Hoàn châu cách cách -Bức tranh định mệnh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bức tranh định mệnh viết về cái gì? Xin thưa là tả pín lù đúng kiểu Quỳnh Dao, cái gì cũng có và cái gì cũng được làm đến nơi đến chốn hết^^. Nét đặc trưng của nó là tưng tưng, và cố thể hiện cái tưng tửng ra ngoài. Nhưng mà bên cạnh cái tưng tưng sẽ có cái diễm rưng lệ lượn qua lượn lại để thể hiện ý tại ngôn ngoại rồi tức cảnh sinh tinh để những nhân vật xuất khẩu thành thơ thể hiện phẩm hạnh đoan trang, thanh thoát toát mồ hôi luôn. Review mấy khúc này không biết review làm sao luôn. Để từ từ nghe mấy đoạn cải lương rồi nhớ lại vài đường cơ bản để thi với chẳng thơ rồi chơi với nó vậy.

Phim mở đầu bằng một lý do hợp lý, một cô công chúa Càn Long để quên lại chốn nhân gian đi tìm cha theo căn dặn của người mẹ vừa mất. Cuộc hành trình cảm động này chính là sợi dây xuyên suốt xây nên những cảnh quay giá trị của Bức tranh định mệnh. Tình yêu và tình gia đình được Quỳnh Dao thể hiện rất rõ và sâu với những cảnh quay xúc động. Ai tính đọc tiếp bài này thử đoán xem tôi sẽ ca phim này cái gì đây, và tất nhiên là tôi sẽ đì cái gì nữa? Thật ra thì không khen không được Quỳnh Dao về một số mặt bởi chúng được thực hiện rất tốt, đun đúc tình cảm ẩn trong cảnh quay khiến cảnh quay chạm được vào niềm đau đáu của trái tim nhân vật khiến người ta rung động, trong khi hạn chế của văn sĩ này là tình yêu văn chương sẽ không hợp thời nay đâu, nó cổ điển quá đối với cách nhìn muốn "lịch sử chiều theo hiện đại" của khán giả yêu chuộng ngôn tình hiện nay .

Đì trước, khen sau. Khối cái để đì, thú thật là xem truyện Quỳnh Dao nhiều lúc điên lên với nhân vật nữ chính, mà Tiểu Yến Tử là một điển hình. Tất nhiên tôi thích nét vô tư, phóng khoáng và ưa tự do của cô, khỏi cần khen vì nhiều người khen quá rồi, nhưng tôi không thể nào chịu nổi để kìm chữ "ngu" không thoát ra khỏi miệng mình. Nói theo thời buổi hiện nay thì thị Én "đã ngu mà còn tỏ ra nguy hiểm", nhiều khi thị dại dột và lóc chóc nên những tình tiết về thị nó lọt chọt muốn phang dao phay vèo vèo bay đầu thị cho rồi. Thị tưởng thị là trung tâm thế giới nên người ta ghét thị là đáng, thị đáng chết theo quan điểm của tôi vì dám vờn với cọp cái, không những là một con mà là một bầy, cọp cào mà thị không chết là do Quỳnh Dao khoái mấy nhân vật như thị thôi, chứ tôi mà là biên kịch đảm bảo bà hoàng hậu ít nhất như là như Võ Tắc Thiên thì thị Én khỏi giãy, tôi cho thị vào cái chum chặt tứ chi cho cho thị biết thế nào là cọp vồ. Thị được khối người giúp vì đơn giản là vì thị được Hoàng thượng rồi đến một chàng hoàng tử yêu chứ không có thì thị đi gặp ngoại thị như cái cách mà Càn Long bới mã chém đầu thây trong vụ Hắc Mẫu Đơn chứ ngồi đó mà lý với chả luận. Nói thế để nói phim này nó xạo và hù khán giả chứ chẳng có chút hiện thực nào, vua Càn Long được lý tưởng hóa, thương con, thương vợ và là một vị vua sống rất tình cảm giấu trong vẻ uy phong của bậc đế vương. Càn Long được Quỳnh Dao lý tưởng hóa mà người xem không thích thì sẽ rất lạ, cùng với diễn xuất đặc trưng phóng khoáng rất Tây và bản lĩnh tửng tưng của Trương Thiết Lâm đã lấy được lòng hầu hết khán giả lúc phim mới phát sóng. Hoàng tử Vĩnh Kỳ dại gái mu muội chiều người yêu nên thị vô tâm Tiểu Yến Tử mới có chỗ để đỏng đảnh và bị nam tính hóa cảm xúc phụ nữ, thật ra xem nguyên hai phần bộ phim tôi không thấy tình cảm của Tiểu Yến Tử chút nào cả, trống quơ trống quắc vì thị này vô tâm quá nên tôi xem Vĩnh Kỳ yêu đơn phương luôn. Tình cảm của Tiểu Yến Tử với Vĩnh Kỳ đơn điệu và nhàm chán, gọi Tiểu Yến Tử có chút gì đó thích Vĩnh Kỳ thì còn nghe được chứ không yêu.

Đoạn trên viết khi hứng lên rất lâu rồi nên tưng tưng như thế, giờ bớt tưng rồi nên viết nốt cho xong chắc cảm xúc sẽ khác nhiều. Thật ra tôi thích Bức tranh định mệnh vì thích tình cha con của Hạ Tử Vy và vua Càn Long, một tình cha con "gợi cảm" đầy xúc động. Một cô gái chân ướt chân ráo đi tìm cha trong thế giới hiểm nguy thật sự gây cho tôi niềm xúc động rất đậm. Tôi thích mỗi cảnh mà Trương Thiết Lâm và Lâm Tâm Như diễn cùng nhau, thích niềm hy vọng gởi gắm khi cha con gặp nhau nhưng không thể nhận nhau như thế. Nói tình cha con này "gợi cảm" là bởi vì nó là một tình cha con lãng mạn, lãng mạn trong ý tứ tình yêu được gởi từ nguời mẹ sang đứa con thất lạc, lãng mạn ở niềm tin cha con gởi gắm nơi nhau, và lãng mạn bởi vì nó là một tình cha con thấu hiểu nhau khôn xiết vì nguời ta biết trân trọng một niềm khao khát hạnh phúc có được. Nghĩ đến là xúc động với ánh mắt rưng rưng mà Hạ Tử Vy hướng về va Càn Long, và ánh mắt mãn nguyện của Càn Long dành cho Hạ Tử Vy, một tình cha con thật sự rất gợi và rất bay. Tôi vẫn nhớ tình tiết sau khi giải thoát Hàm Hương ra khỏi cung và Càn Long tìm đến thuyết phục mấy đứa con trở về thì Hạ Tử Vy ngay lần đầu gặp lại Càn Long đã gọi Càn Long là Hoàng Thượng, thay vì gọi là cha đã khiến tôi xúc động đến muốn khóc, vì tình tiết đó quá hay, hay đến lặng nguời trong niềm tin và sự trân trọng mà Hạ Tử Vy dành cho người mẹ Hạ Vũ Hà. Cô con gái có thể bỏ qua tất cả cực hình, có thể chịu đựng tất cả nhưng không thể chịu đựng được sự "phụ bạc tư tưởng" của người cha khi nghĩ mẹ có thể gian lận để cô được làm công chúa. Tình tiết ấy khiến người cha đau, đau vì đã mù quáng không tin con gái mình, và cũng khiến tâm hồn cô con gái tổn thương sâu hoắn vì cha đã không tin mình trong mối quan hệ huyết thống. Bạn khó có thể một tình tiết nào hay như thế ngoài phim Quỳnh Dao, bậc thầy viết về tình cảm gia đình trong rạn nứt, với nỗi hoang mang trong tâm lý của một người gái.

Bên cạnh đó, điều khiến tôi cảm động thứ hai là tình mẹ con giữa Lệnh Phi nương nương và Ngũ A ka. Không cần biết là điều gì nhưng cứ nghĩ mỗi cảnh mà Lệnh Phi cầu xin cho Ngũ A ka là tôi lại xúc động, như lúc đang ngồi viết đoạn này. Lệnh Phi cầu xin cho tất cả không được thì sẽ để tâm cầu xin cho bằng được nhằm giữ lại cái mạng Ngũ A ka, tình cảm mẹ kế-con chồng như thế quả là rất lạ. Nhưng thật ra thì Quỳnh Dao thiết kế tình huống rất hợp lý, vì Lệnh Phi thương Ngũ A ka vì chàng ta mất mẹ từ lúc bé, phải tự trưởng thành trong chốn thâm cung, vả lại thời điểm đó Lệnh Phi chưa có con trai hoặc con trai còn quá bé nên không hình thành phản xạ vị kỷ xem Ngũ A ka là một đối thủ cạnh tranh ngai vàng với con trai mình. Tình thương mà Lệnh Phi nương nương dành cho Ngũ A ka là tình thương của một người phụ nữ dành cho một đứa con trai, thương thật tình và thương đành đoạn như thương chính con ruột của mình. Lệnh Phi đẹp như một hình bóng mẹ mà bất cứ ai cũng mơ uớc, một người mẹ không phải hiền thục chiều con cái hết mưc, nhưng là một người luôn cứu con với tất cả khả năng có thể. Và tình mẹ con giữa Lệnh Phi và Ngũ A ka cũng là tình cảm mẹ con lãng mạn, nhưng rất vừa vặn để bứt phá tạo nên dấu ấn trong khán giả. Triệu Lệ Quyên và Tô Hữu Bằng tạo nên một tình mẹ con nhẹ nhàng nhưng giản dị với diễn xuất thật tự nhiên.

Chuyện tình yêu của mấy đôi trẻ không phải là điều tôi thích, chuyện tình Vĩnh Kỳ và Tiểu Yến tử nhạt nhòa, chuyện tình Hạ Tử Vy và Phúc Nhĩ Khang sến sụa xem chán đến muốn đi ngủ, khi xem tôi chỉ muốn có anh nào nhảy vào làm nên tam giác tay ba để cặp này bớt ru ngủ mình thôi. Nhưng tôi thích câu chuyện về tuổi trẻ rong chơi theo lý tưởng riêng của họ, một tuổi trẻ rong rủi tìm kiếm niềm vui và sự tự do cho riêng mình. Tôi thích cách họ phạm sai lầm và sửa chửa sai lầm, thích cái cách mà cậu ấm Vĩnh Kỳ hòa nhập vào cuộc sống đời thường mãi võ mưu sinh, thích cái cách mà Vĩnh Kỳ vì yêu nên chịu khổ ghen tuông búa lùa xua do tự ti khi phải thay đổi hoàn cảnh, thích cái cách mà Vĩnh Kỳ trưởng thành sau những bước bôn ba giang hồ. Tôi thích diễn xuất của Lâm Tâm Như trong vai Hạ Tử Vy, cốt cách nho nhõ nhu mì nhưng trái tim cứng cỏi nhập vai rất tốt với một ánh mắt buồn mênh mang. Tiểu Yến Tử thì tôi thích không khí lộn xộn do cô tạo nên để khiến cả bọn phải lao đao vì ham vui nhiều hơn cô, cô là một nhân vật dám chơi nhưng không dám chịu nên không phải là gu của tôi, cô thiếu sự hào sảng nên tôi chỉ thấy cô loi choi nghịch dại. Tuy nhiên nếu cô đứng một mình thì có lẽ tôi cũng không quá chú ý đến cách nhìn này, thích là đằng khác vì sự ăn miếng trả miếng sảng khoái của cô với Hoàng hậu và Dung mama, vì ở đâu cũng phải người này kẻ nọ cả và tôi hiểu điều đó. Nhưng đến lúc cô và anh trai Tiêu Kiếm sáp vào nhau là tôi thật sự không chịu nổi mức độ vô duyên và dây dưa của cặp anh em này, người anh không hiểu chuyện đòi hỏi linh tinh, cô em gái vô duyên đến vô tình không thể nào hiểu nổi. Tuy nhiên an ủi là tôi thích diễn xuất của Triệu Vy với ánh mắt lém lỉnh ba trợn diễn đạt vai nhân vật là ngòi nổ cho các nhân vật còn lại. Quỳnh Dao viết về tình cảm khá bao nhiêu thì chuyển đến kiếm hiệp với nhân vật Tiêu Kiếm lại dở bấy nhiêu, không có một chút nào bay bỗng và dứt khoát của những kiếm khách hành tẩu giang hồ cả, cái khí chất kiếm khách một tiêu một kiếm hành tẩu giang hồ quê mùa cà rề cà rà đến độ nực cười. Cuộc bôn tẩu giang hồ qua ngòi bút của Quỳnh Dao thiếu đi chất ngẫu hứng sáng tạo bay bỗng mà còn quá gò bó nên không bật lên được không khí phiêu diêu của tuổi trẻ dám đi cùng trời cuối đất, dám vì nhau mà xông pha.

Nhưng tương tác giữa các nhân vật chính phụ của phim ở hoàng cung thật sự rất thú vị, thú vị vì tình người hiện diện giữa chốn thâm cung nghiệt ngã, mà Hạ Tử Vy là đại diện rõ ràng nhất. Tương tác giữa cô mà Dung ma ma thật sự quá xuất sắc khi đứng trên hai chiến tuyến. Lý Minh Khải có một vai "thần sầu" trong vai Dung ma ma dám quậy nát mấy cô công chúa hoàng tử chỉ vì lòng trung thành đối với Hoàng Hậu. Tình chủ tớ với niềm trung thành đó lấy được sự đồng cảm của người xem, giải thích mọi hành động của hai nhân vật chính trước đó một cách thuyết phục. Dung ma ma chấp nhận tất cả chỉ để Hoàng hậu có thể đạt được mục đích, mà cảnh quay cuối cùng là điểm vỡ cho lòng chung thành khơi thông để Hạ Tử Vy thấu hiểu và tha thứ cho mọi lỗi lầm của người đầy tớ già. Lý Minh Khải diễn đoạn cuối đạt đến nỗi cảm xúc ghét cay ghét đắng nhân vật cứ như bay biến theo từng ánh mắt sắc sảo nhưng chân thành của cô. Cảnh mà cô dập đầu tạ ơn Hạ Tử Vy Cách Cách tâm phục khẩu phục cho đức hiếu sinh của người con gái ngoan hiền chắc hẳn sẽ khiến nhiều nguời cảm động, cảm động cho những tình người xuất hiện trong chân tình, đến cuối con đường hội ngộ nhau và quy tụ giữa chân, thiện, mỹ.

"Đối với người phụ nữ mà nói, địa vị không thể xóa nhòa vẫn chưa đủ, thứ phụ nữ cần nhất là một vị trí không ai có thể thay thế được". Câu trích trên là của Lệnh Phi nói với Tiểu Yến Tử khi nhân vật này đề cập về tình yêu với Hoàng Thượng. Và Bức tranh định mệnh đã thực hiện được điều đó, khi là một một drama lấy đề tài phụ nữ khó có thể thay thế được, dù giờ đây địa vị độc tôn của nó đã được Quỳnh Dao thay thế sau gần 15 để yên bằng Tân Hoàn Châu Cách Cách. Khán giả thông minh cũng sẽ như Càn Long thông minh sẽ biết tìm về khi đã dạo chơi với những mỹ nhân mới.

Bình luận khác:

-

Hồi tết này về nhà Tiny mới xem lại phim này, hồi đó là Tây Du Kí, bây giờ là Bức Tranh Định Mệnh, mỗi năm phải coi lại y như là thói quen.

Tiny thích Tiểu Yến Tử trong phần 1, phần 2 thì nhân vật quá lỗ mãng và ích kỉ nhiều khúc rất bực mình. Tiểu Yến Tử ngạo mạng, thiếu suy nghĩ nhưng khẳng khái và ngây thơ. TYT làm bạn với Tử Vi là một sự kết hợp rất lạ nhưng mà hay hay, hai người bù trừ cho nhau như âm với dương. Tiny cực thích tình chị em giữa TYT và Tử Vy.

Nhưng mà nổi bật nhất của phim này có lẽ là tình cha con, Trương Thiết Lâm tuy đóng vai vua nhưng Tiny không thấy vua đâu hết mà chỉ thấy một người cha, có những lúc vui lúc buồn lúc giận dữ vì các con. Người ta nói một giọt máu đào hơn ao nước lã, nhưng mà trong phim thì máu đào hay nước lã gì cũng là con của cha, thông điệp thật ấm áp, ý nghĩa.

Tiêu Kiếm trong phần 3 được "upgrade" cả ngoại hình lẫn screen time (Huỳnh Hiểu Minh đóng), nhưng mà phần 3 lòng vòng thật mệt và phản cảm quá, khỏi bàn luôn. Tiêu Kiếm trong phần 2 Tiny thích vì nhìn rất điềm đạm, chững chạc nhưng đôi khi vẫn có tính bốc đồng không khác Tiểu Yến Tử, thích "bụp" là "bụp" ngay không cần nhiều lời.

-

tình cha con phim này đẹp, tình mẹ con cũng đẹp, dù là con ruột hay con nuôi, con chồng nhưng mấy người lớn phim này xem dễ chịu, tất nhiên trừ mấy vị ác tâm như Hoàng hậu với Dung mama.

Vua Càn Long phim này bị hụt 2 mỹ nhân, một là Tử Vi, hai là Hàm Hương, ổng không điên mới là lạ, 2 mỹ nhân toàn khuynh quốc không thôi mà.

Trong phần 2 thì phải, có cái đoạn 2 vợ chồng bắt cóc Tiểu Yến Tử xong hành hạ á, ai thương thì không biết, chứ NH thấy "hả hê" trong lòng quá chừng luôn, đoạn đó đã nhất. Mình bảo cái tội ngu ráng chịu. Phim này tiếc một chỗ là tình anh em giữa Vĩnh Kỳ và Tử Vi là zero thôi.

-

ói đúng ra là, phần 1 TYT cũng khá, rất thích mấy đoạn trả đũa của TYT với Hoàng Hậu, nhưng mà trong phần 2, lúc ra khỏi cung, nhân vật TYT này điên điên khùng khùng hơi thái quá. Ngây ngô quá, tùy hứng và bốc đồng quá. Cái đoạn TYT đi ăn trộm hồng nhà người ta ấy (không nhớ rõ lắm, chỉ nhớ là của một gia đình rất nghèo, sau đó phải trả hết đồ đề mua số hồng đó), xem mà muốn mắng người. Hành động không chỉ thiếu suy nghĩ mà còn vô cùng bốc đồng và vớ vẩn.

Có người nói nhân vật Tử Vy yếu đuối và "nhân hậu thái quá", nhưng trong cái thế giới thiếu tình cảm như trong chốn thâm cung, không có Tử Vy mà chỉ có một TYT phá phách thì quả thật TYT không thể sống được ở trong đó đến tận cuối phim nữa rồi. Còn yếu đuối thì, xin lỗi chứ, nhân vật này dù bề ngoài yếu đuối nhưng lại vô cùng mạnh mẽ. Còn nhớ lúc TV bị mù, ban đầu cô ấy sợ hãi, thất vọng đến vậy, nhưng vì mọi người mà đã trở nên rất kiên cường. Có thể cười, có thể hát, lại biết chấp nhận nữ. Mấy người tự nhận là mạnh mẽ đâu có ai làm được điều đó.

-

Mình biết thế nào cũng có người hả hê như mình vụ Tiểu Yến Tử bị tra tấn ở quán cờ mà, coi khúc đó đã cả người, thiệt mình cũng dã man quá hì hì.

Mình cũng thích những người manh mẽ nhưng không cố tỏ ra mạnh mẽ như Tử Vy, trông thì yếu đuối nhưng thật ra trái tim rất cứng rắn, kiên định. Ngoài ra do Lâm Tâm Như có ánh mắt độc lập nên thấy hóa thân thành Tử Vu rất hiền lành, nhu mì nhưng không yếu đuối. ^^ Mình thích Tử Vy với Lâm Tâm Như lắm. ^^

-

đầu tiên, phải nói TYT là nhân vật mà mình ko ngờ QD sẽ sáng tạo ra, bởi tính riêng biệt, độc đáo mà nhân vật này thể hiện qua màn ảnh. TYT có rất nhiều mặt, hồn nhiên, trẻ con, thẳng thắn, hiếu động, quái quỷ, trọng nghĩa... tuy rằng, sang đến p2, QD đã nêm nếm quá tay. TYT đôi khi hồn nhiên đến vô tâm, trẻ con đến ấu trĩ, thẳng thắn đến thô, hiếu động, mải chơi đến quá đáng... nhưng thật tình mình ko thể ghét nổi. vì một phần, đó cũng là lỗi của QD khi xây dựng nhân vật thiếu tính nhất quán so với p1 và so với chính hoàn cảnh xuất thân của nv. cái vô học mà ma lanh ở TYT, đôi khi làm người ta thấy hao hao với Vi Tiểu Bảo của Kim Dung (mặc dù tầm vóc cách nhau rất xa), nhưng cũng làm người ta bật cười thích thú. mà 1 TYT như thế, TYT từ bé đã lưu lạc giang hồ, tìm đủ cách kiếm sống nuôi thân, thì có thể bộc tuệch, ruột để ngoài da và bất cẩn đến đâu, cũng khó mà ngáo ngơ như những gì đã thể hiện ở p2 được.

TYT, thực chất, là nhân vật sống bằng bản năng, và mình nghĩ QD muốn khai thác điều đó, có điều hơi quá tay. TYT là sự đối lập với TV, 1 người dịu dàng như nước, 1 người tính nóng như lửa. 1 người khắt khe tự giữ, 1 người phóng khoáng ko biết lễ giáo quy chuẩn là gì. rất nhiều điều TYT làm, đều là bộc phát và thể hiện trực tiếp suy nghĩ của cô nàng, hoặc để phát tiết, làm xong là quên luôn. có lẽ chính vì cách sống bản năng đó, mà khiến mọi người xung quanh bị quấn vào, khiến mọi người vẫn yêu quý TYT dù có gây ra bn trò lố và rắc rối đi chăng nữa. vả chăng, TYT gây chuyện phần lớn nằm ở cuối p2, khi mọi người đang trên đường chạy trốn, cái chính là để QD tô vẽ thêm ra vài tập, nếu ko chắc để cho đoàn này chạy thăng đến Đại Lý quá =.= còn trước đó, những lần ở trong cung, mỗi lần gây họa đều là bất đắc dĩ, chứ ko khiến người xem phản cảm.

và cũng chính vì sự bản năng mà nhiều người cảm giác TYT vô tâm với tình cảm của Vĩnh Kì.thực ra ko phải. trước khi Vĩnh Kì tỏ tình, cô nàng thậm chí còn ko hề nghĩ tới tình yêu là gì, đến sau này, khi yêu, TYT cũng chỉ dựa vào cảm giác, chứ bảo có triết lý, có suy tư như TV-NK, phải có những hành động, cử chỉ... thể hiện tình cảm, thì khó lắm. những màn tâm tình, yêu đương phần lớn dành cho cặp Tử Vy – Nhĩ Khang, còn cách thể hiện của TYT – Ngũ Aka là những trận cãi vã hờn ghen vặt vãnh, trẻ con, buồn cười nhưng thắm thiết.đến khi lên kiệu hoa, hồi tưởng lại, trong đầu vẫn chỉ là những lúc giận hờn dở khóc dở cười thôi mà. cách yêu của TYT cũng bản năng như thế, bình thường cà lơ phất phơ, nhưng lúc buồn, lúc sợ hãi, lúc cảm thấy bất an, là sẽ thốt ra những lời thật lòng. lúc sợ ma sẽ nhảy lên ôm và gọi Vĩnh Kì, thân thiết ngưỡng mộ Tiêu Kiếm nhưng ko cho anh ta động đến Vĩnh Kì 1 li... mỗi lần giận dỗi, đều là vì cảm giác thiếu an toàn trong tâm, cảm thấy mình ko đủ tốt, ko có học vấn, nên sợ VK sẽ ko yêu mình nữa, cũng như sợ Hoàng Thượng ko còn coi mình là con. cũng dễ hiểu thôi với 1 đứa trẻ mồ côi, lưu lạc vất vưởng như TYT. nhiều bạn nói TV thực chất mạnh mẽ hơn TYT. mình thấy đúng. TYT sợ rất nhiều thứ, thậm chí những nỗi sợ tầm thường, bởi vì cô ấy ko phải con người của sách vở, TYT sống đơn thuần theo 1 cách bình thường nhất. thậm chí, sau khi vào cung, TYT lại càng yếu lòng hơn, vì ko đơn giản là sợ chết, sợ khổ nữa, mà còn sợ mất mát, sợ tình thương khó khăn mới có đc lại ko còn.

với TYT, yêu chỉ là yêu thôi, nên khi mọi người để ý chuyện Tiêu Kiếm, khi nói rằng VK ghen, thì TYT vẫn chẳng hiểu chuyện j đang xảy ra. bởi trong suy nghĩ thẳng băng của mình, đương nhiên TYT coi VK là duy nhất. TV lại khác, TV là người đa sầu đa cảm, từng ánh mắt giữa NK và Tình Nhi cũng có thể làm dậy sóng. đấy là nét khả ái trong cả 2 nhân vật, là sự bổ khuyết lẫn nhau của họ.

trước đây mình ko thích TV, sau này xem lại thấy yêu hơn, nhưng dù sao ở TV vẫn có nhiều nét lý tưởng đến ko thật mà QD hay thích, nên chắc để TYT đối trọng lại, bà cũng cho TYT nhiều khi vô tâm vô tính đến ko thật. dù sao, TYT vẫn là mắt xích của cả bộ phim, để đưa người ta đến 1 câu chuyện hao hao cổ tích, khi cô gái thường dân tốt bụng được viên mãn, được yêu, và được ân đền oán trả.

-

Tuổi thơ của tôi gắn liền với Bức tranh định mệnh, và tình yêu với Tiểu Yến Tử. Thực sự là thế. Hồi đó, tôi cảm thấy hình như mình chưa bao giờ thích một bộ phim nào như thế. Và tôi chỉ thích Hoàn châu cách cách phần 1 thôi. Tôi cảm thấy phần 2 đã phá hỏng hình tượng của Tiểu Yến Tử, đến mức tôi đã ân hận biết bao khi trót xem thêm phần 2, còn phần 3 thì tôi vĩnh viễn không bao giờ động đến. Vì vậy, với tôi, Hoàn châu cách cách chỉ có phần 1 thôi.
Hồi đó, tôi thích Bức Tranh Định Mệnh vì nhiều lí do.
Thứ nhất, và trên tất cả là tôi thích Tiểu Yến Tử (nhắc lại là Tiểu Yến Tử của phần 1 thôi nhé). Thích cái cách một cô bé có rất nhiều nhược điểm thu phục tình cảm mọi người. Trên đời này, được hoàn hảo như Tử Vy thì chắc chắn sẽ được mọi người yêu mến. Nhưng, mấy ai được như Tử Vy? Có bao nhiêu cô gái trên thế giới này vừa xinh đẹp, vừa thông minh lại vừa đoan trang, vừa nhu mì, vừa tốt bụng, vừa chăm chỉ học hành ?... Bao nhiêu người có được tất cả những điều đó? Bao nhiêu người có thể trở thành thiên hạ kì nữ? Con số đó chắc chắn rất nhỏ. Còn số người giống như Tiểu Yến Tử lại nhiều vô cùng. Một Tiểu Yến Tử nghịch ngợm, vô tư, một Tiểu Yến Tử ngờ nghệch, thiếu suy nghĩ,... nhưng vẫn rất vui vẻ và hạnh phúc.
Đó không phải là ước mơ của tất cả chúng ta sao? Khi xem Tiểu Yến Tử, tôi luôn mơ ước mình cũng có thể làm cho mọi người yêu mến mình như cô ấy. Là một cô bé không có gì nổi bật, học hành bình thường, vẻ ngoài bình thường và một tính cách bình thường... Cái từ bình thường đó làm cho tôi thấy mình bị lẫn vào đám đông. Không được yêu hơn và cũng không được ghét hơn. Tôi tự ti và mặc cảm. Và khát khao được mọi người thừa nhận cho dù mình không hề hoàn mỹ như Tử Vy làm cho tôi cảm thấy Tiểu Yến Tử thật tuyệt. Tôi không làm được như cô ấy, cũng giống như không làm được như Scarlet trong Cuốn theo chiều gió, nên tôi cảm thấy mình rất yêu cô ấy.
Lí do thứ hai làm tôi thích Bức tranh định mệnh chính là tình yêu của Ngũ a Ka Vĩnh Kì dành cho Tiểu Yến Tử.
Hồi đó, tôi 18 tuổi, cái tuổi bắt đầu biết rung rinh với mối tình đầu. Vẫn một câu nói cũ, nếu có thể thập toàn thập mỹ như Tử Vy thì có một đại thiếu gia văn võ toàn tài si tình là chuyện tất nhiên. Nhưng những cô gái không vĩ đại như thế vẫn khát khao và xứng đáng được yêu chứ. Tôi thích cái cách Vĩnh Kì yêu Tiểu Yến Tử. Yêu chỉ vì yêu.
Có lẽ, lí do duy nhất để tôi cố gắng xem hết phần 2 của Hoàn Châu cách cách chỉ vì tình yêu của chàng hoàng tử này dành cho Tiểu Yến Tử . Có cô gái nào không khao khát có được một tình yêu như thế chứ. "Ta yêu chứ , muội tốt , muội xấu , muội đáng yêu , muội đáng ghét , muội ngang bướng , muội gây hoạ , ta đều yêu muội hết." Mỗi câu chàng hoàng tử này nói, mỗi hành động chàng hoàng tử này làm, mỗi tiếng hát, mỗi nụ cười, mỗi ánh nhìn, thậm chí mỗi cái chau mày, giận dỗi anh ta dành cho Tiểu Yến Tử tôi đều thấy trái tim mình loạn nhịp. (Chắc tại anh Tô Hữu Bằng đóng đạt quá). Từ những câu nói văn chương dài dòng đến những câu nói bình thường nhất đều làm tôi xúc động:
-muội còn muốn mang lại cho huynh biết bao nhiêu những bất ngờ, bao nhiêu ngạc nhiên nữa đây chứ? Cách Cách như thế này đây, đời ta chưa bao giờ gặp cả.
-Ta năn nỉ muội , hãy học cách tự bảo vệ cho mình
– Ta thật không yên tâm , nếu như trước sau gì muội cũng bị mất đầu hay mất mạng, chi bằng hồi ấy ta một tiễn bắn chết muội cho rồi, khỏi phải nhung nhớ như bây giờ
– để huynh đưa muội vào trong rồi hãy trở về nha...à này, chỗ này tối lắm, muội cẩn thận kẻo vấp phải cửa nha.
– từ nay về sau, hứa với huynh là phải suy nghĩ thật kĩ... Thân phận này của muội là giả nhưng tình cảm của ta là thật
– Đến giờ phút này, muội còn giận ta, giận cái gì đây, trong lòng ta chỉ có một mình muội, vì muội mà suốt ngày ta lo nghĩ , đã động chạm với tất cả mọi người rồi . Trong lòng của ta , cô Thái Liên đó chẳng có ý nghĩa gì cả , cho dù là vương tôn nhi nữ , thiên kim giai nhân gì đi nữa , đều không bằng một phần nhỏ của muội
– Tiểu yến Tử, muội đừng khóc nha, chính huynh có lỗi, muội vừa rơi lệ trái tim huynh se thắt lại đó, huynh thực sự rối loạn trong lòng, không biết phải làm thế nào đây?
– Từ nay , trên yên ngựa của ta , chỉ có mình muội mà thôi , tuyệt đối không có chỗ cho bất kỳ ai khác , ta thề đấy.
– Tiểu Yến Tử , ta hứa với muội , một ngày nào ta quả thật thấy chuyện rất nghiêm trọng , ta sẽ vì muội vứt bỏ hết tất cả , cùng muội đi lưu lạc . Vinh hoa phú quý trong mắt ta thật không bằng nụ cười , cái chau mày của muội . Ta yêu muội sâu sắc như vậy , muội chịu khổ một chút là ta đau rồi
– cái gì người xưa, cái gì kẻ sắp đến, không ngờ cô ấy còn giận lây cả người xưa kẻ sắp đến. Trần Tử Ngang này hại ta sắp chết rồi, rảnh rỗi làm thơ gì chứ.
– ta làm sao biết được, nếu biết cô ấy bỏ đi như vậy đánh chết ta cũng không cho cô ấy đọc thơ thành ngữ gì hết, không đọc thì thôi, không biết thành ngữ thì thôi, có giận ta, gây lộn với ta, đánh lộn với ta cũng được, ta cũng nhường nhịn cổ, tại sao tức giận bỏ đi chứ, lần trước cũng vậy leo lên lưng ngựa thì chạy biệt tăm biệt tích, lần này không biết đi đâu nữa chứ.
– Hoàng a mã, nhi thần đã hối hận lắm rồi, Tiểu Yến Tử vẫn là Tiểu Yến Tử thôi, chúng ta cứ muốn biến đổi nàng thành con người khác – một đại gia khuê tú thông hiểu lễ nghĩa. Khi nàng làm không được thì chúng ta tức giận trừng phạt nàng, làm cho tâm trí và thể xác nàng bị tổn thương nghiêm trọng. Giờ con đã mất nàng rồi, và không thiết sống nữa, mới biết mình đã sai ghê gớm. Hoàng a mã, không có Tiểu Yến Tử, thì lấy ai phạm quy đây
– Ta dùng sinh mạng của mình, cùng với hương hồn ngạc nương quá cố xin thề với muội, từ nay sẽ không bắt ép muội làm bất kỳ việc gì nữa, từ nay sẽ không cần phải học thơ Đường, học thành ngữ, những chuyện mà muội không thích , chúng ta không làm, chỉ xin muội, đừng có rời xa ta nữa, trước không thấy người xưa gì thì cũng mặc kệ họ, sau không thấy ai tới cũng không liên quan đến mình, nếu như không có muội trước mắt ta, thì ta như chết rồi.

-Không phải muội ngu, mà là ta. Để ta nói cho muội nghe, Trần Tử Ngang, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Mạnh Hạo Nhiên... cho dù tất cả bọn họ gộp lại cũng không bằng muội, họ có sáng tác những bài thơ hay đến thế nào cũng không sao làm cho ta cảm thấy sâu sắc và thương xót. Còn muội, hơn cả ngàn vạn câu châm ngôn, ngàn vạn câu thành ngữ, và ngàn vạn lời hay ý đẹp của thế gian này, muội là siêu việt xuất chúng, vượt xa tất cả mọi thứ.
– là ai nói những lời vớ vẩn như vậy... đã không còn tồn tại nữa rồi. Hiện giờ, đứng trước mặt muội là một Vịnh Kỳ hoàn toàn mới mẻ, một người biết nghĩ đến những nỗi khổ của muội, biết cùng chia sẻ vui buồn với muội, một người biết trân trọng muội, người con trai yêu thương muội
– Lần sau có đi ăn trộm , nhớ tìm khu vườn nào không có chó
– Vì muội mà vong mạng , phú quý có thể bỏ , thân phận có thể khước từ , cái gì cũng có thể bỏ hết , nhưng ... chút kiêu ngạo này ta chưa hoàn toàn bỏ được , xin lỗi muội , ta sửa.

– Huynh biết rồi, là huynh có lỗi, tại huynh có vấn đề, không phải tại muội có vấn đề, muội chỉ hơi hư hỏng 1 chút thôi, còn huynh mới là đại hư hỏng, nói ra những lời đó đúng thật là không nên, tại huynh không có phong độ, ăn nói vô ý, là lỗi của huynh...từ cái ngày bắt đầu lưu vong, tâm trạng của huynh đã bị mất thăng bằng, huynh rất sợ muội thấy huynh trong cung là a ka , ra khỏi cung rồi thì huynh không bằng ai cả, nói cho cùng... cũng chỉ tại huynh quá yêu muội, quá để tâm tới muội thôi.
– Trời ơi, nàng đẹp quá, đừng động đậy, ta muốn làm một việc ...

Từ những hành động đơn giản như một cái gật đầu đồng tình chiều theo ý thích cho dù biết thừa là quái gở của Tiểu Yến Tử, một cái thót tim lo lắng khi nàng ta phạm lỗi, một cái nắm tay an ủi, một cái khoác vai nhẹ nhàng, một vòng tay ấm áp, cho đến hành động nhảy lên đỡ mỗi khi Tiểu Yến Tử ngã từ trên cao xuống, hay nghĩa cử cướp xe tù, sẵn sàng xả thân để bảo vệ mỗi khi Tiểu Yến Tử gặp nguy hiểm... Tất cả đã làm nên một tình yêu huyền thoại trong lòng tôi.
Nghe nói, chuyện tình của Tử Vy và Nhĩ Khang cũng xúc động lắm, nhưng tôi không xem, vì như trên đã nói, 2 nhân vật hoàn mỹ đến với nhau với tôi có vẻ rất tất nhiên, không có gì phải chờ đợi, hay thắc mắc cả. Ngày xưa, lúc xem ti vi, cứ đến cảnh 2 người họ thì tôi tranh thủ làm việc khác. Bây giờ xem lại thì cứ đến cảnh 2 người họ thì tôi lại tua đi. Sự hoàn mỹ làm cho người ta cảm thấy xa vời vợi. Có lẽ, vì tôi không xuất sắc như Tử Vy, nên tôi không ngưỡng mộ anh chàng Nhĩ Khang chăng?

Lí do thứ ba tôi thích Bức tranh định mệnh chính là tình cha con giữa Hoàng thượng và Tiểu Yến Tử.
Nếu có một đứa con như Tử Vy, có người cha nào mà không thương mến, không tự hào? Thế nếu bạn lại không hề xuất chúng, không hề ngoan ngoãn, bạn cũng có nhiều khuyết điểm như Tiểu Yến Tử thì sao? Bạn cũng vẫn mong được cha mẹ mình thương chứ? Đúng không? Và dù nhiều nhược điểm như vậy, cuối cùng cũng không được cái "giọt máu đào" làm chỗ dựa, Tiểu Yến Tử vẫn làm cho một người cha quyền lực tối cao yêu thương, quyến luyến mình. Cô ấy hẳn thật tuyệt vời. Và Càn Long cũng là một người cha tuyệt vời nữa.
Lí do cuối cùng làm cho tôi thích Bức tranh định mệnh là tình bạn được khắc họa quá ư lung linh. Đẹp không khác gì tình yêu của Vĩnh – Yến.
Này là tình bạn của Tử Vy và Tiểu Yến Tử, Nhĩ Thái và Vĩnh Kì, tình bạn của Liễu Thanh, Liễu Hồng với Tử Vy và Tiểu Yến Tử,... Tình bạn làm cho họ hi sinh vì nhau. Có thể thấy là lúc đầu, Nhĩ Khang chả thích thú gì Tiểu Yến Tử. Anh ta không giống Vĩnh Kì và Nhĩ Thái, không thích cái kiểu một cách cách ngô nghê; anh ta lại càng không thích vì cô ta chiếm mất vị trí của Tử Vy, làm cho tình yêu của anh ta vô cùng trắc trở...
Nhưng dần dần, vì Tử Vy, vì Vĩnh Kì, anh ta cũng đã mở lòng với Tiểu Yến Tử hơn, có thể đùa trêu vui vẻ, có thể lắng nghe, có thể giúp đỡ, v.v... Phần 2, hình tượng Nhĩ Khang được khắc họa đáng yêu hơn phần 1 rất nhiều.
Năm tôi 18 tuổi, bạn bè gần như là tình cảm quan trọng nhất, chỉ xếp sau tình cảm gia đình. Tôi cũng ao ước sao mình có những người bạn như thế.

Bây giờ, tôi đã 35 tuổi, cũng đã có một mối tình đẹp và viên mãn, vẫn giữ được những người bạn thân thuở thiếu thời, chỉ khác là không còn người cha để mà làm nũng như ngày xưa nữa. Thay vào đó, tôi trở thành vợ, thành mẹ, thành con dâu. Mỗi khi buồn vẫn mở Hoàn Châu cách cách ra xem. Phần 1 xem trọn vẹn (trừ những đoạn thề non hẹn biển của Nhĩ Khang, Tử Vy), còn phần 2 chỉ xem đúng những phần tình yêu của Vĩnh Kì và Tiểu Yến Tử. Có thể tôi vẫn hoài niệm về quá khứ, nhưng tình yêu dành cho bộ phim này không hề thay đổi.
Có rất nhiều người giống tôi, và cũng có rất nhiều người khác tôi. Và những dòng chữ này như một lời tâm sự dành cho những người có chung tình yêu với tôi vậy

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review