#11.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khẽ nhắm mắt, bao nhiêu cảm xúc đồng loạt ùa về. Bàn tay Hân ấm quá, rất ấm. Nhưng tại sao vừa nãy lại lạnh toát như vậy nhỉ?

Ba cũng thường nắm lấy tay Hân như vậy, lúc ba tập viết cho Hân. Ba Hân là người trí thức, vì lấy mẹ Hân nên mới phải làm nông. Tại sao ý à? Tại vì mẹ Hân sinh Hân ra là con gái.

Ba Hân là con trưởng trong một gia đình khá giả trọng nam. Lẽ tất nhiên, Hân được sinh ra là nghịch ý bề trên. Bà nội không thích, đến ông nội cũng chẳng ưa, mấy chú thì được thể hả hê, còn mấy cô thì đều đi làm dâu sớm hết cả rồi. Ba còn tới năm em sau nữa, ba trai, hai gái. Đấy, ba không sinh được cháu trai trưởng đích tôn nên mấy chú cứ mỉa suốt. Ba bảo:

- "Anh không có con trai thì con trai các chú cũng chẳng được như con gái nhà anh đâu. Sự khác biệt giữa con trưởng và con thứ thế đấy các chú ạ!"

Ba bế Hân, cười hề hề nói như vậy. Ba nói hùng hổ lắm, nhưng trong lòng chắc là khổ tâm lắm. Bà nội chẳng yêu thương Hân gì đâu, thậm chí còn thường xuyên bóng gió muốn bán Hân đi, gả sớm đi, tàn nhẫn hơn là thả trôi sông nữa. Mẹ sinh Hân được một tháng, bà nội đã sang giục ba mẹ mau chóng lại có em bé, chẳng để ý đến mặt mũi Hân trông ra sao, trông giống ai cả. Suốt những năm sau đó cũng chưa từng nhìn thẳng vào mặt Hân.

Mẹ vì vậy cũng bị đay nghiến suốt ngày, làm dâu đã khổ, làm dâu trong một gia đình cổ hủ như vậy lại càng khổ. Hân sau này biết chuyện cũng đã từng trách mình. Giả như Hân là con trai thì ba mẹ Hân đã trở thành ông vua, bà hoàng rồi, bây giờ rất có thể còn đang hưởng phúc với Hân nữa.

Đến lúc Hân biết đi, thì ba mẹ quả thật lại có em bé. Ba đương nhiên là vui, mẹ càng vui hơn nữa, đứa bé đó ngay từ lúc ban đầu đã là thiên sứ mang hy vọng đến cho ba mẹ rồi. Nhưng, một năm sau mới đến thì có lẽ...đã trễ rồi. Một năm đó mẹ bị áp lực lắm, vừa phải làm việc đồng áng, vừa phải cơm nước cho cả một đại gia đình, vì là dâu trưởng. Tối trước khi đi ngủ còn bị bà nội nói ra nói vào rất nhiều lời khó nghe.

Lúc mẹ mang thai rồi, mấy cô đến thăm đều "lỡ lời" lo thay cho mẹ, nếu lại là con gái thì sao chị nhỉ?

- "Anh nhất định sẽ yêu thương nó, sẽ dạy dỗ nó đàng hoàng, nhất định sẽ không gả nó đi sớm để làm cái máy đẻ cho nhà người ta. Các cô tốt số đấy, đều sinh được con trai đầu lòng. Có điều, còn trẻ mà phải oằn vai nuôi con nhỏ, mẹ chồng thì thương nhưng chồng có khi lại chán nhỉ? Vì vậy, anh nhất định không để con gái anh giống như các cô."

Ba đang chẻ củi cho mẹ thổi cơm, trả lời mấy cô thay mẹ xong thì cúi xuống cười mỉm một cái. Mẹ chắc là ấm lòng lắm, chắc là chẳng biết phúc phần ở đâu ra lại có thể được gả cho ba. Nhưng có lẽ là số trời đã định, hôm sau chẳng biết là ai phán ai bảo thế nào, bà nội một mực cho rằng đứa bé này tiếp tục là con gái, buộc mẹ phải bỏ. Có ai làm mẹ lại đồng ý bỏ đi khúc ruột của mình không? Không, với mẹ lại càng không. Mẹ không đồng ý, liền bị khép vào tội cãi lời mẹ chồng, bị phạt quỳ trước sân nhà tổ. Mẹ vừa quỳ vừa khóc, cho đến khi bụng mẹ đau quặn thắt, máu thấm vào quần nâu. Hôm đó, mẹ sảy thai, em không còn nữa.

Mẹ nằm trên giường, Hân nằm ngủ kế bên, gương mặt hồng hào phảng phất nét cười. Mẹ cười nhìn Hân rồi đặt tay lên bụng.

- "Em mới có hai tháng thôi, không nhô đầu lên được mẹ ạ!"

Hân lim dim vỗ vỗ tay mẹ. Mẹ cười, Hân tiếp tục ngủ.

Mẹ muốn uống nước, mẹ chống tay đứng dậy. Nước để ở nhà ngoài, mẹ vén màn lên thì thấy bà nội, bà nội nhìn thấy mẹ thì phát vạ:

- "Cô trả cháu lại cho tôi! Hôm nay thầy phán bảo nó là con trai có tướng tốt, cô mau trả lại đây cho tôi! Giời ơi, sao tôi lại vớ phải đứa con dâu ngỗ nghịch thế này hả giời!"

Ông nội hắng giọng:

- "Cô dẫn con cô ra khỏi nhà này đi, tôi cưới vợ khác cho thằng Hai."

Các cô, các thím thì che miệng cười, còn mẹ nhìn ba bằng ánh mắt có lỗi. Ngày hôm đó, nếu ba không nói những lời này, mẹ có thể đã dẫn Hân đi thật rồi.

- "Con trai là con của vợ chồng con thì con gái cũng là vợ chồng con sinh ra. Cớ gì lại bảo là "con cô"? Con không cần tài sản gì cả, thầy u muốn cháu trai thì thím Ba, Tư, Năm đều sinh được cả rồi đấy, thiết nghĩ cũng như nhau cả thôi."

- "Anh phát dại người đàn bà vô dụng này à? Cháu trai đích tôn đời nào lại là do con thứ sinh ra hả? Để thầy cưới vợ khác cho anh!"

- "Con chẳng cần vợ khác ạ! Thầy u cho con đi học, học xong con biết thế nào là chung thủy một vợ một chồng. Con thương vợ con, con thương con con, thầy u không muốn để vợ con con ở lại thì cũng để con đi luôn đi ạ!"

- "A, anh này được lắm, dám đem cả kiến thức trường lớp về dạy chúng tôi nữa à. Đấy, anh dẫn vợ con anh cút ra khỏi nhà tôi ngay cho tôi nhờ, đi rồi thì đừng vác mặt về đây nữa đấy nhé!"

Bà nội hoảng, khóc lóc om sòm cả lên:

- "Ơ kìa, thằng Hai. Mày là con u, u thương lắm chứ. Mày để con này đi đi, mày ở lại u vẫn thương mà. Đừng dại con ạ! Nghe u..."

- "U thương con u, người ta cũng thương con người ta chứ ạ. Chúng con ở lại cũng được, nhưng con chẳng sinh nữa đâu, thầy u cũng đừng mong chúng con sinh cháu trai. Còn vợ khác ấy à? Có ép con, con cũng chẳng động đâu ạ!"

Bà nội nói mềm không được, lại cáu:

- "Anh này giỏi lắm nhé! Anh đi đi, dắt theo hai con này đi nốt!"

Ba gật gật, nói thì nói chứ ba nào muốn đi khỏi nhà. Ba đỡ mẹ vào buồng dọn đồ rồi bế Hân, đưa mẹ về nhà ngoại ở tạm. Một, hai hôm sau đó có người sang gọi ba mẹ dẫn Hân về, ba mủi lòng về trước được một hôm lại bị bà nội lằng nhằng chuyện cưới dì nhỏ. Ba bực, từ đó không về nhà nội nữa.

Ba ra khỏi nhà là hết được làm người trí thức luôn, nhưng cũng chẳng muốn mang tiếng ăn bám nhà vợ. Ba nói ông ngoại là ba mướn ruộng ông ngoại làm nông, sẽ trả hoa lợi. Ông ngoại nghe nói thì xót, nói ba cứ lấy mà làm, nhưng ba một mực không chịu, lôi giấy bút ra viết bản cam kết hẳn hoi.

Vài ngày sau, ba dựng nhà ở ngoài ruộng, ngày ngày trồng lúa, chăm dưa, chăm cà. Ngày này qua ngày khác, ba công đất ba làm cho trở nên xanh tốt, vụ nào cũng trúng cả. Một nhà ba người cứ thế mà sống vui, sống khỏe. Hân mỗi sáng sớm đều dậy đi gánh nước tưới dưa với mẹ, bắt sâu lá cho ba. Trưa tới sẽ hái cà muối chua, ba mẹ tan chợ sớm sẽ về nấu cơm ăn. Buổi chiều ba cõng Hân đi thăm ruộng, tối sẽ dạy Hân đọc sách, viết chữ. Trừ nhưng lần ba cầm roi mây thì hầu như lúc nào Hân cũng chỉ muốn đi theo ba thôi.

Tối nào cũng vậy, cứ Hân đi ngủ là ba mẹ lại rù rì gì đó, Hân còn nghe cả tiếng sột soạt, leng keng nữa cơ. Thế mà sáng hôm sau lại như chẳng có chuyện gì xảy ra cả ấy.

Có những hôm được theo ba mẹ ra chợ, ba mẹ hay mang dưa cà đi cho người ta lắm, với cả tiền xu nữa. Hân đi với ba mẹ mà có cảm tưởng như có cả một đàn con nheo nhóc theo sau ý, đám trẻ con nó theo ba mẹ ghê lắm, vì ba mẹ có kẹo, có xu. Hân thấy ba mẹ làm gì cũng đều tươi cười cùng nhau cả, Hân cũng thấy vui, vui lắm.

Cứ tưởng sẽ được như vậy mãi, nào ngờ một tối ba đi bẫy chuột bị chuột cắn, xui rủi làm sao, con chuột đó mang bệnh. Ba bị hạch. Mẹ khóc hết nước mắt, dắt Hân sang gửi ngoại, rồi căn dặn đủ điều. Hân chẳng nghĩ gì, còn cảm thấy thích thú nữa. Ông bà ngoại chẳng như ông bà nội đâu, yêu thương, chiều chuộng Hân lắm. Chỉ có cậu, dì là cũng giống mấy chú, mấy cô thôi. Chẳng sao, ông bà ngoại cưng Hân hết phần của cậu dì cô chú rồi.

Kỳ lạ, những ngày sau đó ba mẹ chẳng đến nữa, ông bà ngoại cũng chẳng cho Hân về, bảo là nhớ cháu lắm. Hân cũng nhớ ba mẹ sắp phát rồ rồi đây!

Ai ngờ...

Chưa đầy một tháng sau, Hân nghe người ta kháo nhau đi xem một cặp vợ chồng ôm nhau cùng chết ở trước túp lều lá, cạnh giàn thiên lý. Rồi hôm sau đó nữa, ông bà ngoại làm ma chay cho ba mẹ. Tuyệt nhiên, chẳng ai bên nội đến viếng. Khi đó, Hân mười hai tuổi.

Sống với ba mẹ, lúc nào Hân cũng cười, ba mẹ mất đi, chẳng ai cầm roi mây, Hân cũng tự chảy nước mắt.

Ngày đưa tang, Hân gào thét dữ dội lắm. Ông bà ngoại bảo người ta chôn ba mẹ ngay trong cái túp lều lá ấy. Cái túp lều lá được người ta phun thuốc rồi nhưng ai cũng khiếp, mỗi Hân là ngày nào cũng như ngày nấy, thường ngày cùng ba mẹ làm gì thì bây giờ cũng y vậy. Có con sâu lá trên giàn dưa leo cao quá, Hân với không tới, gào khàn cả cổ cũng chẳng thấy ba đội Hân lên, vậy là Hân thụp xuống khóc luôn. Giếng sâu, Hân chẳng dám nhìn, nhõng nhẽo cả buổi mẹ cũng chẳng dỗ ngọt. Hân tức, dậm chân ăn vạ rồi tự nhiên lăn đùng ra khóc. Ba mẹ mà xuất hiện nhé, là Hân làm um lên cho coi, roi mây cũng không sợ đâu!

Tối đến Hân ăn cơm, ngủ cùng với ông bà ngoại, lật sách ra đọc mà nghĩ mãi cũng chẳng hiểu được nghĩa của từ. Đợi ba mãi mà ba đi đâu chưa về, tự nhiên Hân thấy trang sách nhòe mực. Đến hôm sau rồi hôm sau nữa, mãi mãi Hân cũng chẳng hiểu được nghĩa của cái từ ấy là gì.

Hân đang ngủ, có ai đắp chăn cho Hân này, ấm ghê luôn. Hân giật mình tỉnh giấc, thấy thằng Đạt vừa mới thả tay ra khỏi cái áo đang khoác trên người Hân. Mắt Hân tèm nhem vì nước mắt, Hân thấy cái Ý đang nằm trên giường, phải thở oxy. Hân cuống, nó ra từ bao giờ sao Hân chẳng biết gì vậy, mà Hân đã không biết gì rồi sao còn vào được đến đây? Hân vứt cái áo ra, đi đến bên giường con Ý, giọng Hân lạc đi rồi, Hân hỏi:

- "Ý sao rồi tụi bây? Nó bị làm sao?"

- "Lúc chiều chị đi Ý đã nói là nó khó thở rồi, mà...em sợ quá, cứ nghĩ là nó vì hoảng nên mới vậy. Tới chập tối thì vào phòng cấp cứu..."

Hân nghe mà tức, giơ tay lên nhưng chẳng biết phải làm gì.

- "Yên! Mày thông minh cho lắm sao tự dưng lại ngu như vậy hả? Mày có biết nó mới có bốn tuổi không, nó bị khó thở thì phải chạy đi báo bác sĩ chứ! Ba chị em tụi mày không chăm sóc nổi nó hay sao hả?"

Hân trừng mắt liếc từng đứa một, đứa nào cũng cúi gằm mặt. Đột nhiên thằng Đạt nhảy xuống nhét vào lòng bàn tay Hân một ngôi sao gấp bằng ống hút. Thứ đồ chơi vặt vãnh này là Hân dạy con Ý trong lúc rảnh rỗi. Từ đó nó cứ nhìn thấy ống hút vứt đi ở đâu là nhặt lên gấp ngôi sao. Ở nhà nó có rất nhiều ngôi sao như vậy, và cũng chỉ có mình nó mới chơi thứ này. Khóe môi thằng Đạt hơi giật giật, chắc nó muốn nói gì đó. Nhưng Hân không cho nó cơ hội, Hân thả ngôi sao vào trong túi áo rồi bỏ đi.

Đến bây giờ, Hân vẫn chưa thay đồng phục.

Hân cầm cái áo khoác lạ đến gặp bác sĩ.

Lại nói sau khi cấp cứu xong, cái Ý được đưa vào phòng bệnh đơn loại tốt, có bàn ghế, chỗ nằm cho thân nhân, có cả điều hòa. Hân còn chưa kịp hỏi tại sao thì đã bỏ đi rồi. Còn chuyện cái áo khoác này nữa, sao chẳng ai nói cho Hân biết gì vậy? Thế là Hân đem tất cả những chuyện này đi hỏi bác sĩ.

Bác sĩ dễ tính ghê, nghe Hân hỏi xong thì cười ha ha, trả lời từng câu một.

- "Em cháu ý à? Cấp cứu xong thì không còn đáng ngại nữa rồi."

- "Thế sao còn phải thở bình oxy ạ?"

- "Vì em cháu khó thở mà."

- "Cháu nên để con bé ở môi trường tốt một chút, bệnh về hô hấp chẳng phải chuyện đùa. Đừng tiếc tiền cháu ạ!

Hân cười khổ, không phải cháu tiếc mà là chẳng có để mà tiếc. Bác sĩ lại tiếp:

- "Vài ba hôm nữa là có thể xuất viện rồi, đừng lo nhé!"

- "Còn...cái áo thì sao ạ?"

Lần này bác sĩ còn cười sảng khoái hơn nữa cơ.

- "Cháu có quý nhân bên người mà không biết đó thôi. Cậu ấy ngày nào cũng đến đây chơi với bọn trẻ cả."

Hân chào bác sĩ rồi ra khỏi phòng. Cũng khá khuya rồi, chẳng biết anh ta còn ở đây không. Hân cứ lờn vờn mãi, chẳng phải hắn ta hâm dở sao nhỉ?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro