50/50: It takes a pair to beat the odds*

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đúng như câu miêu tả về phim "it takes a pair to beat the odds", thì 50/50 miêu tả được hai vế của vấn đề, một poster's tagline quá hay để miêu tả về một vấn đề tưởng như đã quá sến: ung thư, phim miêu tả hai mặt của ung thư rồi vài tên làm phim nào đó là thằng cha đứng giữa chơi đỏ đen. Ồ, nhưng tôi thích thằng cha đó.

50/50 đúng như tên gọi của nó là một phim về cá độ, mà cái kèo của nó là một thằng Adam, well, Adam-một con người tượng trưng chăng?, bị bệnh ung thư hiếm, nó sống hay chết đây? Nhưng trước khi miêu tả đến đoạn nó bị ung thư thì phim tả chút đỉnh về nó: công việc ổn định, hiền lành, ngoan ngoãn với một cô bồ không đưa nó lên đỉnh thì cũng thỏa mãn bình yên. Sớm sớm, một thằng bạn tới chở nó đi làm vì nó không biết chạy xe, èo, thứ đó nguy hiểm đến tính mạng nên không chơi, vì nó hài lòng với cuộc sống bình yên đó. Nhưng cái lưng của nó thì không bình yên, nó đau lưng, chẳng phải làm tình kiểu ếch nhái gì mà lưng vẫn đi tong nên nó đi khám bác sĩ, nó biết mình bị ung thư xương sống. Mắt nhòe đi, lỗ tai ong ong lên, nó chỉ hỏi một câu có chữa được không? Rồi nó tự tìm hiểu xác suất sống được là 50/50, một sống hai nghẻo, nó kìm nén sửng sốt để đối diện với căn bệnh.

Vấn đề hay nhất ở 50/50 chính là ở cách tiếp cận của phim với ung thư-một phần tất yếu của cuộc sống hôm nay. Ung thư thằng Adam nó bị là hiếm, nhưng ung thư thời đại này không hiếm nữa, và người ta đã dần quen với căn bệnh quái ác này để biết cách ứng phó. Đây là cách tiếp cận đúng với tâm lý thời hiện đại này, ung thư đã dần đi vào đời sống của mọi con người, với cả nhà làm phim cũng như khán giả. Không cần nước mắt, không cần cảm thông qua loa, bởi ung thư thì cũng chỉ có người đấy bị ung thư mà thôi, con bồ không bị, thằng bạn không bị, ba mẹ nó không bị, khán giả không bị và họ cũng cần sống cuộc sống của họ, như Adam phải sống với căn bệnh ung thư-của nó. Chính vì thế cách cư xử của những nhân vật trong phim với ung thư tự nhiên, gần gũi, không vì căn bệnh ung thư mà một người biến thành ác quỷ rồi một kẻ hóa thiên thần. Cuộc sống của những nhân vật trong phim vẫn tiếp diễn như phải tiếp diễn, mà ung thư chỉ là một vấn đề thêm vào cuộc sống của họ, chứ không phải tâm quay của vũ trụ.

Thằng bạn của Adam vẫn tiếp tục câu chuyện về chủ đề làm tình và tán gái của nó, thậm chí còn lợi dụng câu chuyện ung thư của thằng bạn thân để tán gái, còn con bồ Adam thì vẫn lén lút với thằng khác, vẫn bỏ Adam đứng chờ sau khi trị liệu giữa đêm để đi chơi. Cô bác sỹ tâm lý thì vẫn cố làm tròn bổn phận là bác sỹ tâm lý thay vì phá vỡ khoảng cách để làm bạn Adam. Tất cả không, hoặc chưa thay đổi vì họ là chính họ với lòng vị kỷ. Nhưng ít nhất, dù với nghĩa vụ, trách nhiệm hay tình nghĩa thì họ cũng đã bên Adam trong lúc nó chống chọi đợt hóa trị ngặt nghèo. Đó chính là cuộc sống, bởi các nhân vật kia không bị ung thư, chỉ Adam bị mà thôi. Vì thế tình đến cứ đến, tình đi vẫn phải đi, không cần thêm sự thương cảm hay lợi dụng nhau nữa, đã đến lúc chấp nhận hiện thực như nó vốn có, và ung thư là-một-hiện-thực, tâm lý nhân vật dần đi vào quỹ đạo, bình lặng đều đều với những buổi hóa trị, những cuộc tán gẫu giữa các bệnh nhân ung thư, và những buổi Adam một mình chờ xe bus để đi trị liệu. Tôi thích phim vì tính độc lập của nhân vật mà phim miêu tả lại, thích những con người dám đương đầu với số phận.

Và Adam, với tất cả được miêu tả là một thằng đầy bản lĩnh đối diện với căn bệnh quái ác. Adam xử sự đúng cách, chia sẻ đúng lúc và độc lập đúng chỗ. Đừng bảo Adam bị ung thư nên chuyển qua bị thêm một chứng tâm lý đau khổ nên thương lụy đủ thứ, ở đây 50/50 là quá trình phát triển tâm lý-nhận thức về sự sống của một người bị ung thư, chứ không phải quá trình thế giới nhận thức về ung thư-thứ mà vô vàn phim, đặc biệt là Hàn xẻng "thần tượng" bệnh ung thư thành ra trật lất vấn đề. Thông qua quá trình nhận thức về khả năng một sống một chết mà Adam mới nhận ra cuộc sống của nó còn quá đơn điệu, đến cả cái xe cũng không biết lái. Thế là trước khi lên bàn mổ nó quyết định cầm vô lăng, tống cổ thằng bạn ra khỏi xe, cướp vô lăng chạy vào đường một chiều mặc kệ không biết chạy ra sao chính là cao trào đắt nhất của phim, khi giá trị của sự sống được dồn tụ đến đỉnh điểm, Adam bùng nổ khao khát sống-để đối diện với cái chết, nó gọi cho cô bác sỹ nó thầm thương nhưng không dám nói và nó nói thẳng lời yêu, mặc kệ ngày mai sống chết thế nào, nó cần nói nên nó phải nói. Rồi nó lên bàn mổ, đành đánh cược với số phận, một thua trắng, hai giành lại tất cả cuộc đời-mọi thứ đang chờ nó, và nó có được quyền tiếp tục chờ không thì điều đó chờ đợi khán giả khi xem.

50/50 là một phim độc lập đã bản lĩnh đón đầu tâm lý thời đại với một cách tiếp cận hợp lý về một vấn đề đã cũ. Và như muôn đời, một câu chuyện hay, mới không phải ở nội dung phải mới, phải hay mà chính ở cách miêu tả có hợp thời không thôi. Lối miêu tả đấy tất nhiên bao gồm cả kịch bản chân thực, đạo diễn vừa tay và diễn xuất rất chắc tay của Joseph Gordon-Levitt, hài hước nhưng vẫn ẩn chứa khoảng lặng của nỗi buồn trong khoang mắt. 50/50 là câu chuyện kể về những con người bên nhau để vượt qua hiểm nghèo-của số phận, của lòng người hay của một ván bài-cuộc đời. Vì cuộc sống luôn tồn tại ở hai vế sóng đôi.

*odds: không có từ tương đương trong tiếng Việt, trong y khoa người ta giữ nguyên odds như một thuật ngữ chuyên ngành, còn trong cá độ thì là tỷ lệ kèo của nhà cái châu Âu. Beat the odds được xem như là chiến thắng số mệnh hay vượt qua hiểm nghèo. Từ odds trong câu trên theo lối chơi chữ của phương Tây bao hàm cả hai nghĩa. Nếu ai muốn tìm hiểu thêm về từ odds thì theo hiểu biết của tôi nó là: tỷ lệ của khả năng có thể xảy ra trên khả năng không xảy ra của cùng một sự kiện, vì thế nó là tỷ lệ của tỷ lệ, luôn là hai con số sóng đôi dưới dạng phân số. Một câu quá khó để chuyển ngữ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review