Chương 34: Từ Biệt

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Giữa Thu, tiết trời se lạnh, lớp sương mờ đục hãy còn bồng bềnh tản mác khắp nơi trong khuôn viên phủ Điện Tiền. Nếu là ngày thường thì giờ này Thu Đào hẳn sẽ còn trùm chăn kín đầu mà mặc kệ sự đời. Nhưng hôm nay, khi mặt trời còn chưa ló dạng thì nàng đã phải cùng cả gia đình đến Đoan Môn tiễn Nguyễn Đức Trung ra trận.

Bước xuống xe ngựa, Thu Đào đã thấy năm cánh cổng Đoan Môn ẩn hiện sau làn sương trắng xóa, nàng theo Nguyễn phu nhân và Thu Hằng đi bộ qua cổng phụ phía Nam rồi đứng vào hàng ngũ dành cho gia quyến của những người lính đến tiễn quân ra trận.

Từ cổng chính Đoan Môn, Thu Đào đã thấy tấm thảm đỏ trãi dài đến bậc thang dẫn vào ngôi điện đầu tiên trong cung thành – Điện Thị Triều(1*), dọc hai bên còn có quần thần mặc triều phục đứng trang nghiêm chờ vua xuất hiện. Thu Đào vốn tưởng ngày vua xuất chinh đánh giặc sẽ rất đông người đến tham gia, nào ngờ trước mắt nàng bây giờ chỉ là khoảnh sân rộng lớn và trống trãi, hai hàng quần thần và mấy chục gia quyến của những vị võ tướng không lấp đầy một phần mười khoảng không trước điện Thị Triều. Thu Đào nghiêng đầu hỏi Nguyễn phu nhân, giọng tò mò:

- Hoàng Thượng xuất chinh mà chỉ có bấy nhiêu người đến tiễn à mẹ?

Nguyễn phu nhân gật đầu:

- Cha con nói đây chỉ là trận đánh nhỏ, Hoàng Thượng lại là người không thích phô trương nên đã ra lệnh buổi lễ hôm nay phải thật đơn giản!

Thu Đào ra chiều nghĩ ngợi, đoạn lại hỏi:

- Chốc nữa Hoàng Thượng sẽ xuất hiện phải không mẹ?

Nguyễn phu nhân cười cười nhìn con gái, hỏi:

- Muốn thấy mặt Hoàng Thượng à?

Nửa vì cảnh trí cung thành quá trang nghiêm lộng lẫy, nửa vì tò mò không biết vua sẽ xuất hiện từ hướng nào, lại thêm đây là lần đầu Thu Đào được ngắm cung thành vào ban ngày, nên nàng cứ như bị mê hoặc mà mãi nhìn về tầng tầng lớp lớp những mái ngói thanh lưu ly xanh biếc phía xa, không để ý đến ánh mắt châm chọc của mẹ, nàng vô tư đáp:

- Phải, con muốn thấy Lê Bang Cơ một lần...

Bỗng một bàn tay chụp lấy miệng Thu Đào và bịt chặt, giọng Nguyễn phu nhân nhỏ nhẹ mà khẩn trương thốt ra:

- Con muốn chết sao? Không được gọi tên húy của Hoàng Thượng!

Gỡ tay mẹ ra khỏi miệng, Thu Đào chớp mắt gật gù ra chiều hiểu ý, nàng gãi đầu định xin lỗi vì phát ngôn thất thố của mình thì tiếng hô của một võ tướng làm Thu Đào và mọi ánh mắt khác cùng đổ dồn về phía đó.

- Hoàng Thượng xuất hành!

Từ con đường phía cánh tả điện Thị Triều, một đoàn người ngựa xuất hiện, nhằm cổng chính Đoan Môn mà tiến. Lúc đến đủ gần, Thu Đào mới nhận ra hai người đang cưỡi ngựa đi tiên phong là Lê Hạo và Lê Nghi Dân.

Trong bộ giáp xám bạc, thân hình Lê Hạo trông càng cao lớn với dáng lưng thẳng tắp, trường kiếm vắt ngang thắt lưng cũng không sao dài bằng đôi chân chàng đang ôm dọc hai bên hông con tuấn mã. Lê Hạo nắm lấy dây cương, chàng cùng chú ngựa bước đi đến đâu thì màn sương trắng xóa liền theo đó mà rẽ ra hai bên nhường lối. Dáng vóc anh tuấn trong bộ giáp sắt oai phong lẫm liệt, Lê Hạo như một chiến thần xé màn mây bước ra làm không ít cô gái đang có mặt phải trộm nhìn.

Trong khi những người con gái đang bị Lê Hạo làm cho điên đảo mà ngắm đến ngây người, thì Thu Đào lại cúi đầu để không phải đối mặt với chàng. Bởi lời nói sắt như dao của chàng trong căn phòng ở chùa Huy Văn đã cứa vào lòng Thu Đào vết thương sâu hoắm, đến tận bây giờ vẫn còn rỉ máu. Thu Đào đối với Lê Hạo, hay Trà My đối với Sỹ Thành... tất thảy đều chỉ còn là dấu chấm hết trong lòng nàng.

Lúc Lê Hạo đi ngang qua, Thu Đào liền cụp mắt vờ không nhìn thấy, nàng thu người đứng nép sau lưng Nguyễn phu nhân, cố hết sức để không lọt vào tầm mắt chàng.

Ngồi trên lưng ngựa, Lê Hạo phóng tầm mắt về nơi có gia đình của Nguyễn Đức Trung đang đứng. Lúc đó, chàng đã nhận ra mình đang bị người ta né tránh ánh nhìn. Dù không hiểu nguyên nhân lắm, nhưng Lê Hạo cũng không có thời gian để truy hỏi nên chỉ đành lướt ánh mắt qua chỗ hai chị em Thu Đào một lượt, đoạn lại thúc ngựa tiến ra cổng Đoan Môn.

Mặt trời chầm chậm nhô lên từ mái ngói thanh lưu ly của điện Thị Triều, ánh ban mai rọi xuống phút chốc đã đánh tan lớp sương mờ đang lượn lờ bao phủ mặt đất, tất thảy như đang dọn dẹp tươm tất để tiễn thánh giá ra trận mạc. Cổ xe hai mươi người đẩy của vua Diên Ninh xuất hiện từ phía cánh tả điện Thị Triều, hai bánh xe to tướng lăn đều đều trên tấm thảm đỏ rực trãi dài tận cổng thành.

Vua ngồi trong cổ xe có bốn phía được che phủ bằng lớp rèm mỏng. Dù bị ẩn sau lớp vải màu đen mỏng manh, Thu Đào vẫn nhìn ra Lê Bang Cơ mà nàng muốn diện kiến rõ ràng là một người có dáng điệu trang nghiêm và uy nghi khôn tả. Vua dáng người cao lớn, thế ngồi thẳng thóm và vững chãi, hai bàn tay luôn đặt ngay ngắn trên đùi. Đoạn đường vua đang đi tuy không quá dài nhưng vẫn đủ để Thu Đào chép miệng tự nhủ:

- Chậc! Suốt buổi chẳng thấy động đậy lấy một cái, làm vua thì không bị mỏi lưng hay sao nhỉ?

Xa giá đi đến đâu toàn thể quần thần đều theo đó mà quỳ rạp xuống tung hô vạn tuế. Chỉ mỗi Thu Đào là mãi chú ý đến con người bên trong cổ xe nên lại quên mất lễ tiết, vì vậy nàng đã bị Thu Hằng ở kế bên lôi xuống, ấn đầu sát đất.

Thu Hằng gắt nhẹ:

- Kìa, chị mau quỳ xuống đi chứ!

Đột ngột bị kéo mạnh nên Thu Đào lảo đảo ngã dúi dụi. Nhưng nàng chẳng mảy may chú ý đến hành động mạnh bạo của cô em gái mà chỉ lo nhìn theo cổ xe của vua đang lướt qua.

Thu Đào ngẩng đầu lên vừa đúng lúc xa giá vừa sượt ngang tầm mắt, tấm rèm mỏng nương theo gió phất lên chỉ kịp để lộ cái đầu đang khẽ ngoáy lại phía sau của Lê Bang Cơ. Khoảng cách đã quá xa, mà gương mặt vua ở góc độ này làm Thu Đào chỉ nhìn được có một phần ba... nên cũng xem như chưa thấy được gì! Nàng chép miệng tiếc rẻ:

- Suýt chút là được nhìn thấy mặt rồi! Tức ơi là tức!

*****

Lễ tiễn quân tra trận chỉ kéo dài trong độ một giờ.

Nguyễn Đức Trung là vị võ tướng cuối cùng rời khỏi hoàng thành nên gia đình của Thu Đào ở lại đến khi buổi lễ kết thúc. Lấy cớ muốn nhân cơ hội đi dạo một vòng, Thu Đào xin phép Nguyễn phu nhân cho nàng được ghé qua chợ phiên một lúc rồi sẽ về sau nhưng bà ngay lập tức từ chối. Biết rõ "uy tín" của mình thì không thể nào thuyết phục được mẹ, Thu Đào bèn trỏ ngón tay vào cô em gái bất đắc dĩ, cười cười nói:

- Mẹ cho Thu Hằng đi theo con là được mà!

Bất ngờ bị lôi kéo, Thu Hằng tỏ vẻ không vừa ý bèn từ chối ngay:

- Chị đừng có lôi em vào cuộc! Em còn phải về đo may y phục mới, vải còn chưa chọn xong, em không có nhiều thời gian đâu!

Thu Đào chọn ngay điểm yếu của cô em gái mà tấn công:

- Thì đằng nào vải trong phủ em cũng đâu có vừa ý nên mới chọn mãi chưa xong đấy! Nào, ta cùng ghé qua chợ vải xem thử đi!

Bị gãi đúng chỗ ngứa, Thu Hằng chớp mắt ngập ngừng vài giây rồi cũng bẽn lẽn nhìn Nguyễn phu nhân ngầm xin phép.

Thấy Thu Hằng chịu đi theo, Nguyễn phu nhân lúc bấy giờ mới yên tâm đôi chút, bà dùng ngón tay trỏ chỉ vào trán Thu Đào nói:

- Con là chị nhưng không nên thân chút nào, nhớ không được tách khỏi Thu Hằng, hai chị em cùng đi cùng về, nghe rõ chưa?

Mặc dù bị mẹ la rầy, nhưng hôm nay Thu Đào không thấy phiền hà gì, trái lại lòng còn xốn xang, cảm động khó diễn đạt thành lời. Nàng mím môi thật mạnh để giọng nói không rung rẩy:

- Cám... cám ơn mẹ!

Nguyễn phu nhân gật đầu rồi bước lên xe ngựa về phủ trước.

Thu Đào đứng im nhìn cổ xe của Nguyễn phu nhân càng lúc càng xa, bất giác nói với cô em gái đứng bên cạnh:

- Mẹ... tên thật là gì?

Không thèm trả lời câu hỏi, Thu Hằng phất tay áo bỏ đi trước, nói:

- Chị về phủ rồi tự hỏi lấy!

Thái độ của cô em gái bất đắc dĩ làm Thu Đào thấy bực lắm. Bởi xét ra từ lúc lạc về Lê Triều thì Thu Đào mới chính là người bị ngấm ngầm hãm hại, độc viễn chí trong người còn chưa tan hết, vết bỏng trên trán chỉ vừa liền miệng, tất thảy bằng chứng còn rành rành ra đấy mà Thu Đào còn không thèm hỏi tội, trái lại còn năm lần bảy lượt bị Thu Hằng tỏ thái độ bất mãn như thể mình là một tội nhân vậy. Thu Đào bước theo sau, chụp lấy cánh tay cô em ngang ngược, nói:

- Nè! Nói chuyện nghiêm túc với nhau chút đi!

Thu Hằng dừng bước, lạnh nhạt nhìn chị hỏi:

- Chuyện gì?

Nhìn ánh mắt ráo hoảnh của em gái, Thu Đào mới nhớ ra mấy hôm nay nàng ta vẫn luôn nhìn mình bằng thái độ oán trách như vậy. Lúc bấy giờ, từng lời nói của Lê Hạo lúc ở chùa Huy Văn lại văng vẳng bên tai làm Thu Đào chợt nhận ra người tổn thương chưa chắc đã là một mình nàng. Tự đặt mình vào vị trí của người con gái đứng trước mặt, Thu Đào bất giác thấy ngậm ngùi... Thì ra, Lê Hạo vừa không hết lòng với Thu Đào, vừa phụ cả tấm chân tình của Thu Hằng, tất cả chỉ vì hai chữ "số mệnh" mà chàng vẫn tự nghĩ.

Vốn định nặng giọng hỏi tội nhưng lại thôi, Thu Đào bỗng im lặng đến khó hiểu, nàng chỉ thở dài rồi bước sóng đôi bên cô em gái.

Được vài bước, Thu Hằng không nhịn được lại lên tiếng gặng hỏi:

- Chị muốn nói chuyện gì?

Vừa hay hai chị em đang đi trên đoạn đường ít người qua lại, Thu Đào vừa thong dong dạo bước vừa nói một câu nhẹ nhàng như việc hít thở, nhưng khiến người đang đi bên cạnh chấn động đến tay chân rung rẩy:

- Viễn chí trong thuốc, đèn lồng bị tẩm dầu lạc là do ai làm, chị đều biết cả!

Vốn là người giỏi điều chỉnh cảm xúc, Thu Hằng dù bước chân có chậm đi đôi chút nhưng giọng nói vẫn hết sức bình thản như một kẻ ngoài cuộc:

- Chị định sẽ làm gì hung thủ?

Tiếng thở dài thoáng trong gió làm Thu Hằng tò mò nhìn sang cô chị gái luôn khiến nàng chịu nhiều ấm ức. Vốn đã chuẩn bị đón nhận lời lẽ đanh thép buộc tội như Lê Hạo đã từng, nên Thu Hằng có hơi ngạc nhiên vì thấy chị chẳng có chút tức giận nào, lại còn có tâm trạng cùng mình đi dạo phố nữa!

Đến một gốc cây to trước cổng chợ phiên, hai chị em không hẹn mà cùng nhau bước đến bóng râm mát rượi. Nắng đầu ngày lọt qua kẽ lá chiếu lên đôi mắt đăm chiêu của Thu Đào càng làm nổi bật nét suy tư.

Không để Thu Hằng phải chờ thêm, Thu Đào nhẹ giọng nhập đề:

- Chị không định làm gì hung thủ cả, chỉ muốn nhắn nhủ với cô ấy một điều thôi!

Thu Hằng dùng thái độ chăm chú lắng nghe thay cho câu trả lời. Nàng ta dừng ánh mắt lên dáng người thanh mảnh của người chị gái đứng trước mặt, lòng không khỏi hồ nghi không biết người này tiếp theo định làm gì, vì sao biết rõ kẻ địch nhưng có thể bình thản đến vậy?

Liền sau đó, Thu Đào lại tiếp:

- Thu Hằng, em chắc chắn sẽ là vợ của Lê Hạo. Chàng là người tài năng vượt trội, em ở và chàng là một cặp trời sinh, tương lai của hai người chắc chắn rất viên mãn. Em không cần phải cố gắng dùng những cách thức không chính đáng để làm mất lòng chàng!

Một chút khó hiểu len lõi trong tâm trí làm Thu Hằng bất giác nhíu mày, nàng hỏi:

- Sao chị biết đó là chắc chắn?

- Vì cuộc đời của hai người sau này không hề có cái tên Thu Đào!

Câu trả lời kỳ lạ khiến Thu Hằng càng thêm khó hiểu, nàng ta dè chừng hỏi tiếp:

- Vì sao?

Thu Đào vốn không có cách nào để giải thích rằng mình vốn đến từ tương lai và biết rõ kết cục của Trường Lạc Hoàng Hậu Nguyễn Thị Hằng (2*), nói ra chỉ khiến người ta nghĩ nàng bị điên hoặc cho rằng nàng là kẻ phản nghịch dám nói xằng bậy về sự thay triều đổi đại chấn động lịch sử sắp diễn ra trong vài năm tới. Bởi vậy, Thu Đào đã chọn cách rời xa đấu đá chốn cung đình, để yên cho dòng chảy lịch sử đi theo con đường vốn được ông trời định sẵn.

Ngước nhìn tán cây xanh mướt đang lay động theo cơn gió, Thu Đào đưa tay hứng những giọt nắng đổ xuống lốm đốm, giọng bình thản:

- Chị không phải Thu Đào... Thu Đào đã chết lúc rơi xuống ao ở chùa Huy Văn rồi, chị và Lê Hạo bây giờ chỉ là hai người xa lạ mà thôi!

Thu Hằng nheo mắt nhìn cô chị xinh đẹp đang nghịch nắng. Trong khoảnh khắc nàng ta chợt nhận ra Thu Đào này đúng là có gì đó rất lạ, dù tính tình vẫn bốc đồng ham chơi như cũ nhưng tài học và võ công không có, lại chẳng còn chút gì nét kiêu ngạo của đại tiểu thư Thu Đào trước kia cả!

Giọng kể của Thu Đào lại tiếp tục vang lên:

- Lê Hạo đối với em chắc chắn là tình cảm thật sự, nếu không tại sao chàng phát hiện ra em làm những việc chưa đúng đắn mà lại bao che không tố giác? Em hãy nghe theo chàng, chỉ nên tu tâm dưỡng tính làm một người vợ mẫu mực của Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành. Hai người sẽ là một cặp tiên đồng ngọc nữ được cả thiên hạ chúc phúc...

Đến đây, Thu Hằng không nhịn được nữa bèn lên tiếng hỏi:

- Còn chị? Sẽ là sủng phi của Hoàng Thượng... hai ta ai cũng có phu quân của mình, không ai hại đến ai?

Bật cười vì vẻ khẩn trương của Thu Hằng, lúc bấy giờ Thu Đào chợt nhận ra cô em gái mưu mô này làm mọi việc chẳng qua là muốn níu giữ tình cảm của Lê Hạo mà thôi.

Nở nụ cười hiền, Thu Đào nhẹ giọng:

- Ừ!

Phải nói Thu Hằng mừng rỡ như muốn nhảy cẩng lên khi nhận được lời hứa không chen chân vào chuyện tình cảm của mình, nàng nắm lấy tay Thu Đào nói giọng cảm kích:

- Thu Đào... thật ra em biết viễn chí không thể độc chết người! Thật ra em chỉ muốn lồng đèn bị cháy để chị gây họa mà không được dự cung yến, em... không có ý muốn hại đến tính mạng của chị!

- Ừ! Chị biết!

Khóe mắt đỏ ửng, Thu Hằng nhất thời không biết nói thêm câu gì, chỉ nhào đến siết chặt bàn tay của chị mà thổn thức.

Vỗ vỗ lên mu bàn tay cô em gái, Thu Đào hất hàm về phía khu chợ, rủ rê:

- Đi chọn vải thôi, đợi Lê Hạo trở về thì may áo cưới cho em!

Thu Hằng gật đầu, trong lời nói có chút gì đó nghèn nghẹn:

- Ừ! Mua cho chị nữa!

Hai chị em dắt tay nhau sảy bước dưới ánh ban mai rực rỡ. Đến bây giờ Thu Đào mới có dịp nhìn kỹ dung mạo người con gái sau này sẽ trở thành Hoàng Hậu. Nàng ta có đôi môi ửng hồng, hàm răng đều tăm tắp nở nụ cười trông thật duyên dáng. Đây cũng là lần đầu thấy Thu Hằng thật sự cởi mở mà đối đãi với mình nên Thu Đào bỗng thấy cảm động, xen lẫn nỗi xót xa... Bởi nàng biết đây có thể là lần cuối cùng hai người được đối diện nhau ở khoảng cách gần như vậy!

Đi bộ một đoạn đường khá xa, cuối cùng hai chị em cũng bước chân vào một cửa hiệu bán vải có tiếng ở Đông Kinh. Bị cô em gái lôi kéo mệt đến vã mồ hôi, Thu Đào vừa thở vừa chỉ tay vào những hàng vải bên ngoài, hỏi:

- Ngoài kia cũng có rất nhiều loại, sao em không chọn mà phải đi xa đến tận đây!

Thu Hằng cốc nhẹ vào trán chị, giảng giải:

- Ngoài kia bán toàn hàng bình thường, bất kỳ cô gái nào trong kinh thành cũng có thể mua được. Chị em ta sắp làm vợ ai chứ? Sao có thể chọn vải tầm thường mà may áo cưới được!

Xoa xoa chỗ trán vừa bị cốc, Thu Đào phồng má nói:

- Thì ra thời này đã có phân biệt đồ hiệu với đồ chợ rồi hén!

- Đồ hiệu? – Thu Hằng ngớ người ra hỏi.

Đến lượt Thu Đào lên mặt khoe kiến thức:

- Là những mặt hàng của thương nhân lớn, có tiếng, có tên riêng hẳn hoi. Ở chỗ chị sống người ta gọi đó là "hàng hiệu"!

- Ở chỗ chị sống? – Thu Hằng lại một lần nữa thộn mặt ra.

Không trả lời câu hỏi của em gái, Thu Đào dợm bước tiến vào cửa tiệm, giục:

- Mau vào chọn vải thôi!

*****

Lần đầu tiên được thấy cửa hiệu cao cấp thời phong kiến, Thu Đào thích thú ngắm đến hoa cả mắt. Gian hàng là một căn phòng rộng rãi, ở giữa là bàn ngồi của chủ nhân với đầy đủ bút mực, giấy tờ, xung quanh là những kệ gỗ chất hàng trăm loại vải khác nhau với đủ màu sắc lạ mắt. Khắp không gian còn len lõi mùi thơm dịu nhẹ tỏa ra từ chiếc lư đồng được chủ nhân thường xuyên châm hương liệu.

Thấy hai chị em Thu Đào bước vào, bà chủ liền đon đả ra chào mời. Sau khi biết cả hai đi chọn vải may áo cưới, người hầu của cửa hiệu liền mang ra một lúc đến hơn chục khúc vải, nào xanh dương đậm, đen bóng, tím biếc... Nhưng có một điều làm Thu Đào thấy rất lạ, nàng thích thú đưa tay sờ lên từng khúc vải láng mịn rồi ngô nghê hỏi:

- Áo cưới không dùng màu đỏ sao?

Bà chủ tiệm đon đả nói:

- Màu đỏ thẫm thường để cho quan lớn may lễ phục hơn, áo cưới cũng có khi dùng màu đỏ kết hợp các lớp trong ngoài nhưng không được ưa chuộng lắm!

Nói xong, bà ta liền mang ra hai khúc lụa khác, một là màu xanh lá cây đậm, một là màu xanh dương, cả hai đều được thêu nổi bằng chỉ vàng chỉ bạc rất bắt mắt, bà ta nói:

- Hai cô đây vừa trông đã biết là con nhà quyền quý, áo cưới phải là lụa Mao Điềm (3*) màu xanh đậm và có hình thêu điểm xuyến thế này mới sang trọng, phù hợp thân phận cành vàng lá ngọc chứ!

Vốn tính cẩn thận, Thu Hằng dù rất thích khúc vải và những lời xu nịnh của bà chủ hàng vải, nhưng nàng vẫn ra vẻ chưa ưng, đòi hỏi thêm:

- Chỉ có bấy nhiêu thôi sao? Có lụa từ phương Bắc nhập vào không?

Bà chủ hồ hởi phất tay ra hiệu cho người hầu mang đến thêm ba bốn khúc lụa có nguồn gốc là hàng nhập từ phương Bắc, xong lại giới thiệu thêm:

- Bây giờ vải vóc nước ta nhiều loại đã có chất lượng không kém cạnh gì của người phương Bắc rồi, trước khi Thái Tổ (4*) lập quốc thì ta còn phải cống nạp vải vóc cho họ cơ mà, chưa biết chừng thiên tử Minh Triều cũng mặc lụa Đại Việt ta dệt ra đấy!

Dẫu biết bà chủ tiệm nói chuyện thể nào cũng có phần khoa trương, nhưng Thu Đào vẫn chăm chú lắng nghe không sót từ nào. Một là vì nàng cảm thấy mình như người vừa bước ra từ u mê, đến bây giờ mới nhận ra do trước kia xem phim ảnh Trung Quốc quá nhiều nên vô thức cứ nghĩ người Việt cổ cũng sẽ mặc áo cưới màu đỏ. Hai là bà chủ đã vô tình nhắc nhở Thu Đào về một đoạn mà Lê Tuấn đã từng đọc cho nàng nghe trong Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi, rằng từ thời Lê Thái Tổ thì nghề dệt ở Đông Kinh đã rất phát triển với nhiều làng nghề nổi tiếng rồi (5*)!

Vì vậy, dù không thật sự định may áo cưới, Thu Đào vẫn hăm hở nhờ bà chủ chọn cho mình mấy khúc vải thuộc dạng thịnh hành nhất lúc bấy giờ, nàng chăm chú lựa chọn từ màu sắc đến hình thêu, nghiêm túc đến mức suýt chút nữa là tưởng mình định làm cô dâu thật. Thái độ nhiệt tình của nàng làm Thu Hằng cũng thật sự tin rằng cô chị này cuối cùng cũng chịu an phận làm vợ vua rồi!

*****

Cả ngày hôm đó, Thu Đào toàn tâm toàn ý nhập vai đại tiểu thư nhà phủ Điện Tiền. Sau khi cùng em gái đi mua sắm, nàng về nhà đích thân cùng người hầu nấu bữa cơm trưa. Suốt buổi sáng hì hục dưới bếp, Thu Đào xuất hiện với bộ dạng đầu tóc rối bời, mặt mũi lấm lem lọ nghẹ, hai tay cầm hai đĩa thức ăn đặt lên bàn làm Nguyễn phu nhân và Thu Hằng không nhịn được mà bật cười. Dù thịt chiên thì cháy khét, rau xào thì cọng sống cọng chín nhưng cả nhà ba người ngồi ăn rất vui vẻ. Suốt bữa cơm, mặc dù miệng cười để hòa cùng không khí đầm ấm trước mặt, nhưng tâm hồn Thu Đào như có thứ gì đó day dứt lắm, nàng chẳng ăn uống được là bao mà chỉ chăm lo gắp thức ăn cho mẹ và em gái. Xong xuôi, lại tự mình thu dọn sạch sẽ hết làm Xuân Mai và đám người hầu ở nhà bếp được một ngày rảnh rang hiếm có. Đến chiều, Thu Đào còn tử tế tặng cho ba người gia nô canh giữa cổng trước cổng sau của phủ đệ một bữa rượu thịt thịnh soạn, kèm với lời châm chọc rằng không có Nguyễn đại nhân ở nhà thì tranh thủ lười biếng một chút cũng chẳng sao.

Trước nay, Thu Đào vốn tính rộng rãi nên việc nàng ban thưởng cho người hầu kẻ hạ trong phủ chẳng làm ai mảy may nghi ngờ. Cứ thế, nàng đã sắp xếp mọi thứ ổn thỏa, chuẩn bị cho cuộc bỏ trốn lần thứ ba khỏi phủ Điện Tiền, khỏi cái ngục tù tên gọi Hoàng Cung, hay nói đúng hơn là khỏi vòng vây khó phân định thực hư giữa Sỹ Thành và Lê Hạo, Trà My và Thu Đào. Định một kiếp này nếu không quay về hiện đại được, thì cũng sẽ bình yên sống ở nơi nào đó, nguyện không vướng vào thị phi tranh đoạt...

Cuối ngày, bóng đêm lại như mọi khi chầm chậm đổ xuống vỗ giấc cho vạn vật. Hết đêm rồi ngày, ngày tàn lại đến đêm, cứ như thế Thu Đào trãi qua mấy tháng trời tại triều Lê Sơ, mọi việc tiếp diễn tự nhiên đến mức có lúc nàng nghi ngờ đây mới chính là thực tại, còn hai mươi mấy năm ở thế kỷ hai mươi mốt chỉ là một giấc mộng dị thường.

Ngồi bên khung cửa, Thu Đào im lặng ngắm đất trời trong tiếng thở đều đều quen thuộc của Xuân Mai. Tình cờ, nàng lại đảo mắt đến khoảnh sân lúc trước có Lê Hạo ngồi thổi sáo thì rèm mi liền rủ xuống. Cái cảm giác cảnh còn mà người không thấy nữa làm nét buồn lại phảng phất trên gương mặt, nàng chép miệng tự nhủ:

- Lê Tư Thành! Ta sẽ ở đâu đó trên đất Việt này chứng kiến chàng từng bước lên ngôi và trị vì đất nước!

Tiếng gà gáy sáng nhắc nhở Thu Đào đã đến lúc rời đi. Nàng ăn mặc như nam gia nô trong phủ, mang theo một tay nảy chứa bộ y phục màu tím và bức chiếu thư ban hôn đã bị xé làm hai nửa của Lê Bang Cơ, xấp lụa Mao Điềm đã cùng Thu Hằng đi mua, trên búi tóc là con dao nhỏ mang hình dạng trâm cài đã "tước đoạt" được của Lê Tuấn, mấy quyển sách có bút tích của Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Đức Trung... và vài thứ linh tinh mà nàng cho rằng nếu may mắn về lại được thế kỷ hai mươi mốt thì nó sẽ là cổ vật đắt giá khiến Trà My đổi đời.

Trước khi bước ra khỏi phòng, Thu Đào ngoáy đầu nhìn Xuân Mai đang say ngủ mà nghe lòng se sắt. Rồi dường như sợ mình nhìn lâu chút nữa lại không nỡ ra đi, nàng vội vàng khép cửa rồi cắm đầu chayh một mạch ra cổng sau phủ đệ.

Sương phủ đầy trời làm hàng mi ướt đẫm, Thu Đào chớp chớp mắt để xua đi cái nhòe nhoẹt trước mắt, nàng hít thở thật sâu tự dặn lòng không được nhìn lại bất cứ thứ gì trong căn biệt phủ này nữa!

Khoảnh sân sau hậu viện dần dần xuất hiện trong tầm mắt Thu Đào. Bên trong căn chòi nhỏ dưới gốc cây hoàng yến có ba người gia nô, kẻ nằm lăn dưới đất, người đổ gục trên bàn mà thở đều đều. Nhìn hai ba bình rượu đã cạn đáy nằm lăn lóc bên cạnh đĩa thức ăn chỉ vừa vơi đi một nửa, Thu Đào chắc mẫm:

- Uống hết cả bình à? Vậy chắc sáng mai mới tỉnh nổi!

Dùng ngón tay trỏ chĩa vào lưng một gia nô, Thu Đào dùng lực đẩy nhẹ hai ba cái vẫn không thấy hắn phản ứng gì, liền yên chí sờ soạn lên vùng thắt lưng để dò tìm xâu chìa khóa.
*****

"Cạch!"

Tiếng ổ khóa được mở vang lên giòn giã giữa không gian tĩnh mịch. Thu Đào chỉ đẩy nhẹ cánh cửa, mở ra một khoảng không chật hẹp vừa đủ để thân hình mảnh mai của nàng chui lọt, đoạn lách người đặt chân ra bên ngoài.

Két...

Cửa gỗ từ từ khép lại, sân nhà quen thuộc cũng chỉ còn là một khe hở đang bé dần đi rồi biến mất sau lớp cửa đen bóng.

Xoay lưng một cái, nàng sẽ lại là Trà My, mọi thứ về tiểu thư Thu Đào xin trả lại cho Lê Hạo. Xoay lưng một cái, Lê Bang Cơ sẽ chẳng có vị phi tần nào tên là Nguyễn Thị Đào. Cũng là xoay lưng một cái, Trà My sẽ thoát khỏi cuộc tranh ngôi đoạt vị mà nàng rõ biết kết cục, và không có ý định ghi tên mình vào danh sách những kẻ thiệt mạng trong chính biến Diên Ninh.

Ngửa cổ hít một bầu tự do còn vương hơi sương lạnh lẽo, Thu Đào từng bước rời đi, bỏ lại sau lưng cánh cổng phủ Điện Tiền đang dần nhỏ lại theo khoảng cách mỗi lúc một xa.

Thu Đào đặt chân đến cổng Tây của kinh thành lúc trời vừa hửng sáng, trên đường người qua kẻ lại cũng bắt đầu đông đúc. Giữa dòng người xa lạ, con đường trước mặt trông thênh thang là thế nhưng Thu Đào lại không biết phải đặt bước về hướng nào. Loay hoay một lúc, nàng chọn quán nước nhỏ bên vệ đường để vào nghỉ chân. Bên ấm trà nóng, Thu Đào cầm chiếc tách bé xíu đang bốc khói lên hớp một ngụm, đoạn chỉ tay về con đường xa tít tắp trước mặt, xởi lởi hỏi chủ quán:

- Chị cho hỏi, đi thẳng con đường này thì lúc trời tối sẽ đến địa phương nào?

Chị chủ quán thân thiện đáp:

- Qua hai ngôi làng nhỏ thuộc ngoại ô thì sẽ đến phủ Thiệu Thiên thuộc thừa tuyên Thanh Hoa. Mà nếu cô đi bộ thì e rằng phải qua đêm dọc đường mất, nên đi xe ngựa thì hơn!

Tiếng "cô" của chị chủ quán làm Thu Đào chột dạ, nàng tự nhìn bản thân khắp một lượt rồi chớp mắt hỏi:

- Chị nhận ra em là con gái?

Che miệng cười khút khít, cô chủ quán hóm hỉnh nói:

- Em tưởng mặc bộ quần áo này vào thì sẽ thành đàn ông được à? Thôi em dùng nước xong thì lên đường cho sớm, không khéo chưa đến được ngôi làng thứ hai thì trời tối mất. Giữa nơi hoang vắng một thân một mình thế này nguy hiểm lắm!

Thu Đào gãi đầu cười mà mang tai đỏ ựng. Nhớ lại lần đầu tiên trốn ra khỏi phủ nàng cũng đã mặc bộ đồ này và lập tức bị Lê Tuấn nhìn ra ngay. Nàng lại chép miệng rủa sả mấy bộ phim cổ trang chết tiệt đã nhồi nhét vào đầu mình cái niềm tin hễ mặc đồ đàn ông thì không ai biết mình là con gái!

Tần ngần một lúc, Thu Đào thoáng liếc xuống ngực nơi có giấu một món tiền kha khá để phòng thân rồi thở dài tự nhủ:

- Mới ra khỏi nhà đã phải tiêu tiền, nếu không mau quyết định sẽ đi đâu thì chẳng mấy chốc vốn liếng hết sạch mất!

Đông Kinh tuy đẹp nhưng không thể nán lại, trời đất rộng lớn nhưng thời đại này với Thu Đào quá xa lạ, nhất thời nàng không biết chốn nào có thể dung thân. Ngoáy đầu nhìn về cổng thành, nàng chép miệng thầm than:

- Đông Kinh không thể ở được...

Chưa dứt câu thì một ý nghĩ xẹt ngang làm đôi mắt sáng bừng đầy hứng khởi, Thu Đào quay phắc sang hỏi chị chủ quán tiếp:

- Thừa Tuyên Thanh Hoa tức là nơi có Tây Kinh đúng không?

- Tất nhiên! – Chị chủ gật đầu.

Lúc đó, bên tai Thu Đào bỗng vang lên một giọng đàn ông ồm ồm, dường như nàng đã nghe ở đâu đó nhưng nhất thời không thể nhớ ra:

- Cô đây có cần mua xe ngựa không? Tôi có bán!

Người đàn ông bước đến trước mặt Thu Đào có nước da ngâm đen, tầm vóc không quá cao nhưng trông vạm vỡ. Ông ta mặc bộ giao lĩnh vạt ngắn màu nâu sòng, ống tay áo được buộc gọn nơi cổ tay vừa nhìn đã đoán được là dân lao động hoặc người học võ.

Thu Đào cẩn thận quan sát người đàn ông từ đầu đến chân, đoạn hỏi:

- Ông trước giờ buôn bán ở đâu?

Chỉ tay vào chị chủ quán thân thiện, ông ta cười hiền:

- Tôi là chồng của chị chủ đây, vợ chồng chúng tôi vừa mở quán trà, vừa có chuồng ngựa nhỏ để kiếm thêm vài đồng mưu sinh. Cô biết đó, khách ra vào cổng thành thường là người muốn đi xa, giữa đường cần ngựa là chuyện thường, chúng tôi nắm bắt cái nhu cầu đó nên đã làm nghề này được mấy năm rồi!

Lúc bấy giờ, chị chủ quán lại phụ họa:

- Phải đấy, em có muốn mua ngựa hay xe gì thì ủng hộ vợ chồng chị nào! Quanh đây ba dặm thì chỉ có ở đây bán thôi!

Hai vợ chồng chủ quán trông có vẻ thân thiện, nhưng linh tính mách bảo Thu Đào có gì đó không đúng lắm. Phần vì người đàn ông này hình như Thu Đào đã gặp qua ở đâu nhưng mãi không nhớ ra được, phần vì... hai người này có nhìn thế nào cũng không giống nông dân nuôi ngựa!

Suy đi nghĩ lại, Thu Đào từ chối lời đề nghị của hai vợ chồng chủ quán rồi rời đi. Lòng dự định sẽ đi nhanh đến ngôi làng thứ nhất ở dọc đường rồi nghỉ lại nơi đó, sáng mai sẽ tính tiếp.

Từ cổng thành, dòng người đổ về con đường dẫn đến Tây Kinh càng lúc càng đông làm Thu Đào thấy yên tâm, vì ít ra từ đây đến tối nàng không phải là kẻ độc hành trên con đường xa lạ. Nghĩ vậy, Thu Đào vui vẻ hòa nhập vào dòng người hối hả, hoàn toàn không hay biết người đàn ông trong quán trà lúc nãy đang nheo mắt dõi theo bóng lưng của mình.

----- Hết chương 34 -----

Chú thích:
1. (*) Điện Thị Triều: Tên một ngôi điện nằm trước mặt Điện Kính Thiên trong cung thành Thăng Long thời Lê Sơ. Bạn đọc có thể tìm xem tài liệu nghiên cứu về kiến trúc thời Lê Sơ, đặc biệt là những tư liệu khảo cổ về điện Kính Thiên sẽ thấy nhắc đến.
2. (*) Trường Lạc Hoàng Hậu: Hoàng Hậu của vua Lê Thánh Tông.
3. (*) Lụa Mao Điềm: Loại vải được sản xuất từ xã Mao Điềm tại Đông Kinh, thời Lê Sơ.
4. (*)Thái Tổ: chỉ Lê Lợi – Lê Thái Tổ
5. (*) Ghi chép về vải vóc thời Lê Sơ:

[MỘT SỐ GHI CHÉP VỀ VẢI VÓC VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ ]

Người Việt bắt đầu biết sản xuất các loại vải lụa từ rất sớm, trong "Ngô đô phú" (吳都賦) của Tả Tư (左思) (250 – 305) viết vào khoảng năm 272 thời Tây Tấn, có dẫn lại "Giao Châu ký", miêu tả lối sống của người Giao Chỉ "Nấu nước biển lấy muối, khai khoáng để đúc tiền. Thuế của nhà nước một năm hai vụ lúa, thôn xóm cống 8 lứa tơ tằm." (煮海為鹽,采山鑄錢。國稅再熟之稻,鄉貢八蠶之綿) ([9])

Thời Bắc Ngụy (386–535), tác phẩm "Thủy kinh chú" (水經注) của Lịch Đạo Nguyên (郦道元) (472 - 527), dẫn lại nguồn từ "Lâm Ấp ký" cũng viết "Trong nước một năm được 8 lứa tằm tang" ([5]tr 32b)

Trong "Lĩnh Ngoại đại đáp" của Chu Khứ Phi thời Tống, tác giả đã ghi nhận quân lính nhà Tiền Lê (980–1009) dưới thời Lê Đại Hành, được thưởng đầu năm bằng tiền và lụa "Ngày mùng 7 Chính Nguyệt (Tháng Giêng), mỗi binh sĩ lãnh tiền 300, trừu lụa vải 1 xấp" (Nguyên văn: 歲正月七日,每一兵支錢三百,紬絹布各一匹) ([2]tr4a). Ghi chép trên cho thấy vải lụa của nước ta đã được sản xuất với số lượng lớn, được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt.
Tới thời Lý việc chủ động sản xuất vải lụa càng trở nên chủ động và phát triển hơn. Năm 1040, dưới thời Lý Thái Tông "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi nhận "vua đã dạy cung nữ dệt được gấm vóc. Tháng ấy xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho ra để may áo ban cho các quan, từ ngũ phẩm trở lên thì áo bào bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên thì áo bào bằng vóc, để tỏ là vua không dùng gấm vóc của nước Tống nữa." ([7]tr 61)

Thời thuộc Minh (1407–1427), tơ lụa sống Giao Chỉ là một trong những cống phẩm hàng đầu mà nhà Minh bắt nước ta phải cống nộp, tổng cộng quận Giao Chỉ đã phải cống nộp 12.440 tấm lụa sống. (*)

Tới thời Lê Sơ, trong tác phẩm Dư địa chí (1435), Nguyễn Trãi đã ghi chép về sản vật vải lụa ở rất nhiều nơi. Có thể kể ra ở đây các địa phương nổi tiếng với sản phẩm tơ lụa, vải lụa - tơ tằm, gấm vóc, là lãnh: phường Thụy Chương, Nghi Tàm ở phủ Phụng Thiên ([8]tr746); các xã Mao Điềm, Bất Bế, Hội Am thuộc đạo Hải Dương ([8]tr 751); xã Tiên Phong thuộc đạo Sơn Tây ([8]tr 759); xã Thanh Oai đạo Sơn Nam ([8]tr 767); đạo Thanh Hoa ([8]tr 798); châu An Bác thuộc đạo Lạng Sơn ([8]tr 831).

Cùng thời, "An Nam chí nguyên" của Cao Hùng Trưng dẫn lại "Tây Việt ngoại kỷ", có viết về đặc sản vải lụa Giao Châu "Về hàng dệt vải lụa, có: sa cát liễu, sa bình văn tảo tâm có hoa, sa hợp, lụa quang (láng), tơ nhiễu, lĩnh, là lượt, giày hài bằng đồ tơ....([1]tr 168)
Nguồn dẫn:
1) Cao Hùng Trưng – Khuyết danh, An Nam chí nguyên (2017), Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm.; dẫn lại theo "Tây việt ngoại kỷ".
2) Chu Khứ Phi (周去非), Lĩnh ngoại đại đáp (嶺外代答) trích từ bản in trong Khâm Định tứ khố Toàn thư (欽定四庫全書), Chiết Giang đại học đồ thư quán (浙江大学图书馆), quyển 2, Ngoại quốc môn thượng (外國門上), An Nam quốc(安南國) (ctext.org)
3) Cristophoro Borri, Xứ Đàng Trong Năm 1621 (2014), Nhà Xuất Bản Tổng hợp TP.HCM
4) Hoàng Anh Tuấn (Biên soạn), tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII (2010), Hà Nội, NXB Hà Nội.
5) Lê Thị Hoa, Vài nét về làng nghề Vạn Phúc, Hà đông thời thuộc Pháp (2015), Tạp chí Giáo lý luận số 230 (6/2015), tr 166 – 168.
6) Lịch Đạo Nguyên (酈道元), Thủy kinh chú (水经注), trích từ Si Tảo đường Tứ khố toàn thư hội yếu (摛藻堂四庫全書薈); Triết Giang đại học đồ thư quán (浙江大學圖書館), quyển 36. (ctext.org)
7) Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Hà Nội, NXB Khoa học xã hội, tập 2.
8) Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi toàn tập (2001), Hà Nội, NXB Văn hóa thông tin.
9) Tả Tư (左思), Ngô đô phú (吳都賦); wikisource.org

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro