03. Khoai xéo cháy nồi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cậu Hách ấy vậy mà tối đó không qua ngủ với thầy Hưởng, Hưởng đoán chắc cậu nằm một mình để khóc lóc cho thoải mái. Thời sinh viên anh cũng có mấy lần như thế, áp lực chuyện này chồng chéo lên chuyện khác khiến tinh thần anh căng như dây đàn, vừa nằm xuống giường một lúc mà hiện tại cùng quá khứ đã thay phiên nhau giằng xé tâm hồn mỏi mệt của anh. Người ta thường nói trai sư phạm thì ẻo lả yếu đuối, nhưng Hưởng cho rằng ai cũng nên "ẻo lả yếu đuối" một lần như thế, để bản thân còn hiểu rõ được những điểm đau của chính mình - những điều tuy không liên quan gì đến nhau nhưng sẽ lũ lượt kéo về khi bờ đê bảo vệ cảm xúc không chống cự được nữa mà vỡ vụn.

Nghĩ thế nên thấy buồn ghê, vì anh cũng muốn an ủi cậu Hách thật tử tế. Nhưng đến tuổi này rồi thì người ta thích tự an ủi chính mình hơn, gần ba mươi chưa vợ chưa chồng thì hiếm ai dám để người khác nhìn thấy bộ dạng xác xơ của mình lắm. Huống gì bình thường cậu Hách luôn là người lạc quan nhiều năng lượng, khéo có khi trong số những người đàn ông trọng mặt mũi và sằng sặc tính sĩ diện ngoài kia thì cậu Hách mới là người giữ kín bưng cái thể diện của mình nhất.

Chắc cậu Hách chẳng muốn để mình thấy cậu Hách buồn xị cái mặt xuống đâu, nên mình cũng phải làm gì đó cho cậu Hách vui.

Bởi thế nên Hưởng đã dậy thật sớm vào ngày rảnh rỗi duy nhất trong tuần, lục cục chạy con xe Dream cũ ra chợ thành phố tìm mua khoai xéo. Thực ra Hưởng đâu có hỏi cậu Hách thích ăn cái gì bao giờ, trước giờ anh đâu có quan tâm người ta đến độ đó - thấy người ta hay ăn cái gì thì tự suy ra người ta thích cái đó thôi. Hồi anh mới lên đây ở trọ là cậu Hách mới học lớp Mười hai, đang trong giai đoạn nước rút quan trọng nên bác gái quan tâm vô cùng, sáng nào cũng xéo một nồi khoai xéo thơm lừng cho cậu ăn đi học. Đấy, biết người ta thích ăn rồi thì thôi hỏi làm gì nữa, hỏi nữa người ta lại bảo mình thiếu tinh tế.

Nhưng tinh tế ở điểm này thì lại quên mất chuyện thường tình ở điểm khác, Hưởng không để ý tới việc cậu Hách không thích ăn lạc trong khi gánh khoai xéo nào cũng có lạc.

Chết, bảo sao ngày xưa bác gái sáng nào cũng phải dậy sớm xéo khoai cho cậu Hách - vì cả cái thành phố này làm gì có gánh khoai xéo nào không có lạc đâu!

Nhưng mà lỡ phi xe lên đến tận chợ thành phố rồi, trời còn đang rét căm căm; mất công thế này mà lại về tay không thì phí lắm. Cô bán khoai sợ au khoai nhanh nguội nên bán hàng cáu gắt cực kì, khách càng đông cô càng cáu vì gói khoai liên tục nên không đóng được au giữ nhiệt. Hưởng chỉ đành thỏ thẻ thật khẽ vào tai cô bán khoai với hi vọng gánh của cô có thêm một au khoai xéo đặc biệt dành cho người ghét ăn lạc:

"Cô cho con mua một phần khoai xéo không lạc."

Vào hàng bún đậu mắm tôm mà gọi bún đậu nước mắm thì còn được phục vụ, chứ đi qua gánh khoai xéo mà hỏi xin khoai xéo không lạc thì chỉ có ăn chửi thôi.

"Ai rảnh mà xéo riêng một nồi không lạc cho mày? Đàn ông đàn ang già khú đế thế này rồi mà còn ăn khoai xéo nhằn lạc à? Mua được thì mua, không mua thì biến!"

Dẫu biết trước là sẽ bị nhăn nhó nhưng thầy Hưởng vẫn đau lòng lắm, từ khi ra trường đi dạy thì chỉ có thầy mắng người khác chứ người ta nào có nỡ mắng thầy bao giờ. Mà cũng không ai nghĩ một nhà giáo được kính trọng như vậy lại bị chửi xối xả bởi một cô bán khoai trên chợ thành phố, đơn giản vì không ai nghĩ đến việc nhà giáo này đi mua khoai xéo mà lại đòi suất không lạc - biết rồi thì ai cũng bổ vào chửi chung chứ không phải mỗi cô bán khoai chửi đâu.

Trước những tình hình gay cấn thì con người thường nảy ra những suy nghĩ táo bạo. Thầy Hưởng cũng không ngoại lệ, bằng mọi giá thầy phải kiếm được khoai xéo không lạc cho cậu Hách ăn:

"Dạ dạ, vậy cô cho con ba phần."

Cuối cùng cũng mua được khoai xéo có lạc. Nhiệm vụ của Hưởng bây giờ là biến ba cục khoai xéo có lạc này thành một cục khoai xéo không lạc. Anh phóng xe như điên về nhà - mặc kệ gió lạnh khiến toàn bộ khớp tay căng cứng hết cả lên - với hi vọng sẽ kịp hoàn thành món khoai xéo thủ công không lạc trước khi cậu Hách ngủ dậy ăn sáng (và cả trước khi nó nguội nữa, dù điều này không được khả thi cho lắm).

Và đố ai mà tin được vào một sáng chủ nhật không hề đẹp trời vì mở mắt ra đã thấy lạnh kinh khủng, thầy Hưởng đang ngồi gù lưng cạnh bàn, tỉ mỉ gỡ từng hạt lạc ra khỏi ba gói khoai xéo thơm lừng thầy vừa mua ở chợ thành phố. Người ngoài nhìn vào sẽ chửi điên, có ghét ăn lạc thì cứ cho hết vào mồm rồi nhằn ra chứ ai lại ngồi gỡ lạc như thế. Nhưng đối với thầy Hưởng thì đây là hành động của sự quan tâm và tinh tế, vì trình của thầy thì không biết xéo khoai nhưng thầy vẫn nhớ và vẫn muốn cậu Hách được ăn khoai xéo không lạc.

Nhặt lạc ra khỏi khoai xéo là cả một nghệ thuật. Nó còn là nghệ thuật cao siêu hơn nữa khi hiện tại đông vẫn chưa qua, và tay thầy Hưởng vẫn còn run cầm cập vì thầy vừa phi về nhà trên con Dream cũ với vận tốc năm mươi ki lô mét trên giờ. Trông Hưởng giống như bệnh nhân Parkinson lâu năm đang cật lực trị liệu vật lý bằng phương pháp giải phẫu cục khoai xéo đầy những lạc, gắp được một hạt lạc ra là bệnh lại thuyên giảm được một chút. Cũng không hiểu động lực ở đâu ra mà Hưởng tích cực nhặt lạc đến độ tập trung một trăm phần trăm như thế, có lẽ là vì mang ơn cậu Hách mấy năm qua tần tảo đưa đồ ngon lên tận phòng cho mình nhắm.

Ba phần khoai xéo bỏ lạc đi thì chẳng còn được bao nhiêu, chỉ nhiều hơn phần rưỡi một chút. Bấy giờ cả khoai cả lạc đều lạnh ngắt, Hưởng nóng ruột bắc bếp lên hong lại khoai cho ấm, vừa hong vừa sợ khoai dính hơi nước mà nhão ra. Nhìn đồng hồ thấy đã chín giờ sáng thì Hưởng không còn hơi sức đâu mà sợ khoai nhão nữa, anh chỉ sợ cậu Hách ăn sáng mất rồi thì uổng. Anh lật đật bỏ cục khoai đã hong ấm vào túi bóng để làm ra vẻ đây là khoai ngoài hàng (thì đúng là khoai ngoài hàng thật, nhưng đã qua tay thầy Hưởng xử lý mất rồi), cuối cùng là nhét bọc khoai vào bâu áo giữ nhiệt rồi nhanh chân chạy qua phòng cậu Hách.

Nhưng buồn thay cho thầy Hưởng nhà ta, tận tâm tận lực thế mà lại chậm chân mất rồi.

"Ô thầy Hưởng hả? Tôi xéo khoai cho thằng Hách mà không tiện mang vào lắm, thầy hộ tôi mang khoai cho nó nhé?" Ánh mắt vừa giao nhau chưa đến ba giây ở đầu cầu thang mà bác gái đã ngay lập tức giao tô khoai xéo to đùng vào tay Hưởng, Hưởng sượng ngang ngay tại chỗ nhưng không biết phải làm gì hơn.

Bọc khoai xéo bỏ lạc trong bâu áo vẫn còn nóng kinh lắm, nóng đến độ Hưởng mặc một lớp áo len rồi nhưng da thịt vẫn cảm nhận được nhiệt độ của nó. Tay anh vẫn đỡ lấy tô khoai xéo không lạc có mùi hơi khét của bác gái, lòng thì sượng nhưng môi vẫn nở nụ cười tiêu chuẩn của một nhà giáo điềm đạm:

"Tay bác chưa lành mà đã xéo khoai rồi ạ? Sao bác không để mấy hôm nữa lành hẳn đã rồi làm gì thì làm?"

Bác gái cười xòa, trong lòng đã tự biết nhiều điều nhưng vẫn muốn xác nhận lại lần nữa:

"Cảm ơn thuốc mỡ của thầy, tôi thoa một đêm là đỡ rồi."

"Dạ là cậu Hách nhờ con đưa bác, hôm qua con quên không nói."

Cũng không hẳn là quên không nói, chẳng qua là anh chỉ muốn chờ cho đến khi bác gái bình tĩnh hơn. Bác cũng tự đoán được, mình chỉ đưa cho bác một câu trả lời chắc chắn cuối cùng.

"À thế à, thế thầy giúp tôi đưa khoai cho thằng Hách nhé."

Cha mẹ ấy mà, họ ít khi xin lỗi bằng lời mà sẽ xin lỗi bằng sự quan tâm cùng đồ ăn ngon. Kể từ khi đi dạy Hưởng mới được biết điều đó, còn xưa nay cha mẹ anh luôn ôn hòa nhưng cũng không kém phần sòng phẳng - họ tổn thương anh một chút là họ lại xin lỗi anh một ít. Mới đầu Hưởng còn thấy mình may mắn hơn đại đa số những người con khác trong thời đại này, nhưng sau đó anh lại không giữ khư khư cái ý niệm "tự sướng" có phần nông cạn đó nữa - vì mỗi gia đình đều có một cách yêu thương lẫn chữa lành con cái của riêng họ. Giờ mẹ anh mà cũng xin lỗi anh như cách bác gái xin lỗi cậu Hách ấy à, chắc anh cũng cảm thấy ấm áp không kém ấy chứ.

Hưởng mím môi im lặng mất nửa giây, cuối cùng cũng gật đầu, "Dạ".

Dạ, lỡ dạ rồi, mà kể cả có không dạ thì cũng phải mang tô khoai này cho cậu Hách ăn sáng. Hưởng không thấy phí công mình nhặt lạc, dù sao thì đồ bác gái làm có lẽ sẽ ngon hơn gấp mười lần đồ mua ngoài chợ, thậm chí còn có giá trị với cậu Hách gấp vạn lần. Vậy mà chẳng hiểu sao lòng anh cứ lõm bõm mãi một nỗi buồn tí hon, cố dìm bao lần nó cũng không lặn xuống hay vỡ tan, nó cứ nổi lềnh phềnh như bong bóng nước trên mặt ao vào một ngày mưa rào tầm tã.

Hưởng muốn trề môi ra biểu hiện sự tiếc nuối lắm. Mà thôi, biết sao giờ!

Tô khoai xéo trong tay anh cũng nóng không thua gì bọc khoai vừa hong lại trong bâu áo, Hưởng thở dài thườn thượt, chép miệng u sầu một hồi rồi cũng đành gõ cửa:

"Cậu Hách dậy chưa? Mẹ cậu bảo tôi mang khoai xéo cho cậu."

Bên trong vang lên mấy tiếng lộp cộp đặc trưng của cậu Hách lúc vừa ngủ dậy, có lẽ hai mắt cậu vẫn đang lèm nhèm ghèn mắt nên đi đứng không va vào chỗ này thì cũng va vào chỗ nọ; Hưởng không lấy làm lạ vì mấy bận ngủ với mình, cậu Hách cũng mắt nhắm mắt mở mà giẫm phải chân anh suốt.

Ầm ĩ một hồi mới thấy cậu Hách ló đầu ra, vết thương trên trán trộm vía đã bớt sưng rồi, hai mắt trông có vẻ cũng không hum húp hết cả lên:

"Cái Thục ăn sáng chưa?"

"Lúc sáng tôi thấy cậu Hải dậy sớm đi mua phở cho cô Thục rồi. Cậu Hách không phải lo đâu, bác gái xéo khoai, cậu ăn đi đã."

Hách mở cửa rộng ra ngỏ ý mời thầy Hưởng vào phòng, thầy Hưởng ở đây cả thập kỷ rồi mà chỉ vào phòng cậu lúc trời hè gay gắt. Dù là đông hay hè thì Hách đều chuẩn bị sẵn vài mảnh áo rách để nhét khe cửa, phòng cậu vì vậy mà luôn ấm hơn phòng thầy Hưởng hẳn mấy độ C.

Ý định ban đầu của Hưởng cũng chỉ là mang khoai qua cho cậu Hách chứ anh đâu có định ở lại. Nhưng không biết vì sao mà hôm nay anh muốn ngồi lại, chắc là vì thấy tiếc cho bọc khoai xéo bỏ lạc trong bâu áo mình quá, mà cũng có thể là vì muốn nói chuyện với cậu Hách đôi câu. Thôi thì thầy đã sớm từ bỏ ý định với bọc khoai xéo này rồi, vào ngồi tâm tình với cậu Hách một hồi cho xong chuyện vậy.

"Thằng Hải nay ngoan nhỉ. Hôm qua tôi quên không đặt chuông báo thức, tưởng cái Thục sắp chết đói rồi. Thầy chờ tôi đánh răng phát đã, mẹ tôi làm nhiều thế này thì thầy cũng ăn cùng đi."

"Thôi, đồ bác gái làm cho cậu Hách, tôi ăn làm gì", Hưởng e ngại đáp lời.

Biết ngay là thầy Hưởng nhà mình lại xua tay từ chối, Hách không buồn nói thêm câu nào mà đi thẳng vào phòng tắm đánh răng rửa mặt. Hưởng sợ khoai nguội nên lấy đại cuốn vở giáo án bản to trên bàn mà đậy tô lại, trong lòng rạo rực cảm giác bồn chồn một cách khó hiểu.

Chỉ là ngồi lại nói chuyện thôi mà, Hưởng tự trấn an bản thân mình như vậy. Cuốn vở to đùng cũng không ngăn được hết mùi khoai cháy xém luồn lách ra ngoài, anh nhớ hồi mới chuyển vào đây ở trọ cậu Hách cũng hay than vãn lên xuống vì cái mùi này lắm. Hồi xưa anh chẳng ưa cậu Hách vì đủ thứ chuyện, nhưng một trong những chuyện khiến anh bớt ghét cậu Hách đi một chút ấy chính là cậu Hách ngoan và thương mẹ vô cùng. Bác gái lần nào xéo khoai cũng cháy nồi, cậu Hách than suốt vậy thôi chứ vẫn quyết ăn đến hết chứ không bao giờ bỏ mứa. Hưởng biết thừa cậu Hách ngán sắp chết rồi, nhưng sáng nào lọ mọ dậy thấy mẹ đang chật vật xéo khoai dưới bếp là cậu Hách lại làm ra vẻ tươi tỉnh mặt mày ngay.

Có mấy bận Hưởng cũng được ăn ké một phần khoai của bác gái. Ngon, không hề dở nhưng phần cháy xém vẫn khiến cổ họng anh cảm thấy bư bứ khó nuốt. Ấy thế mà nhìn sang cậu Hách đấy, ngày nào cũng ăn, cằn nhằn vậy thôi chứ cứ đưa là ăn, ăn xong còn cảm ơn mẹ rõ là ngọt mồm. Hưởng thế mới nghĩ cậu Hách tính tình tuy phiền phức khó chịu nhưng vẫn là một đứa con ngoan ngoãn hiểu chuyện, chuyện to tát thì không nói làm gì chứ đến những chuyện bé tí ti mà cậu vẫn rất để ý - thì điểm này chẳng có gì đáng để chê.

Ôi, bởi vậy nên dù cậu Hách vừa hứng trọn một tô canh vào đầu thì cậu vẫn sẽ vừa cảm động lại vừa nhiệt tình mà ăn hết tô khoai xéo cháy xém này của bác gái. Hưởng khen, Hưởng thầm nghĩ nếu anh và mẹ cũng xảy ra xung đột bất ngờ như vậy thì chắc gì anh đã có đủ kiên nhẫn lẫn bao dung để bình thản tiếp nhận lời xin lỗi bằng đồ ăn như cậu Hách. Bởi tính cách Hưởng là vậy đó, anh không chấp nhận lời xin lỗi bằng đồ ăn như nhiều người con khác, con người anh yêu cầu sự rõ ràng và nghi thức trong những tình huống quan trọng - mà lời xin lỗi thì lại càng phải nghi thức hơn nhiều lần.

Đồng ý là hôm nay cậu Hách sẽ ăn tô khoai xéo bác gái làm, nhưng Hưởng không tránh khỏi buồn hiu vì bọc khoai xéo không lạc trong bâu áo. Tay anh cứ mân mê độ nóng của nó mãi, không biết bao giờ bọc khoai mới chịu nguội đi để lòng anh cũng bớt chút tiêng tiếc lại.

"Ây dà, nhiều thế này thì tôi và thầy cùng ăn cũng chưa chắc đã hết", cậu Hách vệ sinh cá nhân xong xuôi thì nhảy vào bàn lật tô khoai xéo lên mà cảm thán. Cảm động thật đấy nhưng cậu đã qua cái tuổi thanh niên ăn cái gì cũng ào ào như hổ đói từ lâu rồi, ngày xưa cố tí còn vét được hết chứ bây giờ chỉ có đường chết nghẹn.

Phần khoai trên cùng đã hơi cứng, cậu Hách vất vả chia cục khoai to đùng ra làm đôi, dự định bản thân ăn một bên, thầy Hưởng ăn một bên. Nhưng thầy Hưởng hôm nay lạ lắm, bộ dạng này cũng chẳng phải bộ dạng ghét bỏ gì mình, vậy mà sao mình lại có cảm giác thầy Hưởng thấy ngột ngạt khi phải ngồi trong đây với mình; trông thầy Hưởng cứ như kiểu muốn chờ thời cơ để cút nhanh cho xong việc. Mà cậu Hách rõ tính thầy Hưởng, thầy tuy đôi lúc có bày ra vẻ mặt khó chịu với cậu nhưng thầy cũng chẳng phải người lạnh lùng vô tâm đến độ thể hiện sự quan tâm qua loa cho có với cậu đâu.

"Thầy cứ mò mò cái gì trong đó vậy? Định thả lựu đạn mưu sát tôi à?"

Thầy Hưởng được ai kia tặng cho một phen giật mình hú hồn, ngay tức khắc rút tay ra khỏi bâu áo mà diễn cảnh chà xát hai tay vào nhau:

"Làm gì có, trời lạnh quá thôi."

"Phòng tôi còn ấm hơn cả phòng thầy cơ mà?" Cậu Hách vừa nhai khoai vừa chất vấn, tiện tay đưa một thìa khoai đến trước mặt thầy Hưởng.

Hưởng ngại ngùng né thìa khoai thơm phức của người ta mà cười gượng:

"Đồ ăn sáng của tôi thôi ấy mà. Cậu Hách ăn đi, tôi có đồ của tôi đây rồi."

"Tôi có thấy đồ nào đâu?" Hách vẫn dí thìa khoai vào sát mép thầy Hưởng.

"Có mà cậu Hách! Tôi có mà, cậu ăn đi!" Hưởng nắm trọn cục khoai xéo trong tay rồi huơ huơ trước mắt cậu Hách cho xong chuyện, chưa đầy ba giây đã lại cất bọc khoai vào bâu áo.

Nhưng mà mắt cậu Hách hơi bị tinh!

"Ô khoan đã! Khoai xéo à? Đưa đây tôi xem!" Tất nhiên thầy Hưởng đời nào lại đưa, cậu Hách biết vậy nên đã trực tiếp xông lên tấn công, thành công móc ra bọc khoai xéo còn ấm. Nhưng điều khiến cậu bất ngờ hơn cả là đây không đơn thuần chỉ là một cục khoai xéo - nó là khoai xéo không lạc! Ôi, khoai xéo ngoài hàng bây giờ còn bán cả loại không lạc nữa rồi cơ đấy. "Không lạc này! Thầy Hưởng mua đâu đấy, chỉ tôi mua với! Sau này mẹ tôi đỡ phải cất công xéo khoai cho tôi!"

Thôi thì lỡ tay, Hưởng đành dứt khoát giật lại bọc khoai xéo mà thành thật trả lời:

"Tôi mua ở chợ thành phố. Nhưng chỗ đó không bán khoai xéo không lạc đâu, này là tôi nhặt lạc ra đấy."

"Thầy nhặt lạc ra làm gì, không thích ăn thì cứ cho hết vào mồm rồi nhằn ra thôi", cậu Hách lại cho thêm một thìa khoai vào miệng, tiếp tục dí thìa nữa đến trước miệng thầy Hưởng.

Hưởng ta chỉ biết thở dài, chi bằng nói ra cho lòng mình đỡ tiếc:

"Tôi định mua cho cậu Hách, người ta không bán không lạc nên tôi đành phải nhặt lạc ra rồi hong lại cho ấm. Giờ bọc khoai này hơi nhão rồi, mà bác gái cũng xéo khoai cho cậu luôn rồi nên lát tôi ăn cho khỏi phí vậy."

Gớm, có mỗi cái chuyện mua khoai nhặt lạc thôi mà cũng khiến cậu Hách phải cười khúc khích. Miếng khoai xéo cháy xém trong miệng cậu còn chưa được nhai nuốt hết, cậu cứ thấy khoái mà cười, cười đến độ hai gò má tê rần rần. Hai bên đường hàm hơi đau rồi, cậu phải cố không cười nữa mà đánh nhẹ vào vai Hưởng một cái:

"Thôi thầy không cần kể nữa đâu, kể nữa tôi yêu thầy bây giờ!"

Cậu Hách cười khoái chí cực kì, hai má cứ vậy mà ửng hồng lên. Bọc khoai xéo trong tay cậu bấy giờ mới trông có vẻ như đã nguội đi chút xíu, thầy Hưởng thấy vậy nên lòng cũng an tâm hơn biết bao nhiêu - cậu Hách có thể nói rằng vì khoai của thầy lạnh nên cậu không ăn được nữa.

Mà thôi, giờ thì đâu quan trọng gì khoai mẹ hay khoai thầy nữa đâu. Đó giờ cậu Hách chỉ biết thầy Hưởng không phải người lạnh lùng vô tâm thôi, cậu không hề ngờ đến việc thầy Hưởng còn có thể làm ra những chuyện rúng động như thế này - thầy tặng hẳn cho cậu một quả bom nguyên tử đội lốt khoai xéo không lạc - vừa đủ để nổ tung toàn bộ phòng bị lẫn khoảng cách vô hình giữa cả hai.

Khiếp quá!

Và cậu Hách chỉ biết nín cười bằng cách nhét thêm vào miệng thật nhiều khoai xéo. Cậu không sợ bị nghẹn, cậu chỉ sợ thầy Hưởng nghĩ mình thần kinh không bình thường vì cứ ngồi một hồi là lại run lên bần bật mấy cái.

Nhưng mà thực sự thì thầy Hưởng lại nghĩ bản thân mình mới là người thần kinh không bình thường. Hưởng quyết không cho cậu Hách ăn khoai xéo của mình nữa, anh muốn bảo vệ cổ họng và bao tử của cậu. Nhìn cậu nín cười chán chê rồi thì anh đứng phắt dậy, giật lấy bọc khoai xéo rồi cất nó về chỗ cũ:

"Có thế mà đã yêu rồi à? Sao cậu Hách dễ tính vậy?"

"Tôi hơi bị khó tính đấy nhé! Là thầy khéo quá thôi!" Cậu Hách phản biện như thế, và tầm này thì cậu chỉ mong thầy Hưởng biến đi chỗ khác để cậu được cười cho sảng khoái.

Mà khéo có khi thầy Hưởng cũng ngại không buồn ở lại rồi ấy chứ. Bọc khoai xéo trong bâu áo đã không còn nóng hổi hơi nước nữa, anh theo phản xạ mà xoa xoa hai tay, không nỡ rời khỏi phòng nếu không quăng lại một câu gì đó mang tinh thần "khách sáo":

"Tối nay cậu Hách có sang ngủ với tôi không?"

"Vì thầy nài nỉ nên tôi sẽ xem xét", đang trong cơn khoái nên cậu Hách trả lời cũng đủng đỉnh không kém.

Thầy Hưởng định hơn thua nốt một câu là anh đâu có nài nỉ - nhưng nghĩ rồi lại thôi, bất kì cuộc đối thoại nào cũng nên dừng lại ở điểm nó đáng phải dừng lại, có như vậy thì lần tiếp theo giáp mặt mới có thể thoải mái nói tiếp chuyện đang nói dở. Và anh cũng không quên là mình chưa ăn sáng - thế nên bữa sáng lỉnh kỉnh này sẽ là của anh, bữa sáng tốn nhiều công sức nhưng dù sao thì kết cục cũng đã rất bõ công.

Phòng Hưởng không ấm bằng phòng cậu Hách, dù cậu Hách có giúp anh nhét giẻ khe cửa thì sáng sớm anh vẫn rút hết ra cho thoáng. Hôm qua cậu Hách không sang ngủ, thành ra hôm nay phòng anh lại quay về nhiệt độ thấp như bình thường, mà anh cũng không thấy đây là một trở ngại. Khoai xéo thì cũng đã nguội rồi, Hưởng thong thả rót một cốc nước chè vừa đặc vừa ấm rồi mới ung dung ngồi gặm khoai.

Khoai thiếu đi vị bùi của lạc, cũng mất đi cảm giác được nhai một thứ gì đó trong miệng - Hưởng còn tưởng mình đang dùng lưỡi để nhào nặn và nuốt một cục bột nhão nhoét vô tri xuống họng vì răng đã không còn tác dụng nào trong việc xử lý nó nữa. Vậy mà không hiểu sao cậu Hách lại thích ăn, lại còn ăn nhiều là đằng khác.

Thôi, chắc là lần sau Hưởng sẽ nhặt lạc ra khỏi một món nào đó khác - chứ anh sẽ không bao giờ mua lại khoai xéo cho cậu Hách nữa.

Và buổi sáng chủ nhật của thầy Hưởng đã trôi qua như vậy: dậy sớm đi chợ, về nhà nhặt lạc, trầm ngâm ăn khoai. Thật hiếm thấy một ngày nghỉ mà thầy Hưởng không qua hàng sách trên phố để thuê vài cuốn sách cũ về đọc, đến cả thằng Hải bình thường không biết để ý trước sau cũng ngạc nhiên lắm. Buổi sáng thầy Hưởng sẽ ra ban công ngồi đọc sách (thằng Hải biết điều đó vì nó đã từng nghe anh Hách kể rằng thầy Hưởng sợ mình sẽ ngủ nướng cháy giường nên mới nhờ cậy đến gió lạnh để tỉnh táo hơn), buổi trưa thầy sẽ đi ăn ở đâu đó thay vì tự nấu như mọi ngày, và buổi chiều thầy lại tiếp tục ngồi đọc sách.

Nhưng hôm nay thằng Hải ngó đầu xuống lại thấy ban công chẳng có ai, cửa khóa im lìm từ sáng đến chiều. Nó thấy lạ, nó mới nhảy xuống phòng anh Hách để hỏi xem thầy Hưởng có cảm cúm gì không, nếu có cảm cúm thì để nó xung phong mua thuốc cho thầy. Lạ hơn nữa là thằng anh nó lại không ở nhà, không hiểu điều gì đã khiến thằng anh lười như hủi của nó ra khỏi phòng vào một ngày nghỉ rét buốt như này.

Nó lóc cóc đi hỏi chị, chị nó chịu. Rồi nó qua phòng thầy Hưởng hỏi thăm, thầy Hưởng không cảm cúm nhưng thầy cũng chẳng biết anh nó đi đâu. Thế thì kệ anh nó, thầy Hưởng không cảm cúm là được rồi.

Nhưng cái Thục cứ thấy không ổn. Mới đầu nó không để ý đến việc Hách không ở nhà, thằng Hải lò dò lên hỏi thì nó mới thấy không ổn. Nó trầm mặc ngồi trước gương, tự hỏi cảm giác bất an đang cuồn cuộn trong lòng là do vừa mới có bầu hay là do giác quan thứ sáu của nó thực sự cảm nhận được một điều gì đó không hay đang xảy ra. Hôm qua Hách vừa hỏi nhà thằng kia ở đâu, nó cũng thật thà đáp nhà đối diện chợ thành phố; và giờ nó không rõ liệu anh trai mình có thực sự có ý định kiếm thằng kia không.

Cái Thục gọi thằng Hải vào phòng, lấy giọng của bà bầu đang được ưu tiên mọi quyền lợi trong nhà ra mà nói chuyện:

"Ê mày, nãy mày xuống phòng thầy Hưởng thấy thầy có bận gì không?"

"Chẳng biết, chắc chẳng bận gì đâu."

Không bận thì tốt, mà bận thì cũng phải nhờ. Cân nhắc một hồi rồi cái Thục cũng nhét tờ mười nghìn vào tay thằng Hải:

"Thế chị nhờ mày xuống bảo thầy Hưởng là chị thèm bánh rán mật ở quầy hàng rong đối diện cổng số ba chợ thành phố. Mày nhờ thầy phi xe qua đó mua cho chị."

Và khi tờ mười nghìn được trao từ tay thằng Hải vào tay thầy Hưởng, thầy Hưởng vẫn nghĩ cái Thục thực sự thèm bánh rán mật. Chuyện đi mua mấy cái bánh rán là chuyện đơn giản đối với Hưởng, anh ăn ké không biết bao nhiêu bữa ngon ở nhà người ta rồi, giờ con gái người ta nhờ mình mua vài cái bánh rán chẳng lẽ mình lại không mua được. Anh chỉ mong trên đường tìm gánh hàng rong cô Thục thèm thì mình sẽ có đủ may mắn để không chạm mặt cô bán khoai xéo lúc sáng, ngại lắm.

Rất may cho Hưởng là anh không đụng phải cô bán khoai xéo, nhưng anh cũng chẳng thấy quầy hàng rong đối diện cổng số ba ở đâu. Anh lượn đi lượn lại tận mấy vòng trước cổng số ba, nhìn kĩ góc này sang góc nọ mà vẫn không tìm được quầy nào bán bánh rán mật. Nhưng anh thấy một vật thể quen mắt vô cùng, là con xe cub màu xanh dương y hệt con xe hồi xưa cậu Hách ăn vạ đòi hai bác mua lúc vừa nhận được kết quả đậu đại học. Hưởng tò mò vòng xe lại thêm lần nữa để nhìn biển số, thì ô hay - xe cậu Hách đây mà! Không chừng cậu Hách cũng đang kiếm quầy hàng bánh rán cho cô Thục, thầy Hưởng nghĩ vậy liền đậu xe mình sát xe cậu Hách, quyết định đi bộ xung quanh xem kĩ xem có quầy bánh nào không.

Nhưng thầy Hưởng vừa mới đậu xe, chưa rút chìa thì đã thấy cậu Hách từ trong bụi cây lao ra, túm cổ một cậu trai vừa bước ra khỏi căn nhà năm tầng gần đó, mạnh mẽ quật cậu trai xuống đất rồi không ngần ngại bo thêm ba cú đấm thẳng vào mặt tiền:

"Thằng chó đẻ! Sao không cất chuối ở nhà mà vác nó đi long nhong làm hại đời con gái nhà người ta, hả?!?"

Không được, đánh người là sai! Dù người khác làm sai trước thì mình cũng không có quyền động chân động tay với họ, đấy là tuân thủ pháp luật và bảo toàn đạo đức! Thầy Hưởng liền chạy tới ôm nách cậu Hách mà kéo ra, lực kéo mạnh đến nỗi cậu trai nọ cũng mất đã mà ngã ngửa về sau, đập đầu xuống bồn cây choáng váng.

"Này cậu Hách, không được sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn!"

"Thầy bỏ tôi ra, tôi phải đấm chết cả lò nhà nó!" Có vẻ như lần này cậu Hách điên tiết thật, Hưởng mà không vô tình gặp cậu Hách ở đây thì cậu Hách giã người ta một trận ra trò thật luôn ấy chứ.

Cậu trai thoát khỏi cơn choáng váng thì xắn tay áo định phản công, người đứng dậy còn chưa vững mà miệng đã nhanh hơn não chửi một câu cái đã:

"Mẹ cái thằng da đen như cứt chó! Tự dưng lao vào đánh bố mày!"

Trên thực tế thì khi cậu Hách còn chưa kịp nghe đến câu chửi thứ hai, thầy Hưởng đã dứt khoát bước đến túm cổ cậu ta mà "thì thầm" một câu phá cách nhất cuộc đời mình:

"Thứ duy nhất đen như cứt chó ở đây là mắt của mày, thằng đần!"

Và thầy buông tay đạo đức để nén thành lực dồn vào một mắt thằng oắt kia, nhanh đến độ cậu Hách cản không kịp.

"Ôi ôi thầy... à anh Hưởng ơi, anh đừng đánh!" Lần này tới lượt cậu Hách chạy vào giữ tay thầy Hưởng, không quên đổi luôn xưng hô để người ta không biết thầy Hưởng là thầy. Chậm một phát nữa thôi là thằng ranh này biến thành cướp biển chột mắt, cậu Hách nghiến răng nói nhỏ vào tai thầy Hưởng, "Phụ huynh mà bắt gặp thầy đánh người là thầy chết đấy!"

Thầy Hưởng có thể không để ý chứ cậu Hách vẫn đang nhận thức được mình đang đứng chỗ góc khuất đối diện cổng chợ, đánh không cẩn thận là người đi đường nhìn thấy, người ta ùa vào là chỉ có cầm tay nhau lên phường uống trà viết biên bản. Lực đấm của thầy Hưởng hơi mạnh, thằng lăng nhăng kia vừa bị thầy nện một cú mà đã nằm ra đất, cậu Hách chỉ biết kéo thầy Hưởng ra xa một chút kẻo cả hai lại sinh sự thêm nữa.

"Sao tự dưng thầy đánh nó vậy? Nó làm gì thầy đâu? Nó biết thầy là giáo viên thì thầy nghỉ dạy luôn đấy!"

Tất nhiên là thầy Hưởng thừa biết mình sai, nhưng thầy đâu có cam lòng:

"Thằng vô học này dám bảo da cậu đen như cứt chó! Giờ tôi phải đấm bầm mắt nó cho nó biết thế nào là cứt chó đích thực!"

Giữa bầu không khí này mà tỏ ra cảm động thì cũng không đúng cho lắm. Nhưng cậu Hách vẫn cứ thấy rung rinh. Có mỗi câu nói cộc cằn đấy thôi mà cậu Hách tưởng như được quay về cái thời trẻ ranh có anh em xã hội bảo kê lẫn nhau, vì nhau mà đổ máu. Cậu hẵng còn giận lắm, vẫn muốn nện cho thằng kia vài cú nữa; ấy thế mà vừa nghe thầy Hưởng thủng thẳng một câu như vậy, tự dưng toàn bộ cơn giận nó sủi đi đâu mất tiêu. Hoan hỉ hoan hỉ, hôm nay không đánh nhau nữa! Cậu vỗ vai thầy Hưởng mà thủ thỉ lại cái chức trách nhà giáo của thầy, hôm nay xong chuyện rồi thì đi về thôi:

"Thôi mình là nhà giáo mà thầy, mình đừng chấp ba cái thằng này. Ra lấy xe rồi mình về."

Và trước khi nổ máy, cậu Hách còn phải vọng lại cho thằng oắt đang nằm sõng soài trên vỉa hè một câu:

"Cái Thục nhà tao sưng bụng mà mày chỉ sưng một con mắt là hơi bị nhẹ rồi đấy!"

Hai người một Dream một cub rời khỏi chợ thành phố, tất nhiên là sau khi cậu Hách khẳng định với thầy Hưởng rằng ở đây làm gì có quầy hàng rong nào bán bánh rán. Đã là bánh rán thì người ta đạp xe đến đâu mời hàng đến đó chứ ai dại mà đứng một chỗ bán cả ngày, có mỗi cái chuyện bé tí thế thôi mà thầy Hưởng cũng không nhận ra.

Tạm bỏ qua chuyện mua bánh rán cho cái Thục sang một bên thì cậu Hách vẫn không khỏi bất ngờ khi thấy thầy Hưởng đánh người. Cậu sai một thì thầy Hưởng sai mười, mang tiếng người đứng lớp gõ đầu trẻ mà lại đi đánh nhau thì còn gì là nhà giáo nữa:

"Thầy cứ đánh nó làm gì, để tôi đánh cho. Tôi đánh thì không sao, thầy đi dạy mà thầy đánh thì có chuyện đấy!"

"Nó láo quá, tôi không kiềm chế được", thầy Hưởng đáp như thế.

"Láo thì biết phải làm sao! Tôi đã đập cho nó mềm người rồi còn gì! Cái Thục cũng chửa rồi, nó sắp cưới cô khác rồi. Thầy còn đập thêm làm gì nữa!"

"Nhưng nó xúc phạm cậu!" Thầy Hưởng biết mình sai nhưng vẫn khăng khăng.

Hoặc có thể nói theo cách khác là thầy Hưởng đập bầm mắt thằng đó là vì mình, thế đã đủ cảm động chưa? Cậu Hách là một người rất hiểu chuyện, nhưng trước khi tiếp tục làm một người anh trai hiểu chuyện và một người bác hiểu chuyện (trong tương lai) thì cậu phải nện thằng oắt này một trận cái đã. Nào có ngờ thầy Hưởng cũng nhảy vào, mà lại nhảy vào chỉ vì một câu chửi tiện mồm của thằng đó. Thầy Hưởng sao mà căng quá vậy!

"Ôi nào, hồi xưa đi học tôi lại chẳng bị trêu thế suốt! Tôi quen rồi, thầy đừng để ý!"

"Cậu nghe quen rồi không có nghĩa là cậu cứ buộc phải nghe mãi. Có nhiều lời cậu có thể để ngoài tai, nhưng có những lời cậu nên phản pháo lại để người ta còn biết những lời đó là không nên nói."

Xin hãy cho tôi ba giây dừng lại bên lề đường để tôi cài lại áo, vì gió đông rét quá nên trái tim tôi đang run rẩy không ngừng.

Hoặc là tại thầy Hưởng.

Thầy Hưởng ấy thế mà để bụng mấy điều nhỏ nhặt này ghê.

Hồi xưa cậu từng bị gọi là Đông Hắc thay vì Đông Hách, chắc là do nước da cậu có phần ngăm hơn đám bạn cùng trang lứa - và ngoài buồn một hồi rồi thôi thì cậu cũng không biết làm gì hơn, cậu không muốn chấp vặt cái tính xấu của hội con nít. Cậu nghe mòn tai rồi thì không nói làm gì, nhưng có vẻ như thầy Hưởng nghe cái tên này thì lại lấy làm khó chịu. Hồi đó mới thi đại học xong, lớp cậu rủ rê mỗi ngày "nhậu" ở một nhà một đứa, đến phiên nhậu ở nhà cậu thì cả lũ cứ nốc bia vào mà thả phanh luôn mồm Đông Hắc ơi Đông Hắc à; và dĩ nhiên là thầy Hưởng nghe thấy hết.

Nghe hết thì sao? Thì chẳng để làm gì cả, hồi đó hình như thầy Hưởng cũng đâu có ưa cậu mấy.

Thầy chỉ lẳng lặng gõ cửa phòng cậu - nơi cả lũ đang bét nhè nửa tỉnh nửa ngơ, kèm theo một lời nhắc nhở cứng nhắc kinh khủng:

"Phiền các em nói bé cho anh học. Anh đang tập đánh vần âm "ách" với âm "ắc", lưỡi anh dài nên phân biệt được hai âm đấy chứ không nhầm lẫn như một số người lưỡi ngắn."

Ngày đó chắc tại có men vào nên Hách thấy anh Hưởng này sao mà đẹp trai ghê. Đám bạn cậu thì ỉu xìu hẳn vì mất hết hứng nói chuyện, rượu bia vào là con người cộc tính lắm. Cậu thì sao? Cậu thì thấy anh Hưởng thuê trọ nhà mình đột nhiên trông đẹp trai mê ly, đã đẹp trai lại còn lưỡi dài.

Hôm nay còn thêm tay dài nữa, đấm phát bầm mắt quý tử nhà người ta luôn.

Vậy nên cậu cứ bẽn lẽn chạy xe ngay sau thầy Hưởng, quyết định về nhà muộn hơn thầy Hưởng một chút và cả hai cùng thống nhất giấu nhẹm đi chuyện cậu tìm thằng kia dần cho một trận. Cái Thục có bánh rán mật để ăn, cậu Hách sau đó cũng về nhà lành lặn không trầy xước chỗ nào, ngày chủ nhật cứ như vậy mà trôi qua một cách bình thường, tối hôm đó cả nhà lại ăn chung một bữa cơm.

Thật ra thầy Hưởng không bình tĩnh như mọi người nghĩ, lần đầu đánh người khác nên lúc thầy đưa bánh rán cho cô Thục, thầy cũng hơi run vì sợ cô Thục phát hiện ra điều gì bất thường. Nhưng cô Thục không ngờ đến điều đó, cô Thục chỉ thấy biết ơn vì thầy Hưởng đã vòng sang chỗ khác để tìm mua bánh rán mật cho mình, cô Thục đời nào nghĩ đến việc thầy Hưởng vừa cản anh trai mình đấm người yêu cũ một cú thì lại tiếp tục nhảy vào thồn người ta thêm cú nữa.

Thôi thì chuyện đánh nhau cứ bỏ qua đi, nhờ gói bánh rán mật này mà cô Thục ấm bụng còn thầy Hưởng ấm giường. Ấm giường vì đêm nay cậu Hách chịu mò sang ngủ chung với thầy rồi đó.



***

Để cái hình khoai xéo ở đây để mọi người tự tưởng tượng là gỡ lạc ra nó khó thế nào =))))) Chỉ có người hâm mới gỡ lạc trước khi ăn thôi =))))))

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro