Chương 35: Lại Bị Truy Sát!

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đã non trưa nhưng ánh mặt không lọt qua nổi tầng mây dày đặc. Dọc hai bên đường, những tán cây đã lấm chấm những vết thu vàng đượm, mỗi đợt gió thổi qua là những chiếc vàng thi nhau bay tít lên cao rồi lả lướt rơi xuống khắp mặt đất. Sắc trời u ám làm bước chân của dòng người thêm vội vã. Văng vẳng đó đây, Thu Đào nghe tiếng người ta ý ới bảo nhau:

- Nhanh lên! Không khéo thì mưa mất!

- Còn một dặm nữa là đến làng Ngô, nhanh chân lên!

Ai cũng có nơi để đến, nên dòng người cứ thế lũ lượt kéo nhau cắm mặt mà đi không chút do dự. Duy chỉ có Thu Đào là rơi vào vô định, chẳng biết theo đoàn bên trái hay đi cùng tốp bên phải, hoặc một mình dấn bước về phía trước. Chưa kịp đưa ra quyết định thì đã đến ngã ba đường, dòng người cứ thế nhanh chóng chia ra làm nhiều ngã, trong phút chốc chỉ còn lại Thu Đào đứng chỏng chơ dưới bầu trời xám đục.

Phía xa, tia lửa điện từ trên cao phóng xuống làm sáng rực một góc trời kèm theo tiếng nổ chát chúa.

Rầm!

Chột dạ, Thu Đào liền chạy theo tốp người đang trên đường đến làng Ngô. Chân hối hả bước, nàng thầm nghĩ:

- Làng Ngô làng Khoai gì cũng được, đến chỗ có người vẫn hơn ở một mình!

Lộp độp... lộp độp...

Từng giọt nặng trĩu rơi xuống mặt Thu Đào rát buốt. Đôi tay hối hả che ngang trán, nàng cúi mặt cắm đầu mà chạy.

Bỗng có tiếng vó ngựa lộc cộc từ sau lưng càng lúc càng gần làm Thu Đào theo phản xạ quay đầu lại nhìn.

Sau làn mưa trắng xóa, dáng hình người đàn ông trong quán trà lúc sáng dần hiện rõ làm Thu Đào ngạc nhiên đến sững người. Hắn cùng hai đồng bọn ngồi trên lưng ngựa, tay cầm cuộn dây thừng, đôi mắt sắc lạnh phi nhanh về phía nàng.

Cũng là dưới cơn mưa xối xả, cũng là dáng hình vạm vỡ với tư thế chực chờ tung chiêu, thảo nào... trông cứ quen quen... Trong khoảnh khắc, tròng mắt Thu Đào mở to không động đậy, nàng kêu lên trong tâm thức:

- Hắn! Tên sát thủ giả dạng ông chủ hàng dầu lạc trong kinh thành hôm đó...

Loạng choạng lùi về sau hai ba bước, Thu Đào lập tức quay người bỏ chạy thục mạng. Tiếng hét gắt gao của tên sát thủ vang vọng ở sau lưng càng làm nàng thêm khiếp đảm:

- Bắt lấy ả!

Tiếng vó ngựa đã gần như ở ngay phía sau lưng, Thu Đào hoảng kinh vì biết mình cứ chạy bộ thế này sẽ không thể thoát được. Trong cái khó ló cái khôn, nàng nhanh trí rẽ hướng chạy thẳng vào rừng, hi vọng lớp cỏ dại gai góc chằng chịt sẽ cản bước lũ ngựa, khiến chúng không thể dùng ưu thế có bốn chân mà rượt đuổi sinh vật chỉ có hai chân như nàng.

Trong lúc mạng sống bị đe dọa, Thu Đào không còn để ý đến những đau đớn vụn vặt nữa, mặc cho lớp da trắng muốt bị cào xước, đôi tay nàng thoăn thoắt vạch những bụi rậm gai góc ra để mở đường chạy. Từ sau lưng, những con ngựa đột ngột bị ghìm chặt dây cương nên hí lên một tràng náo động, kèm theo đó là giọng điệu sắc lạnh của tên sát thủ đang gay gắt bám riết theo Thu Đào:

- Mẹ kiếp! Xuống ngựa, đuổi theo mau!

Đường rừng chằng chịt những bụi rậm, dây leo, tuy có thể cản bước kẻ thù nhưng Thu Đào cũng không thể đi quá nhanh. Nàng chỉ hơn được ba tên sát thủ ở chỗ thân hình nhỏ nhắn nên dễ luồn lách, nhưng cứ chạy mãi thế này sẽ kiệt sức rồi bị tóm mất! Hơn nữa, mưa mỗi lúc một to, gió lớn ào ào thổi đến làm khắp nơi trắng xóa một màu.

Thu Đào ngoáy đầu lại nhìn, cái bóng ba tên sát thủ lờ mờ ẩn hiện sau màn mưa dày đặc, chúng vừa vung đao chặt chém những bụi gai vừa la hét đuổi theo nàng.

Gió táp, mưa sa làm cảnh vật xung quanh Thu Đào cứ nhòe nhoẹt, mờ đục, nàng không thể trông rõ hình dáng của những kẻ truy đuổi mình nữa... Bỗng một ý nghĩ lóe lên làm Thu Đào mừng rỡ, tự nhủ:

- Phải rồi! Mưa to làm mình không nhìn rõ, thì chúng cũng vậy thôi!

Lập tức, Thu Đào cúi thấp người để giấu thân mình trong những bụi cây rậm rạp. Nàng gần như là bò trên mặt đất ướt sũng, cố di chuyển thật nhẹ nhàng để không làm lay động những bụi cây.

Nước mưa cứ tuôn xuống xối xả, Thu Đào vừa vuốt mặt mũi cho dễ thở, vừa cố sức bò về phía trước mong nhanh chóng thoát vòng nguy hiểm.

Bỗng "xoạt" một tiếng, vai áo của nàng bị cành cây móc vào xé rách toạc, để lộ lớp da trắng muốt đang rướm máu. Ánh mắt ngưng đọng trên vết thương đầy nghĩ ngợi, đoạn Thu Đào lập tức cởi hẳn lớp áo ngoài cùng móc lên cành cây, xong lại tháo một chiếc giày ném về phía trước, cách chỗ chiếc áo chỉ mấy bước chân. Sau đó, nàng cúi thấp người bò về hướng ngược lại, định bụng tìm một bụi cây to hơn mà nấp.

Vừa lúc ấy, ba tên sát thủ chỉ còn cách Thu Đào chưa đến mười bước chân. Ba lưỡi đao sắc bén của chúng liên tục chém loạn mong sẽ cứa trúng vào da thịt của nàng. Tên đầu sỏ từng chạm trán với Thu Đào ở hàng dầu lạc trong kinh thành lên tiếng chửi đổng:

- Mẹ nó! Vừa mới thấy đây mà!

Thu Đào nghe tiếng hắn thì lập tức không động đậy, nàng biết rõ bây giờ chỉ cần cựa mình một cái, bụi cây lay động thu hút sự chú ý của chúng thì cái mạng nhỏ sẽ khó bảo toàn!

Không còn cách nào khác, nàng nín thở, co người nằm sát xuống mặt đất, hi vọng tổ tiên chín đời hiện về bảo vệ cho mình.

Bước chân tên sát thủ đạp lên những cành khô nghe rắc rắc. Nằm im trog bụi cây, Thu Đào căng mắt nhìn đôi chân đang tiến về phía mình càng lúc càng gần, ước chừng chỉ ba bước nữa thì hắn sẽ phát hiện ra nàng ngay!

Thái dương nổi gân xanh, tiếng tim đập mạnh lấn át cả tiếng mưa, đến nỗi Thu Đào nghe não trong hộp sọ cũng rung lên từng nhịp.

Bất chợt, một tên trong số chúng hô hoán làm Thu Đào như chết điếng trong khoảnh khắc:

- Đây rồi! Ả chạy hướng này!

Lúc đó, đôi chân trước mặt Thu Đào liền đổi hướng chạy ngược về phía trước, hắn cất tiếng:

- Đâu?

- Đằng này, ả làm rơi giày!

- Đuổi theo mau!

Những tiếng thình thịch, rắc rắc của bước chân đạp lên nền đất đầy cành khô của khu rừng càng lúc càng xa dần, nhỏ lại... Thu Đào thở hắt ra rồi hít sâu từng đợt như để chắc rằng mình vẫn còn sống. Từ từ ngồi dậy, bóng lưng ba tên sát thủ nhấp nhô phía xa làm nàng nhếch mép cười nhẹ, dù vậy trong đôi mắt vẫn còn chưa hết hoang mang:

- Đồ khốn nạn! Bà lại không thông minh hơn chúng mày à?

Không chần chừ thêm nữa, Thu Đào loạng choạng chạy ngược ra phía bìa rừng, định bụng đi tiếp về hướng làng Ngô, mong sẽ gặp được ai đó để xin tá túc.

Ba con ngựa của bọn sát thủ vẫn được buộc chặt ở gốc cây, Lúc đi ngang qua chúng Thu Đào có chút ngập ngừng, nửa muốn leo lên để đi cho tiện, nửa lại thôi vì nàng đâu có biết cưỡi ngựa! Chỉ sợ tay chân vụng về mà té ngã thì không gãy cổ cũng gãy mất tay chân.

Thu Đào đang lóng ngóng chưa biết phải làm sao, thì một trận cuồng phong nữa lại kéo đến hất những cành khô văng loạn xạ, mấy con ngựa bị giật mình tung vó hí vang trời, nàng nhìn chúng rồi trộm nghĩ:

- Phải đề phòng chúng quay lại rồi dùng ngựa đuổi theo mình!

Nghĩ vậy, nàng rút con dao nhỏ hình trâm cài trên tóc xuống, lần lượt cắt đứt ba sợi dây thừng buộc ngựa. Những tưởng con dao bé tẹo thế này thì phải tốn chút sức lực mới cắt được mấy sợi dây thừng to tướng, nhưng nào ngờ món đồ chơi của Lê Tuấn lại vô cùng sắc bén, mới cứa hai ba nhát thì sợi dây thừng chắc nịch đã đứt lìa trước sự ngỡ ngàng của Thu Đào. Khóe môi giật giật, nàng đưa con dao lên ngang mũi, hai con ngươi đen láy chụm vào nhau, thảng thốt:

- Bén dữ!

Thu Đào chưa ngắm nghía món vũ khí lợi hại được bao lâu, từ bìa rừng ba tên sát thủ lại lù lù xuất hiện cùng những tràng cười khoái trá:

- Ha ha, con ranh! Để xem ông làm sao bắt được mày nhé!

Trong lúc nguy cấp, Thu Đào không thể nghĩ nhiều nữa. Máu nóng trong người cứ ồ ạt chảy ngược lên đầu làm thái dương giật giật, nàng vừa hoảng sợ, vừa tức giận, chửi đổng:

- Đồ du đảng! Lại đây mà bắt bà này!

Xong, Thu Đào nhặt một cành cây quất mạnh vào mông hai con ngựa kia làm chúng hốt hoảng hí lên một tràng dài rồi tung vó bỏ chạy.

Còn lại một con ngựa, Thu Đào chợt như người bị thôi miên mà nhìn nó trân trối. Trong tiềm thức của nàng bỗng hiện ra cảnh tượng một cô gái tay nắm dây cương, chân bước lên bàn đạp. Sau cú hất người nhẹ nhàng cô ta đã yên vị trên lưng ngựa. Động tác thuần thục đến mức điêu luyện, cô gái chẳng cần đùng đến đòn roi mà chỉ thúc chân vào hông chú ngựa, hô:

- Đi!

Thì lập tức một người một ngựa liền phi nước đại, xé màn mưa lao đi vun vút.

Thu Đào không biết rằng trong lúc hình ảnh đó chạy qua trong đầu, thì cơ thể nàng đã vô thức mà lặp lại động tác y hệt như thế.

Mãi đến khi tên sát thủ giận dữ gào lên :

- Con ranh! Đừng để ông gặp lại mày lần nữa!

Hắn lại quay sang mắng nhiếc hai tên thủ hạ:

- Đồ ngu! Mau đi bắt ngựa về đây!

Lúc bấy giờ, Thu Đào mới như người mộng du vừa tỉnh, nhận ra bản thân chẳng những đang leo lưng ngựa mà còn là phi nước đại nữa! Sau một lúc chới với, Thu Đào đã bám chặt được vào lưng ngựa và ngồi vững vàng, chính nàng cũng ngạc nhiên chẳng hiểu sao mình lại có năng khiếu trong môn này đến như vậy.

Ngoáy đầu nhìn tên sát thủ đang lồng lên vì giận dữ, Thu Đào thè lưỡi trêu:

- A ha! Có giỏi thì đuổi theo bà đi!

Tia lửa điện trên trời lại lóe sáng, tiếng sấm rền vang hòa cùng âm thanh rào rào của những giọt mưa rơi xuống chạm vào vạn vật. Thu Đào cầm chắc dây cương, giữ nguyên tư thế phi nước đại về phía thừa tuyên Thanh Hoa.

- Quái! Mình biết cưỡi ngựa từ khi nào nhỉ?

*****

Chỉ còn vài dặm nữa là bước vào địa phận Thanh Hoa, nhưng đoàn quân của vua Diên Ninh không thể đi tiếp vì cơn mưa to bất chợt. Từ buổi trưa, khi sắc trời chuyển sang màu xám đục kèm theo gió lớn, vua đã chọn một khu đất bằng phẳng bên bờ Ngu Giang (1*) và ra lệnh hạ trại.

Đoàn quân vừa xong việc căn lều cắm trại thì trận cuồng phong đã kéo đến, mưa như trút nước cứ thế kéo dài suốt từ non trưa đến khi quá nửa đêm vẫn chưa ngơi được chút nào.

Đêm trường thăm thẳm, tiếng mưa ồ ồ trên nóc lều hết dữ dội ồn ả lại đến đều đều chậm rãi, cứ như vậy lặp đi lặp lại dễ có đến năm bảy lần rồi. Bên ngọn nến leo lét, trên chiếc chõng tre được lắp ráp tạm bợ phù hợp với việc hành quân đánh giặc, Lê Tuấn vẫn con mãi miết phê duyệt tấu chương. Chợt một cái bóng xuất hiện ngoài cửa lều làm chàng ngẩng đầu lên nhìn, hai viên thị vệ đứng hầu vua cũng chụp lấy cán đao, gắt gao nhìn ra hướng có người xuất hiện. Không đợi người trong lều phải lên tiếng, Lý Lăng ở bên ngoài đã vén tấm mành tre ra, thưa:

- Bẩm Hoàng Thượng, Lý Lăng cầu kiến!

Lê Tuấn gật đầu cho vào, đoạn ra hiệu cho hai thị vệ ra đứng gác ngoài cửa.

Tấm mành được Lý Lăng vén ra vô tình để lọt vào một ngọn gió lớn, ánh nến trên chõng của Lê Tuấn ngả nghiêng mấy lượt rồi nhỏ dần lại như sắp lịm. Thấy vua dùng tay chắn gió cho ngọn nến, Lý Lăng cũng vội thả tấm mành xuống rồi bước đến cạnh vua thưa:

- Mạt tướng vô ý!

Hướng mắt ra khoảng không tối đen ngoài kia, Lê Tuấn hạ giọng nói nhỏ:

- Vẫn còn mưa to?

- Dạ!

Sau tiếng thở dài, Lê Tuấn đứng dậy chậm rãi bước đến chiếc áo giáp đang treo ở một góc lều, chàng lướt bàn tay lên những mảnh kim loại lạnh ngắt, lại hỏi:

- Lúc quân đi, ngoài sông gió có lớn lắm không?

Lý Lăng hiểu lòng vua, liền bẩm:

- Đây là nhánh sông nhỏ len lõi giữa hai ngọn đồi, non sông Đại Việt ta che chắn cho quân, đi giờ này tuy có vất vả nhưng tuyệt đối không nguy hiểm. Hoàng Thượng hãy yên lòng!

Lê Tuấn xoay người lại vỗ vỗ vào vai Lý Lăng, đoạn lại trở về chiếc chõng cầm bút lên tiếp tục phê tấu chương. Chiếc bút lông trên tay chàng nhịp nhàng vẽ ra từng nét rắn rỏi trên tấu sớ, tay viết mà lòng để mãi ở nhánh sông nhỏ của Ngu Giang ngoài kia, Lê Tuấn cất giọng da diết:

- Hi vọng cực khổ của họ đêm nay sẽ ngăn được một cuộc binh đao vô nghĩa!

*****

Tảng sáng, tiếng tù và nổi lên khắp doanh trại báo hiệu ngày mới bắt đầu. Những người lính trong đội hậu cần lục đục mang nồi chảo ra đào đất làm bếp, chuẩn bị nấu bữa sáng cho quân. Ở một khoảng đất trống khác, từng tốp quân lính đứng theo hàng ngũ đang luyện võ, tiếng "hư, ha" theo từng đường quyền cước họ tung ra mà vang vọng khắp doanh trại.

Trước cửa lều của vua, Lê Nghi Dân đứng nhìn khói bếp nghi ngút bốc lên mà cười khẩy, tự nhủ:

- Hành quân dẹp giặc mà nấu nướng phô trương thế này, chẳng khác nào báo cho giặc biết đường đi nước bước của quân ta? Thằng nhóc này làm vua thì Đại Việt có ngày gặp họa!

Sau tiếng hừ khinh miệt, Nghi Dân bước vào lều để cùng vua và các tướng lĩnh họp bàn sách lược.

Quả như Lê Nghi Dân nghĩ, từ chuyện vua Diên Ninh công khai phái kỵ binh áp tải thư chiêu hàng đến Bồn Man trước, cho đến việc hành quân đi đường chính, lại còn nấu nướng phô trương trong doanh trại, tất cả đều bị những người có mặt lên tiếng can gián. Ai nấy đều cho rằng vua thấy Bồn Man là nước nhỏ nên quá chủ quan, nhất cử nhất động đều rành rành trước mắt khiến địch có thể theo đó mà lên kế hoạch đối phó với quân ta. Trái ngược với vẻ quan ngại của các tướng quân, thái độ của vua lại rất bình thản, trong giọng nói lại có chút ngông nghênh:

- Đại Việt ta muốn diệt Bồn Man thì dễ như giết một con kiến, các khanh cứ tin ở Trẫm!

Thấy mọi người đều phản đối cách làm của vua, Nguyễn Đức Trung cũng thấy chột dạ nhưng ông tin người hành động cẩn trọng như Diên Ninh không thể nào ngu ngốc tới nỗi chẳng nhìn ra nguy cơ từ những việc mình làm. Thường thì cái gì quá công khai và dễ nắm bắt thì đều ẩn chứa cái bẫy phía sau. Ông trộm nghĩ ắt hẳn vua đã có suy tính riêng, việc cần làm bây giờ là trấn an lòng quân để họ tin tưởng và làm theo lệnh vua. Nguyễn Đức Trung lên tiếng cắt ngang lời bàn tán đang làm náo động trong căn lều:

- Hoàng Thượng học vấn uyên thâm, mười hai tuổi đã đối đáp trôi chảy với sứ thần phương Bắc, việc trong việc ngoài không gì là không quán xuyến được. Người cơ trí như thế lẽ nào lại không nhìn ra hiểm họa khi công khai hành quân? Các vị tướng quân xin hãy tin tưởng Hoàng Thượng!

Không gian bỗng im bặt sau lời chí lý của Nguyễn Đức Trung. Trong lúc mọi người đang nửa tin nửa ngờ, Lê Hạo bèn chậm rãi tiếp lời:

- Lần này Bồn Man và dư đảng Bí Cai chẳng qua chỉ là bọn tàn quân ô hợp, các ngươi thấy tài trí của hoàng đế Đại Việt có thể thua chúng sao?

Lúc bấy giờ, Nguyễn Đức Trung thấy có Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành về phe mình thì yên dạ lắm, ông vội quỳ sụp xuống chấp hai tay cao quá trán, hùng hồn nói:

- Hoàng Thượng chỉ đâu, thần sẽ đánh đó!

Thái độ quả quyết của Nguyễn Đức Trung đã thuyết phục được lòng người. Lúc đó, hơn mười vị tướng nhìn nhau một lúc rồi đồng loạt quỳ xuống lặp lại câu nói của ông:

- Hoàng Thượng chỉ đâu, thần sẽ đánh đó!

Lê Nghi Dân đứng ở một góc từ đầu tới cuối chưa nói câu nào, dù lòng hắn còn hồ nghi, không tin rằng một thiếu niên như Lê Tuấn sẽ có kế sách gì hay ho, nhưng khi lòng người đều nhất loạt hướng về vua thì hắn không thể làm trái được, bèn cùng quỳ xuống mà miễn cưỡng tung hô cho xong việc.

Vua Diên Ninh gật đầu hài lòng, hắng giọng:

- Tốt! Lần này Trẫm đạt thành ý nguyện sẽ thiết đại yến ba ngày để tưởng thưởng lòng trung thành của toàn quân!

*****

Đội quân nhận lệnh mang chiếu thư chiêu hàng đến Bồn Man chỉ có chục người, nhưng tất cả đều là lính đặc nhiệm tinh nhuệ được khổ luyện nghiêm ngặt. Có thể nói họ là tinh anh trong số các võ sĩ đang phục vụ triều đình, nên nhiệm vụ quan trọng và bí mật này tất nhiên phải do họ đảm nhận.

Sắp đến trưa, nhưng cơn mưa dai dẳng từ hôm qua vẫn chưa dứt hẳn. Đất dưới chân mềm nhão, cỏ ướt quệt vào làm vạt áo Lê Tuấn ướt sũng. Trong bộ giao lĩnh đối khâm (2*) màu thiên thanh giản dị, chàng đứng dưới chiếc ô của Lý Lăng, hai tay chấp sau lưng đứng trông theo đoàn quân mặc thường phục lên đường áp tải thư chiêu hàng đến Bồn Man.

Khi bóng người ngựa đã khuất sau rặng cây, Lê Tuấn mới khẽ quay đầu, hỏi:

- Những đoàn khác cũng lên đường cả rồi chứ?

Lý Lăng thưa:

- Hoàng Thượng yên tâm, tổng cộng có ba đoàn quân áp tải chiếu thư, họ xuất phát gần như là cùng lúc, đi ba tuyến đường khác nhau. Nếu không phải do chính tay mình sắp xếp e là cả mạt tướng cũng khó phân biệt đâu mới là đội quân thật sự đang nắm giữ chiếu thư!

- Tốt! – Lê Tuấn hài lòng đáp.

Phóng tầm mắt về phía dòng Ngu Mã đang uốn lượn dưới cơn mưa lất phất, Lê Tuấn trầm mặc hồi lâu rồi dợm bước định trở về lều. Chợt xa xa có tiếng chim tu hú vọng lại nghe văng vẳng làm chàng dừng bước. Âm thanh trong vắt của loài chim gọi hè khiến vị vua trẻ nhíu mày, chàng hỏi Lý Lăng:

- Tu hú à?

Nghe vua hỏi, Lý Lăng không muốn đưa ra câu trả lời cẩu thả nên cũng im bặt rồi lắng tai nghe thật kỹ. Lẫn trong tiếng mưa lộp độp, Lý Lăng cũng nghe rõ ràng những tiếng "hú... hú... hú" thật lảnh lót, bèn đáp:

- Bẩm Hoàng Thượng, đúng là tu hú! Nhưng... sao Người lại để ý đến chúng?

Lê Tuấn lại hướng mắt về nơi phát ra âm thanh, chàng muốn nghe ngóng để chắc rằng mình và Lý Lăng không lầm, nhưng tiếc thay sau tràng kêu lanh lảnh vừa rồi thì bọn tu hú dường như biết mình bị phát giác nên im bặt, làm Lê Tuấn và Lý Lăng kiên nhẫn chờ hồi lâu vẫn không nghe thấy gì. Mối hồ nghi làm Lê Tuấn đổi ý không muốn về lều nữa, chàng quyết định sẽ đích thân đi một vòng doanh trại tra xét.

Dời bước về phía rặng cây phát ra tiếng chim tu hú, Lê Tuấn một mạch mà đi không để ý Lý Lăng ở phía sau lật đật cầm ô chạy theo, nghi hoặc hỏi:

- Hoàng Thượng, có chuyện gì vậy?

Không ngoáy đầu, Lê Tuấn vừa đi vừa cất giọng trầm trầm đầy hiếu kỳ:

- Tu hú gọi bầy thường là mùa hè, bây giờ là giữa Thu mà!

Lúc bấy giờ, đôi mắt Lý Lăng mới chợt lóe sáng rồi nói như reo:

- Đúng nhỉ? Sao mùa này lại có tiếng tu hú gọi bầy được?

Xong, liền hối hả nối gót theo Lê Tuấn và buông một câu chàng vẫn thường buộc miệng mà khen bậc quân chủ mình vẫn hằng mến mộ:

- Hoàng Thượng anh minh!

*****

Suốt đêm dài dưới cơn mưa tầm tả, Thu Đào cùng con tuấn mã phi nước đại đến lúc trời sụp tối. Ròng rã không biết qua bao lâu thời gian, khi Thu Đào ra đến đoạn đường bằng phẳng dọc theo con sông ngoằn ngoèo thì đằng Đông mới lấp ló những tia sáng yếu ớt bởi mây đen vẫn còn dày đặc. Ông trời rủ lòng thương tạm ngừng trút nước, chỉ rải xuống những giọt nhẹ nhàng lất phất để nàng có cơ hội trông rõ đường sá và xác định phương hướng.

Thu Đào nằm áp mặt lên lưng ngựa, vòng tay ôm lấy cổ nó để tận hưởng chút ấm áp mà chống chọi với cơn rét căm căm của trời Thu mưa gió. Suốt đêm dài vừa đói vừa lạnh, Thu Đào kiệt sức nằm trên lưng ngựa mặc cho cả thân người lắc qua lắc lại, nhịp nhàng theo mỗi tiếng "lịch bịch" của bộ móng đặt xuống mặt đất ẩm ướt.

Đang lơ mơ ngáy ngủ, Thu Đào bỗng cảm nhận chú ngựa dừng bước, đầu chú cúi thấp bất ngờ tạo ra độ dốc làm nàng chới với suýt chút nữa là ngã nhào. Một tay cầm chặt dây cương, một tay đưa lên dụi đôi mắt đỏ ngầu vì mệt mỏi, Thu Đào dáo dác nhìn quanh để xem bọn sát thủ có đuổi theo nàng hay không.

Bốn phía vắng lặng, cây cối cũng thưa thớt hơn, xa xa còn thấp thoáng vài mái nhà với làn khói bếp nhàn nhạt lan tỏa. Mùi cỏ ướt len lõi trong không khí làm Thu Đào hướng mắt nhìn xuống chú ngựa. Thì ra nó đã đưa nàng đến một bờ cỏ xanh mướt có con sông uốn lượn chạy dọc theo, sau một đoạn đường dài mệt nhọc nó đã không cần hỏi ý nàng mà tự tiện dừng lại, chậm rãi dùng lưỡi xén từng ngọn cỏ ngọt lịm nhai nghe "rào rạo".

Bất giác, Thu Đào nhoẻn cười đưa tay vuốt nhẹ lên đầu nó, mắng:

- Người bị truy sát không phải mày, nên mày mới bình tĩnh mà ăn sáng nhỉ?

Trời đánh tránh bữa ăn, dù sao thì chú ngựa cũng cứu nàng một mạng nên Thu Đào không muốn nó đang gặm cỏ mà phải vác cái xác hơn bốn mươi cân này. Nghĩ vậy, nàng nhấc cả thân người ngã về bên phải, chầm chậm tụt xuống để chú ngựa có thể an nhàn mà thưởng thức bữa sáng của nó.

Đến bên bờ sông, dòng nước trong xanh đập vào mắt làm Thu Đào khẽ reo:

- Môi trường thời cổ trong lành thật, nước trong xanh quá! Mưa to cả đêm mà vẫn còn trong thế này thì bình thường chắc sẽ trông thấy tận đáy!

Thu Đào chụm hai bàn tay hớt từng ngụm nước rồi vục mặt uống ừng ực. Xong, nàng khoan khoái ngã lưng xuống bãi cỏ mặc cho cái ẩm ướt lạnh lẽo đang bám chặt toàn thân, bởi bộ y phục trên người đã ướt sũng nước mưa.

Vương vai một cái, xương cốt toàn thân Thu Đào kêu lên răn rắc, nàng thả lỏng cơ bắp toàn thân mà tận hưởng giây phút thư giãn hiếm hoi, còn định sẽ chợp mắt một lúc... Bãi cỏ được tấm lưng Thu Đào áp lên còn chưa kịp ấm vì thân nhiệt của nàng, thì những tiếng "thịch, thịch thịch" từ mặt đất vọng lên làm đôi mắt nàng căng lên đầy cảnh giác.

Áp tai xuống đất nghe ngóng, Thu Đào cảm nhận rõ ràng tiếng vó ngựa ở đâu đang hối hả tiến đến, càng lúc càng gần...

Hình ảnh ba tên côn đồ đằng đằng sát khí xẹt qua trong đầu làm Thu Đào toát mồ hôi lạnh, nàng đứng phắt dậy chạy đến bên chú ngựa, nắm lấy dây cương định nhảy lên. Nhưng khốn thay, con ngựa dường như còn đang mệt nên sinh chứng, nó bực bội phả vào mặt Thu Đào những tiếng ồ ồ trong cổ họng, hất đầu lấy lại dây cương từ tay nàng, thái độ đầy vẻ chống đối.

Trong lúc nguy cấp, Thu Đào lại cố thử lần nữa, nàng nắm lấy dây cương, đặt chân vào bàn đạp muốn leo lên thì liền bị nó hất một cú ngã lăn quay. Đầu tóc rủ rượi, mặt mũi bê bết đất, Thu Đào nhìn con ngựa chửi đổng:

- Không cho cưỡi thì thôi, cần gì hất tao ngã sấp mặt như vậy chứ! Đồ súc vật!

Con ngựa dường như không thèm quan tâm, nó cứ hùng hục gặm cỏ như thể bây giờ ai dám phá bữa ăn nó sẽ giẫm chết người đó vậy.

Thu Đào lồm cồm đứng dậy bất lực nhìn con ngựa, nàng biết mình vốn không biết cưỡi ngựa nên cơ bản là không biết cách thuần phục được nó, nếu cố chấp leo lên e là chưa chết vì bị sát thủ giết thì đã bị ngã ngựa gãy cổ rồi.

Lúc đó, Thu Đào chưa kịp suy nghĩ gì thêm thì từ phía xa đã truyền đến âm thanh văng vẳng nghe như tiếng ai đang thúc ngựa. Liền sau đấy là hai ba cái chấm nhỏ tít đằng xa đang nhấp nhô chuyển động, chúng dần xuất hiện mỗi lúc một rõ trong con ngươi đen láy của Thu Đào, báo cho nàng biết là nên chạy ngay kẻo trễ.

Không chần chừ, Thu Đào lại theo kế cũ, nàng không đi đường chính mà nhắm vào nơi có cây cối chen chút để dễ dàng lẫn trốn. Phóng tầm nhìn về nơi có những mái nhà thưa thớt đang ẩn hiện trong làn khói bếp, nàng trộm nghĩ:

- Phải đến chỗ có dân sinh sống mới mong thoát được!

Thân hình bé nhỏ của Thu Đào vừa luồn lách qua vài thân cây thì đã nghe có tiếng hô hoán từ sau lưng:

- Con ngựa đây rồi, chắc chắn con ranh chỉ quanh quẩn đâu đây thôi!

Thu Đào cắm đầu chạy, vì nàng biết nơi đây cây cối thưa thớt không có chỗ ẩn nấp, chẳng mấy chốc sẽ bị chúng phát hiện ngay thôi!

Tim đập thình thịch, máu trong người chảy ồ ạt lên não làm mồ hôi Thu Đào vã ra như tắm. Những tiếng "hồng hộc" từ lồng ngực phát ra càng lúc càng nông và gấp gáp, chứng tỏ nàng đang dần kiệt sức.

Trong lúc đó, tràng cười khoái trá của bọn sát thủ vang lên rờn rợn, giọng quen thuộc của tên đầu sỏ vọng lên ngay sau lưng làm Thu Đào tuyệt vọng đến bật khóc.

- Con ranh! Ông xem mày chạy đâu cho thoát!

Không dễ dàng bó tay chịu chết, Thu Đào vẫn kiên trì nhằm hướng có nhiều cây cối mà chạy thục mạng. Bọn sát thủ lại cất giọng giễu cợt:

- Định giở trò núp lùm nữa à, xui xẻo cho ngươi khu này không phải rừng rậm đâu! Ha ha ha!

Giữa lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, Thu Đào chợt thấy cách nàng chừng trăm mét là lúp xúp những căn lều được dựng thành hàng ngay ngắn. Xa xa, trên nóc một căn lều có vẻ to hơn những căn khác, lá cờ màu vàng viền đỏ bị nước mưa làm cho ướt sũng nên rủ xuống ôm theo thân cột. Tuy lá cờ không được gió thổi tung kiêu hãnh như mọi khi, nhưng cái hình ảnh ướt át rũ rượi của nó lúc bấy giờ cũng quá đủ để thắp lên tia hi vọng chói chang trong đôi mắt Thu Đào, nàng reo lên trong tiềm thức:

- Quân đánh Bồn Man của Lê Bang Cơ!

---- Hết chương 35 ----

Chú thích:

1 (*) Ngu Giang: Chỉ sông Mã.
Sông Mã là một con sông của Việt Nam và Lào có chiều dài 512 km, trong đó phần trên lãnh thổ Việt Nam dài 410 km và phần trên lãnh thổ Lào dài 102 km. Lưu vực của sông Mã rộng 28.400 km², phần ở Việt Nam rộng 17.600 km², cao trung bình 762 m, độ dốc trung bình 17,6%, mật độ sông suối toàn lưu vực 0,66 km/km². Lưu lượng nước trung bình năm 121 m³/s tại Xã Là và 341 m³/s tại Cẩm Thủy. Sông Mã chủ yếu chảy giữa vùng rừng núi và trung du. Phù sa sông Mã là nguồn chủ yếu tạo nên đồng bằng Thanh Hóa lớn thứ 3 ở Việt Nam.

Trong cuốn sách Đất nước Việt Nam qua các đời của học giả Đào Duy Anh xuất bản năm 1964. Trong sách này, Đào Duy Anh đã đưa ra nhiều dẫn chứng rằng sông Mã đổ ra biển bằng cửa chính là Lạch Trường với dòng chính là sông Tào Xuyên ngày nay (sử cũ gọi là dòng Ngu giang). Bạn đọc có thể tìm đọc "Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời" của Đào Duy Anh để tìm hiểu thêm nhé!

2 (*) Giao lĩnh đối khâm:
+ Áo Giao lĩnh:
hay Giao lãnh (Hán tự:交領), âm Nôm là Áo Tràng bạt (長拔).Từ tràng bạt vốn xuất phát từ tập quán tràng áo xiên (tức cổ áo) được tạo thành bằng cách ghép thêm vạt cả. Áo cổ chéo thường được dùng như lễ phục, tế phục mặc phủ ra ngoài.
+ Áo đối khâm:
Áo đối khâm thường được mặc bên ngoài, với ống tay dài rộng rãi (hơn áo bên trong), dùng như áo khoác ngoài. Áo này nam giới Trung Quốc và Nhật Bản sử dụng khá phổ biến. Dạng áo đối khâm này vào thời Nguyễn được nhất quán gọi là áo tứ thân, và gắn liền với y phục của phụ nữ và các bé gái miền Bắc. Và dựa vào nhiều tranh tượng thời Lê cũng có thể thấy đối khâm cũng là dạng áo rất phổ biến của dân Đại Việt.
Áo giao lĩnh đối khâm được nhắc đến trong chương này là chỉ cách phối quần áo theo kiểu: bên trong là áo giao lĩnh, ống tay áo ngắn và nhỏ, bên ngoài khoác áo đối khâm rộng và ống tay áo to hơn. Bạn đọc có thể dùng những từ khóa như: "áo giao lĩnh, áo đối khâm, trang phục Lê Sơ... " để tham khảo thêm qua hình ảnh trên internet. Hoặc tham khảo trong sách "Ngàn Năm Áo Mũ" của tác giả Trần Quang Đức nhé!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro