9. Chợ làng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Kể từ nụ hôn ngọt ngào dưới cơn mưa mùa hạ ấy, Mạnh như sống ở trên mây. Gã hở tí là ngoác cái miệng ra cười hềnh hệch làm cho mấy tên đàn ông đi câu mực gần thuyền gã tưởng gã trúng tà.

Chỉ có em biết rằng nụ hôn đã trao chính là ước định một đời ở bên nhau không đổi mà gã cùng em ngại ngần nói ra.

Thỉnh thoảng em ngồi một mình, đầu óc cứ lảng vảng hình ảnh hôm đó. Em chợt thấy mình biến thành gã trai mộng mơ từ lúc nào. Chính gã Mạnh đã ưu tiên cho em cái quyền được mơ mộng hão huyền, quyền yêu và được yêu giữa những cái lo toan vất vả mà dòng đời xô đẩy cho em.

Em nghe tiếng dép lẹp xẹp trên bãi cát, biết ngay là gã đã về. Khác với mọi hôm, nụ cười của gã chất chứa đôi nét nhăn nhó.

"Sao vậy? Hôm nay không câu được nhiều à?" - Minh chạy lại cất bớt đồ lỉnh kỉnh trên vai gã.

"Ừ, tự nhiên quanh đây nhiều thuyền lớn quá. Lưới của người ta một lần vớt lên bằng mình câu cả tuần trời." - Gã ngồi thụp xuống cái chõng rồi tiếp - "Mực cứ bơi đi đâu hết, chỉ bắt được có mấy con nhỏ chẳng bõ ăn, nói chi là bán."

Sợ gã đi cả đêm về mệt, em vội đi qua cái tủ nhỏ lấy quần áo sạch để gã thay ra. Dự cảm lo lắng bắt đầu xuất hiện thay thế cho những mảnh ước mơ màu hồng vụn vặt nhen nhóm trong tâm tưởng. Sau này sẽ còn xuất hiện nhiều phương tiện hiện đại khác thay thế cho phương pháp câu mực truyền thống, đến lúc đó làm sao cái thuyền thúng nhỏ bé ọp ẹp của gã đủ nuôi sống hai mạng người? Vuốt dọc những miếng vải vụn em dùng để may vá quần áo cho gã, một ý tưởng đột ngột hiện lên. Em rất hào hứng gọi.

"Mạnh, hay là anh cho em mở một sạp hàng nhỏ trên chợ Trung Khúc nhé."

Gã thần người.

"Em nói sao cơ?"

Minh dịu dàng giải thích.

"Em sẽ đan ít rổ rá bằng lá cọ với làm mấy thứ lặt vặt như vá sửa quần áo, với em cũng biết chút ít về đan khăn và túi nữa. Chắc là không kiếm được nhiều đâu nhưng may mắn thì có thêm đồng ra đồng vào. Anh đỡ vất vả nữa."

Em vừa nói dứt lời gã liền lắc đầu quầy quậy. Có chết gã cũng không dám để em mạo hiểm tính mạng giữa bầy chó săn của làng. Em đã bị chúng đánh suýt chết một lần, giờ thử hỏi gã còn lá gan nào bỏ em ở nơi phố chợ đông đúc đó?

Vả lại, sáu năm nay gã cưng chiều em như ngọc quý, chẳng bao giờ để em phải động tay chân vào việc gì bất kể lớn hay nhỏ. Nước da trắng cùng ngũ quan thanh tú là do tự tay gã kì công chăm sóc mà thành, sao nỡ đành để em tự gánh vác lấy phần việc nặng nhọc ấy. Với cả, gã ích kỉ nghĩ, em xinh xắn như vậy lỡ có ai cướp đi khỏi tay gã thì biết làm thế nào?

Như hiểu rõ tâm tư của Mạnh, em nhẹ nhàng xoa tay gã.

"Không sao, em sẽ quấn khăn thật kỹ và nói theo y như anh hôm nọ là được. Em lớn hơn và khác nhiều rồi mà, lại có thể nói năng khá lưu loát, họ sẽ không nghi ngờ em đâu."

Mạnh ấy thế mà vẫn cứng đầu kiên định không cho em đi gần nửa tháng trời, đến lúc em thuyết phục đến mòn cả lưỡi gã mới tiếc hùi hụi gật đầu. Gã nhìn đống giỏ, rổ, gùi đan bằng lá em chất đầy trong góc nhà, cuối cùng đành thở dài bất lực.

Ngày đầu tiên mở sạp, Minh dậy từ tờ mờ sáng, thế nhưng vừa duỗi vai thì đã thấy gã ngồi chồm hổm ở đuôi giường. Em giật mình.

"Còn sớm mà, Mạnh."

"Anh đi ra chợ với em."

Minh lập tức chối biến.

"Anh nghỉ đi, em tự đi là được rồi mà."

Có nói đến thế nào gã vẫn lì lợm bám đuôi em ra đến tận chợ. Giờ này thường chưa có người mua, tuy nhiên người bán đã chuẩn bị hòm hòm xong hàng hóa.

Thấy hai người thanh niên cao lớn lúi húi khênh đống đồ đạc đến cái sạp trống, bà hàng gạo bên cạnh lân la ra bắt chuyện.

"Trước thấy người ta dọn cái sạp trống ở đây, hóa ra là hai chú mày thuê à? Ấy, sao chú kia lại bịt khăn kín mặt thế, không thấy nóng hả?"

Gia Minh thành thục trả lời bà ta như đã học thuộc rồi nhìn sang vẻ mặt hài lòng của gã bên cạnh. Người phụ nữ trung niên gật đầu, đoạn không hỏi gì hơn như ngầm hiểu Minh làm thế để không dọa người mua chạy mất dép. Bà ta thấy hơi tiếc cho đôi mắt long lanh đẹp đẽ của đứa nhóc ấy.

Qua mấy câu chuyện bâng quơ, Minh biết được tên bà ta là Hoa, nhà ở cuối làng. Bởi vì cái chợ tận đầu làng nên hàng ngày bà phải dậy từ ba rưỡi sáng để đẩy xe ba bánh chở gạo ra chợ bán. Bà Hoa làm mối gạo ở chợ Trung Khúc phải đến hai chục năm nay rồi mà mới thấy Mạnh, chưa buôn bán với Minh bao giờ nên giả đò thăm dò.

Mạnh cười hề hề trả lời: Em trai gã mới từ tỉnh về sống với gã được mấy tháng, lại ốm đau liệt giường nên chưa đi thăm thú xung quanh đây.

Thoạt nom Minh ngây thơ vô tội, bà Hoa mới khoác tay em buôn chuyện giết thời gian trong lúc chờ khách đến.

"Chú mày mới tới ở làng thì cũng nên biết mấy chuyện gần đây để mà phòng hờ."

Giọng nói của bà cuốn hút cả Mạnh ở gần đấy xúm vào nghe cùng.

"Anh mày đã kể cho nghe về tập tục thờ thánh nữ đồng trinh của làng chưa?" - Em không nói gì chỉ gật đầu, bà ta yên tâm kể - "Trước đây vị thánh nữ cũ chết vì phạm trọng tội, làng ta lập tức thay người mới vào ngay. Ai ngờ được có mấy năm cô ả đó đã đi vào vết xe ngựa của cố nhân, lúc phát hiện ra bầu bí thì đã hoài thai bảy, tám tháng gì đó rồi. Trận bão vừa rồi chắc cũng do cô ta mà ra cả. Đúng là oan nghiệt mà."

Minh mím môi thật chặt, cơ mặt em căng thẳng vì nhớ mẹ mình ngày xưa.

"Vậy... giờ cô ấy thế nào rồi hả bà?"

"Vẫn ở nhà trưởng làng bụng mang dạ chửa chứ biết làm thế nào. Phải đợi đẻ đứa bé ra, nếu là con gái thì còn có hy vọng nuôi nó thành thánh nữ tiếp theo. Nếu là con trai thì..."

Bà Hoa chợt lấp lửng làm bụng Minh như sôi lên.

"Th...thì sao hả bà?"

"Thì phải trừ khử cả mẹ lẫn con mới hết tai họa."

Móng tay lập tức bấm vào da thịt đến bật máu. Mạnh nhìn em lo lắng rồi viện cớ em mới khỏi bệnh để em nghỉ ngơi trước. Bà Hoa khẽ nhún vai, thoắt cái đã ngồi yên vị ở sạp của bà. Khi nằm gọn trong vòng tay gã, em mới thổn thức.

"Sao người ta nói về sự sống chết của hai mạng người mà lại dửng dưng thế, hả anh?"

Gã Mạnh tức thì chẳng nói lên lời, sống mũi gã cũng cay cay như ăn phải hành. Hai người cứ đứng đó lặng im chờ khách tới.

Sạp hàng của Minh bán được nhiều hơn em và gã tưởng, vì rổ đan đều tay, chắc chắn mà giá lại rẻ bằng một nửa các hàng khác. Khăn tay em thêu cũng là một món bán rất chạy, trong chớp mắt đã có mấy cô thôn nữ ào ào đến ngắm nghía, chọn lựa. Minh ngờ ngợ rằng hàng mình bán không phải là thứ đồ dùng mua thường xuyên nên ai đặt khâu vá, sửa đồ hay may cho cái gì em cũng làm. Do thế mà tiền em kiếm được còn nhiều hơn cả gã.

Mạnh ban đêm đi câu mực như thường lệ, sáng về lại nằm ấm chỗ cạnh sạp của em mơ màng ngủ. Gã định bụng, em chỉ cần gọi một tiếng là gã dựng dậy cứu nguy ngay. Nhưng công việc của em trên đà trở nên khấm khá hơn cũng đồng nghĩa với việc chẳng có ai nghi ngờ gì em cả. Mạnh ngày càng yên tâm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro