13 Assassins (2011): Thời tàn và cuộc trỗi dậy của lý tưởng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Cuối thời Mạc Phủ, Lãnh chúa Naritsugu-anh trai của Mạc Chúa cậy thế luôn lấy giết người làm trò tiêu khiển đã khiến cho người người uất hận. Vì thế đại nhân Doi mới nhờ cậy vào vào samurai lão làng Shinzaemon Shimada ám sát hắn. Shinzaemon tập hợp các samurai "ngứa" nghề, do sống trong thời bình, lại với nhau để thực hiện cuộc hành thích tay lãnh chúa vô nhân tính, cách thức khả thi nhất đối với luật lệ thời Mạc Phủ.

13 Assassins là một công trình kiến trúc được thiết kế khéo léo, mà nền móng là lý do đủ sức nặng để thành hình lý tưởng của samurai, khiến họ dám bước chân vào Vong mạng trấn để thực hiện sứ mệnh. Tiếp đó là công trình xây dựng các cột trụ-những samurai đi tìm ý nghĩa cho cuộc đời mình, vì họ muốn được vùng vẫy sinh tồn như một bản năng của samurai, vì họ muốn được sống như một samurai chính hiệu, cũng như được chết như một samurai chân chính. Họ, mỗi người có mỗi lý do khác nhau để hội tụ đến cuộc hành thích này, kẻ theo lệnh, người vì thù riêng, kẻ vì tiền nhưng hơn hết họ muốn được sống như một samurai lấy lại công bằng cho đời. Đoạn giới thiệu nhân vật cột kèo của phim nhanh gọn nhưng miêu tả đủ nét về từng tính cách nhân vật, không nhập nhằng mà hòa nhập vào nhau nên tạo nên dấu ấn tập thể rõ ràng chứ không chỉ có dấu ấn cá nhân mà thôi. Đây là điểm cộng đặc sắc đầu tiên.

Tuy mang nội dung về lý tưởng samurai thời tàn Mạc Phủ, nhưng phim không quá sa đà vào lý tưởng đó ở việc tả lại số phận nhân vật, mà vẫn chú ý ở khâu chiến thuật để tập trung vào cuộc hành thích-nơi lý tưởng bùng nổ mãnh liệt nhất giữa quyết tâm thành toàn sứ mệnh. Cách phim dựng cuộc đấu trí để rồi mới tả lại cuộc đấu kiếm khiến phim sắc sảo hơn cùng những nước cờ dụng binh đứng ở 2 thái cực thành-bại, khiến cuộc đối đầu căng dây thần kinh hơn. Khoảng đầu phim được miêu tả bức bối và nhập nhẹm với hai gam màu nâu vàng và xám mờ rồi mới miên theo những cánh rừng ở đoạn giữa khiến nó như một khúc hoan ca-nơi tình bằng hữu bắt đầu bám rễ ngát xanh như cây rừng thăm thẳm. Đoạn giữa ấy có chút vui-chút quan tâm giữa những con người đi cùng tử đạo khiến những thời khắc nhẹ nhàng ấy trở nên đắt giá như như sự ngưỡng vọng về chữ tình trong đời người. Cũng ở giai đoạn đấy có một cuộc chia ly, nhưng cũng có thêm cuộc hội ngộ để buồn một chập rồi vui một chút. Ở đó có tất cả, bởi trước khi họ là một samurai, họ đã là con người.

Sau khi miên theo gam xanh ở đoạn giữa, đoạn cuối lại trở lại với màu ghi xám chất chứa sự cuồng nộ của lý tưởng với ánh bạc từ những thanh gươm. Cuộc chiến đấu tại Vong mạng trấn chớp nhoáng, tàn bạo, đẫm máu, mãnh liệt, bức bối. Bạo lực lên ngôi, nơi máu nhuộm thành dòng, xác chất đầy mặt đất, thương tích đầy thân thể. Đó là một cuộc chiến được miêu tả chân thật, công phu chứng minh một sự thật rằng tính chất hoành tráng choáng ngợp khán giả không đến từ sự sắp đặt hoa mỹ, mà chính ở cách dàn dựng tỉ mỉ và hiện thực. Ở những cảnh đấy, kỹ xảo không dễ dàng để nhận biết, tất cả đều dường như là thật, thật đến tàn nhẫn, thật đến đau lòng trong cách miêu tả đầy tiết chế nhưng đắt giá với cảnh vật đẫm máu, đầu lăn long lóc, xác người gục đổ khiến thị trấn mới đấy còn bình yên đã trở thành bình địa điêu tàn. Khâu dàn dựng của phim quá xuất sắc để tạo nên hiện trường cuộc đổ bộ của 13 thích khách oanh-oanh-liệt-liệt đi vào lòng người, bằng con đường cảm xúc vô cảm đến lãnh đạm trước một cách chết, nhưng thấp thỏm đến nhức nhối trước một cách chết khác. Một đầy thương cảm, hai lại đầy thỏa mãn. Bạo lực muôn đời là con dao hai lưỡi, chỉ là một công cụ của lòng người mà thôi nên biết oán, biết khen ai bây giờ?

Qua cuộc chiến, cuồng nộ và khốc liệt, đẫm máu và tang thương để lý tưởng được dồn tích và bùng nổ như trận lửa thiêng thiêu cháy đi bạo lực-bằng chính bạo lực. Cơn cuồng phong của bạo lực huy hoàng rồi chợt tắt thôi, nhưng nó cuốn phăng biết bao nhiêu bất công, hận thù của xã hội dồn tụ quy chuẩn lên những kiếp dân đen. Trong 13 thích khách, kẻ tử nạn nơi Vong mạng trấn thì nhiều, kẻ sống chẳng được bao nhiêu, nhưng tất cả họ đã sống cho một lý tưởng công bằng khi nó được thức tỉnh như một bản năng-thứ bản năng tìm lại công bằng của một con người, được miêu tả bằng bản năng của samurai. Kẻ đi thì cũng đi rồi, người ở lại vẫn phải sống với mưu cầu bình yêu và mưu cầu tự do-cuộc sống tự nhiên mà phim gởi gắm ở đoạn hội thoại cuối. Bởi huy hoàng cũng là điều tự nhiên, mà buồn le lói cũng là tự nhiên. Quan trọng hơn là chúng ta lựa chọn thế nào tự nhiên cho chính mình, ở mỗi thời điểm hay ở mỗi hoàn cảnh khác nhau.

Nếu phim không "giải tỏa" chất bạo lực hơi lỏng tay như đoạn cuối thì có lẽ sẽ còn ám ảnh một cách sắc sảo hơn nữa. Vì đoạn cuối phim nói hơi nhiều, và tình tiết được xây dựng có chút yếu tay khiến chất 'đen' của phim thường đi một chút. Nhưng 13 Assassins là một phim rất đáng xem, đáng xem bởi độ chân thật về bạo lực của nó, đáng xem vì cuộc hành thích hoành tráng đến tàn nhẫn nhưng vẫn đầy chân thật và lắng đọng, và đáng xem vì nó gợi nhớ đến một bộ phim kinh điển cũng đề tài về samurai, Seven samurai của Hoàng đế điện ảnh Nhật Bản, Akira Kurosawa. Một phim nên xem với những người yêu phong cách 'lạnh" của điện ảnh Nhật.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review