Lịch sử của nghề thầy đoán tử thần bí

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Thông thường người chết vì bệnh tật, cơ thể gầy xọp, sắc thịt héo vàng, mắt miệng thường khép, bụng thường hõm xuống, hai mắt vàng ệch, hai tay nắm hờ, tóc rụng, trên người có thể có vết châm cứu cũ hoặc mới, nếu không còn nguyên nhân nào khác, thì là chết vì mắc bệnh."
"Tẩy oan lục" quyển 4, "Chết bệnh"

- Anh sợ cái quái gì? Chúng ta có phạm tội đầu?
Hoàng Tĩnh Phong ngồi trên lan can, uể oải hỏi, đôi chân dài nghêu dạng ra thành hình chữ bát.
Nơi này là một chiếu nghỉ trên chỗ ngoặt cầu thang tại tầng ba một căn nhà lầu cũ kỹ. Nhà cửa giống như con người, sau khi lão hoá luôn toả ra một thứ mùi ôi thiu khiến người ta khó chịu, giống như đang đứng giữa cả một trăm tấm giẻ lau ướt sũng, ở thêm một giây cũng khiến người ta cảm thấy người mình mốc meo, cho nên Hoàng Tĩnh Phong mới cảm thấy bực bội. Anh ta quả thực không thể nổi hiểu tại sao Đoàn Thạch Bi lại phải dẫn mình vòng vèo tới khu dân cư cũ kỹ bên cạnh ga tàu điện ngầm này, còn trốn trong cầu thang không dám ló mặt ra.
Đoàn Thạch Bi đứng bên cửa sổ, hết sức thận trọng ngó ra ngoài, ánh mắt âm u.
Tám giờ rưỡi sáng nay, không hơn không kém một phút, Hoàng Tĩnh Phong đi tới ga tàu điện ngầm cách bệnh viện gần nhất, đang ngó nghiêng thì bị vỗ mạnh một cái vào vai, quay đầu lại thì nhìn thấy Đoàn Thạch Bi mặc áo choàng màu đen đang đứng ở đằng sau.
Sau đó, anh ta cùng với hắn đi vào trong một nhà gửi xe đạp bên cạnh.
- Thật không ngờ, cậu lại có thể giải đúng bài tập về nhà của tôi. - Trong bộ râu quai nón của Đoàn Thạch Bi bật ra một nụ cười.
- Anh nói, nơi có môi trường gần giống như nhà xác, chỉ có điều tất cả những cái xác đều đứng, tôi nghĩ đi nghĩ lại, chỉ có nơi này là giống nhất. - Hoàng Tĩnh Phong nói - Hàng loạt những cỗ quan tài đang vận hành, bên trong chen chúc những con người sắc mặt chẳng khác gì xác chết.
Đoàn Thạch Bi gật đầu:
- Hôm nay là ngày đầu tiên lên lớp, cậu không cần hành lễ bái sư, tôi cũng không cần giảng giải với cậu về nội quy lớp học gì hết, phương pháp dạy học hiệu quả đều tới từ thực tiễn, cho nên chúng ta sẽ chen chúc trong tàu điện ngầm vào giờ cao điểm buổi sáng. Tôi hy vọng ở trong toa tàu, cậu có thể nói cho tôi biết, người nào ở bên cạnh sẽ chết trong khoảng thời gian ngắn nhất? Còn nữa, họ sẽ chết theo kiểu gì?
- Việc... việc này... - Hoàng Tĩnh Phong ngây người kinh ngạc - Muốn lấy ráy tai cũng phải có cây ngoáy tai, anh chẳng đưa cho tôi dụng cụ gì, chẳng dạy tôi chiêu gì, làm sao tôi có thể nói được, làm sao mà nói chính xác được?
Đoàn Thạch Bi nhìn chòng chọc vào mắt anh ta:
- Bởi vì tôi không tin được cậu.
- Hả? - Hoàng Tĩnh Phong hơi bất ngờ.
- Chẳng còn cách nào khác. - Đoàn Thạch Bi nhún vai - Tôi đã nói với cậu rồi, điều kiện cần thiết nhất đối với nghề thấy đoán tử chính là năng khiếu, vào sáng sớm thứ sáu tuần trước, đích xác là cậu đã thể hiện được khả năng cảm nhận và khả năng quan sát đáng kinh ngạc đối với cái chết, nhưng làm sao tôi biết được năng khiếu của cậu là bộc phát nhất thời hay là lâu bền đây, trên đời này có ông thầy nào mà không mong đầu tư được lâu dài, cho nên tôi phải kiểm tra năng khiếu của cậu thêm một lần nữa, xem xem nó có còn hiệu nghiệm hay không.
- Tuỳ anh. - Hoàng Tĩnh Phong tỏ vẻ bất cần.
Thế là, họ đi xuống ga tàu điện ngầm, Hoàng Tĩnh Phong phát hiện ra Đoàn Thạch Bi cứ đi được mấy bước lại đột nhiên rụt đầu xuống thật thấp, không biết nguyên nhân vì sao, còn anh ta vẫn cứ giữ nguyên dáng điệu bình thường, ngẩng cao đầu liếc xéo đám đông qua lại như mắc cửi xung quanh. Sau khi dự đoán về cái chết của đứa trẻ trong toa tàu, tàu vừa vào ga, cửa vừa bật mở, Đoàn Thạch Bi đã lập tức kéo anh ta lao vọt ra, đi thẳng một mạch tới lối ra của nhà ga, chân guồng nhanh như gió cuốn...
Hiện giờ, họ đang đứng trong cầu thang của toà nhà, Hoàng Tĩnh Phong không hiểu tại sao Đoàn Thạch Bi cứ thấp thỏm ẩn nấp như vậy, đã hỏi tới mấy lần, Đoàn Thạch Bi vẫn lặng thinh, rất rất lâu sau, đủ để khiến cho một cốc nước sôi nguội ngắt, Đoàn Thạch Bi mới mở miệng:
- Đúng là chúng ta không phạm tội, nhưng từ xưa tới nay, nghề nghiệp của chúng ta cần phải tránh xa cảnh sát.
- Có cảnh sát? - Hoàng Tĩnh Phong hoảng hốt đứng bật dậy, xáp tới bên cửa sổ ngó ra ngoài, trong khu dân cư cây cối um tùm, ngoài mấy con chim nhỏ đang tìm thức ăn ra, chẳng có lấy một bóng người. Anh ta quay đầu lại, phát hiện ra Đoàn Thạch Bi đang nhìn chằm chằm vào mình, bất giác lùi lại nửa bước - Anh muốn làm gì?
- Đôi lúc tôi cũng có chút đố kỵ với cậu. - Đoàn Thạch Bi nói - Tuy rằng nghề thầy đoán tử rất cần đến năng khiếu, nhưng tôi chưa từng gặp người nào có năng khiếu được như cậu, nói ai chết, thì người đó sẽ phải chết ngay, không chệch một giây một phút. Tôi thực sự rất tò mò, làm thế nào mà cậu đoán được đứa bé đó sẽ rồi đời?
Hoàng Tĩnh Phong ngây ra hồi lâu, mới đáp:
- Nó gào khóc ầm ĩ đến thế, tới cả tôi cũng muốn bóp chết nó, chứ đừng nói tới bao nhiêu con người đang chen chúc đến phát điên lên trong toa tàu.
- Câu cửa miệng được hét lên nhiều nhất trong lúc người ta đánh nhau là "mày có tin tao đập chết mày không", nhưng rất hiếm khi có giết người thực sự. - Đoàn Thạch Bi lắc đầu - Lý do cậu đưa ra, tôi không thể chấp nhận.
- Anh làm nghề gì? - Hoàng Tĩnh Phong đột ngột hỏi.
Giống như thình lình bẻ ngoặt vô lăng, Đoàn Thạch Bi nhất thời không hiểu câu hỏi này có liên quan gì với lời mình vừa nói:
- Tôi làm nghề tự do... Thì sao nào?
- Dù sao thì anh và tôi cũng không phải cùng một loại người. - Hoàng Tĩnh Phong lạnh lùng nói.
Dãy cầu thang rơi vào im lặng, cả hai người đều nhướng mày trợn mắt nhìn đối phương, giống như hai loài sinh vật chưa từng chạm mặt nay mới lần đầu gặp nhau. Bỗng nghe từ trên tầng vọng xuống tiếng kẽo kẹt, tiếp đó "rầm" một cái, có lẽ là một bà lão nào đó nghe thấy trong hành lang có tiếng động, mở cửa ra xem thử, cảm thấy không khí bất thường, thì vội vàng sập ngay cửa lại.
Điều này lại đã nhắc nhở Đoàn Thạch Bi, chỗ này không thể ở lâu được, bèn kéo Hoàng Tĩnh Phong vội vàng đi xuống cầu thang:
- Buổi học thực tiễn kết thúc, bây giờ chúng ta phải chuyển sang học văn hoá
, đổi phòng học khác đi!
Hoàng Tĩnh Phong nói :
- Nhìn bộ dạng của anh, có vẻ cũng không tìm được phòng học nào thích hợp, chỗ này cách nơi tôi ở không xa, hay là hãy tới đó?
Đoàn Thạch Bi liếc anh ta mấy cái, sau đó gật đầu.
Đi vào trong một toà chung cư vách tường tróc lở, ở đoạn rẽ ngoặt bên phải thang máy, đẩy mở một cánh cửa sắt đen trũi, đi xuống một đoạn cầu thang rất dài, băng qua hành lang tối tăm hun hút hệt như huyệt mộ, cuối cùng đã tới trước một cánh cửa đen trùi trũi. Hoàng Tình Phong bực dọc tung chân đạp văng một thằng bé mũi dãi xanh lét đang đứng chặn trước cửa sang một bên, lôi chìa khoá ra mở cửa.
Đã nửa buổi rồi mà trong nhà vẫn tối đen chẳng khác mấy hành lang, Hoàng Tĩnh Phong buộc phải giật dây công tắc đèn điện, bóng đèn run rẩy hồi lâu, mới "phụt" một tiếng giống như đánh rắm, sáng loé lên: giường ván gỗ, chậu rửa mặt, giá sắt chất đầy những sách, và một chiếc ti vi tới cả thương hiệu cũng chẳng nhìn rõ... Có lẽ là do quanh năm không thấy ánh mặt trời, trên tường mọc một lớp rêu mốc lún phún.
- Thế nào, chỗ này so với nhà xác, chắc cũng chẳng khác mấy phải không? - Hoàng Tĩnh Phong đắc ý hỏi.
Đoàn Thạch Bi đi tới bên cạnh cái giá bằng sắt, lục lọi đống sách, toàn là "Ma thổi đèn" với "Nhật ký trộm mộ", và một cuốn sách bị lật giở đến cũ mèm, chính là "Tuyển tập truyện ngắn Edgar Allan Poe" kèm tranh minh hoạ của nhà xuất bản Văn học Nhân dân. Hắn hơi bất ngờ, bèn cầm lên huơ huơ về phía Hoàng Tĩnh Phong:
- Tại sao cậu còn đọc thứ này?
Hoàng Tĩnh Phong đang rót nước liền ngẩng đầu lên:
- Sao kia? Tại sao tôi lại không đọc được?
Đoàn Thạch Bi nhất thời không biết nên trả lời ra sao, tuy trong tiểu thuyết của Edgar Allan Poe cũng tràn ngập tình tiết kinh dị và kỳ bí, nhưng dù sao vẫn là danh tác văn học, người đọc cần có khả năng cảm thụ tương đối, hoàn toàn không thích hợp với khẩu vị của người hiện đại giống như đám tiểu thuyết thông thường, cũng như một người mang Coca Cola và cà phê Blue Moutain cùng đặt lên bàn, màu sắc tuy na ná nhau, nhưng phong cách lại khác một trời một vực. Hắn suy nghĩ hồi lâu mới nói:
    - Tiểu thuyết của Edgar Allan Poe phân đoạn dài, lời văn trúc trắc, cốt truyện hơi rườm rà, tôi tưởng rằng cậu sẽ không thích loại sách này.
    - Vậy sao? - Hoàng Tĩnh Phong mang nước tới cho hắn - Tôi lại thấy không đến nỗi, nói về nội dung của cái chết, không ai viết hay hơn Edgar Allan Poe.
    - Điều này đã hẳn. - Đoàn Thạch Bị đón lấy ly nước nhấp một ngụm, ngồi xuống một chiếc ghế - Được rồi, bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu bài học văn hoá thứ nhất, tiêu đề chính là "Lịch sử của thầy đoán tử".
    - Liệu chúng ta có thể trực tiếp đi vào thứ gì đó hữu dụng hơn không? - Hoàng Tĩnh Phong ngồi phịch xuống giường - Tôi sợ nhất là chuyện gì cũng bắt đầu nói từ Tần Thuỷ Hoàng.
    - Không đâu, lần này tôi sẽ kể cho cậu nghe từ vương triều nhà Chu. - Đoàn Thạch Bi an ủi anh ta - Lần trước tôi đã nói với cậu, thầy đoán tử là nghề nghiệp lâu đời nhất và bí mật nhất kể từ khi bắt đầu lịch sử loài người. Trong "Hoàng Đế nội kinh", Hoàng Đế và Kỳ Bá một người hỏi một người trả lời, đã đặt ra toàn bộ nền móng cho nghề nghiệp này. Nhưng trong thực tế, tiền thân của thầy đoán tử không phải là Đông y mà là Tinh quan - chính là chức quan chiêm tinh trong triều đình, cũng gọi là Khâm thiên giám. Người xưa cho rằng, chu kỳ vận hành, đường đi và vị trí của mặt trăng, mặt trời, tinh tú có liên quan mật thiết với vận mệnh của con người, cho nên, quan sát thiên văn là để phát giác ra sự biến đổi của thời thế, có thể chiêm đoán được cát hung. Ngay từ trong "Chu lễ", đã có ghi chép, nói rằng một Tinh quan là họ Bảo Chương ghi chép sự biến động của tinh tú, mặt trời, mặt trăng, "để quan sát sự biến đổi của thiên hạ", đương nhiên họ Bảo Chương chỉ phục vụ cho vương thất nhà Chu. Cùng với sự phát triển của thiên văn học thời Xuân Thu Chiến Quốc, tới thời Lưỡng Hán, dùng tinh tú để dự đoán cái chết của đế vương và đại thần văn võ đã trở thành một việc rất bình thường. Năm Hán Huệ Đế thứ 2, Tinh quan tấu báo: hướng đông bắc có hiện tượng "bầu trời rạn nứt, rộng hơn mười trượng, dài hơn hai mươi trượng", không lâu sau liền xảy ra chính biến Chu Bột tiêu diệt tập đoàn họ Lã. Lại ví dụ như năm Hán Cảnh Đế thứ 3, Tinh quan tấu báo: "Trên bầu trời phía bắc xuất hiện hình người màu đỏ dài hơn mười trượng", không lâu sau liền bùng phát "loạn bảy nước"...
    Nhìn ánh mắt bắt đầu ngơ ngác của Hoàng Tĩnh Phong, Đoàn Thạch Bi ngẫm nghĩ rồi hỏi:
    - Đừng nói là cậu không biết "loạn bảy nước" đấy nhé?
    - Tôi... biết, nhưng mà quên rồi. - Hoàng Tĩnh Phong có phần ngượng nghịu.
    - Ờ... thế Hán Vũ Đế kiểu gì cậu cũng phải biết chứ? Cha của Hán Vũ Đế chính là Hán Cảnh Đế, bảy người gồm chú ruột và anh em thúc bá của Hán Cảnh Đế cùng nhau khởi binh tạo phản, sau đó bị trấn áp, đó chính là "loạn bảy nước". - Đoàn Thạch Bi nói - Trong tinh tượng học, điều quan trọng nhất là xem sự biến đổi của hai ngôi sao: thứ nhất là sao Mộc, sao Mộc còn gọi là sao Tuế, chu kỳ xoay một vòng là 11,86 năm, người xưa lấy số ước chừng là mười hai năm, căn cứ vào vị trí của nó để tính năm, nhìn vào sự dịch chuyển tiến, lùi của nó để chiêm đoán tốt xấu; thứ hai là mặt trời, hoàng đế của các triều đại đều là được suy tôn là thiên tử "nhận mệnh của trời", cho nên "nhật thực thì vua gặp tai ương". Ngoài ra, có lẽ cậu cũng từng nghe nói, mỗi một ngôi sao trên bầu trời, đều tương ứng với một người trên mặt đất, càng là nhân vật lớn, khi gặp phải bệnh tật tại ương, càng có tinh tượng cảnh báo rõ rệt, ví dụ như danh tướng Hoắc Khứ Bệnh ốm nặng, Hán Vũ Đế nghe Tinh quan báo cáo có một ngôi sao băng khổng lồ rơi xuống thành Trường An, liền biết ái tướng của mình sẽ gặp điều bất trắc; Gia Cát Lượng trước khi chết, có ngôi sao phát ra ánh sáng đỏ, dịch chuyển từ phía đông bắc sang tây nam, rơi vào doanh trại quân Thục, cũng là một dạng điềm báo... Tuy nhiên, một là độ chuẩn xác của thuật chiêm tinh kiểu này không đủ cao, hai là nhóm người thích hợp sử dụng quá hạn hẹp, ngoài vua chúa quan lại ra, không ứng dụng được cho dân chúng, cho nên tới cuối triều Hán, cùng với sự ra đời của một vĩ nhân đi đầu khai phá, một phương thức đoàn tử hoàn toàn mới mẻ đã dần dần hình thành, vĩ nhân này chính là Hoa Đà danh tiếng lừng lẫy!
    Đoàn Thạch Bi uống một ngụm nước, nói tiếp:
    - Có lẽ cậu đã từng học bài cổ văn "Biển Thước gặp Sái Hoàn Công" rồi phải không? Thần y Biển Thước thời Tam Quốc phát hiện ra Sái Hoàn Công vốn sợ bệnh sợ thuốc, đã mắc bệnh ăn sâu vào xương tuỷ, vô phương cứu chữa, lập tức chạy trốn sang nước Tần, bởi vì ông đoán Sái Hoàn Công không sống được bao lâu nữa, quả nhiên, năm ngày sau Sái Hoàn Công tắt thở. Cậu nhất thiết không được coi thường đoạn tư liệu lịch sử này, đây có lẽ là vụ đoán tử đầu tiên mà một thầy thuốc đưa ra được ghi chép lại trong sử sách. Bắt đầu từ Biển Thước, các thầy thuốc đã bắt đầu đảm nhiệm một phần chức trách của thầy đoán tử. Người xưa sống rộng lượng hơn chúng ta, nhìn nhận thoáng hơn về chuyện sống chết. Mắc bệnh, mời thầy thuốc tới chẩn trị, thầy thuốc phát hiện bệnh tình quá nặng, chạy chữa cũng vô hiệu, thì sẽ vận dụng hết khả năng để phán đoán ngày "ra đi" chính xác của người bệnh cho người nhà được biết để dễ bề lo hậu sự, còn người bệnh cũng có thể ra đi nhẹ nhàng không vương vấn, coi như làm công đức. Về phương diện này, Hoa Đà chính là nhờ tài đoán tử chuẩn xác mà nổi danh thiên hạ.
    - Thật sao ? - Hoàng Tĩnh Phong tỏ ra không tin lắm - Tôi chỉ nghe nói ông ấy rất giỏi chữa bệnh cứu người, chứ chưa nghe nói ông ấy đoán tử bao giờ.
    - Nghe nói? Cậu nghe ai nói? Chắc là mấy chuyện bịa đặt trong phim truyền hình cổ trang chứ gì? Nếu không cũng là những lời thổi phồng của đám lang băm Đông y núp bóng tổ tông đi lừa gạt - Đoàn Thạch Bi có phần tức giận - Sự tích về Hoa Đà được ghi chép trong "Nguỵ chí - Tam Quốc chí", tổng cộng ghi chép mười sáu lần khám bệnh của ông ta, trong đó có sáu lần là đoán tử chứ không phải cứu mạng, cậu đã nghe nói đến chuyện này chưa?
    Hoàng Tĩnh Phong lắc đầu thật mạnh:
    - Đúng là tôi chưa nghe thấy bao giờ, có lẽ cũng rất ít người nghe thấy.
    Đoàn Thạch Bi nhận ra vẻ hoài nghi trong lời nói của anh ta, liền đứng bật dậy đọc làu làu:
    - Quan huyện Doãn Thế khổ sở vì tứ chi buồn bực, miệng khô, không muốn nghe tiếng người, tiểu tiện khó khăn. Hoa Đà nói: "Thử làm đồ ăn nóng, toát mồ hôi ra được thì khỏi bệnh; không toát được mồ hôi, ba ngày sau sẽ chết." Liền ăn đồ nóng nhưng không toát mồ hôi, Hoa Đà nói: "Nguyên khí của ngũ tạng trong cơ thể đã cạn kiệt, khi khóc thì chết." Sau quả nhiên đúng như lời Đà nói.
    Rồi hắn lại đọc tiếp:
    - Đốc bưu Từ Nghị mắc bệnh, Hoa Đà tới thăm. Từ Nghị nói với Hoa Đà: "Hôm qua, sau khi bảo viên quan nhỏ phụ trách chữa bệnh châm cứu vào dạ dày, luền ho dữ dội, muốn nằm nghỉ cũng không yên." Hoa Đà nói: " Châm kim chưa tới dạ dày, châm nhầm vào gan rồi, ăn uống sẽ ngày càng giảm sút, sau năm ngày thì không cứu được nữa." Sau đó sự việc đúng như Hoa Đà nói.
    - Đốc bưu Đốn Tử Hiến mắc bệnh đã đỡ, bèn mời Hoa Đà tới bắt mạch, Hoa Đà nói sức khoẻ của ông còn yếu chưa hồi phục, nhất thiết phải tránh chuyện phòng the, nếu không sẽ chết. Trước lúc chết, lưỡi dài ra mấy tấc. Kết quả, vợ ông ta nghe nói chồng khỏi bệnh, lặn lội hơn trăm dặm tới thăm, buổi tối ở lại ngủ cùng, ba ngày sau phát bệnh , đúng như Hoa Đà nói.
    Nhớ tới những người treo cổ chết, thi thể đưa tới nhà xác đều là lưỡi thè ra dài ngoẵng, Hoàng Tĩnh Phong bất giác rùng mình, lẩm bẩm:
    - Đây nào phải là Hoa Đà, đúng là một kẻ gở mồm! Xem ra y thuật của ông ta cũng chả ra làm sao, bao nhiêu người bệnh như thế ông ta đều chẳng cứu nổi, chỉ biết giương mắt nhìn người ta chết.
    - Thầy thuốc có thể chữa được bệnh, nhưng chưa chắc đã cứu được mạng. Mạng là gì? Là số phận đã định, đại hạn tới nơi, thần tiên cũng không đỡ nổi cầu Nại Hà. - Đoàn Thạch Bi ngồi xuống - Những lần đoán tử khác, tôi không cần phải đọc cho cậu nghe nữa, nói tóm lại, Hoa Đà là một thầy đoán tử thành tựu hiển hách đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, nhưng rất đáng tiếc, trước khi ông ta bị Tào Tháo chém đầu, đã tặng cuốn "Thanh nang thư" viết bằng tâm huyết cả đời cho một viên cai ngục, bảo ông ta truyền lại cho người đời sau, viên cai ngục nhát gan không dám nhận, khiến cho Hoa Đà tức giận đốt luôn "Thanh nang thư". Tôi tin trong cuốn sách đó, ngoài những ghi chép về y thuật, chắc chắn còn có không ít bí quyết đoán tử... Ông ấy có một vài đồ đệ như Phàn A, Ngô Tấn, Lý Đương Chi, nhưng chỉ học được y thuật của ông ấy, chứ không giỏi về đoán tử, kết quả đã khiến cho trong suốt một khoảng thời gian tương đối dài, cũng phải đến mấy trăm năm, không có một vị thầy đoán tử ra hồn nào xuất hiện...
    Đoàn Thạch Bi thở dài, nói tiếp:
    - Cho tới đầu thời Đường, tình hình mới có chút khởi sắc. Thời đó, sự phát triển của tinh tượng học đã gần tới đỉnh cao, có hai nhân vật quan trọng bước lên vũ đài lịch sử, một người tên là Viên Thiên Canh, một người tên là Lý Thuần Phong, hai người họ hợp tác viết nên một cuốn sách dự báo tiếng tăm lừng lẫy tên gọi "Thôi bối đồ", dự đoán chuẩn xác được rất nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử sau này, như Võ Tắc Thiên soán ngôi, loạn An Sử, Thái Bình Thiên Quốc. Tuy nhiên, họ còn làm được một việc quan trọng hơn nữa, đó là đẩy mệnh lý học phát triển lên đến đỉnh cao, trở thành căn cứ quan trọng để phán đoán về chuyện sống chết của con người. Cậu đã xem bói bao giờ chưa? Nếu chưa, ít nhất cũng phải biết tới bát tự ngày sinh chứ? Người xưa dùng can chỉ để ghi năm, tháng, ngày, giờ, mỗi một người chào đời đều có bốn thiên can và bốn địa chi, đây chính là "bát tự", dựa vào bát tự có thể suy ra được vị trí của các sao và thần sát tương ứng với mỗi người, từ đó suy đoán, ra vận mệnh của người đó. Cậu xem, tinh tượng học đã khẳng định một điều rằng, vận mệnh của mỗi một nhân vật quan trọng đều có liên quan tới mặt trời, mặt trăng và tinh tú; mệnh lý học lại khẳng định một điều nữa: vận mệnh của mỗi một người bình thường đều có liên quan tới thời gia chào đời. Chỉ một động tác tính toán bát tự đơn giản, lại có thể tính ra được vận số cuộc đời của con người, cậu bảo có thần kỳ hay không?
    - Đúng là rất thần kỳ... Nghe anh nói như đinh đóng cột thế này, chắc là anh am hiểu về bát tự lắm nhỉ? Anh bói cho tôi một quẻ nhé! - Hoàng Tình Phong chen ngang.
    - Học trước đã! Đoàn Thạch Bi trừng mắt lừ anh ta một cái, rồi nói tiếp - Từ đầu thời Đường cho tới những năm Khai Nguyên, xã hội phong kiến Trung Quốc dần dần phát triển đến đỉnh cao, chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá đều đạt được thành tựu huy hoàng rực rỡ, loạn An Sử tuy "ầm tiếng trống Nghê Dương kéo đến; khúc Nghê Thường tan biến hư không", nhưng những kẻ quyền quý vẫn say sưa trong xa hoa, dân chúng đắm chìm trong ăn chơi hưởng lạc. Thế nhưng, một nhà thông thái vĩ đại đã nhìn thấy mối nguy hiểm to lớn ẩn tàng trong cuộc sống phồn hoa hào nhoáng ấy, ông ý thức được rằng, chính vì sự hủ bại chưa từng có của chế độ thống trị phong kiến, chế độ phiên trấn cát cứ như nhọt độc không thể cắt bỏ, trong tương lai không xa, đất nước chắc chắn sẽ đi đến bi kịch sụp đổ, tới khi đó, chiến loạn bùng nổ, người người điêu đứng, ngàn dặm tiêu điều, xương trắng đầy đồng, mọi người sẽ không còn quan tâm tới việc lúc còn sống được hưởng lạc bao nhiêu, mà sẽ quan tâm tới thời gian chết và nguyên nhân chết của bản thân. Và thế là, nhà thông thái này đã không ngừng nỗ lực kết hợp thuật chẩn đoán của tinh tượng học, mệnh lý học và Đông y với nhau, sáng lập ra một thời đại mới của thuật đoán tử chuẩn xác. Nhân vật này chính là Lý Hư Trung, được tất cả các thầy đoán tử coi là bậc đại tông sư!
    Không biết những lời này đã động chạm đến sợi dây thần kinh nào mà Hoàng Tĩnh Phong đã ngồi thẳng người dậy lắng nghe chăm chú.
    - Lý Hư Trung là danh nhân lớn ở Hà Bắc, trong nhà tổng cộng có sáu người con, ông là con út. Từ nhỏ ông đã thông minh hiếu học, đặc biệt yêu thích học thuyết Âm Dương ngũ hành. Năm Trinh Nguyên thứ 11, ông thi đỗ tiến sĩ, từ đó thuận buồm xuôi gió trên đường hoạn lộ, khi đó ông mới có ba mươi lăm tuổi, nhưng đã bộc lộ được tài năng đáng kinh ngạc, "dựa vào can chi ngày giờ của ngày tháng năm sinh, cân nhắc tình hình sinh khắc suy tử vượng tướng, suy đoán về thọ yểu của con người, trăm người không sai lệch một, hai." Rất nhiều người muốn theo học ông, nhưng không biết tại sao lại không thể học được bản lĩnh thực sự, đám quan chiêm tinh ở Khâm thiên giám rất đố kỵ với ông, để tránh tai hoạ, ông chủ động xin tới vùng Hà Nam, Kiếm Nam, làm quan ở nơi hẻo lánh nhiều năm. Cũng chính trong những năm tháng cách xa kinh thành ấy, ông đã thấu hiểu được nỗi thống khổ của dân chúng dưới đáy cùng xã hội: trong nước đại hạn, nạn đói xảy ra khắp nơi, nhưng tham quan ô lại vẫn nhũng nhiễu thu thuế bừa bãi, bòn rút trên tầng tầng lớp lớp xương trắng; phiên trấn cát cứ, bọn quan binh hung dữ như hổ sói thường xuyên tấn công thôn xóm vào ban đêm, chặt đầu cả ngàn người dân, giả mạo báo chiến công, lĩnh tiền thưởng của triều đình... Lý Hư Trung nhiều lần dâng tấu lên triều đình, tố cáo tham quan, nhưng đều vô ích. Đúng vào lúc ông cảm thấy tuyệt vọng, một cuộc cải cách hết sức kịch tính trong lịch sử Trung Quốc đã xảy ra, đó chính là cuộc cách tân Vĩnh Trinh.
    Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của Hoàng Tĩnh Phong, Đoàn Thạch Bi kiên nhẫn giải thích:
    - Cuộc cách tân Vĩnh Trinh là như thế này: Đường Đức Tông qua đời, thái tử Đường Thuận Tông kế vị, niên hiệu Vĩnh Trinh. Ông Đường Thuận Tông này đã làm thái tử suốt hai mươi sáu năm, nhìn thấy rõ mọi vấn đề tồn tại của quốc gia, nên đến khi nắm được đại quyền trong tay, liền bổ nhiệm thầy giáo Vương Thục Văn, Vương Phi, các đại thần Lưu Vũ Tích, Liễu Tông Nguyên, tiến hành cải cách rộng rãi, chủ yếu là đánh vào tham quan ô lại, cắt giảm binh quyền của phiên trấn. Có thể nói, hai cách làm này đều động chạm tới căn bệnh trầm kha ăn sâu trong chính quyền triều Đường, giành được sự ủng hộ chung của quan viên tầng trung và tầng thấp cùng phần tử trí thức. Lý Hư Trung cũng không ngoại lệ, ông gửi lên hàng loạt tấu chương biến pháp duy tân, nhanh chóng được bổ nhiệm làm Ngự sử giám sát. Nhưng đúng vào thời điểm này, một sự việc không ai ngờ tới đã xảy ra, Đường Thuận Tông đang khoẻ mạnh bỗng nhiên trúng phong, bệnh tình ngày càng trầm trọng, không thể đích thân xử lý triều chính. Trong thời gian ông dưỡng bệnh, quan chức cấp cao và đại thần phái thủ cựu, cùng các tiết độ sứ phiên trấn đã đột ngột nổi loạn chống lại phái cách tân, dồn Vương Thục Văn, Vương Phi vào chỗ chết, bắt Lưu Vũ Tích, Liễu Tông Nguyên đi lưu đày. Cuộc cách tân Vĩnh Trinh chỉ chưa đầy nửa năm đã hoàn toàn thất bại...
    - Lý Hư Trung lúc này, trong nhà có năm anh trai đã bị ốm chết mất bốn người, bốn chị dâu goá bụa và các cháu đều phải sống nhờ vào chút bổng lộc ít ỏi của ông, Lý Hư Trung lại là một người chính trực liêm khiết, không có thu nhập nào khác, cho nên cuộc sống hết sức cơ hàn, đã từng cả năm trời ăn không đủ no, nhà cửa dột nát cũng không có tiền tu sửa... Nhưng sĩ đại phu thời xưa luôn tâm niệm, chi cần có lợi cho đất nước thì không màng sống chết, chứ không chỉ chăm chăm tìm phúc tránh hoạ, bản thân có khố sở tới đâu, chỉ cần đất nước có một chút xíu hy vọng, vẫn có thế cắn răng chịu đựng. Nhưng không lâu sau đó, Đường Thuận Tông đột ngột qua đời, việc này đã giáng một đòn nặng nề cho Lý Hư Trung, ông biết, nhà Đường đã mất đi cơ hội cuối cùng...
    Kể tới đây, có lẽ là do cảm xúc dâng trào, Đoàn Thạch Bi không nói nổi nữa, ngừng lại một chốc mới tiếp tục:
    - Có lẽ là do bi phẫn cực độ, trong tang lễ, khi quan tài của Đường Thuận Tông được chuyển tới điện Thái Cực, Lý Hư Trung đã làm ra một việc gần như điên rồ. Ông ngã rạp trên linh cữu của Đường Thuận Tồng gào khóc ầm ĩ, nói mình đã phạm phải một sai lầm lớn nhất từ khi sinh ra tới nay, đó là suy đoán Đường Thuận Tông sẽ chết vào năm Quý Mùi, không ngờ ông lại băng hà vào năm Giáp Thân. Quan viên có mặt vừa nghe thấy, không ai không thất kinh biến sắc, đặc biệt là đám quan lớn kẻ nào kẻ nấy mặt xám ngoét như tro. Bởi vì ý của Lý Hư Trung là, thực ra Thuận Tông ngay từ năm ngoái đã bị đám quan lớn hại chết, nhưng kéo dài tới năm nay mới phát tang, việc này khác nào chỉ mặt mắng chửi họ phản nghịch! Đám đại thần phái thủ cựu lập tức đứng ra kết tội Lý Hư Trung ngông cuồng vô lễ, đáng tội chết! Tiếng mắng nhiếc như thuỷ triều ô ạt ập thẳng vào Lý Hư Trung. Trên triều đình rộng lớn, Lý Hư Trung không nhìn thấy những chiến hữu Vương Thục Văn, Vương Phi, Lưu Vũ Tích, Liễu Tông Nguyên năm xưa đã từng liều mình cứu vãn vận nước, họ đều đã chết hoặc bị giáng chức, chỉ còn đơn độc một mình ông... Lửa thù hận bừng bừng thiêu đốt, Lý Hư Trung ngẩng cao đầu, dùng một biện pháp không ai ngờ tới thực hiện một đòn phản kích chưa từng có trong lịch sử...
    Lắng nghe giọng nói sang sảng hào hùng của Đoàn Thạch Bi, tưởng tượng tới tình cảnh một bầy sài lang vây quanh xâu xé một con sư tử bị thương, Hoàng Tĩnh Phong kinh ngạc hỏi:
    - Ông ấy đã dùng biện pháp gì vậy?
    - Ông bước tới trước mặt đám đại thần kia, với giọng nói hết sức bình tĩnh, lần lượt nói ra thời gian chết của từng người.
    - Ồ ? - Hoàng Tinh Phong buột kêu lên.
    Bỗng chốc, trong nhà lặng im phăng phắc. Nghĩ tới đám đại thần đang ăn sung mặc sướng đột nhiên biết được thời điểm tử vong của bản thân, từ đó về sau, mỗi một ngày đều run rẩy sợ hãi đếm ngược cuộc đời, sơn hào hải vị ăn vào miệng có khác gì nhai rơm, ngồi trên xe đẹp ngựa quý cũng giống như đi xuống suối vàng, bất kể cuộc sống có tốt đẹp tới đâu cũng trở nên vô vị... Hoàng Tĩnh Phong đột nhiên phá lên cười lớn , vỗ đùi khen ngợi:
    - Tuyệt! Lý Hư Trung đúng là tuyệt vời!
    Đoàn Thạch Bị khẽ cười:
    - Khi nói tới người thứ chín, cả đám đại thần nhất loạt quỳ mọp xuống khẩn cầu ông đừng nói tiếp nữa, Lý Hư Trung khinh bỉ nhìn lũ vô lại tham sống sợ chết này, quay người bỏ đi, bước xuống bậc thềm ngọc trắng, ngạo nghễ rời khỏi điện Thái Cực. Cảnh tượng đó, ngàn năm sau văn khiến người ta ngưỡng mộ, xưng tụng là thời khắc huy hoàng nhất của nghề đoán tử!
    Một tia sáng mờ nhạt rọi vào qua cửa sổ, hắt lên mặt Đoàn Thạch Bi, ánh mắt hắn có vẻ mơ màng, tựa như linh hồn đã bị tia sáng kia hút tới điện Thái Cực ngàn năm trước.
    Chỉ một khoảnh khắc, lại tối sầm xuống.
    - Sau sự việc này, con trai của Đường Thuận Tông là Đường Hiến Tổng kế vị, phong cho Lý Hư Trung chức Điện trung thị ngự sử, chỉ là chức quan thất phẩm, phụ trách giám sát xem trong triều có ai làm sai lễ nghi hay không, thuần tuý là một chức quan vô danh vô thực, nói trắng ra là cố tình ghẻ lạnh ông. Lý Hư Trung cũng không bận tâm, bắt đầu sống "cuộc sống thần tiên" của mình, hàng ngày bận rộn tập hợp thạch nhũ, thạch anh tím, thạch anh trắng, xích thạch chi và lưu huỳnh để luyện đan, tên là ngũ thạch tán. Đây là loại "tiên đan" phổ biến thời Nguỵ Tấn, sau khi ăn vào dễ phát sốt, cho nên người dùng thích ăn đồ lạnh, mặc áo vải sa, trông rất có vẻ tiên phong đạo cốt. Loại "tiên đan" này hiện nay đã được chứng minh là một thứ thuốc độc mạn tính chứa kim loại nặng. Không bao lâu sau, trên lưng của Lý Hư Trung mọc một cái nhọt lớn, ốm không dậy được... - Giọng kể của Đoàn Thạch Bi trở nên chậm rãi và trầm nặng - Giây phút hấp hối, bạn thân Hàn Dũ tới thăm ông, trách cứ ông: "Ông đã có thể đoán được sinh tử của con người, thì nên biết tuổi thọ của con người dài ngắn là do trời định, tại sao lại uống tiên đan, vọng tưởng trường thọ, kết quả lại là ngược lại?!" Lý Hư Trung nằm trên giường bệnh bật cười, nói: "Thoái Chi (tên tự của Hàn Dũ), ông có điều không biết, tôi đâu có cầu trường thọ? Sao tôi lại không biết tiên đan đó là thuốc độc, tôi làm thế là để mong chết nhanh! Đám đại thần kia sợ tôi đoán tử cho họ, không dám công khai sát hại tôi, nhưng chắc chắn sẽ ngấm ngầm nghĩ cách dồn tôi vào chỗ chết, tôi chết càng sớm thì càng không liên luỵ tới người nhà!"
    Đoàn Thạch Bi lại đứng dậy, đi lòng vòng một lúc trong gian phòng nhỏ hẹp, dường như muốn đợi sóng lòng lắng lại. Hồi lâu, hắn mới ngồi xuống, thở dài:
    - Sau khi Lý Hư Trung chết không lâu, vương triều đại Đường cũng diệt vong, mọi người đều nói từ đây bước vào thời đại "có đoán tử mà không có thầy đoán tử", ý nói có rất nhiều thuật sĩ bắt chước Lý Hư Trung đoán tử, nhưng lại rất hiếm người có thể đoán chuẩn xác được như ông. Các thuật sĩ đều rất ngạc nhiên, chúng tôi cũng dựa vào bát tự ngày sinh kết hợp với Âm Dương ngũ hành để suy đoán thời gian tử vong, tại sao lại không chuẩn xác? Bí ẩn này, cho tới khi nhà y học lớn thời Thanh, cũng là thầy đoán tử nổi tiếng Diệp Thiên Sĩ xuất hiện, mới được hé mở.
    - Diệp Thiên Sĩ? - Hoàng Tĩnh Phong ngẫm nghĩ rồi nói - Hình như tôi đã nghe thấy cái tên này... A phải rồi, là một trò chơi điện tử, hình như là "Thư kiếm ân cừu lục" thì phải, nếu có thể đưa Diệp Thiên Sĩ vào đội của mình, khi đánh nhau với quân Thanh sẽ tự động được tiếp thêm máu!
    Đoàn Thạch Bi mặt ngẩn tò te, không hiểu nổi Hoàng Tĩnh Phong đang nói gì, sắp xếp lại suy nghĩ một lát mới nói tiếp:
    - Diệp Thiên Sĩ là người sáng lập và đặt nền móng cho bệnh dịch học trong Đông y, không chỉ sáng lập ra hệ thống biện chứng về vệ khí doanh huyết, mà còn nhấn mạnh tác dụng chẩn đoán của việc khám nghiệm răng, lưỡi, có ý nghĩa khai sáng quan trọng. Nhưng người này tính cách cổ quái, phóng khoáng tự do, không chịu ràng buộc. Những nhà y học khác đều tôn trọng kinh điển, ông ta lại nghi ngờ kinh điển, thường nói "Trước tác trước Hương Nham, cơ bản có thể mang đốt. Trước tác sau Hương Nham, chỉ e không thể đọc." Hương Nham là tên hiệu của ông ta, ý của ông là, những người viết sách lập thuyết trước và sau ông đều không đáng nhắc tới. Một người như thế, đâu có chịu coi Lý Hư Trung ra gì, ông ta cảm thấy kỹ thuật đoán tử ghi chép trong sử sách thuần tuý là bịa đặt hư cấu. Cho tới tận khi xảy ra hai sự việc khiến ông triệt để thay đổi cách nghĩ này.
    Đoàn Thạch Bi giảng bài sinh động hấp dẫn, giống như nghe Đơn Điền Phương(1) bình sách, Hoàng Tĩnh Phong bị cuốn theo lúc nào không biết:
  (1) Nhà phê bình sách nổi tiếng hàng đầu Trung Quốc.
    - Hai chuyện nào thế?
    Đoàn Thạch Bi nói:
    - Chuyện thứ nhất ghi chép trong "Chất trực đàm nhĩ" của tác giả tản văn Tiến Triệu Ngao: "Diệp Thiên Sĩ tinh thông y thuật, giỏi đoán sinh tử. Từng có một mùa hè đi vào trong thị trấn, người ta nghe tin Diệp tới, muốn nhờ ông chữa bệnh, để thử y thuật của ông. Một người họ Thời vừa mới ăn cơm xong liền chạy nhanh tới chỗ Diệp Thiên Sĩ, nói mình đau bụng, Diệp Thiên Sĩ vừa sờ tay vào liên nói ruột của anh đứt rồi, không cứu được nữa. Người họ Thời vừa cười vừa đi đến chợ nói rằng Diệp Thiến Sĩ chỉ là một gã lừa bịp, tôi làm gì có bệnh, vừa nói dứt lời, ngã lăn ra chết."
    - A, thần kỳ thế kia à! - Hoàng Tĩnh Phong vô cùng kinh ngạc.
    - Câu chuyện thứ hai còn thần kỳ hơn, được nhà thơ Vương Hữu Lượng ghi chép trong "Diệp Thiên Sĩ tiểu truyện". - Đoàn Thạch Bi bèn đọc làu làu - Diệp Thiên Sĩ từ bên ngoài trở về, gặp trời mưa lớn, đường đi bị hỏng, có người cõng ông qua sông. Diệp Thiên Sĩ nói với anh ta: ngày này năm sau anh sẽ ốm chết, bây giờ tôi chữa bệnh cho còn kịp. Người này nổi giận, thầm nhủ tôi cõng ông qua sông, sao ông còn trù ẻo tôi, rồi hậm hực bỏ đi. Tới đúng ngày đó năm sau, trên đầu mọc u nhọt, càng ngày càng lớn, tìm Diệp Thiên Sĩ chữa trị, Diệp Thiên Sĩ nói tôi không thể chữa được, anh nhiều nhất chỉ sống được tới giờ Dậu ngày mai, kết quả vô cùng chuẩn xác, người đó giờ Dậu ngày hôm sau quả nhiên tắt thở!
    Rồi Đoàn Thạch Bi nói tiếp:
    - Diệp Thiên Sĩ nhà ở Tô Châu, đương thời sống chung một thành phố với ông còn có một danh y tên là Tiết Tuyết, hai người có tranh cãi gay gắt về y học, cho nên chẳng ai coi trọng ai. Sau khi Tiết Tuyết nghe kể lại hai câu chuyện trên của Diệp Thiên Sĩ, gặp ai cũng cười nhạo: "Không ngờ Diệp Thiên Sĩ lại trở thành thấy đoán tử". Câu nói này truyền tới tại Diệp Thiên Sĩ, không những ông không tức giận, mà ngược lại còn thấy kinh ngạc. Ông nghĩ, đúng vậy, tại sao đột nhiên mình lại có thể đoán tử được nhỉ? Diệp Thiên Sĩ là người hay nghĩ ngợi, liền nhớ lại tỉ mỉ một lượt quá trình đoán tử cho hai người kia. Vụ thứ nhất, thời gian là vào giữa trưa, sờ bụng của người đó, biết anh ta ăn quá no, nghe thấy anh ta thở dốc, biết anh ta chạy nhanh tới, tiếp tục bắt mạch của anh ta, mạch tượng vô cùng bất thường, liền suy đoán anh ta "ruột đã đứt", cho nên mới nói "không thể chữa được". Vụ thứ hai thì đơn giản hơn, nằm trên lưng người đó, vừa hay nhìn thấy trên đỉnh đầu anh ta có một cái mụn, nếu không chữa trị, chắc chắn sẽ trở thành ác tính, dựa theo kinh nghiệm, phán đoán trong một năm sẽ mất mạng... Diệp Thiên Sĩ nghĩ tới đây, bất giác đập bàn đứng dậy, hoá ra bí quyết của "đoán tử" chính là ở đây!
    - Bí quyết? - Hoàng Tĩnh Phong gãi gãi đầu - Hình như tôi đã hiểu rồi, lại hình như vẫn chẳng hiểu gì cả.
    Đoàn Thạch Bi giải thích:
    - Diệp Thiên Sĩ tổng kết bí quyết thành một câu khẩu quyết: "nguyên lý đoán tử, một bệnh một cảnh". Nói rõ hơn, tức là nếu anh muốn phán đoán chuẩn xác về chuyện sống chết của một người, chỉ cần chẩn đoán xem anh ta mắc bệnh tật gì, và xem xem môi trường anh ta sống, thì có thể mười phần chắc mười. Nếu là mắc bệnh nặng cấp tính, thế thì thời gian tử vong có thể dự đoán ra được. Nếu là mắc bệnh mạn tính, thế thì phải xem môi trường sinh sống ảnh hưởng tới sự phát triển của bệnh tật lớn tới đâu. Nếu anh ta không mắc bệnh, nhưng nếu rơi vào tình thế nguy hiểm không lối thoát giống như đứa bé trên tàu điện ngầm kia, thế thì cũng không thể thoát khỏi kết cục mất mạng.
    - Chỉ đơn giản thế thôi à? - Hoàng Tĩnh Phong có vẻ không tin tưởng lắm.
    - Nghe qua rất đơn giản, nhưng thực hành lại cực kỳ khó khăn. - Đoàn Thạch Bi cười nói - Về việc chẩn đoán "bệnh", trong Đông y có bốn thao tác vọng, văn, vấn, thiết, mỗi một thao tác đều đủ cho cậu học cả đời. Về "cảnh" lại còn khó hơn nữa, không chỉ cần có khả năng quan sát siêu việt, sự hiểu biết sâu sắc đối với các hiện tượng, tình thế, còn cần phải có giác quan thứ sáu nhạy bén... Chắc cậu từng nghe nói đến trận đồ Bát quái rồi chứ, tổng cộng có tám cửa hưu, sinh, thương, đỗ, cảnh, tử, kinh, khai, cậu cũng có thể hiểu là có tám kiểu hoàn cảnh, phải trong thời gian rất ngắn phán đoán xem một người có bước vào cửa tử hay không, còn có hy vọng thoát ra từ cửa sinh hay không, việc này tuyệt đối không hề đơn giản!
    Hoàng Tĩnh Phong trầm ngâm một lúc rồi nói:
    - Theo như anh nói, để trở thành một thầy đoán tử đúng là quá khó. Tôi tới cả cổ văn cũng đọc không hiểu, sao có thể học được Đông y và tám cái cửa gì đó mà anh vừa nói?
    - Lục Tổ Huệ Năng từng nói "Không lập văn tự, truyền ngoài giáo lý, thẳng đến bản tâm, thấy tính thành Phật", thầy đoán tử cũng như vậy. - Đoàn Thạch Bi nói - Ý của tôi là, chỉ cần trong tâm thể ngộ được tinh tuý của việc đoán tử, cộng thêm bản thân cậu còn có năng khiếu bẩm sinh, lại nắm bắt được một vài cách chẩn đoán cơ bản của Đông y, chủ yếu là tri thức về phương diện vọng chẩn, tức chẩn đoán qua quan sát, cũng có thể trở thành nhân tà . - Vừa nói, hắn vừa rút từ trong người ra một cuốn sách, đưa cho Đoàn Thạch Bị - Đây là một cuốn "Hoàng Đế nội kinh" đã dịch ra ngôn ngữ hiện đại, trong đó, những nội dung có đề cập tới thuật đoán tử, tôi đã dùng bút đỏ gạch chân, trước hết cậu hãy tập trung đọc qua một lượt, gặp chỗ nào không hiểu hãy hỏi tôi. Nhớ kỹ, tới lúc cần cậu phát huy tài năng, nếu sắc mặt của đối tượng bị quan sát đột nhiên đỏ bừng, giữa hai đầu lông mày hơi sạm đen, màu sắc của một nốt ruồi bé tí xíu đột nhiên tối đen, đều có thể tượng trưng cho sự biến đổi to lớn giữa sống và chết, một phán đoán nhầm lẫn cực nhỏ đều sẽ biến thành sai lầm lớn không thể cứu vãn, cho nên, cậu buộc phải nhớ thật kỹ những điểm mấu chốt, nhất thiết không được qua loa đại khái, nhất định phải cẩn trọng, cẩn trọng, cẩn trọng nữa.
    Hoàng Tĩnh Phong nhận lấy cuốn sách, thấy hơi dày, trong thâm tâm cũng hơi ngần ngại, lật giở qua, thấy chỗ gạch chân không phải quá nhiều, mới thở phào nhẹ nhõm, rồi đặt cuốn sách sang một bên nói:
    - Anh hãy kể nốt câu chuyện về thầy đoán tử cho tôi nghe đã.
    Đoàn Thạch Bi cười cười rồi nói:
    - Từ sau khi Diệp Thiên Sĩ phát hiện ra nguyên lý đoán tử, các thầy đoán tử liền nghiêm túc tuân theo nguyên tắc "nguyên lý đoán tử, một bệnh một cảnh", một mặt chăm chi học cách chẩn đoán của Đông y, một mặt nghiền ngẫm những điển tịch liên quan tới môi trường và hoàn cảnh như phong thuỷ, ngũ hành, quả nhiên phát hiện ra độ chuẩn xác trong đoán tử tăng lên rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, nghề thầy đoán tử có một quy luật cổ quái, càng là thời loạn, thời mạt vận, lại càng phát triển mạnh mẽ, nhưng càng là thời thịnh vượng, lại chẳng ai buồn ngó ngàng... Cho nên dù Diệp Thiên Sĩ đã đặt ra "tiêu chuẩn hành nghề", nhưng trong một thời gian rất dài, lại chỉ được truyền thụ ngấm ngầm ở vùng Tô Châu nơi ông sinh sống, cho tới sau thời kỳ Thái Bình Thiên Quốc, nghề thầy đoán tử mới thực sự Phát triển rộng khắp từ nam tới bắc, tới thời Cách mạng Tân Hợi, đã xuất hiện thầy đoán tử danh tiếng lẫy lừng Trương Kỳ Hoàng. Trương Kỳ Hoàng từng làm huyện trưởng, giám đốc Sở Công an Hồ Nam, sau Cách mạng Tân Hợi còn từng giữ chức tỉnh trưởng tỉnh Quảng Tây, tinh thông thuật đoán tử. Lần đoán tử nổi tiếng nhất được tiến hành sau khi ông và người anh em Ngô Bội Phù chuyện phiếm sau bữa cơm, ông nói Ngô Bội Phù sẽ chết vào năm Kỷ Mão, hưởng thọ sáu mươi sáu tuổi, và đáng kinh ngạc hơn nữa là ông đoán rằng bản thân sẽ chết vào năm Đinh Mão, hưởng thọ năm mươi mốt tuổi. Cần biết rằng, "việc người thì sáng, việc mình thì tối" là cố tật chung của tất cả các thầy đoán tử trong thiên hạ, cho dù là những thầy đoán tử danh tiếng như Lý Hư Trung, Diệp Thiên Sĩ, cũng không thể dự đoán chuẩn xác được đại hạn của bản thân, còn Trương Kỳ Hoàng không những dự đoán được, mà còn dự đoán hết sức chính xác.
    - Năm 1927 vừa hay là năm Đinh Mão, Trương Kỳ Hoàng đã năm mươi mốt tuổi ngày ngày thấp thỏm bất an, cho dù biết tuổi thọ của mình sắp tận, nhưng chẳng ai cam tâm ngồi chờ chết cả. Khi ấy, ông đang làm thư ký trưởng cho Ngô Bội Phù, Ngô Bội Phù luôn an ủi ông, nói rằng chú em chẳng có bệnh tật gì, lại sống trong doanh trại quân đội của anh, đang yên đang lành làm gì có đứa nào dám lấy mạng chú? Nhưng chẳng bao lâu, quân Bắc phạt và quân phiệt Tần hệ đã đánh cho quân của Ngô Bội Phù tan tác. Ngô Bội Phù là người trọng nghĩa khí, trong thời khắc nguy cấp đã điều riêng một tốp binh lực bảo vệ cho Trương Kỳ Hoàng, đưa ông tới quê nhà Quảng Tây lánh nạn, nào ngờ khi đi qua Phàn Thành ở Hồ Bắc, gặp thổ phỉ tấn công, Thương Kỳ Hoàng trung nhiều phát đạn, trọng thương thoi thóp, nói với các đệ tử: Từ nay về sau thu nạp đồ đệ, nhất thiết không được dây vào người có liên quan tới cảnh các nếu không thì người này nhất định sẽ trở thành sát tinh của thầy đoán tử chúng ta... Nói xong liền tắt thở.
    - Ồ, Hoàng Tĩnh Phong ngơ ngác không hiểu - Tai sao không thể thu nhận người có liên quan tới cảnh sát vậy?
    - Các đệ tử của Trương Kỳ Hoàng khi đó cũng nghi hoặc giống như cậu, sau khi khâm liệm chôn cất sự phụ, bèn chạy tới Thượng Hải, mở môn phái thu nhận đồ đệ, hy vọng có thể phát dương quang đại sự nghiệp của thầy. - Đoàn Thạch Bi giải thích - Họ nghiêm khắc tuân theo di huấn của thầy, tuyệt đối không thu nhận người từng làm cảnh sát làm đồ đệ, thậm chí tới cả người thân của cảnh sát cũng không được. Thêm một câu không liên quan , Ngô Bội Phù đích xác là chết vào năm Kỷ Mão trong tay một bác sĩ người Nhật, hưởng thọ sáu mươi sáu tuổi. Cho dù các đệ tử hết sức thận trọng, nhưng sự thực đã chứng minh, sự lo lắng của người thầy trước khi qua đời hoàn toàn không phải là thừa. Một thanh niên tuy không phải là cảnh sát, nhưng sau đó theo nghề có liên quan mật thiết với cảnh sát, về sau đã trở thành kẻ đào huyệt cho nghề thầy đoán tử!
    Hắn vừa dứt lời, bỗng vang lên một tràng gõ cửa chát chúa. Có lẽ là do cánh cửa quá mỏng, tiếng động đã khiến cho cả gian phòng như rung lên khe khẽ.
    Trong tích tắc, sắc mặt Đoàn Thạch Bi trở nên hết sức khó coi, hắn nhìn chòng chọc vào Hoàng Tĩnh Phong hỏi:
    - Cậu có hẹn ai không?
    - Làm gì có... - Hoàng Tĩnh Phong vừa nói vừa đứng dậy, đi ra phía cửa.
    Đoàn Thạch Bi cầm cuốn "Hoàng Đế nội kinh" lên, mở ra, trải trên đùi, cúi đầu xuống, xoay lưng ra phía cửa sổ. Hoàng Tĩnh Phong mở cửa ra, và thấy bên ngoài có ba viên cảnh sát.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro