#14.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hân dẫn bọn trẻ vào một quán kem, gọi kem cho chúng, ngoài ra chẳng nói gì thêm. Rồi Hân nhìn tụi nó, hỏi bâng quơ:

- "Sau này mỗi đứa một nơi, tụi mày sống được không?"

Thằng Dương vứt cái muỗng xuống ly kem, trề môi:

- "Chị Hân bệnh rồi chúng mày ơi!"

Khỏi phải nói, thằng Đạt chồm lên táng thằng Dương liền. Con Ý suýt nữa thì sặc, cười nghiêng ngả luôn.

- "Mày láo! Con Yên dạy chúng mày thế có phải không?"

Sau đó đột nhiên có bốn người tiến lại gần chỗ Hân. Người phụ nữ đi đầu ăn mặc quý phái lắm, gương mặt phấn son mấy lớp, ra vẻ hăm hở hỏi Hân:

- "Cô đây có phải là người đã liên lạc với chúng tôi về bọn trẻ không?"

Hân gật đầu.

- "Chúng nó đây."

Người phụ nữ ngồi xuống ghế, tươi cười nhìn lướt qua từng khuôn mặt một. Hân lại nói:

- "Tôi hy vọng bà sẽ cho chúng được một môi trường tốt."

Người phụ nữ xởi lởi:

- "Đương nhiên, đương nhiên. Từ hôm nay chúng nó sẽ là con tôi mà... Rất đáng yêu!"

Hân cúi mặt rồi lại ngước lên nhìn cái Ý, nhỏ giọng nói:

- "Từ bây giờ mấy đứa có ba mẹ rồi, phải ngoan ngoãn, học hành cho tốt có biết chưa! Dương, mày chăm sóc em đàng hoàng đó!"

Thằng Dương hơi nhăn mặt, nó đập bàn rồi cằn nhằn:

- "Đi đâu mà đi! Chị bệnh thật đấy à? Về em bắt gió cho nhé?"

Hân nháy mắt cho thằng Đạt bịt miệng thằng Dương lại. Thằng bé nhìn vậy mà khỏe ra phết, đã giữ là thằng Dương không còn nước giãy luôn.

Người phụ nữ đẩy lên trước mặt Hân một phong bì, mỏng dính. Hân cầm lấy, chẳng thèm mở ra coi. Hân đẩy ghế đứng dậy, rồi lầm lũi bước đi.

Lúc quay người, Hân kịp nhìn thấy mấy người đàn ông đi theo người phụ nữ đó bế mấy đứa nhỏ lên, mặt Hân tái xanh. Người Hân run lên bần bật, Hân bước ra khỏi quán, thế là nước mắt Hân chảy. Hân cố gắng bước đi, nhưng cảm giác chẳng khác với lúc dẫn tụi nhỏ đến đây là bao. Thậm chí Hân còn nghe thấy tiếng cái Ý la hét gọi tên chị, thằng Dương thì láo hơn:

- "Bà Hân hâm! Bỏ đi đâu đấy, về nhà bắt gió cho này! Quay lại coi!"

Và lần đầu tiên, từ khi Hân mang thằng Đạt về nhà, Hân nghe tiếng khóc của nó. Nó khóc như con gái ấy, nhẹ hều à, nhưng nghe mà xót cả ra ý. Nó bảo nó muốn về nhà.

Hân đặt tay lên ngực trái, cố trấn an mình rằng, Hân đã vừa cho chúng nó một mái nhà tốt hơn rồi. Hơi đau một chút, nhưng miễn tốt là được.

Hân nép vào góc khuất, len lén nhìn người ta dẫn tụi nhỏ đi. Ngày Hân mang tụi nó về cũng đâu có thảm như hôm nay, chúng nó khóc to lắm. Ngày đó khóc vì đói, vì lạnh, hôm nay chắc là vì ghét Hân lắm.

Cái Ý với bé Hồng thi vẽ chủ đề về mẹ. Con Ý làm sao mà tưởng tượng ra nổi mẹ là như thế nào chứ. Thế là chẳng biết làm sao, nó vẽ Hân, vừa vẽ vừa tủm tỉm cười ấy! Nó nhìn cái váy của búp bê, nhìn gian hàng của chị Hường xong rồi khoác cho Hân bộ đồ "thập cẩm", chẳng ra hình thù gì hết. Vậy mà nó vẫn cười. Hôm đó nó mang bức tranh về khoe, Hân vừa buồn cười, vừa thương lại vừa giận. Hân làm mặt lạnh, bảo con Ý đưa bức tranh cho Hân:

- "Ý đưa đây, không lại cầm đi bêu rếu khắp xóm!"

Chẳng biết là cái lý do quái quỷ nào khiến Hân nói như vậy, nhưng mà lấy được bức tranh là cứ thế mà tủm tỉm suốt. Rõ tóc Hân chỉ dài ngang lưng rồi buộc cao lên thôi, nó lại vẽ thành tóc dài uốn lượn sóng. Mắt Hân rõ to thế mà nó lại vẽ thành kiểu mắt nhỏ đuôi dài quý phái. Tóm lại, nó có nhờ bé Hồng chỉ nó viết chữ "Hân" bên cạnh, nhưng ai nhìn vào cũng biết...chẳng phải Hân, chị nó.

Thằng Dương nó thích thiết kế lắm, nó có hằng trăm mẫu ảnh bên trong đầu ấy. Đợt ra ngoài cùng với Hân, nó nhìn cái nhà nào cũng bàn, cũng luận, đến nhìn cái ống cống cũng la làng. Nó quay sang khẳng định với Hân chắc nịch:

- "Sau này em sẽ thiết kế riêng cho chị cái nhà có một không hai, tha hồ mà thích nhé!"

- "Gớm, chỉ được cái mồm to thôi!"

- "Để rồi xem, chị sẽ phải chết mê chết mệt cái mồm to của em đấy!"

Còn thằng Đạt, nó im im vậy thôi chứ tình cảm lắm. Hôm trước trên lớp có đề bài tập làm văn yêu cầu miêu tả một người mà em yêu quý, chẳng biết là văn hay hay dở mà cô giáo không cho nó điểm. Thế này...

"Nhà tôi trên bến sông có chiếc cầu nhỏ cong cong. Hàng cau dưới nắng trong lá trầu không. Chị tôi trông dễ thương bán rau chợ cầu Ðông í a. Chị tôi chưa lấy chồng.

Chị tôi người đẹp như hoa, mặt đẹp như tiên, nhưng tính tình thì như bà La Sát. Chị thương em như con, chăm em như cháu, quất em cũng như đập lúa ngoài đồng. Trừ những lúc cầm roi mây thì lúc nào tôi cũng thích chị.

Nói chung, tuy chị còn nhiều khuyết điểm và sai sót, nhưng tôi lúc nào cũng thương chị, bởi vì chị nuôi tôi mà. Còn nữa, chị tôi hai mươi lăm tuổi và...chưa có chồng."

Nhờ bài văn này mà Hân được tặng riêng một buổi họp với cô giáo chủ nhiệm. Bài văn này không có điểm với lời phê: "Câu văn thô, bố cục lộn xộn. Tuy nhiên, có tính sáng tạo trong hình ảnh nghệ thuật".

Thật ra cũng không có gì, bài văn chẳng đóng vai trò gì trong cái cuộc họp này cả. Cô giáo mời Hân đến là để hỏi xem thằng Đạt có vấn đề gì về tâm lý hay không. Chuyện là đến lớp nó cứ lầm lầm lì lì thế nào ấy, không chịu giao tiếp, không chịu vui đùa cũng chẳng chịu phát biểu xây dựng bài. Hân hơi buồn cười, tính phân bua giải thích nhưng bất chợt khựng lại. Ừ thì thằng Đạt nó có hơi ít nói làm nhiều một chút, nhưng cũng không đến nỗi như cô giáo nói. Ở nhà nó như thằng hề ấy mà, động một tí là cười lại thường xuyên chọc ghẹo mọi người, đọc cái bài văn cũng biết nó tình cảm như nào mà, cớ gì đến lớp lại xảy ra "hiện tượng lạ" như vậy?

Hân đem chuyện này về nhà hỏi nó, nó thản nhiên trả lời:

- "Ở trên đó có gì mà vui, chỗ nào vui thì em nói nhiều ở chỗ đó thôi."

Còn chuyện anh em nó vừa rồi trốn học, nghe thì bực nhưng là xuất phát từ lòng tốt, bọn nó thương Hân nên mới liều mình làm vậy. Hân đặt tay lên ngực, chợt thấy cộm, thò tay vô lấy ra được một tờ giấy gấp làm tám. Bức tranh cái Ý vẽ, Hân lúc nào cũng mang theo đây này. Hân liếc qua một cái rồi thấy nhói nơi tim.

Bàn chân Hân di chuyển, Hân quệt nước mắt chạy theo người phụ nữ kia.

- "Khoan đã!"

Cái Ý thấy chị, dẫu nước mắt có đang đầm đìa cũng vui mừng reo lên: "Chị Hân!". Thằng Dương mặt hầm hầm, rõ vui nhưng khoanh tay không thèm nhìn Hân nữa, riêng thằng Đạt, nó giương ánh mắt được lấp đầy bằng hàng ngàn tia hy vọng về phía Hân, Hân thấy hai bàn tay nó nắm chặt.

- "Tôi đổi ý rồi. Tôi không bán chúng đi nữa... Một triệu này, trả bà."

Hân chìa tay về phía tụi nhỏ, miệng tươi cười:

- "Lại đây, chúng ta về nhà thôi."

Trước khi ba đứa nó muốn nhảy xuống khỏi vòng tay của mấy người đàn ông thì đã bị ghì chặt lại rồi. Người phụ nữ tiến lại gần Hân, cười khẩy, ánh mắt thật không tốt chút nào:

- "Cô tưởng cô là ai, nói bán là bán, nói không bán là không bán hả? Cô đã liên lạc với tôi, đã nhận tiền từ tôi... Tiền trao, cháo múc, cô đừng hòng lật lọng với tôi!"

Ánh mắt của Hân dần đờ đẫn ra luôn, Hân thề trong cuộc đời Hân đây là sai lầm to lớn nhất mà Hân đã ngu ngốc quyết định.

- "Chúng nó thuộc quyền sở hữu của tôi, bán hay không, là do tôi! Tiền tôi đã trả, bà cũng phải trả chúng về cho tôi!"

- "Trả ư?"

Giọng bà ta càng thể hiện rõ vẻ miệt thị, giễu cợt:

- "Này cô, cô có quyền gì? Cô là gì của bọn trẻ? Cô không có giấy tờ chứng nhận huyết thông, thân nhân, cũng không có giấy giám hộ, cô chẳng có liên quan gì đến chúng cả. Cô nói chúng thuộc quyền sở hữu của cô? Nực cười! Mời đi chỗ khác cho!"

Hân cảm thấy trời đất như quay vòng, chân Hân như bén rễ ngay tại chỗ, mắt Hân một lần nữa nhòa nước. Phải, ngày đó vì lo sợ phiền phức giấy tờ, Hân đã không đem bọn trẻ đến chính quyền địa phương để khai nhận, ngoài những tờ giấy khai sinh lúc gặp chúng, Hân chẳng có gì để chứng minh Hân là người đã nuôi dạy bọn trẻ suốt ngần ấy năm cả.

Đắng, một vị đắng nghét tràn từ lưỡi xuống tận dạ dày ấy, thậm chí não cũng đắng nốt. Bằng chứng là Hân đã chẳng thể suy nghĩ nổi được một câu gì để trả lời bà ta cả. Ngoài việc giương mắt nhìn chúng từng đứa một bị ép lên xe rồi nghe tiếng la hét ầm ĩ thì Hân không thể làm được gì nữa. Hân đau khổ, ngày ba mẹ mất Hân đã như người chết đi sống lại rồi, còn bây giờ, ngay bây giờ, Hân hận không thể chết quách đi luôn cho xong. Lúc này Hân mới biết Hân tệ đến mức nào.

- "Này, khoan đã."

Cái giọng nói nghe sao quen quen, Hân theo phản xạ, ngoái đầu lại nhìn, thấy An mang phong thái bình tĩnh, từng bước chậm rãi đến, một lần nữa cất giọng:

- "Xin hãy khoan đưa bọn trẻ đi đã."

Hân ngước nhìn An, vẻ mặt đờ đẫn không hiểu gì. An nhìn Hân, khóe môi khẽ máy động, An vỗ nhẹ vào lưng Hân rồi tiến lại chỗ người phụ nữ. Người phụ nữ vẫn kiên nhẫn đứng lại, nhưng ánh mắt bà ta nhìn An như thể An tiếp tục là một con kỳ đà cản mũi, nít nôi miệng còn hôi sữa vậy. Rõ ràng là không nể nang, không kiêng dè càng không có ý đề phòng. Bà ta hỏi:

- "Sao nào, cậu trai trẻ?"

An cười, nhẹ nhàng trả lời:

- "Tôi nghĩ chúng ta có một chút hiểu lầm. Thế này nhé, để không làm mất thời gian của bà, tôi xin nói thẳng. Vừa nãy bà nói Giai Hân không có quyền gì với bọn trẻ, vậy tôi xin hỏi, bà có không?"

Phải rồi, vậy mà Hân không nghĩ ra, giấy khai sinh Hân vẫn giữ, không hề đưa cho bà ta. Nhưng như vậy cũng không có nghĩa là Hân có quyền?

Người phụ nữ kia im thinh. Lẽ tự nhiên thôi, bà ấy cũng không có quyền gì thì làm sao mà trả lời được, đành phải lý sự cùn:

- "Việc của chúng tôi, liên quan gì đến cậu! Tránh ra đi!"

Rõ đàn bà không ra gì, vậy mà cớ sao, Hân nghĩ gì lại đi đến bước đường này cơ chứ! Thật là quá sai lầm.

An vẫn cười:

- "Giai Hân rất đãng trí, tôi chỉ giúp cô ấy mang giấy giám hộ đến thôi. Cô ấy là người giám hộ hợp pháp của bọn trẻ, nếu bà muốn khiếu nại điều gì, chúng ta có thể đến tòa, cũng gần đây thôi. Không phiền bà chứ?"

Bà ta nhìn thì có vẻ có số má đấy nhưng nghe động đến luật, đến tòa thì vẫn sợ xanh mặt. Ngậm ngùi phải nhả miếng mồi ngon, bà ta hậm hực nghiến răng, chỉ tay về phía An nói lời đe dọa. Hân nhìn thấy, nhưng những gì Hân quan tâm bây giờ là bọn trẻ.

Chiếc ô tô vừa rời đi, cái Ý đã chạy đến sà vào lòng Hân. Hân quỳ xuống đón nó vào lòng, rồi lần lượt thằng Dương, thằng Đạt cũng lết tới. Người chúng như nhũn hết ra ấy, mềm như bánh mì nhúng nước. Hân xót không để đâu cho hết. Nhưng xót bao nhiêu, Hân lại hận mình bấy nhiêu. Hân ôm tụi nó chặt lắm, miệng cứ như vô thức mà lẩm bẩm: "Chị xin lỗi..."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro