Chương 31: Cung Yến

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cung yến bắt đầu được một lúc thì Thái Hậu xuất hiện từ phía tả Cần Chính Điện, bà chậm rãi bước đến ghế phụng bên cạnh vua, đứng trang nghiêm nhận lễ bái của quần thần. Thái Hậu năm nay chỉ mới ba mươi lăm tuổi, bà chọn lễ phục mùa hè màu xanh nước biển, gấu váy dài quá gót thướt tha. Trang sức trên người và trâm cài tóc cũng theo đó mà có màu xanh dương trong suốt lấp lánh, đặc biệt là ở giữa đỉnh đầu Thái Hậu có cài một con chim phượng bằng vàng sáng bóng, miệng nó ngậm một chuỗi trân châu dài đến giữa trán. Những hạt châu thượng hạng lấp lánh dưới ánh nến, đong đưa theo từng cử động nhịp nhàng của Thái Hậu tô điểm cho dung nhan của bà thêm phần diễm lệ. Thái Hậu có gương mặt xinh đẹp sắc sảo, nước da trắng ngần trông rất quyền quý cao sang, hẳn rằng đây cũng là vũ khí đã giúp bà đánh bại biết bao cung tần mỹ nữ của Thái Tông, một bước trở thành sủng phi bậc nhất, giành được cả ngôi Thái Tử về cho con trai chỉ trong một thời gian ngắn ngủi.
Vua và triều thần có mặt tại cung yến đồng loại đứng lên hành lễ với Thái Hậu. Bà cho tất cả miễn lễ rồi ngồi xuống cùng uống rượu ngắm trăng. Đoạn bà liếc mắt nhìn Nghi Dân lúc này đang mãi xem múa hát, rồi quay sang vua hỏi nhỏ:

- Hoàng Thượng vẫn muốn thân chinh đánh Bồn Man?

Vua gật đầu thưa:

- Đúng vậy! Mẹ đừng quá lo lắng, con tự đã có tính toán cả rồi!

Thái Hậu nhíu mày khuyên can con trai thêm một lần nữa, trước khi bà quyết định ra tay làm cái việc mình cũng không muốn lắm. Tay cầm chén rượu nhấp một ngụm, Thái Hậu nói:

- Sinh ra trong hoàng tộc phải biết cứng rắn bảo vệ bản thân và địa vị. Tình thủ túc trong gia đình đế vương chỉ là giả dối! Bang Cơ à, con quá lương thiện rồi! Ta nên diệt cỏ tận gốc thì hơn!

Lê Tuấn hiểu tính của mẹ, xưa nay bà đã vì con trai không ngại trừ khử nhiều kẻ có ý đồ phản nghịch, chàng đôi khi cũng không đồng tình cách xử lý lạnh lùng của Thái Hậu, nhưng nể mặt mẹ chàng đành nhắm mắt cho qua. Nhưng lần này thì khác, người Thái Hậu định ra tay là Nghi Dân, là anh cả trong lòng mình nên vị vua trẻ cảm thấy vô cùng bất nhẫn. Hơn nữa trước giờ Nghi Dân vẫn khéo che đậy, tạm thời vẫn chưa có chứng cứ hắn mưu phản, trong lúc này mà ra tay trừ khử thì không khéo vua sẽ mang tội tàn sát anh em, vết nhơ này sử sách ắt ghi, ngàn đời khó rửa! Vì vậy, vua vẫn muốn dùng một đối sách khác, sao cho vẹn toàn tình anh em, lại có thể giữ vững ngôi vị, nên bấy lâu vẫn phản đối việc Thái Hậu thanh trừng Nghi Dân. Sợ mẹ xuống tay sau lưng mình, vua nghiêm túc khuyên giải:

- Thưa mẹ, con nay đã đích thân chấp chính, việc của anh cả con đã tự có kế sách, nhất định sẽ kiềm chế được dã tâm của anh ấy mà không để triều ta phải mang tiếng xấu sát hại ruột thịt. Xin mẹ để cho con tự quyết lần này!

Biết trước con trai sẽ hành xử như vậy, Thái Hậu không biểu lộ cảm xúc gì, chỉ lại nâng chén uống cạn. Đoạn, bà đưa tầm mắt hướng ra xa, nơi có tên thủ hạ thân tín đang đứng lẫn trong đám đông đợi lệnh. Uống hết ba chung rượu liên tiếp chính là ám hiệu hắn ta đang chờ.

Thái Hậu vừa đặt ly rượu thứ ba xuống bàn, thì bên ngoài cổng Cần Chính Điện liền có một nhóm người thay phiên nhau kín đáo rút khỏi buổi tiệc. Lúc bấy giờ, ngồi bên cạnh vua, Thái Hậu đưa mắt bâng quơ ngắm nhìn khung cảnh rực rỡ ánh đèn, nói:
- Cung yến hôm nay bày trí rất đẹp! Bổn cung rất thích!

****

Buổi tiệc vào lúc náo nhiệt nhất, ai nấy đã ngà ngà hơi men nên không khí lại thêm phần tự do phóng khoáng, không còn bó buộc lễ nghi như lúc đầu. Nhạc công vừa tấu xong khúc nhạc "Thái Bình", viên thái giám dẫn dắt buổi biểu diễn liền thông báo tiếp theo là một điệu múa mang tên "Họa Trung Mỹ Nhân(*)". Tên vũ điệu vừa được xướng lên, lập tức từ hai bên tả hữu Cần Chính Điện xuất hiện những vũ công vô cùng xinh đẹp trong trang phục màu tím, kiểu tóc của họ cũng mô phỏng theo bức tranh chân dung Thu Đào mà vua vẫn treo ở tẩm điện. Lê Tuấn liếc xéo Đào Biểu, cười nói:

- Ông to gan lắm! Dám trêu ghẹo Trẫm?

Đào Biểu che miệng cười, cúi đầu thưa:

- Nô tài chỉ muốn thấy Hoàng Thượng cười một cái thôi mà!

Ai nấy đang say mê dán mắt vào những vũ công xinh đẹp đang uyển chuyển thân hình theo điệu nhạc, thì có thông báo rằng Thái Hậu ra lệnh mang rượu quý của hoàng cung ra thiết đãi toàn bộ triều thần. Mỗi bàn tiệc được tặng một bình Trúc Diệp Thanh (*), loại rượu nổi tiếng của phương Bắc, lúc tại thế tiên đế Thái Tông đã ban tặng cho bà một trăm vò nhân dịp sinh nhật mười tám tuổi.

Được ban rượu quý, quần thần đồng loạt đứng lên đáp lễ:

- Tạ ơn Hoàng Thượng, Thái Hậu. Chúc Hoàng Thượng, Thái Hậu thân thể an khang, Đại Việt muôn đời thịnh trị!

Không khí buổi tiệc từ lúc đó nhờ vào Trúc Diệp Thanh mà thêm náo nhiệt, thêm nồng nàn hứng khởi. Ai nấy đều hân hoan rót mời nhau, hết một chén lại một chén, kẻ ngắm trăng làm thơ, người ngắm hoa đối ẩm, hoan lạc vô cùng!

****

Trên con đường từ cổng Nam dẫn đến cung yến ở Cần Chính Điện, Thu Đào chạy phía trước cứ hết nhìn cái này đến ngắm cái kia, đến cung nào điện nào nàng cũng nán lại xem, chốc chốc lại đưa tay sờ lên những thân cột trụ được trạm trổ hình rồng hình phượng, háo hức như thể muốn đem tất cả hình ảnh tại đây lưu vào trí nhớ. Lê Hạo nhìn nàng tung tăng trong cung như một đứa trẻ lần đầuđược ra phố mà không khỏi bật cười. Thái độ tự tung tự tác của Thu Đào từ nãy đến giờ khiến các cung nữ qua lại vài lần để mắt, nhưng thấy có Lê Hạo đi cùng nên không ai tiện tra hỏi. Nhưng cứ như vậy mãi e là sẽ lộ chuyện, Lê Hạo mới dịu dàng nhắc:

- Này, nàng đang cải trang thành thư đồng của bổn vương đấy! Làm gì có thư đồng nào lại cứ đi trước bỏ chủ phía sau như nàng?

Thu Đào được nhắc thì "À!" một tiếng rồi nhảy chân sáo chạy đến đi bên cạnh Lê Hạo.

Nàng tranh thủ hỏi:

- Hoàng cung thật đẹp quá! Nhưng cung điện Đại Việt ta chọn màu chủ đạo là ngói xanh, chứ không phải là tường đỏ ngói vàng như tử cấm thành của Minh triều nhỉ?

Lê Hạo nghe nàng hỏi thì bất ngờ lắm, chàng khoanh tay trước ngực, thái độ vừa vui vẻ lại vừa nghi hoặc hỏi:

- Nàng cũng biết Tử Cấm Thành phương Bắc à? Ta thật là nghi ngờ nàng có đúng là đã mất hết ký ức hay không đấy! Thỉnh thoảng nàng vẫn là đại tiểu thư Thu Đào kiến thức uyên thâm mà ta đã từng biết nhỉ?

Thu Đào chép miệng giải thích:

- Ta tình cờ đọc được trong sách!

Khẽ gật đầu một cái, Lê Hạo mỉm cười giảng giải thêm:

- Ngói tráng men vàng là "Hoàng Lưu Ly", tráng men xanh gọi là "Thanh Lưu Ly", ở đây vẫn có một số cung điện được lợp ngói vàng, như là Cần Chính Điện, nơi đang diễn ra cung yến ấy!

Thu Đào hai mắt sáng lên, nắm lấy cánh tay Lê Hạo giật giật:

- Chúng ta mau đến đó xem thử đi!

Bàn tay Thu Đào vừa chạm nhẹ, đôi lông mày của Lê Hạo liền động đậy. Cảm giác ấm áp ngày còn bên nhau ở đâu lại trỗi dậy làm Lê Hạo nghe tim nhói buốt. Nhớ ngày ấy, mỗi khi có dịp bên nhau Thu Đào vẫn hay tựa đầu vào vai chàng kể hết chuyện này đến chuyện khác, lắm khi chàng quá bận bịu không nghe hết câu chuyện nhưng lâu lâu vẫn "ừ, à" để nàng không bị mất hứng. Mỗi lần phát hiện Lê Hạo đang không lắng nghe mình, Thu Đào chẳng những không giận mà còn tự tiết chế mình im lặng hơn một chút cho chàng đọc sách. Lê Hạo và Thu Đào, mỗi người nhường một bước, họ suốt ngày quấn quýt bên nhau không biết chán. Hạnh phúc chỉ một năm ngắn ngủi, nhưng Lê Hạo đã nguyện kiếp này khắc ghi mãi trong tim.

Đã lâu lắm chàng không có lại được cảm giác ôm ấp người yêu, nên chỉ cần cú chạm nhẹ, hơi ấm từ lòng bàn tay của Thu Đào phút chốc khiến Lê Hạo như bị thôi miên, chàng bất giác lại biến thành Lê Hạo trước kia của nàng, ánh mắt thiết tha cháy bỏng nhìn người con gái trước mặt, nói:

- Ừ! Nàng thấy vui là được!

Thu Đào nhảy cẩng lên sung sướng:

- Bình Nguyên Vương vạn tuế!

Hai từ "vạn tuế" vang lên bên tai làm Lê Hạo điếng người, chàng đưa tay bịt miệng Thu Đào, mắng:

- Nàng chán sống rồi sao? Chỉ có Hoàng Thượng mới xứng với hai từ "vạn tuế", nàng to gan nhưng ta thì không đâu, ta vẫn còn muốn sống để hiếu thuận với mẫu thân nữa đó!

Lúc bấy giờ, Thu Đào mới nhớ ra mình đang ở thời phong kiến, lại đang đứng giữa hoàng cung đại nội nên lời vừa thốt ra chẳng khác nào tự tìm cái chết, bèn rụt cổ gật đầu lia lịa. Gỡ tay Lê Hạo ra khỏi miệng, Thu Đào khép năm ngón tay lại đưa lên ngang mặt, vận dụng ngôn từ cổ điển mà thề rằng:

- Ta hứa sẽ ngậm miệng lại không "khẩu xuất cuồng ngôn" nữa!

Lê Hạo lắc đầu, tròng mắt đảo ngược lên trời biểu thị bất lực, đoạn lại liếc nàng một cái, nói:

- Nàng tự biết mình "khẩu xuất cuồng ngôn" à! Thật may quá!

Nói xong, chàng phất tay áo bước lên đi trước mặt Thu Đào. Dáng hình cao lớn với từng bước vững chải uy nghi của Lê Hạo lọt vào tầm mắt làm Thu Đào thoáng cười, nàng tự thì thầm:

- Hai chữ vạn tuế này, trước sau gì chàng cũng được thiên hạ tung hô thôi! Lê Tư Thành... chàng có phải là Sỹ Thành của sau này hay không cũng được, biết trước chàng sẽ bình an một kiếp thì ta vui rồi!

Tiến sâu vào bên trong hoàng cung, Thu Đào lại nhìn thấy khoảng sân trồng toàn là địa lan (*), hai bên trái phải cơ man là hoa lan đủ các màu đỏ, trắng, tím, vàng, tỏa hương ngào ngạt. Phải nói là nàng gần như chết ngất đi trước vẻ đẹp cổ kính mà rất lãng mạn ngọt ngào này! Theo lời Lê Hạo kể thì đây chính là vườn địa lan mà Hoàng Thượng yêu thích nhất, người thường đến đây đi dạo vào để giải toả mệt nhọc sau mỗi lúc thượng triều.

Thu Đào vừa nghe Lê Hạo kể chuyện, đôi mắt vừa lửng lơ giữa không gian đầy hoa cỏ, nàng trộm nghĩ:

- Thì ra Lê Bang Cơ là một người yêu hoa như vậy!

Băng qua vườn địa lan thì Cần Chính Điện lung linh chói mắt dần hiện ra. Càng đến gần thì dòng người qua lại càng tấp nập. Phải nói là lễ tiết cung đình quả thật rất rườm rà, cứ đi được vài bước chân thì lại nghe thấy cung nữ thái giám hành lễ với Lê Hạo:

- Bình Nguyên Vương vạn phúc!

Thu Đào nghe đến phát mệt, nhưng vẫn phải cố chịu đựng. Ấy là chưa kể đến việc lúc họ hành lễ với Lê Hạo. Thân là thư đồng, nàng cũng phải đan mười ngón tay lại đưa ra ngang ngực vái đáp lễ nếu như người ấy là cung nhân lớn tuổi hơn mình. Việc này trước khi vào Cần Chính Điện Lê Hạo đã báo trước để nàng tuân thủ phép tắc, tránh bị nghi ngờ. Nhưng dù có biết trước đi nữa nàng cũng không ngờ mình phải khuỵu gối bái lễ đến mệt lả thế này.

Hành lễ đến đôi chân mỏi nhừ, cuối cùng Thu Đào cũng đến được dãy ghế cuối cùng dành cho các vị quan có cấp bậc thấp. Lê Hạo loay hoay tìm cách làm sao để "hợp thức hoá" việc cho tuỳ tùng được ngồi xuống dùng yến cùng, thì may mắn làm sao chàng gặp được Đào Biểu trong lúc ông ta đi dò xét một vòng quanh buổi tiệc. Nhìn thấy Lê Hạo, Đào Biểu vội bước đến vái chào:

- Bình Nguyên Vương vạn phúc!

Thu Đào nhìn thấy vị quan già ăn mặc khá chỉnh chu, đoán biết là người có "số má" trong số các cung nữ thái giám nên lật đật vái chào đáp lễ.

Vừa nhìn thấy nàng Đào Biểu đã nheo nheo đôi mắt cố lục tìm trong trí nhớ xem đã gặp người này ở đâu. Không lâu sau đó, ông ta liền há mồm trợn mắt, nhìn sang Lê Hạo lắp bắp:

- À, à... Họa... họa trung mỹ nhân...

Lê Hạo gật đầu, chàng kín đáo liếc nhìn về phía vua đang ngồi trên ghế rồng, rồi kéo Đào Biểu ra một góc, thì thầm vào tai ông ta:

- Nhờ ông bẩm lại với Hoàng Thượng ta đã đến, nhưng tối đêm qua xem sách khuya quá nên mắt hơi cay, không tiện ngồi gần ánh đèn sợ chói mắt. Nhân đây ta có dắt theo người đã tặng đèn ông sao cho Thái Hậu! Mong được ban toạ!

Vẻ thậm thụt khó hiểu của Lê Hạo và Đào Biểu làm Thu Đào thấy tò mò, nàng muốn mở miệng hỏi lắm nhưng vì đã hứa với Lê Hạo rằng bước vào đây không được ăn nói tùy tiện, nên chỉ đành hậm hực đứng lặng thinh chờ nghe chàng căn dặn.

Lúc này, Thu Đào còn chưa biết tên của vị thái giám kia. Nàng cố lắng tai nghe ngóng nhưng tiếng ồn xung quanh cứ lấn át hết làm Thu Đào chẳng nghe thấy được gì. Lúc đó, bỗng dưng vị thái giám xoáy ánh mắt lên người mình từ đầu đến chân, rồi còn che miệng cười một cái mới bỏ đi. Thu Đào thấy ông ta nhìn mình cười nên cũng lịch sự nhe răng ra cho lịch sự. Rồi sau đó nàng không biết có phải do mình cười xấu quá hay không mà nét mặt ông ta liền tái nhớ, đầu thì cúi thấp xuống một chút vẻ cung kính lắm. Đoạn, vị thái giám liền tất tả bỏ đi nhưng có việc gì gấp lắm vậy.

Chỉ một loáng, chiếc bàn tiệc nhỏ đã được mang đến. Cung nữ hầu tiệc ai nấy mặt đẹp như hoa, liên tiếp thay phiên nhau mang đến cho Thu Đào nào điểm tâm hoa quả, thịt cá đủ loại, tổ yến, bào ngư... Tuy thức ăn có độ vài chục món, nhưng mỗi đĩa chỉ có một đến hai miếng, gắp một đũa đã hết sạch. Thấy Thu Đào vừa nhai vừa tiếc rẻ nhìn chiếc đĩa trống không, Lê Hạo liền hạ lệnh:

- Mang cho bổn vương mỗi món một đĩa loại lớn!

Thu Đào phồng má nhai nốt miếng thịt trong miệng, nhìn Lê Hạo đầy cảm kích. Nàng nuốt hết thức ăn trong miệng rồi thán phục nói:

- Ta cứ tưởng làm con gái nhà quan đã oai lắm, thì ra làm vương gia như chàng mới đúng là uy quyền ngút trời!

Lê Hạo chớp mắt khó hiểu hỏi:

- Uy quyền chỗ nào đâu?

Thu Đào cầm chung rượu hớp một ngụm, giọng triết lý nói:

- Chàng nghĩ ta ngốc hay sao? Ta chỉ là một thư đồng bé nhỏ theo hầu của Bình Nguyên Vương thôi mà vị thái giám lúc nãy có vẻ lễ phép với ta lắm. Hơn nữa chàng nhìn chung quanh xem, có ai là kẻ hầu người hạ mà được chễm chệ ngồi ghế dự yến như ta không? Toàn phải đứng hầu quạt hoặc cho lui ra ngoài điện chờ.

Ngưng lại nhấp thêm một ngụm rượu, Thu Đào vỗ vỗ vai Lê Hạo rồi đưa ngón tay cái lên, gật gù:

- Nhất Bình Nguyên Vương chàng rồi!

Lê Hạo phì cười, chàng lại đảo tròng mắt lên trời một vòng, rồi nhìn nàng hạ giọng dịu dàng:

- Ừ! Đêm nay nàng cứ thoải mái ăn uống vui chơi, không ai bắt tội đâu!

Thấy món ăn ngon thì sáng mắt, Thu Đào cứ theo cái lối ăn uống của một cô gái hiện đại mà dùng rất tự nhiên, lúc cho thức ăn vào miệng cũng chẳng thèm dùng ống tay áo che lại. Cung cách ấy làm Lê Hạo hơi hoảng một chút, chàng nhắc nhở:

- Này, nàng quả thật diễn rất tốt đấy, cải trang thành nam rồi thì ăn uống không dùng ống tay áo che miệng lại, giống hệt đàn ông bọn ta vậy à?

Thu Đào tiếp tục gắp lấy gắp để, nuốt vội miếng thức ăn xuống cổ xong liền sảng khoái nói:

- Quá khen! Ta mà diễn xuất thì ai cũng phải trầm trồ, nhìn đây này!

Lê Hạo nhìn theo ngón tay của Thu Đào đang trỏ xuống phía dưới mà bất ngờ đến nỗi ngụm rượu vừa hớp phải phụt ra hết cả. Không riêng việc ăn không che miệng, mà thế ngồi dạng chân thoải mái của Thu Đào cũng giống hệt một người đàn ông luôn. Nếu không để ý đến làn da trắng nõn và vóc người thanh mảnh của nàng thì thoạt nhìn không ai có thể nghĩ ra đây là một cô gái!

Vì biết rõ nàng là con gái nên Lê Hạo thấy mặt đỏ gay, chàng cố kiểm soát đôi mắt của mình hướng sang chỗ khác để không phải nhìn vào tư thế ngồi có hơi "lạ" của Thu Đào. Bởi dẫu sao Lê Hạo cũng là chàng trai thời phong kiến, với chàng mà nói thì việc nhìn con gái với tư thế này vẫn có chút bất tiện.

Lê Hạo hắng giọng ho vài cái cho đỡ ngượng, đoạn định gấp cho Thu Đào thêm miếng bánh thì một cung nữ mang theo chiếc khay bên trên có bình rượu nhỏ, nói:

- Hôm nay Thái Hậu ban thưởng Trúc Diệp Thanh, mời BìnhNguyên Vương và công tử!

Người cung nữ vừa đi khuất, Thu Đào đã hỏi ngay:

- Trúc Diệp Thanh là gì?

Lê Hạo rót cho nàng một chung, nói:

- Là một loại rượu quý của phương Bắc, sau khi lên men từ gạo thượng hạng xong còn phải ủ với lá trúc cho thơm, dưới ánh nắng còn có thể đổi sang màu xanh đẹp mắt, vì vậy mới có tên là Trúc Diệp Thanh!

Thu Đào hớn hở nâng ly hớp thử một ngụm, rồi nàng khoan khoái thốt lên:

- Không cay, mà thơm nữa!

Lê Hạo mỉm cười không nói gì thêm, chỉ lặng lẽ nhìn nàng đang vui vẻ dùng hết món này đến món khác, chốc chốc lại nhấp một ngụm rượu rồi ung dung xem ca múa, thỉnh thoảng lại vỗ tay bôm bốp tán thưởng các vũ công ra chiều thích thú lắm. Thu Đào hoàn toàn đắm chìm trong yến tiệc, nhiệt tình mà tận hưởng cứ như chẳng bao giờ lại có dịp dự yến lần thứ hai trong đời vậy.

****

Đêm dần lạnh, rượu cũng trong bình cũng đã vơi đi quá nửa. Người dự cung yến đã lác đác có kẻ uống say nên loạng choạng ra về.

Lê Nghi Dân lúc này đã chếnh choáng hơi men, cảnh vật trước mắt hắn bỗng nhòe đi một cách khó hiểu. Đoán mình đã say, Lê Nghi Dân nhóm người định đứng lên thì nghe tim trong lồng ngực bỗng đập thình thịch liên hồi. Hắn ngồi lại một lúc để định thần, nhưng mồ hôi trên trán lại vã ra như tắm, hơi thở cũng gấp gáp nặng nhọc hơn, cứ như thể vừa đánh nhau vài trăm hiệp với một gã lực sĩ cao to nào đấy. Nghĩ rằng do mấy đêm liền khó ngủ vì phải suy tính đường đi nước bước đối phó với việc đi dẹp Bồn Man, Lê Nghi Dân lệnh cho thuộc hạ chuẩn bị ra về.

Nghe vài câu cáo biệt lễ nghĩa của Lê Nghi Dân xong, thái hậu nhìn sắc mặt tái nhợt của hắn rồi ra chiều quan tâm, nói:

- Lạng Sơn Vương có vẻ đã say, hãy về điện Cảnh Linh nghỉ ngơi đi, sáng mai hẳn lên đường!

Lòng còn bộn bề phiền muộn, Nghi Dân muốn lập tức trở về bàn bạc với bà Dương Thị theo kế hoạch, nên từ chối lời đề nghị của Thái Hậu ngay:

- Mẫu thân ở nhà không khỏe, bổn vương muốn về sớm! Thất lễ cùng Thái Hậu vậy!

Nói xong, Lê Nghi Dân lại cảm thấy hoa mắt chóng mặt, đôi chân bủn rủn không còn chút sức lực nên càng muốn nhanh chóng rời cung để về nhà nghỉ ngơi. Hắn vội vã quay lưng không nói thêm câu nào.

Nghi Dân vừa rời khỏi được một lúc, các quan cũng nối tiếp nhau ra về gần hết. Người thưa thớt rồi, Lê Tuấn ngồi trên ghế rồng nhìn xuống hàng ghế cuối cùng mới thấy Thu Đàng còn mãi mê xem ca múa. Chàng bất giác mỉm cười, đoạn cáo lui với Thái Hậu rồi rời ghế về cung. Đi được một đoạn đủ xa để Thái Hậu không nghe thấy những gì mình nói, Lê Tuấn mới ghé tai Đào Biểu dặn dò:

- Nói Bình Nguyên Vương đợi trẫm ở cổng Nam nhé!

*****

Từ hàng ghế cuối cùng, Thu Đào tình cờ ngẩng đầu nhìn lên vừa lúc vua quay lưng đi ra về. Thoạt nhìn bóng lưng Hoàng Thượng trong bộ long bào, Thu Đào bất chợt thấy phảng phất thứ cảm giác quen thuộc khó hiểu, nhưng nhất thời nàng không nghĩ ra đó là cái gì. Chỉ biết rằng người nàng đang nhìn từ xa đó chính là Lê Bang Cơ, nhân vật mà nàng có lúc rất muốn gặp nhưng có lúc lại không muốn gặp nhất trên đời. Thở một tràng thật dài, nàng quay sang nói với Lê Hạo:

- Ta với Hoàng Thượng quả thật không có duyên đúng không? Ta đã đến tận đây nhưng lại không thể gặp mặt! Chưa biết chừng sau này tiến cung rồi cũng vậy, cả đời không có cơ hội diện kiến Người, rồi cứ vậy mà chết già trong cung mất!

Lê Hạo lại phì cười vì biết rõ ràng nàng và Hoàng Thượng chẳng những đã từng gặp mà còn đang dần dần trở thành một đôi trai tài gái sắc nữa kìa. Chàng nhìn Thu Đào an ủi:

- Không đâu, Hoàng Thượng chưa có cung tần nào cả, chắc chắn Người sẽ đối tốt với nàng nhất!

Nghe câu "chắc chắn Người sẽ đối tốt với nàng" mà lòng Thu Đào lo ngay ngáy. Nàng phóng tầm mắt về hướng vua vừa đi khuất, chép miệng than thầm:

- Chưa có phi tần nào luôn sao? Vậy là vào cung chắc chắc được gặp vua, chắc chắc được được phong tước vị nhỉ? Vậy thì khi chính biến... mình... sẽ thế nào đây?

****

Tiệc tàn. Đào Biểu lại xuất hiện, ông ta lại tiến đến ghé sát tai Lê Hạo thì thầm. Thu Đào xem dáng điệu đoán chừng ông ta đang có điều gì muốn nói riêng với Lê Hạo nên đã ý nhị đứng lên đi ra một góc mà chờ. Xong việc, Đào Biểu không quên tạm biệt Thu Đào vài câu sáo rỗng cho hợp quy tắc cung đình rồi cáo lui. Dáng vẻ thần bí của Lê Hạo làm Thu Đào thấy tò mò, nàng hỏi:

- Có phải chàng bận công vụ không? Thôi chúng ta chơi bấy nhiêu đủ rồi, về thôi!

- Ừ! Về thôi! – Lê Hạo lại đáp với một nụ cười.

Ra đến cửa Nam, Thu Đào đang thong dong sảy bước thì bỗng khựng lại, nàng nghiêng đầu để nhìn cho kỹ hơn rồi lên tiếng gọi:

- Lê Tuấn?

Nghe gọi, chàng trai trong bộ trang phục của ngự tiền thị vệ đang đứng tựa lưng ở cổng thành liền quay đầu lại, chàng mỉm cười chầm chậm đi về phía Thu Đào. Chỉ một loáng, Lê Tuấn đã xuất hiện trước mặt Thu Đào với bộ dạng nghiêm chỉnh trước nay chưa từng có. Chàng vận trên người bộ giao lĩnh đối khâm màu tím đậm, thắt lưng gọn gàng, ống quần được bó gọn trong đôi hia màu nâu sẫm, ống tay áo cũng được túm lại ở cổ tay bằng loại đai nịt mà các võ sĩ thường dùng. Bộ trang phục thị vệ này làm tôn lên đôi chân dài và dáng người cao lớn của Lê Tuấn, thanh kiếm vắt bên hông càng làm chàng thêm phần oai vệ.

Đang đứng ngây người ra mà nhìn, Thu Đào chợt bừng tỉnh vì bị cái một cái cốc trên đỉnh đầu. Lê Tuấn thu tay lại, híp mắt hỏi:

- Lại nhìn cái gì đó? Đã nói không được nhìn đàn ông như vậy rồi mà?

Mặt đỏ lựng, Thu Đào liếc xéo tên thị vệ đáng ghét, hậm hực nói:

- Lần này thì do trời tối quá, ta muốn xem cho kỹ có phải ngươi không thôi! Sao hay tự tin vậy quá!

Lê Tuấn khoanh tay trước ngực, khinh khỉnh nói:

- Ai to gan dám bao che cho nàng chạy đến đây chơi vậy?

Lê Hạo nãy giờ đứng phía sau lưng Thu Đào, thấy mình bị réo tên bèn chấp hai tay trước ngực, thè lưỡi nheo mắt tỏ ý xin Lê Tuấn đừng trách tội.

Thu Đào không chịu nhịn, chống tay lên hông nói:

- Ta theo hầu Bình Nguyên Vương đấy! Ai dám hỏi tội?

Lê Tuấn quay lưng về phía nàng rồi ung dung sảy bước, vừa đi vừa nói giọng không thèm chấp nhặt, nói:

- Bây giờ thì không ai đến bắt tội, nhưng nếu còn nán lại đây đến lúc quá giờ giới nghiêm thì quan binh đến lôi vào ngục ngay đấy!

Hơi chột dạ, Thu Đào quay sang Lê Hạo, hỏi:

- Làm Bình Nguyên Vương có được phép ở cổng thành giờ giới nghiêm không?

Lê Hạo thật thà:

- Trừ khi có công vụ gì đặc biệt mới được phép!

Thu Đào lại tiếp:

- Vậy chàng đang có công vụ gì đặc biệt không?

- Không có! – Lê Hạo đáp.

Nuốt nước bọt đánh ực, Thu Đào ngó quanh một lượt rồi lấm lét kéo tay áo Lê Hạo chạy băng băng, khi chạy ngang qua tên thị vệ đáng ghét, nàng còn cố ý tăng tốc vượt mặt hắn cho bỏ tức.

Cảnh tượng Thu Đào kéo tay người con trai khác làm Lê Tuấn sa sầm nét mặt, chàng lập tức đuổi theo sau. Khi đã bắt kịp, Lê Tuấn cố tình húc vào vai Thu Đào làm nàng ngã dúi dụi ra phía trước. Suýt chút nữa là bị ngã sấp mặt, Thu Đào chỉ tay vào mặt Lê Tuấn, mắng:

- Cái tên thị vệ này, ta vào cung rồi điều đầu tiên nói với Hoàng Thượng là đem ngươi đi tịnh thân làm thái giám!

Lê Tuấn không thèm cãi lại, chàng bày ra vẻ mặt thần bí rồi rút trong thắt lưng ra một bó gì đó tựa như bó nhang. Thu Đào dụi dụi mắt nhìn rồi hỏi:

- Định quỳ lại xin ta ta cho à?

- Còn lâu! – Lê Tuấn hất hàm đáp.

Đoạn, chàng dùng con cúi đánh lửa mồi vào bó nhang. Lúc bấy giờ, ánh lửa loẹt xoẹt từ trong đó phát ra mỗi lúc một lớn hơn kèm đủ thứ sắc màu văng ra tung tóe. Nhận ra đó chính là một bó pháo sáng cầm tay, Thu Đào bèn hí hửng nhảy bổ đến:

- Ê! Trò này vui nha! Cho ta một cây!

Lê Tuấn lại bỏ chạy, nói:

- Gọi "anh" một tiếng nghe chơi, rồi ta cho!

Thu Đào đanh mặt, đuổi theo mắng tiếp:

- Tên thị vệ gan to bằng trời này...

Ở đằng sau, Lê Hạo vẫn lặng lẽ theo sát họ mà không nói câu nào. Lúc đó, chàng mới nhận ra từ lúc đón Thu Đào ở phủ Điện Tiền đến khi cung yến kết thúc, thời gian chỉ qua có hơn một canh giờ nhưng chàng thấy mình cười rất nhiều lần. Cái cảm giác rộn ràng trong lòng làm bờ môi nhếch lên đó chỉ khi ở cạnh Thu Đào mới có được. Đưa ngón tay chạm lên môi mình, Lê Hạo thẫn thờ tự hỏi:

- Đã bao giờ ta cười mà không có nàng chưa nhỉ?

****

Trăng lên cao trên đỉnh đầu, phố xá đã vắng thưa chỉ còn lác đác vài gian hàng bên vệ đường đang chuẩn bị đóng cửa. Con phố yên ắng bỗng bị khuấy động bởi tiếng vó ngựa lộc cộc, một cổ xe ngựa xuất hiện từ cổng chính hoàng cung đang nhằm cửa Bắc mà đi bất chấp trời mỗi lúc một khuya.

Lê Nghi Dân ra khỏi cổng hoàng thành được chừng một dặm đường thì đầu óc càng lúc càng quay cuồng, cơ thể nóng rang, môi khô đến bật máu. Hắn phải chật vật bám chặt vào ghế cho khỏi ngã mỗi khi qua đoạn đường gồ ghề. Cảm giác bất an kéo đến khi Nghi Dân mỗi lúc một cảm thấy cơ thể khó chịu hơn, hắn đang cố trấn tĩnh để suy nghĩ xem rốt cuộc chuyện gì đang xảy ra. Thì bỗng cổ xe chao đảo, tiếng con ngựa đầu đàn hí thất thanh làm tai hắn đau nhức. Một tên tuỳ tùng đứng ngoài cổ xe hổn hển cấp báo:

- Vương gia... Có lẽ chúng ta... đã bị hạ độc...!

Nghi Dân nghe thấy đôi mắt liền trợn ngược thất kinh, hắn dùng hết sức lực còn lại mở cửa ra xem tình hình. Trước mắt hắn là hơn hai mươi tên cận vệ kẻ ngồi người nằm la liệt dưới mặt đường, ai nấy đều không còn chút sức lực, giống hệt cảm giác của bản thân hắn hiện tại. Biết chắc có chuyện chẳng lành, Nghi Dân định ra lệnh cho thủ hạ mau chóng đến ngay phủ đệ của Tân Bình Vương Khắc Xương ở gần đó để lánh nạn. Nhưng chưa kịp phản ứng gì thì...

... Vút!

Một mũi tên từ đâu trong không trung xé gió lao đến, nhắm thẳng vào yết hầu Nghi Dân...

---- Hết chương 31----

Chú thích:

1. (*) Trúc Diệp Thanh là loại rượu quý xuất xứ từ Phượng Hoàng Cổ Trấn của Trung Quốc, được sản xuất từ rất nhiều thảo dược quý lên men cùng gạo nếp, sau đó chúng sẽ được ủ với lá trúc, tạo nên vị ngọt nhẹ tinh khiết và mùi thơm kích thích vị giác. Không chỉ vậy, điểm đặc biệt nhất của loại rượu này chính là khả năng biến hoá màu sắc vô cùng độc đáo, thông thường rượu sẽ có màu vàng nhạt, cho đến khi đặt dưới ánh mặt trời thì rượu sẽ chuyển sang màu ánh xanh lạ mắt. Đây là loại thượng phẩm ngày xưa chỉ có vua chúa mới được dùng.

2. (*) Địa lan: Những loài hoa lan mọc trên đất hay kẽ đá.

3. (*) Họa Trung Mỹ Nhân: Người đẹp trong tranh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro