2.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Kết quả học kỳ II Duyên được xếp loại khá, trong thời gian ôn thi đại học thì Phương Nga có vào Sài Gòn thăm mẹ của mình và bố của Duyên, gặp Duyên thì Nga niềm nở còn Duyên luôn giữ khuôn mặt lạnh lùng, trốn biệt tích trong phòng, vừa ôn thi, chơi game, lắp ráp mô hình, vừa tránh mặt Phương Nga, nhưng vào mỗi bữa cơm tối ông Tài đều gõ cửa gọi Duyên ra ngồi vào bàn đầy đủ bốn người.

- Duyên đang ôn thi vào đại học, con nhớ không được làm ồn ảnh hưởng đến Duyên biết chưa? – Bà Xuân dặn dò con gái.

- Duyên thi vào trường nào thế?

Nga hỏi nhưng Duyên làm ngơ vờ không nghe khiến Nga ngượng mặt, ông Tài phải lên tiếng:

- Là TDM đấy!

- Thật vậy sao? Duyên giỏi thế! Em nghe nói trường đó đỉnh lắm phải không? – Nga quay sang nhìn Duyên với ánh mắt sáng ngời.

Duyên vẫn ngó lơ, ông Tài phải một lần nữa gỡ ngượng cho Nga:

- À! Cháu ăn đi! Hôm nay cô Hồng nấu nhiều món ngon lắm. Ăn nhiều vào nhé!


Suốt một tuần ở chơi, Duyên và Nga không chạm mặt nhiều hơn hai lần một ngày, càng nhìn Nga và dì Xuân, Duyên càng nhớ mẹ.

Ngày Nga về lại Hà Nội:

- Chào mẹ con đi! – Rồi quay sang ông Tài – Chào... dượng ạ!

Vẫn ánh mắt trong veo đó nhìn Duyên:

- Em đi nhé Duyên! Có dịp ra Hà Nội thì gọi cho em. Em đưa Duyên đi khắp cả Hà Nội luôn!

Duyên phớt lờ bỏ vào phòng, sau bức màn nhìn theo Nga đi bên mẹ và bố mình mà thấy thương, Nga muốn gọi bố của mình một tiếng "bố", muốn bốn người xem nhau như một gia đình nhưng bức tường Duyên đã xây lên như thế thì làm sao Nga có thể chứ?

/


Và rồi năm đó Duyên đỗ vào Đại học TMD với điểm số vừa đủ như dự tính của Duyên, cầm tờ giấy báo trúng tuyển trên tay, Duyên liên hệ với bạn bè ngày trước để lên kế hoạch xả stress sau những ngày gian truân, nhưng không như mong đợi, tất cả đều trượt đại học và bị bố mẹ không cho ra khỏi tầm kiểm soát của gia đình, người chuẩn bị đi du học, người ra tỉnh ở cùng họ hàng để tách biệt chốn xa hoa này. Thế là toang cả một kế hoạch hoành tráng.

Hè đó Duyên sang chơi với ông nội theo chỉ định của bố, ông ở chỉ cách nhà Duyên 45 phút ngồi xe nhưng đã hơn nửa năm nay Duyên chưa đến thăm ông.

- Kỳ Duyên của ông! Lại đây nào!

Ông dang tay đón Duyên nhưng Duyên không xà vào lòng ông như ngày còn bé, ông xoa nhẹ đầu Duyên:

- Chuẩn bị thành sinh viên đại học rồi đấy. Cháu của ông giỏi quá! Đỗ đại học rồi muốn ông thưởng gì đây?

Mắt Duyên sáng bừng:

- Thưởng ạ?

- Ừ! Cháu thích gì nói ông nghe!

- Cháu... cháu thích... - Duyên ngập ngừng.

- Thích gì mà khó nói thế?

- Cháu thích thẻ.

- Thẻ gì? – Ông chau mày không hiểu.

- Thẻ ngân hàng! Nhưng là thẻ có liên kết với tài khoản của ông. Bố cháu vô hiệu hóa hết của cháu rồi.

Phải nói sau mẹ có lẽ ông nội là người cưng chiều Duyên nhất, như thể ông xoa dịu mọi thứ khắc khe từ bố.

- Được rồi! Trong hôm nay sẽ có.

Trong lòng mừng rỡ khôn siết nhưng Duyên lại tỏ ra bình thản như kiểu đó là điều hiển nhiên mà ông nội phải làm cho Duyên.

Ông nội của Duyên là Cao Hưng – người nắm giữ quyền lực nhất KEIDI. Ông có hai người con là bố của Duyên và người con trai lớn tên là Cao Đức.

Ông Đức hơn bố Duyên rất nhiều tuổi, từ lâu đã sang Mỹ sinh sống, còn ông Tài cùng ông Hưng ở Việt Nam cai quản KEIDI – công ty chuyên tất cả về nội thất, từ thiết kế đến thi công, phân phối,... từ trong nước ra đến nước ngoài. Còn ông Đức có cả hệ thống showroom xe hơi, chuyên các dòng cao cấp và thể thao. Độ giàu có cũng một chín một mười với KEIDI.

Con trai của ông Đức hơn Duyên một con giáp, tên là Khoa. Nhà ông Đức rất ít khi về Việt Nam thăm nhà, nên ông nội thương Duyên hơn anh Khoa, Duyên cảm nhận được rất rõ điều đấy.

Nhưng từ việc ông Hưng không cản con trai đến với người tình sau mẹ Duyên, sau đó là cho bà Xuân làm thư ký riêng của ông Tài trong KEIDI càng làm Duyên có hiềm khích với ông hơn. Ngày bé hay đòi bố mẹ đưa về ông chơi, lúc nào cũng quấn lấy ông, có những lần mắc lỗi sợ bố mắng, cũng chẳng dám nói với mẹ thì Duyên sẽ kể với ông, sau đó mọi việc đều được ông giải quyết trong êm đẹp. Duyên thích gì ông cũng cho, chưa từng từ chối một lời.

Nhưng giờ đây Duyên không còn gần gũi với ông nữa, mặc dù biết ông trông ngóng mình từng ngày.

Sau một tuần ở chơi với ông nội, Duyên về lại nhà. Đúng là không có chuyện gì qua khỏi mắt ông Tài, thấy Duyên đột nhiên có vẻ vui hơn mọi ngày liền đâm nghi và ông Tài biết được sự tình ngay trong ngày hôm đó. Ông gọi ngay cho bố mình:

- Alo bố!

- Bố nghe! Sao đấy?

- Bố chiều cháu như vậy là không được, Duyên sẽ lại hư hỏng mất thôi!

- Một chút phần thưởng cho cháu nội có là gì đâu?

- Con đã phải khóa hết tài khoản thì Duyên mới đỗ được đại học đấy, giờ bố lại...

- Thì con bé đã đỗ đại học rồi, nghĩa là đủ 18 rồi, con thoáng với nó một chút đi!

- Thoáng rồi tương lai Duyên sẽ đi về đâu hả bố?

- Cháu nội của bố sau này nhất định sẽ là người thành tài!

- Bố à... - Ông Tài bất lực.

- Thôi bố bận rồi, nói chuyện sau!

Ông Tài không hay Duyên đứng ở bếp đã nghe hết cuộc hội thoại đó, Duyên cười một cách đắc chí trước khi về lại phòng.

Cho đến hiện tại, việc mất vợ khiến ông Tài ngày càng sắt đá hơn, bao nhiêu sống gió cuộc đời đã tạo nên một người đàn ông chính trực, quyền lực, thương trường hay chiến trường cũng không hề hấn gì với ông, duy nhất chỉ có mỗi Duyên là nỗi lo lớn nhất.

/


Hết hè và ngày nhập học đã gần kề, một buổi tối trên bàn ăn, ông Tài nói:

- Học hành cho đàng hoàng vào, sau này con còn nối dõi cơ ngơi của KEIDI. Con là nơi mà bố và ông nội gởi gắm tất cả kỳ vọng đấy! Không được phụ lòng ông. Nhớ chưa?

Còn bà Xuân thì:

- Yêu đương tử tế một người rồi đưa về ra mắt dì và bố đi! Cũng đủ tuổi rồi. – Bà Xuân nói.

Không giống bố, dì Xuân không tạo gánh nặng cho Duyên, bà quay sang ông Tài:

- Anh thấy sao? Thật là em rất mong Duyên có thể tìm được một người thật tâm ở bên cạnh mình. – Dì nói rồi nhìn Duyên cười hiền hòa, nhưng lập tức Duyên ngó lơ.

- Cái thân còn lo chưa xong thì yêu với chả đương chỉ làm khổ con gái người ta! – Ông Tài thẳng thừng.

Nói chung lời căn dặn của cả hai đều làm Duyên thấy "thừa", bố thì suốt ngày cứ học học học, rồi trọng trách sau này với KEIDI,... đủ các thứ. Lời của dì thì càng không cần thiết hơn, vì Duyên nghĩ "yêu đương tử tế" là chuyện không nên xuất hiện trong cuộc đời Duyên, Duyên chỉ muốn những cô gái xuất hiện làm cho những cuộc vui được trọn vẹn hơn, tiệc tàn thì họ cũng phai nhòa sau vài tờ tiền polime óng ánh, Duyên chưa hề nghĩ đến chuyện nghiêm túc với một người nào.

/


Nhà Duyên là "nhà lá", vì xung quanh chỉ toàn là cây với hoa, mẹ Duyên thích thế, và bố chiều theo ý mẹ. Ngôi nhà được thiết kế theo kiểu nhà sân vườn, diện tích rộng 250 mét vuông giữa mảnh đất rộng rãi tại quận Bình Thạnh, nhà được xây hoàn tất năm Duyên 10 tuổi, với tổng cộng có tất cả là 2 phòng ngủ lớn và 1 phòng trung, 1 gian bếp và 1 phòng khách, các cửa trong nhà đều được làm bằng kính.

Mẹ sắp cho Duyên vào phòng có tràn ngập ánh sáng rọi vào mỗi buổi sáng, Duyên còn nhớ mẹ đã nói:

- Kỳ Duyên! Con ở phòng này nhé! Có thích không?

Thích lắm, nhưng từ khi mẹ đi rồi, Duyên không còn muốn ánh nắng nào chui lọt vào phòng mình nữa, nên rèm lúc nào cũng kéo lại tối om.

Vào những buổi chiều lộng gió, Duyên ngồi dưới sàn ngoài sân vườn ngay bên cửa hông bên phòng Duyên, Duyên thì đang mê mẫn với lắp ráp những mô hình bằng giấy mà mẹ vừa mua cho lúc đón Duyên ở trường về, còn bố và mẹ thì ngồi uống trà trên bộ bàn ghế:

- Kỳ Duyên! Con không thích những mô hình bằng chất liệu khác sao? – Ông Tài hỏi.

- Con không! Con chỉ thích bằng giấy thôi. Giấy sẽ không bị vỡ, bị rơi cũng không hư hỏng.

Mẹ nhìn Duyên âu yếm:

- Giỏi lắm con gái của mẹ! Con làm đẹp lắm!

Rồi mẹ ngồi vào ghế cạnh bố, ngớp một ngụm trà và quay sang nhìn bố trìu mến:

- Như thế này em thấy thật "đủ", cuộc đời này mình còn cần gì hơn nữa đúng không anh? Một ngôi nhà, một chồng, một con và cây lá thế này với em là tuyệt vời không gì bằng, em chẳng mong thêm gì nữa!

Ấy vậy mà hai năm sau, mẹ phát bệnh và nửa năm chống chọi bố mẹ không qua khỏi mà bỏ lại bố con Duyên. Nhà cao cửa rộng, chồng thương, con ngoan có đủ nhưng số phận không cho mẹ hưởng thụ được lâu. Duyên thương mẹ, chưa ngày nào Duyên không nghĩ về mẹ - người phụ nữ luôn mang trong mình hướng nhìn tích cực dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, một người luôn hết lòng hết dạ với chồng con.

Những ngày cuối đời của mẹ là ngày chuẩn bị vào lớp 7, Duyên ý thức được việc mình sắp phải xa mẹ là nỗi mất mát khủng khiếp, mỗi ngày Duyên đều khóc rất nhiều.

- Kỳ Duyên! – Mẹ gọi Duyên lại gần khi bố vừa ra ngoài.

- Con đây!

- Hứa với mẹ chuyện này được không?

- Được! Mẹ nói đi, chuyện gì con cũng có thể hứa được với mẹ cả!

- Sau khi mẹ đi rồi, hứa với mẹ con sẽ chăm sóc bố được không? Và đến khi con tìm được người bạn đời của mình thì hãy cùng nhau sống hạnh phúc trong ngôi nhà này nhé!

Duyên òa khóc:

- Mẹ à!

- Hứa với mẹ, nhé Duyên?

- Được! Con hứa! – Duyên nói trong nước mắt.

Đến khi trút hơi thở cuối cùng, mẹ cũng cố gắng để nói với bố rằng:

- Khi em rời khỏi trần gian này nghĩa là em đã yêu thương hai bố con anh trọn vẹn một kiếp người. Em sẽ đến một nơi khác để theo dõi anh và con mỗi ngày. – Mẹ nắm lấy tay bố - Nếu một ngày nào đó anh may mắn tìm thấy một người khác, một người thật lòng yêu thương anh và Duyên, anh cứ hãy bước thêm bước nữa!

Dù mẹ đã nói như vậy nhưng vì quá thương mẹ nên Duyên vẫn không thể chấp nhận được việc bố kết hôn với dì Xuân chỉ sau ba năm sau ngày mẹ mất. Tình yêu mẹ dành cho bố cao thượng như thế mà chỉ mới ba năm mà bố đã quên sao?

Mặc cho dì Xuân yêu bố và thương Duyên rất nhiều, không hề có chuyện "dì ghẻ con chồng" ở đây! Ở dì, Duyên cũng thấy rất nhiều điểm giống mẹ. Nhưng tuyệt nhiên, dì không phải mẹ!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro