2. Ông già làng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ba anh em chúng tôi chân ướt chân ráo lên bờ cát trong không gian chẳng có nổi một bóng người. Bác lái tàu giải thích: Ngoài những người đi đêm thì dân làng đã ngủ hết cả, để sáng sớm dậy thu hoạch mực với ghẹ, cua, cá nhỏ xếp lên thuyền chở về đất liền bán.

Chính bác cũng là lái buôn chở hải sản ra chợ ngoài tỉnh, bác bảo thuyền của bác toàn chở tôm cua cá chứ có bao giờ chở người. Hòn đảo heo hút, thỉnh thoảng có đợt thiên tai hoành hành nên nhà nước không cho phép khai thác du lịch.

Vả lại làng cũng không có chỗ nào tạm gọi là ổn cho khách bên ngoài tới nghỉ chân. Từ đầu đến cuối rặt mỗi nhà lá chiếu manh, bốn bề ọp ẹp, chỉ có nhà của vị già làng là làm bằng thân cây cổ rắn chắc, tiện cho dân làng tá túc tránh bão.

Nói một hồi, bác hỏi thẳng.

"Mà các cậu sao lại muốn đến nơi khỉ ho cò gáy này thế?"

Anh Tuấn thay mặt đáp.

"Dạ không giấu gì bác, hai tháng vừa rồi làng mình bị bão làm thiệt hại nhiều quá. Chúng cháu muốn viết một mẩu tin về làng mình để khuyến khích mạnh thường quân giúp đỡ, khổ nỗi tòa soạn thấy chưa đủ thông tin nên bảo ba anh em đến ở vài ngày với bà con để thu thập thêm."

"À, vậy thì được."

Bác lái tàu gật gù rồi dẫn ba chúng tôi đến một phiến đá to bè trên bờ cát, kề cạnh gốc cây phi lao xào xạc giữa gió bấc. Càng tiến đến gần, tôi càng dễ dàng nhận ra đó là một gian thờ với nhang đèn còn bốc lên nghi ngút. Bảo vệ chiếc bàn gỗ cao khoảng nửa mét là bốn cột trụ bằng gỗ quý đỡ lấy mái gỗ được lợp vô cùng chắc chắn.

Chiếc dây chuyền xâu bằng vỏ ốc nhặt nhạnh được sau mỗi lần sóng đánh vào bờ được treo lồng vào chóp phiến đá, thoạt trông cũng chỉ là vật rẻ tiền giống như món đồ chơi trẻ con không hơn không kém. Phiến đá ghi chữ gì tiếng Hán tôi nhìn chẳng rõ. Trên bàn, đĩa hoa quả còn nguyên vẹn, ngọn nến đỏ lập lòe nhè nhẹ.

Tôi nói nhỏ với anh Nỗ.

"Không sợ trẻ con ăn mất hoa quả sao? Lại còn ngọn nến kia nữa, làm thế nào mà gió rít mạnh như vậy vẫn chưa tắt?"

"Người ở đây gia giáo rất cẩn thận cho trẻ con là không được ăn trái cây thắp hương, cơ mà thỉnh thoảng chuyện không quản được vẫn xảy ra, như vụ cái dây chuyền bị lấy cắp lần trước ấy." - Bác lái tàu nghe được liền trả lời tôi - "Giờ người ta chỉ dám đem trái cây ra cúng vào ban đêm thôi, đến rạng sáng lại thu vào."

Tôi dùng ánh mắt ngạc nhiên nhìn bác. Đúng thật là cổ quái.

"Còn về vụ cây nến thì... Thực ra tôi cũng không biết tại sao. Người ở đây bảo thần rất linh, chỉ cần nến còn thì lửa sẽ không bao giờ tắt."

Chưa kịp lấy giấy bút ra thì bác đã khấn xong, đoạn giục chúng tôi mau chóng thắp nén nhang.

Anh Tuấn tiến lên phía trước rồi làm như lời bác. Tôi nhắm mắt, miệng lẩm bẩm khấn vái cho chuyến đi này mưa thuận gió hòa, cho anh em chúng tôi cả đi cả về đều thuận lợi. Chẳng biết thần có linh không nhưng ông già làng lại liệu sự như thần, từ lúc nào đã chống gậy đi về phía gian thờ.

Bác lái tàu kính cẩn chào ông một tiếng. Vị già làng huơ gậy tỏ ý hỏi thì bác nhanh nhẹn đối đáp vài câu. Ông nghe rồi gật đầu như hiểu.

"Quý hóa quá... Các cậu đến giúp làng mà làng chẳng có gì đón tiếp."

Anh Tuấn tỏ ra hơi bối rối.

"Chúng cháu chỉ ở vài ngày, không dám phiền đến cụ."

"Các cậu là khách quý, để tôi gọi mấy đứa trai tráng đến chuẩn bị chỗ ở cho." - Ông ho khan vài cái - "Làng Trung Khúc vốn không giàu có gì, đành để các cậu chịu khổ rồi."

Chúng tôi phải chối mãi ông cụ mới dừng. Bóng lưng già cả, còng mình trong gió sương dặm trường dẫn đường chúng tôi về một căn nhà bố trí ngay đầu làng.

Căn này cũng không khá khẩm hơn nhà dân xung quanh là bao nhiêu. Anh Nỗ nhìn anh Tuấn ái ngại.

"Hết mùa bão rồi, không sao đâu." - Anh Tuấn hạ giọng an ủi.

Phải nói thế anh Nỗ mới dám bước vào nhà. Tôi nói lời chào bác lái tàu hiền lành, sẵn ngóng theo bóng vị già làng dần khuất xa sau mấy túp lều lụp xụp.

Đêm đầu tiên ở nơi xa xôi hẻo lánh dường như dài đằng đẵng. Tôi vật vờ hết lật người sang trái sang phải lại ngóc đầu lên nhìn trần nhà vô định, khuỷu tay thỉnh thoảng quật vào anh Nỗ đang ngủ ở bên cạnh. Người này chẳng biết lạ chỗ là gì, cứ thế cất tiếng ngáy to như sấm rền báo hại tôi phải lết ra khoảng sân trước nhà để hóng gió.

Sau lưng tôi phát ra tiếng ho khẽ khàng, không cần nhìn cũng biết anh Tuấn đang đứng cùng tôi dưới trời sao.

"Chú cũng không ngủ được à?"

"Vâng."

Anh lấy điếu thuốc lá ra hút. Chỉ có tôi và anh Nỗ biết thói quen xấu này của anh.

"Thôi anh đừng hút nữa, ho đến vậy rồi mà còn..."

Anh Tuấn cười.

"Anh biết rồi, giờ họa hoằn lắm mới làm một điếu thôi."

Tôi không nói gì, để mặc anh hút. Khói thuốc bay lên không trung, mang theo cả dòng suy nghĩ của tôi và anh hòa vào đất trời u tịch.

Anh thở dài.

"Thành này, mai chú đến nhà già làng được không?"

Tôi hơi sửng sốt vì tưởng anh sẽ là người đến.

"Ơ, tại sao lại là em?"

"Chú ghi chép nhanh nhẹn, thu thập thông tin là nghề của chú. Với lại chú là người mới, anh cử chú đến đó cũng là để lấy thêm kinh nghiệm còn gì. Mai anh với Nỗ đi hỏi chuyện người trong làng còn chú qua nhà già làng. Chốt vậy nhé."

Tôi "à" một tiếng rồi cũng im lặng. Anh Tuấn phân chia xong công việc liền vào nhà luôn, không làm phiền đến việc tôi suy nghĩ bâng quơ nữa. Tôi vội đi chuẩn bị đồ nghề, sau đó leo lên giường ngủ một giấc không mộng mị tới sáng.

***

Mới bình minh mà không khí quanh làng đã huyên náo lạ thường. Tôi bị đánh thức bởi tiếng mấy người phụ nữ kéo nhau ra bờ biển chờ thuyền chồng về, già trẻ lớn bé có cả, tiếng người tiếng vật đều ầm ĩ hơn nhiều so với đêm hôm trước.

Anh Tuấn cũng đã dậy từ lâu, chỉ có anh Nỗ là còn ngủ say như chết. Tôi đi vào trong xả nước qua người cho sạch sẽ, thu thập hết giấy bút đồ dùng cần thiết rồi chào anh Tuấn một câu trước khi lên đường. Anh dùng tay ra hiệu cho tôi đi luôn kẻo già làng có việc gì bận không tiếp khách.

Tôi hiểu ý liền đi ngay. Vừa bước ra khỏi ngưỡng cửa, một đám trẻ con từ đâu tíu tít chạy ra nhìn tôi chăm chăm như nhìn người ngoài hành tinh, kéo theo cả mấy bà cô nhiều chuyện ở xung quanh xì xào bàn tán.

Làng Trung Khúc nhiều năm không một mống khách, tự nhiên xuất hiện một cậu thanh niên trẻ măng, đây chính là sự kiện rúng động của toàn làng. Tôi ngại ngùng đỏ mặt tía tai rảo bước nhanh hơn đến nhà già làng.

Vốn nhà vị đó không hề xa nơi ở của chúng tôi nhưng khốn nỗi dọc đường tôi bị người làng bao quanh đến không nhúc nhích được. Phải mãi đến lúc sau, khi anh Tuấn cùng anh Nỗ ra khỏi nhà giải nguy thì họ mới ngừng dồn sự chú ý lên người tôi.

Tôi bước gần như chạy đến ngôi nhà to và cao nhất làng. Ông già làng đang ngồi trong nhà nhìn ra ngoài xem có gì náo nhiệt thì thấy tôi hớt hải như ma đuổi đến cổng, liền chống gậy xuống đón tiếp.

"Cậu trông mệt quá, có gì vào nhà làm chén trà."

Dường như ông đã lường đến việc tôi sẽ đến thăm nhà từ lâu nên đặc biệt đun một ấm trà to, mùi trà thoang thoảng trên từng bậc thềm đi lên gian chính. Tôi không từ chối, chỉ ngoan ngoãn theo sau ông cụ.

Gian phòng đón khách rộng miên man, già làng nói nơi đây còn được dùng làm phòng sinh hoạt của làng mỗi khi có chuyện gì hệ trọng.

Tôi đúng theo quy trình phỏng vấn hỏi ông mấy câu về làng, cũng như về thiên tai, bão lũ. Ông hớp một ngụm trà xong cũng trả lời thẳng thắn chẳng giấu diếm gì.

Làng Trung Khúc dân số chưa đến trăm người, giống như một gia đình lớn. Mọi hộ dân ở đây đều quen biết nhau, trẻ con trong làng cũng cùng nhau lớn lên. Do làng vẫn chưa thoát khỏi cái nghèo nên lứa trẻ không được học hành, không biết chữ, sau này định hướng theo bố mẹ chúng đi đánh bắt hải sản, vịn vào cái nghề ấy mà nuôi sống gia đình đến cuối đời.

Ông cụ là một trong vài người biết chữ trong làng, và còn vì tuổi tác đã cao nên được tôn làm già làng. Vợ ông đã mất nhiều năm về trước, để lại một thân già trong căn nhà cô quạnh.

Ở đây độc tôn cái nghề làm thuyền thúng câu mực và hải sản nhỏ, khuya đi sớm về. Làm lụng vất vả quanh năm suốt tháng, dựa vào thiên thời địa lợi để kiếm cái ăn. Tuy nghèo khó nhưng người làng luôn đùm bọc nhau, tình nghĩa xóm làng khăng khít, bền chặt.

Làng chài nằm eo biển nên hay gặp thiên tai, nhất là bão. Tuy nhiên Trung Khúc từ khi dựng ban thờ vị thần trấn thiên tai của làng thì bão ít hơn hẳn, trả lại cho làng sự yên bình hiếm có. Vị thần ấy thiêng lắm, người dân nào trong làng cũng có ít nhiều sự tôn quý thay nhau dâng thần hoa quả thức ăn đầy bàn, hương khói chẳng khi nào tắt.

Trận bão lần trước là một sai sót cực kì đáng trách. Nó càn quét cả nhà cả ruộng vườn ít ỏi, làm cho rất nhiều người rơi vào cảnh túng quẫn nghèo nàn. Giá như họ tìm cách cầu khấn thần sớm hơn để thần không nổi giận mà dồn họ tới bước đường này...

Sau khi hỏi hết những gì cần biết, tôi ghi lại thật súc tích và đầy đủ vào tờ giấy mình mang theo. Ông cụ hơi thần người nhìn ra ngoài cửa sổ, ánh mắt đăm chiêu nhắm vào ngôi mộ vẫn nằm gọn ghẽ, trong lòng như đang suy nghĩ điều gì.

Tôi vốn không định hỏi thêm chuyện vì từng này thông tin cũng đủ để lên bài quyên góp rồi. Tuy nhiên miệng lại không tự chủ được mà nói ra toàn bộ những suy nghĩ của mình đêm qua.

"Cụ ơi, cháu có thể hỏi về..."

Thấy tôi tự dưng lắp bắp, ông già làng ngồi tựa vào lưng ghế, đầu hơi nghiêng ra chiều chất vấn.

"Cậu nói đi."

"Về vị thần của làng mình không ạ? Sự tích vì sao làng mình lại thờ vị thần đó ạ?"

Ông cụ hơi sững sờ dựng thẳng cả người dậy, đôi mắt như xoáy thẳng vào tâm trí tôi. Tôi còn chưa hết rùng mình thì ông đã chống gậy đứng lên, một tay day day huyệt thái dương đau nhức.

"Chuyện đó..."

"Âu cũng là... cái nợ, nỗi ô nhục của làng này..."

Câu nói như chứa đựng sầu thương của cả một kiếp người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro