Kiseki - Phép màu tan đi cho niềm tin trưởng thành

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tựa phim dịch sangtiếng Việt là Phép màu.

Kiseki viết về hành trình tìm kiếm phép màu của những người-nhỏ. Tôi gọi là người-nhỏ để phân biệt với người-lớn, và để tránh sử dụng những danh từ đồng nghĩa như trẻ em, trẻ con, trẻ nhỏ, những từ thường bị người lớn áp đặt cách nghĩ chỉ là con nít vào. Bởi thế giới của người-nhỏ là của người-nhỏ, chứ không phải của người lớn.

Phép màu là khái niệm về một thứ vô hình nên không kiểm chứng được. Tôi không thể khẳng định có hay không vì điều đó sẽ đi vào vòng xoáy tranh luận của chủ nghĩa duy tâm và duy vật, điều này rất phiền phức. Tuy nhiên nếu nói về niềm tin-có phép màu thì tôi có thể nói rõ ràng hơn một chút, vì niềm tin-có phép màu thường gắn với những nguời yếu đuối, những người không có hoặc chưa có khả năng cải tạo hiện thực bằng ý chí của mình nên chờ trông một thứ may mắn lớn lao đúng theo nguyện ước rơi xuống trên số phận của mình. Mà may mắn thì có lẽ dễ liên hệ với chúng ta hơn. Ở đây người-nhỏ Koichi cũng cầu mong thứ may mắn lớn ấy đến với gia đình của em, em muốn núi lửa phun trào để mẹ và em bỏ chạy khỏi Kagoshima, sau đó trở về Osaka đoàn tụ với bố và em. Một ước mơ mà lúc bé tôi cũng hay mơ tương tự mỗi khi muốn mẹ trở về ngay lập tức để ăn cơm cùng tôi thay vì để tôi ở nhà toàn ăn cơm với cô giúp việc. Nhiều khi cực đoan muốn tự gây tai nạn nếu lâu quá mẹ chưa về luôn. Thời đấy tôi đã đọc truyện Quỳnh Dao rồi haha.

Tuy nhiên ước mơ do Koreeda Hirokazu vẽ nên cho các em ý nhị hơn ước mơ của tôi, vì hoàn cảnh của Koichi ảm đảm hơn tôi, ba mẹ em ly hôn, em sống ở nhà ngoại và bị chia tách với một đứa em trai gắn bó từ nhỏ. Em ước mơ sự đoàn tụ của gia đình để mọi người lại được ở bên nhau, vượt qua khoảng cách của nỗi nhớ dày vò. Sự chia ly mà em nhận thức được là sự chia ly thật sự, để không thể trông chờ gì nữa, nên cần một phép màu mới có thể thay đổi cục diện. Uớc mơ của em vì thế khắc khoải hơn, đau đáu hơn vì một nỗi đau đã ghim vào số phận. Trẻ em Nhật trưởng thành hơn so với Việt Nam do nền giáo dục Nhật Bản dạy các em tính tự lập, tự trọng từ rất sớm, thêm vào đó do hoàn cảnh không như ý nên khiến cho các em già dặn hơn so với lứa tuổi một chút. Nhưng những người-nhỏ-không-vô-tư thì tinh nhạy lắm, các em sẽ nhận thấy được mâu thuẩn xung quanh nếu chúng hiện diện, và các em vẫn luôn học cách chấp nhận của riêng mình, khác cách người lớn một chút.

Hành trình tìm kiếm phép màu của Koichi bắt nguồn từ những cuộc bàn tán của nguời lớn về một việc mới: khi hai con tàu cao tốc mang tên Sakura mới mở đi hai hướng ngược nhau ngang qua nhau thì sẽ hóa ước mơ của người chứng kiến thành sự thật. Và Koichi chia sẻ điều ấy với hai người bạn của em để cùng đi tìm. Nhưng đây là ở Nhật nên chẳng phải chạy một cái là đến bên ước mơ ngay được, các em đi lượm tiền rơi ở các máy bán hàng tự động, đứa bán sách, đứa bán đồ chơi để kiếm tiền đi mua vé tàu đến địa điểm ngắm nhìn khoảnh khắc hai chuyến tàu trùng phùng vào sáng sớm. Tôi luôn yêu tư tưởng Nhật ở điểm này, con người ta muốn đến gần giấc mơ hơn một chút thì luôn phải hy sinh cái này cái kia, chứ chẳng phải giấc mơ không đóng thuế như câu cửa miệng bây giờ. Ngày xưa tôi muốn có tiền thuê truyện tình yêu, thuê phim chưởng về xem để rồi tha hồi mơ mộng toàn phải nhịn ăn để dành tiền chứ chẳng bao giờ dám xin phụ huynh. Bởi biết xin cũng chẳng ai cho, còn bị la nữa nên tự mình thuê về rồi len lén xem chắc ăn hơn. Và tôi yêu mấy cảnh các em gom góp để thực hiện ước mơ như chính mình chu du trong hành trình tuổi thơ. Trong ba người bạn thì có em đến với phép màu vì muốn yêu cô thủ thư xinh đẹp dịu dàng, hay cô y tá phòng y tế lém lỉnh, em thì muốn làm cầu thủ bóng chày. Nhưng đến cuối cùng chúng ta sẽ thấy những ước mơ của các em thật đẹp, đẹp bởi vì chúng chẳng viễn vông như thế bao giờ, đẹp bởi vì các em mơ ước những điều thật bình dị gắn chặt với chính các em, các em vẫn giữ cho riêng mình một ước mơ tâm nguyện.

Koichi còn có một người em, cậu em vô tư, dễ chấp nhận thực tế hơn Koichi nên sống với người bố là ca sĩ nhạc rock. Do đó Ryunousuke, tên người em, dễ dàng hòa nhập với cuộc sống mới hơn và dường như chẳng cầu mong gì nhiều, em chấp nhận cuộc sống với ông bố lông bông như thực tế phải vậy. Em phải tự lo cho bản thân nhiều hơn vì em muốn sống tự do hơn, vì ở với bố dù không được chăm sóc tốt nhưng gần như em được làm những gì em muốn, không phải sợ mẹ nữa. Tâm hồn của em là một tâm hồn đơn giản, ham vui và thực tế. Cứ coi cái cách em ấy trả giá khi mua đồ ăn là ngớ người cười về độ láu cá của em nó, chẳng thua ai cả. Hoàn cảnh sống khiến em độc lập hơn, sống cho cá nhân hơn là hướng về gia đình và sống cho người khác, bởi sống cho cá nhân sẽ thoải mái hơn và em nó yêu sự thoải mái đó, để cha mẹ thôi cãi cọ và quăng đồ ăn vào nhau nhiều hơn. Cảnh flashback về cuộc cãi cọ của cha mẹ và khi đó Ryu cố tránh ra để ăn hết đồ ăn cho thấy chuyện cãi cọ giữa cha mẹ em đã là chuyện cơm bữa, và em đã bình tĩnh đón nhận chuyện đó đến độ không còn hoảng sợ, chỉ sợ phí đồ ăn nên ngấu nghiến thì chứng tỏ nỗi lo lắng của em chắc đã chai sạn. Em học cách bình thản chấp nhận để thôi nơm nớp lo sợ như anh trai đứng giữa cuộc cãi vã. Chỉ bằng một cảnh flashback ngắn gọn nhưng Koreeda Hirokazu đã miêu tả súc tích rạn nứt chẳng thể hàn gắn êm xuôi giữa cha mẹ hai em, bởi vì sự khác biệt trách nhiệm, lo toan tương lai giữa họ. Cách thiết kế câu chuyện mang dấu ấn thời đại khi người phụ nữ vùng lên, không còn phải cam chịu như xưa thì vấn đề ly hôn sẽ dễ xảy ra hơn rất nhiều. Koreeda Hirokazu không làm phim để ngầm ca ngợi suông phụ nữ, không phải để khiển trách họ, anh chỉ làm để miêu tả, chia sẻ hiện thực với dòng chảy của tư tưởng thời đại mà thôi, đó là bản lĩnh của Koreeda Hirokazu.

So sánh tính cách hai anh em thì ta sẽ thấy sự khác biệt giữa cha mẹ crõ ràng như thế nào, rõ ràng đến độ không thể hàn gắn. Tuy nhiên Koreeda Hirokazu không chú tâm miêu tả về điều ấy, mà anh miêu tả cách các em chấp nhận cuộc sống và sống như thế nào. Chúng ta thấy người anh toàn chơi với con trai, trong khi cậu em chơi với toàn con gái. Điều đó chứng tỏ người anh trai câu nệ nhiều vấn đề hơn, còn người em dạn dĩ và xả láng hơn rất nhiều. Ngay cái cách Ryu kiếm tiền để đi đến địa điểm hẹn với anh trai đã thấy em ấy thuộc dạng biết luôn chọn cách dễ dàng nhất để hoàn thành mục đích, và em ấy sẽ xoay sở để bản thân không bị thiệt thòi. Em ấy biết cha mình có tiền trợ cấp nuôi con nên em biết tiền đấy là dành cho quyền lợi của em, và em "xin" thôi. Cảnh em ấy xin tiền đảm bảo khán giả xem xong chắc sẽ phì cười với bản lĩnh nói chuyện của cu cậu, nhưng em nó phải vậy mới sống được với ông bố lông bông như thế, không có thì em nó đã về ở với mẹ tư lâu.

Hành trình đi đến với ước mơ của các em như một cuộc phiêu lưu. Cuộc phiêu lưu ấy gồm 7 thành viên tìm kiếm cho mỗi đứa một ước mơ. Hai nhóm ráp lại với nhau có chút trục trặc ban đầu bởi người anh Koichi cáu kỉnh không muốn chia sẻ cậu em mà nửa năm mới được gặp với 3 cô bạn gái của đứa em. Koichi ích kỷ một cách người lớn hơn, vì em yêu em trai hơn. Nhưng em cũng dẫn bạn theo đó thôi, vậy mà vẫn chỉ muốn em trai đến một mình, đúng là tình yêu không phải để dành chia sẻ ^^. Trên mỗi con đường mà các em đi qua với khung cảnh thanh bình đẹp đẽ là món quà Koreeda dành cho hành trình tìm kiếm ước mơ của các em. Những cánh hoa bươm bươm tim tím một khuôn đất rộng mơ màng cho sự bao la của đất trời, và các em là những cá thể đang dần hòa nhập vào sự bao la đó, sớm hơn những đứa trẻ có hoàn cảnh yên ấm khác một chút. Koreeda Hirokazu không chỉ miêu tả cách các em ước mơ, mà quan trọng hơn là anh miêu tả cách các em chinh phục ước mơ của mình. Ngay đến địa điểm nhìn thấy cơ hội để mơ cũng không phải xuống tàu hỏa là tới ngay, các em phải tìm địa điểm để có thể phóng tầm nhìn để nhìn thấy toàn cảnh, và các em học cách hòa hợp với nhau từ đó. Trong chuyến hành trình thú vị thì không bao giờ suôn sẻ tất cả, và các em biết tìm kiếm nhau để đi chung một con đường. Một cô bé bị lạc và các em tìm được nhau, rồi không tinh cờ tìm được một nơi nghỉ chân qua đêm bằng bản lĩnh "nói láo" của một cô bé lớn trước tuổi. Nhiều tình tiết ngẫu hứng, bất ngờ được Koreeda đưa vào để giãn không khí và tạo thuận lợi cho cuộc hành trình tự thân của các người-nhỏ, nhưng lưu ý rằng các em luôn là người biết tạo cơ hội để có thể thuận buồm xuôi gió đi chinh phục ước mơ nhỏ của mình.

Người lớn trong Kiseki là những người tôn trọng thế giới trẻ thơ trong ước mơ trẻ thơ nên tạo điều kiện cho các em thực hiện mong muốn, bởi tôi tin họ không quên tuổi thơ của mình nên họ chia sẻ tuổi thơ với các em. Nếu không có sự giúp đỡ của người lớn thì hành trình của các em sẽ khó khăn hơn rất nhiều, nhưng Kiseki chẳng phải là phim hành động để biến các em thành nạn nhân và biến người lớn thành người hùng phải cứu lấy các em, Kiseki là một phim về người-nhỏ, và người nhỏ có bản lĩnh của người nhỏ. Tôi vẫn nhớ có một đợt hồi bé về quê tôi đòi anh tôi lang thang xuống vùng đất sìn bắt cua kiểu gì mà bị lạc xa nhà nội đến 5 km trong một khu vực đồng không mông quạnh chẳng có lấy bóng người. Anh tôi học lớp 4, tôi mới học lớp 2 nên hai anh em sợ mất hồn mất vía nhưng cũng cố gắng lần mò để tìm đường về nhà. Mà vùng quê làm gì có xe để thuê chở về nên chỉ có nước cuốc bộ lần ra đường cái. Ra đến đường cái cuối cùng cũng nhờ một cô thương tình dẫn về với đoạn đường xa mù khơi. Hú vía. Người lớn trong phim Kiseki cũng như thế, không la mắng những đứa trẻ chạy lông nhông mà giúp chúng tìm đến với ước mơ của mình. Ông ngoại âm thầm giúp chau trai trong kế hoạch cúp học để đi gặp em trai, cô y tá phòng ý tế nói đỡ để các em tránh được sự lật mẻ của thầy giáo, gia đình hai cụ già giúp đỡ các em chỗ ăn ngủ trong một đêm các em lạc bước nhận đại là nhà để trốn chú cảnh sát. Những tình huống hài hước ngọt ngào vì sự dạn dĩ của những nguời-nhỏ lém lỉnh giỏi xoay sở mang đến cho người xem niềm tin về tính tự lập của các em. Và những cuộc nói chuyện giữa hai anh em trai về đời sống gia đình khiến người xem hiểu được rằng các em nhỏ "lớn" hơn chúng ta nghĩ nhiều, chỉ cần người lớn hiểu và tôn trọng các em để các em tự xoay sở thì người lớn sẽ thấy các em không phải lúc nào cũng cần họ ở bên. Người-nhỏ luôn lớn lên bằng cách tự thân xoay sở như thế, dù có dùng mánh, dùng chiêu để lách luật lách lệ thế nào. Vì thế sự ấm áp của tình người đến trong tình cờ thật đẹp.

Những ước mơ trong khoảnh khắc hai chuyến tàu giao nhau của các em tôi dành lại cho khán giả khám phá khi xem. Chúng chia thành hai nhóm khác nhau, nhóm của nguời anh có chút khác biệt với những ước mơ dự định ban đầu, nhóm bạn và người em thực tế hơn nên ước mơ không thay đổi bao nhiêu. Nhưng ước mơ của các em đều gần gũi và giản dị để khắc phục những điểm yếu của bản thân, hay của gia đình. Những ước mơ thật dễ thương, thật sự đẹp và vừa vặn với các em, những đứa trẻ biết ước mơ vừa đủ thôi để chinh phục được trong cuộc sống. Chỉ riêng Koichi là khác biệt, em lựa chọn chấp nhận hiện thực thay vì một phép màu để đoàn tụ, vì dường như sau chuyến đi em hiểu hơn bản thân một chút, hiểu về gia đình và bạn bè mình hơn một chút. Em quyết định dừng lại, dừng ước mơ viễn vông vị kỷ và chấp nhận hiện thực như nó vốn có để quay về. Nhưng suy nghĩ của em thoáng hơn, rộng hơn chứ không còn tù túng trong ước mơ của mình như ngày xưa. Tuy có lẽ em không nhận thức rõ điều đó, nhưng chắc chắn em sẽ thấy dễ chịu hơn khi buông lỏng giấc mơ phi thực đó. Tên phim là Phép màu chính bởi sự huyền diệu của những điều nhỏ bé, chính bởi sự kỳ ảo của những con đường dẫn đến niềm tin vào bản thân để trưởng thành.

Phim của đạo diễn Koreeda Hirokazu luôn có phong cách tĩnh với những khuôn hình cận đặc tả. Dường như phim của anh luôn viết về một nỗi cô đơn nào đó của con người trong thế giới bao la. Với Dare mo shiranai là sự bơ vơ lạc mẹ hun hút nỗi đau, Hana yori mo naho là sự lạc loài với lý tưởng lỗi thường, hay ở Still Walking là sự lạc lõng của những thành viên gia đình trong khác biệt tuổi tác và lòng vị kỷ trước nỗi đau, còn Air Doll lại là sự cô đơn trong kiếp hình nhân với những thân phận lạc loài, thì với Kiseki là một bộ phim mà con người trong phim của Koreeda đối diện trực diện nhất với nỗi đau, bằng bản lĩnh trẻ thơ. Nỗi đau gia đình tan vỡ đối với người lớn không "lớn" bằng đối với người-nhỏ, vì các em là người cam chịu hết tất cả sự tan vỡ trong khả năng xoay sở có giới hạn. Ở Kiseki, lần đầu tiên tôi thấy Koreeda Hirokazu dùng nhiều cảnh quay toàn cảnh dài đến vậy, để miêu tả ý niệm mới hơn, khi con người nhỏ bé hòa nhập với thế giới bao la thì nỗi đau trong phim của anh dường như càng ngày càng tinh giản hơn, nhưng lại sắc sảo hơn ở từng tình huống hóm hỉnh để nỗi đau chủ động tan vào không gian như hoa bươm bướm mỏng manh hòa mình vào gió rung rinh. Và tôi tin hàm ý của anh ở đây chính là thông điệp gởi gắm: nỗi đau không phải luôn hủy diệt con nguời, mà chính nỗi đau nuôi lớn chúng ta, để chúng ta có thể can đảm sống, và can đảm sống đẹp. Chính sự can đảm vượt qua nỗi đau là phép màu mà Koreeda muốn gởi lại, bởi sự can đảm ấy chính là món quà dành tặng cho những ai yêu mến bản thân, yêu mến tương lai chờ đợi phía trước, một sự can đảm chỉ được thành hình và sinh trưởng trong vacxin mang tên nỗi đau.

Kugoshima là vùng đất cực Nam của Nhật Bản, cách Osaka hơn 1 giờ bay. Hành trình của các em là hai nửa đoạn đường đó. Đây là hành trình dài với số tuổi của các em, nhưng là một hành trình vừa đủ mà Koreeda dùng phép màu như mồi câu để các em trưởng thành, một hành trình đến thật gần sự kiên cường màu nhiệm của tuổi thơ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review