16. Ly biệt

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Dì Nguyệt bảo là đến cuối tháng này con sẽ được lên tỉnh học phải không ạ?"

Mạnh đang cố quên sự lo sợ sắp sửa đến ngày phải xa con thì thằng bé lại xát muối vào vết thương lòng của gã.

"Nào, không được nhắc đến nữa. Kẻo bố nhỏ con nghe lại đau lòng."

Mặc dù chẳng người nào dám gợi lại câu chuyện trong bữa cơm, bầu không khí trong nhà ai nấy đều buồn rười rượi. Thấy hai bố rầu rĩ như mất sổ gạo, Quang cũng không vui được mấy hồi. Biết là vẫn có thể về thăm hai bố vào cuối tuần song sống ở đây đã hơn mười hai năm cuộc đời nên cậu bé vẫn không tránh khỏi nhung nhớ.

Tuy vậy nó vẫn phải gắng gượng mà an ủi bố.

"Bố nhỏ ơi, con sẽ năng về thăm bố mà. Hay hai bố có buồn thì lên với con cũng được."

Chưa ai kịp nói gì thì Minh Nguyệt đã đạp cửa xông vào nhà.

"Tình hình là có lẽ phải đẩy lịch lên tỉnh cho thằng bé một chút. Cuối tháng bão cập đảo, nếu muốn đi lúc đó thì có hơi nguy hiểm."

Em đứng bật dậy.

"Vậy thì... đẩy lên bao giờ?"

"Chắc là cuối tuần sau khởi hành luôn."

Nhật Quang phải tiến lên mấy bước để đỡ bố nhỏ vì trông bố nó như sắp ngất đến nơi. Bố lớn ngồi thần cả người ra, sắc mặt lập tức chuyển tái xám.

"Kìa kìa, sao thế?" - Cô Minh Nguyệt cũng thoáng giật mình.

Em gần như nấc lên.

"Hay là... chị xem xét thế nào lùi lịch được không? Chứ thế này gấp quá, bọn... bọn em chưa kịp chuẩn bị gì cho con..."

Minh Nguyệt chỉ đành lắc đầu.

"Không được, hết tháng này là trường không nhận học sinh nữa. Với cả trên đó không thiếu thốn gì nên không cần mang nhiều thứ từ nhà đi đâu."

Câu nói của cô Nguyệt như một cú đánh váng trời dội vào tai ba người. Từ khi nghe câu ấy, em và gã không thiết ăn uống cũng không muốn đi ra khỏi nhà nữa, chỉ mong có thêm ít thời gian với con. Minh đi ra chợ mua sơn hào hải vị về nấu, Mạnh ngồi chỉnh trang hành lý của thằng bé, đi qua đi lại mấy lần kiểm tra đến không còn thiếu gì mới miễn cưỡng hài lòng.

Đêm trước ngày lên đường Nhật Quang nhớ bố nhỏ nó dặn dò rất nhiều điều.

"Lên tỉnh phải cẩn thận, trên đó nhiều người xấu, có gì phải nhường nhịn người ta nghe con."

"Học hành vất vả nhưng vẫn phải ăn uống đầy đủ và tự chăm sóc mình. Có ốm đau gì hay bị ai bắt nạt phải báo cho dì Nguyệt biết, không được giấu nhé."

"Phải chăm học chứ không được ham chơi nhen."

"Mùa đông phải nhớ khoác cái áo len đỏ bố đan, mấy thứ áo khác mỏng bố không yên tâm."

"Dì Nguyệt yêu thương con nhưng dù sao cũng là phận đàn bà con gái, việc nào làm được giúp dì thì làm. Có dì ở đó cũng như có hai bố, nhớ phải quan tâm săn sóc dì nhiều, Quang nhé."

Ngược lại với em, Mạnh không nói gì nhiều mà chỉ im lặng nhìn con. Nhiều năm trôi qua như vậy Nhật Quang cũng bắt đầu hiểu chuyện hơn rồi. Thanh âm lanh lảnh của bé con ngày xưa suốt ngày bám chân gã đòi bắt bạch tuộc cùng những trò nghịch ngợm của hai bố con cứ văng vẳng trong đầu gã.

Rồi gã - người bố lớn mạnh mẽ chưa bao giờ tỏ ra yếu mềm trước mặt con - bất lực nức nở khóc. Mười hai năm nuôi bé con chính là quãng thời gian yên bình hạnh phúc nhất trong quãng đời trôi dạt của gã. Thằng bé không chỉ là tình thương mà còn là kết tinh gia đình của gã và em. Quang lớn lên mang theo tình yêu và tình thân của hai người ngày càng khăng khít chặt chẽ lại.

Bé Quang thấy bố Mạnh khóc cũng không kiềm được đau đớn mà chui vào lòng bố trốn như hồi nhỏ. Chỉ khác là, ngày nhỏ nó còn có bố che chở, nay mai nó phải trưởng thành để che chở cho bố.

Sáng sớm ngày Nhật Quang rời quê hương, mưa rơi rả rích trên mặt biển, tiếng chim hải âu bay đi kiếm chỗ trú toát lên màu bi thương. Minh dúi cho con một tập tiền bọc trong giấy báo cũ, đoạn sụt sịt cầm tay thằng bé bịn rịn mãi.

"Đây là ít tiền mấy năm nay bố và bố lớn tích góp cho con. Dù không nhiều nhưng con cứ cầm cho hai bố vui vậy. Nhớ không được bỏ bữa, đồ có thiếu thì lấy tiền mua thêm, nha con."

Và đưa cả cuốn sổ đã cũ đi cùng chiếc bút.

"Còn đây là đồ ngày xưa bố Mạnh mua cho bố, giờ đây giao cho con. Sổ đã dùng một ít rồi, mà mấy trang cuối còn trống trơn đấy. Nhìn vật như nhớ người nghen con."

Gã cũng lau nước mắt.

"Lên đó bố lớn không bảo vệ con được, con phải nhớ tự chăm sóc mình cho tốt. Hết mùa bão này, hai bố rảnh sẽ lên thăm con."

Thằng bé gật đầu rồi quay đi vội, chỉ sợ mình ở lại thêm bao nhiêu thì hai bố sẽ buồn lòng bấy nhiêu. Minh Nguyệt vỗ vai người ở lại.

"Không sao, chị sẽ nuôi con béo tốt phổng phao để trả lại cho em."

Minh ngậm ngùi. Cả gã và em đều biết thằng bé lần này không hẹn ngày về, bởi lẽ học hành xong nó cũng sẽ ở trên tỉnh lập nghiệp luôn chứ cần gì trở về nơi chốn quê nghèo nàn vất vả này nữa. Biết tàu sắp khởi hành, gã phải thay em nói lời tạm biệt.

"Thôi hai dì cháu đi đi kẻo trễ. Có gì khó khăn nhớ tìm đến bọn tôi đấy, Minh và tôi sẽ cố hết sức giúp đỡ."

Đến lúc tàu đi nổ máy đi được một đoạn rồi mà hai người vẫn đứng thần người ở bến cảng. Cuối cùng chẳng ai bảo ai, hai bóng đen lùi lũi trở về nhà, trông thấy cái giường nhỏ kê sát chõng của bé con liền ôm lấy nhau mà khóc nức nở. Ngôi nhà mười hai năm từng vang lên tiếng khóc cười của trẻ con đột nhiên trở nên cô quạnh đến lạ.

Khoảng đất trống trước nhà ngày xưa Nhật Quang hay chơi đùa dần bám bụi, đến mấy cây dại xung quanh từng làm bạn của bé cũng như đau lòng mà héo hon. Mạnh nhớ em bé ngoan ngoãn gọi tất cả đồ vật nho nhỏ là bạn: Bạn bạch tuộc, bạn vỏ ốc, bạn cây, bạn rổ, bạn khăn... làm cho gã cũng bị lây theo, chỉ cần nói "đi bắt bạn bạch tuộc" thể nào cũng kéo được bé đi cùng. Hai bố con đi dọc theo bờ cát, bé chuyên môn nhảy lên mấy con sóng bạc đầu, rồi bỏ chạy để bố phải đuổi theo.

Đồ đạc của bé bị dọn đi hết cả, Minh cũng chỉ giữ lại một cái áo sơ sinh mười hai năm trước em đích thân đan để nhớ có một sinh mệnh nhỏ bé từng sống ở đây. Hồi Nhật Quang chưa tròn một tuổi, em không biết chơi với trẻ con nên bé toàn khóc với bám dính lấy Mạnh. Đến đêm em có thể len lén ôm con ngủ song con hay tỉnh giấc giữa đêm, em phải hát ru mãi con mới quen hơi mình.

Trận bão sắp tới ở Trung Khúc dường như cũng không chiều lòng người. Mây đen ầm ầm kéo đến chực chờ báo hiệu trước một tai họa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro