Bạo lực gia đình - vài câu chuyện nhỏ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mọi việc bắt đầu từ câu chuyện mà kenh14 lấy từ bên Tri thức trẻ:

http://kenh14.vn/tu-cau-chuyen-cha-vo-giet-chet-con-re-bi-kich-cua-su-nin-nhin-2016051723411699.chn

Và nó làm mình nhớ lại một vài câu chuyện về bạo hành, nơi người phụ nữ thản nhiên chấp nhận bi kịch của họ.

1. Năm mình cấp 2, có một gia đình mới chuyển đến gần nhà mình (mình ấn tượng với nhà này, tại vì đó là ngôi nhà duy nhất ở cái xóm nhà mình xây mà có ống khói). Gia đình nhà đó có hai vợ chồng trẻ và đứa con hình như mới 2 tuổi hay sao đó. Mình thì vốn là một đứa ích kỷ (với lại khi đó còn đang bị bắt nạt túi bụi ở trường, lo thế quái nào được chuyện người khác) nên cũng chả để tâm xem nhà đó như thế nào. Cho đến một ngày, mình với chị mình đang ngồi nhà xem phim Chàng trai vườn nho chiếu trên cái kênh cáp nào đó mà mình không tài nào nhớ được, thì mình nghe thấy tiếng cãi vã, kêu khóc, quát nạt từ bên ngoài. Mình còn chưa biết đó là nhà nào thì thằng em, sau khi đi hóng hớt về, đã xác nhận nơi tiếng ồn phát ra chính là ngôi nhà có ống khói kia. Câu chuyện rất đơn giản: Chị vợ bị chồng đánh.


Vì sao chị ấy lại bị đánh? Chả ai biết được lí do. Thằng em mình kể rằng khi nó đến đó xem thì có vẻ như anh chồng này đã đánh vợ không biết bao nhiêu lần. Lần đó anh ta khóa cửa để không cho ai vào can thiệp, dồn chị vợ vào một góc và dùng tất cả những thứ mà anh ta có để đánh. Sau đó khi hàng xóm láng giềng đến đập cửa can thiệp, mẹ vợ anh ta đến và chửi bới thì anh này đập cả bà. Hồi đó mình căm ghét lắm, chỉ muốn anh này chết luôn đi, một người chồng có thể hành hạ vợ mình như vậy thì không nên tồn tại. Rồi lại quay ra trách chị vợ: Sao chị không đánh lại? Sao chị ấy không kiện? Sao chị không ly hôn? Chị có lỗi gì đâu mà cứ để anh ta nhảy lên đầu? Chị ấy trẻ, có công việc ổn định, hoàn toàn có thể đi bước nữa, anh chồng kia giàu thì cũng không thể một tay che trời để mà chị ấy không thể lấy chồng khác. Chị ấy lo cho con, nhưng lớn lên trong một gia đình như thế thì làm sao đứa trẻ có thể phát triển tốt?


Sau đó, có một cái kết bất ngờ đến mức ngỡ ngàng cho câu chuyện này: Không lâu sau, anh chồng bị tai nạn xe máy và chết trên đường phở Toàn. Mình chả biết chị ấy và mọi người nghĩ sao, nhưng mà lúc ấy mình chỉ nghĩ: Ác giả ác báo. Và chị vợ ở vậy nuôi con đến giờ. Hàng xóm láng giềng người thân bạn bè khuyên chị ấy đi bước nữa, nhưng chị ấy chẳng để tâm. Rồi lại có biết bao nhiêu lời nói ra nói vào, nhưng chị ấy vẫn vậy.


Và đó là lúc mình nhận ra rằng, người ngoài như mình không thể dùng ý nghĩ của mình để can thiệp và cuộc sống của chị ấy, bởi vì mình không phải người trong cuộc. Không phải chị ấy không thể làm gì đó, mà là chị ấy không muốn làm, nhất là với một người phụ nữ có học thức và mạnh mẽ như thế. Ai có thể sống mà không quan tâm đến dư luận, trừ những kẻ không có lòng tự trọng? Cho dù bản lĩnh của bạn lớn đến mức không cần quan tâm xã hội nói gì, thì người thân của bạn có chịu được không? Rút cục thì người ta vẫn phải cân đo đong đếm cái được cái mất khi phản ứng. Xã hội này, dù bạn nhìn theo cách nào, thì nó vẫn luôn bất công với phụ nữ. Ly hôn thì lúc nào cũng bảo: Con đó có vấn đề gì nên chồng nó bỏ! Chồng chết thì bảo: ăn ở thế nào mà số sát chồng thế! Im lặng nhẫn nhục bị chồng hành hạ thì thiên hạ bảo ngu! Làm to chuyện thì bảo không biết xấu hổ, không giữ mặt mũi cho chồng và gia đình, xấu chàng hổ ai! Và bây giờ người ta lại muốn chị ấy lấy chồng dù chị ấy chẳng hề quan tâm đến việc đó. Chị ấy vẫn sống tốt và sống vui, bé con nhà chị ấy vẫn hàng ngày qua nhà hàng xóm chơi với bạn nó.


2. Năm thứ nhất mình học đại học, mình bị đau bụng bất ngờ, phải vào viện ở bệnh viện Xây dựng (đây cũng là lần đầu tiên mình nghe đến bệnh viện này). Chất lượng khám chữa bệnh thì mình không dám khen, vì bên đó nghi ngờ mình bị ruột thừa nên mình phải ở trong đó mấy ngày mà không được ăn một thứ gì, chỉ có chuyền hết bình này sang bình khác, thề là lúc đó mình mới thân thiết cảm nhận được bệnh viện giống nhà tù ở chỗ nào. Cùng phòng với mình cũng có kha khá bệnh nhân, trong đó có một bác cỡ hơn tuổi mẹ mình, nhưng mà bác ấy trông rất già và khắc khổ. Bác ấy bị gãy đùi, và mỗi đêm khi thuốc giảm đau hết tác dụng bác ấy rên rỉ rất kinh, mình ngủ nên không có cảm giác gì nhưng mẹ mình thức trông mình thì đúng là nhớ mãi.


Rồi khi mình hóng hớt được từ các bệnh nhân chung quanh và các cô con gái thì mình lại được chứng kiến thêm một vụ chồng đánh vợ nữa. Bác ấy lấy chồng sớm, sinh được 4 cô con gái, nhưng ông chồng là kẻ mặt người dạ thú, trọng nam khinh nữ nên suốt ngày hành hạ bác ấy. Hành hạ vì bác ấy không đẻ được con trai, hành hạ vì bác ấy hiền lành đến mức nhẫn nhục, hành hạ vì bác ấy không trẻ đẹp như vợ hai của ông ta, hành hạ vì bác ấy không có học thức, không có việc làm ổn định, sống dựa vào chồng, hành hạ vì vợ hai của ông ta trút bực bội lên ông ta và ông ta lại trút lên đầu vợ và con gái. Các cô con gái của bác ấy (đều đã lớn, có việc làm và đều đã có chồng), mỗi khi nhắc đến bố của họ là họ đều nghiến răng nghiến lợi.


Suốt mấy chục năm trời, vì con cái mà bác ấy đã phải chịu đựng tất cả những nỗi khổ của cả kiếp người. Bản thân bị đánh vào viện không biết bao nhiêu lần, con gái cũng bị đánh, bị chồng và vợ hai sỉ nhục, thậm chí còn bị bắt phải chăm đứa con trai của vợ hai. Thân cô thế cô, sống dựa vào chồng, còn đàn con nhỏ, bản thân lại thấp cổ bé họng và thiếu kiến thức luật pháp, bác ấy chẳng thể làm được gì. Hàng xóm láng giềng can thiệp thì bị ông chồng lấy lí do chuyện nhà để cho qua. Sự can thiệp của pháp luật cũng vì lí do này mà bị hạn chế, hội phụ nữ có thể làm được gì ông ta ngoài những lời thuyết giáo vào tai này ra tai kia? Thậm chí những kẻ ác miệng còn cho rằng vì bác ấy làm ác gì đó nên không đẻ được con trai nên đáng phải chịu như vậy! Có lần, cô con gái út của bác ấy kể là, lúc đó 4 chị em ngoài việc phụ mẹ buôn bán kiếm tiền ăn học và làm việc nhà, đói lả mà còn phải chăm sóc đứa em cùng cha khác mẹ. Người mà họ gọi là bố tàn nhẫn đến mức, ông ta đưa ra hai bát: một bát cứt và một bát cơm, bảo rằng "mày trông nó thì ăn cơm, còn không chịu thì ăn cứt". Chị ấy kể lại mà mình sững sờ - đúng là thế giới này quả nhiều điều trái khoáy.


Nhưng mà, bác ấy không chịu ly hôn, dù các cô con gái đã có thể tự kiếm tiền nuôi mẹ. Lại vẫn là những lí do cũ: cái nhìn của xã hội, và quan trọng hơn, con gái mà không có bố thì khi về nhà chồng sẽ bị khinh bỉ. Kết quả là bác ấy tiếp tục bị đánh, và phải vào viện với cái xương đùi gãy khi bị chồng cầm gậy quật. Lúc này thì những cô con gái không thể chịu được nữa: họ quyết định kiện ông bố. Mình không nhớ rõ cụ thể là họ muốn gì, chỉ nhớ mang máng là họ muốn ông bố vào tù và mỗi tháng phải trợ cấp cho bà vợ 1 triệu 500 nghìn. Lúc đó giữa các cô con gái còn có mẫu thuẫn: cô cả và cô út muốn kiện đến cùng, con cô hai và cô ba lại không muốn thế. Rồi sau đó, các cô này lại cãi nhau tiếp: họ có xung đợt về việc sẽ phân công chăm mẹ như thế nào sau khi ra viện. Có vẻ như vợ chồng cô cả đã đồng ý nuôi bà mẹ, nhưng rồi các bên lại cãi nhau về tiền trợ cấp của từng nhà. Chẳng biết rồi mọi chuyện ra sao?


Mình chả biết bác ấy nghĩ gì khi nghe con cái đi kiện bố chúng vì mẹ, cãi nhau vì cái gánh nặng là người phụ nữ trung niên có nguy cơ tàn tật. Chỉ biết mỗi lúc tỉnh bác ấy đều khóc. Hi sinh cả một đời, rồi không biết bác ấy có thể tìm được niềm hạnh phúc cuối đời hay không?


3. Gần nhà mình, có một đôi vợ chồng rât hay ho. Trước thì họ không có công ăn việc làm ổn định, sau đó chồng mở một tiệm cắt tóc nhỏ, nhưng rồi lại đóng, khi mở khi không. Rồi đến khi mình học cấp 3 thì họ mở tiệm bán cháo canh cua đồng rất đông khách. Hai vợ chồng nhà này rất hay cãi nhau và đánh nhau vì những lí do mà người ngoài không bao giờ biết, kể cả khi họ còn khó khăn về tài chính cho đến khi tiệm cháo canh của họ nổi tiếng khắp nơi và hầu như giờ nào cũng có khách đến quán. Có hôm, bọn họ nghỉ bán, có người hỏi thì hai vợ chồng bảo mệt, thì đứa con thứ hai của họ nhanh nhảu bảo rằng là vì đánh nhau - đánh lẫn nhau chứ không phải một bên đánh bên còn lại. Mình nghe thì chỉ thấy buồn cười. Một câu chuyện bạo lực gia đình độc đáo, khi mà bạo lực được coi là cách giải quyết tốt nhất cho mọi mâu thuẫn xảy ra, và không ai chịu thiệt, kể cả những đứa con, bởi vì chúng đã quen với việc đó. Hàng xóm đôi khi vẫn coi gia đình này là một ví dụ trực quan sinh động về vấn đề nồi nào úp vung nấy. Chẳng ai biết những hậu quả và vết thương tâm lý của bản thân những người trong gia đình đó như thế nào.


4. Từ khi sinh ra với giới tính nữ, thì bản thân chúng ta vốn sẽ chịu thiệt thòi hơn so với đàn ông, ít nhất là về mặt thể chất. Bản thân chúng ta hiểu rõ điều đó, nhưng về mặt tâm lý, cuối cùng thì phụ nữ lại chính là người làm khổ lẫn nhau nhiều hơn so với đàn ông. Vì thế nên, tính đàn bà mới là một cái từ mang ý khinh bỉ. Chúng ta nhận thức rõ điều đó, rồi thì sao? Mọi thứ vẫn như cũ. Trong một thế giới mà lẽ phải, đạo đức, luật pháp, dư luận đều không thể bảo vệ bản thân chúng ta mọi nơi mọi lúc, thì ta phải tự bảo vệ mình thay vì thản nhiên chấp nhận bi kịch sinh ra và kéo dài mãi.


Bản thân những tội như bạo hành là những tội mà chúng ta - những người ngoài - chỉ có thể làm những việc trong phạm vi quyền hạn của mình, bởi vì đây là những tội mà theo quy định của luật thì chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Nếu như nạn nhân không có ý kiến, thì ta không thể đem kẻ thủ ác ra trừng phạt trước pháp luật. Kể cả khi kiện, nếu nạn nhân bãi nại, thì mọi thứ vẫn như cũ. Dù là luật hình sự, luật hôn nhân gia đình hay luật phòng chống bạo lực gia đình, tất cả đều không thể giúp được gì nếu bản thân người bị hại không có ý thức tự bảo vệ mình.

20/5/2016

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro