• Vội vàng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

A. MỞ BÀI

Vào những năm 32 – 45 của thế kỷ trước, trên thi đàn văn chương Việt Nam, ta dễ dàng bắt gặp những nhà thơ mới. Họ, mỗi một nhà thơ, lại đi tìm cho mình một phong cách văn chương riêng, đi tìm cấu tứ mới, chất liệu và thi liệu mới. Vì vậy mà ta gọi họ là những nhà thơ mới. Xuân Diệu cũng vậy. Ông được mệnh danh là ông vua của mảng thơ tình, là hoàng tử của tình yêu, là "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới" (Hoài Thanh), bởi cái cá tính rất riêng khó có thể trùng lặp với ai, một phong cách thơ rất Xuân Diệu, mới cả về nội dung và hình thức. Một trong số đó có thể nhắc đến bài thơ "Vội vàng" – tiếng lòng của một kẻ yêu đời, yêu cuộc sống thiết tha, cuồng nhiệt. Bài thơ in trong tập "Thơ thơ" (1938), là một trong những sáng tác tiêu biểu của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đặc biệt là đoạn thơ đầu tiên – một đoạn thơ "rạo rực trái tim của tình yêu đời thiết tha, say đắm".

[...]

B. THÂN BÀI

· Phân tích:

Cũng như bao bài thơ khác, "Vội vàng" cũng bắt nguồn từ cảm hứng về mùa xuân, nhưng nó mới ở cách thể hiện và cường độ cảm xúc với bốn câu thơ mở đầu như sau:

"Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất;

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi."

Ta nhận ra điều gì từ bốn câu thơ này? Thứ nhất, chúng ta thấy ngay từ những câu thơ đầu, Xuân Diệu đã thể hiện cái tôi đầy bản lĩnh như ông đã từng viết:

"Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất,

Không có chi bè bạn nối cùng ta."

Nghĩa là, cái tôi của Xuân Diệu được thể hiện rất cá tính, vô cùng bản lĩnh, và điều này được thể hiện rõ trong bốn câu thơ đầu của bài thơ "Vội vàng". Điệp ngữ "tôi muốn" và thể thơ ngũ ngôn với tiết tấu nhanh, mạnh, dứt khoát đã góp phần thể hiện khát khao thiết tha, mãnh liệt của thi sĩ. Nhà thơ khao khát "tắt nắng", "buộc gió" như đoạt quyền tạo hóa, cưỡng lại quy luật tự nhiên, những vận động của đất trời, can dự vào những qui luật muôn đời của tạo hoá. Mục đích "cho màu đừng nhạt", "cho hương đừng bay", phải chăng ông ước muốn bất tử hoá cái đẹp, giữ cho cái đẹp toả lên hương sắc với cuộc đời? Nếu thời gian đi bằng nắng, bằng gió làm nhạt màu, làm phai hương thì nhà thơ muốn níu giữ thời gian ngưng bước, để màu sắc và hương thơm còn mãi với cuộc đời, để giữ mãi thời tươi xuân thì của tạo vật. Có thể nói đằng sau ước muốn phi lí ấy là khát vọng mãnh liệt – muốn lưu giữ cái đẹp của một tâm hồn yêu mùa xuân, yêu thiên nhiên, cuộc sống tha thiết.

Là một nhà thơ khát khao giao cảm với đời, sự mong muốn chiếm lĩnh vẻ đẹp thiên nhiên của nhà thơ phải chăng xuất phát từ bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp nơi thiên đường trần thế đang mơn mởn non tơ:

"Của ong bướm này đây tuần tháng mật;

...

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,"

Bức tranh mùa xuân thật đẹp đẽ làm sao bởi các biện pháp tu từ được nhà thơ sử dụng tối đa. Điệp từ "của" lặp lại khiến câu thơ có vẻ hơi Tây và mới lạ. Sau từ "của" mang tính chất kết nối ấy bức tranh thiên nhiên tươi đẹp như thiên đường trần thế lần lượt hiện ra, và vườn xuân cũng là vườn tình yêu, vườn hạnh phúc. Như ngàn lời mời gọi, điệp ngữ "này đây" được lặp đi lặp lại năm lần từ đầu đến cuối đoạn thơ trên, vừa diễn tả sự giàu có, phong phú bất tận của thiên nhiên vừa thể hiện cảm giác hân hoan, vui sướng của tác giả. "Này đây" là sự hiện hữu của hương sắc cuộc đời, của thiên nhiên trần thế, không phải xa xôi mà gần gũi ngay trước mắt, không phải ở kiếp khác, không phải ở tương lai hay quá khứ mà ngay trong lúc này. Hình ảnh ẩn dụ "ong bướm tuần tháng mật", "yến anh hát khúc tình si" gợi ý niệm về tình yêu, cuộc sống của những đôi tình nhân, "khúc tình si" còn gợi nên sự mê đắm, khúc tình ca lãng mạn. Và thêm nữa, những hình ảnh được liệt kê: "ong bướm, hoa, lá, yến anh, ánh sáng" vốn là cảnh thật của cuộc sống quen thuộc hàng ngày nhưng qua cảm xúc mới mẻ, nồng nàn của nhà thơ trở thành cảnh vật như ở chốn thần tiên và cuộc sống trở nên rộn ràng, tươi đẹp, thật đáng sống. Vạn vật đều đang tỏa sắc, lên hương, đều có cặp, có đôi tình tự. Cảnh vật quen thuộc của cuộc sống, thiên nhiên qua con mắt yêu đời của nhà thơ đã bày ra một khu địa đàng ngay giữa trần gian – "chốn thiên đàng trên mặt đất".

Và nếu Huy Cận luôn vẽ mọi thứ bằng hình khối:

"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,"

Thì Xuân Diệu lại không như vậy. Ông vẽ mọi thứ bằng đường nét. Điều này được chứng minh ở hình ảnh "lá của cành tơ phơ phất". Nó là hình ảnh của một cành tơ đang lay động theo gió, nghĩa là những chuyển động đầy tinh tế nhẹ nhàng. Và chính cái nhìn trẻ trung, cặp mắt kẻ một kẻ đang yêu, cặp mắt "xanh non biếc rờn" thì khung cảnh hiện lên càng ngọt ngào, tươi mới hơn bao giờ hết. Ông luôn lấy con người làm chuẩn mực của cái đẹp đã tạo nên vẻ đẹp riêng trong bức tranh xuân của thi sĩ. Tuần tháng mật của yêu thương vội chốc trở thành mùa vui của bướm ong dập dìu, cành xuân đã hóa thành cành tơ phơ phất đầy nhựa sống, tiếng hót say sưa của chim yến, chim oanh trở thành điệu tình si say đắm lòng người và bình minh xuân diễm lệ mang gương mặt của người đẹp kiều diễm với rèm mi ánh sáng. Bằng tâm hồn phong phú và trí tưởng tượng dồi dào của mình với câu thơ:

"Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;"

Thi nhân đã tạo ra sự bất ngờ đầy thú vị bởi sự liên tưởng bất ngờ hết sức độc đáo. Hình ảnh "thần Vui hằng gõ cửa" gợi liên tưởng gần gũi với hình tượng mặt trời trong thần thoại Hy Lạp xưa, cũng có thể là vị thần mang niềm vui ban tặng cho thế gian vào mỗi buổi sớm ban mai, đánh thức mọi người dậy để tận hưởng thiên nhiên, cuộc sống tươi đẹp. Với Xuân Diệu mỗi ngày được sống, được chiêm ngưỡng ánh dương, được tận hưởng sắc hương của vạn vật là một ngày hân hoan vui sướng. Và trong niềm hân hoan vui sướng đó ngòi bút của Xuân Diệu thật sự rất xuất thần, ông đã sáng tạo nên một câu thơ tuyệt bút:

"Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;"

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là một trong những câu thơ hay nhất, mới nhất, táo bạo nhất của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám 1945. Có thể nói, trước Xuân Diệu, chưa có ai tỏ tình với thiên nhiên như vậy. Tháng giêng vốn chỉ thời gian (vô hình, trừu tượng) và hoán dụ cho mùa xuân, "ngon" là ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, trong phép so sánh vừa táo bạo vừa mang sắc thái biểu cảm ấy, mùa xuân đã trở nên trẻ trung hữu hình qua vẻ đẹp "cặp môi gần" quyến rũ, căng mọng của người thiếu nữ đầy xuân sắc. Mùa xuân tươi đẹp được ví như một cô gái kiều diễm, tình tứ. Nhà thơ cảm thụ thiên nhiên bằng tình lứa đôi, bằng thể xác và tâm hồn. Sự hấp dẫn của thiên nhiên hiện ra trong vẻ đẹp của người tình với "cặp môi gần" căng tràn tươi trẻ, mê đắm và quyến rũ. Từ ngon được thốt lên đầy khát khao, nhục cảm bởi ông đã huy động mọi giác quan: từ thị giác, thính giác, vị giác đến xúc giác để tận hưởng thiên nhiên, tuổi trẻ và cuộc đời này như lời tuyên ngôn.

"Sống toàn tim! Toàn trí! Sống toàn hồn!

Sống toàn thân! Và thức mọi giác quan,"

Phép so sánh đặc biệt trên đã cho thấy quan niệm thẩm mĩ mới mẻ cua nhà thơ là con người (trong hình tượng giai nhân) đang độ tuổi trẻ và tình yêu trở thành chuẩn mực của cái đẹp. Nếu như trong thơ xưa người ta xem thiên nhiên làm trung tâm, chuẩn mực cho mọi cái đẹp.

"Làn thu thủy, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh."

(Nguyễn Du)

Thì giờ đây Xuân Diệu đã đưa cặp môi của người thiếu nữ trở thành trung tâm của vũ trụ, con người trở thành chuẩn mực cho cái đẹp, là thước đo vẻ đẹp của tạo hóa. Hình ảnh, cách cảm thụ trên vừa bộc lộ rõ sự cách tân nghệ thuật của nhà thơ, vừa mang đậm phong cách, dấu ấn của riêng Xuân Diệu. Với ông, cuộc đời là một thiên đường trên mặt đất, ngay trong tầm tay. Ví thế, cảnh vật được nhìn tinh tế, nhạy cảm qua lắng kính của một thi nhân, mặt khác là cái nhìn luyến ái, say đắm của một tình nhân.

Nhưng ngay lúc chàng thi sĩ trẻ đang ngất ngây mê đắm vô cùng trong niềm tận hưởng mật ngọt tình yêu nơi thiên đường trần thế, đang thỏa thuê với bữa tiệc lớn của trần gian và reo lên "tôi sung sướng" thì cũng chính là lúc thi nhân ngừng lặng với cảm giác "vội vàng một nửa".

"Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:"

Câu thơ bị ngắt làm hai bởi dấu chấm "." như chiếc đòn gánh tách đôi khiến niềm vui không trọn vẹn. Bởi Xuân Diệu nhận ra rằng điều sung sướng ấy ngắn ngủi biết bao. Niềm vui của thi nhân không trọn vẹn, nửa bên này là dấu chấm mùa xuân, nửa bên kia là giới hạn cuộc đời nên nhà thơ vội vàng tận hưởng, hoài xuân, tiếc xuân ngay giữa mùa xuân. Vì dự cảm mơ hồ về sự mong manh, ngắn ngủi của kiếp người đã khiến cho thi nhân sống vội vàng tận hưởng:

"Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân."

Hai câu thơ được xem như hai cái bản lề khép mở tâm trạng vừa vồ vập đắm say vẻ đẹp của cuộc sống tình yêu vừa là linh cảm bất an, băn khoăn âu sầu của nhà thơ vì thời gian qua mau, tuổi trẻ một đi không trở lại, quả thật Xuân Diệu là nhà thơ của những cảm quan tinh tế về thời gian. Câu thơ cuối là lời tuyên bố hùng hồn phương châm sống: trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc đời, từng giây, từng phút của tuổi trẻ. Đó là nội dung luân lí về việc lập thuyết của Xuân Diệu, về lẽ sống vội vàng của Xuân Diệu.

· Nghệ thuật & nội dung:

Bằng một hình thức nghệ thuật điêu luyện, sự kết hợp nhuần nhị giữa cảm xúc mong manh và mạch luận lý, cùng với cách nhìn, cách cảm mới và những sáng tạo độc đáo về hình ảnh thơ, và sử dụng ngôn từ, nhịp điệu dồn dập, sôi nổi, hối hả, cuồng nhiệt, qua 13 câu đầu, Xuân Diệu đã đem đến một thông điệp mang ý nghĩa nhân văn tích cực: trong thế gian này đẹp nhất, quyến rũ nhất chính là con người giữa tuổi trẻ và tình yêu; thiên đường chính là cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế. Vì vậy hãy sống thiết tha yêu, hãy đắm say tận hưởng và tận hiến để mỗi ngày qua đi ta được sống trọn vẹn trong tình yêu và hạnh phúc.

· Đánh giá:

Trong các bài thơ của nhà thơ trước Cách mạng thì đây là những vần thơ đậm chất Xuân Diệu nhất. Cụ thể, nói như nhà phê bình văn học Diệp Tiếp: "Thơ là tiếng lòng", nói như Tố Hữu: "Thơ chỉ bật ra trong tim ta khi cuộc sống đã thật tràn đầy", tức thơ là dòng chảy của cảm xúc. Chúng ta biết rằng Hoài Thanh từng nhận định: "Đời chúng ta nằm trong vòng chữ "tôi". Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ". Nếu như Thế Lữ cũng là một nhà thơ mới và có xu hướng "thoát lên tiên" để quên đi thực tại, hay một ví dụ khác là nhà thơ Chế Lan Viên thì muốn đem lá vàng hoa rụng của mùa thu trước để chắn nẻo xuân sang:

"Tôi có chờ đâu, có đợi đâu

Ðem chi xuân lại gợi thêm sầu?

- Với tôi, tất cả như vô nghĩa

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!"

Với bài thơ này, Xuân Diệu lại có một thái độ khác hẳn: nhà thơ thiết tha với cuộc đời, ràng buộc với cuộc đời bằng những sợi dây tình cảm mãnh liệt, khao khát "đốt chốn bồng lai" để "xua ai nấy về hạ". Và đoạn thơ đầu tiên ở "Vội vàng" đã kết tinh tài năng, sáng tạo và tư tưởng độc đáo của Xuân Diệu, đánh dấu một trong những thành công xuất sắc của Xuân Diệu cả về phương diện nghệ thuật lẫn nội dung, trở thành mốc son chói lọi chưa từng có trong lịch sử văn học những năm 32 – 45 của thế kỷ trước nói riêng và lịch sử văn học nước nhà nói chung.

C. KẾT BÀI

Một đoạn thơ cất lên với tiếng nói khẳng định về một tình yêu táo bạo, tha thiết và đắm say với cuộc đời, với tuổi trẻ như nhịp đập của trái tim ông. Bởi Xuân Diệu là nhà thơ của mùa xuân, của tình, của tuổi trẻ nên dòng nào, câu nào trong thơ ông cũng tràn ngập tình yêu đời, yêu cuộc sống hiện tại.

"Ta ôm bó, cánh tay ta làm rắn,

Làm giây da quấn quít cả mình xuân;

Không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần,

Chân hoá rễ để hút mùa dưới đất."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro