1. Đêm trên biển

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vào một đêm trăng sáng, thuyền chúng tôi sắp sửa cập bến hòn đảo Trung Khúc đẹp như tranh trong truyền thuyết.

Anh Nỗ từ trong buồng mắt nhắm mắt mở đi ra, vội khều nhẹ tay tôi trách cứ.

"Thằng này đáo để thật, thuyền đến đảo rồi mà không gọi anh. Suýt thì để lỡ mất cảnh đẹp trăm năm có một rồi đấy."

Đứng trên thuyền, chỉ cần hơi nâng tầm mắt hướng ra xa là thấy một thân đảo ôm trọn đường chân trời, hàng cây phi lao ẩn hiện nơi màn đêm âm u tĩnh mịch, tỏa ra sắc xanh rợn ngợp quyện cùng màu cát bạc huyền ảo tựa cổng thiên đường. Sóng vẫn rì rào vỗ bên mạn thuyền, từng lớp dập dìu đưa chúng tôi đến sát bờ hơn. Ngọn đèn lập lòe từ mấy chiếc thuyền thúng bắt mực làm tôi bất giác quay sang anh Nỗ.

"Ngư dân câu mực đấy hả anh?"

"Ừ, mực ở đây ăn ngon lắm đấy chú ạ. Người ta gọi là mực nháy vì khi câu lên vẫn còn tươi, phần thân nhập nhòe như đèn vậy. Chú ăn bao giờ chưa?"

Tôi lắc đầu, đoạn lại hỏi.

"Trông cái thuyền lắc lư thế kia, kể mà gặp đợt sóng to chắc cũng nguy khốn anh nhỉ."

Anh Nỗ cười phá lên trước câu hỏi ngây thơ của tôi.

"Người ở đây cầm mái chèo như chú cầm bút ấy." - Song anh chặc lưỡi - "Âu cũng là cái nghề, không chấp nhận sinh nghề tử nghiệp thì cả gia đình người ta lấy gì mà sống."

Nói đến đấy, anh Tuấn bỗng từ đâu đi ra khẽ ho một tiếng.

"Làng Trung Khúc thì đẹp thật cơ mà dân ở đây nghèo đến xơ xác cả ra. Mới hai tháng trước, bão đi ngang qua eo biển làm phân nửa nhà trong làng sập hết, đến giờ có khi dân làng vẫn phải ăn nằm trong mấy túp lều dựng tạm bợ. Tí các chú đến mà dân làng có nhờ gì thì nhớ giúp người ta, với cho mấy nhà có con nhỏ một ít tiền phòng thân, nghe chưa?"

Anh Tuấn là anh cả trong nhóm chúng tôi. Dáng người nhỏ thó, gầy gò, lại hay ốm vặt nhưng anh mà đã nói gì là cả nhóm nghe theo răm rắp. Đến cả anh Nỗ hay hùng hồn là thế, mỗi lần nghe thấy tiếng anh Tuấn thì ngay lập tức gật đầu một phép, không dám ho he gì hơn.

Thực ra chúng tôi kính trọng anh Tuấn còn vì một lí do khác. Anh hiểu nhân sinh, thế thái, kinh nghiệm viết lách cũng nhiều nhất. Ban đầu anh còn từ chối nhận chức vị Trưởng ban biên tập của tòa soạn, ấy thế nhưng do chúng tôi cứ nài nỉ mãi, còn lấy cả cớ nghỉ việc ra dọa anh, anh mới đành thở dài chấp nhận. Tuy nhiên đó là chuyện của mấy năm về trước.

Bước thêm một bước, tâm tôi hơi xao xuyến khi ánh mắt lưu trữ hình hài toàn vẹn của Trung Khúc. Lung linh huyền ảo như vậy, cớ sao quá đỗi đìu hiu?

Tự nhiên tôi ngờ ngợ.

"Anh Tuấn, anh Nỗ, hôm trước em có nghiên cứu một chút về Trung Khúc thì không có quá nhiều tài liệu, chỉ có một lưu chú là làng có khá nhiều tập tục lâu đời. Anh em mình nên hỏi dân làng trước để có gì còn ứng biến."

"Đúng đấy anh ạ, dù sao mình cũng là người ngoài. Đã đi mấy trăm dặm đến đây rồi mà để người ta đuổi về thì chết."

Anh Nỗ đùa giỡn một câu, nom mặt anh Tuấn nghiêm túc thì rụt cổ lại.

"Chúng ta còn thời gian rảnh rỗi ở đây, chi bằng hỏi bác lái thuyền cho rõ sự tình. Bác cũng là người làng mà. Thành lấy giấy bút để ghi nhé, lỡ đâu thu được mẩu chuyện nào thú vị."

Tôi lấy mẩu giấy note từ trong túi áo khoác rồi theo hai anh đến đuôi thuyền. Bác lái tàu râu tóc đã bạc một phần, ánh mắt vẫn sáng như sao dẫu cho tuổi tác đã ngoại tứ tuần. Thấy anh em tôi tập trung hết về hướng này, bác nghiêng đầu hỏi dò.

"Sao lại ra đây thế? Có chuyện gì à?"

"Dạ không có gì, chúng cháu muốn hỏi một vài chuyện trước khi lên đảo thôi ạ." - Anh Tuấn mở lời - "Bác ơi, làng mình có truyền thống hay tập tục nào khách ngoại lai phải tuân theo không ạ?"

Ông già trầm ngâm một lúc.

"Tập tục à? Làng này sống còn khó sống, lấy đâu ra tập với chả tục..."

Anh Nỗ nhéo nhẹ tay tôi một cái làm tôi không khỏi rùng mình xót xa.

"À, vậy..."

Suy nghĩ một hồi, bác mới ngẫm ra chuyện gì, hai tay nhăn nheo xoa xoa vào nhau.

"Nói có thì cũng có, mỗi tội chuyện này từ lâu đời lắm cơ. Tôi hay đi xa ít khi về làng nên cũng chẳng tin lắm, mà dân trong đó kháo nhau nhiều chuyện thần hộ pháp trấn thiên tai gì đó... Ông thần này được xây gian thờ ngay gần bờ biển, ấy thế mà trước bị trẻ con nhà nào nghịch ngợm lấy cái dây chuyền treo trên tấm bia thần đi."

"Ngư dân được cả phen náo loạn đi tìm vật bị mất, ầm ĩ nửa tháng trời mới tìm được dưới gối thằng bé nhà ở đầu làng. Dù đã đeo lại vào vị trí cũ, song thần vẫn cuồng nộ giáng thiên tai xuống. Chính là trận bão hai tháng trước nãy các cậu nhắc tới đấy."

Bác phẩy tay.

"Đó là người làng bàn nhau vậy, chứ các cậu biết đấy, chúng tôi ít học nên quanh năm lấy thần thánh làm điểm dựa thôi. Đúng sai thế nào cũng chẳng rõ nữa."

Anh Nỗ tò mò hỏi thêm.

"Vậy sự tích vị thần này ra sao ạ? Bác có thể kể kĩ hơn một chút được không ạ?"

Người bên cạnh suồng sã là thế nhưng anh Tuấn lại điềm tĩnh và tập trung nghe ông già kể, tiện nhìn sang phía tôi ra dấu. Tôi liền lấy giấy bút ra chuẩn bị ghi chép.

"Hừm, về chuyện này tôi cũng không rõ... Chắc là các cậu phải tìm đến già làng ở đây rồi."

Cả ba người chúng tôi đều ỉu xìu. Tôi định bụng nhét giấy note vào túi quần thì bác lái thuyền đằng hắng.

"Khi đến thì nhớ đi thắp hương vị thần bảo hộ làng. Còn nữa, muốn sang nhà hỏi chuyện già làng thì đi một người thôi, đừng đi đông. Nhất là đừng cử cậu này đi," - Bác chỉ tay vào anh Nỗ - "Già làng không thích náo nhiệt, lại càng không thích người nói nhiều. Rõ rồi chứ?"

Chúng tôi gật đầu, ông già mới yên tâm lái tàu tiếp. Chiếc tàu thẳng lái đi về phía hòn đảo đứng cô độc giữa trời và biển, bên mạn còn phảng phất câu hò của mấy người câu mực đêm.

"Ngờ đâu mà duyên trời sớm dứt, đêm em nằm tấm tức lụy nhỏ tuôn rơi

Vì ai mà mang tiếng chịu lời

Đôi đứa mình xa cách, bởi ông trời mà xa."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro