Chương 4: Tương Ngộ 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cuối giờ Tỵ (1*), ánh mặt trời đã mất hẳn cái ấm áp dịu dàng của buổi sớm mà trở nên gắt gỏng rọi thẳng xuống mặt Trà My.

Bất ngờ gặp được Sỹ Thành ở một tình huống quái đản khiến Trà My đứng im như tượng từ nãy đến giờ, đến khi bị nắng làm chói mắt cô mới khẽ dùng tay che lên trán, mắt nheo nheo nhìn chàng trai ấy một lúc lâu, đôi môi cô mấp máy phát ra âm thanh rất nhỏ:

- Sỹ... Sỹ Thành!

Giọng nói yếu ớt của Trà My làm chàng trai khẽ nhíu mày, bàn tay bóp chặt thành nắm đấm giấu kín trong ống tay áo. Ngập ngừng vài giây, chàng chậm rãi quay lại phía cô, chậm lắm... để gương mặt có đủ thời gian chuyển từ nét ưu tư day dứt sang lạnh lùng vô cảm. Đặt ánh nhìn lên bàn tay nhỏ nhắn đang che ngang trán Trà My, chàng liền sảy một bước dài đến ngay trước mặt cô. Thân hình cao lớn chắn ngang che khuất ánh mặt trời gay gắt, Trà My lập tức đã lọt thỏm trong bóng râm do thân thể chàng tạo ra.

Không còn bị mặt trời chiếu vào, đôi mắt Trà My dịu lại. Chừng như không cần dùng để che mắt nữa thì đôi bàn tay của cô trở nên dư thừa hết sức. Hết mân mê mái tóc rồi lại se se gấu váy, trái tim rộn ràng như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, cô nhìn chàng bằng ánh mắt như đã từng thân quen, ngập ngừng:

- Là anh đúng không? Anh đến đây tìm em đúng không?

Nghe giọng nói thân thương như lúc còn bên nhau, trái tim chàng trai như bị dầm đâm buốt nhói, thái dương giật giật mấy cái vì quá cố sức để giữ cho bản thân không nhảy bổ đến mà ôm lấy nàng. Cơn gió hiểu lòng người nên ra tay cứu giúp, gió luồng vào rung lắc tán cây xào xạc giúp chàng giấu đi tiếng thở dài bi ai. Giữ gương mặt lạnh lùng không chút gợn sóng, chàng trai hỏi lại:

- Nàng nghĩ ta là ai?

- Sỹ Thành! – Trà My run run đáp.

Gương mặt ngây ngốc vừa quen thuộc lại vừa xa lạ của Trà My làm chàng trai bỗng chốc thấy hiếu kỳ. Thêm nữa, đây là lần thứ hai bị gọi bằng một cái tên xa lạ, chàng nhíu đôi mày rậm hỏi lại:

- Sỹ Thành là ai?

Nét chân thật trên gương mặt chàng làm Trà My thót tim, cô nhìn đăm đăm vào mắt chàng mong tìm ra chút gì sơ hở, nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy chỗ nào giống một người đang giả vờ không biết bản thân mình là ai. Cứ thế Trà My đứng yên như pho tượng, không buồn đáp lại câu hỏi của chàng.

Xuân Mai chứng kiến cuộc gặp gỡ của hai người mà lòng buồn rười rượi. Rõ ràng họ là một cặp xứng đôi vừa lứa, tâm đầu ý hợp, nay lại vì cái lệnh tiếng cung quái ác kia mà phải chia ly, tàn nhẫn hơn là họ đang nhìn nhau như hai người xa lạ. Lòng bất nhẫn dâng trào làm cô bé níu lấy cánh tay Thu Đào nói như muốn khóc:

- Tiểu thư! Cô thật sự không nhớ cả Bình Nguyên Vương sao?

Vừa nghe hết câu, Trà My kích động đến quai hàm cứng đơ. Phải đến mười giây trôi qua cô mới thử động đậy cái miệng của mình để chắc chắn nó vẫn còn dùng được, rồi bất ngờ quay phắt sang chàng trai nói như sắp đứt hơi:

- Cái... cái gì? Anh... anh là Lê Thánh... à không không!

Trà My ú ớ mãi một lúc mới nói tiếp được:

- Lê Tư Thành? Anh là Lê Tư Thành?

Xuân Mai tái mặt bịt miệng Trà My lại, cô bé nhìn chàng trai giọng hốt hoảng van xin:

- Bình Nguyên Vương tha tội! Từ lúc tỉnh lại tiểu thư cứ hay gọi thẳng tên người ta như vậy đấy!

Chàng trai xua tay ra hiệu không hề gì. Đoạn ánh mắt chàng lại rơi trên gương mặt thảng thốt của Trà My, hạ giọng khàn khàn đầy hoài niệm:

- Cứ gọi bổn vương là Lê Hạo như trước!

Trà My gỡ bàn tay Xuân Mai ra khỏi miệng rồi lắp bắp nhắc lại:

- Lê... Hạo!

- Ừ! – Chàng gật đầu.

Ngẩng đầu nhìn ánh mặt trời đã gần đứng bóng, Lê Hạo quan sát xung quanh một lúc rồi dừng mắt lại trên mấy cái lá sen trên mặt hồ thủy đình, nói với Xuân Mai:

- Ngươi không mang theo ô che nắng à? Bổn vương đành đầu trần trở về vậy!

Nói xong liền kín đáo dùng mắt ra hiệu cho Xuân Mai để ý đến lá sen trên mặt hồ. Đoạn chàng gật đầu chào Trà My rồi dời bước đi thẳng ra cổng phủ đệ.

Không uổng công Lê Hạo nhắc nhở, cô bé Xuân Mai nhanh trí kéo Trà My đến bên hồ. Hái một lá sen làm ô che nắng, cô bé mỉm cười nói:

- Tiểu thư, ta về phòng thôi!

Nhìn theo bóng lưng Lê Hạo giờ chỉ còn là một chấm nhỏ, Trà My không hề để tâm đến tình ý của chàng trong cái lá sen vô tri ấy, bởi giờ đây cô đang bận nghĩ ngợi về một thứ gọi là "luân hồi" mà trước nay vẫn nửa tin nửa ngờ.

- Sỹ Thành? Lê Tư Thành?... Lê Thánh Tông!

****

Ráng chiều hờ hững buông xuống tòa tháp phía xa bên ngoài phủ đệ, ánh hồng rực rỡ phía chân trời tựa như những tia nắng cuối ngày ấy được dội lên từ mặt đất. Trà My nhoài người nằm trên chiếc bàn tròn giữa đình hóng mát mà ngẩn ngơ nghĩ về thế giới bên ngoài phủ đệ, nhìn về hướng cánh cổng lúc sáng nay Lê Hạo đã bước ra rồi khuất dạng.

- Xuân Mai, ta muốn ra ngoài chơi! – Trà My rầu rĩ van nài.

Cô tỳ nữ trung thành cũng xị mặt đồng cảm:

- Nhưng ông dặn cô không được đi đâu trước khi khỏe lại! Làm trái lời ông bắt phạt em mất!

Trà My chép miệng cãi:

- Nhìn chị có giống đang bị bệnh không? Bệnh chỗ nào?

Cô bé rụt cổ nhìn chủ nhân với ánh mắt ái ngại, chầm chậm đưa ngón tay lên chỉ vào đầu Trà My rồi thè lưỡi lùi ra phía sau vài bước như sợ bị "tấn công". Bị nói là mắc bệnh ở đầu, hay nói khó nghe một chút tức là bị "tâm thần", cô ấm ức đứng phắt dậy nhào tới véo má Xuân Mai:

- Mấy người mới là tâm thần đó! Tự nhiên sao khi không mà bây giờ lại có vua chúa gì, rồi quan lại nữa, không tin cho chị ra ngoài đi, chị cho em biết thế nào là thế kỷ hai mươi mốt. Chị không tin, không tin tự nhiên bây giờ lại là năm Diên Ninh gì gì đó, bây giờ là năm 2022...

Xuân Mai rụt cổ chịu đựng trận nổi đóa của chủ, cô bé cúi mặt không dám đáp, cứ thế giật lùi lại phía sau theo mỗi bước chân Trà My tiến lên đàn áp.

Chưa nói đã mồm thì giọng dịu dàng cất lên cắt ngang cơn giận của Trà My:

- Chị lại phát bệnh à! Nếu muốn người ta xem mình là người bình thường thì đừng có hở tí là hành xử bất thường như vậy!

Lời nhắc nhở chí lý làm Trà My bỗng chốc thấy mình thật ngu ngốc. Cô quay đầu lại nhìn, Thu Hằng trong bộ giao lĩnh màu vàng nhạt mỹ miều đang bước lên bậc thang dẫn lên đình hóng mát, dáng điệu uyển chuyển thướt tha làm Trà My không khỏi khen thầm:

- Con gái nhà quan thời xưa đẹp thật!

Còn mãi mê ngắm nhìn cô em gái ngang hông thì cô ta lại tiếp:

- Cha cho gọi chị đến thư phòng!

- Để làm gì? – Trà My nghiêng đầu thắc mắc.

Thu Hằng nhìn chị gái một lúc rồi hạ giọng nghi ngại:

- Để xem chị có còn giữ được tài năng bẩm sinh như lúc trước không?

- Tài gì? – Trà My thộn mặt ra hỏi, vì chính cô cũng không biết mình ngoài tài ăn hại ra thì còn làm được cái gì hay ho.

Đưa mắt sang nhìn Xuân Mai, Trà My nhận được cái chép miệng đầy bất an:

- Tiểu thư, lúc trước cô giỏi văn giỏi võ, cả Quốc Tử Giám ai cũng ngưỡng mộ cô hết...

Trà My nhếch miệng như tự khinh bỉ chính mình, cô nói mà như sắp khóc:

- Cái gì? Là văn võ song toàn gì đó hả? Thu Đào nhà này ghê gớm vậy sao?

- Ùm, ghê gớm vậy đó! – Xuân Mai tròn mắt đáp.

Trà My tự nhìn lại bản thân một lượt mà không khỏi bĩu môi bởi đây là điều vô lý nhất trên đời, đoạn quay sang Thu Hằng hỏi tiếp:

- Rồi bây giờ cha kêu chị đến thư phòng để làm gì? Đọc thơ hả?

- Ừ! – Thu Hằng tự nhiên đáp.

Trà My loạng choạng ngã xuống ngồi lên ghế đánh "phịch" một tiếng, lẩm bẩm:

- Kiếp nạn thứ tám mươi mốt là xuyên không về Lê Triều, kiếp nạn thứ tám mươi hai là phải đọc thơ cho Nguyễn Đức Trung nghe!

****

Tia nắng cuối cùng đã tắt, thư phòng thắp đèn dầu sáng choang rực rỡ đến chói mắt, khác hẳn với cảnh tượng u tối mịt mờ như ở phòng ngủ mà mấy hôm nay Trà My được trãi nghiệm.

Ngồi trong phòng sách cùng Thu Hằng và Nguyễn Đức Trung, cô lật hết trang này đến đến trang khác nhưng chỉ đọc được bập bẹ vài chữ làm cha và chị gái vừa ngạc nhiên vừa tiếc nuối cho văn tài trước đây. Trà My cũng "bất lực" tự trách bản thân lúc trước học tiếng Hoa không chịu học chữ phồn thể, để bây giờ trở thành kẻ "mù chữ". Cô đấm ngực tự nghĩ:

- Thời này làm gì đã có chữ giản thể(2*), biết trước thì mình đã chăm chỉ học chữ phồn(3*) hơn rồi!

Cô thở dài nhìn cha:

- Trước đây con giỏi chữ lắm sao? Nhưng bây giờ... con đọc còn không trọn vẹn một câu, không thể đọc thơ thẩn gì được đâu!

Nguyễn Đức Trung vuốt râu, ánh mắt xa xăm nhớ tài năng của con gái:

- Nữ nhi của các quan đại thần chỉ có hai chị em con được cho học cùng với ba vị hoàng tử, con lúc trước tài học không kém nam nhi đâu!

Trà My lại liếc mắt sang Thu Hằng ngây ngốc hỏi:

- Lợi hại dữ vậy sao?!

Thu Hằng cũng gật đầu:

- Em cũng nhờ chị mới được học ở Quốc Tử Giám, chị rất được Tư Nghiệp(4*) đại nhân khen ngợi, nên ngài đã xin Hoàng Thượng và Thái Hậu đặc cách cho chị em ta được học cùng ba vị hoàng tử!

Trà My chớp mắt tò mò:

- Ngô Tư Nghiệp là ai?

Thu Hằng đáp:

- Là người thầy đã dạy chữ cho chúng ta từ nhỏ, thầy Ngô Sĩ Liên chứ còn ai?

Nghe đến Ngô Sĩ Liên thì Trà My há hốc mồm không nói nên lời. Cô tiểu thư Thu Đào này đúng là quá lợi hại, bậc danh nhân như sử gia Ngô Sĩ Liên lại là thầy dạy chữ của cô ta!

Ý nghĩ thoáng qua làm Trà My thích thú quá, lại nói thầm trong miệng:

- Vậy là từ đây mình chính là học trò của Ngô Sĩ Liên sao? Trời ơi, quá ngầu!

Nguyễn Đức Trung vuốt râu gật gù như vẫn còn chìm đắm trong niềm tự hào về đứa con gái tài giỏi. Nhưng thực tại phũ phàng khiến ông bừng tỉnh, bèn nhìn đứa con gái với vẻ mặt đầy tiếc nuối:

- Phận nữ nhi mà lại có văn tài võ lược, triều ta chỉ có con, vậy mà bây giờ con lại quên hết chữ nghĩa, võ nghệ lại càng không biết! Thật là đáng tiếc!

Trà My cúi đầu hỗ thẹn:

- Con xin lỗi..!

Người cha hiền từ thông cảm xoa đầu con gái:

- Con vẫn bình an là cha vui rồi, đàn bà con gái không có tài thì trau dồi đức hạnh, không sao đâu con!

Xong ông dặn dò Thu Hằng:

- Bệ hạ có chỉ gọi chị con đến học tiếp, thôi thì con cố gắng chỉ dẫn thêm cho Thu Đào!

Thu Hằng gật đầu:

- Dạ!

Nguyễn Đức Trung quay lưng bước ra khỏi phòng.

Thu Hằng nhìn chị gái lật giở từng trang sách mà bật cười. Nàng biết vui mừng vì chị mình mất hết ký ức và tài năng là điều không tốt, nhưng bản tính con người vốn ích kỷ, từ nhỏ Thu Đào luôn vượt trội hơn nàng về nhan sắc, học vấn, Thu Đào còn thông minh khéo léo làm cho cha mẹ và ân sư là Tư Nghiệp Ngô Sĩ Liên yêu quý hơn. Thu Hằng tự cảm thấy mình chỉ là cái bóng sau lưng chị gái. Bất kỳ nơi nào nàng xuất hiện một mình thì đều bị mọi người hỏi:

- Thu Đào đâu rồi?

- Em gái Thu Đào đấy à?

Lớn lên trong sự so sánh mà mình luôn là kẻ thua kém, Thu Hằng sớm đã có ý nghĩ muốn bứt phá để thể hiện bản thân, nàng rất ý thức siêng năng học chữ, rèn giũa lễ nghi để có phong cách đoan trang hiền thục, mong sẽ phần nào bù đắp lại, để không quá lu mờ trước Thu Đào.

Tuy không đến nỗi vui mừng vì chị gặp nạn, nhưng cái "nạn" mất hết ký ức này của chị gái đối với Thu Hằng đúng là một niềm an ủi. Nhưng vốn là một người tâm tư kín kẽ lại đa nghi, Thu Hằng không vội vui mừng quá sớm mà luôn chú ý quan sát xem Thu Đào có thật sự đã quên sạch mọi chuyện hay không.

Bên ngoài cửa sổ, trời mỗi lúc một tối hơn, gió đêm cũng bắt đầu mang theo hơi sương xua đi cái oi ả của nắng hè. Thu Đào nhấp một tách trà, tay lật trang sách nhưng mắt thì luôn luôn dán chặt trên người cô chị lạ lùng mà tự hỏi:

- Chị thật sự không còn nhớ chàng sao? Nếu gặp lại nhau thì hai người có tiếp tục phải lòng nhau không?

Về phần Trà My, từ lúc gặp Lê Hạo bên hồ thì không thôi suy nghĩ về chàng, về Sỹ Thành trong lòng cô. Họ là hai người hay một người? Hay Lê Hạo chính là kiếp trước của Sỹ Thành giống như những câu chuyện luân hồi nàng đã đọc trong sách, hay họ vốn không liên quan gì nhau? Sao ánh mắt và thần thái của chàng cứ như chính là Sỹ Thành đã bị lạc về thời đại này cùng nàng vậy? Còn "em gái" Thu Hằng thì lại là một sự ngạc nhiên khác, em gái ruột của nàng ở thời đại này lại có tên giống hệt với người bạn thân nhất tại thời hiện đại. Mọi chuyện cứ như có một bàn tay vô hình nào đó sắp đặt sẵn khiến bao nhiêu câu hỏi không ngừng lởn vởn trong tâm trí Trà My.

Hai cô gái đang mãi mê theo đuổi ý nghĩ riêng của mình thì bỗng Nguyễn Đức Trung quay trở lại thư phòng, trên tay cầm một ống gì đó bằng gỗ sơn son thiếp vàng rất sang trọng, có vẻ là vật của triều đình. Ông nhìn Trà My nói:

- Lúc trước cha đã định nói cho con biết, nhưng chưa biết bắt đầu thế nào...

Thu Hằng thấy thánh chỉ trên tay cha liền tò mò hỏi:

- Đây là thánh chỉ ban hôn của bệ hạ phải không cha?

Nguyễn Đức Trung gật đầu, chậm rãi nói tiếp:

- Mùa thu năm nay bệ hạ tuyển tú, trước đây người có hỏi cha về Thu Đào và tỏ ý muốn nạp con làm cung tần. Quả nhiên hôm nay đã có thánh chỉ, con được tấn phong trực tiếp làm Lục Giai Mỹ Nhân, không cần phải bắt đầu từ cung nhân. Ân sủng này không phải ai cũng có, là phúc hay hoạ, sau này là tuỳ vào bản lĩnh của con đó!

Trà My vừa nghe xong liền đứng phắt dậy định bù lu bù loa phản đối, nhưng chợt nghĩ rằng chỉ nay mai cô sẽ tìm cách trốn ra khỏi nơi này, cho dù ngoài kia có là Hà Nội của năm 2022 hay là Thăng Long của Lê Triều đi nữa thì cô cũng không còn liên quan gì đến những con người kì lạ này. Vì vậy, Trà My lấy lại bình tĩnh rồi ngập ngừng:

- Có thể cho con xem bức thánh chỉ đó được không?

Cầm bức chiếu chỉ màu vàng óng trên tay, Trà My nuốt nước bọt đánh "ực" một tiếng rồi run run mở ra xem. Chất vải mềm mại, mặt sau thêu rồng thêu phụng chật kín, mặt trong trắng muốt viết đầy những ký tự mà Trà My chỉ đọc hiểu được hai ba chữ. Ở đoạn cuối của bức chiếu còn có hẳn một cái dấu ấn màu đỏ rất chi là "ngầu", mà Trà My đã lờ mờ đoán ra ý nghĩa của cái ký tự nằm trong ô vuông màu đỏ như son. Cô chỉ tay vào dấu ấn hỏi:

- Đây là... chữ... "Diên Ninh" phải không cha?

- Phải!

Lời đáp của Nguyễn Đức Trung văng vẳng bên tai làm Trà My bất giác vừa mừng vừa sợ, bởi cái thứ cô cầm trên tay không giống đồ giả chút nào. Viễn cảnh về món tiền bán đồ cổ khiến cô giàu sụ lại hiện ra trong đầu, lòng tham nổi lên, Trà My lợi dụng cơ hội gom luôn bút tích của đại thần Nguyễn Đức Trung một thể. Cô hạ giọng:

- Con có thể xem một bức tấu chương của cha đã dâng lên bệ hạ không?

- Để làm gì? – Nguyễn Đức Trung ngạc nhiên hỏi.

Trong lúc bị tiền làm mờ mắt, Trà My đã đáp một câu mất não:

- Thì để bán... À không, để... để xem bút tích của cha thôi, con muốn ít ra phải nhận ra nét chữ của cha mình! Ha ha ha!

Thấy biểu cảm của con gái hơi kỳ quặc, Nguyễn Đức Trung lại không dám làm lộ những thông tin cơ mật liên quan đến việc triều chính, bèn mang ra một bức tranh có đề thơ do chính tay ông viết, nói:

- Tấu sớ liên quan đến triều chính, đàn bà con gái không nên xem. Con xem tạm bức tranh này vậy!

Trà My không do dự chộp lấy, cô vuốt ve cái dấu ấn cuối bài thơ và mấy dòng thân bút của Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Nguyễn Đức Trung mà lòng vui như mở hội.

Ôm chặt hai món đồ qúy giá trong lòng, Trà My quay người bỏ chạy về phòng, chỉ ngoáy đầu để lại mấy câu cho cha và em gái:

- Con vui mừng sắp được làm vợ vua, cha cho phép con ôm thánh chỉ về phòng ngủ cho đã!

Nguyễn Đức Trung không kịp phản ứng, bất lực nói với theo:

- Đừng làm hỏng hay mất là được! Mất thánh chỉ là phải tội đấy con!

Thu Hằng nhìn theo bóng lưng của chị mà vô cùng thắc mắc. Nghĩ đến đoạn tình cảm sâu đậm giữa Thu Đào và Lê Hạo trước kia nàng lại càng thấy cô chị gái này quả thật rất bất thường:

- Chị vui mừng vì sắp được tiến cung sao? Chứ không phải đau buồn tuyệt vọng vì phải chia tay với Lê Hạo à?

****

Đêm hè gió mát, Trà My ôm thánh chỉ và bức tranh đề thơ nằm dài trên trường kỷ, như thể nếu buông ra thì sẽ bị người ta lấy đi cả gia tài vậy. Cả đêm từ khi trở về từ thư phòng cô không ngừng suy tính sẽ bán hai món cổ vật này với giá bao nhiêu sau khi trở về thành phố Hồ Chí Minh.

Chợt cơn gió mát lạnh thổi vào làm Trà My mở mắt nhìn ra khoảnh sân sáng tỏ ánh trăng. Mấy cái bóng đen in hằn dưới mặt đất không ngừng động đậy qua lại theo nhịp đong đưa của cây lá. Ngước mắt nhìn lên cây bạch quả trước sân, Trà My lại nhớ đến Sỹ Thành, à không, là Lê Hạo. Rồi liên tưởng đến bản thân mình và cô tiểu thư Thu Đào kia mà tự hỏi:

- Sao Sỹ Thành lại có gương mặt y hệt Lê Thánh Tông? Lẽ nào kiếp trước Sỹ Thành chính là Lê Thánh Tông sao? Hèn chi mà anh tài giỏi như vậy. Còn mình và cô Thu Đào đó thì sao? Tại sao lại giống nhau như vậy? Cô ta là tiền kiếp của mình à...

Ngàn vạn câu hỏi không lời đáp nối tiếp nhau tua qua tua lại trong tâm trí, Trà My cứ thế mà đuổi theo những ảo ảnh xa xăm đó, để rồi lúc thì nhầm lẫn Sỹ Thành và Lê Hạo, lúc lại thấy mình là Thu Đào, hay Thu Đào là mình? Giấc mộng đêm hè từ từ hòa lẫn với những dòng suy nghĩ miên man, rồi cuối cùng bao trùm hết cảnh vật mà Trà My đang nhìn thấy...

... Như một thước phim sống động, có cô bé gái chừng mười hai mười ba tuổi nắm tay cha tung tăng bước vào một ngôi trường. Người thầy đứng giảng bài giữa lớp tự xưng là Tư Nghiệp Ngô Sĩ Liên đang ra câu đố cho ba vị hoàng tử:

"Đất thì là đất bùn ao,

Ai cắm cây sào sao lại chẳng ngay.

Con ai mà đứng ở đây,

Đứng thì chẳng đứng vịn ngay cây sào!"

Cô bé tên Thu Đào đứng ở bên ngoài chờ cùng với cha cũng nghe được câu đố, tuổi nhỏ chưa hiểu chuyện nên khi nghĩ ra đáp án liền chạy ngay đến bên cạnh Ngô Tư Nghiệp hớn hở thưa:

- Thu Đào biết, đó là chữ Hiếu (孝), Hiếu trong "Hiếu thuận"!

Ngô Tư Nghiệp ngạc nhiên thích thú xoa đầu Thu Đào:

- Con gái của Nguyễn Đức Trung đại nhân quả nhiên thông minh hơn người!

Người cha tuy có hơi ngại ngùng vì con gái chưa hiểu lễ nghĩa, nhưng cũng khó giấu được niềm tự hào trong ánh mắt:

- Con trẻ tuổi nhỏ chưa biết khiêm nhường, xin ba vị điện hạ và Ngô Tư Nghiệp bỏ qua cho!

Tiếng vỗ tay tán thưởng làm cô bé nhoẻn cười. Đứng lẫn trong hàng ngũ ba vị hoàng tử, một cậu bé khôi ngô có đôi mắt trong veo đang lẳng lặng nhìn Thu Đào. Lúc bốn mắt chạm nhau, khóe môi cậu ta cong lên một nụ cười hiền dịu, hỏi:

- Em tên là gì?

- Thu Đào!

Bỗng chốc, Trà My cảm thấy một sức mạnh vô hình kéo cô về phía bé Thu Đào một cái đánh "xoạt" hệt như hồn vừa nhập xác. Khi định thần lại cô thấy mình đang đứng đối diện cậu bé, cậu ta khoanh tay trước ngực gật gù:

- Thu Đào à?

Tự nhìn mình từ đầu đến chân, Trà My từ trỏ tay vào mũi mình, ấp úng:

- Tôi... là Thu Đào?!

- Tôi là... Thu Đào!

Vầng trán lấm tấm mồ hôi, nhãn cầu bên dưới mí mắt liên tục cử động qua lại, Trà My liên tục nói trong cơn mê:

- Tôi là Thu Đào!

- Tôi là Thu Đào!

Tiếng gọi liên hồi của Xuân Mai len lõi vào giấc mơ kéo Trà My về thực tại, cô bé lay lay đôi vai của chủ:

- Tiểu thư, tiểu thư!

Đột ngột bị đánh thức, Trà My bất chợt mở trừng mắt ngồi bật dậy, nói liên tiếp một hai lần nữa:

- Tôi là Thu Đào! Tôi là Thu Đào!

Xuân Mai dùng ống tay áo lau đi mồ hôi trên trán Trà My, cô bé chau mày lo lắng:

- Tiểu thư, cô lại gặp ác mộng à!

Giấc mơ quá đỗi chân thật đến nỗi cảm giác nó mang lại chưa kịp tan đi, Trà My nhất thời không biết được rốt cuộc mình đã tỉnh hay chưa, cô nhìn Xuân Mai nói như mê sảng:

- Tôi là Thu Đào!

Tưởng chủ đã khôi phục ký ức, Xuân Mai mừng rỡ siết chặt bàn tay chủ nhân nói như reo:

- Phải! Đúng rồi, cô là tiểu thư Thu Đào của phủ Điện Tiền! Cô là Thu Đào!

---- Hết chương 4 ----

Chú thích:

(1*): Giờ Tỵ: Từ 9 đến 11 giờ sáng.

(2*),(3*): Phồn thể là kiểu chữ truyền thống, có rất nhiều nét, phức tạp, gây rất nhiều khó khăn cho các bạn mới học tiếng Trung. Giản thể là kiểu chữ đang được sử dụng chính thức tại Trung Quốc và là loại chữ được dùng nhiều nhất trong các tài liệu giảng dạy tiếng Trung.

(4*) Tư Nghiệp: Chức quan đứng đầu trường Quốc Tử Giám, tương đương với hiệu trưởng thời nay.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro