02. Đông tàn xơ xác

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phải nói thật lòng là cậu Hách nhà ta kiên trì lắm, tuy hay quên nhưng được cái kiên trì. Thầy Hưởng nắm trong tay chiếc vô lăng vàng, lần nào cũng lái chuyện thuê phòng trọ dạy thêm sang chuyện khác rất mượt; cộng thêm tính tình dễ tung dễ hứng của cậu Hách là coi như lên giường đi ngủ chẳng ai nhớ về căn phòng trống đối diện nữa.

Tuy kết quả thì luôn có hậu nhưng quá trình của nó vẫn chưa bao giờ khiến thầy Hưởng hết bực mình. Thầy Hưởng có rất nhiều lý do để từ chối việc thuê lại phòng trọ đối diện, từ lý do tài chính eo hẹp cho đến việc Sở cấm giáo viên dạy thêm ngoài giờ, từ việc phòng bên đó hơi kín và ngộp nên học sinh sẽ không thoải mái - cho đến việc lỡ như mở lớp mà không có ai học. Tất nhiên là anh đâu có trông mong rằng chừng đó lý do là đã có thể làm cậu Hách bị thuyết phục một trăm phần trăm, anh chỉ thuận mồm nói vậy để cuộc đối thoại giữa hai người không sượng ngang mà thôi.

Nhưng cũng bởi vì thầy Hưởng toàn kiếm lý do đâu đâu nên cậu Hách mới vặn được lại mọi lúc mọi nơi. Mà đau đầu thay - vì cái lý lẽ của cậu Hách là điều mà thầy Hưởng ghét vô cùng:

"Tôi là tôi thấy thầy đang lý do lý trấu thì có. Thầy định ở nhà thuê đến cuối đời à? Nhân lúc còn trẻ thì nên phấn đấu một chút chứ, có thế thì sau này mới có tài chính lo cho vợ con, thậm chí còn có thể lo được cho con đường sự nghiệp của bản thân nữa. Sao thầy an phận quá vậy thầy Hưởng? Thầy nhìn quanh cái xóm này xem, ai làm giáo viên là đua nhau mở lớp học thêm hết - chỉ còn mỗi thầy là vẫn không chịu mở lớp thôi! Lương ba cọc ba đồng thế này thì sống vui vẻ được bao nhiêu hả thầy, làm người phải có chí tiến thủ chứ? Cha tôi mà mất là tôi đuổi thầy ra khỏi nhà, tôi không cho thuê nữa đâu."

"Có cậu Hách ngày nào cũng liến thoắng như thế này là đời tôi vui lắm rồi, không cần phải có tiền mới vui đâu", thầy Hưởng tuy bực mình lắm nhưng vẫn lịch sự đáp lại như vậy.

Tuy chỉ gọi là đáp lại cho xong chuyện, cho đỡ bực mình, cho cậu Hách nói ít lại - vậy mà cậu Hách nghe thầy Hưởng nói thế thì vui lắm.

Vui nên tuần vừa rồi ngày nào cậu cũng mò sang đắp chung chăn với thầy.

Dạo này cậu Hách ngủ bớt gác chân rồi nhưng vẫn chưa hết luộm thuộm, nói chung là có tiến bộ nhưng không đáng kể. Mấy đợt gió đầu mùa là mấy đợt gió lạ lẫm nhất, năm nào cũng phải miễn cưỡng đón gió đầu mùa nhưng chẳng mấy ai nhớ nổi cảm giác ớn lạnh của nó - bởi tâm hồn họ vẫn đang mắc kẹt ở mùa thu, mãi chấp chới với những cơn gió se se và xe đẩy cúc họa mi rực rỡ khắp phố phường. So mùa đông năm nào lạnh hơn năm nào thì so được, chứ so đợt gió đầu mùa năm nào lạnh hơn năm nào thì chịu cứng. Hưởng cũng thế, là một người tương đối nhạy cảm với thời tiết nhưng anh cũng chịu thôi, vì tất cả những gì anh nhớ về đợt gió mùa đầu đông là góc giường ấm ba bảy độ. Năm nào cũng như năm nào, ba bảy độ.

Bởi thế nên có hôm cậu Hách vừa đi vệ sinh xong, leo lên giường trùm chăn rên hừ hừ là "Ghét đầu đông quá" thì thầy Hưởng mới nói rằng "Cậu phải biết ơn mùa đông vì nhờ có nó nên tôi mới không chê cậu".

Thế nên cậu Hách đã "eo ôi", tại quý hóa quá ấy mà. Chữ "phải" của thầy Hưởng có sức nặng lắm, lúc nào nghe cũng căng thôi rồi.

Mà Hưởng cũng không hề nói điêu - Hưởng xin thề như vậy - rằng nhờ có mùa đông nên anh mới bớt ghét cậu Hách đi một chút.

Ngày trả bài, thầy Hưởng đã dạy mấy đứa nhỏ viết về mùa đông. Anh nói rằng đề bài tả mùa xuân, hạ, thu rất dễ làm; nhưng đề bài tả mùa đông thì thường chẳng mấy ai được điểm tối đa - vì lũ trẻ ít khi để ý những điều nhỏ bé chỉ diễn ra trong mùa đông mà những mùa khác không có. Hưởng ít khi dạy tủ cho mấy đứa nhỏ lắm, mà dạy viết về mùa đông cũng đâu phải dạy tủ. Anh thường chỉ mấy đứa nhỏ cách làm những đề là lạ ít gặp, hướng dẫn cách tư duy vừa tổng quát lại vừa chi tiết cho học trò.

Và niềm vui của nhà giáo (nghèo, không có chí tiến thủ) cũng từ đây mà có, tụi nhỏ trở nên tinh tế và tình cảm hơn rất nhiều. Giờ ra chơi sẽ có mấy đứa lên líu lo rằng, mùa đông mẹ em giặt cổ áo vất vả lắm, cổ áo vẫn cứ ngả vàng còn tay mẹ em đã sưng đỏ hết cả rồi. Mấy đứa có tâm hồn tự do hơn thì lại khoe rằng mùa đông ăn khoai nướng ngon hết sảy, mà cũng chỉ khi nào trời lạnh thì tụi nó mới thèm khoai nướng. Và cũng sẽ có vài cô học trò bẽn lẽn nói rằng, mùa đông lạnh lắm nên bố em ôm mẹ em nhiều hơn, ôm mẹ nhiều để mẹ không ốm.

Hưởng đã định học cao học lâu rồi, nhưng lũ trẻ dễ thương quá, anh chỉ muốn dành toàn bộ thời gian của mình để nuôi dưỡng những tâm hồn xinh đẹp này.

Mùa đông thế mà vui, đến lớp thì có nhiều mặt trời nhỏ ấm áp, về nhà (trọ) thì có lò sưởi di động cũng ấm không thua gì. Phòng không kín gió cũng không thành vấn đề, ngoại trừ những lúc cậu Hách nói nhiều lại còn nói động chạm ra thì thầy Hưởng vẫn cho rằng có cậu Hách là ấm cả mùa. Cũng vì vậy mà anh chỉ biết ước sao cho cậu Hách nói ít lại, nhưng cậu Hách mà nói ít thì còn đâu là cậu Hách nữa. Cậu Hách mà nói ít thì cậu đã chẳng buồn sang phòng anh nằm.

Kể từ đêm đầu tiên của mùa đông năm nay, phòng thầy Hưởng kín gió. Nhờ công cậu Hách mò được chiếc áo ba lỗ màu cháo lòng mà phòng anh ấm hơn trông thấy, không biết là ấm do kín gió hay là do hơi người; mà chắc là kín gió vì người cũng chỉ ba mươi bảy độ chứ mấy.

Có điều phòng chắn được gió nhưng không chắn được những âm thanh mà anh bất đắc dĩ phải nghe thấy.

Ví dụ như tiếng bát đũa bị ném xuống sàn nhà - âm thanh thường không mấy khi đến từ một gia đình đầm ấm và hạnh phúc. Anh ở đây gần một thập kỷ rồi, số lần nghe thấy tiếng đổ vỡ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, tất nhiên đều vỡ do tai nạn.

Tai nạn "lỡ tay" thì chẳng xảy ra nhiều lần liên tiếp, chẳng lẽ lỡ làm vỡ cái bát rồi thì lại đập thêm cái nữa cho chẵn. Thầy Hưởng được dạy là không tự tiện xen vào chuyện gia đình nhà người khác, nhưng hôm nay nghe nói bác gái có nấu canh kim chi - mà cậu Hách thì mê món đó lắm, chí ít cũng phải tạo điều kiện cho cậu Hách có một bữa ngon.

"Thằng nào? Tao hỏi mày là thằng nào cơ mà? Mày làm đĩ hay sao mà lại không biết là thằng nào?" Vừa mở cửa ra, thầy Hưởng đã nghe được giọng bác gái vọng lên; nghe vừa chua chát lại vừa cay nghiệt một cách lạ lùng.

Và sau đó là tông giọng bàng hoàng không kém của cậu Hách, tuy không mang theo ý tứ trách móc nhưng vẫn căng cứng cảm giác bất ngờ đầy thất vọng:

"Con ranh này, anh mua bao cao su cho mày rồi, sao mày không dùng?"

Vừa dứt câu, mẹ đã liền tay ném thẳng tô canh vào mặt cậu. Tô canh va vào trán Hách đau điếng, nước canh cùng kim chi văng bầy hầy khắp mặt, quần áo và sàn nhà. Đầu cậu chỉ kịp ong lên một tiếng, đi cùng nó là tiếng đồ sứ vỡ toang cực kì chói tai. Hách không biết trán có chảy máu hay không, rốt cuộc chảy hay không cũng không quan trọng - vì đó giờ cậu đâu có ngờ mình lớn bằng từng này tuổi rồi mà còn bị phụ huynh ném bát đũa ăn cơm vào đầu - mà đúng ra là lần đầu tiên trong đời, lần đầu tiên với tư cách là người trưởng thành, lần đầu tiên với tư cách là thằng anh trai kém cỏi.

Hưởng chưa kịp chạy sang nhà bên nhưng anh đã đoán được cậu Hách bị đánh, toàn thân bỗng cộng hưởng cảm giác đau nhói từ đâu xuất hiện mà anh cũng không phân tích được.

"Mày! Mày không những không dạy em cho đàng hoàng, mày lại còn vẽ đường cho hươu chạy! Giờ nó chửa hoang rồi ai nuôi, đến cả mấy con đĩ ngoài chợ quận chúng nó còn không chửa mà em mày lại chửa!"

"Còn mày! Mày không chửa thì sao? Không chửa thì cũng không thằng nào thèm cưới mày nữa! Sao mày không chăm đi chợ hộ mẹ để nghe ngày nào người ta cũng đàm tiếu mày làm đĩ?" Chửi thằng anh xong thì lại chửi cô em, mẹ cậu Hách chửi mà nước mắt giàn dụa, chắc là vì thương con, mà khéo cũng là vì giận con.

Hách cố gắng thoát khỏi cơn choáng váng, thoáng trông thấy thầy Hưởng đã xuống đến chân cầu thang, cậu bỗng nhiên tỉnh táo đến lạ - mà kể cả thầy Hưởng không xuống đi chăng nữa thì cậu cũng không nhịn được mà bật ra lời chất vấn:

"Mẹ một vừa hai phải thôi! Đứt ruột đẻ ra sao lại chửi nó là đĩ?"

"Chát!" Một cái bạt tai khiến Hưởng đứng hình dù người bị đánh còn chẳng phải anh.

"Mày dạy con em mày làm đĩ thì câm mồm! Từ bé đến lớn mày đã bao giờ ra dáng đàn anh chưa? Mày suốt ngày tị nạnh với nó, bảo tao yêu chiều nó hơn mày; bây giờ lại còn vẽ đường cho nó chửa ra đấy!"

Thằng Hải thấy anh bị đánh thì im thin thít, chỉ dám ngồi một góc mà e dè ngước đầu lên nhìn chị. Chắc là nó thấy thương cho cái Thục nhưng không dám nói gì hơn, nó cũng muốn nói đỡ cho cái Thục nhưng không muốn bị đánh như anh. Nó không nói thì không ai đánh nó, cô Thục đang có bầu thì dĩ nhiên không ai dám đánh; xoay đi xoay lại thì chỉ có mỗi cậu Hách bị đánh thôi.

Cậu Hách bị đánh nhưng người khóc lóc thảm thiết nhất lại là bác gái, om sòm đến độ thầy Hưởng còn sợ hàng xóm sắp chuẩn bị sang đây can ngăn vì nhầm tưởng rằng vợ chồng họ cãi nhau. Hưởng không nói gì vì anh nhận thức được mình chỉ là người ngoài, song anh vẫn mong sự hiện diện của anh có thể khiến gia đình người ta bình tĩnh lại đôi chút để giữ thể diện cho tất cả mọi người.

"Im hết cho tôi!" Bác trai im lặng từ đầu đến cuối đã không nhẫn nhịn được nữa mà quát lên. "Con cái đứt ruột đẻ ra mà một câu đĩ hai câu đĩ, có nghĩ đến thể diện cái nhà này nữa không? Chửa thì cũng đã chửa rồi, con dại cái mang!"

Bác gái lại đập thêm một chiếc đĩa nữa, tiếng loảng xoảng chói tai vang to đến độ Hưởng suýt cho rằng bác đã hất sạch mấy mươi năm tần tảo chăm lo gia đình của mình xuống đất, bao năm vất vả lo toan cho con cái đủ đường mà cuối cùng lại phải ngậm ngùi con dại cái mang:

"Vậy ông đi mà mang, tôi nhìn con tôi khổ tôi mang không nổi! Phá thai rồi đi vá màng trinh mà làm lại cuộc đời!"

Một câu nói thốt ra trong cơn giận mà tựa hồ như đã vứt bỏ hoàn toàn cuộc đời cùng giá trị con người của cái Thục, cái Thục cúi đầu đứng không vững, hai chân run run rồi loạng choạng ngã về phía sau.

"Cô Thục!" Hưởng nhanh tay nhanh chân đỡ được người, tiếng kêu của anh cũng đủ hốt hoảng để giúp bác gái bình tĩnh hơn một chút.

Hách liếc qua biểu cảm bần thần của mẹ, trong đầu thoáng hiện lên một tia suy nghĩ trách móc rồi lại thôi. Rất may là cái Thục không sao, bấy giờ cậu mới thấy vết thương trên trán mình đau nhói.

"Cậu Hách đưa cô Thục lên nhà cho bình tĩnh, tôi nói chuyện với hai bác."

Thầy Hưởng xuất hiện như vị cứu tinh của cả ba cô cậu, thằng Hải lẫn cậu Hách bấy giờ mới dám thở mạnh, trong lòng không khỏi cảm tạ thầy Hưởng vạn lần. Đúng ra những chuyện như thế này thì chỉ nên giải quyết trong nội bộ gia đình, có điều ba cô cậu thừa hiểu rằng nếu không có thầy Hưởng thì cả nhà sẽ phải ầm ĩ thêm vài trận nữa mới thôi - vì đời nào mẹ chịu ngừng lại mà nghe lời cha nói chứ đừng kể đến lời bênh vực èo uột của mấy thằng con.

Hưởng chỉ lớn hơn Hách một tuổi chứ không nhiều, song cậu cũng một tay vẫy thằng Hải, một tay ôm vai cái Thục mà ra lệnh:

"Lên phòng cho người lớn nói chuyện."

Thật ra nói như vậy cũng không sai, Hách có cảm giác cha mẹ chưa bao giờ thực sự coi mình là người lớn. Nhưng cậu không còn tâm trí đâu mà phân tích tình hình hiện tại nữa, vết thương nơi trán mỗi lúc một nhức hơn, giờ cậu chỉ muốn cho cái Thục nghỉ một hồi rồi nói chuyện thật nghiêm túc với nó về bào thai trong bụng. Làm gì có chuyện Hách không tiên liệu được ngày hôm nay, chẳng phải cậu đã chu đáo dạy bảo em gái đủ đường, lại còn mua cả bao cao su cho nó phòng thân nữa rồi đấy sao? Chỉ là không ngờ cậu cẩn thận vậy rồi mà chuyện này vẫn xảy đến, Hách không biết giờ này phải trách ai - trách cậu, trách cái Thục, trách thằng ranh làm cái Thục chửa hay là trách... cha mẹ.

Cái Thục chưa ăn được mấy, mới chọc đũa vào bát cơm mấy hồi đã dè dặt thông báo chuyện dính bầu với cả nhà. Bước chân của nó yếu đến mức Hách sợ nó còn ngất được ra đấy, cậu phải cẩn thận dìu nó lên phòng trên tầng ba. Vốn muốn ra đầu ngõ mua gì đó cho nó ăn mà trông nó có vẻ không buồn miệng lắm, nó vừa vào phòng đã nằm xuống giường đuổi cậu đi tắm:

"Anh dội nước qua rồi thay đồ đi đã. Người toàn mùi canh, em không nói chuyện được."

Hách cũng không vội, cậu cũng định để nó nghỉ ngơi một lúc cho dây thần kinh đỡ căng thẳng rồi mới nói chuyện. Cậu cũng tò mò không biết thầy Hưởng ở dưới đó sẽ nói gì với cha mẹ, không biết miệng nhà giáo thì có khéo nói hơn anh em nhà mình tí nào không. Phân vân một lúc rồi cậu cũng quyết định kệ thầy Hưởng, không khéo giờ này thầy Hưởng lại đi nghĩ xấu là cậu trù cái Thục chửa hoang miết nên giờ nó chửa hoang thật không chừng. Ai mà biết cái Thục nó chửa hoang thật, cậu là anh lớn trong nhà mà lại không có tiếng nói để bênh cái Thục cho đàng hoàng; cuối cùng mọi sự lại rơi hết lên đầu thầy Hưởng (dù thầy tự nguyện làm vậy), thầy Hưởng không chê cậu kém mới lạ.

Đứng dưới vòi nước lạnh giữa trời đông buốt giá, cảm giác tê nhói trên trán bị vùi lấp bởi những dòng kí ức trong quá khứ đang ngùn ngụt ùa về, Hách chợt cảm thấy bản thân kém thật. Giờ có bị chê thì cậu cũng nhận, từng này tuổi rồi thì đáng ra cậu phải biết mở mồm ra nói điều gì đó có uy lực hơn, đáng ra đứng trước tình huống em gái mình chửa hoang thì cậu cũng phải đỡ được đòn cho nó. Nhưng cậu chẳng làm được gì sất, mở miệng ra nói được hai câu thì bị ăn đánh cả hai, Hách có cảm giác cậu hẵng còn là thằng con trai ngu dại của cha mẹ.

Tự dưng thấy thương cái Thục. Thương mà không hiểu tại sao thương, dù xưa giờ lúc nào cậu chẳng thương nó.

Năm hai mươi hai, cậu tốt nghiệp đại học. Về lý thì cậu đã chính thức trưởng thành từ năm mười tám, nhưng cậu thong thả tính dôi ra thêm bốn năm được cha mẹ nuôi ăn học, thành ra hai mươi hai cậu mới dám coi bản thân mình đã là người trưởng thành. Nhưng đến độ đó rồi mà Hách vẫn hay chấp vặt, và cậu ghét cái nết chấp vặt đó của bản thân vô cùng. Đơn giản như việc cái Thục thi thoảng gắt lên với cha mẹ thì cha mẹ chỉ phất tay cho qua, nói rằng nó học hành thi cử căng thẳng nên phải mua cái gì đó về bồi bổ cho nó mới được - mỗi việc đó thôi cũng đủ để Hách cảm thấy muốn khóc: rằng hồi xưa lúc cậu chỉ mới nhăn nhó một chút thôi là đã ăn nguyên cái bạt tai của đấng sinh thành.

Bực không? Bực chứ! Mà cái Thục nó gắt gỏng rất vô lý (ví dụ như vì con bạn thân bùng kèo qua nhà chơi cá ngựa, thằng ranh đang tán nó đột nhiên quay sang tán con khác), trong khi hồi xưa cậu nhăn nhó là vì đau bụng hoặc ôn thi căng thẳng; ấy thế mà cũng phải ăn bạt tai đi kèm bài học "đừng lấy sự mệt mỏi của bản thân ra làm cái cớ cáu gắt với người khác". Đúng, bài học đó rất đúng. Nhưng cậu buồn vì mấy cái bạt tai mang tính chất "giáo huấn"; chẳng hiểu sao cái Thục với thằng Hải ít khi ăn bạt như vậy, cái Thục là con gái thì còn dễ hiểu - nhưng sao thằng Hải cũng là con trai mà lại không bị?

Hách dĩ nhiên không xấu tính đến độ đi mách cha mách mẹ là cái Thục nó gắt không phải vì học hành thi cử đâu, nó gắt vì trai đấy. Mà cậu tất nhiên cũng chẳng so đo với em gái làm gì, từ bé đến lớn cậu lại chả cưng nó vô cùng - cưng nó vì sợ nó cũng bị bố mẹ quản nghiêm như mình vậy; chẳng qua là cậu tự thấy tủi thân thôi. Tủi thân vì mình là một thằng con trai, lại là con trai đầu, thế nên bao nhiêu cú tát hay bao nhiêu lỗi lầm của lần đầu làm cha làm mẹ đều đổ lên đầu thằng Hách này hết.

Thấy chưa, xấu tính thấy gớm. Bởi thế nên Hách mới ghét cay ghét đắng cái nết hay chấp vặt đó, nhưng cậu cũng không biết phải làm gì hơn. Chấp vặt là thật nhưng thương em cũng là thật, cái Thục hay thằng Hải mà bị tát thì cậu cũng đau lắm.

Hôm nay cái Thục không bị đánh, nhưng rõ ràng mà nói thì vết thương lòng nó nhận được chỉ trong một bữa ăn này có lẽ phải đau hơn tất cả những cái bạt tai mà cậu đã từng phải chịu.

Hách sợ mùa đông, sợ cái lạnh, sợ cả những cơn rùng mình mà toàn cơ thể không tài nào kiểm soát nổi biên độ không đều của nó. Ấy thế mà hôm nay vùi mình dưới dòng nước lạnh, cơ thể cậu chẳng buồn run lên cầm cập - cậu chỉ nghĩ đến vết thương ran rát trên trán cùng nỗi tủi thân ngập ngụa trong kí ức thời niên thiếu, nghĩ đến cái Thục còn trẻ măng đã phải chịu trách nhiệm cho một sinh linh chưa thành hình, nghĩ đến cả tô canh vỡ nát cùng những lời khóc than cay nghiệt của mẹ. Cuối cùng cũng chỉ là cuộc đời này cay nghiệt với họ chứ chẳng ai cay nghiệt với ai, hoặc đúng hơn là không ai có tư cách để đổ lỗi rằng ai cay nghiệt với ai.

Cậu sợ cái Thục đói nhưng không dám xuống nhà, càng không dám nghe lén xem thầy Hưởng đang nói chuyện gì với cha mẹ. Tắm xong cậu chỉ đành lục lọi trong phòng được ba món đồ ăn vặt rẻ tiền còn dư, nghĩ không thấm vào đâu nhưng vẫn đem lên cho cái Thục.

"Nãy ăn ít thế, giờ đói không?"

Cái Thục dường như đã bình tĩnh trở lại, ngoan ngoãn ngồi trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường, trong tay là một hộp bông y tế, một cuộn băng trắng và một hộp oxy già đã cũ. Trông nó buồn, tiêu cự xa xăm vô cùng, đầu óc nó dường như đã nhảy ra khỏi cửa sổ để đáp đất cùng những chiếc lá vàng với hơi thở xào xạc yếu ớt trên cây. Không giống cái Thục một chút nào; cái Thục sẽ kẻ một đường lông mày thật mảnh và duyên, đánh một chút phấn má hồng cho tươi tỉnh, thêm một màu son rực rỡ lên môi và xúng xính nhập hội với mấy đứa bạn hoa khôi đến tận đêm mới về. Giờ đây sao trông nó già và xơ xác quá.

Hách bước vào phòng, im lặng đặt mấy gói bánh xuống bàn; khi đó tiêu điểm trong mắt nó mới ngắn lại trên người cậu:

"Anh đau không?"

"Tao không", vì bây giờ cậu không thấy đau nữa thật.

"Em xin lỗi. Có khi nào anh đang nghĩ tại cha mẹ chiều quá nên em hư không?"

"Mày có hư đâu? Hư thì anh đã cho mày ăn tát trước rồi."

Cái Thục không nói nữa, nó đổ oxy già ra bông trắng, nhẹ nhàng chấm lên vết thương trên trán cậu. Động tác của nó nhẹ nhàng lắm, xưa giờ lần nào cậu đá bóng xước chân cũng toàn là cái Thục chấm thuốc cho - nhưng hai anh em chọc nhau suốt nên nó cứ cố tình chấm mạnh tay cho cậu rát điên mà la lên oai oái. Hôm nay nó thế mà ngoan, hoặc nó thấy có lỗi vì đã để cậu hứng liên tiếp hai cú đánh vô lý của mẹ.

Hai anh em ở cạnh nhau không chí chóe thì cũng chọc nhau khóc huhu, im ắng thế này Hách không quen mà cũng chịu không được.

"Sao, mày không biết con thằng nào thật à?"

Cái Thục buông một tiếng thở dài, có gì nói nấy, không giấu một lời:

"Biết. Em chỉ ngủ với mình nó thôi. Nhưng tháng sau nó lấy vợ rồi. Con nhỏ kia cũng phình bụng rồi."

Vậy là hai cô chửa nhưng thằng ranh này chỉ lấy một cô. Vô lý. Thế này thì chứng tỏ cái Thục nó chưa nói cho người ta biết nó cũng bầu của con người ta rồi. Hách bày ra vẻ mặt nghi vấn, nghi vấn rành cái Thục nó nói dối mình - chứ chẳng lẽ nó lại ngu đến độ không nhìn ra được bộ mặt thật của mấy thằng cưa cẩm tán tỉnh nó.

Cái Thục biết anh trai nghĩ gì, cũng biết bản thân sai ở đâu. Nó không bao biện, nó chỉ đủng đỉnh đáp lại vẻ mặt hoài nghi của cậu:

"Con trai yêu bằng mắt, con gái yêu bằng tai. Em chưa gặp ai dẻo mỏ như nó."

"Thì mày cũng phải phân biệt được thằng nào bôi mật ong, thằng nào bôi dầu nhớt lên mồm chứ? Mồm dẻo hàng fake mà mày cũng tin được à?" Hách không nhịn được mà đập bàn quát lên. Hung dữ chưa được nửa phút thì lại hạ giọng xuống. "Nhà nó ở đâu?"

"Đối diện chợ thành phố."

Mắt cậu Hách cay một hồi, rõ là muốn khóc nhưng cuối cùng cậu chỉ vứt lại một câu:

"Thế thôi, kệ mẹ nó cho nó lấy đứa khác. Nhà đối diện chợ thì thối bỏ mẹ ra."

Cái Thục hiểu ý anh, ngoan ngoãn gật đầu. Mắt nó cũng cay, cay vì trời đông hanh khô thiếu ẩm chứ không phải vì nó muốn khóc. Nó thấy giờ đây nó xơ xác như cành cây ngoài cửa sổ, gió đông lạnh đến mấy cũng không dám rùng mình - vì rùng mình thì bao nhiêu lá tàn còn lại đều rời thân mẹ về với đất, cây buộc phải hiu hắt cô đơn suốt cả mùa đông dài.

"Mày đừng trách mẹ, mẹ thương mày nên mới nặng lời."

Đâu phải cứ thương là được phép nặng lời, nhỉ?

"Anh cũng đừng trách mẹ, mẹ muốn anh nên người nên hồi đó mới khắt khe với anh."

Và để lại trong anh một đống những tổn thương rải rác. Ngược thời gian quay về quá khứ lại thấy chỗ này một ít, chỗ kia một ít; những tổn thương đã cũ nằm ngổn ngang như mấy nấm mồ không được chôn cất tử tế - thấy là đau, đau vô cùng.

Cái Thục bóc đại một gói bánh trên bàn, cho vào miệng nhai rệu rạo như nhai giấy vụn.

"Cảm ơn anh."

"Nghỉ ngơi đi."

Hách thất thểu về phòng, đứng trước cửa phòng một lúc thì lại chần chừ mà quay đầu đi sang phòng thầy Hưởng. Thầy Hưởng nói gì mà lâu, qua đầu giờ chiều rồi mà thầy vẫn chưa lên. Bỗng nhiên Hách muốn được nghe thầy Hưởng phê bình, phê bình vì cái tội suốt ngày nghĩ xấu cho cái Thục. Thầy Hưởng chủ động bỏ nhiều công sức để "đối thoại" với cha mẹ cậu như thế này thì thầy cứ việc phê bình cậu thoải mái, cậu đáng bị phê bình mà, mà thầy cũng có tư cách để phê bình mà. Thầy còn chẳng phải con cha mẹ cậu, ấy vậy mà thầy vẫn bỏ công ghê quá.

Cậu chụm chân lại ngồi thu lu trước cửa phòng thầy Hưởng, chập chờn được một giấc không lâu thì bước chân nhẹ nhàng của thầy đã đánh thức cậu. Quái lạ, lớn hơn mình chẳng là bao nhưng nghề giáo đã khiến người ta trông trở nên tin cậy gấp trăm lần. Lòng cậu đang chẳng khác gì mớ bòng bong, vậy mà lúc ngẩng đầu lên nhìn thầy Hưởng, cậu cho rằng mình vừa vớ được cái phao cứu sinh chất lượng đến độ có phải lênh đênh trên Thái Bình Dương thì cậu cũng sống sót ngon lành.

"Cậu Hách đói không?"

"Cảm ơn thầy, tôi không đói."

Cửa phòng không khóa nhưng cậu không tự tiện vào, chờ Hưởng mở cửa rồi mới vào theo. Hiếm hoi lắm mới có lần cậu vào phòng người ta mà không bị đuổi, mức độ an tâm dĩ nhiên tăng đến tối đa, cậu nhanh chóng bước vào rồi ngã xuống giường mà than thở:

"Biết thế ngay từ đầu tôi đã chặn xe đập một lượt mấy thằng chở nó về nhà, thế mới không có ngày hôm nay."

"Thật ra đeo bao cao su cũng có xác suất có thai, cậu đừng trách oan cô Thục", thầy Hưởng nghĩ đến việc vết thương trên trán cậu Hách chính là từ chuyện "vẽ đường cho hươu chạy" mà ra, bèn không nhanh không chậm an ủi cậu Hách một cách cứng nhắc như thế. Anh muốn nói thẳng là vết thương này oan ức quá, cậu Hách mua bao cao su cho cô Thục là việc không sai - nhưng anh ngại, anh chỉ có thể nói cụt lủn chừng đó.

Hách nhìn thẳng vào mắt Hưởng, tông giọng cũng hạ thấp xuống một cách nghiêm túc:

"Tôi nói mồm với thầy mấy lần cho vui vậy thôi, thật tâm tôi chưa bao giờ trách nó. Thầy tin không?"

Hưởng không trả lời, dĩ nhiên anh tin.

Cậu Hách chỉ quen mồm nói linh tinh vậy thôi, chứ bình thường ai mà chẳng nhìn ra cậu Hách thương cô Thục lắm.

Nhưng Hưởng không nói gì, Hưởng sợ cậu Hách lại chọc mình sến - dù anh chỉ nói sự thật.

"Thầy nói gì với cha mẹ tôi vậy?" Cậu Hách lại hỏi tiếp.

"Tôi nói về luật pháp và đạo đức."

"Thầy mở phiên tòa à?" Hách cười khúc khích, tưởng đâu thầy Hưởng chỉ dạy mỗi học sinh tiểu học thôi - chứ hóa ra thầy còn lên lớp cả cha mẹ mình nữa. Thầy Hưởng vẫn luôn cứng nhắc như thế, luận điệu của thầy luôn là "một là thế này, hai là thế kia, ba là thế nọ", quy củ và nền nếp vô cùng.

Hưởng ngồi xuống ngay cạnh Hách, sử dụng kỹ năng tóm tắt văn bản để tóm tắt lại một cách không hoàn chỉnh cuộc đối thoại giữa ba người họ:

"Không, tôi chỉ nói những thứ mà ai cũng biết. Rõ ràng là cô Thục đã đủ tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật, có đầy đủ quyền công dân, có khả năng tự chủ tài chính, có quyền kết hôn với bất kỳ ai theo đúng quy định của pháp luật. Quan trọng hơn là cô Thục không làm gái, cậu Hách đang bảo vệ cô Thục chứ không phải vẽ đường linh tinh cho hươu chạy bừa. Cô Thục đàng hoàng tử tế, sau này ổn định rồi thì vẫn có thể kết hôn với người khác. Người ngoài soi mói thì kệ họ, sống ngay thẳng thì không phải sợ miệng đời."

Nói một lèo xong mà chỉ nhận về một tràng cười ha hả của cậu Hách, thầy Hưởng không hài lòng nhưng cũng không khó chịu. Cậu Hách vừa cười vừa đẩy vai thầy Hưởng mấy cái, thẳng thừng chê thầy Hưởng nhạt nhẽo:

"Nói mấy lời vớ vẩn vậy mà mẹ tôi vẫn nghe à? Mồm mép thầy kém đột phá hơn tôi nghĩ."

"Vì tôi là người ngoài, cậu Hách ạ."

Hay cho một câu vì tôi là người ngoài, mấy năm nay Hách luôn trách Hưởng sao mà giữ giới hạn với gia đình mình ghê thế; để rồi bây giờ chút chuyện này xảy ra thì anh lại đường hoàng tuyên bố mình là người ngoài, mình nói gì thì ít nhiều chủ nhà cũng nể một phần mà nghe.

Đúng cũng đúng, mà sai cũng sai. Cha mẹ cậu chưa hẳn đã nể người ngoài đến vậy, chưa kể đến việc mấy năm qua họ đã xem Hưởng là người trong nhà rồi - vì nếu không coi Hưởng là người thân thì đời nào họ để Hưởng dễ xen vào chuyện gia đình nhà mình thế, nhà nào cũng phải có thể diện của nhà đó chứ. Họ nghe Hưởng, vì họ tôn trọng "thầy" Hưởng và tin tưởng anh Hưởng. Họ không đánh Hưởng, vì Hưởng không phải con của họ.

Thầy Hưởng là người ngoài, nhưng là một người ngoài đủ gần gũi để giải quyết một phần những sự việc ngoài ý muốn xảy ra trong gia đình cậu.

Vết thương trên trán nhói lên, Hách không cười nữa.

"Thầy Hưởng này, tôi nhờ thầy."

"Vâng cậu Hách, tôi nghe."

Hách móc trong túi quần ra một tuýp thuốc mỡ, vươn người ngồi dậy đặt vào tay thầy Hưởng:

"Tô canh hồi trưa to lắm, chắc mẹ tôi trật khớp cổ tay rồi. Mai thầy hộ tôi đưa cái này cho mẹ tôi nhá?"

Hưởng đứng hình một lúc.

Cốt lõi của những cái tát và những lời đay nghiến chói tai đó cũng chỉ là tình thương. Nhưng đôi khi con người ta thương nhau quá, xót nhau quá mà lại nói ra những lời đắng nghét, làm ra hành động ê buốt cả đôi bên. Dẫu sao ngay bên cạnh những lời đắng nghét khó nuốt được thốt ra kia vẫn là vị mặn của nước mắt nơi đầu môi, chứ đâu phải vì đấng sinh thành ghét bỏ mình đâu.

Đánh mình thì tay mẹ cũng đỏ. Cậu Hách sứt trán thì bác gái cũng trật khớp cổ tay.

Thật ra Hưởng thấy rõ một điều không tránh được, trên đời này kiểu tình thương nào cũng sẽ mang lại một kiểu tổn thương của riêng nó; mà tình thương của cha mẹ dành cho con cái đôi khi nhiều quá nên mới ngấp nghé tràn ra khỏi thành cốc, người con cầm nắm không cẩn thận sẽ trượt tay làm vỡ - làm vỡ rồi mà không đủ bình tĩnh để bước qua thì sẽ giẫm lên mảnh vỡ.

Lần này cả cậu Hách cả cô Thục đều sẽ giẫm lên mảnh vỡ, Hưởng nghĩ thế. Không tránh được, đứa con nào chẳng từng giẫm lên tình yêu thương quá khổ của cha mẹ đôi ba lần. Những đứa trẻ thì dễ tha thứ hơn một chút, người lớn như cậu Hách với cô Thục thì khó lắm. Khó không phải vì hai anh em họ không tha thứ được cho cha mẹ, khó là vì hai người đều không tha thứ được cho bản thân mình.

"Vâng cậu Hách."

Hưởng chỉ thấy cậu Hách cười một cái rất nhẹ rồi lại nằm xuống quay lưng vào tường. Chắc là cậu Hách định rơi nước mắt, không kiềm được nhưng cũng không muốn để anh nhìn thấy.

"Cảm ơn thầy."

Phòng anh không kín gió, gió đông vừa xuyên qua khe hở liền bị gãy vụn thành từng mảnh tê buốt, bờ lưng co ro của cậu Hách lại khiến anh hơi phiền lòng. Hiếm khi mới thấy cậu Hách ít nói, nhưng cậu Hách ít nói trông thật xa lạ biết bao. Giống như việc hiếm khi anh thấy cô Thục không đánh son môi màu đỏ vậy, trông lạ lẫm vô cùng; giống như cô Thục không còn là cô Thục mà cậu Hách không còn là cậu Hách.

Hưởng xoay người ngồi lên giường, vươn tay ra xoa nhẹ mái đầu còn hơi ẩm của đối phương. Cậu Hách nằm im không phát ra tiếng động, bờ vai không rung lên, hơi thở cũng không nghèn nghẹt nước mũi. Anh vỗ lưng cậu thật nhẹ, vỗ cho đến khi cảm nhận được hơi thở đối phương đều thật đều.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro