05. Dỗ dành

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cái Tết của Hưởng nhìn chung trôi qua cũng khá là êm ấm - ngoại trừ việc chiều mồng năm phải bắt xe lên thành phố rồi mà hoa đào mới chịu nở gần hết. Âu cũng vì tàn dư của mùa đông nán lại quá dai dẳng, nó cuốn theo cả hơi thở rét buốt trên vùng cao về tận từng ngõ ngách của đồng bằng; âm u đến độ suốt mấy ngày nghỉ chẳng ai tìm được một giọt sương xuân đúng nghĩa. Anh đi mà thở dài thườn thượt, vốn định chụp một bức ảnh cùng chậu đào nở rộ để khoe cậu Hách lấy lòng - thế mà giờ chỉ chụp được đúng mấy bức lèo tèo ở những cành nhiều hoa nhất.

Đường lên thành phố đi mất khoảng năm tiếng đồng hồ, không nhanh cũng không lâu nhưng tương đối bất tiện - vì thế mà anh ít khi về quê lắm, Tết về một lần rồi hè về một lần là hết. Có những năm Hưởng còn không tiện về quê nghỉ hè vì phải ở lại thành phố hoàn thiện giáo án cũng như tập huấn nghiệp vụ sư phạm, thành ra quê nhà bây giờ cứ như một nơi chốn tạm bợ; mà anh bỗng nhiên trở thành khách trong nhà khi nào không hay.

Lớn lên rồi, có một giai đoạn mà con người đi đâu cũng là khách; về nhà cũng là khách mà đến trọ cũng là khách. Thủa mới ra trường Hưởng cũng buồn mãi vì suy nghĩ này, mỗi lần về nhà là trong nhà lại có thêm cái gì đó mới mẻ hoặc thay đổi một vài đặc điểm nào đó khiến anh thấy xa lạ. Duy chỉ có tình cảm mới là điều duy nhất có thể an ủi trái tim nhạy cảm của Hưởng, mang lại cho anh cảm giác được ở nhà; mà anh lại thấy may mắn thay khi mình đi đâu cũng nhận được rất nhiều tình cảm từ những người gần gũi xung quanh. Bởi thế nên những người bạn xa quê của anh đều tự nói với nhau rằng: bốn bể là nhà.

Lên xe được nửa tiếng đồng hồ đã thấy cậu Hách inh ỏi gọi đến, Hưởng mới đau đầu thoát ra khỏi dòng suy nghĩ ủy mị của bản thân. "Bao giờ thầy về đến nhà", cậu Hách hỏi như thế, khiến anh trong nửa giây lại một lần nữa nhầm lẫn khái niệm về "nhà".

"Chắc là trước giờ ăn tối tôi sẽ về đến nơi. Cậu Hách không đi làm à, tự dưng lại gọi điện cho tôi vào giờ này?"

"Làm sao? Cứ đi làm là không được gọi điện cho thầy trong giờ hành chính à? Thế thầy về đây có mang theo quà quê không?"

"Có chứ, năm mươi quả trứng gà", Hưởng đáp, và Hưởng biết thể nào cậu Hách cũng chê cho mà xem.

Thế là y như rằng:

"Sao thầy không mang cái khác cho dễ xách! Mang trứng lên lỡ vỡ hết thì sao? Với cả tôi đâu có thích ăn trứng! Thầy Hưởng cái gì cũng có, mỗi tấm lòng là không có!"

Ngày xưa Hưởng mà phải nghe ba câu trêu chọc thế này là Hưởng tức lắm. Chứ giờ thì anh quen rồi, toàn nói tào lao, kệ.

"Cô Thục thích ăn mà cậu Hách! Hôm nọ cô Thục vừa nhắn tin mách tôi là cậu làm trứng hấp dở lắm, cô Thục nhờ tôi mang trứng gà quê lên cho cô Thục tự hấp."

"Con ranh con này, giờ nó còn dám nói xấu cả thằng anh nó nữa", cậu Hách thở phì phò, tức không biết vứt đi đâu mới hết, "Thầy cứ chiều cái mồm của nó cho lắm vào, nó lại sinh hư! Thế tôi thì sao, sao thầy không mang gì lên cho tôi? Thầy bên trọng bên khinh thế mà coi được à?"

"Tôi có biết cậu Hách thích gì đâu, tôi cứ tưởng mang mỗi cái thân này lên là cậu Hách vui lắm rồi."

"Chẳng vui tí nào hết, nhá! Thầy xem lại thái độ của thầy đi, tôi là tôi thấy thầy chẳng coi trọng tôi như xưa nữa!"

Nói rồi cậu Hách cúp máy ngang. Người đâu mà khó chiều, Hưởng bĩu môi.

Đi đi lại lại trên tuyến đường này biết bao nhiêu năm rồi, con người đã thay đổi mà con đường vẫn không chịu thay đổi, lần nào đi cũng xóc lắm, đi xe dễ buồn nôn nên anh thường tranh thủ ngủ một giấc cho đỡ say. Hôm nay biết cậu Hách kiểu gì cũng sẽ gọi điện làm phiền nên ngay từ đầu anh đã chẳng buồn gối đầu đánh một giấc như mọi lần. Anh dự định về đến thành phố sẽ tranh thủ ghé hàng ảnh gần bến xe để rửa vài tấm ảnh Tết, sau đó anh sẽ giả bộ cầm ảnh đi "khoe khoang" với hai bác, với cô Thục và cậu Hải rằng đây là đào cậu Hách tặng gia đình anh.

Hưởng thì chẳng lấy làm thích những hành động mang tính hình thức cho cam, nhưng cậu Hách lại có vẻ rất ưa mấy hành động phô trương và mấy lời nói hoa mỹ. Anh thừa biết vậy nên mới nhiều lần cố tình làm trái ý cậu Hách cho cậu Hách tức điên lên, thế là anh thỏa mãn lắm.

Ông bà ta nói rồi, cái gì làm nhiều quá thì cảm xúc sẽ chai đi mất; thậm chí đến cả vợ chồng lâu năm thắm thiết quá thì cái tình cũng chai chỉ còn mỗi cái nghĩa dày cộm nữa là. Nên anh mà cứ chiều cậu Hách nói ba lời dễ nghe thì sớm muộn cậu Hách cũng sẽ chán ngấy, mà cậu Hách chán thì cậu Hách sẽ lại sinh sự, mà cậu Hách sinh sự thì anh sẽ lại đau đầu.

Áp dụng thứ logic cũn cỡn đó, Hưởng mới quyết định lâu lâu sẽ làm gì đó lấy lòng cậu Hách một lần, rồi sau đó lại tiếp tục mặc kệ sự mè nheo inh ỏi đầu óc của cậu. Anh xách theo hành lý lỉnh kỉnh xuống bến xe, đi một mạch đến tiệm ảnh gần đó mà rửa vội gần chục tấm hoa đào, cầm lên đặt xuống xuýt xoa một hồi rồi mới chịu về trọ.

Không biết có phải vì bị cậu Hách sai vặt hay không mà vừa về đến cổng anh đã thấy thằng Hải ngồi ngủ gà ngủ gật trên chiếc ghế nhựa không lưng tựa, trong tay cầm chiếc máy chơi game bốn nút đời mới còn kêu tách tách.

"Cậu Hải, buồn ngủ thì vào nhà mà ngủ chứ ngồi ngoài này làm mồi cho muỗi làm gì?"

Hải giật mình tỉnh dậy, vừa thấy thầy Hưởng về liền nhét máy chơi game vào túi quần ngay và luôn, ra vẻ niềm nở hiếm có mà đỡ lấy chiếc túi xách nặng trịch cho thầy:

"Anh Hách bảo em ra phụ thầy mang đồ lên phòng, anh ta cho em năm mươi nghìn chơi net đấy!"

"Cậu Hách hôm nay thảo ăn thế, không thèm dọa mách mẹ nữa mà còn cho cậu chơi xả láng thế này à? Cậu cứ để đấy anh tự xách được."

Thằng Hải không để cho thầy Hưởng phải tỏ vẻ khách sáo, nó cầm lấy túi xách vắt sang một bên vai mà nguýt một câu:

"Mấy khi mới được cho tiền, thầy tưởng em ăn được tiền anh Hách mà dễ à?"

Hai anh em hay tị nạnh nhau thế thôi, chứ Hưởng tự biết từ khi cậu Hách tự lập đi làm kiếm tiền, cậu đã lo cho cô Thục lẫn cậu Hải nhiều lắm. Thằng Hải khệ nệ xách đồ giúp thầy Hưởng, còn tranh thủ mách lẻo rằng anh Hách bắt nó đón thầy đàng hoàng xong xuôi cái đã rồi mới cho nó ăn cơm tối.

Thằng Hải ăn vạ cho vui miệng chứ nó cũng biết xưa giờ cứ mỗi lần thầy Hưởng từ quê lên là nhà nó lại chờ một thể để mời thầy ăn tối cùng. Quan trọng là nó biết thầy Hưởng rất thích đối đầu anh nó để bênh chị Thục và nó, vậy nên nhắm kể xấu được chuyện nào là nó lại mang ra kể hết cho thầy Hưởng nghe.

Khoảng vài năm đổ lại đây là Hưởng chẳng buồn khóa cửa phòng mỗi lần về quê nữa. Bởi vậy nên hôm nay khi anh vừa mở cửa ra, phòng ốc vẫn sạch sẽ khô ráo dù thời tiết mùa này đã manh nha ẩm ướt khó chịu, toàn bộ ga giường được thay mới sạch sẽ, nhiệt độ vẫn ổn định như thể phòng luôn có người ở. Thằng Hải từ phía sau bon chen chạy lên tiếp chuyện:

"Mấy hôm thầy về quê, anh Hách toàn qua đây ngủ đấy! Mẹ em thấy nên mẹ em mắng, bắt anh Hách thay ga giường cho thầy."

"Phiền bác và cậu Hách quá! Cậu Hách còn chẳng mấy khi tự dọn phòng mình, bây giờ lại dọn phòng cho anh thế này, anh ngại chết!"

Thằng Hải lại bĩu môi:

"Thầy ngại làm gì, nhà này không có ai lười hơn anh Hách nữa đâu! Hôm nay thầy về nên anh ta còn vào bếp nấu ăn nữa kia kìa, thầy nghỉ ngơi tắm rửa rồi xuống ăn sớm sớm kẻo lát nữa anh ta lại đành hanh."

Thời gian cũng không còn sớm, bình thường tầm này cả nhà cậu Hách đã ăn uống xong xuôi rồi. Hưởng không muốn phiền hà gia đình người ta, bèn dội nước qua loa cho đỡ mùi mồ hôi rồi lại tay xách nách mang quà quê xuống bếp nhà cậu Hách.

Vừa đến đầu cầu thang đã ngửi thấy mùi thơm đặc trưng của ngan cháy tỏi - món mà cậu Hách năm nào cũng chê lên chê xuống mỗi lần anh tự nấu trong căn trọ nhỏ của mình - khiến dạ dày Hưởng không kiềm chế được mà sôi sùng sục. Vốn biết cậu Hách chẳng thích gì cái mùi hoi hoi của thịt ngan đi kèm với mùi tỏi cháy, vậy nên từ lâu anh đã ngừng việc mang thịt ngan thừa từ quê lên ăn dằn những ngày sau Tết.

"Nhà mình hôm nay ăn muộn thế?"

"Thầy Hưởng về rồi đấy à? Ôi, mang gì mà nhiều đồ thế!" Bác gái hồ hởi xách giúp anh giỏ trứng cùng mấy thanh giò nạc, còn nhiệt tình đẩy đẩy anh về phía bàn ăn đã kéo sẵn một chiếc ghế ra.

Bụng cái Thục đã nhô lên trông thấy, da mặt trộm vía cũng nhiều thịt hơn chút đỉnh, vừa nhìn thấy giỏ trứng đã tươi tỉnh ngay:

"Thầy tốn công thế, mang theo giỏ trứng này chắc đi lại bất tiện lắm nhỉ?"

Hưởng còn chưa kịp khách sáo lại đôi ba câu thì giọng cậu Hách đứng bếp đã lanh lảnh phát ra:

"Mày biết người ta đi lại bất tiện mà vẫn còn vòi vĩnh trứng với chả gà à?"

"Có gì mà bất tiện đâu, cô Thục bây giờ đang là đối tượng được ưu tiên hàng đầu trong nhà mình", Hưởng bỏ qua lời quở trách mát miệng của cậu Hách mà đáp lời cái Thục, "Cả nhà ăn Tết vui không?"

Vui không thì phải hỏi thằng Hải mới biết, chứ mẹ cậu Hách cùng cái Thục chỉ chờ có thế mà bắt đầu kể chuyện dông dài cho thầy Hưởng nghe. Hách đứng trong bếp nghe chữ được chữ mất mà đã thấy đinh tai nhức óc, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy chuyện đàn ông trong nhà này vô dụng không làm được cái tích sự gì, thi thoảng cái Thục sẽ chêm vào vài câu là anh Hách chẳng biết nhường nhịn em út, mua hoa quả cũng không biết chọn quả ngon mà mua. Cuộc hội thoại đã đi đến nước này rồi thì cả cha lẫn thằng Hải chỉ có thể ngậm miệng ngồi nghe chứ làm sao dám nhảy vào kể lể nữa.

Gớm, người ta hỏi ăn Tết có vui không là hỏi xã giao cho có chuyện để nói - chứ có phải hỏi để cho cả nhà cùng bổ vào nói xấu nhau công khai như thế đâu! Cậu mà là thầy Hưởng thì cậu đã sớm tiền đình ngay tại chỗ rồi!

"Thôi được rồi được rồi, nói ít thôi, đau hết cả tai! Người ta mới đi đường xa về đấy!" Cậu Hách hùng hổ từ trong bếp đi ra, đặt đĩa ngan cháy tỏi xuống bàn cái "cộp", mặt mũi nhăn nhó khó chịu liếc mẹ một cái rồi lại liếc cái Thục một cái.

Hưởng ta cũng muốn bắt chuyện với cậu Hách lắm - nhưng từ lúc cậu Hách mang đĩa ngan cháy tỏi thơm lừng ra bàn cho đến lúc bữa cơm nhà sắp đi vào hồi kết, cậu Hách chẳng buồn ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào mắt anh lấy một cái. Mọi sự xảy ra cứ như thể anh lỡ làm gì sai để cậu Hách giận, mà anh lại chẳng rõ đầu đuôi sự việc ra sao nên cũng chẳng dám mở lời trước luôn.

Đó là vấn đề thứ nhất, vấn đề thứ hai là từ đầu đến cuối cậu Hách chẳng buồn động đũa đến đĩa ngan cháy tỏi thơm phức kia. Ý là biết cậu Hách không thích rồi, Hưởng cũng đã cố tình khen đôi ba câu - nhưng cậu Hách cũng chẳng có động tĩnh gì. Ít thì cũng nên nhanh tay nhanh chân như mọi năm: cậu luôn thoăn thoắt gắp hết món này sang món nọ để vào bát mỗi người trong nhà. Đằng này cậu Hách cứ nín thinh, nói chuyện thì thi thoảng đệm vào hai ba câu cho có, chẳng buồn châm chọc thằng Hải hay bản thân thầy Hưởng đây đôi ba câu như thường lệ nữa.

Tóm lại chắc là giận Hưởng ta vì Hưởng ta không mang quà quê dành cho riêng cậu.

Bởi vì chỉ "chắc là" chứ chưa dám khẳng định cậu Hách thực sự giận mình, Hưởng ta không dám dỗ, sợ dỗ lại bị cậu Hách trách "thầy tưởng tôi nhỏ nhen thế đấy à" thì có mà rước mệt vào người.

Cho nên cách mà Hưởng ta giải quyết vấn đề mới giả trân đến thế: hai tay hai mắt thì tập trung thu dọn bát đũa nhưng xấp ảnh trong túi quần lại bằng một cách kì diệu nào đó mà vẫn có thể rơi vương vãi xuống sàn.

Dĩ nhiên dưới tình huống kì lạ như vậy, không một cặp mắt nào trong nhà là không nhìn chằm chằm vào đống ảnh lật úp lật ngửa bừa bãi trên sàn; mà mắt cậu Hách thì lại càng bắt được những hình ảnh quen thuộc đó nhanh nhất.

"Thầy Hưởng hôm nay vụng thế, rơi hết cả đồ rồi đây này!" Thằng Hải bị mẹ liếc một phát đã ngay lập tức cúi người xuống nhặt ảnh hộ thầy Hưởng, mà Hưởng cũng giả bộ rằng hai tay đang bẩn nên không tiện tự thu xếp đồ đạc.

"À, ảnh tôi tranh thủ chụp đào cậu Hách tặng. Tôi phải lên thành phố sớm quá, muốn ngắm đào Tết cũng chẳng biết đi đâu mà ngắm, chỉ đành tự chụp tự rửa ra mà ngắm thôi."

Lí do lí trấu nghe mà rát hết cả tai.

"Thấy gớm!" Cậu Hách lầm bầm trong cổ họng, ôm đống bát đũa quay ngoắt đi.

Và thế là cả nhà truyền tay nhau mấy tấm ảnh mới rửa, xuýt xoa may mà tài nghệ chụp ảnh của thầy Hưởng không phải dạng vừa nên cành đào xác xơ con trai nhà mình tặng mới trông có sức sống đến thế. Hưởng nhanh tay thu xếp nốt những chiếc đĩa còn lại, cẩn thận đệm một câu trước khi vào rửa bát:

"Làm gì có ạ, chẳng qua là con không biết chăm nên đào mới nở muộn thôi bác ơi. Đào này cậu Hách mua ở tận vườn ươm, rõ là giống tốt rồi còn gì."

Bấy giờ Hưởng mới dám ỏn ẻn bê đống bát đũa còn lại vào bếp mà rửa cùng cậu Hách, động tác nhẹ nhàng gọn ghẽ như thể người vừa vụng về làm rơi cả xấp ảnh dày cộm kia chẳng phải Hưởng ta.

Hai người im lặng vai kề vai rửa bát, anh rửa phần anh, tôi rửa phần tôi, chẳng ai hắng giọng hó hé gì với nhau.

Cứ như thế cho đến khi cậu Hách rửa xong phần mình, rảy tay mấy cái lấy lệ rồi lại lau qua loa vào áo, bắt đầu chống nạnh mà "hỏi thăm" thầy Hưởng:

"Tôi là tôi thấy thầy lạ lắm đấy nhé! Khai thật đi, thầy bán cây đào của tôi rồi đúng không?"

Bất ngờ chứ gì? Nước đi này Hưởng ta thực sự không hề nghĩ đến.

"Ô hay, sao tự dưng cậu Hách lại nghĩ thế?"

"Chẳng thế thì là sao? Bình thường tôi cho thầy miếng nào ngon thầy có bao giờ cảm kích thế này đâu? Thái độ thế này rõ ràng là có tật giật mình, làm sai với tôi nên mới tự dưng nịnh bợ tôi như thế!" Cậu Hách nghiêm túc phân tích tình hình, càng nói càng khiến mặt thầy Hưởng đen thêm mấy phần.

Oan tôi quá, cứu tôi với! Thầy Hưởng than thầm trong lòng, sự việc sao lại thành ra thế này?

"Cậu Hách nghĩ nhiều rồi, làm gì có chuyện tôi bán cây đào cậu tặng. Tôi chỉ thiếu nước bê chậu đi khoe khắp xóm nữa là!"

Nhưng cậu Hách vẫn không tin:

"Thôi thôi thôi, thì thầy cứ khai thật cho tôi nghe xem nào! Rốt cuộc là thầy bán được bao nhiêu? Khai thật để tôi còn biết thầy có bán lỗ với giá tôi oằn lưng ra mua hay không chứ! Tôi là tôi rất dễ tính lại còn cực kì hào sảng, thầy cứ nói thật đi, tôi không bắt chẹt thầy chỉ vì một cây đào đâu!"

Hưởng dở khóc dở cười, hỏi khó thế thì bố ai mà trả lời được. Mà không trả lời được thì lại vòng sang chơi trò khác:

"Tôi bán được một tỷ! Thế có lỗ hết của cậu Hách không?"

"Lỗ!" Cậu Hách trợn mắt đáp. "Đào này tôi mua tỷ rưỡi đấy!"

Biết là chẳng có đào nào bán tỷ rưỡi nhưng cậu Hách bảo cậu mua mất tỷ rưỡi thì nó là tỷ rưỡi, cấm cãi. Tự dưng không làm gì cũng bị dỗi, thầy Hưởng với kinh nghiệm dỗ học sinh nín khóc lâu năm cũng không đào đâu ra phương án tối ưu để chiều được cậu Hách nhà mình.

Thế thôi, không chiều được thì trêu, đâu ai dỗ dành được mãi.

"Thì cũng phải trừ phần khấu hao mà nhà tôi đã ngắm, nhà tôi đã hít! Tôi cũng định bán hai tỷ cho đỡ lỗ rồi đấy, nhưng xét thấy bản thân mình dùng hao quá, ngày nào cũng ngắm, ngày nào cũng ngửi cơ mà! Bán lại một tỷ là nhiều rồi, đào này tôi đã hít hết hương thơm rồi, bán lại khéo người ta còn chê không thơm."

Cậu Hách tự dưng thấy tức, hóa ra nói lòng vòng một hồi là có ý chê quà cậu tặng đây mà:

"Tóm lại là thầy chê chứ gì! Thầy muốn chê đào tôi tặng thì cứ việc chê thẳng luôn đi, nói thẳng vào cái bản mặt này luôn đi này!"

Khổ chưa, bày ra đủ trò là thế chứ người ta đã có ý muốn giận thì mình làm gì người ta cũng giận thôi. Thế là cả buổi tối cậu Hách cứ đóng cửa ngồi im lìm trong căn phòng đối diện. Thôi thì nguồn cơn vấn đề cũng chỉ là việc cỏn con anh không mua quà quê cho cậu, nghĩ thế nên Hưởng cho rằng cậu Hách nhà mình chỉ giận mấy hồi rồi thôi.

Ai mà biết tự dưng lần này cậu Hách giận dai như thế, đi làm về gặp anh cũng chỉ gật đầu cái cho có lệ, cuối tuần rảnh rỗi không có gì làm cũng không thèm chạy sang phòng anh sinh sự nữa. Trời thì vẫn còn lạnh chán, thế mà cậu Hách vẫn chịu nằm một mình bên căn phòng lạnh ngắt kia, nhất quyết không mò sang phòng anh đòi ngủ chung cho ấm nữa. Mà lạ ở chỗ nếu lạnh quá thì cứ qua phòng cậu Hải nằm chung cho ấm cũng được, dù sao cũng là anh em ruột thịt, ngại gì chuyện ngủ chung gối đắp chung chăn.

Thế mà vẫn cứ nhất quyết ngủ một mình đấy, sáng dậy đi làm còn đóng cửa cái rầm đấy. Nói chung là giận nhưng không muốn nói ra đằng mồm là giận, thế nên mới thể hiện bằng cách sáng tối đóng cửa uỳnh uỵch: đấy, tôi đang tức thế đấy, anh liệu mà làm.

Được non hai tuần thì Hưởng ta đã thấy cậu Hách sụt sịt. Thôi thì dỗ người lớn rõ ràng là không thể dùng cách dỗ trẻ con được, thế nên thầy Hưởng nhà ta chỉ có thể sử dụng thế mạnh hình thể để ép người khác hết giận mình thôi:

"Cậu Hách ơi, mở cửa tôi vào."

Tiếng gõ cửa vang lên đồm độp, Hưởng dừng lại lắng tai nghe mà vẫn không nghe thấy tiếng động gì.

"Cậu Hách?"

Im ắng.

"Cậu Hách ngủ rồi à?"

Vẫn im ắng.

Thế cũng tốt, khiêng người ngủ dễ hơn khiêng người thức. Thầy Hưởng mạnh dạn vặn cửa bước vào.

Tự dưng đối phương chơi trò đột kích, cậu Hách hết hồn bật dậy, chỉ tay vào mặt hung thủ mà lớn tiếng:

"Thầy làm trò gì đấy? Tôi đã cho phép thầy vào chưa mà thầy tự tiện thế? Thầy có tin tôi đuổi thầy ra khỏi nhà tôi không?"

"Tôi gọi mãi cậu không mở cửa, tôi tưởng cậu ngủ mất rồi", thầy Hưởng tự nhiên nhún vai, đi thẳng đến lật hết chăn xuống khỏi người cậu Hách.

Hơi lạnh ồ ạt tiếp xúc với da thịt khiến cậu Hách rùng mình một cái. Mất công giận cả tuần mà không được dỗ câu nào, đã thế người ta còn ngang nhiên mở cửa vào phòng lật tung chăn nệm nhà mình lên, cậu Hách đã tức lại càng tức hơn.

"Tôi ngủ rồi thì thầy có quyền tự do mở cửa như thế à? Phép tắc lịch sự của nhà giáo đâu hết rồi?"

"Cậu Hách chưa ngủ thì tôi còn có thể gọi cậu sang ngủ cùng tôi. Chứ cậu mà ngủ rồi thì tôi hết cách, chỉ có thể mở cửa vào bế cậu sang ngủ thôi."

Nói là làm, chưa dứt lời mà anh đã luồn tay qua đầu gối bế cậu Hách lên, báo hại cậu Hách hết hồn không kịp làm gì chỉ kịp vòng tay lên ôm chặt cứng cổ người ta. Sợ ngã, cậu Hách sợ ngã gần chết! Thầy Hưởng trông chẳng cao to hơn mình là bao, thầy buông tay một cái là toi.

"Thầy... thầy... Tôi đã cho phép đâu mà thầy đòi bế tôi sang đấy ngủ?"

"Xưa nay tôi không cho phép mà cậu Hách vẫn ngủ với tôi đấy thôi", Hưởng tự nhiên đáp lời, mà nghe cũng hợp lí chứ đâu có vô lí chỗ nào đâu.

Đầu cậu Hách tự dưng nóng hầm hập, bình thường chắc cậu đã phun châu nhả ngọc vào mặt thầy Hưởng cho thầy nín luôn không phản biện nổi nữa rồi. Nhưng gần hai tuần nay cái lạnh sau Tết đã làm tê liệt dây thần kinh chửi của cậu Hách, báo hại cậu ê a ngắc ngứ một hồi mà vẫn không biết nên chửi thế nào cho sang. Kết cục cậu chỉ có thể gân cổ lên mà ra lệnh:

"Giờ tôi không cần nữa. Thầy đi ra cho tôi ngủ!"

"Cậu Hách không cần nhưng tôi cần."

Bị bế ra đến cửa, cậu Hách lại càng hoảng hơn. Thầy Hưởng gội đầu bằng loại dầu gội rẻ tiền mua ngoài hàng tạp hóa, chẳng hiểu sao thứ hương thơm phổ thông đó khi quyện vào mùi cơ thể của riêng Hưởng lại mang đến cho cậu cảm giác thầy ta đang xức nước hoa đắt tiền đi bắt cóc trai đẹp thế này.

Cậu dùng sức giãy chân nhưng tay vẫn ôm lấy cổ người ta chặt cứng vì sợ ngã, biết dùng sức không lại nên cũng chỉ có thể đánh võ mồm:

"Kệ thầy! Nhà tôi hay nhà thầy mà thầy lắm mồm thế? Thầy có tin tôi đuổi thầy ra khỏi nhà luôn không?"

"Cậu Hách thích ngủ với tôi, tôi biết mà. Tôi mà không chiều thì lại không nể mặt chủ nhà rồi."

"Tôi không phải chủ nhà! Cha tôi đứng tên hộ khẩu! Thầy đi mà chiều cha tôi, thầy bỏ tôi xuống! Thầy giỏi thì đi mà bế cha tôi!" Cãi nghe hơi ngang nhưng không cãi thì biết làm gì được nữa.

Hưởng ôm cái máy chửi chạy bằng cơm lách ngang vào phòng, còn tiện chân đá cửa đóng lại cái rầm, tiếng nghe còn to hơn cả tiếng cậu Hách mở ra đóng vào cả tuần nay. Hơi mỏi tay, anh xốc lại người trong lòng một cái làm cậu sợ điếng người mà ôm cổ mình chặt hơn:

"Chủ nhà có vợ rồi, tôi không dám bế. Tôi chỉ dám bế người chưa có vợ thôi."

"Liên quan?" Mặt cậu Hách đến nước này chỉ có đỏ càng thêm đỏ. "Thầy tưởng thế là hay à, tôi không thích ngủ với thầy!"

"Thế sao cậu Hách ôm cổ tôi chặt cứng thế?" Hưởng thật lòng hỏi, thật lòng đến nỗi miệng đã xếch đến tận mang tai làm cậu Hách chỉ muốn đấm cho một cái.

"Tôi... tôi sợ ngã!" Cậu Hách lắp bắp, thì cậu sợ ngã thật mà!

"Thế cậu Hách càng phải buông cổ tôi ra chứ? Cậu ôm cổ tôi thế lỡ cậu ngã là tôi cũng ngã đè lên cậu luôn đấy!"

Hách còn chưa kịp hiểu ý người ta là gì thì người ta đã thả phịch cậu xuống giường. Cậu không kịp buông cổ người ta ra, người ta cứ thế ngã đè lên ngực cậu. Mái tóc ngắn mềm mại vừa gội cà lên cằm cậu, hơi thở nặng trịch bên dưới phả vào ngay bả vai cậu, báo hại chân tay cậu run lẩy bẩy, đến cả sức để đẩy người ta ra mà cũng không có.

"Thầy... thầy tránh ra!"

Hưởng ngọ nguậy một lúc trên lồng ngực đối phương rồi mới ngẩng đầu lên giả vờ trách móc:

"Tại cậu Hách cứ ôm cổ tôi làm tôi ngã theo đấy chứ! Đau quá, chờ tí cho đỡ đau rồi tôi tránh."

Nói thế mà cũng nói được! Mặt mũi Hách đỏ bừng, cậu muốn đốp chát lại nhưng cổ họng cứ cứng ngắc không nói nổi lời nào. Thầy Hưởng thơm quá, người anh cũng ấm đến lạ, hai tay chống hai bên còn trông đô hơn mọi ngày. Bày đặt lắc vai xoay cổ một hồi rồi anh cũng tránh sang một bên, nhưng tay thì vẫn ôm chặt lấy cậu:

"Đi ngủ thôi, sáng mai tôi phải đi dạy sớm."

Sau đó vẫn thở đều đều như không có chuyện gì xảy ra.

Có tin nổi không! Chờ cho nhịp tim đập chậm lại, mặt với tai cũng bớt nóng đi, cậu Hách mới thấy mình bị dụ cho hết giận rồi. Thật vô lí, đáng ra phải xin lỗi cậu đây chứ, đáng ra phải nói là tôi chân thành xin lỗi cậu Hách, nghỉ Tết về tôi xách quà lên cho cả nhà mà chừa mỗi cậu Hách ra là tôi đếch thèm chuẩn bị quà gì cả, đã thế tôi còn chê cây đào cậu tặng có đỏ mà không có thơm, tôi ăn ngan cháy tỏi cậu cất công làm mà tôi không thấy ngượng mồm. Sau đó người này còn phải để cậu to tiếng đôi câu rồi mới được cậu tha lỗi chứ, chẳng lẽ bế qua bế lại một hồi thế này mà xong chuyện rồi à! Không thể thế được!

Hách nghĩ đằng đông rồi lại nghĩ đằng tây, xoay bên này rồi lại xoay bên kia mà vẫn thấy tức anh ách không ngủ được. Đã thế người ta còn thơm! Bớt thơm một tí thì mình còn bớt bực, đây thơm chết đi được, cứ quay sang bên kia một hồi rồi lại phải quay sang bên này hít hít.

"Sao đấy? Cậu Hách có chịu ngủ không thì bảo?" Hưởng mắt vẫn nhắm nghiền, tay vẫn ôm chặt người kế bên mà lè nhè hỏi.

"Thầy đừng ôm tôi nữa, tôi... khó thở."

Bảo thế rồi mà thầy Hưởng vẫn không nghe. Anh dúi đầu cậu xuống, xoay người cậu lại cho cậu úp mặt vào ngực mình, luồn tay qua cổ ôm lấy đối phương, tạo thành một vòng tròn khép kín không cho người ta giãy ra được. Hưởng gối cằm lên đỉnh đầu đối cậu Hách nhà mình, từ từ nhả ra từng chữ một:

"Mấy năm qua cậu Hách gác chân lên cổ tôi mà tôi có dám hó hé gì đâu? Giờ cậu Hách lại quay sang chê tôi à?"

Thấy nhịp tim của người ta cứ đập bình bình thế thôi chứ chẳng rộn ràng như của mình hồi nãy, cậu Hách đâm ra tức. Giãy người mãi không được, cậu chỉ có thể nói cho đỡ ngứa mồm:

"Ừ, tôi chê thầy đấy! Thầy chê hoa đào của tôi thì tôi cũng phải chê ngủ với thầy, có đi có lại! Tôi về phòng tôi ngủ, thầy bỏ tôi ra!"

Đời nào nói bỏ là thầy Hưởng bỏ ngay:

"Mấy năm qua cậu Hách ngủ với tôi rồi, giờ đến lượt tôi ngủ với cậu Hách. Có qua có lại."

Là sao? Là sao hả? Có khác gì không?

Dùng tay không được thì cậu dùng chân, mà chân rồi cũng bị chân thầy Hưởng kẹp lại. Nói chung là tấn công tứ phía, chặn đằng đầu quấn đằng tay kẹp đằng chân, cậu Hách muốn nhúc nhích cũng không nhúc nhích nổi.

Ấy thế là cậu từ chỗ tức chuyển sang chỗ ăn vạ, nước mắt cá sấu không biết từ đâu đã vội kéo đến như mưa:

"Biết thế đã không làm ngan cháy tỏi cho thầy ăn! Thầy về quê ăn Tết mà không đem lên đây nổi cho tôi món nào! Năm ngoái còn có khoai, năm kia còn có cá, năm kia nữa còn có nấm! Năm nay thì có cái nịt! Thầy còn bán cây đào của tôi đi nữa!"

Bình thường cậu Hách đã sụt sịt vì cảm lạnh rồi, bây giờ giả khóc thì mũi lại càng nghẹt lại kinh hơn. Hưởng bất đắc dĩ mở mắt, vỗ đều đều lên mái tóc dày của người trong lòng:

"Ấy, ai nói tôi không có quà gì. Trứng tôi mang lên nhiều thế, cô Thục ăn không hết thì cậu cứ thoải mái lấy mà ăn!"

Cậu Hách nghe vậy thì lại càng giãy thêm:

"Em gái tôi bầu, tôi lại đi tranh dăm ba quả trứng gà với nó hả! Ngay từ đầu thầy đã bảo đấy là quà nó, tôi có chết đói cũng không thèm mó vào!"

"Tôi sai rồi, tôi sai rồi, tôi sai", Hưởng vẫn tiếp tục vuốt ve chiếc ót nhỏ, "Cậu Hách đừng khóc nữa, kẻo mai dậy mũi lại nghẹt thêm. Đáng ra từ hôm đó tôi đã phải qua đấy bế cậu sang đây nằm cho ấm, chứ cậu ốm ra rồi đây này! Đào cậu tặng vẫn ở ngoài sân, mai cậu thích thì tôi đưa cậu về nhà tôi cho cậu xem tận mắt nhá!"

Đáng ra cũng nín khóc được rồi nhưng tại thầy Hưởng dỗ thật nên cậu Hách vẫn cứ muốn khóc thêm cho bõ công:

"Điên, ai thèm về nhà thầy làm gì! Tôi là tôi thấy thầy chẳng coi trọng tôi nữa! Thầy làm như kiểu tôi thèm ngủ với thầy lắm không bằng, tôi có ốm thì kệ tôi! Mấy hôm nay nằm một mình vẫn ổn!"

"Cậu Hách nghĩ thế thật à? Thế thôi để tôi bế cậu về phòng vậy, phải chiều theo ý cậu mới được chứ!"

Nói rồi một tay thầy Hưởng lại luồn xuống bắp đùi sau cậu Hách, làm ra vẻ chuẩn bị bế lên thật. Cậu Hách tức giận giãy người ra, xoay người lại rồi xích sát vào bức tường lạnh căm:

"Tránh ra! Tôi tự về!"

Nước mắt đã ngừng rơi nhưng mũi thì vẫn sụt sịt, cậu Hách còn muốn ăn vạ thêm nhưng tuyến lệ của cá sấu chỉ hoạt động được đến thế thôi. Thế là cậu lại ra sức sụt sịt đầu mũi, hít hà sụt sịt liên tục như thể thầy Hưởng bị điếc nên cậu sợ sụt sịt có một lần thì thầy ta không nghe được vậy.

Để mặc cậu Hách quay lưng về phía mình mà ra sức sụt sịt một hồi, Hưởng sau đó mới với tay sang kéo người lại gần mình, ôm chặt ngang hông mà vùi đầu vào chiếc ót nhỏ bù xù tóc:

"Cậu Hách ngủ sớm đi, đằng nào tôi cũng không để cậu thiệt thòi hơn anh em trong nhà."

"Hừ, tôi là anh lớn, tôi mà thèm đi so đo à!" Cậu Hách lẩm bẩm trong cổ họng, nằm yên một hồi rồi lại quay người sang vắt tay qua eo đối phương. "Nể thầy nhiệt tình van xin tôi nên tôi mới bỏ qua đấy! Nhưng tôi chẳng so đo, thầy đừng có mà nghĩ tôi như thế!"

Cậu Hách bảo cậu chẳng thèm so đo thì anh cũng tin cậu chẳng thèm so đo. Một chuyện quá rõ ràng mà anh hoàn toàn có thể quan sát được sau một thập kỉ sống chung với cậu, ấy chính là cậu Hách xưa giờ không phải là người được chiều nhất trong nhà, trái lại cậu còn biết chiều ý bố mẹ và chiều lòng các em nhiều hơn. Đấy, hai người trêu qua trêu lại thế thôi mà cậu Hách lại nghĩ nhiều sợ anh cho rằng cậu là người so đo tính toán, làm anh lớn cũng có cái khó của anh lớn là thế.

"Tôi nào giờ đâu có nghĩ cậu Hách như thế. Cậu Hách tốt với tôi thế mà tôi lại quên quà cậu, ấy là tại mỗi mình tôi thôi! Ngủ sớm đi, mai còn đi làm."

Quậy được một hồi rồi cũng chịu ngủ yên, Hách bĩu môi úp mặt vào lồng ngực phập phồng phía trước, lén lút hít hà mùi hương chỉ đối phương mới có. Bày đặt giận dỗi nguyên tuần như trẻ con, cuối cùng cũng được dỗ theo kiểu trẻ con không kém. Xí, thế này thì lỗ cho cậu Hách quá! Nhất định năm sau cậu sẽ đòi thầy Hưởng quà khác hoành tráng hơn!

Đêm xuân lạnh đến rùng mình mà lại được vùi đầu vào chiếc túi sưởi ba mươi bảy độ hiếm có, thế này thì chẳng mấy chốc mà cậu Hách sẽ lại khỏe lại, mũi sẽ hết sụt sịt sớm thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro