Chương 27: Hỏi Tội

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lê Hạo trở về phủ Điện Tiền lúc sương đêm đã dày, gia nô trong phủ chỉ còn lác đác vài người đang làm nốt những việc lặt vặt cuối ngày. Một mình ra ngồi ở đình hóng mát, Lê Hạo tựa lưng vào thân cột vẫn còn thơm mùi gỗ, ngồi hướng mặt về khu hậu viện nơi có phòng ngủ của hai chị em Thu Đào. Cảnh đêm hồ thủy đình của phủ Điện Tiền thơ mộng đến mức làm chàng mãi ngắm đến lặng người. Trong mắt Lê Hạo phản chiếu một màu trăng nước mênh mông, thỉnh thoảng những chú cá vàng nghịch ngợm rượt đuổi nhau làm sóng gợn lăn tăn, trăng tròn vành vạnh in trên mặt nước cũng vì thế mà nhòe đi trong phút chốc.

Dưới ánh trăng mờ ảo, váy áo của Thu Hằng phất phơ theo nhịp bước chân nàng đang dần tiến đến gần Lê Hạo, trông xa xa vóc dáng nàng yểu điệu thướt tha tựa nhành liễu buông mình theo làn gió. Bước đến trước mặt chàng, Thu Hằng nhẹ nhàng hỏi:

- Chàng nhắn em đến có việc gì chăng?

Lê Hạo giữ nguyên tư thế ngồi tựa lưng, chàng nhìn thẳng vào mắt Thu Hằng vài giây làm nàng thoáng ngại ngùng cúi đầu. Phất tay ra hiệu cho Thu Hằng ngồi xuống bên cạnh, Lê Hạo phóng tầm mắt lên bầu trời tiếp tục ngắm cảnh đêm một lúc, đoạn trầm giọng hỏi:

- Nàng còn nhớ ta từng nói rằng, nàng có cả ngôi đình hóng mát rồi, hà tất tranh giành một chiếc ô với người khác?

Vốn là người giỏi che đậy tâm tư, Thu Hằng nghe xong tuy có chút gợn sóng trong lòng nhưng nét mặt vẫn bình thản, cứ như thể nàng là kẻ ngoài cuộc đang lắng nghe câu chuyện của ai đó.

Thái độ kín kẽ của Thu Hằng làm Lê Hạo không tìm ra sơ hở nào. Lúc bấy giờ chàng mới cử động cánh tay, bốc lấy một nắm thức ăn rải xuống hồ cho cá, rồi lại tiếp:

- Từ mai chuyện thuốc thang của Thu Đào sẽ do Nguyễn phu nhân coi sóc, nàng có thời gian hãy đọc sách học nữ công đi. Hoặc tranh thủ chăm sóc cha mẹ nhiều hơn, năm sau về với ta rồi sẽ ít cơ hội được thăm nom người nhà lắm đấy!

Dù đang trong tâm thế phòng bị vì thái độ khó đoán của Lê Hạo, nhưng khi nghe nhắc đến việc cưới xin của cả hai, Thu Hằng liền không giấu nỗi niềm vui sướng, ánh mắt long lanh ngấn lệ, nàng ngập ngừng:

- Chàng... chàng thật lòng muốn cưới em?

Nhìn thẳng vào mặt Thu Hằng, Lê Hạo hạ giọng xác nhận lời cầu hôn nhưng không hề có chút ngọt ngào nào, mà trái lại còn giống một lời cảnh cáo hơn:

- Phải! Nàng đáng lẽ chỉ nên chuẩn bị làm vương phi của bổn vương, chứ không phải mất công toan tính điều gì với Thu Đào nữa đâu!

Bị lời lẽ sắc bén của Lê Hạo làm cho kinh ngạc đến ngẩn người, sắc mặt Thu Hằng chuyển từ vui mừng sung sướng sang tức giận cay cú, nàng bật cười chua chát rồi hỏi giọng oán trách:

- Ý chàng là gì? Ai toan tính với chị ấy? Chàng sợ em vì tranh giành tình cảm mà làm hại Thu Đào à?

- Không phải như vậy sao? – Lê Hạo nói giọng chắc nịch, ngầm khẳng định mình đã biết rõ Thu Hằng là người giở trò trong thuốc.

Thu Hằng đanh mặt lại, cứng cỏi nói tiếp:

- Bằng chứng gì mà chàng khẳng định em làm gì trong thuốc của chị ta chứ?

Đến lúc này, Lê Hạo nửa thấy nhẹ nhõm vì đã tìm được thủ phạm, nửa lại chua xót dằn vặt vì nguyên nhân sâu xa của mọi bất hạnh trên thân thể người yêu đều do mình mà ra. Hơi thở bật ra dài thườn thượt, chàng khẽ cười thâm sâu, hỏi lại:

- Ta nói nàng giở trò trong thuốc của Thu Đào bao giờ?

Biết mình đã bị lừa tự thú nhận hành vi bất chính nhưng Thu Hằng vẫn cố chấp không chịu nhận lỗi. Nàng ta mím môi cố tìm ra sơ hở trong lời cáo buộc của Lê Hạo rồi mạnh dạn phản bác:

- Chàng nói rằng thuốc thang của Thu Đào đã có mẹ lo, lại nói em không cần phí công toan tính với chị ta, lời vu khống rành rành ra đấy, chàng còn muốn chối?

Thấy Thu Hằng cứng đầu không chịu nhận lỗi, trái lại còn trách cứ đối phương nghi oan cho mình, Lê Hạo có chút thất vọng về cô gái mình sắp làm vợ, chàng cau mày nghiêm nghị nói:

- Nàng không biết hối cãi, lại còn dám trách bổn vương vu khống?

- Trừ khi chàng có bằng chứng, nếu không chàng đúng là đang vu khống em! – Thu Hằng bướng bỉnh đáp trả.

Lê Hạo không còn kiên nhẫn nữa, chàng lớn tiếng gằn giọng:

- Nếu bây giờ nàng nhận lỗi ta sẽ kiên nhẫn nghe nàng giải thích, còn nàng vẫn ngoan cố chối tội thì lúc tìm ra chứng cứ đừng trách bổn vương không niệm tình...

Hai mắt Thu Hằng đã ướt nhòe, nỗi uất ức tràn ra không kiểm soát được nữa, nàng gào lên cướp lời:

- Được, cứ cho là em đã hãm hại Thu Đào đi. Là em ghen tức vì chàng cứ nhất mực chung tình với chị ấy, là em lòng dạ độc ác muốn Thu Đào mãi mãi không khôi phục ký ức, không cho hai người nối lại tình xưa! Như thế đã vừa ý chàng chưa? Chàng muốn trị tội em thế nào thì cứ việc, chàng nghĩ em thế nào thì cứ cho là như vậy đi, chúng ta không lấy nhau nữa cũng được, vì em thà cô độc suốt đời cũng không muốn làm vợ một người không hề tin tưởng mình!

Nói xong, Thu Hằng ôm mặt khóc như mưa, ánh trăng vàng vọt rọi xuống những giọt nước mắt trên má làm nàng có vẻ tiều tụy hơn thường ngày. Lê Hạo bị nước mắt và những lời thú tội đầy ghen hờn nhưng chứa đựng tình cảm sâu sắc làm cho bối rối. Chàng bất giác đứng yên như pho tượng, bàn tay khẽ động đậy muốn đưa lên lau nước mắt trên má nàng nhưng không biết sao lại thôi.

Mãi một lúc Lê Hạo mới khổ sở thốt lên được vài lời không đầu không cuối:

- Ta có đáng gì khiến nàng phải trở nên như vậy...

Cố kiềm tiếng nấc trong cổ họng, Thu Hằng uất ức nhấn mạnh từng chữ một:

- Đáng hay không là tự em quyết định, chàng không thể xen vào được. Còn nữa, từ đây chàng hãy trông chừng Thu Đào cho thật kỹ, sơ hở ra em sẽ ăn thịt chị ấy đấy!

Ném lại cho Lê Hạo ánh nhìn oán trách, Thu Hằng quay đầu bỏ chạy một mạch về phía hậu viện. Tiếng gọi với theo phía sau lưng cũng không làm nàng nể mặt mà ngoảnh lại lấy một lần.

- Thu Hằng, đợi đã!

Còn lại một mình trong đình hóng mát, Lê Hạo bực tức đấm tay xuống mặt bàn một cái mạnh đến rướm máu. Chàng vẫn canh cánh trong lòng việc đã hại Thu Đào phẫn uất quá mà nhảy xuống hồ cẩm lý, nay lại thêm tội biến cô gái đơn thuần ngây thơ như Thu Hằng thành một kẻ mưu mô chỉ vì tranh giành tình cảm với chị mình. Tất cả đều khiến Lê Hạo tự xem mình là kẻ tội đồ, chàng tự phán xét chính mình mới là hung thủ gây ra mọi chuyện.

Ngửa cổ uống cạn chén rượu, Lê Hạo cười nhạt thếch rồi đanh mặt lại tự nhủ:

- Ta là đồ vô dụng, việc lớn chưa xong lại suốt ngày muộn phiền vì nữ nhi thường tình! Thu Hằng có phải thủ phạm hay không có gì quan trọng đâu, lấy nàng ta làm vợ để trả nợ ân tình cho Nguyễn Trãi, củng cố thế lực để bảo vệ cho mẹ mới là quan trọng!

*****

Tựa lưng ở bức tường ranh giới giữa hậu viện và khuôn viên hồ thủy đình, tỳ nữ Xuân Hoa đã nghe toàn bộ câu chuyện và hồi hộp đứng chờ chủ trở về bàn kế hoạch bước tiếp theo. Thu Hằng vừa bước ra khỏi tầm mắt Lê Hạo liền đưa tay lau sạch nước mắt, chỉ trong khoảnh khắc đã trở lại nét lạnh lùng bình thản. Xuân Hoa thấy chủ đến thì mừng rỡ chạy lại dùng đèn lồng soi đường cho nàng ta đi. Chờ mãi không thấy Thu Hằng có dặn dò gì, Xuân Hoa bồn chồn hỏi:

- Nhị tiểu thư, nếu bị phát hiện chúng ta phải làm sao đây? Cô nhớ hãy bảo vệ cho em, em sợ sẽ bị ông đánh chết!

Thu Hằng hừ lạnh một tiếng rồi phát ra giọng cười khinh khỉnh:

- Thì ta đã thừa nhận với chàng hết rồi đấy, chàng có làm gì ta đâu? Vả lại viễn chí không độc chết người được, ngươi lo cái gì?

Xuân Hoa lại ngập ngừng hỏi:

- Đúng là cô đã thú nhận với Bình Nguyên Vương, nhưng cô nói như vậy không giống thú tội, mà giống giận dỗi hơn...

Bằng giọng điệu chế giễu cô tỳ nữ nhát gan, Thu Hằng lại nhếch mép cười:

- Thì đã sao? Ta đã nhận tội rồi, do chàng không tin và nghĩ là ta đang giận dỗi thôi! Là chàng có lỗi với ta trước, dù ta có làm gì sai trái thì cũng do bị chàng ép, người nên dằn vặt chính là chàng mới phải!

Lúc bấy giờ, Xuân Hoa mới thở phào nhẹ nhõm. Tuy lòng thầm thán phục cô chủ thông minh nhưng cô bé lại không tránh được nỗi sợ hãi đối với người có tâm cơ sâu xa như Thu Hằng. Thân phận nàng hầu nhỏ nhoi, theo hầu ai thì phải một lòng một dạ với người nấy nếu không muốn bị đuổi về quê hoặc bị đánh chết, dù đôi khi Xuân Hoa không muốn lắm nhưng cũng phải tiếp tay giúp cô chủ gây bất lợi cho Thu Đào. Cố nén tiếng thở dài bất nhẫn, Xuân Hoa cúi đầu lầm lũi tiếp tục soi đèn cho chủ đi, lòng không ngừng oán than cho thân phận thấp hèn của mình, thấp hèn đến mức không có cái quyền được sống đúng với ý nguyện của bản thân.

Về phần Thu Hằng thì đang đắc ý lắm vì đã diễn xong vở kịch cô gái bị người yêu nghi ngờ và vu oan vô cùng xuất sắc. Nàng ta đưa tay chạm vào đôi mi hãy còn ướt đẫm của mình mà hài lòng tự nhủ:

- Chuyện viễn chí đã như vậy rồi mình không thể tiếp tục dùng thuốc khiến Thu Đào ngủ quên được nữa. Dùng cách khác để ngăn Thu Đào đi dự cung yến vậy!

*****

Trời vừa hửng sáng, Thu Đào đã thấy tinh thần sảng khoái khác thường. Nhìn bát thuốc ráo hoảnh mình đã lén đổ đi đêm qua, nàng càng thêm chắc chắn sự ngáy ngủ mấy hôm liền là do kẻ nào đó cố ý muốn ám hại. Nhưng mỗi lần nghĩ đến đây thì Thu Đào lại không thể hiểu nổi vì sao người đó lại chỉ muốn mình ngủ gà ngủ gật? Thường thì hạ độc thì muốn lấy mạng chứ nhỉ?

Suy đi nghĩ lại, Thu Đào vẫn thấy phủ Điện Tiền không còn là nơi an toàn nữa, qua vài hôm nếu Lê Tuấn không nghĩ ra cách gì thì nàng phải tự tìm đường thoát thân thôi!

Vươn vai một cái để đón chào ngày mới, Thu Đào thay y phục bước ra sân để làm nốt những chiếc lồng đèn, hi vọng trước khi rời đi sẽ để lại một món quà nhỏ đền ơn hai vợ chồng Nguyễn Đức Trung thời gian qua đã xem nàng là con ruột mà đối đãi rất hậu.

Cửa phòng vừa mở, tiếng chuyện trò rôm rả trước sân đã ập đến khiến Thu Đào không khỏi ngạc nhiên. Ở ngoài kia dường như mọi người đã dậy từ rất sớm và mãi bận rộn giúp nàng hoàn thành nốt những chiếc lồng đèn còn lại. Và sáng nay Thu Hằng đã có mặt đúng như lời tối đêm qua nàng ta đã nói. Thấy chị gái từ trong phòng bước ra, Thu Hằng liền đon đả nói:

- Chị dậy sớm hơn thường ngày đấy, chắc bệnh tình đã khá lên rồi!

Nhìn thái độ thân thiện hiếm có của cô em gái, Thu Đào có chút chột dạ nhưng vẫn đáp:

- Ừ, hôm nay thấy tinh thần tốt lên rất nhiều!

Thu Đào nói xong bèn ngồi xuống tiếp tục công việc, nàng cầm những cây tre đã được vót sẵn và phơi qua một nắng lên, so đi so lại cho bằng nhau rồi định dùng dây buộc chúng lại thành hình ngôi sao. Lúc đó, một thứ mùi lạ len lõi vào mũi làm Thu Đào chú ý, nàng hít hít vài cái rồi lên tiếng hỏi:

- Có ai ngửi thấy mùi gì lạ giống ta không? Mùi hơi thơm thơm, giống như... xà bông Lifeboy nhỉ?

Thu Đào vừa dứt lời thì mọi ánh mắt đổ dồn về phía nàng đầy khó hiểu, Xuân Mai lại dùng thái độ "học hỏi" như mọi khi mỗi lần nghe từ vựng mới, cô bé nghiêng đầu hỏi:

- Hả? "Lai..." gì cơ?

Lúc bấy giờ Thu Đào mới sực nhớ ra ở thời này chưa có thứ gọi là "xà bông Lifeboy", mỗi lần tắm cô đều được Xuân Mai đưa cho một loại bột khô du nhập từ phương Bắc gọi là "đậu tắm", bèn nói:

- À, có ai ngửi thấy mùi gì thơm thơm không? Như là mùi đậu tắm ấy!

Nghe xong, Thu Hằng liền "à" lên một tiếng rồi phất tay ra hiệu cho tỳ nữ mang một rổ khoai có nhiều củ đã bị cháy đen ra, rồi cười cười nói:

- Chắc chị ngửi nhầm, vì bây giờ chỉ có cái mùi khoai nướng này là lấn át hơn cả. Sáng nay em định tự tay nướng khoai cho cả nhà, ngờ đâu mãi dán lồng đèn mà bỏ quên cho đến cháy đen thế này. Cũng may là còn ăn được!

Bị mùi khoai nướng thơm lựng xộc vào mũi lấn át, Thu Đào chẳng còn ngửi thấy mùi thơm thoang thoảng lúc nãy nên bất giác cũng tự cho rằng mình nhầm lẫn. Đưa tay nhón lấy một củ bóc vỏ, Thu Đào vừa nhai vừa nói giọng chưa hết nghĩ ngợi:

- Mùi khoai à, hình như không đúng lắm, nhưng mà... có thể là chị ngửi nhầm chăng?

Thu Hằng che miệng cười, nàng ta cầm rổ khoai mời hết mọi người đang có mặt khiến ai nấy đều ngạc nhiên vì sự thân thiện hiếm có của cô nhị tiểu thư vốn tính kiêu kỳ, thêm vào đó là mùi khoai lang nướng rất thơm đã thật sự lấn át thứ cảm giác thoáng qua, ai nấy cứ vô thức quên đi mùi hương lạ lẫm đang luẩn quẩn đâu đây. Đến cả Thu Đào cũng bị đánh lạc hướng, vốn tính đơn thuần và cũng không có thời gian mà nghĩ ngợi chuyện bâng quơ nên nàng đã bất giác cho qua chi tiết lạ lùng này. Nàng có biết đâu đây cũng chính là một nguồn cơn nhỏ nhưng dẫn đến mối nhân duyên đặc biệt giữa nàng và ba vị quân vương thời Lê Sơ.

*****

Mỗi năm đến dịp Trung Thu, chiều ngày mười bốn tháng tám âm lịch Nguyễn Đức Trung đều dắt theo vợ con đến chùa Huy Văn thắp hương. Hôm nay cũng thế, sau một ngày cố sức làm cho xong lồng đèn, hai chị em Thu Đào lại theo cha mẹ đến viếng thăm chùa và gặp gỡ Ngô phu nhân – mẹ của Lê Hạo.

Trong lúc chờ cha mẹ hàn huyên cùng Ngô phu nhân, Thu Đào vốn tính hiếu động không thể ở yên một chỗ quá lâu nên có rủ rê Thu Hằng đi thăm thú một vòng, nhưng Thu Hằng đã quá quen với chùa Huy Văn từ nhỏ rồi, đâu có gì đáng để xem nữa nên đã từ chối. Hơn nữa, Thu Hằng và Ngô phu nhân còn là mẹ chồng nàng dâu trong tương lai, nàng ta chỉ muốn kề cận bà để lấy lòng, tuyệt nhiên chẳng có hứng thú rong chơi cùng cô chị lắm trò để làm gì.

Chùa Huy Văn này chỉ hấp dẫn với mỗi Thu Đào thôi. Lần trước đã đến đây một lần tìm giá nến hoa đào nhưng tiếc thay thời gian cách nhau quá lâu, cảnh vật nơi này khác xa với chùa Thánh Chúa đã khiến Thu Đào không có cách nào tìm ra gian phòng và chiếc giá nến, hôm nay lại có dịp đến viếng thăm nên nàng lại muốn thử vận may một lần nữa.

Sau khi xin phép cha mẹ, Thu Đào một mình thong dong dạo bước trên con đường chính từ sảnh điện của chùa ra bên ngoài khoảnh sân nơi có hồ cẩm lý. Trăng thanh gió mát, cảnh vật thời phong kiến đẹp như thơ như mộng đã bao lần khiến Thu Đào có lúc nghi ngờ mấy tháng qua mình do quá nhớ thương Sỹ Thành nên đổ bệnh rồi sống trong mơ. Nhưng mọi cảm xúc và con người nơi này quá đổi chân thực khiến nàng phủ nhận ngay ý nghĩ của chính mình.

Ném hòn đá xuống mặt hồ đánh "tõm" một tiếng, Thu Đào ngồi vắt vẻo trên gia kiều (*) vừa ngắm cảnh vừa nghĩ ngợi xem ông trời rốt cuộc muốn gì mà lại đẩy mình về thời đại này. Tuy ở đây rất nhiều thứ hấp dẫn cần khám phá, nhưng lâu ngày e là sẽ vướng phải rắc rối, chẳng hạn như gặp lại Sỹ Thành trong hình hài của Lê Hạo để rồi động lòng với chàng nhưng biết trước sẽ chẳng đi đến đâu, rồi lại còn phải làm cung tần cho Lê Bang Cơ, nếu kéo dài để đến lúc thật sự tiến cung thì có lẽ phải chịu chung số phận với vị vua bất hạnh. Đó là chưa kể đến việc nàng đã gặp lại Phúc Nguyên với thân phận là Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân, mà gay cấn hơn nữa chính nàng lại đã cứu hắn một mạng, nên ngẫm ra nàng chính là người gián tiếp hại chết Lê Bang Cơ... Mối quan hệ nhập nhằng với ba nhân vật lịch sử này bất giác khiến Thu Đào sởn gai ốc, nàng lắc lắc cái đầu cho những mối suy nghĩ ngổn nang văng ra khỏi não, đoạn lại tự nhủ:

- Chi bằng sớm tìm cách trở về, ta lại tiếp tục là Trà My!

Rời khỏi gia kiều trên bờ hồ, Thu Đào lại tiếp tục nhắm hướng cổng chùa mà đi. Dừng lại ở khoảnh sân mà nàng cho là vị trí của ba cây muỗm sẽ có sau này thì dừng lại, Thu Đào khoanh tay quan sát tiếp toàn cảnh khuôn viên của ngôi chùa một lượt nữa mong tìm ra manh mối.

Trãi qua gần sáu trăm năm, cách bày trí ở đây thật sự khác xa với chùa Thánh Chúa, cổng chùa bây giờ cũng chưa có ba cây muỗm to như ở năm 2022, nàng không còn nhận ra phòng nào là phòng nào cả, càng rắc rối hơn là nàng chỉ mới đến chùa Thánh Chúa duy nhất lần đó, đâu có thông thạo ngóc ngách gì đâu? Tìm ra căn phòng nơi có giá nến thật là khó như mò kim đáy bể.

- Hay là cứ đi từng phòng một, chỗ nào có nơi thờ Phật là ta lại đến đó tìm giá nến vậy!

Nghĩ là làm, Thu Đào đi hết ba bốn vòng lớn khắp chùa nhưng vẫn không có kết quả gì. Rốt cuộc nàng lại trở về trước cổng nhìn vào khoảng trống rộng hơn một trăm mét vuông trước mặt rồi hình dung lại khung cảnh chùa Thánh Chúa, hi vọng định vị được nơi mình muốn tìm:

- Lẽ ra từ chỗ này là sẽ gặp ba cây muỗm, rồi đến cánh cửa bước vào điện thờ chính của chùa, sau đó đi sâu vào năm gian phòng, rẽ phải sẽ gặp ngay căn phòng đó, tại sao bây giờ chỉ là một bãi đất trống, trơ trọi một hồ cá và đình hóng mát được xây trên mặt hồ?

Trong lúc đó, khuất sau đình hóng mát trên hồ cẩm lý có một dãy phòng nhỏ lọt vào tầm mắt Thu Đào, nàng hí hửng nghĩ thầm:

- Nếu phỏng đoán theo vị trí căn phòng đó ở tương lai, thì là đằng kia à?

Thu Đào vừa vui mừng vừa hồi hộp muốn khám phá dãy nhà mà nàng cho rằng tương lai nó chính là cái điện thờ có giá nến hoa đào, bèn rảo bước thật nhanh như thể chậm chút nữa là giá nến sẽ biến mất vậy.

Trời nhá nhem tối.

Căn đầu tiên của dãy phòng cửa chỉ khép hờ, Thu Đào nghiêng đầu nhìn vào quan sát. Bên trong bày trí đơn giản, chỉ có ba giá sách, bàn viết chữ bày sẵn bút nghiên, một bàn trà với bộ ấm tách bằng gốm sứ hoa văn màu xanh da trời khá giống với tưởng tượng của Thu Đào về nội thất thời phong kiến. Trông căn phòng chẳng có vẻ gì là nơi riêng tư của ai, nàng đánh bạo bước vào để xem thử "thư viện" ở đây có khác gì với Sử Quán mà Lê Tuấn đã dắt nàng đi hay không.

Tò mò về những quyển sách trên giá, Thu Đào hết cầm quyển này lên lại đặt quyển kia xuống, tuy chữ bên trong đọc không hiểu được bao nhiêu, nhưng việc được tận mắt xem, tận tay sờ vào những đồ vật thời phong kiến như thế này, đối với Thu Đào là một trãi nghiệm cực kỳ lý thú. Mãi lo xem sách, nàng quên mất phải đi tìm căn phòng và giá nến bí ẩn kia.

Một ngọn gió từ cửa sổ lùa vào, những trang giấy của quyển sách để trên bàn bị thổi bay tự lật sang trang nghe "sột soạt". Tiếng động đó làm Thu Đào chú ý, nàng nghiêng đầu nhìn qua thì tình cờ thấy quyển sách đang mở ra sẵn trang cuối. Thu Đào tò mò đến gần nhìn thử, thứ nằm gọn trên trang sách đập vào mắt làm nàng giật mình thon thót, sống lưng lạnh toát như có luồng điện chạy ngang qua. Hình đóa hoa đào hệt như giá nến đang chễm chệ nằm trên trang giấy như để trêu ngươi Thu Đào, nàng reo lên trong tâm thức:

- Vất vả biết bao nhiêu mới tìm thấy mày, nhưng mày lại chỉ là một hình vẽ?

*****

Mặt trời sắp lặn, chùa Huy Văn lại đón thêm một vị khách quý lúc cuối ngày. Lê Tuấn mang theo tay nải có chứa bộ quần áo định tặng cho Thu Đào nhưng mãi chưa có dịp, chàng định bụng sau khi bàn chính sự với Lê Hạo xong sẽ lại ghé qua phủ Điện Tiền tìm gặp nàng.

Không ngờ vừa đến chùa thì gặp được cả nhà Nguyễn Đức Trung, Lê Tuấn quyết định sẽ cùng em trai nghị sự ở thư phòng trước rồi mới đi tìm Thu Đào, vì lúc này đã bỏ đi chơi đâu đó trong chùa.

Cùng anh trai về đến cửa thư phòng, Lê Hạo thoáng thấy có bóng người đang cầm quyển sách mình quý trọng nhất bèn nóng lòng chạy nhanh vào. Lê Tuấn ở sau lưng cũng theo phản xạ mà vội đuổi theo xem có việc gì. Chưa kịp nhìn rõ kẻ lạ mặt là ai, Lê Hạo đã căng thẳngquát lớn:

- Ai đó?

Bị tiếng quát làm giật mình, Thu Đào đánh rơi quyển sách đánh "bộp" xuống đất.

Khi đã nhìn rõ kẻ đột nhập là Thu Đào, Lê Hạo liền dịu nét mặt lại, chàng ngạc nhiên hỏi:

- Nàng đến đây từ khi nào?

Lúc bấy giờ Lê Tuấn cũng vừa bước vào, nhìn thấy Thu Đào đang phá phách trong thư phòng của Lê Hạo bèn trêu ghẹo:

- Thì ra là Thu Đào tiểu thư, bị nàng ta ghé thăm thì không chừng thiệt hại còn nặng nề hơn bị trộm đột nhập đó!

Thu Đào lúc này mới biết đây là chỗ ở của Lê Hạo, nàng bối rối xin lỗi:

- Ta... ta cứ tưởng đây là thư viện của chùa có thể vào thăm thú được... nên là ...

Vẻ lúng túng của nàng làm Lê Tuấn thấy thương xót, không muốn làm Thu Đào khó xử nên chàng lại pha trò để chuyển câu chuyện sang hướng khác:

- Nàng thích đọc sách à? Đang tìm sách nào, nói ra xem thử...

Câu nói chưa kịp hoàn chỉnh thì Lê Tuấn đã tự đưa tay bịt miệng chính mình, chàng rụt cổ nhận ra mình vừa có một cú trợ giúp đi vào lòng đất. Vốn định giải vây cho Thu Đào khỏi khó xử, nhưng chàng lại hỏi một kẻ mù chữ như nàng "thích đọc sách à?", nghe thật là chói tai. Quả như Lê Tuấn tự nghĩ, Thu Đào dùng ánh mắt sắc lẻm thè lưỡi ra lêu lêu chàng, giọng bất mãn:

- Ngươi xiên xỏ ai đấy hả?

Lê Tuấn vẻ biết lỗi, gãi đầu nói đùa:

- Ta... chỉ định giúp nàng thoát khỏi hiềm nghi là kẻ trộm thôi mà?

- Rồi giúp dữ chưa? Hay lại trêu ta mù chữ? – Thu Đào hừ lạnh.

Lê Hạo không chú ý đến sự tranh cãi của hai người họ, chàng vội vàng nhặt quyển sách dưới chân Thu Đào lên, nâng niu dùng vạt áo lau qua một lượt, đoạn lại nói giọng hoài niệm:

- Nơi này trước kia nàng vẫn hay tới lui cùng chúng ta đọc sách viết chữ, không cần phải ngại đâu, nàng cần gì cứ nói.

Thu Đào lườm Lê Tuấn một cái rõ dài rồi thành thật khai:

- Ta không biết chữ nên không phải là tìm sách...

Ngừng lại một lúc, Thu Đào chỉ tay vào hình vẽ hoa đào ở trang sách mà hỏi dò:

- Ta muốn tìm một chiếc giá nến, trong chùa này có chiếc giá nến nào được đúc hình hoa đào thế này không?

Lê Hạo không hiểu vì sao nàng lại muốn tìm chiếc giá nến ấy, nhưng vẫn đáp:

- Ta chưa từng thấy qua giá nến nào như vậy, nàng tìm nó để làm gì?

Nỗi thất vọng ngập tràn làm nét mặt Thu Đào chùng hẳn xuống, nàng chán nản nói cho qua chuyện:

- Không làm gì cả, chỉ vì thấy thích một chiếc giá nến hình hoa đào thôi!

Nghe nàng nói thích một chiếc giá nến hoa đào, Lê Tuấn bèn kín đáo quan sát và cố ghi nhớ từng đường nét của đóa hoa trên trang giấy. Xong đâu đấy, chàng lại bất chợt nỗi hứng muốn chớp lấy thời cơ tìm hiểu thêm về sở thích của Thu Đào, bèn viện cớ:

- Hẹn trước không bằng tình cờ gặp! Hôm nay trăng đẹp, nàng cùng chúng ta uống trà ngắm trăng nhé!

Một nụ cười thoáng qua trên môi, Lê Hạo lại nhớ đến cô bé Thu Đào trước kia của chàng tham ăn vặt, bất kỳ khi nào có dịp cùng nhau buôn chuyện nàng đều phải có thứ gì cho vào miệng thì mới chịu được, bèn nói:

- Anh và Thu Đào ra đình hóng mát trên hồ cẩm lý trước đi, em chuẩn bị ít bánh ngọt rồi mang ra ngay.

Về phần Thu Đào, vì chưa tìm ra được thứ mình muốn nên nàng không mấy hứng thú dạo chơi. Nhưng lại nghĩ dù sao cha mẹ vẫn chưa có vẻ gì là sắp về nhà nên mới miễn cưỡng đồng ý đi cùng để giết thời gian vậy. Nàng khinh khỉnh nhìn Lê Tuấn, giọng vẫn còn cay cú mà đáp:

- Ta mù chữ không biết thưởng trà ngâm thơ gì đâu nhé, hai người cứ tự nhiên trổ tài cho ta dự thính vậy!

Lê Tuấn rụt cổ, chấp hai tay trước mặt tỏ ý xin lỗi:

- Rồi, ta sai, xin lỗi đại tiểu thư!

Thu Đào khoanh tay hống hách bước ra khỏi cửa, lúc đi ngang qua Lê Tuấn nàng còn cố tình húc vào vai chàng một cái thật mạnh, định bụng sẽ khiến chàng chới với té ngửa cho hả giận. Nhưng người tính không bằng trời tính, Lê Tuấn là người học võ từ bé nên thế đứng lúc nào cũng vững chải, cộng thêm thân hình cao lớn rắn chắc nên cú va đập Thu Đào tạo ra chẳng mảy may làm thân thể chàng lung lay lấy một chút, trái lại Thu Đào còn bị phản lực làm cho bật ngửa về phía sau vài bước.

Lê Tuấn đoán biết ý đồ xấu xa của Thu Đào vừa bị thất bại thảm hại, chàng bật cười ha hả, khoái trá nói:

- Lần này là do nàng bụng làm dạ chịu, không trách ta được!

- Tên thị vệ chết tiệt!

Thu Đào tức tối vung tay định đấm Lê Tuấn, chàng thì nhanh thoăn thoắt lách người sang một bên vùng bỏ chạy trong tiếng cười khanh khách.

****

Thật ra... tuy có lúc Thu Đào chán ghét tên thị vệ tên Lê Tuấn này, nhưng ở hắn có một thứ khiến nàng thích vô cùng: đẹp trai!

Trên con đường nhỏ lát đá màu xanh dẫn ra hồ cẩm lý, Thu Đào cố ý đi theo phía sau Lê Tuấn để được ngắm nhìn cái bóng lưng cao lớn của hắn. Cũng không biết từ khi nào Thu Đào để ý thấy dáng người của Lê Tuấn rất đẹp, nàng rất thích nhìn bờ vai rộng vững chải và tỷ lệ hoàn hảo giữa chân và lưng của hắn. Nếu không trở về Lê Triều và gặp được Lê Tuấn, Thu Đào sẽ mãi mãi không biết thì ra thị vệ thời Lê Sơ của Đại Việt lại có sắc vóc đỉnh cao như thế. Không biết bao lần nhìn Lê Tuấn mà nàng trộm nghĩ nếu hắn xuyên không về thế kỷ hai mươi mốt được thì chắc sẽ một tay khuấy đảo showbit Việt Nam mất thôi!

Đang mãi ngắm trai mê muội, Thu Đào bất chợt nỗi hứng tò mò không biết Lê Bang Cơ trông như thế nào. Nàng cười lém lỉnh rồi rảo bước thật nhanh đến, bước sóng đôi bên cạnh Lê Tuấn, Thu Đào nhỏ giọng hỏi:

- Ê, Hoàng Thượng trông như thế nào?

Nghe xong câu hỏi, Lê Tuấn chợt khựng lại một chút. Khẽ nhếch môi một cái, chàng híp mắt hỏi lại:

- Sao? Muốn biết chồng tương lai trông như thế nào à?

- Xía! Không nói thì thôi, sao phải chế giễu ta? – Thu Đào bất mãn đáp.

Lê Tuấn đã cố mím môi thật chặt rồi, nhưng không hiểu sao tiếng cười vẫn bật ra không tài nào khống chế được, chàng lại trêu:

- Thế mà lúc nào cũng nói là không muốn làm vợ vua!

Thu Đào mặt mày bỗng tiu nghỉu, nàng chán nản nói:

- Dù sao cũng lưu lạc đến tận đây nên ta muốn gặp Hoàng Thượng một lần cho biết thôi! Cứ muốn gặp ai là phải mong làm vợ người đó à? Suy luận như ngươi thì chắc ta muốn làm vợ nhiều người lắm đó!

Nghe qua lời nói kỳ lạ, Lê Tuấn nghiêng đầu thắc mắc:

- "Lưu lạc đến đây?" Nàng... từ đâu lưu lạc đến? Mà, mà nàng muốn gặp ai nữa?

Đến đây, đôi mắt Thu Đào bỗng dán chặt trên người Lê Tuấn đầy kỳ vọng rằng chàng sẽ giúp mình gặp được những nhân vật xưa giờ chỉ được đọc trong sách vở. Thu Đào nở nụ cười đầy mưu mô rồi à lên một tiếng đầy thỏa mãn, nói:

- Phải rồi há! Ngươi là thị vệ bên cạnh Hoàng Thượng nên chắc chắn đã gặp qua Thái Hậu nhỉ?

Lê Tuấn khẽ gật đầu:

- Tất nhiên!

Thu Đào lại tiếp:

- Các vị công thần khai quốc Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Lý Triện...

Đang nói bỗng dưng Thu Đào ngưng lại vài giây, nàng nhíu mày cố lục tìm trong trí nhớ xem thời điểm này những nhân vật nào còn sống. Nàng lẩm nhẩm:

- Ai nữa nhỉ? À, thái úy Lê Thụ... trời ơi... ai nữa nhỉ?

Thoáng ngạc nhiên vì sự hiểu biết của Thu Đào đối với các vị đại thần trong triều, Lê Tuấn trố mắt khen ngợi:

- Không tồi nhỉ? Khuê nữ mà kiến thức như thế đúng là chỉ có đại tiểu thư phủ Điện Tiền. Nhưng... nàng muốn gặp họ để làm gì?

- Để biết mặt vậy thôi đó! – Thu Đào nhanh nhảu đáp.

Xong, lại nghĩ rằng Lê Tuấn chẳng qua là một thị vệ nhỏ nhoi, có khi chính hắn cũng chưa bao giờ được gặp các nhất phẩm đại thần đó, Thu Đào bèn bĩu môi khinh khỉnh nói:

- Sao? Ngươi có bản lĩnh giúp ta được làm quen với họ không đấy?

Lê Tuấn bật cười ha hả, chàng phe phẩy chiếc quạt giấy trên tay rồi nói giọng trầm trầm chắc nịch từng câu từng chữ:

- Ngoại trừ Lý Triện đã qua đời ra, nàng muốn gặp bất cứ ai Hoàng Thượng cũng đều giúp nàng toại nguyện!

Thu Đào nghe xong liền bực bội nói:

- Có cách nào không làm phi tần của vua mà vẫn gặp được các đại thần không?

- Có!

- Cách gì?

- Làm vợ quan lớn!

- Lớn cỡ nào?

- Ngự tiền thị vệ!

Buông lời trêu ghẹo xong, Lê Tuấn xòe quạt phe phẩy ra chiều đắc ý, chàng nhìn đôi má đỏ lựng của Thu Đào mà có cảm giác thành tựu lắm, bởi nếu không có ý gì với nhau thì chẳng việc gì phải ngượng cả.

Sau phút thẹn thùng vì bị tên con trai mặt dày trêu ghẹo, Thu Đào hậm hực một tay chống tay lên hông, một tay trỏ vào ngực Lê Tuấn hâm dọa:

- Ngày mai vào cung dự yến ta sẽ tìm gặp Hoàng Thượng và kể cho Người nghe tên thị vệ to gan này dám trêu ghẹo người phụ nữ của Hoàng Thượng. Ta sẽ xúi giục Người biến ngươi thành thái giám!

Lê Tuấn nghe lời hâm dọa chẳng những không sợ mà còn nói vẻ thách thức:

- Vậy đợi đến mai gặp được Hoàng Thượng rồi hẳn hay!

- Ngươi chờ đó! – Thu Đào hất hàm nói.

Xong, nàng liền rảo bước đi trước không thèm ngoảnh lại cái nào.

Mang theo bộ y phục muốn tặng Thu Đào mà mãi chưa có dịp, lúc bấy giờ khi nàng nhắc đến cung yến Lê Tuấn mới chợt nhớ ra. Chàng vội vàng bước đến đi sóng đôi bên cạnh Thu Đào, thuận tay dúi tay nải cho nàng, nói:

- Hoàng Thượng bảo ta mang đến cho nàng, hãy mặc nó mà đi dự cung yến!

Lại nhận được quà từ vua, Thu Đào tuy vui nhưng trong lòng lại dâng lên niềm thương tiếc khó tả mỗi khi nghĩ đến Lê Bang Cơ. Nàng ôm tay nải trong tay mân mê một lúc rồi thở dài, giọng xa xăm hỏi:

- Hoàng Thượng là vị vua rất tốt đúng không?

Lê Tuấn nghe xong bất giác mỉm cười, ánh mắt chợt sáng lên một tia nhìn lạ lẫm, chàng nói:

- Nàng nghe ai nói như thế?

Thu Đào buông ánh mắt xa xăm đáp:

- Sử sách!

Lê Tuấn thoáng chút ngạc nhiên vì rõ ràng chàng vẫn đang sống sờ sờ, lại là hoàng đế đương triều, nhưng sao mỗi lần nhắc đến vua Thu Đào lại tỏ cái thái độ như nhắc về một người quá cố? Lê Tuấn nhíu mày khó hiểu hỏi:

- Sử sách nào? Hoàng Thượng đang tại vị mà?

Lúc bấy giờ Thu Đào mới lại sực tỉnh vì biết mình lại lỡ lời, nàng tằng hắng vài cái rồi sửa lại:

- À thì, Ngô Tư Nghiệp đang là quan chép sử của triều ta mà, ông ấy đã viết như vậy?

- Nàng xem sử thư ông ấy viết ở đâu?

- Thì Sử Quán, ngươi hay dắt ta đến còn gì?

- Nhưng nàng đâu có biết chữ? Mỗi lần đến đó toàn là ta đọc cho nàng nghe mà?

Bị truy hỏi quá bí bách, Thu Đào bỗng nhiên cuống cuồng lên như người làm chuyện xấu bị bắt quả tang. Rồi bí quá hóa giận, nàng cau mặt gắt:

- Ta thích nghĩ về chồng tương lai của ta như thế đấy! Ngươi hỏi lắm thế?

Lê Tuấn lại thộn mặt ra:

- Nàng thật khó hiểu, rõ ràng nói không muốn làm vợ vua, bây giờ lại nhận vơ Hoàng Thượng là chồng?

- Ơ hay, cái tên chết tiệt này, ngươi không bắt bí ta thì sẽ buồn chết hả?

Sau lời mắng nhiếc, Thu Đào ném tay nải vào ngực Lê Tuấn đánh "bụp" một cái rồi đuổi theo chàng mà đánh.

Lê Tuấn lại ôm đầu vừa chạy vừa than:

- Y phục của Hoàng Thượng tặng là dành cho cô nương dịu dàng nhu mì, đúng là không hợp với người thô lỗ như nàng!

- Phải, hôm nay cho ngươi biết ta thô lỗ tới cỡ nào!

- Cứu mạng!

Ánh trăng vằng vặc đổ xuống mái che của gia kiều một màu vàng óng ánh, trăng cũng lặng lẽ soi đường cho họ đuổi bắt nhau, tiếng cười đùa vang vọng khắp một góc sân.

Lê Tuấn đang hí hửng bỏ chạy với tốc độ khá nhanh thì một thiếu nữ đột ngột xuất hiện từ phía bên kia gia kiều làm chàng giật mình đứng sững lại, Thu Đào đang đuổi theo ngay sau chàng nên không kịp phanh lại, cứ thế đâm sầm vào lưng Lê Tuấn. Cú va chạm làm Thu Đào bật ngửa ra phía sau vài bước. Một tay xoa trán, Thu Đào phồng má định mắng Lê Tuấn tiếp thì đã thấy cô em gái của mình đang chật vật với ba bốn chiếc lồng đèn cùng hai đĩa bánh bột đậu trên tay, nàng ta mang xách luộm thuộm, nét mặt như thể chỉ tiếc không mọc thêm được một cánh tay nữa. Cả hai đều bất ngờ khi gặp nàng ta nên buộc miệng đồng thanh:

- Thu Hằng!

---- Hết chương 27 ----

Chú thích:

1.(*) Gia kiều: Lỗi kiến trúc "thượng gia, hạ kiều", nghĩa là một chiếc cầu bắt ngang sông, trên cầu có xây mái che như một ngôi nhà. Lối kiến trúc này là thường gặp ở thời phong kiến, trong cung vua hoặc những gia đình giàu có thường dùng làm nơi nghỉ ngơi hóng mát.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro