Chương 29: Tán Tỉnh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Buổi sáng sớm tiết Trung Thu mát mẻ, mái ngói hoàng lưu ly của điện Cảnh Linh được mặt trời chiếu rọi phát sáng giữa nền trời xanh thẳm. Mấy cây mộc miên(*) trong sân đang trút lớp áo đã nhuốm màu héo úa, mỗi khi gió thổi qua là khoảnh sân rợp lá vàng bay. Cảnh trí mùa thu nên thơ là thế nhưng Lê Nghi Dân không để một chút nào vào mắt. Điều hắn thấy bây giờ không phải là sắc thu kiều diễm mà là một góc trời đỏ thẫm một màu phẫn nộ. Hắn trăm suy ngàn tính vẫn không ngờ được Lê Tuấn lấy gậy ông đập lưng ông, dùng chính kế sách của hắn để lật ngược thế cờ một cách ngoạn mục.

Sáng nay, vua Diên Ninh đã xuống chiếu đưa ra quyết định về việc lãnh binh dẹp Bồn Man, trong chiếu thư có lời rằng:

- Trẫm có lời khen Lạng Sơn Vương đã nghĩ ra diệu kế. Nay Trẫm y theo kế sách, thân chinh cầm quân dẹp giặc. Lệnh cho Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân tháp tùng làm chủ tướng đội quân hộ giá cho Trẫm. Có công sẽ trọng thưởng, có tội tất nhận phạt. Nếu Trẫm khải hoàn trở về thì toàn quân được chiêu đãi ba ngày, thưởng trăm quan tiền bất kể thứ bậc. Nhược bằng có điều tắc trách trong việc hộ giá để vua tổn hại long thể, nhẹ thì giáng chức cắt bổng lộc, nặng thì giảo hình(*) tru di vẫn có thể xử được. Mọi điều công tội cứ Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân mà truy hỏi.

Như vậy, kế sách nhân lúc chiến tranh loạn lạc mà ra tay giết vua của Lê Nghi Dân hoàn toàn sụp đổ, trái lại hắn phải dốc sức hộ giá không được mảy may sơ suất.

Lê Nghi dân nghiến răng ken két, vung tay đập mạnh xuống bàn một tiếng đánh "bốp". Hắn đứng bật dậy lệnh cho Phan Ban:

- Tối nay dự yến xong thì lập tức về Lạng Sơn!

Phan Ban ái ngại thưa:

- Bẩm... sao phải về gấp như vậy? Ta biết dùng lý do gì để nói với Hoàng Thượng đây?

Lê Nghi Dân thở dài đầy bất mãn, đôi mắt đỏ ngầu của hắn như muốn chọc thủng cái gương mặt đần độn của Phan Ban, gằng giọng nói:

- Bên cạnh Diên Ninh có người dũng mãnh như Lý Lăng, Lê Hạo có lão tướng Đinh Liệt ngấm ngầm thần phục... Đến người không màn thế sự như Khắc Xương cũng có Phạm Đình Phương thông minh luôn hiến kế để giữ cho chủ cuộc sống bình yên như ý muốn. Còn ta, lại nuôi phải tên ngu ngốc ăn hại như ngươi...

Phan Ban thấy chủ nỗi cơn tam bành thì mặt cắt không còn giọt máu, hắn quỳ sụp xuống, đến thở cũng không dám thở quá mạnh, lắp bắp:

- Mạt... mạt tướng ngu dốt...!

Quắc mắt nhìn tên thủ hạ kém cỏi, Lê Nghi Dân bực dọc nói tiếp:

- Từ đây đến ngày ra chiến trường không còn xa, ta cần về phủ để lo liệu việc quân. Bây giờ ta thế cô sức yếu, một mình ra chiến trường như vậy chưa chắc đã tự bảo vệ nổi bản thân, huống chi là hộ giá. Ngộ nhỡ có kẻ nào tặng Hoàng Thượng một vết thương thôi, thì tội lỗi này chẳng phải đổ hết lên đầu bổn vương sao?

Phan Ban nãy giờ vẫn cúi đầu lắng nghe nỗi lo lắng của chủ, chợt hắn nảy ra một ý nghĩ bèn sáng mắt lên nói:

- Vương gia, mạt tướng sẽ điều động người của chúng ta ở Tây Kinh bí mật theo quân đến Bồn Man. Phòng khi cần thiết sẽ có người bảo vệ an nguy cho Ngài!

Nét mặt Lê Nghi Dân giãn ra sau câu hiến kế của Phan Ban. Đảo con ngươi qua lại một lượt, Lê Nghi Dân thấy ý nghĩ này cũng không tồi nên cơn giận phần nào vơi đi. Hắn khẽ gật đầu rồi khoát tay lệnh cho Phan Ban đứng dậy, nói:

- Đi! Bẩm với Diên Ninh tối nay dự yến xong bổn vương phải về Lạng Sơn gấp, mẫu thân ở nhà không được khỏe!

*****

Vào những ngày lễ lớn, nếu người thường dân được dịp nghỉ ngơi vui chơi thì làm vua phải vất vả hơn ngày thường rất nhiều. Từ canh ba Lê Tuấn đã phải dậy thay lễ phục, xông hương áo quần tươm tất xong thì giờ lành đã điểm, vua cùng các đại thần trong triều làm lễ tế đất trời cầu quốc thái dân an tại Điện Thái Hòa. Xong, trời còn chưa tỏ lại phải đến Thái Miếu thắp hương cho các vị tiên đế. Tiếp theo, Đào Biểu sắp xếp cho các quan ngồi chờ ở điện Cần Chính trong lúc vua đến điện Thọ Khang vấn an Thái Hậu và các vị Thái Phi. Nhưng vì phi tần của Thái Tông vốn không nhiều, lại còn kẻ bị phế làm thứ dân(*), người thì sinh sống ở ngoài cung(*) nên chưa đầy nửa canh giờ vua đã trở về điện Cần Chính.

Ngồi trên ngai vàng, vua Diên Ninh nghiêm trang nhận đại lễ chúc tụng của văn võ bá quan. Chàng tuy ở ngôi cao nhưng thái độ lúc nào cũng khiêm cung đối với những vị lão thần, nếu cần thiết chàng đều chấp hai tay ngang mặt đáp lễ họ. Dù không cúi đầu bái lễ, nhưng vua một nước mà có lòng khiêm hạ như vậy xưa nay hiếm gặp, đây cũng là một trong những nguyên do khiến Lê Tuấn rất được lòng quần thần.

Với thân phận là hoàng tử của Thái Tông, Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân, Tân Bình Vương Lê Khắc Xương, Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành cũng có mặt trong cung từ rất sớm để cùng vua đón tiếp các vị đại thần. Ai nấy đều tất bật với đủ loại lễ nghi cung đình, đi đi lại lại mấy vòng hoàng cung đến nỗi hai chân đều mỏi nhừ hết. Nên bây giờ được ngồi yên vị trong Cần Chính Điện mát mẻ ai nấy đều mặt mày phấn khởi, uống trà dùng điểm tâm và trò chuyện rôm rả.

Lúc xuống ngồi ở bàn trà, vua tự tay đặt một miếng bánh vào đĩa của Lê Nghi Dân, ân cần hỏi:

- Phu nhân ở nhà không sao chứ?

Biết lời thông báo của mình đã đến tai vua, cộng thêm cơn giận chưa nguôi vì bị trúng chiêu gậy ông đập lưng ông khiến hắn phải hết mình hộ giá cho vua dù ban đầu là có ý hành thích, Lê Nghi Dân được dịp dùng một câu đâm chọt cho hả giận:

- Chỉ là ốm vặt. Nhưng từ bé chỉ có hai mẹ con nương tựa lẫn nhau nên mỗi khi ốm đau mẹ thường tủi thân, ta phải về chăm sóc thì hơn!

Nói xong, hắn làm ra vẻ vô tội nhón lấy miếng bánh được vua ban, ung dung cho vào miệng.

Mỉm cười hiền hậu, vua vỗ vào vai anh mấy cái thân tình rồi lại đi sang bàn khác tiếp chuyện. Dù hiểu rõ mấy lời nói của Nghi Dân là ngụ ý oán trách Thái Tông bạc tình phế phi, trách hai mẹ con Thái Hậu cướp đi ngôi vị của hắn, nhưng vua vẫn khoan dung làm như không biết. Bởi trong thâm tâm Lê Tuấn vẫn còn một khúc mắc chưa tháo gỡ được, ngày nào chưa điều tra ra thân phận của mình, ngày nào chưa biết được bọn loạn đảng Ngôn Kinh nói thật hay không, thì ngày ấy Lê Tuấn vẫn cho Nghi Dân cái quyền được oán hận.

Mặt trời đã lên cao, bá quan cũng ra về hết cả. Lúc bấy giờ Lê Tuấn mới hấp tấp trở về Thừa Càn Cung. Chân chưa bước qua bậc cửa chàng đã tự tay tháo thắt lưng, miệng liên tục sai bảo Đào Biểu:

- Mau, mang thường phục đến cho Trẫm!

Tháo xong lớp áo ngoài, Lê Tuấn dang hai tay ra cho cung nữ hầu hạ thay y phục như mọi khi. Nhưng động tác chậm chạp của hai cung nữ làm chàng sốt ruột, liền phất tay đuổi hết ra ngoài rồi tự mình thay cho nhanh.

Đào Biểu mang theo bộ thường phục vừa bước ra từ trong tẩm điện liền bị chàng thúc giục:

- Mau! Đưa đây cho Trẫm!

Đào Biểu vừa thắt đai lưng cho vua vừa nói:

- Cao Khương Hoàng trị sẹo nô tài đã để sẵn trong tay nải rồi! Hoàng Thượng nhớ căn dặn tiểu thư ngày bôi ba lần đừng chểnh mảng, vết thương sẽ chóng khỏi!

- Tốt lắm! Ông luôn rất chu đáo, được vợ rồi Trẫm sẽ trọng thưởng cho!

Lê Tuấn nói xong liền bật cười khanh khách. Dù là quân chủ một nước nhưng Lê Tuấn cũng chỉ là một thiếu niên mới hơn mười lăm tuổi, chàng cũng có vui buồn, có những điều thầm kín trong tâm hồn thanh xuân của mình. Ngặt vì sinh ra đã mang nghiệp đế vương, trước mặt mọi người Lê Tuấn hiếm khi để lộ con người thật của mình. Cho đến tận bây giờ, người có thể trông thấy nụ cười trong sáng này của chàng dường như chỉ có hai người, Thái Hậu và Đào Biểu. Nhưng, từ lúc thái hậu giao lại quyền lực cho vua để lui về hậu cung thì hai mẹ con ít khi có dịp chuyện trò tâm sự, hoặc giả có gặp nhau thì cũng toàn là nói việc triều chính. Thái Hậu vẫn biết mình cho con cả giang sơn, nhưng lại rất thiếu sót về phương diện tình cảm. Để đào tạo Lê Tuấn trở thành một vị vua văn võ song toàn bà đã tốn không biết bao nhiêu tâm huyết và kiên nhẫn, luôn tự dặn lòng không thể nuông chiều con như những bà mẹ thường dân được. Ngoài rắn trong mềm, vì muốn bù đắp cho Lê Tuấn, Thái Hậu thường tạo điều kiện cho chàng học tất cả những thứ chàng muốn, cưỡi ngựa, bắn cung, học y thuật... miễn sao con thấy vui là bà đồng ý hết thảy. Nhưng, Lê Tuấn lại là người chín chắn hơn tuổi, tâm tính lại điềm đạm nên hiếm có thứ gì làm chàng vui vẻ như những người trẻ tuổi khác khiến Thái Hậu đôi khi cũng bất lực, chẳng biết con mình thích cái gì để mà chiều nữa.

Hôm nay, vừa bước tới trước cửa Thừa Càn Cung Thái Hậu đã nghe có tiếng cười bên trong vọng ra, tiếng cười giòn giã mà nhẹ nhàng, nghe ra còn có lẫn khuất niềm hạnh phúc bình đạm. Bà ngạc nhiên lắm bèn bước vào trước sự ngạc nhiên của Lê Tuấn. Nụ cười trên môi dần tắt, chàng nghiêng đầu hỏi:

- Mẹ không nghỉ trưa sao?

Đào Biểu cúi lạy hành lễ rồi khom lưng ra khỏi phòng. Ông ta vừa đi khuất, Thái Hậu mới nói tiếp:

- Con có chuyện gì vui à?

Lê Tuấn ấp úng gãi đầu, mang tai đỏ bừng bừng, ấp úng:

- Con... con...!

Thấy con trai có vẻ ngượng ngùng, Thái Hậu cười xòa:

- Con gái lớn của Nguyễn Đức Trung xinh đẹp như vậy sao? Làm con cách vài ngày lại viện cớ chạy ra gặp nó?

Lê Tuấn lóng ngóng ôm cái tay nải, ngượng nghịu nói:

- Mẹ đừng cười con chứ! Bây giờ con phải đến gặp nàng, con hứa sẽ kịp trở về để dự cung yến, mẹ hãy yên tâm!

Nhìn chiếc tay nải trong tay con trai một lúc, Thái Hậu hạ giọng cười cười hỏi:

- Lúc nãy con vui như vậy là vì nghĩ đến cô gái đó à?

Biết trước sau gì cũng phải nghiêm túc nói cho mẹ hay chuyện của Thu Đào, Lê Tuấn lấy lại vẻ điềm đạm mọi khi, chàng đáp:

- Phải, không giấu gì mẹ, nàng rất tốt, con rất thích nàng!

- Chứ không phải chỉ vì cân bằng cục diện triều đình nên mới chọn nàng ta sao? – Thái Hậu nhìn xoáy vào con trai mà hỏi.

Nghe xong, ánh mắt Lê Tuấn bỗng như ngưng đọng. Chàng ngập ngừng vài giây rồi nói:

- Ban đầu con đúng là có ý đó. Nhưng tiếp xúc với nàng lâu ngày con thật sự cảm mến và muốn cưới nàng làm vợ! Dù Thu Đào không phải là con gái của Nguyễn Đức Trung con vẫn muốn cưới nàng!

Nói xong, Lê Tuấn nhìn ra ngoài thấy mặt trời đã gần đứng bóng thì sốt ruột lắm, chàng vội vã vừa bước ra cửa vừa nói:

- Con phải đi sớm để còn kịp trở về, mẹ cũng mau về cung nghỉ ngơi đi, cung yến đêm nay lại phải ngồi lâu mệt nhọc lắm đấy!

Dứt lời, Lê Tuấn không kịp nghe xem Thái Hậu có nói tiếp điều gì hay không đã vội bỏ đi không ngoáy đầu lấy một lần. Thái Hậu nhìn theo con trai lúc lâu rồi chợt nhếch môi lên cười, không hiểu là đang cười tình cảm vụn dại của đứa con trai, hay cười cho mối duyên tương ngộ của chính mình mười mấy năm trước, bà nheo mắt thì thầm:

- Thấy mỹ nhân là sáng mắt, đàn ông ai cũng vậy hết!

****

Trung Thu là ngày ai nấy đều tất bật mua sắm trang hoàng nhà cửa, chợ búa cũng vì vậy mà tấp nập người qua kẻ lại, muốn mua gì cũng phải đi chợ từ rất sớm, nếu không đến non trưa cũng không về đến nhà được. Rút kinh nghiệm hai ba năm liên tiếp, sáng nay khi mặt trời còn chưa ló dạng Xuân Mai cùng vài cô tỳ nữ khác đã theo Nguyễn Phu Nhân ra chợ sắm sửa. Gia nô trong phủ thì theo lệnh Nguyễn Đức Trung đều tập trung cả ở tiền viện để coi sóc nhà cửa và đón các quan to trong triều đến làm khách.

Vì vậy, khu hậu viện Thu Đào đang ở hôm nay vắng vẻ đến lạ. Tỉnh dậy đã một lúc lâu nhưng không bị ai lay gọi như thường khi, Thu Đào lười biếng nằm lăn lóc đến chán chê mới chịu ngồi dậy.

Tắm rửa thay y phục xong, Thu Đào ngồi trước gương từ từ tháo miếng vải băng trên trán ra. Vết bỏng rộng nằm choáng hết một phần ba vầng trán, lớp da ngoài bị cháy sạm ra để lộ lần da non vừa đen vừa đỏ và rỉ dịch. Thoáng giật mình vì vết thương nặng hơn mình tưởng, Thu Đào khẽ kêu lên:

- Coi như xong! Hủy dung nhan luôn rồi!

Thẫn thờ nhìn mình trong gương, Thu Đào xuýt xoa thầm ước phải chi thời này cũng có kem trị bỏng, càng lo lắng không biết trình độ y học thời đại này có thể giúp nàng trị sẹo hay không. Nhưng bình tĩnh suy nghĩ một lúc, Thu Đào lại nhìn gương mặt thiếu nữ trong gương rồi thoáng cười, tự nhủ:

- Thân xác này là Thu Đào, không phải Trà My đâu nhỉ? Vả lại xấu đi thì khỏi phải vào cung, khỏi phải chết chung với Lê Bang Cơ. Ông trời lấy đi nhan sắc nhưng để lại cái mạng cho mình. Cũng được lắm! Xinh đẹp quá cũng chỉ để thiên hạ ghét ghen, thời cổ lổ sĩ này thì hồng nhan chi cho bạc mệnh!

Đoạn, Thu Đào tặc lưỡi tự mình băng vết thương lại, chỉ cốt sao không nhiễm trùng là được. Còn việc sẹo hay không sẹo nàng đã phó thác cho trời lo rồi.

Sáng nay trời trong mây trắng, hoa bách hợp, hoa hồng ở hậu viện đua nhau khoe sắc. Tia nắng chói chang rọi xuống cánh hoa làm giọt sương trên đó phát sáng lên, trông xa xa giống như có muôn vàn hạt kim cương lấp lánh giữa vườn hoa rực rỡ sắc màu, thích mắt vô cùng. Trong lúc cao hứng, Thu Đào nhớ đến quả cầu lông chim xinh đẹp của Hoàng Thượng tặng, bèn lấy ra chơi. Vốn định rủ theo Xuân Mai và Thu Hằng, nhưng ai nấy đều bận rộn cả. Thu Hằng thì cứ trốn mãi trong phòng, bảo rằng muốn tranh thủ những ngày không đến lớp để yên tĩnh luyện chữ, vẽ tranh, đúng theo kiểu tiểu thư khuê môn nết na thuỳ mị mà Thu Đào vẫn thấy trên phim ảnh. Xuân Mai thì từ sáng chẳng thấy tăm hơi, có lẽ là bận rộn việc sửa soạn phục sức cho cha mẹ tối nay vào cung dự yến tiệc đêm Trung Thu của triều đình.

Nhớ đến cung yến, Thu Đào lại thở dài tiếc rẻ. Đêm qua, thầy lang đã nói rằng vết thương hơi rộng và không thể khỏi ngay trong vài ngày nên e là không tiện vào cung dự yến. Vì cung đình có luật bất thành văn là không nên cho người đang đau yếu và thương tật đến dự yến tiệc, cứ như vậy kế hoạch đi chơi trung thu trong cung điện triều Lê Sơ của Thu Đào sụp đổ trong phút chốc. Nàng đành ngậm ngùi ở lại phủ một mình đêm nay, lòng không ngừng oán trời trách đất sao mình lại xui xẻo thế này!

Ngẫm lại từ lúc lạc đến đây, Thu Đào mang thân phận đại tiểu thư trong phủ đệ, lại vừa khỏi bệnh nên bên cạnh lúc nào cũng có cha mẹ, có Xuân Mai hoặc ít nhất cũng là gia nhân hầu hạ. Hôm nay là lần đầu tiên Thu Đào bị cô đơn một mình, vì ai nấy đều bận rộn chuẩn bị nào quà tặng, nào áo mũ, lại thêm cả việc trang hoàng cho phủ đệ đón Trung Thu. Cả thế giới cứ như vậy mà bỏ quên Thu Đào bệnh tật đang ngồi phịch dưới thảm cỏ hậu viện.

Để tự vỗ về nỗi cô đơn của mình, Thu Đào cầm quả cầu lông chim lên đá.

Một, hai, ba... tám, chín... Quả cầu rơi xuống đất.

Nhặt lên làm lại, ... sáu, bảy, tám... Lại rơi...

Nàng hì hụt đá và đá, đầu liên tục ngẩng lên rồi hình xuống theo sát điệu nhảy của quả cầu lông chim.

- Trời ơi đại tiểu thư của ta, nàng đang làm gì vậy, dừng lại ngay!

Từ đâu vọng đến một giọng nói quen thuộc làm Thu Đào giật mình, nàng quay đầu lại nhìn thì thấy Lê Tuấn đang hấp tấp chạy đến. Chàng thở hồng hộc từng hơi gấp gáp nhưng vẫn cố "mắng" nàng cho bằng được:

- Ngu... ngu dốt... nghịch ngợm! Vết thương chưa lành mà bị thấm mồ hôi sẽ nặng thêm! Đồ ngốc! Không sợ bị huỷ dung nhan à?

Vừa chạm mặt đã bị mắng là ngu là dốt, Thu Đào tức giận phồng má lên định trả đũa, nhưng chưa kịp phản ứng gì thì Lê Tuấn đã vội vàng rút trong tay áo ra chiếc khăn lụa mềm, cẩn thận đến gần lau khô từng giọt mồ hôi trên trán Thu Đào. Vẻ mặt chàng gắt gao đến nỗi phát ra hơi nóng phà khắp mặt nàng. Trong phút chốc cả người như bị điểm huyệt cứng đờ, Thu Đào để mặt cho chàng lau vết thương mà không hiểu sao mình lại như vậy nữa!

Làn gió phảng phất từ đâu kéo đến thổi cả hơi thở và mùi hương của Lê Tuấn lên mặt Thu Đào. Không biết phải diễn tả mùi hương trên người chàng như thế nào cho chính xác, chỉ biết nó giống như mùi thơm của những cánh hoa hồng trong sương sớm, nhẹ nhàng, dai dẳng, hoài niệm... Cái mùi hương mà mỗi lần ngửi thấy nó là y như rằng tiếp sau đó Lê Tuấn sẽ xuất hiện trước mặt Thu Đào, đến nỗi dù có nhắm mắt nàng cũng đoán được người đang đứng trước mặt là ai.

Dưới ánh nắng, gương mặt Lê Tuấn cứ như phát sáng. Mắt to mày rậm, đôi môi dày dặn ngay ngắn, khoé miệng hướng lên trên, sắc môi hồng hào tươi tắn...

Mãi lau vết thương cho Thu Đào nên Lê Tuấn không để ý mình đang bị người nào đó soi mói từng chân tơ kẽ tóc. Đến khi phát giác ra thì ánh mắt Thu Đào lại đang xoáy thẳng vào nhãn cầu của chàng. Trong khoảnh khắc, người quân tử đội trời đạp đất như Lê Tuấn lại bị đỏ mặt lóng ngóng. Lúc đó, ý nghĩ rằng Thu Đào và Lê Hạo trước kia cũng từng nhìn nhau như thế làm Lê Tuấn sa sầm nét mặt, chàng cốc vào đỉnh đầu Thu Đào một cái rồi híp mắt hỏi:

- Nàng vẫn hay nhìn đàn ông con trai bằng cái cách như vậy đó hả?

Bị cốc đau, Thu Đào nổi nóng:

- Ừ đấy thì sao? Ai quy định nữ không được nhìn nam chứ? Mấy ngàn năm phong kiến chỉ đàn ông được ngắm phụ nữ nên thấy không quen à?

Lê Tuấn nheo mắt hỏi lại:

- Chứ còn sao nữa, nàng là khuê nữ danh môn, sau này đừng có nhìn đàn ông con trai như vậy biết không?

Thu Đào chống tay lên hông, bất mãn nói:

- Ê, sao ngươi trời sinh ra có ngũ quan hài hòa mà tam quan lệch lạc thế hả? Nữ ngắm nam hay nam ngắm nữ đều chẳng có gì là sai cả. Ta cứ thích ngắm đấy, gặp ai thuận mắt là ta ngắm, xem có chết ai không!

Lê Tuấn nghiến răng nghiến lợi:

- To gan, sắp làm phi tần của Hoàng Thượng mà lại dám hành xử khinh suất, nàng chán sống thì đã đành, còn muốn kéo cả gia đình theo hay sao. Tính tình nàng như vậy vào cung sơ suất là sẽ gây họa đó!

Thấy thái độ nghiêm túc của Lê Tuấn, Thu Đào bỗng chốc khựng lại, đoạn bày ra vẻ mặt bất cần nói:

- Rồi, rồi, rồi... công dung ngôn hạnh chứ gì, không ngắm trai chứ gì, biết rồi nói mãi khổ lắm!

Nói xong, Thu Đào một mình đi đến đình hóng mát ngồi phịch xuống. Nàng tự rót cho mình tách trà rồi ngửa cổ uống một hơi cạn sạch. Xong lại dùng tay áo thấm đi một ít nước trà trên khóe miệng. Lúc bấy giờ Lê Tuấn đã theo đến nơi, chàng ngồi xuống trước mặt Thu Đào hạ giọng trầm trầm:

- Ngắm Hoàng Thượng thì được!

Nghe nhắc đến vua, con ngươi đen láy của Thu Đào khẽ động đậy, nàng dùng ánh mắt đề phòng quét khắp người Lê Tuấn một lượt, đoạn hỏi:

- Ta xấu xí vậy rồi, Hoàng Thượng cũng còn muốn cưới?

- Cưới chứ!

- Không chê xấu hả?

- Chê chứ!

- Chê sao lại cưới?

- Hoàng Thượng nhất ngôn cửu đỉnh mà! Đã nói cưới là cưới. Nàng lo chăm chút lại dung nhan sau này còn tranh sủng thì hơn!

Nghe từ "tranh sủng" xong Thu Đào liền bật cười. Xong, nàng nhúng vai nói:

- Ai thèm tranh sủng chứ?

- Sao lại không tranh? Không muốn được sủng ái à?

- Không yêu, nên không muốn tranh!

Đến lượt Lê Tuấn bị từ ngữ của đối phương làm cho bực mình, chàng nhớ tới cái cách Thu Đào vẫn hay trộm nhìn mình rồi khoanh tay hỏi trỏng:

- Không yêu? Chắc chưa?

- Chắc! Sao có thể yêu người chưa từng gặp mặt chứ!

Lê Tuấn mím chặt bờ môi cố giấu đi một nụ cười. Chàng giả vờ ho nhẹ rồi ném cho Thu Đào một cái liếc xéo. Lúc bấy giờ, Lê Tuấn mới lấy trong tay nải ra một hộp nhỏ bằng gỗ, đẩy đến trước mặt Thu Đào, nói:

- Hoàng Thượng sai ta mang đến cho nàng hộp Khương Hoàng này, mỗi ngày thoa ba lần sẽ không để lại sẹo. Thử đi!

Cầm chiếc hộp lên ngắm nghía rồi mở nắp ra ngửi thử, chất kem sền sệt màu vàng đậm, mùi thơm nồng xộc vào mũi làm Thu Đào nhận ra ngay đó là thứ gì, bèn reo lên:

- A! "Kem nghệ" à?

Lê Tuấn nghe thấy cái tên lạ lùng nên thắc mắc:

- "Kem nghệ?" Đây là loại thuốc được điều chế từ Khương Hoàng mà!

Thu Đào không thèm giải thích, chỉ chăm chú nhìn hộp thuốc rồi cười cười, nói:

- Thì ra thời này nghệ được gọi là khương hoàng!

Ở bên cạnh Thu Đào lâu ngày, Lê Tuấn sớm đã quen với những câu nói lạ lẫm nên chàng cũng không buồn truy hỏi thêm. Mà lúc này, tâm trí chàng đang đặt cả ở vết thương trên trán và sự vui buồn của Thu Đào mà thôi. Biết nàng bị thương không thể vào cung dự yến được nữa, Lê Tuấn đẩy cái tay nải có chứa bộ y phục về phía nàng, an ủi nói:

- Chiếc áo này ta mang đi ba lần bảy lượt mới trao cho nàng được, tiếc là đêm nay nàng không thể dự yến! Nhưng đừng buồn, hãy dưỡng thương cho thật tốt, đợi Hoàng Thượng đánh trận trở về lúc đó nàng hãy mặc chiếc áo này đi gặp Người!

Thoáng nghe qua câu "đánh trận trở về", Thu Đào mở tròn mắt hỏi:

- Gì? Hoàng Thượng đi đánh giặc? Giặc ở Bồn Man đấy à?

- Nàng cũng nắm bắt thế sự quá nhỉ? – Lê Tuấn cười cười nói.

Tay chống cằm, Thu Đào nhỏ giọng kể lại:

- Mấy hôm nay cha có nói qua! Vì lần này cha cũng theo ra trận để hộ giá mà!

- Ừ! Ta cũng đi!

Cảm giác hoang mang hụt hẫng làm Thu Đào đứng bật dậy , đảo cặp mắt hướng xuống chỗ Lê Tuấn đang ngồi, nàng hấp tấp hỏi:

- Ngươi đi làm gì? Thị vệ là lo ở trong cung canh gác là được rồi, bày đặt nổi máu anh hùng ra trận làm cái gì?

Hơi bất ngờ vì thái độ của Thu Đào, Lê Tuấn giải thích:

- Ta là thị vệ của Hoàng Thượng, người ở đâu thì ta ở đó!

Mang tai nóng bừng bừng, cơn giận khó hiểu trỗi dậy làm giọng nói của Thu Đào trở nên gay gắt:

- Ngươi thân thủ lợi hại lắm sao? Giỏi võ cỡ nào? Trước giờ có đi đánh giặc chưa? Trời ơi ngu ơi là ngu, cứ viện cớ đau bụng tiêu chảy hay là trúng gió gì đó mà xin ở lại chờ Hoàng Thượng về là được rồi! Ngươi gấp đi chết lắm nhỉ?

Rót thêm một tách trà, Lê Tuấn híp đôi mắt liếc Thu Đào một cái rồi nói:

- Ở đâu ra một cô gái con nhà quan như nàng không biết? Mở miệng ra toàn là mấy từ trù ẻo người khác! Ta chưa bị giặc giết đã bị nàng rủa tả tơi rồi!

- Ta đang quan tâm ngươi đó đồ ngốc! – Thu Đào cau mày gắt!

Ngụm trà trên môi Lê Tuấn chưa kịp nuốt vào đã vội phụt ra ướt hết cả áo, chàng nuốt nước bọt nhìn trân trân vào cô gái đang đứng trước mặt mình. Ánh mắt của chàng tuy dịu dàng ấm áp nhưng lại chứa đựng thứ gì đó mãnh liệt đến xốn xang làm Thu Đào thấy cả thân người cứ nhột nhạt. Nàng chớp chớp đôi mi rồi ngồi xuống vân vê tách trà trong tay cho đỡ ngượng. Cả hai im lặng ngồi cạnh nhau một lúc lâu, Lê Tuấn mới lại lên tiếng:

- Võ nghệ của ta cũng lợi hại lắm, chắc chắn sẽ mang Hoàng Thượng từ chiến trường bình an trở về, để nàng có một người chồng nguyên vẹn từ đầu đến chân!

- Hoàng Thượng chắc chắn là trở về rồi, còn đến ba năm nữa mới...

Đang nói thì bị ánh nhìn của Lê Tuấn làm cho cứng lưỡi, chàng ngắt ngang lời của Thu Đào, giọng khó hiểu hỏi:

- Sao nàng lại chắc chắn Hoàng Thượng trở về? Ba năm sau mới thế nào?

Thu Đào bối rối chẳng biết giải thích sao, cứ ấp a ấp úng:

- - À, thì..., thì Hoàng Thượng vạn tuế mà..., ba năm sau mới chỉ gần hai mươi, tổ tiên chưa vội gọi Người đi sớm thế đâu! Hà hà hà...

Dù không hiểu lắm ý tứ trong câu nói của Thu Đào, nhưng Lê Tuấn đã quá quen với cách nói chuyện có hơi kỳ lạ của nàng nên cũng không mấy thắc mắc. Chàng khẽ cười, nói:

- Ừ! Hoàng Thượng nhất định trở về đón nàng vào cung!

Thu Đào thở dài chán nản, ném cho Lê Tuấn một cái nhìn hờ hững. Nàng vốn định nói cho hắn biết là nàng rất sợ làm vợ vua, rất sợ ba năm sau xảy ra chính biến Diên Ninh sẽ bị chết dưới loạn đao của đám phản tặc Lê Nghi Dân. Nhưng... Làm sao có thể nói ra những chuyện đó vào thời điểm này nhỉ? Không khéo lại bị kết tội trù ẻo vua, vu khống Lạng Sơn Vương, lúc đó e là còn chết thảm hơn nữa!

Vẻ mặt không vui của Thu Đào lại khiến Lê Tuấn chú ý, chàng lại bắt đầu hỏi, mở đầu cho một cuộc tán tỉnh trá hình:

- Thật sự không muốn làm vợ vua hả?

- Ừ! Đã nói không muốn lấy người mình không yêu mà!

- Ta cược nàng sẽ yêu Hoàng Thượng! – Lê Tuấn đá lông nheo, giọng tự tin khẳng định.

Thu Đào bĩu môi:

- Dựa vào cái gì dám cược?

- Dựa vào nàng rất thích người khôi ngô tuấn tú!

Thu Đào lại liếc xéo chàng một cái rồi tiếp:

- Đâu phải cứ tuấn tú là yêu đâu trời! Ta dễ thương chứ đâu có dễ giải!

- Vậy thì tuấn tú rồi phải sao nữa mới yêu? – Lê Tuấn nghiêng đầu hỏi.

Bị hỏi bí, Thu Đào thẹn đỏ mặt mắng:

- Ngươi hỏi gì mà lắm thế!

- Thì hỏi để còn nói lại cho Hoàng Thượng nghe chứ sao? Nói đi, tuấn tú với sao nữa mới yêu?

Thu Đào nheo đôi mắt, nàng cười cười nhìn Lê Tuấn hỏi giọng ngờ vực:

- Hay là ngươi phải lòng cô nào, muốn ta quân sư cho?

Đôi mắt khẽ động đậy vì câu hỏi bất ngờ, Lê Tuấn mím môi gắng nhịn cười, đoạn nói:

- Ừ! Nàng... nói thử ta nghe với!

Lại lần nữa Thu Đào thấy hụt hẫng khó tả, nàng chớp chớp mắt nhìn Lê Tuấn rồi cố nặn ra nụ cười nhạt nhẽo. Cảm giác hờn mát thoáng qua làm Thu Đào thấy không vui, nàng cố gắng đưa ra những tiêu chuẩn thật khó khăn, mong sao tên thị vệ này biết khó mà lui, bỏ ý định đi tán tỉnh cô gái nào đó. Thu Đào khinh khỉnh nói:

- Phải tài giỏi!

- Ừ! Rồi sao nữa?

Thái độ tự tin của Lê Tuấn làm Thu Đào bỗng thấy hắn thật đáng ghét, nàng cong môi nói tiếp:

- Phải giàu có nữa!

- Ta cũng giàu có lắm! – Lê Tuấn lại đáp.

Thu Đào hậm hực tiếp tục đưa ra tiêu chuẩn:

- Phải ga lăng, phải dịu dàng, phải nuông chiều người ta, xem người ta quý hơn mạng sống...

Lê Tuấn mở to mắt đáp:

- Trừ "ga lăng" là gì ta không hiểu ra, những thứ khác ta đều có!

Vớ lấy chiếc tay nải trên bàn, Thu Đào chống tay lên hông lạnh nhạt nói:

- Ô! Ngon rồi! Vậy ngươi đi mà tán tỉnh con gái nhà người ta đi, chắc chắn thành công đó!

Xong, nàng quay lưng bỏ đi về phía hậu viện, không thèm chào Lê Tuấn một câu nào.

Lê Tuấn nhất thời không hiểu hành động đó của nàng có nghĩa là gì, nhưng chàng vẫn đuổi theo, vừa đi vừa nói:

- Ê! Nếu Hoàng Thượng có đủ những thứ đó thì nàng sẽ yêu Hoàng Thượng đúng không?

- Liên quan gì đến ngươi, sao mà hỏi lắm thế nhỉ?

Thu Đào không thèm dừng bước, nàng chạy một mạch về hậu viện mặc cho Lê Tuấn ở phía sau nói với theo:

- Dẹp Bồn Man xong chúng ta sẽ sớm gặp lại!

- Đi gặp ý trung nhân của ngươi ấy, gặp ta làm gì?

Bóng Thu Đào đã khuất hẳn sau bức tường hậu viện, nhưng câu nói cuối cùng của nàng vọng lại làm Lê Tuấn bất giác không nhịn được mà phát ra tiếng cười khoan khoái.

Đứng giữa hoa viên rực rỡ sắc hoa, tâm hồn của Lê Tuấn cũng bất giác mà rộn ràng hứng khởi. Chàng mãi miết nhìn về phía Thu Đào vừa khuất dạng, vừa tự cam kết với nàng, với chính mình:

- Ta sẽ trở về bình an, năm sau sẽ là đại hôn của chúng ta!

****

Thấy Lê Tuấn đi ngang qua, Lê Hạo nhanh chóng lách người nấp sau cánh cửa để tránh mặt. Giấu trong tay áo một bình thuốc nhỏ, bàn tay siết chặt lại thành nắm đấm, Lê Hạo mường tượng lại khung cảnh Thu Đào và Lê Tuấn chuyện trò vui vẻ lúc nãy mà nghe lòng chua xót. Bất giác, chàng vứt bình thuốc xuống đất đánh "bốp", mảnh sành vỡ tan tành dưới chân tựa như trái tim chàng giờ đây cũng đang bị phân ra nghìn mảnh. Lê Hạo tự chì chiếc bản thân:

- Là ta tự tay đẩy nàng ra xa, chính ta từ bỏ nàng trước! Ta không có quyền oán hận ai hết!

Lê Hạo quay lưng rời đi, đôi bàn chân bước nhanh như muốn trốn chạy, muốn bỏ lại phía sau tất cả quá khứ của mình và Thu Đào. Đang cúi đầu tiến thẳng ra cổng phủ đệ, chàng vô tình bắt gặp Thu Hằng đã đứng ở hành lang quan sát mình tự bao giờ. Thoáng vài giây bối rối, chàng lãng tránh ánh mắt của Thu Hằng rồi cứ thế bước đi không nói với nàng ta câu gì.

Lúc đó, Thu Hằng chạy ra nói với theo:

- Tối nay, hẹn gặp chàng ở cung yến!

Lê Hạo đang rảo bước thì bị câu nói làm khựng lại, chàng khẽ ngoáy đầu đáp:

- Ừ!

---- Hết chương 29 ----

Chú thích:

1.(*) Mộc miên: Tên cổ của cây hoa gạo.

2.(*) Khương hoàng: tên cổ của củ nghệ.

3.(*) Giảo hình: Xử treo cổ.

4.(*) "...kẻ bị phế làm thứ dân, người thì sinh sống ở ngoài cung": Mẹ của Lê Nghi Dân là bà Dương Thị Bí bị vua Lê Thái Tông phế làm thứ dân do ỷ sủng ái và sinh kiêu ngạo. Người sống ở ngoài cung là chỉ mẹ của Lê Hạo. Chi tiết này trong tiểu thuyết là có thật trong chính sử. Độc giả có thể tham khảo thêm Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, hoặc Đại Việt Thông Sử, khi viết đến giai đoạn triều Lê Sơ đều có nhắc đến việc bà Dương Thị Bí bị phế làm thứ dân, và việc bà Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao (Tức Ngô phu nhân trong tiểu thuyết) có lánh nạn ở chùa Huy Văn để sinh ra hoàng tử Lê Tư Thành (Tức Lê Hạo).

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro