04. Hoa đào sương muối

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cái Thục có bầu nên không tiện ở phòng cũ tận tầng ba; cậu Hách nói chuyện với cha mẹ rồi nhường phòng mình cho cái Thục dọn xuống, bản thân cậu thì chuyển sang phòng đối diện phòng thầy Hưởng. Có một cách bớt cồng kềnh hơn là cậu có thể sang ở chung phòng với thằng Hải nhưng cậu lại không thích; cậu cho rằng mình nên nhân cơ hội này mà chiếm đoạt luôn căn trọ trống kia, từ đó cha mẹ sẽ không kiếm thêm người lạ vào thuê nữa.

Thật ra thì việc chuyển sang căn phòng không điều hòa nọ cũng chỉ là hình thức thôi, đằng nào cậu chẳng phải đi làm từ sáng đến chiều rồi tối lại ngủ chung với thầy Hưởng. Bởi vì nghĩ như thế nên đến cả cái nệm nằm cho ấm mà cậu cũng không thèm kê, chỉ lót qua loa hai lớp chiếu cho có.

Thầy Hưởng nói khó tính thì đúng là khó tính thật, nhưng nếu nói dễ tính thì cũng không sai một chút nào. Thầy rất hay nhăn nhó, đến cả những chuyện lông gà vỏ tỏi nhất mà thầy vẫn soi ra lỗi để phê bình cho bằng được. Thế mà dù thầy có làm ra vẻ tủn mủn đến đâu thì thầy vẫn không từ chối cậu Hách qua ngủ nhờ phòng mình. Cậu Hách biết thừa ấy chứ, không có mình thầy cũng buồn chết mẹ.

Cũng nhờ sự dễ tính của thầy Hưởng mà cả gia đình cậu Hách được đỡ đần nhiều thêm một chút. Hoặc nói đúng hơn là tại cả nhà cậu chẳng có ai có được cái tính cách hoàn hảo như Closeup Lửa Băng của thầy. Nhà cậu người thì lạnh quá người thì nóng quá, người thì có uy người thì ngậm bồ hòn; thành ra việc chăm sóc cái Thục phải nhờ có một tay thầy Hưởng thì mới suôn sẻ như thế.

Cái Thục bầu mới được ba tháng, một thời gian dài cứ nghén lên nghén xuống, những món xưa giờ nó thích ăn thì nuốt không trôi - mà những món nuốt trôi giữa trời đông rét buốt này thì lại khiến nó bị đầy bụng khó tiêu. Thấy con gái bầu mà không ăn được bao nhiêu thì mẹ cậu cũng lo lắm chứ, mà con người hay lo thì sẽ hay than. Lúc thầy Hưởng đi dạy thì mẹ sẽ than "ôi cái số tôi sao mà khổ thế", "ôi cái phận đàn bà sao mà đau đớn thế", chứ thầy Hưởng mà về đến nhà là mẹ tắt đài ngay.

Âu cũng là vì từ khi cái Thục ôm bụng về thì thầy Hưởng bênh nó chằm chặp, chuyện gì thầy cũng bênh cho bằng được, bênh đến độ cậu Hách còn thấy ngứa hết cả tai. Tháng đầu tiên nó bầu là tháng mà mẹ cậu ủ dột nhất, nguyên một tuần liền đêm nào cũng nằm khóc rưng rức vì con gái mình số khổ quá, mà con cái đã khổ thì cha mẹ cũng sướng đâu nổi. Khóc lóc xong xuôi thì lại quay sang quở trách cái Thục tự đâm đầu vào cái khổ, và lúc này là lúc thầy Hưởng ra mặt để bênh cái Thục bằng mấy bài diễn văn dài cả tiếng đồng hồ trong suốt mấy tuần liền.

Thật ra lần này thì cậu Hách lại thấy thầy Hưởng sai còn mẹ mình mới đúng. Đã xác định làm mẹ đơn thân một cách bất ngờ không lường trước được như thế này thì phải chấp nhận là bản thân sẽ vất vả chật vật hơn người khác một chút. Huống hồ gì cái Thục tiền lương một tháng còn chưa bằng một nửa của cậu, tính cách cũng quá vô tư và phóng khoáng; đùng một cái tự dưng chửa không chồng, muốn sướng thì ít nhất cũng phải chịu khổ hai chục năm cái đã.

Thầy Hưởng thì thầy chẳng cho phép ai được đề cập đến chữ "khổ" trước mặt cái Thục bao giờ; thầy bảo cứ để cái Thục dưỡng thai cho tốt, khổ hay không khổ thì tự mẹ bầu biết trong lòng. Thời đại nào rồi mà còn lo chửa không chồng sẽ khổ, khổ hay không còn phải xem bản thân mình có tư duy như thế nào, người nhà mình đối xử với mình ra sao (và cậu Hách thì không đồng tình với thái độ này cho lắm).

Bởi vì có sự hiện diện của thầy Hưởng trong nhà nên mẹ cậu mới bớt nóng giận vô cớ, thậm chí còn bớt trách móc than vãn hơn một chút. Trách móc trong vô thức là bản tính của nhiều người, có khi sinh ra họ đã làm gì có cái bản tính đó - nhưng trong quá trình lớn lên, họ lại quen với việc khi người ta thấy khổ thì người ta sẽ phải lôi đầu người khác ra để đổ vạ. Đổ vạ thế thì không bớt khổ, chẳng qua nó chỉ khiến con người thấy nhẹ lòng hơn vì họ tự huyễn hoặc rằng mọi sự xảy ra không phải tại mình.

Và thế là mẹ cậu chỉ có thể than vãn với cha khi đêm đã muộn. Tháng đầu tiên thì than chuyện con gái khổ vì chửa không chồng, tháng thứ hai thì than chuyện cái Thục bầu mà lại sút cân, tháng thứ ba thì lại than chuyện ốm nghén. Cha sẽ chẳng nói gì mà yên lặng nằm nghe mẹ than, sau đó sáng ra thì đi mách lẻo với thầy Hưởng.

Khổ quá, mẹ than với cha thì cha cũng có nhu cầu than với người khác chứ!

Chỉ có thầy Hưởng là chẳng có nhu cầu than với ai, đêm nào cũng ngủ ngon, sáng nào cũng dậy vươn vai sảng khoái. Nhiều khi Hách cũng thấy phiền muộn hộ người ta, cậu xưa giờ không chịu nổi cảnh người khác cứ than vãn vô ích bên tai mình. Ấy thế mà thầy Hưởng chịu đựng giỏi thật, cậu còn lấy làm ngại hộ cha mẹ mình ấy chứ.

Ốm nghén mỗi người một kiểu, như cái Thục là nghén hơi muộn rồi, thầy Hưởng hỏi nhiều người mà vẫn không rút ra được thực đơn nào hợp lý nên chỉ đành mua hoa quả thật nhiều cho cô Thục bồi bổ. Cứ thế sáng ra thì thầy nghe cha cậu than vãn đôi câu, sau đó thầy lại ung dung đi làm như thể chưa có chuyện gì xảy ra, tan làm về nhà kiểu gì cũng xách theo một bọc hoa quả trông rõ là đầy đặn.

Cậu Hách trông thế mà lại ghen tị ra mặt, đâu phải mỗi cái Thục khó tiêu, mẹ nấu đồ ăn chiều theo khẩu vị của nó nên giờ cậu cũng táo bón gần chết rồi đây này! Thầy Hưởng quan tâm em gái mình thì dĩ nhiên cậu biết ơn còn không hết, nhưng mấy hôm trước cậu đã "nhắc nhở" thầy Hưởng là mình đang bị táo bón rồi cơ mà, sao thầy vẫn không biết đường mua hoa quả cho cậu ăn? Vốn dĩ thầy Hưởng làm gì cũng chu đáo lắm, cậu tìm không ra chỗ chê - thế mà bây giờ thầy Hưởng làm gì cậu cũng chỉ muốn chê.

Hoa quả trái mùa có hơi đắt hơn một tẹo, bản thân cậu Hách cũng không phải người tiếc tiền không dám mua - nhưng đồ người khác mua cho thì dĩ nhiên ăn kiểu gì cũng sướng miệng hơn rồi. Nghĩ thế nên cậu lại giở cái giọng đành hanh, nhắc khéo không xong thì chỉ đành nói thẳng:

"Tôi bảo tôi bị táo bón mà thầy không mua hoa quả cho tôi à?"

"Cả tuần nay ngày nào tôi cũng mua một bó rau rõ to về cho bác gái nấu ăn rồi còn gì? Cậu Hách không chịu ăn rau đúng không?" Đèn đã tắt được nửa tiếng đồng hồ, Hưởng cũng nhắm mắt được một lúc rồi nhưng nghe cái giọng đành hanh này mà không trả lời cho đàng hoàng thì cậu Hách còn lanh lảnh đến sáng.

"Sao thầy qua loa thế, chẳng có tí gì gọi là tấm lòng cả! Mỗi rau xanh thì thấm vào đâu, mấy bó rau thầy mua cả nhà tôi ăn chứ đâu phải mình tôi!"

"Tấm lòng của tôi mà cậu Hách lại đo bằng hoa quả với rau xanh à? Tôi buồn đấy."

"Tôi cũng buồn", cậu Hách ấm ức vô cùng, "Nhưng là buồn ỉa mà không ỉa được!"

Hưởng nghe mà đau hết cả tai, lật người sang một bên cái "oạch", dí đầu Hách vào sâu trong chăn cho khỏi lèm bèm vớ va vớ vẩn:

"Nói linh ta linh tinh! Ngày mai tôi mua hoa quả cho cậu Hách ăn là được chứ gì?"

Nghe cứ chống chế y chang mấy câu "xin lỗi, được chưa" vậy, cậu Hách tức giận lật chăn nhảy ngay xuống giường. Chưa bao giờ cậu thấy đau lòng như lúc này đây: thầy Hưởng xưa kia luôn âm thầm quan tâm đến cậu nay đã không còn nữa rồi! Từng bước đi của cậu mà đem ra so với máy đục bê tông nhà hàng xóm thì còn chưa biết bên nào nặng đô hơn, ấy thế mà thầy Hưởng vẫn chưa thèm tỉnh ngủ.

Mãi đến khi cậu dùng dằng đến cửa thì thầy Hưởng mới chịu trở mình. Chao ôi, tức mà tức đến mức thở không thông.

"Cậu Hách đi đâu đấy?" Giọng Hưởng vẫn còn ngái ngủ chán.

"Về phòng."

"Phòng cậu đã trải nệm đâu?"

"Để tôi nằm bơ vơ trên mặt gỗ trần trụi mà lạnh đến chết luôn cũng được!" Cậu Hách thủng thẳng đáp lời, tiếng đè tay gạt cửa vang lên cành cạch rõ chói tai.

Chết chết chết, sợ chưa sợ chưa? Nói thế này thì hết ba đời nhà thầy Hưởng vẫn không hết sợ. Hưởng đành bất đắc dĩ chui ra khỏi chăn ấm nệm êm mà kéo con người đang ngúng nguẩy trước cửa vào phòng:

"Thôi nào, cậu đừng dỗi vớ vẩn. Lên đây ngủ với tôi cho ấm."

Chất giọng vừa dày vừa trầm của thầy Hưởng nghe mê gần chết. Nhưng đàn ông con trai vai năm tấc rộng thân mười thước cao như cậu Hách lại thà chết vì táo bón còn hơn là chết vì mê giọng thầy Hưởng.

"Ngủ với thầy thì sao, tôi có hết táo bón được đâu?"

Hưởng vẫn kiên trì lôi cho bằng được cậu Hách lên giường, vùi đầu cậu Hách vào chăn rồi mới trả lời:

"Mai tôi mua hoa quả cho cậu Hách. Mua cho đến khi nào cậu Hách tiêu chảy thì thôi."

Người ta đỏ mặt vì mấy câu trêu chọc đưa đẩy, cậu Hách lại đỏ mặt vì thầy Hưởng bảo sẽ mua hoa quả cho cậu ăn đến tiêu chảy.

Ôi, đắp chăn cùng thầy Hưởng ấm thật. Ấm từ trong lòng ấm ra.

Cậu cười khà khà, vùi đầu vào vai thầy Hưởng, vui vẻ vắt tay ngang bụng người ta mà ngủ. Hưởng cũng không buồn hất tay người ta ra nữa, quen lắm rồi, mệt lắm rồi. Ở với cậu Hách lâu dài không sớm thì muộn Hưởng cũng tiền đình ra, nhưng anh cũng chẳng có gan mà đuổi ông trời con nhà người ta sang phòng khác nằm.

Vậy nên là vẫn phải nuôi cậu Hách. Nói "nuôi" nghe cho oai vậy thôi chứ cũng chỉ là thồn cho cậu mỗi ngày nửa cân hoa quả. Mà Hưởng ta hơi bị ác nhé, mua chừng nào là bắt cậu Hách há mồm ăn hết chừng đó, không có chuyện ăn một nửa còn một nửa cất tủ lạnh. Đây là "tấm lòng" của nhà giáo Lê Minh Hưởng mà, nhà giáo không cho phép người nhận cất "tấm lòng" của mình vào tủ lạnh.

Thế là no lòi bụng cậu Hách, lần sau cái Thục mà bầu phát nữa thì cậu Hách khỏi đành hanh.

Mà thực ra cậu Hách đâu có định để thầy Hưởng nuôi ăn hoa quả suốt mấy tháng liền. Cậu biết lương giáo viên bèo bọt lắm, thầy đã chăm cái Thục rồi thì thôi đi, đằng này còn chăm luôn cả mình. Cậu Hách thích được nịnh, thích được dỗ dành, cậu định làm mình làm mẩy tí rồi thầy Hưởng nói vài câu ngọt ngọt là cậu ngủ ngon ngay. Chẳng qua tại thầy Hưởng chẳng mấy khi nói suông mấy lời đường mật, chắc chắn sẽ làm thì thầy mới nói, mà có khi thầy làm mà thầy cũng im ỉm chẳng nói gì ấy chứ.

Bởi thế nên cậu Hách vừa ăn vừa khóc trong lòng nhiều chút. Chẳng mấy khi thầy Hưởng "thương" mình thế này đâu, mình phải tranh thủ cảm nhận bằng hết, không thì phí lắm!

Thầy Hưởng nhiệt tình quá, mãi hơn một tháng sau cậu Hách mới có biểu hiện gần giống tiêu chảy.

May thật, cậu Hách ngán ăn hoa quả lắm rồi. Cách vài ngày ăn mấy miếng còn thấy ngon chứ ngày nào cũng ăn nguyên cả quả dưa lưới thì bụng nào chứa cho nổi. Thế mới thấy cái Thục ăn cũng khỏe ra phết, tuy ốm nghén không ăn được nhiều thứ nhưng vẫn tiêu thụ bằng sạch miệt vườn mà thầy Hưởng mang về.

Nói là sợ ăn hoa quả nhưng cậu Hách vẫn biết ơn thầy Hưởng lắm, suy nghĩ mãi vẫn không biết nên chọn quà gì cho thầy mang về quê ăn Tết cùng gia đình. Thầy Hưởng dẫu sao cũng ở cùng nhà mình cả chục năm, nhắc đến chuyện quà cáp cậu lại thấy sao mà khách sáo quá - vì giờ đây ai cũng xem thầy như người trong nhà. Nhưng chẳng lẽ lại vì thế mà không có quà cho thầy, người ta biết lại bảo sao bụng dạ cậu Hách lạnh lùng vô cảm thế thì chết.

Cậu Hách vì vấn đề nghĩ quà Tết cho thầy Hưởng mà hao tâm tổn trí vô cùng, đêm đến cũng không tài nào ngủ ngon nổi. Phải nói bình thường cậu ngủ ngon lắm, lí do là vì thầy Hưởng... thơm, ngủ cạnh thầy đê mê gần chết ấy chứ. Bây giờ thầy Hưởng càng thơm cậu Hách càng tỉnh, tỉnh vì nghĩ mãi không ra quà gì thì hợp với kiểu người trong nóng ngoài lạnh như thầy Hưởng nhà mình. Hợp là một chuyện thôi nhé, người ta có thích hay không mới là chuyện bự hơn nữa kia kìa.

Mãi cho đến khi cậu Hách bị Ban Giám đốc chỉ mặt điểm tên đi công tác đầu năm dương lịch, cậu mới vô tình chọn được quà cho thầy Hưởng nhà mình. Tính tình cậu Hách trước nay phải gọi là hồn nhiên lắm, ít khi phải đau đầu nghĩ tặng quà gì cho người khác; bây giờ đã đến tuổi làm chú làm bác mà vẫn không thay đổi tẹo nào. Đi qua vườn đào thấy thinh thích, thế là cậu chọn luôn đào làm quà. Nghĩ nhiều mệt óc, thế thôi! Quan trọng nhất vẫn luôn là tấm lòng.

Hách tấp vào vườn đào lượn hết nửa buổi chiều, lần đầu tiên trong đời thấy hoa đào sương muối tận mắt nên cậu hào hứng lắm; trước giờ đào chở xuống thành phố là đã chẳng còn tí hơi thở núi đồi nào nữa, bao nhiêu sương muối cũng đã tan hết từ lâu. Tiếc là mẹ cậu xưa giờ chỉ mua quất trưng Tết (vì thầy bói bảo màu quả quất hợp mệnh gia chủ) nên cậu chẳng có cơ hội chơi đào bao giờ.

Không sao, không cần phải tiếc; nhà mình còn thầy Hưởng nữa kia mà.

"Thầy Hưởng ơi, thầy bảo hai bác dưới quê đừng mua đào mai quất nữa nhé! Tôi nhắm được một cây đào đẹp lắm, búp nhung nhúc trên cành lại còn đọng sương muối đẹp cực kì!"

"Búp hoa chứ có phải sâu đâu mà cậu bảo nó nhung nhúc. Vả lại hoa đào bị đọng sương muối thì còn nở được nữa không?" Hưởng một tay cầm điện thoại, một tay vẫn cần mẫn chấm bài, nụ cười trên môi không biết phải giấu vào đâu thì đồng nghiệp mới nhìn không ra.

Cậu Hách khí thế trả lời:

"Người bán cam kết nở, không nở đền tiền gấp đôi."

Thầy Hưởng bật cười, khoanh vòng vào lỗi chính tả cơ bản trên bài kiểm tra của học sinh, không buồn từ chối tấm lòng bao la của cậu chủ nhà trọ nữa:

"Cậu Hách đừng để người ta lừa."

"Dân trồng đào trước giờ chỉ sợ hoa nở sớm mất mùa, tôi chưa thấy ai sợ đào không nở cả."

Nói rồi cậu Hách cúp máy, vội vội vàng vàng cứ như thể sợ nói thêm câu nữa là thầy Hưởng lại chối không nhận quà. Xưa nay cậu Hách hiếm khi cúp máy trước lắm, toàn là thầy Hưởng thấy đau đầu nên ậm ừ rồi tắt ngang cái rụp cho xong. Chậc, giá như lần nào cậu Hách cũng chủ động tắt máy như này cho thầy Hưởng đỡ ù tai đau đầu. Hưởng nở một nụ cười ngao ngán, vô tri nhìn vào màn hình điện thoại một lúc lâu rồi mới tiếp tục công cuộc chấm bài gian nan.

"Thầy Hưởng nay có mối rồi hả?" Một cô giáo trẻ đang trong giai đoạn yêu đương nồng nhiệt với người tình - điều mà cô chẳng bao giờ để bất kì đồng nghiệp nào đánh hơi được - tò mò nghiêng đầu sang thăm dò thầy Hưởng. Chuyện riêng tư của thầy Hưởng được các thầy cô giáo khác quan tâm ghê gớm lắm, vì thầy Hưởng chẳng thèm mở miệng bao giờ, mà có mở miệng thì cũng là để từ chối hết mấy mối đồng nghiệp chủ động giới thiệu tận răng.

Và thầy Hưởng trả lời rất chân thật:

"Mối gì đâu, chỗ thân quen thôi ạ."

"Chỗ thân quen mà cười tươi thế, thầy có cười kiểu đấy với bọn tôi bao giờ đâu?" Lại thêm một cô giáo duyên dáng nữa nhập hội, ai cũng muốn có cơ hội được "trêu" thầy Hưởng đẹp trai, quy củ, chín chắn lại hiền lành một lần trong đời.

Thầy Hưởng đẹp trai lại còn đáng yêu quá, làm việc gì cũng ngăn nắp nền nếp, hiếm khi người ta mới kiếm được cái cớ nào đó để trò chuyện tung hứng với thầy. Hưởng thì cũng không lấy làm khó chịu với những lần đồng nghiệp cố tình chọc ghẹo mình đôi ba câu, anh chỉ thấy người ta chọc ghẹo không hay bằng cậu Hách, không khiến anh nóng máu để phản bác lại như cậu Hách.

"Các chị ai mà chưa có gia đình thì cũng sắp có đến nơi rồi, em cười kiểu đấy với các chị làm gì?"

"Thế hóa ra thầy Hưởng chỉ cười kiểu đấy với người chưa có gia đình thôi à?"

"Em chỉ cười như thế với gia đình của em", Hưởng đáp lời như vậy.

Cả phòng giáo viên "ồ" lên một tiếng thật to, thầy Hưởng nhà ta ấy vậy mà cũng biết đẩy cuộc trò chuyện lên cao trào phết. Nhưng nói tóm lại là vẫn không ai hỏi được rõ hơn "mối thân quen" này của thầy Hưởng là ai, càng không ai hỏi được chuyện bao giờ thì thầy Hưởng lập gia đình. Hồi xưa lúc thầy Hưởng mới đi làm, cứ dăm bữa nửa tháng là các thầy cô trong trường lại giới thiệu người nhà cho thầy, khỏi phải nói người ta ưng thầy Hưởng đến độ nào. Chỉ có mỗi thầy Hưởng đây là chẳng thấy ưng ai, người đâu mà kén cá chọn canh thế chứ lại.

Mặc kệ những suy đoán không có căn cứ của người khác, Hưởng vốn chẳng để bụng đến ánh nhìn của họ bao giờ. Vì họ thấy anh tốt, vì họ cho rằng có lẽ anh sẽ là một chỗ dựa đáng an tâm nên họ mới yêu quý anh theo cách đó mà chân thành giới thiệu người nhà cho anh. Hưởng biết người ta cũng tò mò về anh lắm chứ, anh biết nhiều người biết anh tốt - nhưng họ cũng chỉ biết như vậy thôi, còn những khía cạnh khác trong cuộc sống của anh thì người ta lại chẳng biết nhiều. Thế nên người ta mới tò mò, và sự tò mò đó khiến Hưởng không mấy dễ chịu.

Bởi thế nên Hưởng mới thích những người không tò mò nhiều về anh nhưng vẫn hiểu anh. Nhưng mà những người như vậy thì lại ít lắm, nên anh luôn âm thầm trân trọng trong lòng. Anh là kiểu người thích nói nhưng cũng ngại nói, đụng vào chỗ ngứa thì anh nói nhiều mà đụng vào chỗ yêu thì anh nói ít. Giống như xưa nay anh nào có nói chuyện đằm thắm với cha mẹ mình bao giờ, nhưng cha mẹ mà làm gì trái ý mình là anh nói nhiều ghê lắm. Với những người gần gũi khác cũng y hệt, với cậu Hách cũng y hệt; có hôm nào nói nhiều lắm thì cũng chỉ là nói "cảm ơn".

Mà cũng tại vòng đi vòng lại mỗi câu "cảm ơn" mà không nói câu khác nên Hưởng bị cậu Hách đành hanh hẳn mấy đêm. Cậu Hách rất chu đáo, sợ hôm sau thầy Hưởng nhà mình gói đồ về quê lỉnh kỉnh nên đã nhờ nhà buôn thu xếp gửi đào về tận nhà cha mẹ dưới quê. Thế là mang tiếng tặng hoa đào sương muối cho Hưởng mà Hưởng lại chưa được tận mắt chiêm ngưỡng miếng nào! Vậy mà vẫn phải cảm ơn; nhưng cảm ơn thì cậu Hách lại nói chưa đủ!

Vậy thế nào mới là đủ đây?

Là "Thầy nhớ nhắn tin chúc mừng năm mới tôi vào đúng thời khắc giao thừa nhá!"

Nhưng Hưởng làm gì dám hứa hả các bạn. Ba mươi Tết ai mà chẳng phải phụ cha mẹ làm cỗ ngọt cúng giao thừa, Hưởng không dám hứa vì sợ lỡ như chúc không đúng vào "thời khắc giao thừa" thì cậu Hách lại dỗi đến năm sau. Thầy Hưởng nhà ta không phải kiểu người lạnh lùng băng giá đến độ một câu chúc mừng năm mới cũng không thèm nói; chẳng qua Hưởng quá hiểu tính Hách, chúc là một chuyện mà có chúc đúng không giờ không phút hay không lại là chuyện khác.

Không chắc sẽ làm được thì ngay từ đầu không nên hứa suông, đấy là nguyên tắc rồi. Mà Hưởng thì sống nguyên tắc lắm, không có chuyện ậm ừ cho qua dù chỉ là những lời hứa nhỏ nhặt và đơn giản nhất.

Nhưng mọi chuyện làm gì dễ dàng được như vậy. Không hứa thì sao? Thì lại bị cậu Hách lèo nhèo. Lâu lắm rồi cái cảm giác muốn chuyển trọ mới lại dâng lên trong lòng nhà giáo trẻ Lê Minh Hưởng, phải nói là thời sinh viên cái cảm giác này đã từng khiến anh đau đầu nhiều đêm không ngủ được, ăn cũng không ngon miệng đến độ sút cân. Anh không có ý muốn đổ lỗi cho cậu Hách đâu nhé, nhưng cậu Hách cứ thích làm khó anh cực kì!

"Thầy cứ bị làm sao ấy, tôi tâm huyết vì thầy thế cơ mà!"

"Chỉ là một lời chúc thôi! Có gì to tát đâu mà thầy không dám hứa!"

"Thầy Hưởng đúng là lạnh lùng vô tâm!"

"Tôi quá hiểu tính thầy rồi, thầy không muốn chúc nên bây giờ thầy mới không buồn hứa!"

"Thầy mà không thích thì không việc gì phải nhận quà của tôi! Hôm sau thầy về thầy gửi đào lên đây cho tôi trưng!"

Là như vậy đó, nếu không phải vì mười năm qua lạm phát không biết bao nhiêu lần mà hai bác vẫn không tăng tiền trọ dù chỉ một đồng - thì Hưởng ta đã khăn gói cun cút từ lâu rồi! Sắp nghỉ Tết đến nơi mà đêm nào cũng phải nghe cậu Hách nằm một bên lải nhải như vậy, nghĩ có thấy đau đầu không! May mà thầy Hưởng đã quen rồi, có thì nghe vui tai, không có thì lại thấy thiêu thiếu.

Cậu Hách cứ nửa khó chịu nửa gần gũi như mưa phùn mùa xuân miền Bắc vậy đó. Xuân nào không có mưa là xuân đó lại không ấm cúng, không khí xung quanh cũng không được phủ thêm một lớp hơi đất đặc sệt hòa chung với hương hoa đầu mùa quen thuộc. Du xuân chẳng ai thích dính mưa, nhưng xuân mà chẳng có mưa thì lại lấy đâu ra phong vị tươi mới trên mọi nẻo đường. Ngày Tết lý tưởng của Hưởng là ngày Tết có đủ nắng ấm để hoa đào nở rộ, nhưng cũng phải đủ mưa phùn để tất cả những con đường du xuân có thể tỏa ra hơi thở thanh mát nhất.

Là vậy đấy, những điều khiến chúng ta ưng lòng nhất lại thường là những thứ mang đến cảm giác vừa ghét vừa yêu. Ghét một tí, yêu một tí thì mới ưng lòng được.

Mà hơi dở tí là thầy Hưởng xưa giờ yêu ghét rõ ràng, vì đêm nào cũng đau đầu quá nên thầy về quê nghỉ Tết mà vẫn quyết không hứa hẹn gì với cậu Hách cả. "Lạnh lùng", "vô tâm" là thế nên cậu Hách buồn lắm, vừa buồn vừa bực.

Thầy Hưởng về quê ăn Tết thì không ai chăm nổi cái mồm cái Thục nữa, nó được thầy Hưởng nuôi ăn hoa quả mấy tháng liền nên đã thành thói quen khó bỏ. Người chu đáo như thầy Hưởng thì dĩ nhiên sẽ mua hoa quả dự trữ cho cái Thục trước khi về quê rồi, chẳng qua sức ăn cái Thục khủng khiếp quá nên mới hai ngày đã sạch sành sanh chỉ còn mỗi hạt. Cậu Hách phải thay thầy Hưởng tiếp tế hoa quả cho em gái, mới bỏ mấy đồng ra mua mà đã than thở "tao tiếc đứt ruột" làm cái Thục tức điên mà chọi dép vào đầu.

Gần Tết nên cả nhà chẳng có ai rảnh rỗi, hết chuẩn bị quà người này đến quà người nọ thì cũng phải suy nghĩ đến việc mua sẵn mấy con gà, mấy cân hoa quả về cúng dần dần. Việc dọn nhà cũng không dễ dàng tí nào, tuy trước khi về thầy Hưởng đã chăm chỉ chùi chùi rửa rửa bộ bàn ghế rồng phượng giúp mẹ cậu rồi, ấy thế mà càng sát Tết mẹ càng than nhiều lắm. Đấy, thầy Hưởng không ở đây nữa thì mẹ tha hồ mà than. Mẹ than thì cha cũng than, cái Thục cũng than; cả nhà họa chăng chỉ còn thằng Hải vô tri không biết gì là không than lên than xuống.

Cái Thục sẽ ôm cái bụng bầu mà kêu "Ôi tự dưng thèm xoài thế nhỉ". Mẹ cậu khi thấy thằng Hải dí con gà từ đầu sân đến cuối sân mà vẫn không cắt được tiết thì sẽ than "Ôi sao tao đẻ ra toàn thứ vô dụng thế này". Cha cậu khi bị mẹ cậu càm ràm cả tối thì sẽ bực mình lẩm bẩm "Có mỗi cái mồm mà than nhiều thế". Những ngày thế này Hách mới thấy nhớ thầy Hưởng kinh khủng, có thầy Hưởng ở đây thì may ra cậu mới ăn được một cái Tết ngon lành.

Có thầy Hưởng ở đây thì dĩ nhiên thầy sẽ không nề hà gì mà đi mua xoài cho cái Thục. Thầy Hưởng cũng vặt lông gà rất nghệ, tuy thầy nấu ăn hơi dở nhưng lại vặt lông gà nhanh nhất nhà. Thực ra cậu Hách cũng tự thấy bản thân khéo tay hay làm, có điều cậu không được tập trung cho lắm nên làm gì cũng lâu, mà làm lâu ắt bị mẹ mắng. Việc dọn nhà dọn cửa này mà có một tay thầy Hưởng chen vào thì có phải cậu đỡ bị mắng rồi không, mà mẹ cũng đỡ phải gào rát họng mắng ba cha con không làm được gì nên hồn nữa.

"Khổ cái thân tôi, đẻ được đứa con gái mà nó bầu chướng hết cả bụng không làm được gì! Nhà còn ba thằng đàn ông mà cũng không đỡ đần được gì hết!"

Dường như mẹ đã mang ra hết bao nhiêu kìm nén trong thời gian qua để than một lần cho bõ. Thầy Hưởng mà lên đây là mẹ hết đường than, vậy nên thời gian này phải than nhiều nhiều tí. Cậu Hách nghe thấy lần nào là lại bĩu môi lần đó, nhớ thầy Hưởng ghê. Có thầy Hưởng ở đây, nhà mình nền nếp biết mấy. Thầy Hưởng cái gì cũng tốt, chỉ có điều "lạnh lùng", "vô tâm" mà thôi.

Vậy nên cậu Hách đã giận thì sẽ giận cho trót. Cậu giận thầy Hưởng không chịu hứa sẽ chúc mừng năm mới, cậu giận thầy Hưởng về quê ăn Tết, cậu giận thầy Hưởng không buồn thể hiện thái độ cảm kích với cây đào mình mua. Nhà cậu bây giờ thiếu thầy Hưởng là thấy buồn, ấy thế mà thầy Hưởng vẫn vô tư khách sáo như hồi mới vào ở. Đúng là đáng giận, cậu Hách quyết định sẽ giận thầy Hưởng đến năm sau.

Cơ mà nói vậy chứ cũng chẳng giận nổi thầy Hưởng đến năm sau.

Thầy Hưởng bận trăm công nghìn việc, ấy thế mà mười một giờ năm mươi chín phút vẫn chịu khó rút điện thoại ra gọi một cuộc cho cậu chủ nhà trọ trên thành phố. Tiếng tút tút vừa ngừng, giọng cậu Hách đã vang lên thật quen thuộc:

"Số máy quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau. Please try again later nha!"

Hưởng đang cật lực xịt vitamin cho hoa, lần đầu tiên trong đời chăm hoa đào nở mà còn vất vả cực nhọc hơn cả chăm tuyết mai. Anh không mấy bất ngờ trước thái độ của cậu Hách, thậm chí còn đoán được trước luôn ấy chứ:

"Nhờ tổng đài nhắn lại cậu Hách giúp tôi là đến tận bây giờ mà hoa đào vẫn chưa nở, cậu Hách bị chủ buôn scam rồi nhá."

"Cái gì? Làm gì mà bây giờ còn chưa nở?" Cậu Hách không thể tin vào tai mình, năm nay trời cũng đâu có lạnh lắm đâu, làm gì có chuyện hoa đào chưa nở được. "Thầy đừng có mà bịp! Tôi quả quyết là hoa tôi đã nở rồi, nhá! Thông minh đẹp trai như tôi làm gì có chuyện bị scam?"

"Cậu Hách có nhìn được đâu, sao mà biết?"

"Tôi bảo nở thì nó nở", cậu Hách vẫn khăng khăng khẳng định.

Đúng là hoa đã nở, nhưng chỉ mới hé được năm bông. Cánh hoa hồng phớt vẫn còn mong manh, một cơn gió nhẹ thổi qua thôi cũng đủ để cả nụ run rẩy muốn khép chặt vào nhau. Được bọc trong sương muối lâu ngày nên đầu hoa gần như trắng muốt, càng về cuối đài hoa mới càng nổi bật sắc hồng mềm mại. Đào gì mà lạ, bảo sao khó chăm, Hưởng cật lực mấy ngày mà chỉ sợ hoa không nở thì cậu Hách sẽ buồn lắm.

"Ừ, cậu vừa bảo nở nên nó nở ngay năm bông."

"Thấy chưa, tôi đã bảo là nó nở! Tôi không mua đào rởm cho thầy bao giờ!" Nghe qua điện thoại thôi mà Hưởng cũng tự tưởng tượng được bộ dạng bĩu môi đáng ghét của người ta luôn rồi.

Chương trình trực tiếp mừng năm mới đã bắt đầu đếm ngược đến những con số cuối cùng, Hưởng chờ mãi mới nghe thấy tiếng pháo hoa ở phía bên kia điện thoại:

"Cậu Hách năm mới vui vẻ nhé."

Cậu Hách đứng ngoài ban công đón pháo hoa, đón luôn cả một lời chúc mừng năm mới tiêu chuẩn vô cùng: chỉ có một cái chủ ngữ mà thầy Hưởng thường gọi cậu, cùng với bốn chữ ngắn ngủn mà người ta đi đâu cũng chúc nhau. Không đặc biệt nhưng cũng rất đặc biệt, xem như năm nay thầy Hưởng hơi bị có lòng. Cậu chun mũi gật đầu, biết cái gật đầu của mình chẳng được nhìn thấy nhưng cậu vẫn gật gật thật mạnh cho lồng ngực bớt nhộn nhịp.

"Có thế mà cũng không buồn hứa. Thầy hứa trước một câu thì khó lắm à?"

"May mà hôm nay anh tôi giúp tôi cúng giao thừa", Hưởng chỉ giải thích ngắn gọn như thế.

"Thế nếu thầy cúng giao thừa thì thầy không chúc tôi à?"

"Ừ."

Cảm động chưa xong mà cái bực đã lên đến tận cổ, cậu Hách không nhịn được mà chửi đổng đầu năm:

"Cái gì thế hả? Người đâu mà lạnh lùng vô tâm! Tôi không buồn chúc thầy năm mới vui vẻ nữa đâu! Càng nói càng thêm bực! Làm gì có nhà nào cúng giao thừa đúng giờ như vậy hả, lệch vài phút thì có làm sao đâu!"

Vậy mà cậu cũng chỉ nghe được tiếng cười khe khẽ của đối phương, kèm theo câu nói mà cậu nghĩ mãi cũng không rõ đấy có phải là dỗ dành hay không:

"Nhà tôi cúng giao thừa mà lệch vài phút thì có sao đấy. Mà chúc cậu Hách muộn vài giây là cũng có sao luôn."

"Sao trăng gì ở đây, tôi không thèm! Thầy đã không hứa thì cũng không cần phải làm, tôi đâu có ép thầy đâu!"

"Thì tôi cũng đâu có chúc cậu Hách vì lời hứa nào đâu! Đột nhiên thấy nhớ cậu nên nốt công gọi điện chúc mừng năm mới thôi mà!"

Pháo hoa trên bầu trời đêm vẫn tiếp tục vẽ những đường cao rực rỡ, mà lồng ngực cậu Hách cũng ngập tràn niềm vui rực rỡ khó tả bằng lời.

"Cái mồm cứng gì mà cứng thế. Chúc mừng năm mới thầy Hưởng, tôi đi ngủ đây."

Hưởng chưa kịp nghe hết câu thì đối phương đã vội vội vàng vàng cúp máy. Cậu Hách dạo này hay cúp máy anh quá. Cũng làm gì có chuyện giờ này mà cậu Hách đã đi ngủ rồi, pháo hoa ở thành phố nghe nói đẹp lắm, ít cũng phải ngắm xong rồi mới an tâm đi ngủ được.

Quê nhà của Hưởng không bắn pháo hoa, anh chỉ có thể nghe tiếng pháo rộn ràng trên chương trình truyền hình trực tiếp. Nhưng năm nay đoán chừng có thêm pháo hoa ở một nơi chốn nào đó rất lạ, pháo hoa đẹp đẽ dịu dàng như nụ đào chưa hé, không cần gió thoảng cũng nhịp nhàng đung đưa mãi trong lòng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro