Into the White night

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thông tin:

*Tên tiếng Hàn: 백야행 – 하얀 어둠 속을 걷다

*Tên Hangul: Baekyahaeng, Baekyahaeng Hayan Eodoom Sokeul Geolda

*Tên tiếng Anh: Into the White Night, White Night

*Thể loại: hình sự, trinh thám

*Đạo diễn: Park Shin-woo (박신우)

*Kịch bản: Park Yeon-seon (박연선), Park Shin-woo (박신우)

*Diễn viên: Han Suk-kyu (한석규), Son Ye-jin (손예진), Ko Soo (고수)

Baekyahaeng

Into the White Night, cuộc hành trình trong bóng đêm của hai thân phận lạc giữa dòng nhận thức một lần nữa được đưa lên màn ảnh với một phong cách hoàn toàn khác so với bản truyền hình của Nhật dựng năm 2006. Mở đầu phim bằng tấm lưng trần và ánh mắt vô cảm man dại xen lẫn trong đau đớn của cô gái 20 tuổi Mi-ho hướng về phía camera khi quan hệ xác thịt với chồng sắp cưới. Những hành động, âm thanh tượng trưng cho tình yêu vang lên nhưng không có sự hiện diện của tình yêu nơi đó, nơi ánh sáng rất sáng, trắng xóa khung cửa...Song hành cùng cảnh đó, nơi ánh sáng hiếm hoi lùa qua khung cửa sổ nhỏ bé, có chàng trai Yo-han xiết cổ một người đàn ông không thương tiếc với ánh mắt man dại hằn học. Chàng trai ngồi thẩn thờ sau khi hành ác với bóng tối khi tựa đề phim hiện lên... Into the White Night. Một cuộc hành trình trong đêm đang tiếp diễn.

Mở đầu ấn tượng, gây tò mò như thế nhưng White Night không phải là phim nghiêng hẳn về tâm lý tội phạm. White Night chính xác là phim hình sự điều tra, điều tra hành động của nhân vật chứ không điều tra tâm lý nhân vật. Góc nhìn chủ đạo mà đạo diễn Park Shin-woo hướng đến trong tác phẩm đầu tay của ông là góc nhìn của Thám tử Han Dong-soo. Làm phim theo hướng đi này có lợi thế tiết tấu nhanh, nhiều tình tiết chưa được khám phá nên thu hút trí tò mò của khán giả vào những bí ẩn xung quanh câu chuyện. Tuy nhiên hạn chế của hướng làm này là không khai thác được chiều sâu trong tâm lý nhân vật, một điểm nhấn rất đắc mà nguyên tác và bản truyền hình đã thực hiện rất tốt. Khi đạo diễn khai thác tình tiết phim theo hướng nhìn của một nhân vật không phải là trọng tâm để bật lên mệnh đề chính của câu chuyện thì tất yếu góc nhìn đó sẽ mang lại thiếu sót khiến phim không hẳn thuyết phục mà gây ra hơi loãng ý tưởng. Tuy nhiên các nhà làm phim cũng khá sáng tạo khi tạo tình tiết thám tử Han theo đuổi cuộc điều tra nhiều năm vì ông chính là người trong cuộc trong việc vụ án 14 năm trước với cái chết của đứa con trai. Tình tiết này rất đắt khi phần nào đỡ được giàn khung ý tưởng lệch pha với nguyên tác.

Đứng về phương diện hình sự, bộ phim làm khá tốt, nhiều tình tiết dồn nén với những ẩn ý được bật lên rõ ràng. Các vụ án được phân tán, nhập vào nhau với các tình tiết rời rạc tạo thành mắc xích đan xen cần động não ráp lại. Qúa khứ và hiện tại không phân biệt rõ ràng khiến câu chuyện phức tạp hơn nó có. Tiết tấu nhanh với các dấu vết ngày càng sáng rõ hơn để thám tử Han đưa ra nhận định ngày càng chính xác. Cách thể hiện như vậy trong các phim điện ảnh hình sự hiện nay là phương pháp tối ưu nhất. Những mẫu mâu thuẩn nhỏ lẻ được cung cấp mớm mồi, nhỏ giọt khuấy động suy nghĩ của khán giả với những nhận định khác nhau (tất nhiên là nếu khán giả đó chưa xem bản truyền hình) tạo hiệu ứng hồi hộp với sự xuất hiện của các nhân vật khác nhau. Nhìn chung dạng phim hình sự càng làm khó hiểu càng hay.^^ Tuy nhiên phim này cũng không thật sự quá khó hiểu đến không hiểu được vì các mẫu ghép được cung cấp theo trật tự chưa thuyết phục, nhiều nút thắt quan trọng được tung ra quá sớm khiến khán giả nào tinh ý có thể nhận ra biên kịch muốn nói gì.

Baekyahaeng

Phim này mắc phải khuyết điểm là không hoàn toàn chuyên về hình sự nên các hành động của nhân vật thiếu tính bất ngờ với lối dẫn dắt từ diễn xuất của diễn viên đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác, từ đó khán giả đoán được phim đi về đâu. Điều tôi nói chính là cách phân tích tâm lý, suy luận của nhân vật thám tử không thật sự thuyết phục, những nhận định đó quá cảm tính trên sự suy diễn một chiều trong tư duy. Phim không chỉ ra được nhân vật thám tử Han làm sao tìm ra vụ án (cái này là hạn chế của nguyên tác, nhưng phim đẩy nhân vật thám tử lên làm vai chính cùng hai nhân vật còn lại nên cần khắc phục). Tôi không tìm thấy tư duy nghịch chiều trong thám tử Han là vì sao hai đứa trẻ không phải là hung thủ, từ đó bật lên lý do ông nhận định hai đứa trẻ là hung thủ. Tuy có trường đoạn thám tử Han nói về khả năng đơn giản nhất là một đứa trẻ giết một người lớn vì thang máy quá nhỏ để một người có kích thước như người lớn trèo vào. Đồng ý nhận định đó nhưng tôi thấy phim không phân tích cách thức giết người, một người có sức mạnh như một đứa trẻ không dễ dàng khi cầm kéo đâm một người lớn: trường hợp đó là ngộ sát, hay cố sát. Đặc biệt tôi khá dị ứng với những nhận định tự sát của các cảnh sát khác với những tình huống nghiệp vụ như trong phim đưa ra, hiện trường như thế, hoàn cảnh nhân thân như thế mà nhận định tự sát thì các cảnh sát đó nên bị sa thải khỏi ngành.^^ Điều này là một hạn chế rất lớn với cách làm phim trung hòa nhiều yếu tố của phim Hàn lại với nhau, không có yếu tố nào thật sự xuất sắc để đánh giá cao.

Tuy nhiên nếu so sánh với bản truyền hình của Nhật thì phần hình sự của bản movie Hàn khá hơn rất nhiều, giảm đi được nhiều lỗ hỗng lớn trong các biện pháp nghiệp vụ mà bản truyền hình nêu ra. Điều tôi đánh giá không cao do tôi nghĩ nếu đã không thể hiện được nhân vật thám tử Han một cách thuyết phục bởi phải tôn trọng nguyên tác thì tại sao các nhà làm phim lại chọn hướng đi của kịch bản như vậy. Có thể lý giải các nhà làm phim muốn có sự khác biệt với bản truyền hình nên vậy chăng? Có lẽ sức ép quá lớn từ sự thành công của bản drama nên những phiên bản sinh sau đẻ muộn khó tránh khỏi cái bóng quá lớn nếu đi theo hướng cũ, bức phá với hướng đi mới thì quá nhiều khó khăn với lực ép từ vấn đề tôn trọng nguyên tác đối với tác phẩm chuyển thể. Có thể đánh giá phim theo hướng tích cực thì phim đã thành công trong việc dung hòa các yếu tố lại với sự hấp dẫn cần thiết dẫn dắt khán giả hòa vào các tình tiết phim. Nhưng khi xem xong tôi tự hỏi: tôi đánh giá về nhân vật thám tử này như thế nào, phục tài thì không, cảm thông thì có nhưng phim vẫn chưa đánh mạnh vào tâm lý nhân vật để khán giả thấu hiểu nhân vật này thật sự, tất cả những điều phim đưa ra chỉ khiến khán giả (là tôi) cảm nhận không đầy đủ những cảm xúc của nhân vật. Một bộ phim kể về quá trình điều tra thì yếu tố thuyết phục và bất ngờ cần được quan tâm đúng mức.

Tâm lý nhân vật.

Byekyahaeng

Nguyên tác đã miêu tả tâm lý nhân vật rất tốt. Nhưng như phân tích ở trên tâm lý nhân vật trong bản điện ảnh Hàn làm không tốt. Lý do chắc cũng vì muốn tạo sự khác biệt trong cách thể hiện. Nhân vật Mi-ho được đẩy mạnh hơn về độ lạnh lùng, đôi chỗ khá vô cảm với tình yêu nên thiếu đi sức mạnh và mơ ước đi dưới ánh sáng mặt trời một lần nữa. Dường như hình tượng Mi-ho gần với tưởng tượng của tôi về nhân vật, lạnh lùng, thủ đoạn với duy nhất một cái đích vô tri mà bước mãi miết, không quan tâm gì nhiều để sau này hối tiếc sâu hơn khi đánh mất. Nhưng thật sự White Night thiếu, thiếu những cảm xúc của Mi-ho cô đơn và khát vọng về một tình yêu, tôi không tìm được một lý do ngoài sự tham vọng nhất quán thoát khỏi quá khứ. Nhân vật Mi-ho lạnh lùng đến nỗi tôi không tìm được lý do để thông cảm, để hiểu cho những cảm xúc của cô nữa. Cảm giác mà nhân vật này mang đến cho khán giả đúng là sợ và cay đắng với cách cô điều khiển cuộc đời Yo-han. Đó là chưa nói trong quá khứ chính Mi-ho ra tay giết mẹ của cô với đầy đủ toan tính, chứ không phải là sự hy sinh, giải thoát để Yo-han tránh khỏi sự trừng trị từ luật pháp, ....mà lạnh lùng với sự vị kỷ cá nhân.

Những cánh thư bỏ vào hòm thư là những mệnh lệnh bằng hình ảnh, những mệnh lệnh không lời khiến Yo-han lần lượt ra tay thủ ác. Chiếc đồng hồ cô tặng Yo-han như một chiếc còng cô đóng hai tay Yo-han vào tội lỗi, tội lỗi phi mục đích nối tiếp tội lỗi mà thôi. Những tội lỗi đó không mang cảm xúc, những tội lỗi nhiều khi người thủ ác không rõ nguyên nhân và day dứt trong bóng tối. Chúng liên tiếp xoáy những đau đớn vào Yo-han quặng thắt. Nhưng Mi-ho không hiểu. Ở đây tác giả đã đặt cái nhìn quá cứng khi xây dựng nhân vật Mi-ho vào một không gian bùn lầy thất sự. Cách thể hiện của phim thiếu góc khuất trong nhân vật này. Có lẽ do phong cách làm phim của Hàn Quốc khá cứng nhắc nên biên kịch và đạo diễn không muốn liều lĩnh đặt góc nhìn như bản truyền hình của Nhật từng làm.

Khung cảnh giữa con đường trong mưa, dòng xe lao nhanh nhưng Mi-ho vẫn bảo Yo-han đứng lại mặc kệ nguy hiểm và nói những mệnh lệnh căng nhất qua điện thoại. Yo-han không thể chống đỡ được sức mạnh băng đá từ Mi-ho: khuất phục, lầm lũi như một công cụ thật sự. Những bước chân chưa kịp định thần đã dấn tiếp vào tội lỗi khác. Sự phản kháng quá bé nhỏ không thể tạo nên sự thay đổi trong con người Mi-ho.

Những cảnh khác cũng vậy, tính cách của Mi-ho luôn lạnh lùng, lạnh lùng đến tàn nhẫn đập nát tất cả trên bước chân cô đi. Toan tính mang lại cảm giác không gian thiếu đi cái tình, cái tình nảy sinh phản lại cả thế giới vì một người, vì một mẫu tình tuổi thơ như tàn thuốc chớm lay lắt trong bóng đêm.

Yo-han trong White Night không mang lại nhiều ấn tượng độc lập khi đứng bên cạnh một Mi-ho băng đá như thế. Nội tâm nhân vật được phân tích thiếu đi những khao khát vô định trong tâm hồn, những tình yêu bỏng cháy khiến trái tim cậu không điều khiển được lý trí, để trái tim thật sự được bất chấp tất cả, chịu đựng tất cả để người yêu hạnh phúc. Phim miêu tả không được tình yêu bất vị thân, Yo-han dường như được miêu tả là không chịu đựng nỗi cuộc sống, phó mặc trôi theo dòng đời đầy tội lỗi chứ không phải chính cậu điều khiển cuộc đời mình, điều khiển cuộc đời mình để người khác điều khiển. Cảnh quay thật đắt để khen khi miêu tả tâm lý nhân vật Yo-han không nhiều. Tôi đánh giá cao đoạn Yo-han chạy và quỵ xuống, gục trước số phận cay nghiệt và một ước mơ dang dở sau khi hãm hiếp con của chồng người tình. Cú ngã định mệnh theo ý tôi hiểu về kịch bản, Yo-han ngã thật sự, ngã thật sự trong cuộc hành trình trong đêm. Ánh sáng hi vọng đã tắt, đôi mắt đã thôi chịu đựng nổi nỗi đau quá lớn nên hằn học với cuộc đời.

Tình yêu trong khoảng cách

Gần mà xa quá!

Tình yêu trong phim không thật sự nổi bật trước sự lạnh lùng của Mi-ho. Có lẽ sự băng đá của cô đã phủ kín tình yêu lại đưới lớp tuyết dày. Tuy nhiên cách thể hiện trong phim có những cảnh quay nghệ thuật đắt giá cứu vãn được nội dung cốt truyện. Ý tưởng gần-có khoảng cách rất đắc địa. Chưa bao giờ hai nhân vật chính gần nhau để cảm nhận từng hơi thở của nhau. Liên lạc qua điện thoại, hòm thư . Giáp mặt đôi ba lần: lần trên đường trong cơn mưa, lần Yo-han cưỡng hiếp đứa con riêng của Mi-ho, và tựa lưng qua khung cửa nói chuyện với nhau. Chưa bao giờ chạm vào nhau, chạm vào tình yêu, chạm vào người mình yêu thật sự. Tình yêu này mơ hồ và ảo ảnh, lay lắt mà không thật sự có một điểm tựa. Một điểm tựa để đòn bẫy tình yêu phản ứng lại thế giới nguy hiểm xung quanh. Tình yêu có khoảng cách-khoảng cách của tình yêu phải chăng là ý mà biên kịch và đạo diễn hướng đến. Hình ảnh Yo-han ngồi quay lưng với Mi-ho trên hai băng ghế đá cuối phim như kết cục buồn cho một khoảng cách chưa bao giờ được rút ngắn lại. Mãi mãi không bao giờ hai người có thể bước đi dưới ánh mặt trời. Mi-ho mãi mãi cô đơn với lời nói "không quen Yo-han". Nước mắt Yo-han rơi trên khóe mi an lòng với nụ cười thanh thản tìm sự giải thoát. Mi-ho liệu rằng ra sao trong ánh sáng nhòe đôi mắt đầy trăn trở, điều đó dành cho người đọc suy nghĩ. Suy nghĩ về cuộc đời cuốn theo chiếc cầu thang cuốn lên cao, bóng hình Lee-Jia hiện về trong hình hài của đứa trẻ khác...

Diễn xuất

Son Ye-jin trong vai Mi-ho

Rất tiếc cho biên kịch và đạo diễn khi đi theo hướng trinh thám vì theo hướng này bộ phim đã không phát huy được điểm rất mạnh của mình về diễn xuất của hai diễn viên chính. Đặc biệt là Son Ye-jin đã hóa thân trọn vẹn vào vai diễn Mi-ho: lạnh lùng, sắc sảo, độc ác, ích kỷ. Khả năng biểu cảm bằng mắt rất tốt mang đến cho người xem cảm giác man dại của một người đàn bà thật sự. Đôi mắt ánh lên nét kim với độ mỏng trong ánh nhìn, độ dày trong con ngươi sẵn sàng bao quanh người đối diện một cảm giác khuất phục trong mê hoặc với những toan tính trong hai, thậm chí ba, và nhiều tầng cảm xúc khác nhau. Cảnh duy nhất tôi thấy được sự yếu đuối trong con người Mi-ho là cảnh cô bật khóc khi tựa lưng vào cửa nói chuyện với Yo-han -một mình. Son Ye-jin vẫn diễn rất tốt, tuy nhiên do bộ phận ánh sáng đã không sử dụng tốt đèn hốc mắt để khả năng biểu cảm của Son Ye-jin truyền đạt đầy đủ cảm xúc của nhân vật hơn nữa. Chính vì thế điều tôi đáng tiếc nhất là không thấy được khả năng diễn xuất để tạo ra vẻ mong manh của một người phụ nữ, sở trường của Son Ye-jin. Nhân vật thật sự rất thiếu điều đó, điều này không phải lỗi của diễn viên mà kịch bản không cho cô diễn viên tài năng này thật sự trổ hết tài. Ngoài ra động tác hình thể cũng được Son ye-jin diễn rất tốt.

Ko Soo trong vai Yo-han

Ko Soo diễn vẫn thiếu thần thái man dại, thiếu sự vô định trong tâm hồn chàng trai Yo-han. Những cảnh quay buồn, Ko Soo diễn rất tốt vì sở trường của diễn viên này là khắc họa nội tâm buồn. Tuy nhiên cảm xúc của Yo-han không hoàn toàn buồn, nó là cảm xúc bất định, mơ hồ, cương quyết nhưng không quyết đoán, nó rất nặng trong sự mơ hồ của cảm xúc. Cảm xúc này Ko Soo đã diễn không trọn vẹn để bật nhân vật Yo-han lên tầm cao tương ứng với những gì Son ye-jin làm được. Cảm giác thẫn thờ, bàng hoàng chính là điểm yếu trong diễn xuất của Ko Soo vì khá đơ với ánh mắt sâu quá khi chàng diễn viên này chưa điều khiển ngược được cảm xúc trong ánh nhìn về độ cân bằng. Điều này chính là yếu điểm không đơn giản hóa được cảm xúc để phức tạp hóa tính cách nhân vật theo độ mông lung sau khi giết người, hãm hiếp....

Tuy nhiên, hạn chế là thế nhưng nhìn chung hai diễn viên này diễn tốt, có lẽ do Ko Soo diễn chung với Son Ye-jin nên khán giả nhận ra độ lệch pha giữa hai diễn viên này chứ diễn xuất nhìn chung khá tốt, tương đối tròn vai và phù hợp với tính cách nhân vật, khắc họa được hình tượng nhân vật. Đó là những thành công đối với hai diễn viên chính của phim.

Diễn xuất của Han Suk-kyu không tạo được nhiều ấn tượng tuy đã được biên kịch và đạo diễn tạo lượng đất diễn thích hợp. Và nhân vật này là nhân vật sáng tạo thích hợp nhất trong phim nhưng không tạo được dấu ấn khắc họa thành công phim hơn. Đây là một điều đáng tiếc đối với ý tưởng kịch bản.

Nghệ thuật

Baekyahaeng

Quay phim: tôi không hiểu rõ lắm dụng ý khi các nhà làm phim sử dụng hiệu ứng rung nhẹ máy quay trong những cảnh phim. Tạo cảm giác chông chênh, hay cảm giác bất định nhằm gây hồi hộp ư.? Nếu cảnh trên tàu thì tôi có thể hiểu dụng ý là tạo cảm giác bất định trên những con sóng, nhưng trên đất liền tạo hiệu ứng như thế hơi thừa và khiến khán giả không tập trung, điều đó không cần thiết. Nửa thời lượng sau, quay tốt hơn khi giảm cường độ hiệu ứng trên. Góc quay khá tốt, chuyển cảnh nhanh, cắt cảnh gọn, góc quay thay đổi liên tục là những điểm nhấn khiến không khí phim hồi hộp hơn, căng thẳng hơn. Tuy nhiên chính vì sử dụng nhiều yếu tố động nên trong phim thiếu những cảnh tĩnh, thật sự tĩnh lặng trong lòng con người lúc tất cả đã tắt, lúc sự sợ sệt đã không còn quấn lấy tâm hồn hai con người như lúc đâù thì tâm hồn họ đã tĩnh, rất tĩnh đón nhận sự thật. Chính vì cách quay như trên nên những cảnh chủ đạo không thật sự bất ngờ và mạnh mẽ, dứt khoát để những mâu thuẩn tựu trào khắc vào người xem.

Đạo diễn chú trọng đến tình tiết nhanh nên thiếu hẳn những cảnh quay chậm để lộ nội tâm nhân vật hơn nữa. Điều này do ý tưởng kịch bản nên đành chấp nhận vậy...

Đạo diễn đã tạo nên nhiều cảnh quay mang tính chất nghệ thuật cao như đã phân tích ở trên, những cảnh quay đòi hỏi chất xám và sự chuẩn bị khéo léo. Tuy nhiên ánh sáng trong phim không thật sự nổi bật với những mảng màu đối lập ngày đêm để khắc họa cảm giác bất lực, hoài vọng của hai nhân vật. Qúa nhiều gam màu được sử dụng, đặc biệt lại là ánh sáng nhân tạo khuếch tán quá mạnh làm giảm tính gần gũi của bộ phim. Ánh sáng là một yếu tố cần thiết để thật sự hai nhân vật cùng hoài vọng, cùng mơ ước. Tuy nhiên chỉ có một cảnh Yo-han thật sự cảm nhận mặt trời với cánh tay đưa lên mà thôi. Ánh sáng đã không thể hiện được sức mạnh của mình nói thay suy nghĩ thật sự của nhân vật trong một bộ phim điện ảnh có tính chất kiệm thoại như phim này.

Điều đáng lưu ý ở phim này là lạm dụng yếu tố sex. Những cảnh sex trong phim là cần có tuy nhiên không cần đặc tả lại kỹ như vậy. Đặc biệt là cảnh quay của Yo-han. Những cảnh sex của nhân vật Mi-ho được miêu tả chừng mực chấp nhận được nhưng độ nặng trong cảnh sex của Yo-han là hơi thừa. Vì những cảnh sex đó mục đích không rõ ràng, tác động không lớn để thật sự cần thiết phải được đặc tả kỹ như vậy. Tôi chú ý ý của đạo diễn là khi một người kia hành động thủ ác thì người còn lại thể hiện cảm xúc của mình qua những cảnh quan hệ với một người khác. Cả hai đều không hạnh phúc, đều đờ đẫn với bản năng trong khi người còn lại lạnh lùng thực hiện theo hành động. Ý tưởng hay nhưng cách thể hiện cường điệu nên không đạt được mục đích ban đầu, tôi thấy những cảnh quay về sex trong phim thừa nhằm câu khách. Phim mất điểm vì vấn đề này.

Một điều cường điệu trong phim nữa là việc sử dụng các mâu thuẩn hơi quá lố để tạo kịch tính phim. Lý do này mang đậm tính cách cá nhân của người viết bài này. Vì tôi thấy có một số tình tiết hơi quá đà như cách Mi-ho tạo tai nạn xe, cách Mi-ho an ủi đứa con riêng. Điều đó phô diễn diễn xuất của Son Ye-jin nhưng những kịch tính như vậy đi hơi quá đà khiến phim có một khoảng cách đối với người xem hơn nữa trong một đề tài vốn dĩ đã có sẵn khoảng cách để đi vào lòng khán giả.

Đây là một phim đáng bỏ thời gian ra xem, đáng bỏ thời gian để suy nghĩ về nó. Có thể nó còn nhiều khiếm khuyết nhưng không có gì là hoàn hảo cả, phim này có những mặt mạnh của riêng nó với những đặc tính của phim điện ảnh: ngắn gọn, súc tích, hồi hộp và một khả năng gây dấu ấn trong lòng người xem cao.

Rate :7/10

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review