Sidestory 10: Quá khứ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chị em tôi sinh ra trong một gia đình bề thế có truyền thống làm ăn kinh doanh lâu đời. Bố là nhà sáng lập của một trong năm doanh nghiệp lớn nhất Bắc Kinh, mẹ từng là hoa hậu tỉnh Chiết Giang. Bà rất đẹp.

Tôi hơn em trai ba tuổi, có thể đó là một điều may mắn vì tôi được tận hưởng khoảng thời gian êm ấm lâu hơn em, khi gia đình còn chưa khánh kiệt. Năm tôi mười tuổi, bố tôi làm ăn thất bát, hơn nữa còn vướng vào lao lý, chẳng mấy chốc gia sản tất cả đều tiêu tán vì phải dồn vào việc chạy án. Ông may mắn thoát được việc ngồi tù, nhưng cuộc sống của cả nhà thì rớt xuống vực sâu không đáy, không chỉ bởi thiếu thốn vật chất, mà còn vì những sứt mẻ trong mối quan hệ của bố mẹ tôi. Suốt quãng thời gian tuyệt vọng khổ sở đó, bố mẹ tôi cãi cọ rất nhiều, bố thậm chí đã đánh mẹ chảy máu trước mặt chị em tôi. Bà từng là một tiểu thư lá ngọc cành vàng, cuộc sống thiếu thốn cùng với người chồng vũ phu và hai đứa con nhỏ, đối với bà chẳng khác nào địa ngục trần gian. Thế là, một buổi sáng, khi chúng tôi thức giấc, mẹ đã khăn gói ra đi, chỉ để lại ở đầu giường chị em tôi một mảnh giấy vẻn vẹn vài chữ nguệch ngoạc viết vội, nói rằng "mẹ xin lỗi". Năm đó, Di Lập mới tròn bảy tuổi.

Mẹ để lại tất cả mọi thứ, chỉ mang mỗi thân đi. Nhưng mẹ không biết rằng mẹ chính là tất cả của bọn tôi, cũng là tất cả của bố. Từ sau sự ra đi của mẹ, bố tôi không còn là chính mình nữa, tinh thần ông trở nên điên loạn, ngày nào cũng uống rất nhiều rượu, mỗi lúc say xỉn lại lôi chị em tôi ra chì chiết hành hạ.

Dù là con trai nhưng Di Lập có đường nét gương mặt giống mẹ hơn, hơn nữa nó khá lì đòn, bị đánh thế nào cũng không van cầu, không khóc lóc. Vì lẽ đó, nó trở thành đối tượng cho những trận đòn roi triền miên của bố. Ông đánh nó không hề nương tay, mặc cho tôi ra sức ngăn cản, ông thậm chí còn cho rằng sự xuất hiện của nó khiến ông rơi vào cảnh tay trắng, bởi mẹ tôi mang bầu Lập là ngoài ý muốn. Tuổi của thằng bé vốn không hợp với bố, lúc đầu ông đã muốn mẹ phá thai, nhưng vì mẹ kiên quyết từ chối và nói rằng không tin vào chuyện mê tín, bố tôi thuyết phục không được cũng đành xuôi theo mẹ.

Sau này, mẹ không còn nữa, đối với ông thằng bé chẳng là gì ngoài một cái gai trong mắt. Nó căm ghét ông, thường xuyên chống đối và không bao giờ chịu khuất phục. Có một lần nó bỏ nhà đi, chẳng rõ bằng cách nào xoay sở chạy được đến nhà dì ruột ở tận Thiên Tân, dì đã nhờ cảnh sát liên lạc với bố tôi, và khi mang được nó về nhà, ông đã dùng xích đánh và nhốt nó vào trong lồng, bỏ đói nó ba ngày. Ông nghĩ thằng bé chạy đi tố cáo mình, còn thằng nhóc ấy, nó chẳng qua chỉ muốn đi tìm mẹ.

Bố tôi đánh Lập rất dã man, nhiều lần nó chịu không nổi, ngất lịm đi trong nhà kho. Tôi khóc lóc cầu xin ông đến khản giọng cũng không thể đưa nó đi cấp cứu, bởi nếu để người khác biết thì bố tôi sẽ bị bắt, ông chỉ cho phép tôi mua dụng cụ y tế cơ bản về, tôi phải tự mình học kỹ năng sơ cứu để giúp nó.

Thằng bé bị chấn thương tâm lý nặng nề. Nó từ một thằng nhóc tràn đầy năng lượng trở nên lầm lỳ như một cái xác vô hồn. Bạn bè xa lánh nó, hàng xóm láng giềng và thầy cô cũng không ai muốn tiếp xúc với nó cả. Nó dần dần trở thành một đứa trẻ mang tâm lý phản xã hội nghiêm trọng đến mức có một quãng thời gian ai cũng tưởng là nó bị câm. Đến cả tôi cũng không thể ép thằng bé mở miệng nói một chữ nào trong suốt gần nửa năm trời.

Khổ sở khốn cùng như thế, nhưng cả tôi và nó đều không muốn ông ấy phải đi tù. Chẳng hiểu điều gì đã khiến chị em tôi nghĩ rằng, nếu bố tôi không còn ở đó, mẹ cũng sẽ chẳng có lý do gì để quay về tìm chúng tôi nữa. Có lẽ bởi trong ký ức của cả hai, bố là người mẹ yêu thương nhất. Suy cho cùng, họ cũng đã từng vô cùng hạnh phúc bên nhau.

Là tôi sai, tôi là chị nhưng lại nhu nhược, không bảo vệ được em trai mình. Chính tôi cũng không biết làm sao để bảo vệ được mình. Tôi đã vô cùng sợ hãi, chẳng thể làm gì hơn là ôm thân xác chẳng chịt thương tích của nó mà khóc mỗi đêm, thầm cầu mong mẹ quay trở về và cứu chúng tôi. Nhưng chuyện ấy đã không xảy ra, tôi đã mất quá nhiều thời gian để nhận ra điều đó, rằng mẹ chúng tôi là người phụ nữ cạn tình hơn tôi tưởng.

Cuộc sống đen tối ấy đã kéo dài suốt bốn năm trời, khi những thương tích đã kết thành sẹo ngổn ngang trên cả cơ thể lẫn tinh thần thằng bé, thì chúng tôi được kéo khỏi địa ngục ấy. Bà nội là người đã phát hiện ra, bà cắn răng chịu đựng muôn ngàn cay đắng để tố giác con trai ruột của mình. Sau khi bố tôi lãnh án tù ba năm, chúng tôi rời khỏi ngôi nhà cũ, chuyển tới ở với bà và bác ruột. Năm đó tôi mười bốn tuổi, đang học lớp chín, Lập học lớp sáu. Bác đã làm thủ tục cho chúng tôi chuyển tới theo học trường trung học Nam Khai.

Bác ruột là người có chút tiền của, nên cuộc sống về mặt vật chất của hai chị em từ ngày đó cũng có thể gọi là đủ đầy. Những tưởng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn sau khi thoát khỏi đòn roi của người bố bạo lực và ổn định cuộc sống, thì...

Tổn thương tâm lý của Di Lập bắt đầu trổ ra thành hành vi bất thường. Sống quá lâu trong vũ lực và phải chịu đựng những sang chấn tinh thần từ lúc còn quá bé khiến nó sinh ra những vặn vẹo về cảm xúc cũng như tâm lý. Thằng bé lao đầu vào tệ nạn như một con thiêu thân, tìm đến vũ lực, ẩu đả, thuốc lá, giao du với lũ bạn hư hỏng. Nó thậm chí tự làm đau chính mình, bởi vì từ trong tiềm thức, nó đã quá quen với những cơn đau thể xác. Nỗi đau thể xác giúp thằng bé tạm quên đi cơn sợ hãi luôn bủa vây trong tinh thần nó.

Mọi người xung quanh đã không biết gì cả, cho đến một ngày bà tôi bắt gặp thằng bé nấp trong một góc tối, tự dùng dao cứa chảy máu cổ tay của chính mình. Thấy mình bị phát giác, thằng bé lên cơn khích động, nó khua khoắng con dao về phía mọi người, không cho phép ai đến gần nó, rồi vùng chạy khỏi nhà và lang thang ngoài đường suốt một tuần sau đó. Cuối cùng tôi đã tìm và thuyết phục được thằng bé quay về nhà, hứa rằng sẽ không ai đả động gì đến chuyện đó nữa.

Sau rất nhiều nỗ lực từ khuyên giải đến cầu xin, chúng tôi đưa được Di Lập tới chuyên gia tâm lý năm nó mười hai tuổi, với hi vọng một người có năng lực chuyên môn sẽ tiếp cận được phần sâu thẳm nhất trong tâm trí thằng bé và giúp nó chữa lành những tổn thương. Bác sĩ nói tinh thần thằng bé vô cùng bất ổn, nó có xu hướng ngược đãi chính mình, ngược đãi những con vật nhỏ và cả những người khiến nó nảy sinh cảm giác thích thú.

Nghe ngược đời đúng không? Thay vì dùng cử chỉ thân mật yêu thương, thằng bé thể hiện sự yêu thích của nó với bất cứ sự vật sự việc nào xung quanh bằng vũ lực. Điều này đối với người khác quả thực là một sự lệch lạc, thậm chí biến thái, nhưng hãy thử một lần đặt mình vào hoàn cảnh của một thằng bé lớn lên với đòn roi mà xem. Thằng bé, kể từ khi mẹ rời khỏi, đã hoàn toàn quên đi cách để yêu thương rồi. Trong suy nghĩ của nó, tình yêu chỉ còn là những trận đánh đập tàn nhẫn của bố, là sự bất lực của chị, là ghẻ lạnh và xa lánh của những người xung quanh. Nó không còn tiếp nhận nổi khái niệm ngược lại nữa, bởi những điều sai quấy đã ăn sâu vào trong tiềm thức của thằng bé rồi.

Chúng tôi phải dần dần dạy lại thằng bé mọi thứ, từ cách yêu thương chính mình, đến việc tiếp nhận tình cảm của người thân, và thể hiện tình cảm với người khác. Việc này khó khăn vô cùng. Thằng bé rất bài xích chuyện ấy, nó biết mình gặp vấn đề về tâm lý nhưng quá mặc cảm nên đâm ra cố chấp. Nó kể, bạn bè đồn nhau nó bị tâm thần, lại càng xa lánh nó. Nó không thể cố gắng yêu quý những người cho rằng nó bị điên, nó thà rằng trở thành kẻ thù của họ.

Thằng bé nói vậy, nhưng tôi hiểu, từ sâu trong lòng nó rất khao khát có được một người bạn.

Một ngày, từ phòng khám của bác sĩ về, nó có vẻ vui hơn bình thường. Khi tôi gặng hỏi, nó nói ở phòng khám nó đã gặp một người bạn cùng trường. Có vẻ như cậu nhóc ấy cũng phải trị liệu tâm lý, vậy là nó không phải người duy nhất bị bắt buộc phải đi gặp bác sĩ. Điều này khiến nó khuây khoả, vì rốt cuộc cũng sẽ có một người có thể hiểu được nó.

Thế nhưng, hình như cậu nhóc kia từ chối làm bạn với nó. Cụ thể thế nào tôi không được biết, nhưng thằng bé có vẻ buồn. Không kết bạn được, lại đang ở giai đoạn thành niên ngỗ ngược, nó càng ngày càng lầm lỳ khó bảo. Một thời gian sau, nó bỏ ngang trị liệu, nói rằng bác sĩ chẳng giúp được gì. Ngày ngày, nó đâm đầu vào những thú vui thiếu lành mạnh, gây chuyện khắp nơi và từ chối chia sẻ với bất cứ ai, kể cả chị gái nó là tôi - vốn là người duy nhất có thể khiến thằng bé mở lòng một chút.

Đã có rất nhiều lúc, tôi nản chí và muốn từ bỏ... bởi vì chính tôi cũng quá mệt mỏi việc phải chạy theo thằng bé. Tôi biết mình ích kỷ vô cùng, nhưng ở cái tuổi mười mấy, khi cuộc đời trải rộng trước mắt, ai chẳng muốn sống cho riêng mình? Dẫu vậy, tôi chỉ ngấm ngầm tuyệt vọng và oán thán, không nỡ, cũng không dám thể hiện ra cho thằng bé thấy, sợ rằng sẽ làm thằng bé thêm thu mình lại.

Cho đến một ngày, thằng bé trở về nhà với cái đầu bê bết máu, tôi đã hoàn toàn mất bình tĩnh. Thay vì nhẫn nại với em, tôi đã quát mắng nó. Và cho đến bây giờ, đó vẫn là một trong số những chuyện khiến tôi hối hận nhất.

"Đến khi nào mày mới thôi gây chuyện và bắt đầu sống cho giống một con người, Di Lập?" Tôi đã gào vào mặt em trai bằng tất cả cơn tuyệt vọng và phẫn nộ vẫn luôn nung nấu trong lòng. "Tao và nội còn phải lo lắng cho mày đến bao giờ nữa? Tại sao mãi mà mày không chịu lớn lên? Mỗi mình mày bị tổn thương thôi sao? Trong nhà này ai cũng từng bị tổn thương, mày dựa vào cái gì làm khổ người khác như thế?"

Thằng bé không nói gì cả, sau lần đó, nó bớt gây chuyện, nhưng lại trở nên im lặng và xa cách hơn nữa. Còn về phần tôi, vì quá mải mê với kỳ thi đại học trước mắt, tôi đã không để ý đến thái độ ấy, cho rằng chỉ cần nó bớt ngỗ ngược đã là ổn lắm rồi, không mong bệnh tình của nó có tiến triển gì nữa, bởi vì tôi vốn đã muốn bỏ cuộc từ rất lâu. Mối quan hệ của hai chị em tôi vì lẽ đó mà càng trở nên giống như hai hành tinh quay xung quanh một mặt trời, không va chạm mà cũng chẳng tiến gần nhau hơn chút nào.

Năm cuối cấp hai của Di Lập, bố chúng tôi mãn hạn tù. Ông đã đến tìm chị em tôi xin tha thứ. Những năm tháng trong tù đã mài nhẵn tâm tính ông, và bởi trong nhà lao không có rượu, tất cả thời gian tỉnh táo ông đều dùng để sám hối tội lỗi của mình. Ông đã quỳ hàng giờ trong nhà bà nội tôi, dập đầu đến bầm tím để van cầu sự tha thứ từ chúng tôi, luôn miệng đổ lỗi cho rượu, cho sự yếu đuối của ông và sự vô tình của mẹ tôi, nói rằng giờ ông trắng tay rồi, nếu chúng tôi không quay về bên ông, ông chẳng còn lại gì cả.

Tôi đã muốn tha thứ cho ông, nhưng Lập thì không. Thằng bé không nói một lời, chỉ lặng lẽ khoá mình trong phòng, đợi đến lúc ông rời đi mới chịu ra. Tôi không biết bố chúng tôi đã phải tuyệt vọng và day dứt đến mức nào khi ông quyết định treo cổ tự sát trong căn nhà cũ, tự lấy đi sinh mạng khổn khổ của chính mình. Tôi cũng không biết em trai tôi cảm thấy ra sao về chuyện ấy, bởi cho đến tận khi chỉ còn lại hai chị em đứng lặng người bên bia mộ, nó vẫn không cất lên một lời nào.

Bà tôi trách thằng bé máu lạnh, bà đã khóc suốt hai tháng trời sau cái chết của bố chúng tôi, và lâm bệnh qua đời không lâu sau đó. Không có sự che chở của bà, cuộc sống của hai chị em không còn suôn sẻ như trước, bởi dù bác ruột rất thương chúng tôi, nhưng bác dâu lại ngấm ngầm khinh ghét và luôn tìm cách tống khứ chúng tôi đi.

Chuyện cay đắng chưa kết thúc ở đó. Một năm sau khi bố tôi chết, mẹ tôi đã trở lại, cùng với một luật sư... Bà đòi lấy đi ngôi nhà mà bà cho là thuộc về bà, dù nó thực ra chẳng đáng bao nhiêu tiền, bà nói trên giấy tờ bố mẹ tôi vẫn là vợ chồng nên bà hoàn toàn có quyền ấy.

Tôi vẫn nhớ như in ngày hôm ấy, trời mưa to như muốn xé nát lòng người. Khi nghe tôi báo tin mẹ về, thằng bé đã guồng chân chạy như điên dưới cơn mưa trắng xoá, có đần độn cũng nhận ra nó muốn gặp mẹ biết bao nhiêu. Rốt cuộc, cái chị em tôi nhận được chỉ là một biên bản, giấy trắng mực đen chi tiết, viết rõ ràng từng mục việc phân chia tài sản theo pháp luật. Để cho cẩn thận, bà còn bảo chị em chúng tôi ký nhận vào bản cam kết sẽ không tranh giành tài sản với bà mà chỉ ngoan ngoãn nhận những phần thuộc về mình mà thôi.

Thật nực cười, trong ký ức của tôi, thứ lạnh lùng nhất vẫn luôn là đòn roi của bố, nhưng đến khoảnh khắc ấy tôi mới chân thật hiểu rõ, lòng dạ người phụ nữ ấy mới là nơi lạnh lẽo nhất trên thế giới này. Tôi gào khóc như một kẻ điên, vò nát những giấy tờ đó mà ném về phía bà. Tôi trách móc, tôi oán thán, tôi kể lể những khổ đau mà mình phải chịu đựng khi bị bà bỏ rơi, tôi dùng đủ mọi lời lẽ buộc tội, những mong có thể thấy một tia day dứt trong mắt bà. Nhưng không... Thứ tôi nhận được chỉ là một lời xin lỗi, cụt lủn như dòng chữ mà bà để lại buổi sáng hôm ấy, bà nói thêm, bà có hai đứa con khác rồi, và chúng còn nhỏ, chúng cần bà, cũng cần tiền để có được cuộc sống tử tế.

Em trai tôi chỉ đứng chết trân, hình như nó thậm chí còn không gọi nổi người ấy là mẹ nữa. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy nó khóc, và điều đó làm lòng tôi vỡ nát. Thằng bé ấy dù lớn lên bằng đổ vỡ, bằng đòn roi và những khốc liệt, nhưng nó chưa bao giờ quên hơi ấm của mẹ những năm tháng đầu đời. Mẹ trong mắt nó là biểu tượng duy nhất của tình yêu – thứ mà nó vẫn luôn cố gắng định nghĩa nhưng chưa bao giờ đủ khả năng để hiểu. Rốt cuộc, sau bao năm chờ đợi, người mẹ ấy quay lại chỉ để khẳng định với nó rằng tình yêu là thứ hoàn toàn không tồn tại trong cuộc đời nó.

Ở khoảnh khắc ấy, thằng bé đã tan vỡ đến mức nào... Nó chậm chạp nhặt tờ giấy nhàu nhĩ kia lên, vuốt cho phẳng, nghiền ngẫm hồi lâu rồi ngẩng mặt lên nói.

"Chữ của bà... khác đi rồi."

Đến tận khi ấy tôi mới vỡ lẽ, thì ra nó đã giữ mẩu giấy cũ kỹ năm xưa, mẩu giấy nham nhở mà mẹ chúng tôi xé bừa từ một cuốn sổ nào đó, viết vỏn vẹn ba chữ "mẹ xin lỗi" nguệch ngoạc. Nó đã giữ lại suốt bao nhiêu năm trời, ghi nhớ thật kỹ nét chữ của mẹ.

Sau sự việc đó, tôi tự dặn lòng mình phải ở cạnh Di Lập, cho dù chết cũng sẽ không từ bỏ em trai mình. Bằng mọi giá, tôi sẽ kéo nó ra khỏi khổ đau, nếu nó lạc lối, tôi sẽ chỉ cho nó đường về. Dù cả thế gian này quay lưng với nó, thì tôi cũng sẽ ở lại bên cạnh em tôi.

Sau này, số tiền ít ỏi thừa hưởng được từ tài sản bố để lại đều dồn vào việc học đại học của tôi, cả chi phí thuê nhà và sinh hoạt của hai chị em. Bác tôi tuy có thể hỗ trợ chút ít về kinh tế, nhưng ông còn có gia đình riêng phải lo, chưa kể bác dâu luôn miệng gọi chị em tôi là ký sinh trùng hút máu, không thể cứ mặt dày dựa dẫm vào ông được. Thời gian đó quả thực khó khăn, tôi đã phải bảo lưu một năm, đi làm thêm ở một tiệm cắt tóc để tiết kiệm tiền.

Di Lập bỏ dở việc học cấp ba. Nó nói với tôi đầu óc nó chậm chạp không thể theo tiếp được, học thêm chỉ phí phạm tiền bạc. Nó khăn gói rời khỏi Bắc Kinh, đi đến tận Giang Tô, nói bạn bè giới thiệu cho một công việc rất tốt ở đó, là quản lý ở một hộp đêm – một công việc hợp pháp. Nếu như tôi biết đó là công việc liên quan đến tên Long, và rằng tên khốn đó đã lừa đứa em trai mới mười bảy tuổi của tôi vào tròng để sau này mặc sức thao túng nó, tôi dù phải uống thuốc độc để có thể giữ nó lại thì cũng cam lòng.

Tôi đã không biết gì cả, suốt những năm đại học vô tư dùng tiền em trai kiếm được để chi trả cho mọi thứ, không mảy may ngờ vực. Tôi yên lòng với suy nghĩ rằng tương lai tươi sáng đang đón đợi hai chị em trước mắt, khi tôi tốt nghiệp và thuyết phục được thằng bé quay lại Bắc Kinh, chị em tôi sẽ sống cùng nhau, đùm bọc nhau, và cùng nhau vượt qua tất cả...

Sau đó, khi tôi phát hiện ra công việc thực sự thằng bé đang bị ép làm, tôi đã cố sống cố chết kéo nó ra khỏi đó. Để khiến tôi yên lòng, thằng bé quay trở lại Bắc Kinh, nói là sẽ tìm việc khác. Nhưng công việc mới này vẫn dưới trướng tên Long. Tên khốn ấy chính là một vũng lầy nhơ nhớp, đã sa chân vào thì không tài nào bước ra, chỉ có thể phó mặc bản thân ngày càng lấn sâu, lấn sâu hơn nữa.

Di Lập đã muốn rời khỏi hắn, không chỉ một lần, vì tôi và vì chính bản thân nó. Nhưng tên Long nhất quyết không buông tha, tên thâm hiểm khốn kiếp ấy sử dụng đủ kiểu thủ đoạn để giữ thằng bé bên mình. Hắn thậm chí đã bắt cóc và giam tôi lại, sử dụng tôi làm con tin khiến em trai tôi không cách nào vùng khỏi hắn.

Cuộc đời thật tréo ngoe cay đắng, bất cứ khi nào chị em tôi có chút hi vọng vào ánh sáng, thì bóng tối lại ập tới, bủa vây mọi lối thoát. Tôi và Di Lập đã lớn lên như thế, chẳng thể nào thoát khỏi trò đùa nghiệt ngã của số phận, suốt những năm đầu đời sống trong thứ hạnh phúc giả tạo đựng xây dựng trên tiền bố tôi kiếm được, bốn năm trời sống trong nỗi sợ đòn roi, sáu năm sau sống cuộc sống ký sinh tạm bợ, và thêm sáu năm nữa nhục nhã khổ sở dưới ách thao túng của Long Cát. Suy cho cùng, suốt cuộc đời này, chị em tôi chưa bao giờ được hạnh phúc.

----

Trương Lập Thành lặng người, nghe giọng nói run rẩy của cô gái lụi dần rồi tắt hẳn. Tiếng sấm đì đùng và âm thanh chao chát của mưa đập vào khung cửa kính ọp ẹp khiến cả tai cả đầu y vụt đau nhức.

Nhiều năm trôi qua như thế rồi, Di Lập vẫn không từ bỏ việc tự làm mình tổn thương - chỉ có thể dùng điều đó để lý giải cho sự cố chấp có phần phi lý của gã đối với tên Long - bám chấp vào người làm mình đau đớn bởi căn bệnh tâm lý từ thuở bé trong gã vẫn chưa khi nào được chữa lành... Cho rằng mình không đáng được cứu giúp, luôn tự làm tổn thương chính mình, và làm tổn thương cả những người xung quanh.

Giờ thì y hiểu ra rồi.

Bụng Trương Lập Thành quặn thắt. Nỗi day dứt, xót xa và cả cơn kiệt quệ ùa đến trong y như thác lũ.

"Di Lan."

"Thằng bé mà cô kể, thằng bé đã gặp Di Lập ở chỗ bác sĩ tâm lý ấy..."

"... chính là tôi đấy."

Y nâng mắt, nhìn dáng vẻ nửa sững sờ nửa thất thần của cô gái. Đôi mắt bàng hoàng đang dần dâng lên sóng nước kia nhắc cho y nhớ về một khoảnh khắc trong quá khứ, khi Di Lập – lúc đó mới mười ba tuổi - đứng một mình trên hành lang bệnh viện trắng xoá mà nhìn y chằm chằm, bằng một nét mặt mà ở khoảnh khắc ấy y không tài nào đọc nổi. Nhưng y khá chắc rằng mình đã bắt gặp một niềm vui thích loé sáng trong đôi mắt gã.

Thì ra, ở thời điểm đó, Di Lập đã muốn làm bạn với y...

Trương Lập Thành cúi thấp đầu, lời xin lỗi lùng bùng trong cuống họng y, mãi mới phát ra được.

"Tôi xin lỗi, Di Lan... Lúc ấy tôi chỉ là một thằng nhóc, tôi không giúp được gì."

"Xin lỗi..."

Lời xin lỗi lặp đi lặp lại như một cuốn băng vấp.

Di Lan gật đầu.

Nhưng cả y và cô đều biết rõ,

người cần nghe những lời ấy lại không có ở đây.

----  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro