6

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tuấn Duy trở về nhà đã là chuyện của tối muộn hôm ấy. Hắn uể oải đỗ xe trước cửa nhà, lại thấy nhà mình đang sáng đèn. Hắn có chút hoang mang.

"Sao lại sáng ? Hay quên tắt điện ? Hay mẹ lên ? Haytrộm ?"

Lý trí của thằng đàn ông độc thân chỉ ghi nhớ được đôi ba câu chuyện là cùng, hắn quên khuấy mất em đang ở nhà cũng là chuyện chẳng lạ.

- Duy về rồi đấy à ?
- Ơ mẹ về chơi với con ạ ?
- Ừ, rửa tay đi rồi vào ăn cơm, nay Kiều nấu nhiều món lắm.

"À, còn có Kiều nữa."

Tuấn Duy sực nhớ ra cơ sự đêm qua, tò mò ngó vào căn bếp, thấy em đang đổ mồ hôi nấu canh, gò má đỏ lên vì bị nồi nước sôi hun nóng, tóc được chùm cột chùm buông, loà xoà rũ trước mắt.

Thanh Pháp bỗng gai người, dường như cảm nhận được có ánh mắt gắt gao nhìn mình, em quay sang nhìn. Ánh nhìn chạm ánh nhìn, em khẽ gật đầu chào hắn một cái, liền quay lại bận rộn với tí hạt nêm, tí muối, tí dầu.

Bà Hạnh nhìn đứa nhỏ đang tất bật trong bếp, không khỏi nghĩ ngợi nếu đứa nhỏ là nữ, thì bà sẽ ưng ngay mà bắt con sang hỏi.

Bà không kì thị, nhưng không phải ai cũng chấp nhận được. Chuyện đời vốn lạ kì. Người ta có thể dễ dàng chấp thuận xã hội đổi trắng thay đen, nhưng lại có thể nổi đoá ngay tức khắc khi cái đen - trắng ấy bắt đầu tràn vào cửa nhà mình. Đàn ông chẳng hạn, yêu thích những bộ cánh tân thời, cắt gọt, xẻ tà, nhưng lại về nạt vợ đôm đốp vào mặt, chê rằng đàn bà có tuổi mà không có nết, không biết nhìn mặt chồng mà cư xử. Khốn nạn không ?

Bà thì chấp nhận được, nhưng bà lo cho con trai bà. Bà đã trải đủ để hiểu lời thiên hạ còn độc hơn nọc rắn, con bà mà không vững tinh thần, thì có phải sẽ khổ cả nó và cả đứa nhỏ không ? Được, bà khổ thì bà chịu, nhưng có người mẹ nào có thể trơ mắt ra nhìn con mình khổ không ? Bà không chịu được, thì tại sao bà lại bắt con người khác chịu ? Bà vốn không có quyền thúc ép ai làm điều gì, nên bà lại càng không muốn ai khổ nữa cả. Sống ở cái đất này, quần ngư tranh thực, đứa nào chết thì đứa ấy chịu, đã khổ đã đớn đến cái tuổi này rồi, còn tham lam hay ngạo ngược gì nữa mà thúc ép ?

Bà còn nhớ giai đoạn đầu khi bà học xăm nghệ thuật, bà đã bị bao nhiêu người nói ra nói vào, sau lưng ắt có, mà người còn quá đáng hơn, còn đứng trước mặt chửi bà như một con mẹ dại chửi đổng ngoài chợ. Bà bị người ta hắt hủi khi về quê vì người ta nghĩ rằng cái nghề này cũng chẳng khác cái nghề không trong sạch kia là bao. Vậy nên bà không cho con bà xăm là thế. Chỉ mới là tỉa lại chân mày, chỉnh lại bờ môi mà đã mất tận vài năm để người ta hiểu, thêm vài năm nữa để chấp nhận, vậy con bà mà xăm thì còn đến thế nào đây ? Bà có thể mất vài năm để tranh thủ cái mềm lòng của thiên hạ, nhưng con bà đâu thể phí phạm mấy trăm ngày, thậm chí là mấy nghìn ngày chỉ để người đời thuận mắt cái vết mực đen trên da. Đời bạc thếch như vôi, lại cay cay say say như trầu thuốc, người ta muốn bỏ lại không nỡ bỏ, mà càng ăn lại càng nghiện thêm. Sống là tội với đời, nhưng chết lại tội với mình. Tham lam thế, nên mấy ai nỡ rời đời mà buông.

Vẩn vơ chìm trong mớ suy nghĩ xa xăm, bà bỗng giật mình vì bị đứa con trai khều.

- Mẹ, mẹ sao thế ?
- À hả ? Có gì đâu, mẹ đang suy nghĩ chút thôi.
- Cơm nào mẹ, bảy giờ đến nơi rồi.
- Ừ, cơm.

Bà Hạnh cùng con trai ngồi vào bàn, bà thoáng ngạc nhiên.

Một bàn cơm phải gọi là "chuẩn như sách giáo khoa", một món mặn, một món canh, có món rau cũng có món thịt, đáp ứng được nhu cầu chất, có nhóm lương thực, có nhóm đạm, có nhóm béo, có cả vitamin. Trông đơn giản, nhưng để suy nghĩ ra món gì, làm thế nào thì đấy là cả một vấn đề.

- Con sang ngồi với em kìa, sao lại ngồi với mẹ ?
- Dạ cô với anh Ogenus là chủ nhà mà, anh ngồi với cô là đúng rồi ạ.
- Chủ khách cái gì, nhà cô không có phân định thế đâu. Duy, qua ngồi với em đi.

Bà Hạnh khoát khoát tay ý bảo không nề hà, trực tiếp bảo con sang ngồi với em.

Thanh Pháp áy náy không dám nhìn hai mẹ con, cả buổi chỉ muốn cắm mặt nhìn bát cơm của mình, nhưng suy đi nghĩ lại, nếu em làm như vậy là không phải phép với mẹ hắn, nên đành vừa rụt rè động đũa vừa nhìn bà Hạnh, không hề nhìn lấy hắn một lần.

- Đây, Kiều ăn nhiều vào con.
- Dạ con cảm ơn cô.
- Nhìn con vậy chắc còn nhỏ lắm ha ?
- Kiều sinh 2001 đấy mẹ.
- Trời, nhỏ vậy ? Nhỏ tuổi mà người gầy đét như cây củi khô thế, ăn nhiều vào con. Ngại ngùng cái gì, ăn nhiều vào nhé.

Bà vừa nói vừa gắp lấy gắp để vào chén của em.

- Kiều này, quê con ở đâu nhỉ ?
- Dạ con ở Vĩnh Long.
- Vĩnh Long ha ? Cô chưa có dịp đi bao giờ.
- Dạ khi nào cô rảnh cô ghé đến Vĩnh Long chơi vài ngày, con nguyện ý làm hướng dẫn viên du lịch cho cô luôn.

Đứa nhỏ vừa nghe thấy ý định muốn đi chơi của mẹ hắn liền sáng rỡ mắt, vui vẻ như trẻ con lên tám mà bi bô xin được dẫn người đi chơi.

- Vậy phí thế nào đây ?
- Dạ cô bằng lòng để con dẫn đi là tính phí rồi ạ.
- Vậy đâu được ?
- Dạ được hết mà, nha cô ?

Đứa nhỏ long lanh đôi mắt to cầu xin, khiến người làm mẹ như bà chẳng mấy chốc đã mềm lòng.

- Mà Kiều này, ở nhà chắc con hay phụ cơm cho ba mẹ con lắm phải không ? Nấu ngon quá chừng.
- Dạ cô quá lời khen con rồi, con chỉ nấu theo khẩu vị của con, con còn lo cô với anh Ogenus ăn không quen.
- Sao lại lo ?
- Dạ vì người miền Tây ăn ngọt nhiều.
- Nên ngọt giống con đó phải không ?
- Dạ đúng rồi.

Vừa nói em vừa tinh nghịch chọc hai tay vào má phính làm cưng. Mẹ Hạnh đã lâu chưa thấy qua đứa nhỏ nào hoạt bát lại hiểu chuyện thế này, vui vẻ cười cả buổi cơm.

Còn tên nào đấy cả buổi không được nhắc tên, bỗng thấy cơm trắng dở tệ đến lạ, nhưng món ăn thì vẫn ngon.

---

- Dạ để con rửa cho cô.
- Trời ơi, con nấu rồi giờ con rửa nữa ? Con đến chơi chứ có phải đến giúp việc nhà cô đâu, ra đây ngồi ăn trái cây với cô, để cái thằng đầu đất nhà cô làm.
- Dạ vậy cô ra trước đi ạ, con xin phép cô cho con vào bếp cắt trái cây.
- Phải ra với cô đấy, cô mà biết con lén rửa là cô giận.

Bà Hạnh nhíu mày doạ yêu đứa nhỏ, sau liền đi ra phòng khách.

Thanh Pháp chớp thời cơ liền tập tễnh cái chân đến bên Tuấn Duy đang loay hoay với đống chén bát, khẽ thì thầm.

- Anh Nus ơi ..
- Hửm ?
- Chút nữa em thu dọn đồ về nhà chung, chút em cũng nói với cô, nhưng có gì anh nói phụ vào với em nha.
- Đi đâu ? Ai cho đi ?
- Em không ở lại được đâu anh, em nói với cô em đến chơi thôi. Cô cũng về nhà rồi, em đâu thể ở phòng anh được, phải để anh ngủ với cô chứ.
- Em dở à ? Mẹ anh thì ngủ phòng mẹ anh, anh với em ngủ phòng anh, liên quan gì đến nhau đâu ?
- Anh ơi ..

Đắn đo một lúc, Thanh Pháp liền làm liều mà huỵch toẹt ra.

- Nhưng mà anh ơi, em ... em .. em đâu có thẳng đâu anh. Mẹ anh mà thấy em với anh chung phòng thì cô lại phải nghĩ nhiều nữa.

Tuấn Duy cãi không lại lý do này, thở dài giàn xếp, cuối cùng đành thoả hiệp mà chấp thuận em.

Cả hai nào biết, có người từ nãy giờ đã nghe trọn cuộc trò chuyện nọ.

---

- Dạ con thưa cô, em thưa anh, dạ con về.
- Mai mốt Kiều lên chơi với cô nhé.
- Dạ con hứa.
- Thôi, bà già này không có tin mấy cái người trẻ măng đâu.

Vừa nói bà Hạnh vừa giận dỗi khoanh tay, hất mặt sang một bên. Thanh Pháp dở khóc dở cười khẽ cầm lấy tay bà xoa xoa cho nó nóng lên, cuối cùng cầm lấy ngón út của bà móc vào ngón út của mình.

- Cô Hạnh của con còn trẻ lắm mà, đâu có già đâu, xinh đẹp ơi là xinh đẹp luôn. Bây giờ con xin phép móc ngoéo làm tin với cô, con nói được sẽ làm được ạ.
- Phải không đó ? Mấy người đừng tưởng tôi già mà dễ dụ nha.
- Có con trẻ, con khờ mới dễ dụ thôi, cô Hạnh của con ai mà dụ được. Nếu mà dụ được thì con xin dụ cô về nhà con luôn.
- Về nhà mấy người có được cung phụng không ha ?
- Nữ hoàng luôn ạ.
- Vậy ha ? Tạm tin mấy người đấy. Thôi mấy người về đi không trời khuya, Ông Ba Bị bắt mấy người thì ai đâu mà cung phụng tôi nữa ?

Bà Hạnh vờ hung dữ nạt yêu đứa nhỏ, sau lại cười hiền. Thanh Pháp híp mắt cười với bà, loạng choạng cúi người chào hai mẹ con rồi bước đi trên con đường nhỏ.

- Để anh tiễn em.
- Dạ thôi, anh vào với cô đi, một mình em lo được mà.
- Chân què thế còn đòi lo ?
- "Anh" Pháp có què cũng khoẻ nha anh.

Tuấn Duy cứng họng nhìn "Anh" Pháp, mặt liệt nải hết hành lý sang một tay, tay còn lại đưa ra để em vịn.

- Nhanh nào, xe đến rồi.

Thanh Pháp đỏ mặt khẽ vịn lấy tay hắn, chậm chạp theo hắn ra xe.

---

- Duy.
- Dạ ?
- Ngồi xuống đây.
- Dạ mẹ ?

Tuấn Duy vừa khoá cửa nhà xong liền bị mẹ gọi bắt ngồi mặt đối mặt trong phòng khách.

- Chân của Kiều là con làm à ?
- Không ạ, sao mẹ lại nghĩ con thế ? Tại vì hôm qua, hôm kia gì đấy BigTeam đi nhậu, Kiều không có xe nên con chở Kiều đi. Lúc về thì con cũng chở Kiều về, chứ ai nỡ vứt con giữa chợ bao giờ, mà Kiều cũng có biết đường đâu, nên con tiện xe con đưa về. Cái xe của con thì mẹ biết mà, cái gác để chân nó cũ rồi, hôm ấy Kiều trượt chân thế là rách một đường dài, con chở luôn đi chích uốn ván. Con thấy dù gì Kiều bị vậy cũng một phần do con, nên con kêu Kiều ở lại đây.

Bà Hạnh đỡ trán thở dài.

- Con đừng có nói với mẹ là Kiều thấy mẹ nên sợ nên về đấy nhé.
- Thì thế mà mẹ.
- Mà con có ý gì với Kiều không vậy ?
- Mẹ yên tâm, con mẹ thẳng mà.

Bà bóp bóp ấn đường, không nói không rằng vươn tay kí vào đầu con.

- Mày thẳng hay cong không quan trọng, tao có kì thị đâu, mày nói cứ như mẹ cổ hủ lắm ấy. Có mày mới bướng ấy, đồ tính nam độc hại.
- Ơ ?
- Tao mà là Kiều là tao đòi mày bồi thường cho tao mấy trăm triệu.
- Ơ ?
- Mày còn "ơ" ?
- Sao mẹ bênh nó thế ?
- Thằng bé có tên, gọi cho đàng hoàng. Nó có là nam hay nữ nó cũng có tên cha mẹ đặt cho, tao có dạy mày cách xưng hô, đừng có "nó" như thế.

Bà Hạnh lừ mắt nhìn con. Vấn đề nào cần rạch ròi vấn đề ấy. Đứa nhỏ thuộc giới tính gì, hay xu hướng tính dục thế nào, nó cũng là con của người ta. Có ghét cũng cần phải tôn trọng. Bà không ép hay cấm ngăn con bà yêu ghét ai, nhưng bà có dạy nó cách làm người.

Tuấn Duy bị mắng liền tiu nghỉu vâng dạ.

- Tao bênh là vì nhìn đứa bé ấy khổ. Nó mới bao nhiêu ? Hai mươi hai. Hai mươi hai nó bươn chải, nó xa nhà để đi làm kiếm đồng tiền. Mày hai mươi hai mày có gì ? Mày bòn của tao mấy năm du học, xong về lại bòn mẹ mày cái nhà.
- Con có bòn đâu, con có giúp mà.
- Mày giúp á ? So về chi phí nhé, nếu mẹ xây được cả một cái nhà, thì mày sẽ góp được khoảng ... một bao xi măng.
- Tấm lòng của con.
- Gớm, lòng mày to thế cơ, tao phải mò kính hiển vi mới thấy được.
- Chứ mẹ không sợ Kiều ạ ?
- Sợ cái gì ?
- Sợ bệnh ..
- Ơi là giời !

Bà Hạnh tức đến muốn ngất xỉu, chỉ thẳng mặt con mà chửi.

- Đồng tính không phải bệnh. Tới mày cũng thế à ? Mày lại học theo cái bọn phá nhà phá cửa ấy đúng không ? Mày học ở đâu ? Hả ? Tao cho mày đi ăn, đi học, mày thoát khỏi cái ao làng, cho mày đi, giờ mày về mày nói với tao đồng tính là bệnh. Ôi làng nước ơi ...
- Mẹ .. Mẹ ..
- Mẹ con cái gì ? Tao nói với mày, mày lo mà sửa cái tư tưởng ấy đi. Đừng có trở thành y xì đúc cái lão đầu đường kia. Tao nói lại, tao nuôi mày để thành thằng đàn ông, không phải cái thằng đàn bà bám váy mẹ đi chấp nhặt phụ nữ với người khác như vậy. Tao nuôi lớn một thằng đàn ông, không phải một kẻ tiểu nhân thế này.

Bà Hạnh tăng xông lảo đảo vào phòng mình khoá cửa, tức đến mức nằm vật ra giường.

Bà không ngờ con bà nó lại nghĩ như vậy. Bỗng bà thấy tội Thanh Pháp, thấy tội đứa nhỏ quật cường ấy. Liệu nó và con bà có xảy ra mâu thuẫn hay không ?

- Con xin trời, xin ông đừng để thằng con con làm ra loại chuyện đáng xấu hổ.

29|09|2023|Lluvia

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro