Chương 30: Hoàng Cung Đại Việt

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tiếng "Ừ" của Lê Hạo làm Thu Hằng rất vui. Nàng hồ hỡi nghĩ đến việc tối nay được điểm trang xinh đẹp ngồi cạnh chàng dự cung yến. Nàng ta sẽ có dịp nói với cả thiên hạ rằng Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành và nhị tiểu thư Thu Hằng nhà phủ điện tiền mới thật sự là một đôi. Nụ cười chưa kịp tắt, Thu Hằng đã thấy Lê Hạo quay đầu chầm chậm bước về phía mình. Vẻ lạnh lùng không chút cảm xúc của Lê Hạo vốn Thu Hằng đã quá quen thuộc, nhưng hôm nay trong ánh mắt đó dường như chứa đựng hiềm nghi và phẫn nộ. Tuy có chột dạ, nhưng Thu Hằng vẫn bình thản nhìn thẳng vào chàng.

Đối mặt với Thu Hằng, Lê Hạo dùng giọng thản nhiên đến mức lạnh lẽo, nói:

-      Tối nay ta sẽ đưa Thu Đào vào cung dự yến! Nàng không cần chờ, cứ đi trước với Nguyễn đại nhân đi!

Trời đất như tối sầm trước mắt Thu Hằng, cơn giận dâng cao đến nghẹn họng. Nàng ta đứng yên trân trối nhìn Lê Hạo, dùng hết sức lực toàn thân để che giấu cảm xúc thật trong lòng, đến nỗi bờ môi mấp máy hồi lâu mới thốt lên được vài chữ:

-      Chị ấy... đang bị thương mà...

Lê Hạo cười lạnh:

-      Chỉ cần Thu Đào muốn đi dự yến, ta tự có cách đưa nàng ấy đi!

-      Nhưng... như vậy là phạm cấm kỵ trong cung, sẽ phải tội đấy! – Thu Hằng đáp giọng bất cam.

Nhìn xoáy vào gương mặt cô gái đứng trước mặt, Lê Hạo lên giọng hỏi:

-      Ai dám bắt tội Bình Nguyên Vương ta?

Cả hai im lặng đối mặt nhau một lúc lâu, không khí gần như quánh đặc lại bởi cơn giận của Lê Hạo và sự hụt hẫng tận đáy lòng của Thu Hằng. Cuối cùng, Lê Hạo khẽ nhếch mép cười, nói:

-      Nàng phí bao công sức rốt cuộc vẫn không cản được Thu Đào vào cung dự yến, thất vọng lắm đúng không?

Mặt tái đi vì giận dữ, Thu Hằng chua xót đáp:

-      Phải, thất vọng lắm chứ! Sau bao nhiêu hiểu lầm, em vốn định nhân cơ hội dự yến hôm nay giải bày hết với chàng. Nhưng, xem ra hôm nay không tiện rồi! Nếu chàng không sợ Hoàng Thượng nghi kỵ, không sợ người đời dèm pha thì cứ việc ở bên cạnh Thu Đào tiếp đi.

Lê Hạo mới phẫn nộ gắt lên:

-      Ta đã ruồng bỏ Thu Đào, đã tính chuyện cưới nàng, cớ sao nàng không chịu buông tha cho Thu Đào?

Thu Hằng cũng không chịu thua, lớn tiếng hỏi lại:

-      Em đã làm gì chị ấy chứ?

Đôi mày Lê Hạo nhíu lại, chàng đanh mặt chất vấn:

-      Vì sao số lồng đèn chính tay nàng mang đến gia kiều lại dễ dàng bốc cháy? Vì sao chỉ có những chiếc đèn do nàng nhúng tay phụ giúp mới dễ cháy? Nàng đừng nói với ta là không biết đấy nhé!

Trong phút chốc, Thu Hằng thấy trong lòng chấn động, nỗi sợ hãi mơ hồ bao trùm khắp thân thể làm lời nói trở bên ấp úng:

-      Chứng cứ đâu... mà chàng khẳng định đèn do ta làm có vấn đề? Ta... ta tùy tiện chọn ra, làm... làm sao biết được cái nào dễ cháy chứ?

Lê Hạo hừ một tiếng, lại nói tiếp:

-      Nàng vẫn cố chấp chối cãi? Được, vậy thì nghe cho kỹ đây!

Tiến thêm một bước đến gần Thu Hằng, Lê Hạo hạ giọng vừa đủ chỉ hai người nghe, rành rọt mà phân tích, đanh thép mà hỏi tội:

-      Lồng đèn mà Thu Đào làm chỉ có màu xanh, đỏ, tím, vàng. Sau đó vì hết giấy dán nên Xuân Mai có đi mua thêm, số giấy mua thêm vừa hay chỉ toàn màu đỏ tía. Như vậy, những chiếc đèn màu đỏ tía đích thị là có bàn tay nàng nhúng vào? Không phải sao? Số đèn nàng mang đến gia kiều là màu đỏ tía, trong khi số treo ở tiền sảnh của chùa toàn là những màu sắc khác, đừng nói với ta là nàng ngẫu nhiên mà chọn nhé! Sau đó, nàng chỉ chủ ý muốn Thu Đào gây họa để rồi bị phạt, chứ không có ý muốn phóng hỏa đốt cả chùa nên mới chọn gia kiều, vì nơi đó là giữa mặt hồ, có cháy cũng không hại mạng ai, đúng không?

Không trả lời Lê Hạo, Thu Hằng chỉ nhếch mép cười:

-      Chàng nói tiếp đi!

Lê Hạo quyết ý hôm nay bắt Thu Đào phải thành tâm nhận lỗi, chàng lại tiếp:

-      Còn chuyện viễn chí trong thuốc của Thu Đào, nàng cho ta hỏi, chiếc túi đựng tiền bằng vải do chính tay mẹ ta dệt rồi may cho hai chị em nàng mỗi người một cái ấy, nàng để đâu rồi?

Đến lúc này, Thu Hằng mới tái mặt, cúi đầu không trả lời. Thái độ này làm Lê Hạo tuy bắt được thủ phạm nhưng lòng không khỏi chua xót. Chàng hít một hơi sâu, đoạn lấy gói giấy có chứa sợi vải nhận từ tay Lê Tuấn ra, kéo tay Thu Hằng đặt vào đó, đoạn gằn giọng:

-      Loại vải này chính tay ta giúp mẹ dệt thành, thoạt nhìn ta đã nhận ra ngay ai là thủ phạm và cách thức hạ viễn chí trong thuốc rồi. Đầu tiên là cho viễn chí vào túi, để túi vào siêu thuốc, sắc xong thì lấy túi chứa bã ra phi tang. Vì vậy Hoàng Thượng nhiều lần xem bã thuốc vẫn không nghĩ ra nguyên nhân vì sao thuốc đậm vị viễn chí như thế mà trong bã thì liều lượng lại không có gì bất ổn! Nàng... cũng thông minh lắm đấy!

Thu Hằng mở gói giấy nhỏ ra, sợi vải bên trong nằm sờ sờ ra đó khiến nàng ta không còn lời gì chối cãi. Bàn tay run run lau giọt nước mắt trên má, Thu Hằng cười nhạt thếch rồi chua xót hỏi:

-      Chàng biết hết rồi, vậy định tiếp theo sẽ trừng phạt em thế nào?

Tiếng thở dài của Lê Hạo nặng nề phát ra, chàng phất mạnh tay áo nghe phần phật, tiếp tục nói cho Thu Hằng biết việc nàng ta đang làm nghiêm trọng đến mức nào:

-      Phạt thế nào? Để ta bẩm với Hoàng Thượng xem anh ấy muốn phạt nàng thế nào nhé!

Nhắc đến Hoàng Thượng, Thu Hằng phát hoảng ngẩng đầu lên nhìn Lê Hạo trân trối.

Ném cho Thu Hằng ánh nhìn trách móc, chàng nghiến răng nói tiếp:

-      Hoàng Thượng rất thông thạo dược lý, chuyện thuốc của Thu Đào có viễn chí là do anh ấy phát hiện ra. Còn nữa, những chiếc lồng đèn ở gia kiều sặc mùi dầu lạc, Hoàng Thượng chỉ nhìn sơ là biết do có ai đó lén tẩm dầu lạc vào thân tre rồi mang đi làm lồng đèn...

Dừng lại vài giây để điều khiển ánh mắt xoáy sâu vào gương mặt Thu Hằng, Lê Hạo nói như than:

-      May cho nàng, Hoàng Thượng không biết sợi vải đó vốn thuộc về chiếc túi tiền của nàng, Người cũng không biết tất cả lồng đèn có sự nhúng tay phụ giúp của nàng đều là màu đỏ tía... Hoàng Thượng cực kỳ thông minh, nếu Người cố ý truy xét, nàng nghĩ mình có thoát tội được không?

Thu Hằng chớp chớp đôi mắt nhòa lệ, mếu máo:

-      Viễn chí không độc chết người, em chỉ muốn Thu Đào chậm khỏi bệnh một chút để không đi dự cung yến được. Nhưng chị ấy lại không uống thuốc nữa, em mới nghĩ cách để chị ấy gây họa mà bị cha phạt không cho đi cung yến. Em... em thật sự không ngờ Thu Đào lại bị bỏng thành ra như vậy... Lần này em không cố ý thật mà...

Cơn nấc nghẹn cứ chực trào trong cổ họng là Thu Hằng không thể nói tiếp được, tiếng khóc của nàng ta làm lòng dạ Lê Hạo mềm nhũng đi. Lớn lên bên cạnh nhau, chàng cũng hiểu Thu Hằng tuy có chút mưu mô nhưng không đến nổi rắp tâm đưa chị ruột vào chỗ chết. Hơn nữa cớ sự này cũng chỉ bởi Thu Hằng phải lòng chàng mà ra...Cố kiềm nén cơn giận, Lê Hạo hạ giọng hỏi:

-      Vì sao nàng không muốn Thu Đào đi dự cung yến?

Thu Hằng vừa thút thít vừa nói hết suy nghĩ của mình:

-      Thu Đào xinh đẹp hơn em, giỏi giang hơn em, cái gì cũng nổi bậc hơn em. Cung yến là tiệc của hoàng gia, nếu Thu Đào đi chắc chắn chị ấy sẽ chiếm hết mọi ưu thế. Chàng chắc chắn cũng sẽ động lòng... Em... em sợ hai người cứ tiếp cận nhau như vậy mãi thì có ngày chàng sẽ đổi ý mà nối lại tình xưa với...

Không để cho Thu Hằng nói hết, Lê Hạo đã gắt gao kêu lên:

-      Hồ đồ... Ngốc nghếch! Thu Đào sớm muộn cũng là phi tần của Hoàng Thượng, sao nàng dám có ý nghĩ như vậy?

Thu Hằng lại khóc to hơn:

-      Nhưng ngày nào chị ấy chưa tiến cung thì hai người vẫn còn cơ hội. Chàng thông minh như vậy, chắc chắc sẽ nghĩ cách giành lại chị ta... Nếu Hoàng Thượng không muốn vì một cô gái mà xích mích với anh em ruột, Người nhường Thu Đào cho chàng thì em phải làm sao đây?

Lê Hạo cười chua chát, cười cho một Thu Hằng ngốc nghếch không hiểu thời thế chỉ biết hành động nông cạn. Dùng một câu phảng phất nỗi buồn tương tư, chàng nói:

-      Ta với Thu Đào không thể tái hợp nữa! Hoàng Thượng... cũng sẽ không vì ta, hay bất cứ ai mà bỏ lỡ Thu Đào đâu...

Dù không hiểu hết thâm ý trong câu nói của Lê Hạo, Thu Hằng vẫn đứng im lắng nghe không hỏi lại nửa lời. Cuối cùng, Lê Hạo lại là người lên tiếng trước:

-      Nể tình chúng ta có hôn ước, ta ép lòng bao che cho nàng lần này. Nhưng... Lỗi lầm nàng gây ra rồi thì đừng mong ta sẽ quên được, vì vậy sau này trước khi làm việc gì nàng nên suy nghĩ cho thật kỹ. Còn nữa, đừng bao giờ muốn kiểm soát số phận của người khác, ta sẽ chứng minh cho nàng thấy, người càng tính toán thì sẽ càng chuốt muộn phiền thôi. Tối nay cung yến thứ cho ta không thể ngồi cạnh tiếp chuyện với nàng, nàng không muốn Thu Đào được đi cung yến, bổn vương nhất quyết phải cho Thu Đào đi, xem như là hình phạt cảnh cáo dành cho nàng!

Lê Hạo nói xong thì quay phắt người bỏ đi, được vài bước chợt khựng lại, nói thêm:

-      Ta nhắc lại, Hoàng Thượng rất thông minh, mấy chiêu trò của nàng khó mà qua mắt Người, muốn bình yên thì đừng động chạm đến Thu Đào nữa!

Đôi chân không còn đứng vững nữa, Thu Hằng khuỵu xuống đất ngồi khóc nức nở. Nàng nhìn theo bóng lưng Lê Hạo đang nhòe đi qua làn mi ướt đẫm mà đấm ngực cay cú:

-      Vô dụng, mình đúng là đồ vô dụng! Rốt cuộc lại chỉ khiến chàng thêm chán ghét mình...

*****

Trời đã tối hẳn.

Ông trăng to tròn như một chiếc gương đồng khổng lồ soi sáng khoảng sân rộng lớn của Cần Chính Điện.

Những chiếc đèn ông sao do Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Nguyễn Đức Trung dâng tặng đã được treo khắp nơi. Bàn tiệc cũng đã được xếp ngay ngắn thành bốn hàng ngang ở giữa sân, mỗi bàn dành cho một người ngồi, hàng trên cùng là của các vị đại thần nhất phẩm, hoàng thân quốc thích, ba hàng còn lại được sắp xếp theo thứ tự ở phía trước là chức quan lớn, ở phía sau là các vị quan cấp bậc thấp hơn.

Cần Chính Điện người qua kẻ lại tấp nập, tiếng cười đùa chuyện trò làm rộn rã một góc hoàng cung. Cung nữ thái giám bận bịu sắp xếp nào hoa quả, nào thức ăn, nào nến thơm. Nơi nơi đều được trang hoàng uy nghi lộng lẫy.

Vua Diên Ninh ngồi ở bàn giữa, trên chiếc ghế to dát vàng được chạm trổ hình rồng tinh xảo. Vua mặc hoàng bào có áo khoác ngoài dài quá gót, đầu đội mão cửu long, thắt lưng có mặt ngọc điêu khắc hình hai con rồng năm móng cuộn vào nhau thành vòng tròn ở trước bụng, dáng vẻ uy nghi đường bệ. Tự tay rót một chung rượu, vua nâng lên ngang mặt rồi dùng một giọng nói vừa đủ lớn, vừa đủ trang trọng lại vừa đủ thân tình, chúc tụng cho văn võ bá quan có một mùa trăng đoàn viên an khang. Toàn thể triều thần tung hô vạn tuế để đáp lễ nhà vua. Tiếng nhạc cung đình du dương cất lên ngay sau khi vua uống cạn chung rượu đầu tiên. Đào Biểu đứng cạnh hầu vua, ông ta đều tay phe phẩy chiếc quạt lông công, chốc chốc lại dừng để rót rượu, dâng trà dân bánh. Cung yến bắt đầu trong không khí vui tươi ấm áp nhưng không kém phần trang trọng, thể hiện đầy đủ khí chất tôn quý của hoàng gia.

Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân ngồi ở hàng ghế đầu tiên đối diện với vua. Tay nâng ly rượu, mắt nhìn vào ghế rồng đầy tư lự.

Vốn thừa hưởng tính hống hách ngạo mạn của bà phế phi Dương thị tiền triều, mỗi lần vào cung Nghi Dân đều dắt theo vài chục cận vệ để phô trương thanh thế. Vì tốt xấu gì cũng từng là Đông Cung Thái Tử, mẫu thân từng là sủng phi bậc nhất của Thái Tông Hoàng Đế kia mà! Tuy đã bị phế vị nhưng hào quang của quá khứ mãi đeo bám khiến hai mẹ con Nghi Dân lúc nào cũng ấp ủ lòng riêng, chưa bao giờ thật sự quy thuận Diên Ninh, luôn ngấm ngầm dùng câu "Bỏ trưởng lập thứ là không hợp lòng trời" ra để sách động quần thần.

Dù đã rất chú ý che giấu dã tâm, nhưng tính tình kiêu ngạo của Lê Nghi Dân luôn khiến hắn để lộ nhiều sơ hở. Vì vậy, bao năm nay hai mẹ con Lê Nghi Dân luôn là mối họa trong lòng một người, dù đã nhiều lần nhẫn nhịn nhưng việc Nghi Dân cố tình đẩy vua ra chiến trường khiến người đó không còn muốn thụ động đứng chờ nữa...

*****

Cung yến đã bắt đầu rồi, nhưng Tuyên Từ Thái Hậu lúc này vẫn còn ở tẩm cung. Bà ngồi tỳ một tay lên chiếc gối bằng nhung mềm mại, tay còn lại đưa cho thái y Châu Khâm bắt mạch. Xong, thái y chấp hai tai trước ngực bẩm rằng:

-      Thái Hậu phụng thể an khang, có lẽ do hậu cung nhiều việc làm Người lo phiền khó ngủ. Thần sẽ kê đơn thuốc an thần để TháiHậu an giấc.

Nghe xong, Thái Hậu chậm rãi đứng lên, vừa chỉnh trang y phục cho ngay ngắn, bà vừa nhìn Châu Khâm nói:

-      Trong cung này không chỉ có mỗi bổn cung là cần phải được nghỉ ngơi đầy đủ, ông là ngự y thân cận của bổn cung, chắc ông cũng tự hiểu bổn cung muốn người nào được an giấc, đúng không?

Châu Khâm cúi đầu đáp:

-      Thái Hậu yên tâm, thần đã sắp xếp ổn cả rồi!

Châu Khâm nói xong thì lui ra khỏi tẩm điện. Thái Hậu nhìn mình trong gương, bà đưa tay lên vuốt vuốt chỉnh trang lại búi tóc rồi khẽ nhếch mép cười một cái, đôi mắt sắc lạnh mở to lên rồi nheo nheo như hạ quyết tâm thực hiện cái đối sách bà đã sắp đặt từ lúc biết tin Nghi Dân bày kế ép Lê Tuấn thân chinh dẹp giặc.

Giọng nói rít lên qua kẽ răng, bà tự nhủ:

-      Phải chăng năm xưa ta đã quá nhân từ với mẹ con nhà ngươi? Ngươi bất nhân thì đừng trách ta bất nghĩa!

****

Cả gia đình Nguyễn Đức Trung đã vào cung dự yến hết, phủ Điện Tiền dù được thắp đèn sáng rực nhưng bên trong lại vắng vẻ, yên lặng.

Ngồi chống cằm ngắm cảnh ở bậc tam cấp trước cửa phòng, Thu Đào nhìn trăng vu vơ hát:

-      Tết trung thu em đốt đèn đi chơi, em đốt đèn đi khắp phố phường...

-      Tết trung thu bánh quà đầy mâm, em bé nhà hay đứng quây quần...

Thấy cô chủ bị bỏ ở nhà một mình, Xuân Mai thương lắm nên suốt buổi vẫn ở bên cạnh Thu Đào. Nghe mấy câu hát với giai điệu thời hiện đại lạ lẫm, cô bé ngồi xuống bên cạnh hỏi:

-      Giai điệu thật là lạ! Ai dạy cô hát bài này vậy?

Từ lâu Thu Đào đã trở nên lười giải thích với những người thời đại này về xuất xứ của ngôn từ nàng hay dùng, nên chỉ chép miệng đáp cho qua chuyện:

-      Buồn quá tự sáng tác hát chơi!

Không nghe Xuân Mai nói gì, chỉ thấy cô bé bỗng nhiên đứng phắt dậy rồi chậm rãi lui đi, nhưng Thu Đào đang buồn bã nên không mảy may bận tâm, nàng vẫn ngồi yên ngửa cổ nhìn trăng, không đếm xỉa mọi thứ xung quanh.

-      Buồn lắm à?

Có ai đó vừa lên tiếng, lại hỏi đúng tâm trạng nên Thu Đào trả lời theo quán tính

-      Buồn gần chết đây...

Nhưng, nghĩ kỹ lại thì giọng nói này có gì đó sai sai, nàng liền ngoảnh đầu lại nhìn cho kỹ.

Lê Hạo xuất hiện đột ngột trước mặt Thu Đào với bộ y phục trang trọng hơn ngày thường một chút, nhưng nhìn thế nào cũng không ra đây lại là lễ phục để dự cung yến, Thu Đào nghiêng đầu thắc mắc:

-      Chàng... không vào cung sao?

-      Đi chứ! – Lê Hạo thản nhiên đáp.

Nhìn chàng một lượt từ đầu đến chân, Thu Đào lại thắc mắc hỏi:

-      Chàng ăn mặc đơn giản như vậy đi dự cung yến hả?

Lúc bấy giờ Lê Hạo mới mỉm cười, chàng dúi vào tay Thu Đào bộ quần áo dành cho thư đồng (*), hóm hỉnh nói:

-      Ừ, lén dắt theo nàng vào cung dự yến mà còn ăn mặc nổi bậc cho người ta chú ý à?

Vân vê bộ y phục trên tay, Thu Đào chưa kịp hiểu đầu cua tai nheo gì, ngây ngốc hỏi:

-      Gì cơ? Chàng dắt ta vào cung?

-      Ừ! Thay quần áo đi, giả làm thư đồng theo ta vào cung. Mũ đội đầu của thư đồng có thể che được vết thương trên trán nàng đấy!

Nhảy cẫng lên sung sướng, Thu Đào quên hết mọi chướng ngại tâm lý mỗi khi đối mặt với Lê Hạo, trong lòng nàng giờ đây chỉ ngập tràn nổi hứng khởi được tận mắt ngắm nhìn cung điện thời Lê Sơ. Nàng phấn khích đến lóng nga lóng ngóng, định chạy tọt vào phòng thay quần áo. Nhưng đang vui vẻ thì Thu Đào chợt nghĩ đến một việc nên khựng lại, nàng híp mắt nói với Lê Hạo:

-      Bị bắt được thì chàng chịu trách nhiệm, ta chỉ vâng lệnh theo hầu chàng đấy nhé!

-      Ừ! Ta chịu trách nhiệm! – Lê Hạo dịu dàng đáp.

Lúc này sắc mặt Thu Đào mới giãn ra, nàng lại hí hửng nói:

-      Đứng yên đây nhé! Ta thay quần áo rồi ra ngay!

Tiếng đóng cửa đánh "rầm" vang lên phía sau lưng làm Lê Hạo bất giác mỉm cười, chàng chấp tay sau lưng khoan thai nhìn bầu trời vằng vặc ánh trăng, thầm cầu khẩn:

-      Chỉ mong nàng lúc nào cũng được vui vẻ như vậy!

****

Xe ngựa lăn bánh, tiếng lộc cộc vang lên đều đều làm Thu Đào thấy hồi hộp vô cùng. Nàng không thể ngồi yên được mà chốc chốc cứ vén rèm nhìn đông ngó tây, trông bộ dạng cứ như đứa trẻ lần đầu tiên được ra phố cùng mẹ.

Đường phố Đông Kinh vào ban đêm Thu Đào đã trãi nghiệm vài lần rồi. Lần thì bị tên cướp đuổi giết dưới cơn mưa tầm tã, lần thì cùng cả nhà đi đến chùa Huy Văn và trở về với vết bỏng trên trán, chung quy toàn là những chuyện xui xẻo chứ chưa bao giờ được toàn tâm toàn ý ngắm cảnh hết. Bởi vậy, cả con đường náo nhiệt và ngập tràn ánh đèn vàng rực, lung linh ảo dịu như đêm nay lần đầu tiên Thu Đào mới được chứng kiến. Ở thời đại này, chất đốt còn khan hiếm và hoạt động kinh tế về đêm rất ít, ngoài quán rượu và quán trọ cho khách đường xa thì gần như không ai buôn bán thứ gì. Cho nên chỉ cần mặt trời vừa khuất dạng thì xem như mọi hoạt động của dân chúng chỉ còn gói gọn trong ngôi nhà của họ, phố xá cũng vì vậy mà rất tối tăm, tĩnh mịch. Chỉ những dịp có lễ hội như hôm nay mọi người mới có dịp cùng nhau thắp đèn lồng chơi trước sân, hàng bánh, hàng trà nước mới có cơ hội buôn bán. Dù không có đèn điện như thế kỷ hai mươi mốt, nhưng ánh sáng phát ra từ lửa lại có một sức hút thần bí của riêng nó. Trước mắt Thu Đào là một con phố trãi dài tít tắm, hai bên đường là những quả cầu lửa nối đuôi nhau trãi dài hút mắt. Thu Đào say sưa ngắm nhìn quên mất trong xe còn có một người ngồi bên cạnh. Mãi đến lúc chàng cất tiếng nói:

-      Muốn đi bộ một đoạn để ngắm cho thõa thích không?

Thu Đào lúc này mới giật mình quay đầu lại nhìn, rồi gật đầu đồng ý ngay:

-      Muốn! Muốn lắm!

Lê Hạo mỉm cười gật đầu, đoạn cất tiếng nói với người phu xe:

-      Cho xe dừng ở quán rượu cổng Nam!

Nhận lệnh xong, người phu xe thúc ngựa chạy nhanh hơn một chút để mau chóng đến nơi. Thu Đào ngồi bên trong không biết ý định của người phu xe, nàng bị cú tăng tốc bất ngờ làm cho chới với, cả thân thể bật ngửa ra phía sau. Thu Đào nhắm nghiền mắt đón chờ cơn đau từ sau gáy do va đập, nhưng... cảm giác êm dịu của bàn tay ai đó đỡ lấy đầu mình làm nàng bừng tỉnh. Thu Đào chới với bám tay vào khung cửa sổ của cổ xe rồi bật người ngồi thẳng dậy. Nàng liếc mắt nhìn qua Lê Hạo thì thấy một tay chàng đang luồng ra sau lưng mình, bàn tay vẫn còn đặt trên cái chỗ Thu Đào va đầu vào lúc nãy. Chàng hạ giọng dịu dàng:

-      Cẩn thận chứ!

-      Ừ... ừ! Cảm ơn... – Thu Đào hơi đỏ mặt, ấp úng đáp.

Lê Hạo chậm rãi thu cánh tay lại, chàng hờ hững phóng tầm mắt ra bên ngoài phố phường náo nhiệt. Trong khoảnh khắc, bầu không khí xa cách, gượng gạo của hai người vốn rất thân thiết làm Lê Hạo thấy lòng chùng hẳn xuống. Chàng lại thở dài thườn thượt... không để ý đến ánh mắt Thu Đào đang lén lút đặt lên người mình.

Nhìn chàng trai có gương mặt giống hệt mối tình đầu, Thu Đào cảm tưởng như được trở lại thời gian bên cạnh Sỹ Thành, được ngồi bên cạnh để ngắm cho kỹ đường nét hoàn mỹ của anh, được nghe anh tâm sự những câu chuyện xảy ra sau một ngày làm việc mệt mỏi. Có đôi khi Sỹ Thành bận đến mức cả ngày không nhắn nỗi cho cô một dòng tin, nhưng chiều đến là hai người lại rủ nhau vào thư viện nơi Trà My làm việc để gặp mặt. Rất nhiều lần Sỹ Thành vì mãi chăm chú vào màn hình laptop mà bỏ qua những câu hỏi thăm của Trà My, thậm chí cô nói chuyện anh cũng chỉ ậm ừ cho có lệ. Tuy có buồn, nhưng chỉ cần mỗi ngày đều được gặp mặt, được thấy anh lạnh lùng như vậy là đêm đó Trà My đã ngủ ngon lắm rồi. Cả đời này chắc Sỹ Thành cũng không có cơ hội biết được ngày ấy Trà My đã yêu anh đến ngốc nghếch như vậy, cam tâm làm con mèo nhỏ lặng im ngồi dưới chân anh, nghe anh kể về một ngày chiến đấu kịch liệt với thế giới này. Nhìn anh nói, nghe anh cười, lặng lẽ làm cái bóng bên cạnh anh... là đủ rồi! Trà My ngày đó đúng là yêu Sỹ Thành lắm, nhưng tình yêu này có hơi xa cách, tựa như hoa trong gương, trăng dưới nước, không hiện thực, không bền vững...

Mãi thả hồn vào câu chuyện tình buồn của mình, Thu Đào không biết bản thân đã vô thức nhìn trân trân vào Lê Hạo, nhìn lâu đến nỗi chàng thấy mất tự nhiên, bèn lên tiếng hỏi:

-      Sao đấy? Có gì muốn nói với ta?

Bị gọi bất ngờ, Thu Đào giật mình thon thót. Nàng hốt hoảng nhận ra bây giờ mình cần phải giải thích cho được hành động ngắm trai say sưa đến khiếm nhã này, không thì... sẽ xấu hỗ đến chết mất. Gãi đầu gãi tai một lúc, rốt cuộc nàng cũng nhớ ra điều rất quan trọng mà hôm qua đến giờ vẫn luôn thắc mắc – truy lùng gốc gác của đóa hoa đào trong sách! Bèn mừng rỡ nói:

-      À... hình hoa đào trong sách hôm qua... là ai vẽ vậy?

Nghe xong, ánh mắt Lê Hạo chợt lắng đọng trên gương mặt Thu Đào, chàng nói:

-      Nàng vẽ đấy!

Không thể tin vào tai mình, Thu Đào trợn mắt hỏi lại:

-      Ta... ?

-      Ừ!

Thu Đào lại khó hiểu hỏi:

-      Sao ta lại vẽ vào sách của chàng?

-      Vì nàng nghịch ngợm!

Câu trả lời của Lê Hạo làm Thu Đào bất giác mỉm cười. Thì ra cô đại tiểu thư Thu Đào trước kia cũng có cái trò thích vẽ bậy lên sách của người ta giống hệt Trà My thời còn học cấp ba.

Nàng cười cười, nói:

-      Hả? Vẽ bậy lên sách của chàng mà còn lịch sự vẻ hoa à? Ta của trước kia có thú vui tao nhã quá nhỉ? Nếu là ta bây giờ, thì thứ nằm trên trang sách của chàng sẽ là rùa, heo, gián, chuột đấy!

Lúc đó, Lê Hạo cũng mỉm cười, trong phút chốc chàng không kiềm lòng được mà nói:

-      Nàng không phải vẽ bậy đâu, mà vẽ đóa hoa đó... là vì...

Thu Đào lại nghiêng đầu hỏi chen vào:

-      Vì sao?

-      Vì... Đào... là tên của nàng!

Câu trả lời của Lê Hạo làm nụ cười trên môi Thu Đào tắt ngấm, thứ cảm xúc hỗn tạp dành cho người con trai ngồi bên cạnh làm nàng thấy bức bối. Đã bao lần tự nói với bản thân rằng Thu Đào và Lê Tư Thành là không thể, cũng như Trà My và Sỹ Thành mãi mãi chỉ là hoài niệm. Nhưng, không biết chàng ta vô tình hay cố ý mà cứ lâu lâu lại chạm tới giới hạn trong lòng Thu Đào, dụ dỗ nàng toang vượt rào mà nhảy ùm xuống bể tình không lối thoát này.

Hít một hơi sâu, Thu Đào mới lại lên tiếng, nàng nhỏ nhẹ:

-      Chàng còn nhớ hôm ở cổng phủ đệ ta đã nói gì không? Chúng ta... đã là quá khứ!

-      Ừ! – Lê Hạo đáp gọn.

Không ai nói thêm câu gì, họ lặng im ngồi trong xe lắng nghe tiếng vó ngựa lộc cộc, ngắm Đông Kinh đêm Trung Thu rực rỡ ánh đèn, cũng lặng ngắm cơn sóng trong lòng mình cứ hết phẳng lặng như tờ lại dâng cao bất chợt...

*****

Bước xuống xe ngựa, Thu Đào bị cảnh phố phường náo nhiệt hớp hồn, nàng như chú chim sổ lồng chạy ùa ra hòa lẫn vào đám đông không chút kiêng dè làm Lê Hạo ở phía sau chạy theo canh chừng nàng đến mệt lả. Từng đoạn đường đi qua Thu Đào đều căng mắt ra mà thưởng ngoạn, ở mỗi gian hàng đều hết nhìn cái này lại ngắm cái kia cho bằng hết, chỉ một loáng trên tay các gia nô Lê Hạo dắt theo đã lủng lẳng nào trâm cài, dép cỏ, túi đựng tiền, khăn tay và vô số món đồ chơi vặt vãnh của những cô gái điệu đà. Đi đến tận cùng con phố đông đúc nhất, không còn một gian hàng nào để mua sắm thì Thu Đào mới chịu dừng lại, nàng hồ hỡi nói:

-      Vào cung thôi! Ta chơi đủ rồi!

Lê Hạo liếc nàng một cái nhưng trong mắt mang một ý cười phảng phất, chàng nói:

-      Trở lại xe ngựa cất bớt mấy thứ này đã!

Xong, chàng hóm hỉnh chỉ tay về phía ba bốn người gia nô đang tay xách nách mang, rồi lại tiếp:

-      Nàng xem, họ có khác gì cái giá treo đồ đạc ở nhà nàng đâu?

Biết mình đã mua sắm quá tay, Thu Đào rụt cổ ái ngại:

-      Ô! Xin lỗi vì đã "bào"(*) hơi quá trớn!

Lê Hạo nhíu mày khó hiểu hỏi:

-      "Bào"?

Thu Đào che miệng cười, phất tay áo xua xua mấy người gia nô mà rằng:

-      Mau mau chất đồ đạc lên xe rồi đến sau nhé, ta phải vào cung dự tiệc trước, đói lắm rồi!

Một người trong số họ lên tiếng:

-      Xin tiểu thư chờ một chút, chúng tôi sẽ quay lại ngay mà...

-      Khỏi, các ngươi cứ từ từ mà vào sau, ta muốn đi ngay! – Thu Đào đáp giọng nôn nóng.

Người gia nô lại thưa:

-      Nhưng, không ai đi cùng bảo vệ cho cô....

Anh ta chưa kịp nói xong, Lê Hạo đã phất tay áo lệnh:

-      Có ta là được rồi! Các ngươi cứ ở ngoài xe ngựa mà chờ. Chỉ trăm bước chân là đến nơi ấy mà!

Thu Đào nôn nao muốn vào cung, lại nghe Lê Hạo chiều ý mình nên mừng rỡ vỗ tay đôm đốp:

-      Phải! Phải đấy!

*****

Lê Hạo dắt Thu Đào vào cung bằng cổng phụ phía Nam, lối đi này thường dùng cho các quan lại có chức bậc thấp nên ít ai để ý. Chàng dùng thân phận Bình Nguyên Vương dắt theo tuỳ tùng nên đã đưa được Thu Đào vào cung trót lọt.

Mỗi bước chân đặt lên lớp đá lát nền màu trắng xám của hoàng cung, là một nhịp tim Thu Đào đập mạnh đến vỡ tung lồng ngực. Nàng chỉ tiếc mắt không thể to hơn để thưởng thức cho hết cái uy nghi cổ kính, cái phong vị vương giả của cung điện Lê Triều.

Nào mái ngói tráng men xanh ngọc bích, nào là những cây cột lớn bằng gỗ đen bóng chống đỡ cả toà điện chạm rồng trổ phượng, có cả cầu thang chín bậc nằm giữa hai con rồng đá uốn lượn trông thật là uy nghi tráng lệ. Lúc đi qua hoa viên, Thu Đào lại bắt gặp những chậu hoa bằng sứ trắng đục, hoa văn xanh, vàng đủ loại. Nào quỳnh hoa, nào nguyệt quế, nào địa lan... và vô số những kỳ hoa dị thảo thi nhau toả hương thơm ngát. Màu trăng vàng vọt trên trời đổ xuống, ánh nến hoàng cung trong mỗi gian cung điện tỏa sáng lung linh, đèn lồng treo lủng lẳng rợp trời, tất cả hòa quyện lại thành một khung cảnh lộng lẫy đến siêu thực trong đáy mắt Thu Đào. Lúc bấy giờ, nàng mới biết tư liệu khảo cổ mà nàng đã đọc hay những cảnh tượng nàng tự vẽ ra trong đầu trước kia không thể sánh với thế giới nàng đang ngắm nhìn. Cảnh trượng trước mắt nàng bây giờ lộng lẫy hào nhoáng hơn gấp trăm gấp vạn những gì đã từng tưởng tượng, càng không giống với những gì phim ảnh hiện đại đã dựng lại một cách sơ sài. Trong phút hứng khởi, Thu Đào reo lên:

-      A! Thì ra kiến trúc cung điện nhà Lê chủ đạo là màu xanh ngọc bích và màu gỗ màu đen! Thật là đẹp, thật là vi diệu!

Không giống Tử Cấm Thành màu đỏ tía chủ đạo của Trung Quốc, kiến trúc cung đình triều Lê Sơ mang bản sắc rất riêng với màu xanh ngọc bích và màu gỗ đen sang trọng. Thu Đào vừa đi vừa hít hà cái mùi hương hoàng tộc lan toả khắp nơi trong không khí, nàng mở to mắt để ngắm, lắng tai lên để nghe, dùng hết năm giác quan để cảm nhận phong vị Đại Việt mà cơ duyên thần kỳ đã cho nàng một lần được nhìn thấy.

---- Hết chương 30 ----

Chú thích:

1(*) Thư đồng: Cậu bé giúp việc trong phòng sách.

2(*)Bào: Tiếng lóng của một bộ phận giới trẻ miền Nam, ý nói hành động lợi dụng cơ hội sử dụng tiền bạc hoặc thứ gì đó của người khác càng nhiều càng tốt.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro