tố cuộc sống của con người trong thời buổi hiện đại ngày nay: sự nghiệp và tình cảm. Phần miêu tả cuộc sống riêng của hai nhân vật chính hạn chế ở điểm quá đơn điệu và duy ý chí. Cuộc sống riêng của hai người với sự nghiệp và hoài vọng thiếu cân bằng với cách thể hiện đại khái và ngang bằng chứ không có độ cong của những cảm xúc riêng. Đây là điều đáng tiếc thứ nhất trong phim.

2. Kịch bản phim đã không khai thác được khoảng cách tình bạn và tình yêu trong tâm lý nhân vật Kae-in.

Nếu kịch bản khoét sâu hơn vấn đề này phim sẽ có tính hấp dẫn hơn và có độ quay trong suy nghĩ của con người. Tôi tin tưởng với diễn xuất đỉnh cao của Son Ye-jin thì vấn đề này sẽ được cô miêu tả qua ánh mắt rất tốt. Đây là một mâu thuẩn phải nói rất hay và có độ sâu để đưa khán giả vào những suy nghĩ sắc cạnh hơn. Cảm giác tình bạn và tình yêu là một cảm giác vô chừng và khó tả. Cảm giác đó có thể khiến phim không đi vào ngõ cụt với các tình tiết duy nhất hướng đến tình yêu của Jin-ho và Kae-in. Và như thế kịch bản sẽ không cần thực hiện các mâu thuẩn khác để kéo phim đi hết 16 tập phim như sự phản đối của mẹ Jin-ho hay sự xuất hiện đột suất của ba Kae-in. Những mâu thuẩn đó không hay trong câu chuyện đơn thuàn tả về tình yêu giữa hai thanh niên đã 29 tuổi. Những mâu thuẩn này nếu được tả sơ qua sẽ hay nhưng tả kỹ quá lại mất đi sức hút và tạo thành trở lực cho câu chuyện khiến câu chuyện thêm rắc rối không cần thiết. Có lẽ điều này mang lại chiều sâu của bộ phim nhưng độ sâu của phim thường được đánh đổi bằng rủi ro rating co lại nên các nhà làm phim không dám mạo hiểm.

Tuy nhiên kịch bản phim cũng đã thành công nhất định trong việc đơn giản hóa mâu thuẩn để phim đến gần khán giả hơn trong một dòng phim cực kỳ kén khán gải trẻ tuổi tại Hàn Quốc bây giờ. Những mâu thuẩn nhẹ nhàng khiến không khí phim dễ chịu hơn với tác dụng đem lại nụ cười đơn giản. Những cảnh phim thật sự đã mang lại niềm vui cho khán giả, đó là thành công nhất của một bộ phim tình cảm hài. Kịch bản dòng phim slce of life có nhược điểm là sẽ có một số tập không hấp dẫn và bình lặng khiến khán giả cảm thấy nhàm nên tôi coi sự dung hòa yếu tố giải trí và chính kịch để tạo cảm giác gần gũi hơn đối với khán giả là thành công. Kịch bản đơn thuần về cuộc sống thiếu yếu tố kịch vẫn chưa phải là gout thưởng thức của khán giả K-dramas.

Đạo diễn, âm nhạc, quay phim, hậu kỳ:

Tựu chung lại quay phim khá tốt với những thước phim đẹp và chỉ đạo nghệ thuật tốt. Tuy nhiên hạn chế của phim là chuyển cảnh quá nhanh mà không có cảnh đệm nên khiến khán gỉa hơi hụt cảm hứng. Cách chuyển cảnh như trong phim thật sự chỉ phù hợp với dòng phim slice of life thật sự chứ không phải dòng phim tình cảm pha với slice of life như Personal Taste.

Âm nhạc dễ nghe và tương đối phù hợp với các cảnh quay. Tuy nhiên trong phim sử dụng quá nhiều nhạc có lời, nhạc nền không lời của phim được đầu tư không đúng mức. Tuy có một số đoạn nhạc phối hơi trật rơ với không khí cảnh phim nhưng nhìn chung nhạc phim dễ nghe và phù hợp với phim: nhẹ nhàng, không quá sâu lắng, chỉ miên man và có chút gì đó không kiểm soát trong các nốt nhạc với tiết tấu nhanh.

Đạo diễn phim cũng làm khá tốt nhiệm vụ của bản thân khi tạo được những cảnh phim đẹp và mang tính nghệ thuật cao dù có sao chép ý tưởng của một số phim phương Tây (cảnh Jin-ho và Kae-in nằm trên băng ghế gối đầu lên vai nhau tương tự như một bộ phim phương Tây Notting Hill tôi từng coi...). Nhưng nhìn chung tôi hài lòng với những cảnh quay trong phim và cách sắp xếp các cảnh quay. Cấu trúc các cảnh quay cũng như ráp cảnh khá, tạo được cảm xúc cho người xem qua các cảnh quay lẫn thời trang của nhân vật hay kiến trúc, nội thất trong phim.

Diễn xuất:

Personal Taste

Diễn xuất là yếu tố thiết yếu để đỡ nội dung kịch bản khá yếu trong dòng phim này với rất ít mâu thuẩn. Và tôi không thất vọng với diễn xuất trong phim.

Đặc biệt là diễn xuất của Son Ye-jin rất tốt, tuy rằng ban đầu có một chút khác lạ khi cô hóa thân vào tính cách nhân vật khác với mẫu nhân vật lý tưởng của cô, nhưng dần dần Son Ye-jin chứng tỏ khả năng diễn xuất đỉnh cao của cô qua cách thể hiện nỗi vô tư qua ánh mắt, nụ cười, nhíu mày và cả giọng nói, tướng đi. Cũng những yếu tố đó Son Ye-jin đã mang lại cho nhân vật Kae-in về sau những cảm xúc rất thật, thay đổi từng chút một với thái độn biểu cảm khác một chút rồi một chút. Diễn xuất tinh tế của Son Ye-jin đã thổi hồn rất khẽ vào nhân vật Kae-in để nhân vật nhẹ nhàng đi vào lòng khán giả. Ánh mắt của Son Ye-jin nói lên tất cả tâm tư của nhân vật để dù cô khá tự tin vào diễn xuất của mình nhưng không hề gây ra yếu tố dư thừa trong các hành động biểu cảm tuy đôi chỗ vì đơn giản hóa diễn xuất nên cô chọn cách diễn hơi thiếu cảm xúc để không làm mất đi tính tự nhiên của nhân vật. Vai diễn này vẫn chưa đủ độ khó với trình độ diễn xuất của cô, thật sự vai diễn này như một cuộc dạo chơi của cô với phim truyền hình nên cảm giác thư thả trên gương mặt là điều khó tránh khỏi.

Lee Min-ho cũng không khiến tôi thất vọng vì khả năng diễn xuất khá tốt của cậu để dù trong ngoại hình và diễn xuất của cậu vẫn thiếu đi nét chững chạc của một chàng trai 29 tuổi nhưng vẫn khiến cảm xúc của khán giả rung lên qua ánh mắt, lời nói và nụ cười. Diễn xuất của một diễn viên đạt được điểu đó đã là thành công lớn. Điều đặc biệt đối với diễn xuất của Lee Min-ho là ánh mắt tình tứ khi yêu mà cậu đã diễn tả trọn vẹn mỗi khi nhìn về Kae-in/Son Ye-jin rất thật, rất lôi cuốn và hút khán giả. Diễn những phim đơn thuần về tình cảm mà Lee Min-ho diễn rất tốt như vậy là một điểm nhấn trong phim. Có thể cho rằng vai diễn này cũng không quá khó với Lee Min-ho nhưng nó là bước tiến của Lee Min-ho trong sự nghiệp diễn viên trãi dài trước mắt.

Đôi mắt của giám đốc Choi cũng là một yếu tố lôicuốn khán giả với tình yêu đơn phương của ông giành cho Jin-ho. Diễn xuất củadiễn viên Ryu Seung Ryong rất tốt, tuy kiệm lợi nhưng để dù nhân vật đi vàolòng khán giả . Tuy nhiên nhân vật này cũng mắc khuyết điểm được duy mĩ hóa nênchưa phô diễn đầy đủ khả năng diễn xuất của diễn viên này. Diễn xuất củadiễn viên này có sức hút đối với khán gỉa xem phim khi tạo được những rung độngdo diễn xuất nhập tâm và ngập tràn cảm xúc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review